Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Chuyện tàu Titanic

Chuyện tàu Titanic

Chúng ta, từ bao đời luôn đối mặt với những thảm họa. Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh. Điều căn cốt của tinh thần Việt Nam là sự đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau, theo cách của từng người.
Chúng ta đang trong một cuộc chiến tranh
“Chống dịch như chống giặc”, “những chiến sỹ trên tuyến đầu”, “đối mặt với kẻ địch vô hình”, “bao vây, truy vết, dập dịch”, “vaccine là tấm khiên bảo vệ”, “bảo vệ vùng xanh, ngăn chặn vùng đỏ lan rộng”, “người dân sơ tán chạy dịch”, “cuộc chiến cam go”…
Gần hai năm nay, chúng ta đã thường xuyên nghe những lời nói đó ở mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong những thôn làng, ngõ phố, qua phát biểu của những người lãnh đạo đất nước, bên bữa cơm gia đình. Từ người lớn tuổi đến những đứa trẻ năm sáu tuổi đều hiểu và nói về Covid Vũ Hán với những kiến thức cơ bản nhất.
Chúng ta cũng quen với việc kiểm tra tin nhắn trên điện thoại vào lúc sáng sớm, khi trưa về, chăm chú xem các ban tin thời sự 12h trưa hay 18h30 tối trên VTV1 để nghe thông báo số người khỏi bệnh, số người nhiễm mới, những vùng mới nào có thêm người nhiễm, số người đã tử vong vì Covid-19. Ai cũng ngóng xem thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những tiến bộ gì trong nghiên cứu, phát minh, hướng điều trị gì để cứu người.
Giờ đây, mỗi khi nghe câu “tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp”, những ai có một tuổi thơ ám ảnh qua những năm tháng chiến tranh, có cảm tưởng như đó chính là tiếng còi hú báo động. Máy bay địch đến, bom rơi trên mái nhà ta, trên nắp hầm trú ẩn của con em ta, trên những dãy phố dày đặc người, trong bệnh viện, nơi trường học, cái chết có thể đến từ trên trời, vào bất cứ lúc nào…
Tất cả nói lên một điều: đất nước chúng ta đang thực sự trong một cuộc chiến tranh!
Đấy không phải là một cuộc chiến tranh giả tưởng trong những bộ phim mà chúng ta có thể ngồi trên đi văng nhà mình vừa ăn bỏng ngô vừa xem, căng thẳng, dữ dội nhưng chúng ta có thể thở phào khi hết phim.
Đây là một cuộc chiến tranh vô cùng đặc biệt, vô cùng tàn khốc, nơi bất cứ ai cũng có thể phải đi cheo leo giữa lằn ranh sinh tử.
Kẻ thù trong cuộc chiến tranh này giấu mặt, vô hình, luôn biến đổi để trở nên hiểm độc hơn, với khả năng tìm kiếm, mở rộng phạm vi nạn nhân với tốc độ kinh hoàng.
Không có bất kỳ ai có thể an toàn tuyệt đối trước kẻ thù trong cuộc chiến tranh này, dù đó là vị nguyên thủ quốc gia, người nghệ sĩ vĩ đại, nhà triệu phú, tỷ phú “không có gì ngoài tiền”, hay người kỹ sư, bác sĩ, người lao động chân tay bình thường.
Một cuộc chiến tranh mà không chỉ riêng đất nước ta, người dân chúng ta mà là toàn nhân loại đang phải đối mặt.
Và điều đáng sợ là cho dù nhân loại ấy đã căng mình ra để chống chọi, đã tập trung những nguồn lực khổng lồ, đã nỗ lực tưởng chừng như cạn kiệt sức lực, thế nhưng cho đến giờ phút này, vẫn chưa có được một loại vũ khí nào hoàn toàn hữu hiệu để chống lại kẻ thù nguy hiểm này.
Thảm họa hơn một thế kỷ trước
Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tôi (và chắc không chỉ tôi mà còn rất nhiều người khác nữa) đã say mê xem bộ phim Titanic, về thảm họa đắm tàu kinh hoàng diễn ra vào một đêm không trăng, trên Đại Tây Dương. Kể từ đó, tôi để tâm tìm đọc càng nhiều càng tốt những gì liên quan đến thảm họa tàu Titanic đã khiến cho trên dưới 1500 người chết trong làn nước lạnh lẽo của đại dương.
Ở vào thời điểm đầu thế kỷ trước, đấy là một thảm kịch.
Nhưng điều duy nhất trong bộ phim này đọng lại trong tôi, không phải là mối tình thơ mộng giữa chàng họa sĩ đẹp trai thuộc giai cấp lao động với cô tiểu thư con nhà giàu, mà chính là những cảnh tượng khi con tàu sắp đắm. Với tôi, đấy là những người đàn ông, những người đàn ông đích thực, đã nhường suất xuống xuồng cứu sinh cho phụ nữ, trẻ em. “Phụ nữ và trẻ em đầu tiên!” (xuống xuồng cứu sinh), đấy là mệnh lệnh nổi tiếng nhất của con tàu Titanic, dù không biết ai là người đầu tiên đã nói ra câu ấy.
Rất nhiều người đã quên mối hiểm nguy đang chực chờ, cái chết có thể ập tới bất cứ lúc nào, tìm mọi cách để đưa trẻ em, phụ nữ xuống các xuồng cứu sinh. Thuyền trưởng tàu Titanic, sau khi ra lệnh đưa phụ nữ và trẻ em xuống các xuồng cứu sinh, đã ở lại cùng với con tàu cho đến khi nó chìm hẳn.
Trong bộ phim đẫm nước mắt ấy, nhiều người đã nhường sự sống của mình cho những người khác.
Và cũng như trong nhiều thảm họa, cũng có những kẻ, hiếm hoi thôi, tìm mọi cách để tranh giành với phụ nữ, trẻ em quyền xuống các xuồng cứu sinh, cũng là giành quyền sống của những con người yếu ớt, nhỏ nhoi…
Ở đâu?
Trong bất kỳ cuộc chiến tranh, một thảm kịch nào, mỗi người đều có thể có một chỗ đứng, một vị trí, một lựa chọn, một cách ứng xử.
Cuộc chiến với kẻ thù là virus Vũ Hán không phải một thảm kịch kiểu Titanic. Nếu chỉ đơn thuần xét về quy mô thương vong, với hơn 200 triệu người trên khắp thế giới đã nhiễm bệnh, hơn 4 triệu người tử vong, nó là một thảm kịch Titanic được nhân lên gấp nhiều lần, với sự tàn phá khủng khiếp.
Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải là thế giới đã (hoặc sẽ) mất mát đi bao nhiêu con người nữa trước thảm họa virus Vũ Hán? Cái tôi muốn nói ở đây là cái cách mà con người trong thế giới này sẽ lựa chọn vị thế nào khi đối mặt với “tảng băng trôi” chết người Covid-19?
Đó chính là cái cách mà chúng ta ứng xử trước thảm họa, khi mà đồng loại, trong đó có bản thân chính chúng ta, đứng trước lâm nguy.
Trong thảm họa Titanic, có lẽ không có bất cứ một ai trong số các nạn nhân còn kịp lên án nhà tàu đã không kịp thời phát hiện thấy tảng băng trôi, đã không lường trước được thảm họa, đã không bố trí đủ các xuống cứu sinh, không tổ chức cứu sinh khoa học, kịp thời, sao các tàu khác nghe tín hiệu khẩn nguy mà không chịu đến cứu…
Những lời than van, chửi rủa, chỉ trích, lên án, đổ tội, đều vô nghĩa trước cái chết đang ở ngay trước mặt.
Lúc đó chỉ có duy nhất mệnh lệnh cao hơn tất cả: Phụ nữ và trẻ em đầu tiên!
Đó là những người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trên con tàu Titanic.
Hai năm nay, đối diện với virus Vũ Hán, mỗi người đều phát hiện ra khả năng của mình để thích nghi với bình thường mới. Con người luôn bị đặt trước những thử thách mà họ tự nhiên phải chấp nhận, để tồn tại. Đau nhất là người phải tránh người – điều mà chiến tranh không bắt người ta phải ứng xử như vậy. Ai cũng có thể là F0,  và có thể làm lây lan dịch vì chính họ không biết. Và, chúng ta nhanh chóng quen với kiểu giao tiếp mới. Bằng mắt. Những đôi mắt đầy nước, hay ánh lên niềm tin truyền thông điệp cố lên, rồi sẽ vượt qua thôi.
Thói quen thay đổi. Trật tự đời sống đảo lộn. Nghiễm nhiên mỗi người phải thay đổi chính mình để thích nghi với hoàn cảnh sống mới không phải do họ chọn, mà do virus xâm lấn. Không chấp nhận. Không được. Không còn thỏa mãn những ước muốn nhỏ nhoi đơn giản như một ngày thu ngồi vỉa hè với những người bạn, hay đơn giản là ăn bát hủ tíu mỗi khi đặt chân lên đất Nam Bộ. Virus Vũ Hán gieo không khí tang tóc lên những nơi nó quét qua. Và, làn sóng thứ tư quay lại với Việt Nam, khiến số lượng người nhiễm lên con số nghìn mỗi ngày. Người chết hàng trăm.
Nhưng, dù chiến tranh kiểu gì, đại dịch tàn khốc đến đâu thì tinh thần đoàn kết và sự chia sẻ vẫn luôn cần như sự cứu rỗi hiện hữu  mỗi ngày. Dù phải che kín để không làm hại nhau, nhưng ai cũng có thể đem lại niềm tin cho nhau, cứu nhau qua bữa đói. Để những người dễ bị tổn thương không bị bỏ lại, như cành cây mục trên bãi biển khi triều sóng rút đi.
Nhân loại, trong hàng ngàn năm, từng trăn trở với câu hỏi: “Quo Vadis?”- Đi đâu?
Trong cuộc chiến với virus Vũ Hán này, câu hỏi là: (chúng ta) ở đâu?
Đó đây, vẫn còn những kẻ có chức quyền giàu có và vô cảm chơi golf trong ngày giãn cách, hay né trách nhiệm, đẻ ra những yêu sách hành dân vì tao có quyền, nhân danh tao đang chống dịch…. sợ trách nhiệm, giết nhầm hơn bỏ sót. Loại đấy, thời nào cũng có, giống những gã đàn ông cố bằng mọi cách nhảy xuống xuồng cứu sinh khi tàu Titanic chìm. Nhưng, rất may, những kẻ đó là số ít, và đời cũng chẳng khá gì dù “khôn hết phần người khác”.
Chúng ta, từ bao đời luôn đối mặt với những thảm họa. Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh. Điều căn cốt của tinh thần Việt Nam là sự đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau, theo cách của từng người. Trong trận chiến chống Covid 19 này, với từng đoàn bác sĩ lên đường tình nguyện vào vùng dịch hỗ trợ đồng nghiệp luôn làm mọi người chảy nước mắt. Rất nhiều người đi từ thiện hay tham gia tình nguyện như mang xe nhà chở bệnh nhân Covid đi cấp cứu đã ra đi vì Covid. Những gói quà bỏ vội trước những cánh cửa cứu đói cho người dân không kịp chuẩn bị lương thực trước khi nhà mình bị nằm trong khu phong tỏa.
Đối mặt với cuộc chiến tàn khốc này, tình thương, tinh thần trách nhiệm, nghĩa đồng bào và những quyết sách sáng suốt của các cấp lãnh đạo từ trên xuống dưới sẽ giúp dân tộc vượt qua sóng gió.
31/8/2021
Nguyễn Thị Thu Huệ
Nguồn: Văn Nghệ số 34/2021 Bộ mới
Theo https://vanhocsaigon.com/

Lá thư thắm tình yêu thương của cô giáo Phan Hồng Cẩm

Lá thư thắm tình yêu thương của
cô giáo Phan Hồng Cẩm

Hà Tĩnh ngày 23.8.2021
Thương yêu nhắn gửi các em học sinh của cô!
Nắng vẫn dịu dàng trong mắt thu! Thoảng trong gió, ta nghe rõ tiếng gọi tha thiết: Hãy thiết lập một đường truyền!. Cụm từ “đường truyền” cứ ngân lên trong tim cô suốt cả những ngày thu nồng nàn dằng dặc. Và cô đã biết mình cần phải làm ngay một điều gì đó cho những ngày Covid đừng qua đi trong chậm chạp và mệt mỏi.
Chào các em yêu quý! Chào những nụ cười trong trẻo của mùa thu! Các em hãy cùng cô cất lên giai điệu của sự kết nối nhé! Học trực tuyến không còn xa lạ với các em nữa. Nhưng tựu trường và khai giảng online thì hẳn là có nhiều hụt hẫng!… Đặc biệt, với những chiến binh đầu cấp nén lòng cả mùa ve ngân, háo hức đến tiết thu mát dịu để bước vào cánh cửa mới. Những ánh nhìn trong veo, những bước chân vừa bỡ ngỡ vừa tự tin đã hiển hiện trong trái tim cô…
Hôm nay, thầy cô lại được tập huấn lại về kĩ năng dạy học trực tuyến, rồi miệt mài thiết kế lại bài học để linh hoạt thích nghi với mọi hoàn cảnh. Mỗi bài học có thể đặt ở các trạng huống khác nhau: offline – online 75% – online 50% – online 25%… Điện thoại của các thầy cô lâu lâu lại sáng lên vì những thông báo cập nhật mới của trường thay đổi từng ngày, từng buổi.
Ngay bây giờ, điều kì diệu nhất mà ai ai cũng mong muốn là được dạy học offline. Có cậu lớp 12 dí dỏm nhắn cho cô rằng: Cô ơi! Em muốn bị cô búng tai thử một lần! Em muốn đượ cô gọi lên bảng trả bài ! Em thèm cảm giác bị cô nhắc nhở: “Anh kia! Ngồi ngay ngắn lại nào”…Ngay bây giờ, kể cả tiếng bước chân chạy bình bịch và tiếng thở hổn hển cùng một “rổ” lí do muộn giờ của các anh “cá biệt” cũng là mơ ước đến cháy lòng!
Đó là hôm qua! Đó là ngày mai! Hôm nay, thì vẫn chưa được các em ạ!
Dịch vẫn đang rất căng thẳng. Chúng ta vẫn đang cảm nhận rất rõ về  ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhưng triệu triệu con tim và khối óc  đang gồng mình chống dịch với niềm tin mãnh liệt. Khi Sài Gòn bước vào ngày đầu tiên thực hiện lệnh giới nghiêm để xiết chặt giãn cách thành phố. Khi màn đêm đang lặng yên, khi chúng ta đang chìm vào giấc ngủ thì lễ xuất quân âm thầm để kịp “thời khắc lịch sử” của thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào đêm 22/8. Khi mà hàng nghìn quân nhân, y bác sỹ, chiến sỹ của Học viện Quân y đã đặt chân vào mảnh đất miền Nam ruột thịt… Chúng ta hãy học cách biết ơn và đây là lúc cô trò chúng ta phải tiếp tục hành động.
Khi mà các anh chị vừa tốt nghiêp THPT với những điểm số đáng tự hào đang chờ đợi cho chặng đua tiếp theo thì các em hãy chuẩn bị hành trang bước vào ngưỡng cửa mới nhé! Dù có thể không gặp nhau trực tiếp trên giảng đường thì cô tin rằng chúng ta vẫn luôn cùng chung một chí hướng, chung một bầu trời ước mơ và nhiệt huyết cháy bỏng. Chúng ta sẽ gặp nhau trên Zoom, Team, Google meet, Zalo, facebook… Ngay từ bây giờ, hãy xác lập thói quen thích nghi với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống. Đừng ngại ngần với công nghệ! Hãy chịu khó tự học những thứ chúng ta chưa biết, các em nhé!
Ngoài sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ; quần áo giản dị, sạch sẽ; nước uống thường xuyên; khẩu hiệu 5k…, các em hãy  thiết lập giúp cô một đường truyền. Đường truyền của niềm tin, của đam mê, của bản lĩnh và trí tuệ. Mỗi chúng ta sẽ là một sợi truyền để giữ giữ lửa. Hãy nhìn sang bên cạnh các em, những bạn chưa có máy tính, không có smartphone, nếu vẫn chưa đến trường được, hãy hỗ trợ các bạn ấy. Bên cạnh chúng ta, nếu có bạn nào từ vùng dịch trở về, hãy tìm cách kết nối an toàn, để bạn không bị lỡ nhịp… Vốn dĩ, cô biết các em là những đứa trẻ biết nhường cơm sẻ áo, biết yêu thương những ai khốn khổ hơn mình… Đó là cách để các em, các thầy cô thiết lập những đường truyền đấy các em ạ!
Khi chúng ta đã thiết lập đường truyền rồi, cô tin rằng chẳng có một con virut nào có thể hạ gục nổi chúng ta. Hãy là những chiến sĩ yêu nước trên mặt trận văn hóa. Hãy không ngừng học tập và sáng tạo. Hãy học từ những điều nhỏ nhoi, bình dị nhất. Hãy biết yêu từ những thứ nhỏ bé nhất! Hãy học cách thử sức chịu đựng của mình nhiều hơn. Hãy biết yêu thương, trân trọng bản thân và những người bên cạnh mình nhiều hơn… Cứ thế! Cứ thế… chúng ta nhất định sẽ có một đường truyền bất tận.
Yêu thương và mong chờ các em nhiều lắm!.
1/9/2021
Phan Hồng Cẩm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Ly trà phảng phất mùi hương quế

Ly trà phảng phất mùi hương quế

Chuyến về Qui Nhơn của tôi lần này có nhiều điều mới lạ.
Khác với những lần về trước để tham dự đám cưới của các cháu hay gặp các em chồng từ xa về thăm quê, mà chuyến về lần này chúng tôi muốn được dừng lại và suy ngẫm, sau những tháng ngày căng thẳng trong thành phố lớn.
Vì trong mùa Vu Lan nên chúng tôi cũng được tham dự cùng hai em Nga, Tự, Châu và Kim Đức vào chuyến đi làm từ thiện mà từ nhiều năm gia đình chồng thực hiện vào tháng 7 hằng năm. Tiền được các anh em con cháu trong nhà chồng đóng góp và có sự đóng góp của các bạn hữu hay đồng hương từ phương xa như Mỹ, Úc, Na Uy… gửi về.
Lần đầu tiên tôi đến thành phố QN là vào năm 1990, và từ đó đến nay thành phố này đã có nhiều thay đổi lớn, nhất là những năm về sau. Những khách sạn mới, những bãi biển dài, sạch sẽ, xinh đẹp và mời gọi,  trên đường phố có nhiều quán ăn đặc sản và nhiều nơi vui chơi… tất cả  đều có thể làm thõa mãn những du khách đến từ xa.
Nhưng tôi chưa bao giờ xem mình là du khách vì trong hầu hết những chuyến đi ở VN hay qua các nước khác, đều là những chuyến đi thăm bạn bè, để gặp gỡ và trao đổi tâm tình và kinh nghiệm sống cùng họ.
Với một du khách, chỉ cần một bức hình chụp selfie đứng cạnh một ngôi chùa hay giữa hai  hàng cây trước biển, cầm một chiếc nón lên máy bay rồi sau đó bỏ vào kho hay treo lên vách để làm kỷ niệm về một chuyến du lịch sang một nước Đông nam Á xa xôi.
Nhưng với tôi, sống ở VN có nghĩa là xúc cảm, là tìm trong sự khác biệt những điều mà chúng ta giống nhau và xem đó như một kho tàng quý báu, nhận được từ sự tương tác và cảm thông.
Sau khi tắm biển, chúng tôi thường ăn một tô bánh canh nóng rồi cùng chạy xe máy đến sân nhà Châu và Kim Đức. Thật bất ngờ, lần này tôi nhận ra ngay điều mới lạ: Từ chiều đến tối mọi người có thể thoải mái ngồi bên chiếc bàn con để nhấm nháp những ly trà thơm mát, ai có thời gian và muốn thì dừng chân còn nếu vội cũng có thể mua để mang về nhà.
Trên mọi ngả đường ở QN có rất nhiều hàng quán bán thức uống, coca cola hay nước dừa, nước mía, nhưng quan trà thảo mộc của Kim Đức là một điều cá biệt. Chỉ cần nhìn thấy tên bảng hiệu, OM, viết uốn khúc bằng sợi dây dừa và trên một chiếc mâm gỗ nhỏ, trên đó được bày cây lá rễ, những  nguyên liệu thiên nhiên cần dùng để chế biến một loại nước uống bí ẩn mà phía sau nó chắc có nhiều suy tưởng và ngẫm nghĩ.
Tất cả những chi tiết chọn lọc và hài hòa này đã biến chiếc quán nhỏ ven đường thành một nơi gặp gỡ của một nhóm người, vì chữ OM là điểm qui chiếu trong thiền định Phật giáo. Chữ OM viết bằng sợi dây dừa, một nguyên liệu thiên nhiên, cũng chính là một thông điệp gửi đến mọi người rằng đây là quán trà đơn giản, không ô nhiễm và thân thiện với môi trường sống của  loài người.
Nhưng điều bất ngờ chính là thứ nước uống dịu mát được làm chế biến hoàn toàn từ cây, trái, lá, trà xanh, và hạt sen. Mùi thơm của các thứ trộn vào nhau, phảng phất hương sả, gừng và quế. Châu nói, chanh, lá và các thứ hạt được phối hợp theo một công thức hài hòa giúp người uống thư giãn, thanh lọc cơ thể và còn có một giấc ngủ ngon.
Tôi ngồi, chú ý quan sát Kim Đức bằng cử chỉ dịu dàng lúc chuẩn bị chiếc ly với ít đá lạnh, múc từng muổng nước đã chế biến đổ vào và sau đó gắp thêm hạt sen, táo tàu bỏ lên trên cùng với một chiếc lá chanh. Động tác của Kim Đức nhẹ nhàng mà chắc nịch, và bằng nụ cười tươi như của một người mẹ, cô mang đến cho mọi người ly nước mát để thanh lọc tinh thần và thể xác.
Một người bạn còn kể với tôi rằng ở thành phố Hội An cũng có một quán nước tương tự, nhiều thanh niên, kể cả người nước ngoài đã phải sắp hàng trước một quán nhỏ để có thể mua  nước sả. Nhưng bạn nói là ở nơi đây, nới quán trà thảo mộc OM này thì nước còn độc đáo và thơm ngon hơn nhiều.
Tôi tin điều đó vì trong thứ nước uống thần diệu của Kim Đức luôn có một thành phần không thể định giá, đó là tất cả tấm lòng của cô ấy, một yếu tố quan trọng mà không có gì có thể thay thế.
Những đêm sau tôi nhìn thấy rất nhiều bạn trẻ dừng lại để hỏi Kim Đức về những lời khuyên, nói về mình hay về cuộc sống xung quanh. Tôi hiểu là ly nước ấy không chỉ là ly nước giải khát, thõa mãn nhu cầu cơ thể mà còn mang theo một ý nghĩa cho sự cần thiết của tinh thần.
Trong cái vị ngọt thơm mát còn có sự chuyển tải những giá trị quá khứ, của truyền thống VN từ cổ xưa.
Tôi còn nhớ là hai năm trước khi tôi về QN đón Tết. Cũng ở trên vỉa hè này tôi đã cùng vợ chồng Kim Đức, Ngọc Châu và các bạn trẻ khác ngồi nấu bánh chưng và bánh tét trong một chiếc nồi lớn.
Trong khi  Châu ngồi chụm củi và giữ lửa, Kim Đức nói với tôi là nhiều bạn trẻ hôm nay không biết về truyền thống này và  vợ chồng anh thường giúp họ hiểu đó một điều quan trọng về văn hóa.
Ngồi ở quán trà OM người ta không thể nào nhàm chán và tôi cũng đã học được rất nhiều điều từ nơi này. Bằng một giọng trầm trầm, Châu, người thông thạo lịch sử và có những phân tích sắc bén, nhiều lần kể những chuyện ngoại sử về vua Quang Trung, nữ tướng Bùi Thị Xuân và đoàn tượng binh dũng mãnh của bà.
Từ bé tôi đã rất thích nghe kể chuyện, lịch sử luôn  hấp dẫn vì nó thường cho tôi quay về  một thế giới khác, có những chiến binh và công chúa, những cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa những thế lực quan quyền và những mưu mô chiến trận.
Thức uống của một nàng tiên có đôi mắt to và giọng kể của những người vừa hát vừa kể chuyện trong một thời quá khứ. Với tất cả niềm hy vọng tôi nhìn thấy những chiếc ly  trà thảo mộc cạn dần trên tay các bạn trẻ, họ là những con người của thế giới mai sau và tất nhiên họ có thể xem và tiếp thu những lời khuyên vàng ngọc của cô chủ  cùng với ly nước tinh khiết và mát mẻ, đậm đà hương vị quế.
1/9/2019
Elena Pucillo Truong
TRƯƠNG VĂN DÂN dịch
Theo https://vanhocsaigon.com/

Ký ức học trò

Ký ức học trò!

Tôi trở về quê hương sau một khoảng thời gian dài xa cách: 38 năm, với bao cảm xúc bồi hồi, xao xuyến, bâng khuâng!
Trong ánh hoàng hôn của một ngày mùa hạ, tôi nhận ra cuộc sống trên quê hương đã “thay da đổi thịt” rất nhiều. Con đường đến trường đầy cát bụi, gồ ghề, lồi lõm, vắng bóng người qua lại, thưa thớt nhà cửa, chỉ có những rặng phi lao rì rào trong gió ngày nào – giờ đây là con đường nhựa phẳng lì rộng rãi. Hai bên đường, nhà cửa san sát, nhộn nhịp người qua lại. Phố Chuối xưa im lìm, heo hút thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa lũ thế mà nay sầm uất, đông vui. Đường nhựa rộng rãi, phẳng lì, nhộn nhịp người qua lại. Những ngôi nhà cao tầng khang trang và các cửa hiệu rực rỡ ánh đèn nhấp nháy khi màn đêm buông xuống mọc lên như nấm.
Lần theo con đường chính của phố huyện, tôi dạo bước đến ngôi trường PTTH Nông Cống I, nơi đã gắn bó với tôi nhiều kỉ niệm đẹp của tuổi học trò.  Trường xưa ngói cũ rêu phong, thường bị ngập lụt trong mùa mưa lũ đã nhường chỗ cho những dãy nhà tầng cao ráo, đẹp đẽ. Sân trường lát gạch trống trơn với những bồn hoa, cây cảnh xanh tốt bốn mùa. Dưới gốc cây cổ thụ là những chiếc ghế đá xinh xắn tiện lợi cho học sinh truy bài, thư giãn vào giờ ra chơi. Trong các phòng học, bàn ghế Xuân Hòa hai chỗ ngồi được kê từng dãy ngay ngắn. Mỗi phòng học đều gắn ti vi màn hình lớn, rất thuận lợi cho việc dạy và học. Đó đây, trên sân trường, rực rỡ một sắc đỏ của hoa phượng. Nghe âm thanh rộn rã của các nghệ sĩ ve sầu tấu lên bài ca muôn thưở chào mùa hè, làm con tim tôi như đập rộn ràng hơn. Bao kỉ niệm chợt ùa về, sống dậy trong tôi: mùa phượng nở với tiếng ve kêu và sân trường đầy nắng mỗi độ hè về! Những bữa cơm trưa khoai sắn ngọt bùi cùng bạn bè của một thời để nhớ! Những buổi lao động đào mương, lội ruộng, bùn ngập ngang ống chân! Nhớ những ngày tháng 5 đi gặt lúa dưới cánh đồng Vạn Thiện (ngày ấy mỗi lớp có một đám ruộng của thầy và trò cấy lúa hàng năm để xây dựng quỹ lớp), bùn ngập ngang bắp chân thế mà cái C lớp tôi bố mẹ đều làm công nhân chưa bao giờ phải lội ruộng vẫn hăng hái cắt lúa. C bị đỉa đói bám chân, bạn ấy càng nhắm mắt kéo con đỉa ra thì nó càng cố bám. Nhìn bạn nước mắt rơi lã chã chúng tôi đang cắt lúa cũng phải chạy lại để bắt đỉa giúp bạn. Và từ khi con đỉa được lôi ra, bạn ấy không dám xuống ruộng nữa. Rồi những buổi dọn vệ sinh sau trường có bạn gái sợ sâu bị mấy bạn trai nghịch ngợm bỏ vào cổ áo vừa chạy, vừa thét… Những trò đùa tinh nghịch của lũ học trò nhất quỷ nhì ma ngày nào lần lượt hiện lên trước mắt tôi, khiến tôi cảm thấy tất cả dường như mới diễn ra hôm qua!
Trong dòng kí ức miên man ấy, tôi nhớ về dòng sông quê hương – con sông  Chuối chảy qua trường tôi. Dòng sông gắn liền với bao kỉ niệm tuổi học trò hồn nhiên vô tư và tinh nghịch. Nhớ đêm trăng mùa hạ sáng tỏ, lớp tôi được phân công trực trường. Sau khi ăn cơm xong, tụi con gái chúng tôi rủ nhau ra sông tắm. Hòa mình trong làn nước mát rượi, chúng tôi đùa nghịch, vùng vẫy thỏa thích. Vào buổi tối, thủy triều lên làm nước sông dâng cao nên chúng tôi cũng chỉ dám tắm ở bậc xi măng trên bến không dám ra xa. Bỗng chị T.N – lớn tuổi nhất lớp tôi – trượt chân nên chị bị dòng nước triều dâng cuốn ra xa. Chị kéo theo cả một cô bạn nữa. Nhìn hai người chơi vơi “giã gạo” giữa dòng sông mênh mang mà không biết bơi, chúng tôi hoảng hốt kêu cứu thất thanh, may có các anh lớp lớn cùng trực nghe thấy vội bơi ra cứu. Sau một hồi lặn ngụp dưới nước, các anh đã đưa được một chị vào bờ nhưng còn chị T.N mãi vẫn chưa tìm thấy. Ở trên bờ, lũ con gái chúng tôi vừa lo hô hấp cho chị bạn mới được cứu, vừa lo lắng cho chị T.N không biết ra sao. Có nhiều tiếng khóc thút thít vang lên gọi tên chị: “T.N ơi! chị ở đâu?…”cùng những ánh đèn pin rọi lia lịa trên mặt sông. Rồi niềm vui chợt đến với chúng tôi – chị T.N đã được đưa vào bờ. Người chị trắng bệch, lạnh toát, môi tái nhợt, mắt nhắm nghiền. Chị nằm im, hai tay buông thõng không cử động khiến ai cũng lo lắng. Các thầy cô giáo hớt hải xúm lại thay nhau hô hấp nhân tạo và dốc ngược chị lên cho nước chảy ra. Một lúc lâu sau, chị ợ ra bao nhiêu là nước và từ từ tỉnh lại khiến chúng tôi òa lên khóc nức nở vì vui mừng chị đã qua cơn nguy kịch. Sau đó, chị được đưa vào bệnh viện huyện để cấp cứu. Cả đêm hôm ấy, chúng tôi thay nhau chăm sóc cho chị. Và cũng từ lần ấy, không bạn nào dám ra sông tắm nữa nhưng dòng sông đã trở thành một kỉ niệm không thể quên được trong nỗi nhớ của chúng tôi những năm tháng xa quê.
Đang xuôi theo dòng cảm xúc bâng khuâng, tôi giật mình vì tiếng cười khúc khích của các bạn học sinh ôn bài trên ghế đá dưới gốc phượng. Nhìn gốc cây cổ thụ đầy những vết khắc tên của bao thế hệ học trò, khiến tôi bồi hồi nhớ lại ánh mắt trìu mến yêu thương của bạn bè cuối cấp. Cũng dưới gốc cây này, chúng tôi đã trao cho nhau chùm phượng nở khi hè về. Sắc đỏ của hoa như thắp sáng trong tim mỗi người bao mơ ước của bầu trời phía trước. Và không ai bảo ai, chúng tôi vùi đầu vào trang vở cho kì thi đại học năm ấy, để lời yêu thương còn ngập ngừng chưa nói nên lời. Rồi chúng tôi chia tay nhau, mỗi người một lựa chọn, một đường đi cho riêng mình. Khoảng cách địa lí và thời gian, cùng bao trở ngại của cuộc sống gian truân làm cho chúng tôi mãi mãi biệt ly!
Vậy là đã 38 năm trôi qua! Bạn bè tôi, những chàng trai, cô gái tuổi 18 đôi mươi ngày nào, nay đã lên ông, lên bà. Mái tóc điểm bạc. Những “ngoặc đơn”, “ngoặc kép” xuất hiện trên khuôn mặt cùng chấm đồi mồi ghi dấu sự tàn phai theo năm tháng cuộc đời. Thời gian và tuổi tác không làm giảm đi niềm vui của ngày hội ngộ. Những vòng tay dang rộng ấm áp, những tiếng cười giòn tan vang vọng trong chiều buông. Người nào, người nấy tay bắt, mặt mừng, hồ hởi ôn lại kỉ niệm của tuổi học trò. Bao cái tên bạn bè lại được mọi người tranh nhau nhắc tới cùng những giọt nước mắt ngập ngừng rơi khi biết tin người còn, người mất…
Vâng! Tất cả đã đổi thay, tất cả đã thuộc về quá khứ của một thời xa vắng nhưng vẫn còn đây nguyên vẹn tình cảm ấm áp, vui tươi của bạn bè. Những nụ cười và vòng tay yêu thương của bạn gái, những câu đùa tinh nghịch, dí dỏm của bạn trai đã đưa tôi trở lại kí ức tuổi thơ êm đềm của tuổi 18 vô tư, hồn nhiên, trong sáng ấp ủ bao hoài niệm ước mơ! Niềm vui ngày hội ngộ xua tan đi bao vất vả, lo toan, bộn bề của cuộc sống mưu sinh. Bên nhau trong bữa cơm chiều đạm bạc nhưng thấm đượm tình quê, ấm áp tình bạn chân thành và nồng hậu làm tâm hồn mỗi người như trẻ lại. Nghe lời hát: “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê. Ơi! Con sông dạt dào như lòng mẹ, chở con đi qua chớp bể mưa nguồn…” của một nam ca sĩ “nghiệp dư” bạn cất lên trầm ấm khiến lòng tôi bồi hồi xúc động! Cùng bên nhau ngắm nhìn vẻ đẹp rực rỡ, lung linh của cầu Chuối về đêm, ngắm nhìn dòng sông quê hương trào dâng nước thủy triều lên khiến lòng thanh thản, nhẹ nhõm đến kì lạ. Và cứ thế…cứ thế, các “chàng trai, cô gái U50” tâm hồn như trẻ lại: hồn nhiên, vô tư, tranh nhau ôn lại kỉ niệm xưa…Thế mới biết dẫu có “vật đổi sao dời” nhưng tình cảm bạn bè chân thành, ấm áp thì không bao giờ đổi thay mà ngày càng trở nên gắn bó hơn xưa vì nó đã được tôi luyện qua biết bao thăng trầm trong cuộc đời của mỗi con người.
Ba mươi tám năm, kể từ mùa hạ năm ấy, chúng tôi giã từ mái trường yêu dấu để mỗi người tự bước đi trên hành trình dài, rộng của cuộc đời – nơi có niềm vui và những giọt nước mắt thầm lặng rơi! Lòng như thầm hỏi, như tự trách mình sao không dành một chút thời gian cho một lần gặp gỡ? Sao ta lại vô tình lãng quên kí ức học trò ngọt ngào, đầy ắp kỉ niệm yêu thương của một thời để nhớ – Thời áo trắng mộng mơ!.
2/9/2021
Trịnh Thị Hường
Theo https://vanhocsaigon.com/

Bút ký của Huỳnh Thục Oanh: Theo chân Fo

Bút ký của Huỳnh
Thục Oanh: Theo chân Fo

Tỉnh Bình Thuận trong đó có thị xã La Gi cũng như nhiều địa phương trong cả nước tìm mọi cách chặn đứng nguồn lây lan từ nơi khác đến, cũng như  dồn lực cho việc bóc tách F0, cho việc tiêm đủ liều vaccine cho người trong diện ưu tiên, có chú ý đến nơi tập trung đông lao động như bến cảng, nhà máy…
Nỗi sợ
Ngoài ba mươi tuổi, hơn 10 năm làm nghề y, Huyền Trân (đổi tên), đang tòng sự tại Trạm y tế phường Phước Hội, thị xã La Gi (Bình Thuận), vốn là người hay cười trước đây, cho hay: chưa bao giờ cô trải qua cảm giác nặng nề, căng thẳng liên tục như khi đối phó trận dịch Covid 19 lần thứ tư này ở thị xã La Gi.
Hơn một tháng Huyền Trân mới được phép về thăm con trong hai tiếng. Huyền Trân thiếu điều muốn phóng xe như bay, nhưng rồi lý trí dặn cô phải cẩn thận. Vừa tới đầu xóm, những người đầu tiên trông thấy cô liền la lên: “Đóng cửa… coi chừng lây lan dịch bây giờ”. Họ vừa la vừa nhìn Huyền Trân với ánh mắt đầy lo ngại. Huyền Trân sực hiểu ra chuyện gì đang xảy ra. Niềm vui được về nhà trước đó vài phút xẹp xuống như quả bóng xì hơi. “Đến nỗi nào như vậy hở trời?”, Huyền Trân lắc đầu, không kiềm được tiếng thở dài….
Lây dịch
Bình Thuận trong nhiều tháng qua chưa phải là điểm nóng về dịch Covid-19 của toàn quốc, nhưng số người nhiễm dịch Covid-19 vẫn thường xuất hiện. Từ kinh nghiệm đợt chống dịch của năm 2020, Bình Thuận áp dụng Chỉ thị 15 rồi 16 của Chính phủ ở một vài nơi, trong đó có La Gi, thị xã phía Nam, trên 137 ngàn dân của tỉnh.
La Gi là xứ biển, đời sống, sinh hoạt của dân hiền hòa, dễ chịu. Cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, kết hợp cả 3 yếu tố: núi, đồi, biển. Địa hình đồng bằng có, bán sơn địa có;  nằm trên con đường ven biển phía Nam; lại nối với thành phố Bà Rịa- Vũng Tàu, nên thuận lợi trong phát triển du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái… Gần như La Gi không ngủ về đêm, liên tục có tiếng rì rà rì rầm ở mọi ngóc ngách. Đó là tiếng sóng, tiếng gió, tiếng rừng dương xào xạc, tiếng người đi biển gọi nhau, tiếng vọng ầm ì của những con tàu xuất bến… để sáng và cả ngày hôm sau, hải sản La Gi chuyển đi khắp nơi, có đến trên 30 ngàn tấn mỗi năm ; làm nên  đặc điểm của đô thị biển gắn với dịch vụ và du lịch.
Nhiều năm qua đi, La Gi bình yên trước thiên nhiên, vì vậy trong sâu thẳm của người đất này: La Gi – đất lành, chốn bình yên. Nơi mà chỉ cần gắn bó với nó một thời gian bạn sẽ thấy yêu, thích, tìm thấy trong nó vẻ đẹp của vùng quê giàu tiềm năng, thân thiện hết mực, đặc biệt là với những người tuổi dần cao.
Nhưng rồi nửa đầu tháng 7 năm nay, sét đánh ngang tai, nhiều người La Gi choáng váng khi biết một anh lái xe mang virus SARS-COV2 biến thể Delta từ Bình Dương về, làm lây nhiễm  người cộng đồng trong một số ngày và  đến ngày 10/ 7, quả bom nổ chậm ấy phát nổ, với một lô người gồm cả em bé 1 tháng tuổi, qua test nhanh (kháng nguyên)  đều cho kết quả dương tính, buộc phải cách ly.
Tiếp theo, là những ngày chỉ trong mỗi một khu phố II, phường Phước Hội thuộc thị xã, người nghi nhiễm luôn ở hai con số…  Không có chiến tranh mà sự xơ xác, rầu rỉ, âu lo… hiện lên trên từng  gương mặt, những người trước đó còn vui vẻ đi biển, chạy chợ… Đây là lúc, La Gi  phong tỏa khu phố II với 412 hộ dân của Phước Hội… Đây là lúc Huyền Trân thu xếp đồ  đạc, dặn chồng chăm con trong vòng tuần lễ, nhưng rồi đi một lèo từ  12 tháng 7 đến  giữa tháng 8, dù nhà cách nơi làm việc vài cây số.
Hàng ngày Huyền Trân và 7 đồng nghiệp trong Trạm y tế Phường cùng người của đoàn CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của tỉnh) xuống  các điểm nóng, các khu phố khác làm test nhanh, tìm  người nghi nhiễm Virus.  Rồi từ kết quả mang tính sàng lọc đó,  tiếp tục xét nghiệm PC- PRT  tìm  các F0 (những người có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng nguyên SARS-COV2 và dĩ nhiên không loại trừ trường hợp dương tính giả). Một  người được coi là F0 xuất hiện đồng nghĩa  có các F1, F2… theo sau như đầu tàu kéo theo nhiều toa tàu. “ Có ngày test 300-600 trường hợp. Công việc  lăp đi  lăp lại mang tính định kỳ không chỉ ở một  khu phố, vì vậy tính ra nhân viên Trạm y tế đã phải làm hàng ngàn lượt test trong hơn một tháng dịch bùng phát mạnh ở La Gi”- Huyền Tân nói..
Những người như Huyền Trân dù có áo quần bảo hộ, mang kính chống giọt bắn song cảm giác bất an thường xuyên có trong người; chưa kể quần áo bảo hộ, găng tay mang mặc trong nhiều giờ, làm cho người lúc nào cũng cảm giác có lửa, dễ bực bội, mệt mỏi… chỉ mong được giấc ngủ. Ấy thế nhưng, cứ phải nhỏ nhẹ, ân cần với dân vì lỡ dân phản ánh là rầy rà. Có chị đến ngày kinh kỳ mệt mỏi, nhưng khi trưởng bộ phận phân công nhiệm vụ, vẫn mặc áo quần bảo hộ, đi ngay, test tiếp.
Huyền Trân kể: “Hiện nay, nỗi gian nan về phòng chống dịch Covid-19 chuyển sang phường Bình Tân, bên kia sông Dinh. Bình Tân đang là điểm nóng của thị xã. Số người lây nhiễm, có ngày gấp đôi, gấp ba Phước Hội. Bạn của Huyền Trân, Phương Dung, làm việc tại Trạm y tế Bình Tân, hôm qua gọi điện cho nhau giọng khàn đặc, không nói nên lời.
Bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi sử dụng 10 đơn nguyên, tiếp nhận trên 1000 bệnh nhân
Dân cư cận biển
Thị xã La Gi có 9 phường, xã. Bình Tân là một trong phường đông dân, gần 4900  khẩu, đa số làm biển và nông nghiệp. Có 2 khu phố (10 và 11) bên bờ sông Dinh, giáp biển, gần 1100 dân. Đây là nơi người ta sống chen chúc, chật chội, đường đi lối lại, có chỗ còn là đường đất. Phương Dung mới ba mươi, con còn nhỏ. Không lâu sau khi Phước Hội phát hiện  dịch, một vài người ở khu phố 10, 11 có biểu hiện ho sốt nóng. Trạm y tế Bình Tân, điều hẳn một bộ phận năm cán bộ, nhân viên xuống khu phố 10, 11 làm test nhanh. Phương Dung, nói: “Ai từng sống vùng biển đều biết: Người vùng biển hay qua lại nhau. Trong xóm, nhà ai có tiệc  lớn, tiệc nhỏ đều mời nhau, ăn uống xong rồi hát hò cả ngày, sang đêm… Phụ nữ, không ít cô chồng đi biển rồi thì ngồi sòng cho đến khi chồng về.. Nên khi  có vài  người bị nhiễm virus SARS-COV2 biến thể Delta chậm phát hiện, chuyện lây lan và lây rộng trong cộng đồng là điều khó tránh khỏi.
Trong nhiều ngày ở khu phố 10, 11,  Phương Dung có nhiệm vụ tiếp nhận người có kết quả xét nghiệm nhanh  dương tính, lập thành một danh sách, gởi lên trên.  Tiếp theo, test sàng lọc những người còn lại trong gia đình có người dương tính, không chỉ một lần mà nhiều lần trong một thời gian nhất định, theo phương châm: Test-test-test…. Bởi xét nghiệm kháng nguyên một đôi khi cho kết quả âm tính giả, nhất là với người nhiễm virus trong một, hai ngày đầu. Dung cũng là người đưa người trong diện cách ly đến các cơ sở cách ly. “Không phải bao giờ công việc ở  rốn dịch cũng dễ dàng. Khi anh chị nói với ai đó về sự nguy hiểm của dịch Covid 19, nếu người đó lắng nghe và có chút “sợ” không chỉ cho mình mà còn cho người thân, họ dễ dàng chấp hành quy định giãn cách và nguyên tắc 5 K. Song với một số người, dịch Covid 19 như thứ bệnh “ trời kêu ai nấy dạ” thì chỉ cần anh chị rời mắt đi, họ lại túm tụm chuyện trò, hát hò. Ở khu phố 10, 11, không ít người rơi vào trường hợp 2. Buổi chiều, các chốt phòng dịch còn lại một vài người, tất cả phờ phạc, đen sạm vì cả ngày dưới nắng,chẳng buồn đi lại nhiều, ấy là lúc ở khu phố 10, 11 như gánh hát vừa vãn tuồng, người người cười nói, gọi bạn bè gầy độ nhậu, đi lại, như chẳng chuyện gì xảy ra. Trẻ nhỏ  líu xíu chạy nhảy vô tư.. Còn  khi test,  có người ngồi giãn cách một lúc, năm mười phút đã sốt ruột, chồm tới trước, quay ngang, rồi chẳng ngại ngần bước sang chỗ người  ngồi liền kề, bá vai, kề cổ, cười ha  há, hi hí, kể cả chuyện đêm hôm qua thằng chả (con vợ) làm tao mất ngủ… Dường như không làm vậy, họ cảm thấy  thiếu thân mật, đơn lẻ, buồn phiền..; kiểu như không kể cho ai đó nghe chuyện của mình thì chuyện sẽ bay, quên mất… Chuyện  túm tụm, ngồi lê đôi mách, nói hình tượng là bán dưa lê… là “chuyện thường ngày ở huyện” ở hai khu phố ven biển, thiếu không chịu được!
Có gia đình, mời test sàng lọc, họ liền đóng cửa ở lì trong nhà. Khi đó, một cô Phương Dung chứ năm cô Phương Dung chẳng làm gì được họ. Khi đó phải lụy các anh dân phòng, công an giúp sức khuyên bảo, rộng ra là giải thích” - Dung cười sau câu nói như để khỏa lấp sự mệt mỏi trên gương mặt hơi bầu có đôi mắt sáng. Cô tiếp: “Sắp tới đây, người của trạm em sẽ vất vả hơn vì La Gi nằm trong kế hoạch test sàng lọc của  tỉnh. Mục  đích là tách những người nhiễm bịnh thật sự (các F0 dương tính) ra khỏi trong cộng đồng,  sau đó tùy theo mức độ năng nhẹ của F0 mà bố trí  điều trị, hoăc cách ly để ngăn lây lan. Các F1, F2, sẽ  được theo dõi sát sao. Qua đó, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”; mở rộng “vùng xanh”... Công việc này ngốn rất nhiều sức lực và  nhiều ngày vì hiện nay F0 trong cộng đồng không hề  nhỏ”. Trong lúc trò chuyện, Huyền Trân, Phương Dung đều giấu biến chuyện đến nay: Các trạm y tế phường xã, rộng ra là cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa khu vực La Gi đều chỉ ứng tiền để hoạt động, các khoản hỗ trợ nào đều chưa về đến.
Chưa kể, những người như Phương Dung, với tiền lương hơn 4 triệu đồng một tháng, phải trích ra một khoản để mua những thứ thật cần thiết trong hoạt động của mình, thay vì trông chờ vào nhà nước, cấp trên cấp phát. Điều này hiện rõ trên gương mặt có phần nở ra của Phương Dung khi cô khoe, bạn bè  học cấp III, góp tiền mua tặng cô một số đồ chống dịch.
Bóc F0 và vaccine
Không thể không nói, những ngày vừa qua, Chính quyền tỉnh và ngành y Bình Thuận dành hết tâm sức, nhân lực và cả một lượng vaccine tốt cho La Gi, khi số người nhiễm dịch lên trên 1500 người, tính đến thời điểm 29/8, tỉ lệ  1% trên tổng số dân. Phường Bình Tân, nơi Phương Dung làm việc, chiếm vị trí đầu với 700  bệnh nhân.
Bình Thuận như nhiều địa phương trong cả nước tìm mọi cách chặn đứng nguồn lây lan từ nơi khác đến, cũng như  dồn lực cho việc bóc tách F0, cho việc tiêm đủ liều vaccine cho người trong diện ưu tiên, có chú ý  đến nơi tập trung đông lao động như bến cảng, nhà máy…
Trong hơn một tháng đương đầu với dịch, Bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi sử dụng 10 đơn nguyên, tiếp nhận trên 1000 bệnh nhân. Số được ra viện 991 người đã trở lại cuộc sống bình thường. Bác sĩ Đỗ Văn Anh, Giám đốc Bệnh viện cho hay: “Cùng với toàn ngành, có sự hỗ trợ của chính quyền, của nhiều đoàn thể chính trị, các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm, bệnh viện cung cấp đủ oxy, máy thở, xây dựng được 3 hệ thống oxy lỏng; trang bị đầy đủ đồ phòng hộ y tế, miễn phí gần 9 ngàn test nhanh. Tổng huy động tương đương 5 tỷ đồng. Thế mới biết sức dân quan trọng thế nào”.
Tôi nhủ lòng, hết dịch rồi sẽ đi thăm Phương Dung, Huyền Trân xem tình trạng hai cô ra sao. Chắc là gầy xộc và đen đũi?!.
2/9/2021
Huỳnh Thục Oanh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Bữa cơm sáng trong mùa dịch

Bữa cơm sáng trong mùa dịch

Đã lâu lắm rồi gia đình tôi không nấu cơm ăn sáng. Bữa sáng lúc nào cũng vội vàng, tất bật. Nhà ở gần chợ, vợ thường dậy sớm tranh thủ mua luôn thức ăn bán sẵn cho cả nhà. Cũng có khi vừa đi làm vừa ghé tạt mua ổ bánh mì hoặc hộp xôi cho qua bữa. Riêng tôi, chỉ cần li cà phê với bình trà là đủ, dù biết như thế là không tốt cho sức khỏe.
Thế rồi, dịch Covid-19 bùng phát lây lan, đặc biệt là kể từ ngày lệnh giãn cách toàn tỉnh để ngăn ngừa, phòng chống dịch, cuộc sống của gia đình tôi có nhiều thay đổi mà bắt đầu từ chính bữa ăn sáng.
Tôi thường dậy sớm uống trà và cà phê, không quên vo gạo cắm nồi cơm điện. Khoảng thời gian này rất thú vị bỡi không gian yên vắng, tĩnh lặng, hương hoa bưởi hoa cau ngan ngát trong sương sớm buổi chớm thu, nghe cả tiếng cựa mình của cỏ cây hoa lá, tiếng rì rầm của loài giun dế trong đất xa xăm. Nghe hết mấy bản độc tấu ghi ta về mùa thu cũng là lúc trời vừa tản sáng. Tiếng gà nhà bên đang gáy, tiếng chim sắt, chim sâu ríu rít trong vườn nhà, tiếng gió Nam buổi cuối mùa còn giận hờn vô cớ cứ rít lên từng hồi và rồi là tiếng loa phát thanh thường ngày mỗi buổi sớm mai!
Ký ức về những bữa ăn sáng khi còn nhỏ lại ùa về trong tâm trí tôi. Hồi đó, ở miền quê nông thôn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, xa chợ, có khi cả tuần hoặc mươi ngày mới đi được bữa chợ. Thức ăn là bầu bí rau dưa quanh vườn nhà, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đi bắt cua đồng về nấu canh với măng tre hoặc đu đủ. Riêng bữa ăn sáng là nấu cơm chứ không bao giờ mua đồ ăn bán sẵn như bây giờ, phần vì phải tiết kiệm, phần nữa là chẳng ai bán, ai mua như ở phố. Nhà nào cũng dậy sớm để nấu cơm cho kịp đi làm đồng, trẻ con thì đi học. Cha mẹ tôi thường dậy sớm, bà nấu cơm, ông uống trà vừa tranh thủ mài lại cái rựa cho bén, cột lại đôi chàng, đôi gióng cho chắc chắn hơn, chờ sáng! Cơm sáng thường độn ghé sắn, khoai lang hoặc bắp. Thức ăn là cái trứng gà hấp cơm đem dằm mắm, có khi ăn với đường đen hoặc chuối chín chan nước mắm… Rồi năm tháng cứ thế trôi qua, những đứa trẻ chúng tôi khôn lớn, xa nhà, lập nghiệp mưu sinh nhưng ở nơi quê nhà ấy, cha mẹ già vẫn giữ bữa cơm sáng không hề thay đổi! Con cái biếu được ít tiền, ông bà vẫn chắt chiu dành dụm, chẳng dám mua ăn. Âu đó cũng là bản tính của những người nông dân chân lấm tay bùn, tảo tần vất vả, cả đời mưa nắng thầm lặng vì con.
Trong những ngày dịch giã lúc này, mọi người đều thực hiện nghiêm những yêu cầu về phòng chống dịch, ngay cả đi chợ cũng phải có phiếu. Điều này không mấy xa lạ với thế hệ 7X như tôi khi đã từng cầm Sổ mua hàng ra Cửa hàng mua bán của Xã trước đây, nhưng rất ngạc nhiên với bọn trẻ như con tôi bây giờ. Đây cũng là cơ hội để các con hiểu thêm về cuộc sống của cha ông ngày trước và học cách thích ứng trong điều kiện khó khăn tạm thời.
Cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc, thời gian như dài ra vì đang giãn cách, lại được nghỉ hè nên chẳng có việc gì vội vàng. Cuộc sống như chậm lại để chúng ta nhận ra nhiều điều quý giá ở xung quanh. Lúc này, dù có rau dưa cũng đã là quý rồi! Tự động viên mình trong mùa dịch, nếu không giúp được tiền được gạo, cũng chẳng thể xung phong ra nơi tuyến đầu như bao lực lượng khác thì thôi hãy ở yên tại nhà, chấp hành tốt những yêu cầu khuyến cáo cũng là góp sức để nhẹ vơi cho bao người đang nặng nề trách nhiệm vì dân vì nước vậy! Với riêng tôi, bữa cơm sáng lúc này thật quý giá, nó như nhắc nhớ mình một thời xưa cũ đã qua, khơi gợi cho con tôi hiểu thêm về những tháng ngày cơ cực để biết yêu hơn cuộc sống này. Tôi luôn biết ơn những khó khăn vất vả của tuổi thơ đã nâng đỡ mình đi qua năm dài tháng rộng!
Suốt cả tháng nay, gia đình tôi đều nấu cơm ăn sáng. Bữa cơm sáng tự nấu tại nhà đã phả vào hồn tôi làn hơi ấm thơm nồng của mùi cơm mới, mùi của rau dưa muối mắm quê nhà và kể cả mùi vị của gia đình trong những ngày giãn cách…
Tôi chợt nhớ đến hình ảnh người bà và bếp lửa trong thơ của Bằng Việt:
“Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa”
Những hình ảnh gần gũi, bình dị, thân thương và thiêng liêng ấy cứ chợt ùa về trong tâm trí tôi và đôi lúc cũng chạnh lòng thông cảm khi nhiều em học sinh bảo rằng chưa biết đến bếp lửa nấu bằng củi, bằng rơm đầy khói!
Cũng chính trong lúc này, tôi cảm nhận được hơi ấm đang tỏa lan từ những “Nhóm bếp yêu thương” ở Đồng Xuân và khắp nơi trong tỉnh Phú Yên đang sớm chiều đỏ lửa, đang thắp lên niềm tin tưởng đầy yêu thương, nhân ái trong những lúc khó khăn rất cần đến sự sẻ chia này. Dù cho dịch bệnh đang hoành hành, nguy hiểm nhưng chúng ta đang rất quyết tâm, những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, của đồng bào cả nước cùng chung sức, chung lòng, chung tay chống dịch, chắc chắn dịch bệnh Covid-19 sẽ bị đẩy lùi, cuộc sống sẽ an vui, rộn ràng trở lại.
4/9/2021
Phan Huy Thùy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Hương lúa và nét đẹp cao quý

Hương lúa và nét đẹp cao quý

Cánh đồng đã ngả hẳn vàng ươm nhờ sự hòa quyện của màu hoàng hôn và màu lúa chín. Chiều trên đồng quê biết bao âm thanh nhưng ngỡ như bình yên đến lạ.
Những ngày này là thời điểm đang vào mùa gặt lúa. Mặt trời sắp sửa gác lưng núi nhưng cái nóng vẫn cứ hiện hữu, lũ chuồn chuồn từng đám bay lượn khắp nơi, chiếc xe bò đã đầy lúa trên thửa ruộng mới gặt, đang chuẩn bị kéo về nhà để tiếp tục công đoạn tuốt lúa. Rồi những ụn khói là là bốc lên từ một nhà nào đó đang đốt mấy cọng rơm rơi vãi sau khi chiếc máy tuốt lúa đã làm xong nhiệm vụ và đi khỏi… Cảnh vật, con người cứ thế thực hiện những công việc của mình, chẳng biết đằng sau đó hiện hữu một ánh mắt khẽ nhìn.
Nào ai biết, để có được bát cơm trắng tinh, thơm mùi lúa mới, những người trồng lúa đã phải trải qua bao nhiêu giai đoạn kì công. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Từ khâu chọn giống, ngâm giống, cày, bừa…, đến ngày gặt hái, mỗi khâu đều đòi hỏi kĩ thuật riêng và hơn hết là tấm lòng cùng với những niềm hy vọng lớn lao về năng suất mà người dân đã gửi trọn vào đó. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết:
“… Lúa trĩu hạt bao nhiêu công sức
Của mẹ cha thao thức bao ngày
Cấy cày vất vả mê say
Thức khuya, dậy sớm lòng đầy niềm vui…”
Mặc khó khăn vất vả, mặc dãi nắng dầm sương, chỉ cần những mong mỏi cây lúa nặng bông, trĩu hạt được đền đáp là bao nhọc nhằn dường như tan biến. Tôi có thể nhìn rõ từng giọt mồ hôi rơi trên má của những người mẹ đang bó lúa, có thể thấm nổi cái nóng chuyển mùa đè trên vai những người cha đánh từng chiếc xe bò kéo lúa về nhà… Dẫu mệt nhưng tất cả đều nở những nụ cười, đều trao cho nhau những lời hỏi han về “sản phẩm mới”: “Lúa vụ này đạt hông?”, “Hơn vụ trước chứ?” hay đơn giản là những câu nói đùa: “Lúa về rồi, tối nay yên giấc!”. Yên giấc là bởi, mỗi khi lúa được cắt xong, trong thời gian phơi khô – có thể là nửa hoặc một ngày, người ta phải trông trời, sợ mưa xuống sẽ làm rụng những hạt lúa, ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa hoặc lúa bị ướt dễ khiến rạ sau khi tuốt sẽ chẳng được khô, mất thêm mấy ngày nữa để “hong” trong nắng…
Ngày trước khi máy móc còn thiếu thốn, người ta phải gặt tay rồi dùng chân để tuốt lúa tốn thời gian và công sức hơn nhiều. Nhưng nay, khi mà công nghiệp đang từng ngày phát triển, bao nhiêu máy móc ra đời, trong đó có máy cắt lúa và máy tuốt lúa, những nơi có điều kiện hơn người ta còn mua cả máy gặt đập liên hợp thì sức lực của những “Nhà” làm lúa đã được đỡ đần phần nào.
Lúa gặt xong, phơi khô sẽ được đổ vào phi, nhiều nhà còn sử dụng bồ đựng lúa làm từ những thanh lạc mò o chẻ vuốt tỉ mỉ. Những hạt lúa căng mọng, mang vị quê hương, mang nắng sương dãi dầu sẽ được “xay, giã, dần, sàng” để trở thành hạt gạo tinh khôi, đưa mùi hương gạo mới phảng phất, làm ấm bao bữa cơm gia đình.
Giữa khung cảnh đang hiện ra lòng tôi như chần chừ, chẳng muốn rời xa ánh hoàng hôn mang màu bình yên này một giây một phút. Nhìn những cây lúa trĩu hạt, căng mọng trên mấy thửa ruộng sắp sửa đến ngày ngã lúa, tự dưng tôi chợt nhớ đến mấy lời trong ca khúc Hát về cây lúa hôm nay của cố nhạc sĩ Hoàng Vân:“Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa/ Và người trồng lúa cho quê hương/ Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế/ Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt/ Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt/ Ngày mai bắt đầu từ hôm nay”.
Cây lúa là người bạn trung thành cùng người nông dân đi qua bao thời kì, nuôi lớn bao lớp thế hệ, từ lâu đã mang trên mình nền văn minh không chỉ của dân tộc Việt Nam mà rộng khắp các dân tộc Đông Nam Á và hơn hết loài cây ấy như ẩn chứa bao nét đẹp cao quý của những con người lao động chân chính.
4/9/2021
Lê Trương Thúy Diễm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Tản văn của Bích Hòa: Dì tôi

Tản văn của Bích Hòa: Dì tôi

Dì đến như một mối duyên không dễ gì lìa dứt, chợt nghĩ thầm chân lí để trấn an: Đời người chẳng mấy ai hoàn hảo, mất đi cái nọ ta lại được bù đắp bởi cái kia! Tôi thấy nhẹ lòng khi chính mình đã xua tan định kiến xã hội khắc nghiệt trong câu ca dân gian bao đời ám ảnh: “Mấy đời bánh đúc có xương – Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”…
Ngậm những vui buồn cuộc sống, Dì như khách lữ hành khao khát tìm chốn dừng chân sau bao bôn ba mệt mỏi. Nhân quả tiền kiếp hay duyên nợ bình sinh đẩy đưa Dì đến với gia đình tôi vào một ngày đầu thu se lạnh? Chúng tôi trao nhau những ánh nhìn thân thiện, thấu hiểu phận đời cùng sánh bước đến tương lai.
Tháng Mười năm ấy, gió vẫn thổi, tiết Đông không ngừng thả những cơn rét rú từng hồi trên con đường miền Tây xứ Nghệ quê tôi. Cây xoan đào trong khí trời buốt giá trơ những cành khẳng khiu khô trụi gồng mình chống chọi với cái rét căm căm, mầm non trú mình đợi xuân sang đâm chồi, thức giấc. Vậy mà, lòng tôi tưởng như hồi sinh sau hơn ba năm ủ ê thay bố. Cứ mỗi chiều thứ bảy cuối tuần, chặng đường về ngoại của tôi trở nên ngắn lại… Có nhiều đêm bố vẫn làm thơ, viết những dòng tâm sự vào cuốn sổ mà bố giữ gìn từ thời xa cũ nhưng thay vì bao nỗi niềm nhớ nhung khắc khoải là những hạnh phúc nhỏ nhoi mà đong đầy lấp lánh. Manh áo mỏng cũng đủ sưởi nóng trái tim băng giá bởi tình người ấm áp thân thương. Thật lâu rồi tôi mới nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của bố kể từ ngày Mẹ xa.
Những ngày cuối tháng chạp, ai nấy xúng xính trong bộ cánh tinh tươm còn thơm mùi mới. Những gốc đào trước ngõ như đậm sắc phất phơ nở niềm vui lên từng cánh mỏng, trong làn gió khẽ đung đưa chúng được dịp khoe sáu cánh mừng gia đình đón tin vui. Những hàng mít, nhãn sau hồi rợp tán xum xuê, hương hoa bưởi ngạt ngào trước sân tỏa một vùng quyến rũ. Bố bảo: có vài trái lứa trước sót lại còn đẹp lắm, để dành bày mâm ngũ quả cúng tổ tiên và Mẹ. Sân vườn ngày trước rộng thênh thang giờ cảm như thu hẹp tầm mắt, chim chóc dạo khúc hoan ca hòa chung niềm vui đón Xuân về trên những lô cà phê bạt ngàn tầm ngắm.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bao chứng tích thuở hàn vi ở ngôi nhà cũ cũng dần ngủ yên trong dĩ vãng theo những cuộc bể dâu đời người. Mặc cho hơi ấm thâm tình giữa Mẹ và chị em tôi không thể nào so sánh được nhưng khoảng cách con chồng Mẹ kế giữa Dì đối với chúng tôi dường như không ai người ngoài dễ thể nhận ra. Cuộc sống gia đình tôi cũng như bao gia đình khác không thiếu những cung bậc thăng trầm khi bố ngày càng có tuổi. Người ta thường bảo “Một lần già là hai lần con nít” điều đó phần nào đúng với bản tính vốn đã bị hậu quả của chiến tranh làm tổn thương bố từ trước khi Dì về. Cũng như mẹ ngày xưa, khi nỗi đau của chiến tranh trở về hành hạ tâm tư bố khiến nhiều lúc Dì phải cắn răng ngậm bồ hòn làm ngọt. Có hôm, quá sức chịu đựng Dì cầu cứu đến tôi. Tôi thương bố bao nhiêu lại xót xa cho Dì bấy nhiêu! Là đứa con có cơ hội gần bố nhiều, hơn ai hết tôi hiểu lắm những điểm tốt hay tồn tại trong con người bố. Tôi nhỏ to non nỉ với bố đủ điều chỉ mong bố bớt suy tư không cần thiết mà vui với tuổi già để giữ gìn sức khỏe bản thân. Tôi cố lấy tình thương, sự cảm thông sâu sắc của thân phận người phụ nữ để giãi bày níu kéo, để Dì buông bỏ ý nghĩ rời đi ngôi nhà dù gì cũng gắn bó buồn vui một thuở.
Nể tình tôi, Dì cố nén những tủi hờn, oan ức tiếp tục cuộc mưu sinh bên những buồn vui héo hắt. Tôi thường tranh thủ những khi rảnh rỗi lui tới nhiều hơn để nhỏ to cùng Dì, chăm sóc Dì bằng cái tâm chân tình nhất. Ngược lại, khi chị em tôi cần, Dì cũng không nề hà, toan tính để thay mẹ đỡ đần chúng tôi. Thực tâm tôi hiểu, hơn 10 năm chung sống cùng bố Dì cũng thấm đủ sương gió cuộc đời. Tôi thương những thiệt thòi thân phận mà Dì phải gánh, trong bóng dáng của Dì có bóng dáng Mẹ xưa nên mỗi lần có thức ngon tôi không quên để dành cho những chuyến về ngoại.
Đời người lắm nỗi truân chuyên, niềm hạnh phúc ngắn ngủi chẳng tày gang. Một ngày đầu tháng Ba năm ấy, đột ngột bố thấy trong người khó ở, và chúng tôi bất ngờ nghe tin bố mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối. Bỏ hết những ruộng vườn, ao cá, Dì cùng chị em tôi thay nhau chăm bố được hơn hai tháng thì bố đi.
Những chiều hoàng hôn mây bảng lảng buồn, ánh mắt hốt hoảng của một kiếp phù du chợt trào lên nghẹn ngào trong câu nói. Dì than thở: rồi đây cuộc sống sẽ ra sao? Còn ai mà bấu víu, đứa trẻ dại khờ biết dựa dẫm vào đâu? Ngôi nhà trở nên lạnh lẽo đến tê lòng, đồng không mông quạnh chỉ có hai cái bóng lẻ loi ra vào hôm tối. Dì buồn não nuột, tôi biết Dì nén đau thương tủi phận đời mình. Tôi cảm nỗi niềm trăn trở của Dì khi nghĩ đến tương lai. Tôi thủ thỉ: Dì ạ, Dì mát tay thả gà, nuôi cá, rau trong vườn tứ mùa tốt xanh, không ăn lương nhà nước mình cũng có cớ sinh nhai. Còn cậu em, học hành khó khăn vợ chồng con sẽ sẻ chia trách nhiệm. Dì hãy thanh thản tâm tình, sống vui sống khỏe con cái đỡ sầu lo. Thực lòng tôi chỉ mong có vậy. Họ hàng Dì đều xa xứ cả, chỉ mỗi đứa con chung – thằng em 10 tuổi và tôi là người thân cận nhất. Không thương mẹ con Dì thì còn ai trên mảnh đất lớn lên từ thời thơ ấu? Mỗi bận thấy Dì đau mà lòng đầy lo lắng, tôi sợ Dì vì cô đơn quá mà bỏ chị em tôi. Hằng tuần, tôi thu xếp thời gian cho các cháu được về ngoại nhiều hơn, tiếng nói cười con trẻ xua đi bao trống vắng, nỗi niềm. Có những đêm mùa đông, cả mấy mẹ con, bà cháu xếp chung một giường nằm trong ấm cúng, chúng tôi hàn huyên chuyện trên trời dưới biển hòng mong Dì quên nỗi đau thương. Có không ít những ánh mắt ngạc nhiên khi thấy cảnh mẹ ghẻ con chồng diễn ra trong gia đình nhỏ. Dần dà, Dì quen hơn với sinh hoạt vắng bố, hòa nhập với bạn bè, nhặt tìm niềm vui trong tình làng nghĩa xóm…
Kể từ đó, Dì trở nên khác, nghĩ lành mạnh, sống giản đơn và nụ cười lan trên ánh mắt. Cảm ơn đời, cảm ơn Mẹ kế của chúng tôi! Mong gửi đến Dì lời cầu an trong mọi hoàn cảnh. Hạnh phúc của chúng con là được nhìn thấy Dì vui, khỏe hằng chiều mỗi bước con lên. Hai bên bờ ngõ nhỏ, những bông hoa cúc cánh bướm đua nhau khoe sắc, những nụ mười giờ tim tím hé cười trong nắng đón thu sang. Đàn ong của bố trước đây sợ chủ đi xa mà rời tổ ấm, nay có người chăm chỉ ngắm trông đã gây đàn trở lại, tôi vui trào nước mắt. Buổi nhá nhem tôi tranh thủ đưa cho em ít quà như thường lệ, Dì lại nhanh nhảu dúi vào tay tôi chai mật ong vàng ruộm còn thơm mùi nhụy ngọt vấn vương…
Tự đáy lòng tôi thầm biết ơn cuộc đời đã không đối xử bất công với chị em tôi. Nỗi thương cha nhớ mẹ không bao giờ vơi cạn nhưng niềm hạnh phúc vô bờ còn nguyên nỗi rưng rưng mà không phải ai trong hoàn cảnh chúng tôi cũng đều may mắn. Dì đến như một mối duyên không dễ gì lìa dứt, chợt nghĩ thầm chân lí để trấn an: Đời người chẳng mấy ai hoàn hảo, mất đi cái nọ ta lại được bù đắp bởi cái kia! Tôi thấy nhẹ lòng khi chính mình đã xua tan định kiến xã hội khắc nghiệt trong câu ca dân gian bao đời ám ảnh: “Mấy đời bánh đúc có xương – Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng” (Ca dao). Cuộc sống đã đi vào trang văn một cách ngẫu nhiên nhưng đôi khi những trang thơ không phải lúc nào cũng hoàn toàn là thực tế. Những mong xã hội này ai cũng lấy yêu thương để đối xử với cuộc đời, với mọi kiếp người và hạnh phúc sẽ mỉm cười sau bất cứ một nỗi đau.
12/8/2021
Bích Hòa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Sài Gòn vẫn cuộn chảy

Sài Gòn vẫn cuộn chảy

Sài Gòn - TP.HCM đang trải qua thời đoạn đặc biệt trong lịch sử: cơn đại dịch COVID-19 tràn qua từng khu phố, con hẻm, phủ nỗi lo âu lên mỗi mái nhà…
Nhưng cũng trong tình cảnh chẳng đặng đừng ấy, Sài Gòn đang gửi ra thông điệp về cái đẹp của nhân văn nơi tuyến đầu chống dịch với cộng đồng gần xa.
Trong khi các cơ quan chức năng đang tính toán các kịch bản gần xa và nhiều giải pháp ứng phó, người Sài Gòn cảm nhận một không khí đặc biệt đang ập xuống, ngấm vào mọi góc cạnh của đời sống chính mình.
Và không ai bảo ai, người dân nơi đây có cách ứng xử của nơi tuyến đầu dịch bệnh, ngoạn mục nhất trong lĩnh vực truyền thông.
Hàng loạt trang (page) trên mạng xã hội được mở ra theo cấu trúc tên gọi: “Tôi là dân”… mỗi quận/ huyện, để cập nhật nhanh nhất tình hình dịch bệnh ngay tại địa phương. Tôi là dân quận 3, Tôi là dân quận 5, Tôi là dân quận 10, rồi Thủ Đức, quận 11, Gò Vấp, Phú Nhuận…
Không cần biết ai làm admin của những trang này, nhưng đều cảm nhận được tấm lòng của những người tham gia cập nhật thông tin trên từng khoảng trống của mạng xã hội như vậy.
Có thể xem đây như một hệ thống thông tin bán chuyên nghiệp tồn tại song song với các báo chính thức, rất hiệu quả trong việc giúp người dân cập nhật thông tin về diễn biến dịch bệnh tại mỗi quận, huyện chi tiết đến từng khu phố, địa chỉ cụ thể nào “bị giăng dây”.
Sài Gòn không thiếu những đại gia, nhưng cũng nhiều nhất nước số lượng những người bình dân tay làm hàm nhai, kiếm sống từng ngày.
Đại dịch COVID đến với từng người buôn thúng bán bưng, ngấn nước mắt nơi người bán cá ở rìa chợ Phước Kiển (Nhà Bè) kèm câu nói “ngày mai chị phải nghỉ bán rồi, nghỉ vậy là nhà chị đói” làm nhói lòng không ít người dân. Chính vì vậy mà như một sự đáp lời trong lặng lẽ, nhiều người đã tìm cách góp chút sức mình giúp đỡ cộng đồng.
Chính tinh thần ấy trong thời đoạn lịch sử này, cộng hưởng thành chất men độc đáo gắn kết người Sài Gòn lại với nhau. Người ta thấy những chiếc “tủ lạnh Thạch Sanh” đặt tại 10 quận đang là trọng điểm dịch.
Thành phố liên tục xuất hiện những “phiên chợ 0 đồng”, rồi đây từ điển tiếng Việt sẽ cập nhật loại hình chợ này cho kịp với thực tế đời sống.
Nhưng rõ ràng từ Hội chữ thập đỏ, từ cơ quan hỗ trợ người nghèo, cho đến các đơn vị cấp phường, khu phố cũng chung tay mở “phiên chợ 0 đồng” như một cách giúp người dân trong các khu phong tỏa để không bị thiếu thức ăn, là một việc làm có sức cộng hưởng kép: cộng hưởng giữa những người chung tay hình thành “ban tổ chức”, và cộng hưởng mô hình này lan ra khắp thành phố.
Một sớm mở mắt ra thấy khu phố bên cạnh bị giăng dây, ngôi chợ quen thuộc thường ngày đóng cửa với vòng trong vòng ngoài dây giăng lớp lớp, một cán bộ về hưu “tức cảnh”: “từ bên em dây giăng sang bên anh…”…
Đó cũng là một phần của phương diện lạc quan đặc chất Sài Gòn. Có sống trong tình cảnh khắp nơi giãn cách, ngã tư góc đường không còn quán cóc, mới thấy Sài Gòn có những chiều kích độc đáo.
Một ông cán bộ khu phố thường ngày có thể mặt nặng mày nhẹ, nay bỗng trở nên nhiệt tình đi vận động các chủ nhà trọ giảm bớt tiền thuê phòng cho công nhân bởi hầu hết đang ngưng việc.
Những người sống trong chung cư EHome 3 ở Bình Tân có thể lâu nay chẳng đoái hoài gì đến các căn hộ láng giềng, nhưng trong những ngày cao điểm chung cư bị phong tỏa toàn bộ, đã tự nguyện hình thành những đội vận chuyển tiếp nhận hàng hóa giúp bà con ở cùng mỗi block nhà.
Rồi mới đây, cô bạn ở quận 3 nghĩ ra sáng kiến mua rau ủng hộ người bán lẻ bằng cách từ nhà soạn sẵn một “toa” các loại rau cần mua, cầm tờ giấy đến ném vào nhà người bán rau, người kia soạn rau xong đem ra treo trước cửa để khách cầm về.
“Làm vậy vẫn sợ bị phạt mười mấy triệu vì đang có lệnh cấm không cho buôn bán tụ tập”, cô khách hàng tốt bụng phân trần.
Anh bạn bác sĩ lập gia đình muộn, vừa mới có em bé đầu lòng thì bước vào “năm COVID thứ nhất”, rồi từ đó đến nay anh liên tục vắng nhà bởi anh thuộc đội ngũ nằm trong tâm điểm của cộng đồng y bác sĩ chống dịch. Việc nhà đành gác lại, lâu lâu “trồi lên” mạng xã hội báo tin cho bạn bè hay mình vẫn còn đây…
Những chuyển động lặng thầm mà mạnh mẽ, không khoa trương nhưng thuyết phục lòng người, đang cuộn chảy trong đời sống thành phố này.
7/9/2021
Lam Điền
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Dưới bóng xà nu

Dưới bóng xà nu

Nhiều người đã nghe về làng Xô Man, về cụ Mết trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (bút danh khác của nhà văn Nguyên Ngọc). Về Đakgley thuộc Kon Tum mới biết Xô Man – một ngôi làng nằm dưới những tán rừng xà nu bạt ngàn – vẫn còn cất giữ vô số kỷ vật và huyền thoại về cụ Mết.
Theo ông Đinh Như Rươn (A Rươn), con trai cả của cụ Mết, từ thị trấn Đakgley chúng tôi tìm về Xô Man trên con đường đèo khúc khuỷu dài hơn 30km. Nghe có người tìm về Xô Man, dòng cảm xúc trong nhà văn Nguyên Ngọc lại dâng tràn. Chốc chốc ông lại gọi điện cho A Rươn dặn dò: “Phải dẫn nhà báo vào được thung lũng Mường Hoong, ôm cho được những gốc xà nu (thông ba lá) hai ba vòng tay rồi mới nghe lũ làng kể chuyện về cụ Mết, về làng Xô Man ngày nào”.
Dòng máu anh hùng
Những người con làng Xô Man ngày nào, bây giờ có tên hành chính là làng Xốp Nghét và Xốp Dùi thuộc xã Xốp, huyện Đakgley, vẫn quây quần trong những mái nhà bao bọc bởi con suối Nước Dùi, dưới những triền núi mờ sương cao vút xà nu. A Rươn nói người Giẻ Triêng ngày trước vốn du canh du cư nên dời làng liên tục. Trong ngôi nhà sàn trên triền núi cao nhất làng, già A Cố năm nay đã gần 90 tuổi, là người bạn chiến đấu với cụ Mết cuối cùng còn sống. Già A Cố nói ông rất chịu cái ông Nguyên Ngọc vì đã tả rất đúng về Xô Man khi nói “làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc”, bởi Xô Man nằm giữa các đồn Đăk Glei, Tô Năng Mô Bành và Kon Riêng. Đất cũ của Xô Man giờ đã lẩn khuất đâu đó trên triền núi Ngọc Linh, không ai tìm được. Nhưng ký ức, kỷ vật và cả những huyền thoại về Xô Man, về cụ Mết thì con cháu vẫn mang theo.
Già A Cố kể người Giẻ Triêng là một trong những tộc người ngoan cường nhất Tây Nguyên, giờ con cháu vẫn còn thói quen cất nhà trên triền núi dựng, như khi xưa cha ông vẫn chọn để tránh thú dữ và giặc giã.
Với cụ Mết, năm 1943 đã chỉ huy 100 thanh niên khỏe mạnh lên núi cao lập làng chiến đấu. Lịch sử Đảng bộ Kon Tum vẫn còn ghi tháng 4-1949 khi nghe tin A Mết rào làng kháng chiến, Pháp đưa quân bố ráp. Nhưng vừa đến đầu làng đã dính bẫy chông, mười lính Pháp chết, bốn lính bị thương phải tháo chạy.
Cùng năm này, A Mết được ông Trần Kiên (khi ấy là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập thuộc Bộ tư lệnh Quân khu V) kết nạp vào Đảng và giao làm huyện đội trưởng Đakgley. Trong những năm 1953-1954, thực dân Pháp đã hơn 20 lần đưa quân bố ráp Xốp Nghét, Xốp Dùi và các làng lân cận, nhưng A Mết cùng các đảng viên người Giẻ Triêng đã chỉ huy dân làng đánh trả ngoan cường. Khiếp sợ trước sự dũng mãnh và mưu trí của A Mết, quân Pháp đã tìm cách mua chuộc ông bằng cấp hàm thiếu tướng nếu ông ra hàng. Nhưng A Mết chỉ đáp trả bằng những trận đánh chống càn chí mạng.
Đời binh nghiệp của A Mết tưởng ngưng lại năm 1954 khi ông được Đảng và Bác Hồ đưa ra Bắc, dẫn theo vợ và con trai A Rươn. Nhưng nỗi nhớ Xô Man, nhớ cánh rừng xà nu và dòng máu của một chiến binh Giẻ Triêng đã thôi thúc ông trở về. Tạm gửi lại đứa con trai và mộ phần người vợ ở miền Bắc, A Mết trở lại Đakgley năm 1959 và được giao làm bí thư huyện ủy H30 (tức Đakgley), trực tiếp chỉ huy đánh Mỹ cho đến ngày đất nước thống nhất.
Giữ lại cho đời sau
Chuyện cụ Mết đánh Pháp, đánh Mỹ đã lâu lắm, chỉ còn những người già nhất ở Đakgley nhớ. Nhưng một cụ Mết rắn rỏi, đời thường, hòa mình với buôn làng những năm sau giải phóng thì rất nhiều người vẫn nhắc đến.
Nhà thơ Văn Công Hùng – người từng dẫn nhà văn Nguyên Ngọc băng rừng đi tìm lại làng Xô Man hơn 30 năm trước – kể: “Nghề của cụ Mết những năm sau giải phóng là xách xắc-cốt đi uống rượu khắp các buôn làng”. Nhận xét tếu táo ấy được A Rươn nói không có gì là thất lễ. A Rươn kể từ sau ngày giải phóng cho đến năm 1980, cụ Mết làm chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đakgley. Không biết chữ nên cụ chỉ vẽ được chữ Mết nguệch ngoạc hoặc lăn tay vào các giấy tờ thật quan trọng. Thời gian còn lại cụ Mết cứ băng rừng đi từ thị trấn về khắp các buôn làng ở Đakgley kể chuyện đánh Pháp, đánh Mỹ ngày xưa và căn dặn đồng bào làm ăn, xây dựng nếp sống mới. Và dù đã trở thành một huyền thoại, một con người của lịch sử, khí chất hào hoa rất riêng của một chiến binh Giẻ Triêng vẫn vẹn nguyên trong cụ Mết. Năm 1985 ở tuổi 72, cụ Mết vẫn còn được một phụ nữ Giẻ Triêng yêu mến, bắt làm chồng và sinh cho cụ người con trai út A Rơn.
Ngoài con trai cả A Rươn nguyên là phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đakgley đã về hưu và sống tại thị trấn, ở làng vẫn còn bốn người con của cụ Mết là các anh A Phin, A Rơn, A Mét và chị Y Léo sinh sống, với một bầy cháu chắt. Dù vẫn còn lam lũ nhưng những người con cụ Mết luôn tự hào và cất giữ những kỷ vật của cha như những vật báu cho đời sau. Ở nhà anh A Phin vẫn còn giữ một cây xà gạc, một chiếc rựa, một cây rìu và một cái cà lek (gùi đan bằng mây), đó là những dụng cụ ngày xưa cụ Mết từng dùng để đi rừng. Nhưng quý giá nhất là cây kiếm cán bọc đồng, có vỏ bọc bằng da rắn và da của nhiều loài thú rừng, do chính cụ Mết mài nên đang được A Rươn cất giữ. Đây chính là cây kiếm cụ Mết từng trực tiếp dùng làm vũ khí chống càn những năm đầu rào làng chống Pháp.
Những ngày này, ở làng cũ A Rươn vừa xây xong ngôi nhà mới cho người em A Phin, năm trước nữa đã xây xong nhà cho cậu út A Rơn. Trong những nhà mới ấy, A Rươn nói sẽ dành một góc nhà đẹp nhất để trưng bày những kỷ vật quý báu mà cha mình để lại. “Đó là những gốc xà nu to nhất, quý giá nhất ở cánh rừng Xô Man này mà bọn con cháu lớn lên phải ráng giữ lấy” – A Rươn nói về sự ấp ủ của mình một cách tự hào.
Chuyện một đời, viết trong một đêm
Nhà văn Nguyên Ngọc nói ông biết cụ Mết cùng thời gian quen biết anh Núp từ hồi chống Pháp. “Ở Đất nước đứng lên, trong hình tượng anh Núp, kỳ thực đã có một phần ông Mết của tôi trong đó. Và tôi yên trí như thế là tôi đã “dùng” hết ông Mết của tôi rồi. Tôi không hề ngờ rằng còn có một ngày nào đó tôi còn trở lại với “cái vốn” ông Mết của tôi nữa” – nhà văn Nguyên Ngọc kể về sự bất ngờ khi ông viết Rừng xà nu.
Rừng xà nu ra đời năm 1965 khi nhà văn Nguyên Ngọc cùng nhiều cây bút khác được giao thực hiện tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng miền Trung Trung bộ. Số tạp chí thứ hai Nguyên Ngọc được yêu cầu viết một truyện ngắn nhưng ngồi suốt ba đêm liền mà ngòi bút vẫn tắc tị, cho đến khi bắt được mạch văn về những cánh rừng xà nu, với câu khởi đầu “Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc” thì mạch văn cứ thế theo ký ức tuôn chảy. “Tất cả, tôi không phải bịa thêm gì cả, tôi thấy rõ hết. Với tôi, nó hoàn toàn có thật. Và ông cụ Mết của tôi cũng tất yếu phải đến. Ông là cội nguồn, như lịch sử bao trùm. Nhưng không che lấp sự đi tới nối tiếp và mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt hơn, sành sỏi và tự giác hơn của các thế hệ sau” – nhà văn Nguyên Ngọc nói.
Cái đêm trong rừng khu V viết nên Rừng xà nu, nhà văn Nguyên Ngọc kể đó là đêm dài như cả một đời: “Và Rừng xà nu là truyện của một đời được kể trong một đêm”.
A Mết có tên thường gọi là A Mét hay Đinh Môn, sinh năm 1913. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, năm 1955 cùng với anh Núp, A Mết từng được xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng rồi việc phong tặng danh hiệu cho A Mết đã phải ngưng lại khi có ý kiến ông là “già làng”, mà “già làng” hồi ấy được coi là đồng nghĩa với “tầng lớp trên”, là giai cấp bóc lột…
A Mết mất năm 2000. 12 năm sau ngày ông mất, ngày 27-4-2012, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông.
7/9/2021
Nguyễn Viễn Sự
Theo https://vanhocsaigon.com/

Chuyện tàu Titanic

Chuyện tàu Titanic Chúng ta, từ bao đời luôn đối mặt với những thảm họa. Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh. Điều căn cốt của tinh thần Việ...