Đất nước chúng
ta có bờ biển dài 3260 km và gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ trên biển Đông trải dài
từ Nam chí Bắc, đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây là phần máu
thịt không thể tách rời của Tổ quốc mà ông cha ta đã bao đời gìn giữ. Bác đã dạy
với cháu con “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời,
có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy”.
Quần đảo Nam Du thuộc tỉnh
Kiên Giang.
Vùng biển phía Tây Nam có tất cả hòn đảo khoảng 50 hòn, đảo lớn nhỏ, nhiều
nhất nằm trên vùng biển 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Những đảo này có vị trí
chiến lược quan trọng trên biển đối với Việt Nam trong vùng vịnh Thái Lan, là cửa
ngõ giao thương với các nước thuộc Đông Nam Á và quốc tế.
Điểm đến của chương trình hôm nay là quần đảo Nam Du, một trong những quần
đảo xa bờ thuộc tỉnh Kiên Giang. Để đến được với Nam Du, chúng ta có thể xuất
phát từ Cảng Rạch Giá. Nếu đi bằng tàu cao tốc, mất khoảng 3 giờ, còn nếu đi
tàu gỗ, tàu sắt mất khoảng 5 giờ là chúng ta có thể đặt chân được lên đảo Nam
Du.
Quần đảo Nam Du nằm về phía đông nam đảo Phú Quốc trong vùng vịnh
Thái Lan. Quần đảo nam Du thuộc hai xã An Sơn và xã Nam Du thuộc huyện Kiên Hải,
tỉnh Kiên Giang.
Hai xã đảo này được thành lập từ năm 1983. Nam Du cách đất liền khoảng 65
hải lý tương đương khoảng 120 km. Quần đảo Nam Du có tất cả 21 hòn đảo lớn nhỏ,
trong đó Hòn Củ Tron là hòn lớn nhất, có nhiều cư dân sinh sống và cũng như có
nhiều cảnh đẹp nhất.
Hòn Củ Tron thuộc xã An Sơn với 9 km2, dân cư sống tập trung ở hòn này với
hơn 5.000 người. Quần đảo gồm khoảng 21 hòn đảo lớn nhỏ cấu tạo từ đá mắc
ma xâm nhập và gồm hai dãy đảo song song theo hướng Bắc-Nam. Cho đến nay
chưa ai xác định nguồn gốc tên đảo Nam Du có từ đâu, chỉ biết qua một số câu
chuyện kể dân gian. Một số người lớn tuổi sinh sống lâu đời ở đảo Nam Du thuật
lại lời kể của ông bà mình rằng tên đảo có từ thời vua Gia Long. Trong lúc Nguyễn
Ánh bôn đào khỏi sự truy sát của quan quân nhà Tây Sơn đã chạy đến đảo này. Bằng
chứng là một số địa danh, tên hòn, tên bãi vẫn còn in dấu tích của chế độ phong
kiến Nguyễn triều như: Bãi Ngự, Giếng Ngự.
Một góc của quần đảo Nam Du.
Nam Du là hòn đảo với nhiều bãi biển đẹp, còn hoang sơ. Nếu du khách đến
đây vào buổi chiều, có thể đứng trên triền dốc nhìn xuống những bãi dọc theo đảo,
từng đoàn thuyền đánh cá neo đậu yên bình tạo nên bức tranh tuyệt vời. Bãi biển
và cảnh đẹp trên những hòn đảo ở Nam Du được ví như nàng tiên còn đang ngủ,
chưa được đánh thức. Đó là bãi Cây Mến, bãi Ngự... Giữa eo của hai sườn dốc,
ngay chân dốc của núi đá cheo leo nhưng tạo hóa khéo sắp đặt bãi Cây Mến có
vùng cát trắng mịn màn nằm thoai thoải bên rừng dừa xanh mát. Khung cảnh
tuyệt vời này rất thích hợp cho du khách đến đây tắm biển, nghỉ dưỡng, hít thở
không khí trong lành. Không gian ở đây hòa lẫn giữa núi, rừng và biển cả. Không
khí trong lành, thiên nhiên hoang sơ cùng với hệ thực vật, động vật phong phú
trên rừng dưới biển đã tạo cho Nam Du tuy đứng giữa trùng dương nhưng hấp dẫn
du khách đến đây trong những ngày nghỉ cuối tuần. Nét hoang sơ của quần đảo
Nam Du hiện nay đang từng bước được khai thác để đưa khách du lịch đến đây.
Hiện tại, con đường đang được xây dựng chạy vòng quanh đảo vừa làm vành
đai quốc phòng vừa đưa khách du lịch tham quan vòng quanh đảo. Những con đường
dốc cheo leo một bên là núi, một bên là biển cũng gợi cho du khách cảm giác mạo
hiểm khi khám phá Nam Du. Đứng ở hòn Củ Tron nhìn sang 20 hòn khác là chừng ấy
cảnh đẹp nên thơ, không bút mực nào tả xiết, những ai thích khám phá biển đảo
hãy một lần đến Nam Du – nơi có núi đồi, sông biển nên thơ.Nếu như phong cảnh
Nam Du đẹp bao nhiêu thì cuộc sống của người dân Nam Du cũng bấy nhiêu vất vả.
Do dãy đảo này được cấu tạo từ đá mắt ma xâm nhập nên toàn diện tích đảo chỉ
trơ đá, độ dốc lại cao nên người dân trên đảo không thể trồng trọt, chăn nuôi
được thứ gì. Từ trái ớt, củ hành cũng được mang từ đất liền ra. Sự xanh tươi mà
chúng ta nhìn thấy qua những tán cây trên đảo, chúng chỉ được bám vào khe đá mà
vương lên, đó cũng là ý chí của người dân xứ đảo này.
Nét hoang sơ của quần đảo
Nam Du.
Khi chúng tôi hỏi một lão dân sự khắc khổ như vậy, người dân đảo sống bằng gì?
Ông chỉ tay về hướng biển. Vâng. Ngoài trùng khơi kia chính là chén cơm, manh
áo của người dân xứ đảo. Manh lưới, con thuyền là bạn mưu sinh của 90% người
dân sống trên đảo, số ít còn lại sống bằng nghề buôn bán nhưng cũng chỉ những dịch
vụ phục vụ cho đánh bắt, chế biến hải sản. Từ rất lâu, Bác đã bảo với cháu con:
“nước ta rừng vàng biển bạc” quả thật đúng như vậy. Khi chúng ta đặt chân đến
ngay bến cảng hòn Củ Tron đã cho cảm nhận về sự giàu có mà biển đã ưu ái ban tặng
cho con người xứ đảo này, dù thời gian này là nghịch mùa khai thác biển. Hải sản
đặc trưng ở vùng biển này như cá thu, mực, ghẹ, ốc nhảy, ốc đụn, ốc giá, hàu sữa.
Ngay dưới chân cầu cảng, bắt gặp những hình ảnh như thế này, chúng tôi tin rằng
gánh nặng áo cơm của người xứ đảo sẽ dịu đi.
Thiên nhiên cho con người nhiều là thế nhưng trong những cơn cuồn nộ của phong
ba cũng có thể tước đi của con người bất cứ thứ gì kể cả thứ quí nhất là sinh mạng.
Cuộc sống của con người xứ đảo muôn đời vẫn là thế.
Những ngày chúng tôi đến đảo là những ngày mưa, dù không có cuồn nộ của
phong ba nhưng cũng chạnh lòng với những khó khăn của người xứ đảo. Những con
thuyền không thể rời bến là một ngày thất thu. Sự thu nhập của mỗi gia đình được
tính theo mùa. Mùa Nam nhiều bảo tố thu nhập thấp hơn mùa chướng trời yên biển
lặng. Người dân xứ đảo Nam Du có tập quán sinh sống cũng khá đặc biệt, họ di
chuyển nhà theo mùa dọc theo hai bên mạng đảo để tránh gió bão. Khó khăn của
người dân nơi đây vẫn còn rất nhiều khi chưa có điện lưới quốc gia. Cả xã An
Sơn chỉ có 1 máy phát điện nên không thể cung cấp đủ cho hơn 5 ngàn dân. Nước
ngọt cũng là vấn đề nan giải. Năm 1999, Hồ nước ngọt được xây dựng với kinh phí
5 tỉ đồng do nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng. Với thể tích hơn 30
ngàn mét khối nhưng cũng chỉ đáp ứng cho khoảng 60% dân số trên đảo vào mùa khô
hạn.
Hầu
hết người dân đảo Nam Du sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, thế nên tín ngưỡng
thờ Bà Chúa Xứ không thể thiếu đối với đời sống tâm linh của dân vạn chài. Tín
ngưỡng thờ Mẫu thì ở đâu cũng có nhưng trên đảo này đặc biệt còn có sự pha trộn
thờ thần trong kiến trúc cũng như bố trí không gian. Nghĩa là trong cùng không
gian có sự pha trộn giữa Miếu và Đình để gộp chung thờ thành hoàng. Sự dung hòa
tín ngưỡng trong không gian đảo hạn hẹp cũng là điều dễ chấp nhận. Miếu Bà Chúa
Xứ được cư dân làng vạn chài này đóng góp xây dựng và tổ chức lễ tế long trọng
vào ngày 11 tháng giêng âm lịch hàng năm. Nhưng cũng có thể sau mỗi chuyến đi
biển về, những ngư dân cũng đến đây cầu nguyện mong cho biển lặng sóng yên,
đánh bắt được nhiều tôm cá, cầu mong sự bình yên cho dân đảo. Đây là nơi thỏa
mãn khác vọng tâm linh của con người nơi đầu sóng ngọn gió.
Dù đương đầu với sóng gió muôn trùng, người dân đảo Nam Du đã xây dựng
cho mình bề dày vốn văn hóa. Có đến với biển đảo mới cảm nhận được hết những
gì quí giá mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta, chính vì vậy chúng ta hãy
ra sức gìn giữ biển đảo là của quí mà ông cha ta đã để lại. Biển đảo Việt Nam đẹp
lắm, đẹp từng con sóng đến cánh hải âu, đẹp cả màu áo xanh của người lính biển.
Hiện tại đảo Nam Du và vùng biển này có hệ thống đồn biên phòng, đài ra đa 600
thuộc vùng 5 Hải quân đang ngày đêm gìn giữ, sẵn sàng chiến đấu cho tổ quốc được
bình yên.
Khi nhắc về biển đảo chúng ta không thể nào không nhớ tới
vùng biển Trà Vinh - một vùng biển giàu tiềm năng kinh tế
và có nhiều cảnh đẹp cũng như giàu truyền thống anh hùng trong
kháng chiến và ngày nay được các lực lượng vũ trang chắc tay súng giữ gìn.
Trà Vinh, mảnh đất hai bề sông, một bề biển. Trong đó có 65 km bờ biển chạy dài
từ các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải đến Trà Cú. Từ nơi mỏm đất cuối
cùng của vùng duyên hải nhìn lên hướng Bắc là cửa Cung Hầu quanh năm sóng vỗ,
nhìn xuống hướng Nam là mặt trùng dương mênh mông bất tận. Biển có vai
trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa của Trà Vinh và là bộ
phận quan trọng của vùng biển phía Tây Nam tổ quốc trong việc giữ gìn an ninh
toàn, chủ quyền biển đảo.
Trà Vinh có bờ biển dài, phần lãnh hải rộng lớn và chính điều kiện tự nhiên, địa
lý này đã hình thành nên một tiểu vùng văn hóa riêng biệt, tạo nên sự phong phú
đa dạng cho mảnh đất Trà Vinh, đó là văn hóa biển. Vùng biển Trà Vinh không có
đảo như một số vùng biển khác nhưng có các cồn gần bờ, nổi dọc từ cửa sông chạy
ra hướng biển. Đây là những cồn cát được bồi lắng bởi phù sa nên có hệ động thực
vật vô cùng phong phú của vùng nước ngập mặn. Những khu rừng ngập mặn trên những
dãy cồn này có vai trò rất lớn đối với an ninh quốc phòng, giữ gìn chủ quyền
biên giới biển, đồng thời tạo nên hệ động thực vật phong phú nhằm tái sinh nguồn
lợi thủy sản cho biển, làm giàu cho quê hương đất nước.
Cư dân vùng ven biển Trà
Vinh nhộn nhịp vụ mùa thủy hải sản.
So với vùng biển miền Trung thì biển Trà Vinh mang nét đặc trưng là vùng
biển phù sa, những nơi tiếp giáp cửa sông nước phù sa còn đỏ đục nên rất dồi
dào sản vật cá tôm và trở thành bầu sữa cho con người xứ biển.
Cư dân vùng ven biển Trà Vinh không giỏi đánh bắt xa bờ như cư dân vùng
biển miền Trung, nhưng ngược lại rất giỏi khai thác, nuôi trồng thủy sản ven bờ
dựa theo dòng hải lưu của các cửa sông đổ ra biển. Tập quán đánh bắt gần bờ của
ngư dân vùng biển Trà Vinh cũng là nét đặc thù với phương tiện đánh bắt hầu hết
còn nhỏ lẽ, chưa mấy gì hiện đại. Có khoảng hơn 1700 tàu cá các loại, trong số
đó chỉ có khoảng 200 tàu đánh bắt xa bờ. Khai thác hàng năm khoảng vài chục
ngàn tấn với những loại hải sản như tôm, cá, mực, ghẹ...
Không nơi nào khác ngoài vùng biển này có cách đánh bắt và những phương
tiện đánh bắt đặc trưng như lưới cá, đóng đáy hàng khơi, ghe cào, ghe câu hay
ven bãi biển là đi đăng, chài, đẩy sịp... Trong đó nghề đóng đáy hàng khơi là
nét đặc trưng của ngư dân vùng biển tiếp giáp cửa sông như Trà Vinh. Dựa vào
dòng hải lưu đổ ra từ hai cửa sông lớn và dựa theo mùa là mùa chướng hay mùa
nam mà ngư dân ở vùng biển Trà Vinh khai thác các loại hải sản. Chính biển đã
san sẻ phần nào với người dân gánh nặng áo cơm.Tạo điều kiện thuận lợi cho việc
khai thác thủy sản ở biển Đông, Trà Vinh đầu tư xây dựng 2 cảng cá lớn là cảng
cá Láng Chim, cảng cá Định An. Đây là những cảng cá phục vụ đắc lực cho hậu cần
nghề biển ở Trà Vinh, khu vực và cả tàu thuyền từ miền Trung và là nơi trú
bão an toàn cho hàng ngàn tàu thuyền trong nước lẫn quốc tế.
Đáy hàng khơi của ngư
dân Trà Vinh.
Không chỉ mang lại nguồn kinh tế, vùng biển Trà Vinh còn có được bãi biển
Ba Động vừa dài vừa đẹp thu hút khách du lịch mà cả miền Tây từ lâu biết tiếng.
Từ đầu thế kỷ XX, một số quan chức người Pháp đã chọn Ba Động làm nơi tắm
biển nghỉ mát cuối tuần. Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Ba Động bãi biển
dài hơn 10km phủ cát vàng mịn màn. Biển Ba động mang nét đặc trưng của vùng biển
giáp với cửa sông nên còn đậm màu phù sa và mang đặc trưng riêng không giống bất
cứ nơi đâu. Bãi biển sâu hay cạn là tùy thuộc vào con nước lớn, nước ròng;
trong hay đục cũng tùy theo mùa chướng hay mùa nam; tùy theo con nước
rong hay nước kém. Du khách vùng này nắm rõ quy luật, hiểu rõ tính nết của
lòng đại dương mà chọn cho mình chuyến đi thích hợp để thỏa sức vui cùng sóng
nước. Dù bãi biển không được phủ cát trắng mịn màn hay nước xanh biếc
quanh năm nhưng thiên nhiên cũng bù lại cho Ba Động những điểm hấp dẫn khác.
Ai đã đặt chân lên bãi cát vàng mịn màn trải dài gần 10km nằm phẳng phiu
ưỡn mình ra biển như muốn phô diễn đường cong con gái để cho những cơn sóng
miên man hôn nhẹ, vỗ về thì mới cảm nhận được thế nào là sự quyến rũ, gọi
mời của Ba Động với du khách. Khi con nước ròng bỏ bãi, du khách thỏa sức với
những trò chơi.
Biển Ba Động vẫn còn được mang trong mình nhiều nét hoang sơ của thiên
nhiên nên hấp dẫn những ai thích không khí trong lành, mát dịu. Trên bờ biển là
rừng dương quanh năm lộng gió đứng nối tay nhau dọc dài tạo nên khung cảnh còn
hoang sơ nhưng rất đổi hữu tình. Khách du lịch đến Ba Động đông nhất là vào mùa
hè và những ngày nghỉ cuối tuần.
Du khách trên bãi biển Ba Động.
Từ trong quá khứ, vùng biển Trà Vinh là vùng biển anh hùng. Trong kháng chiến
chống Mỹ, tại vùng biển Duyên Hải này được Cách mạng chọn làm bến tiếp nhận vũ
khí và trở thành một mắc xích rất quan trọng của cung đường HồChí Minh trên biển.
Đây là bến đổ lớn của đoàn tàu không số. Bến tiếp nhận vũ khí ở Trà Vinh có nhiều
điểm như ở Rạch Cỏ, La Ghi, Phước Thiện, Hồ Tàu, Khâu Lầu, Láng Nước, Cồn Tàu.
Tại nơi đây ngày 23/3/1963 đã đón chuyến tàu đầu tiên cập bến và đến năm 1966,
bến Trà Vinh đón tất cả là 16 chuyến tàu vào bến an toàn và nhận 877 tấn
vũ khí, hàng hóa góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tại đây, quân và dân Trà Vinh đã chiến đấu kiên cường để đảm bảo bí mật và sự
an toàn của tuyến đường và cũng đã có nhiều người con của quê biển Trà Vinh đã
anh dũng nằm xuống, gửi thân vào lòng biển mặn góp phần viết nên trang sử huyền
thoại mang tên đường Hồ Chí Minh trên biển.
Nối
tiếp truyền thống cha ông, thế hệ những người lính Cụ Hồ hôm nay luôn ra sức
chung tay giữ gìn an ninh và chủ quyền biên giới biển. Trà Vinh có hệ thống đồn
biên phòng canh giữ ngày đêm trên biển. Trong hành trình hướng về biển đảo
quê hương, chúng tôi đến với đồn biên phòng 626, đây là đồn trấn giữ cửa ngõ của
vùng biển Trà Vinh. Trong những năm qua, đồn biên phòng 626 cũng như tất cả những
đồn khác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh giữ tuyến biên giới biển, đồng thời
là người bạn sát cánh cùng với ngư dân ngày đêm bám biển. Các chiến sĩ nơi đây
luôn chắc tay súng và mắt hướng về phía biển không rời một phút giây. Dù rất vất
vả làm nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ cho sự bình yên trên mặt biển nhưng những
người lính biên phòng này vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan. Chốt tiền tiêu
này luôn vang tiếng hát, nhờ tinh thần lạc quan mà các anh mới vượt lên trên được
những gian lao vất vả, hun đúc ý chí chiến đấu trước những kẻ thù luôn rình rập
xâm lấn. Khúc quân hành vẫn loan trên đầu ngọn sóng cho biển trời của ta, tổ quốc
của ta vững mãi dưới màu cờ .
Tiếp tục cuộc hành trình hướng về biển đảo quê hương, chương trình đã
cùng với Tỉnh đoàn Trà Vinh có chuyến hải hành đến với đảo Phú Quốc để giao lưu
kết nghĩa cùng Hải đội 512 thuộc Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân. Đây là chuyến đi
mang nhiều ý nghĩa, thể hiện tình cảm của lãnh đạo Đoàn thanh niên đại diện
cho tuổi trẻ tỉnh Trà Vinh hướng về biển đảo. Nơi đầu sóng ngọn gió ấy, những
người lính biển phải đương đầu với bao gian lao vất vả để giữ gìn cho biển trời
của ta, tổ quốc của ta được toàn vẹn.
Đoàn chúng tôi xuất phát từ cảng Rạch Giá. Đây là 1 trong hai cảng lớn cùng với
Hà Tiên giúp cho người đất liền đến được với đảo Phú Quốc. Mỗi ngày, trên
bến cảng này có 4 chuyến tàu đi Phú Quốc, vận chuyển trên 1 ngàn người và hàng
chục tấn hàng hóa. Nhìn vẻ hối hả của từng người cũng cho ta thấy được sức hấp
dẫn của Phú Quốc đang ở phía trước. Cả đoàn chúng tôi nao nức hướng mắt về phía
trùng dương bao la, nơi ấy, đảo Phú Quốc đang chờ đợi những thanh niên lần đầu
ra thăm đảo. Phú Quốc, hòn đảo được mệnh danh là đảo ngọc, nằm trên địa
giới của tỉnh Kiên Giang. Thiên nhiên ưu đãi cho Kiên Giang nhiều biển và đảo
nhất ở vùng biển Tây Nam. Với đường bờ biển chạy dài hơn 200 km và hơn 100
đảo lớn nhỏ ngoài biển, Kiên Giang có vị trí chiến lược quan trọng trên biển nằm
trong vùng vịnh Thái Lan giao thương với các nước thuộc Đông Nam
Á như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapo...
Một góc của đảo Phú Quốc.
Ngày nay, khi phương tiện giao thông thủy hiện đại thì sự cách trở giữa đất
liền và hải đảo cũng dần ngắn lại. Sau 2 giờ, 20 phút vượt qua hơn 62 hải lý
tương đương khoảng 120 km, chuyến tàu cao tốc đưa đoàn chúng tôi cập cảng Bãi
Vòng. Đây là một trong những cảng lớn nhất của Phú Quốc, nằm cách trung tâm của
huyện đảo Phú Quốc là thị trấn Dương Đông khoảng 15 km. Khi đặt chân lên cầu cảng
xầm quất này, chúng ta cũng đã nhận ra sự phồn thịnh và hấp dẫn của Phú Quốc.
Trung bình hàng năm, Phú Quốc đón hơn 586.000 lượt khách du lịch đến tham
quan nghỉ dưỡng. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt gần 125.000 lượt người.
Doanh thu từ du lịch của Phú Quốc đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Phú Quốc đang là điểm
nóng hấp dẫn khách du lịch nhất trong khu vực.
Các
chiến sĩ Hải đội 512 đón đoàn chúng tôi nơi cầu cảng trong sự thân tình, mến
khách của những người lính biển với khách đất liền. Hiện tại, trên đảo Phú Quốc
có đủ các lực lượng an ninh, quốc phòng như Cảnh sát biển, Biên Phòng, Hải quân
gìn giữ sự bình yên cho đảo và cho cả vùng biển phía Tây nam tổ quốc.
Nơi đoàn đến kết nghĩa là Hải đội 512 của lữ đoàn 127, thuộc Bộ tư lệnh
Vùng 5 Hải quân, đây lữ đoàn giàu truyền thống anh hùng, đã góp phần không nhỏ
trong kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc.
Riêng Hải đội 512, cũng là đơn vị giàu anh hùng thực thi nhiệm vụ tập luyện sẵn
sàn chiến đấu bảo vệ vững chắc thềm lục địa khu vực biển Tây Nam tổ quốc, đồng
thời làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn phòng chống thiên tai bão lốc...xây dựng vùng
biển hòa bình tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn sinh sống, đánh bắt trên biển.
Hàng năm, Hải đội có tổ chức 6 đợt tuần tra chung với hải quân hoàng gia Thái
Lan, hải quân hoàng gia Campuchia nơi khu vực biển giáp ranh của các nước, vận
chuyển quân, hàng hóa, chi viện lương thực, nước ngọt cho những đảo lân cận,
trong đó có những chuyến đi dài ngày trên đảo Trường Sa. Các cán bộ chiến sĩ
trong Hải đội còn tham gia công tác dân vận hỗ trợ khám chữa bệnh và phát thuốc
cho nhân cùng với nhân dân bám biển, bám đảo.
Lễ
ký kết nghĩa giữa Tỉnh đoàn Trà Vinh với Hải đội 512 diễn ra trang trọng dưới sự
chứng kiến của lãnh đạo lữ đoàn 127 và lãnh đạo Hải đội 512 cùng với hơn 100
cán bộ chiến sĩ.
Những chàng lính biển trẻ trung đã hòa cùng với những thanh niên Trà
Vinh, họ say xưa hát, hát khúc quân hành mà các anh vẫn hát trong những chuyến
tuần tra, hay hát về biển đảo giàu đẹp của chúng ta, chúng ta hãy chung sức giữ
gìn. Trên gương mặt rạng ngời của các cán bộ chiến sĩ dường như những gian lao
vất vả đã được xua tan. Mang đến cho các anh niềm vui, trong đoàn chúng tôi ai
cũng thấy ấm áp hơn và càng thấy hoạt động này mang nhiều ý nghĩa thể hiện tình
cảm của thanh niên Trà Vinh với các các bộ chiến sĩ ngoài hải đảo.
Ngoài chương trình kết nghĩa, để thắt chặt thêm tình cảm của hai đơn vị, tỉnh
đoàn Trà Vinh tặng 20 xuất học bổng cho con các cán bộ, chiến sĩ hải đội 512 và
các phần quà cho các cán bộ chiến sĩ. Đại diện cho tuổi trẻ Trà Vinh, các cán bộ
lãnh đạo đoàn đã trao cho các cán bộ chiến sĩ Hải đội 512 hơn 200 bức thư cùng
với tranh vẽ của học sinh, sinh viên Trà Vinh. Những món quà tinh thần này cũng
là lời nhắn nhủ động viên tinh thần các anh hãy chắc tay súng giữ gìn biển đảo,
một phần máu thịt của quê hương. Nơi đất liền, mọi người luôn dõi mắt hướng về
phía các anh.
Việc kết nghĩa của Tỉnh đoàn Trà Vinh cùng với Hải đội 512 càng gắn kết nghĩa
tình giữa hai đơn vị nhằm tạo được sân chơi lành mạnh bổ ích cho thanh niên hai
đơn vị, đồng thời hun đúc tình yêu biển đảo cho các thanh niên để cùng chung sức
giữ gìn và xây dựng biển đảo của chúng ta bình yên, giàu đẹp.
Khôi Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét