Bốn tương quan chính
Đời sống con người luôn là một cuộc hành trình học hỏi, đi tìm,
khám phá, xây dựng…để hi vọng có được cuộc sống tốt hơn, cả tinh thần lẫn thể
xác…Trong muôn nẻo đi tìm đó, có một nẻo rất chính đáng. Đó là: Con
người đi tìm các mối tương quan.
Tựu trung, người ta đã chỉ ra được bốn mối tương quan chính:
- Tương quan với chính mình;
- Tương quan với đồng loại;
- Tương quan với muôn loài thụ tạo;
- Tương quan với Trời.
Ta cùng tìm hiểu về các mối tương quan đã nêu trên.
Tương quan giữa ta và ta
Phần thân xác
Trong Mùa Chay Thánh bốn
mười ngày, thì ngày thứ tư Lễ Tro, mọi Kitô hữu đã nhận xức tro trên đầu. Với
nghi thức xức tro, Giáo hội nhắc nhở thân xác chúng ta có nguồn gốc là bụi tro,
rồi mai sẽ trở về bụi tro. Còn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì vẫn thao thức đi
tìm mình trong bài hát Cát Bụi: «Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi.
Để một mai vươn hình hài lớn dậy. Ôi cát bụi tuyệt vời. Mặt trời soi một kiếp
rong chơi…Ôi cát bụi phận này. Vết mực nào xóa bỏ không hay…». Dưới
góc nhìn khoa học, cấu tạo bởi các nguyên tố, thì thân xác con người bao
gồm sáu nguyên tố chính, trong số 118 nguyên tố hiện có (96 nguyên tố tự nhiên
và 24 nguyên tố nhân tạo). Đó là: 65% Oxygen, 18% Carbon, 10% Hydrogen, 3%
Nitrogen, 1,5% Calcium, 1% Phosphore và 1,5% các chất khác. Vì thế, khi thiêu,
thân xác chỉ còn đựng trong lọ là đủ.
Phần trí tuệ, tâm hồn của
con người có tự do có lý trí có tình cảm thì quả thực là khôn lường… Có lễ vì
thế, mà cha ông ta mới nói: «Sông sâu còn có thể dò, nào ai lấy thước
mà đo lòng người». Xa hơn nữa, ta thấy: Lão Tử (? 531 TCN)
trong cuốn Đạo Đức Kinh đã nói: «Tri nhân giả trí, tự tri giả
minh » nghĩa là: Biết người là trí khôn, biết mình là sáng suốt. Sau
đó nhà hiền triết Socrates (469 - 399 TCN) để lại câu châm ngôn nổi tiếng: «Hãy
tự biết mình». Ông cha ta cũng có lời khuyên: «Biết
người biết mình, trăm trận trăm thắng».
Nhưng sâu hơn, hành trình đi
tìm chính mình, người ta thường tự đặt ra các câu hỏi: Tôi là gì, là ai?
Tôi sống trên đời này để làm gì? Tôi có hồn thiềng bất tử không, hay chết
là hết? Chết đi về đâu?... Những câu hỏi này, khoa học và chính trị
không trả lời được. Đạo Công giáo, trong giáo lý đã trả lời đầy đủ các vấn đề
trên.
Với tôi, điều huyền nhiệm
trong con người, ngoài những điều đã nêu trên, còn là giữa sự sống và sự chết.
Khi sống, con người với thân xác đó đã đi đứng, ăn nói và có đủ tình cảm, trí
tuệ, tâm hồn.... Khi chết, tất cả mọi điều nói trên biến mất, thân xác chỉ còn
lại sáu nguyên tố như các nhà khoa học đã phân tích nói trên. Chuyển đổi từ sự
sống sang sự chết, gần như không có khoảng cách thời gian. Ôi! sự sống,
sự chết thật là huyền nhiệm. Đó chính là qui luật muôn đời... Con người sao
hiểu thấu!!!.
Tương quan giữa ta và đồng
loại
Đây là mối tương quan phong
phú, đa dạng đã được hiến pháp, luật pháp của các quốc gia trên thế giới qui
đinh từ bao đời nay. Và nó cũng thay đổi theo sự tiến bộ của loài người trải
qua các giai đoạn lịch sử của nhân loại. Thời Phong Kiến, Khổng Tử (551- 479
TCN) đã thiết lập tương quan: Quân-Sư-Phụ (Vua-Thầy-Cha); Tam cương (Vua-tôi;
cha-con; chồng-vợ); ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí Tín (Nhân từ, Lễ độ,
Trọng nghĩa, Nhận thức, Thành tín)…
Tiến trình thay đổi từ Phong
kiến đến Dân chủ nơi các quốc gia được diễn ra bằng nhiều hình thức khác nhau,
có nơi bằng giải pháp chính trị, có nơi bằng giải pháp quân sự, có nơi đổ máu,
có nơi không. Những cuộc cách mạng đó tạo ra tương quan mới giữa người và
người. Một tương quan bình đẳng, dân chủ, tự do, trọng nhân vị, được dần thiết
lập nơi các quốc gia. Ngày nay, với hơn 252 quốc gia trên thế giới, gần như hầu
hết đã đi theo tiến trình dân chủ này. Hầu như, các quốc gia trên thế giới đều
có luật pháp và hiến pháp riêng để đảm bảo các mối tương quan của người dân với
nhau, và với đất nước.
Nhân loại còn tiến hơn một
bước là thiết lập được các tương quan giữa các quốc gia với nhau, giữa dân tộc
này, với dân tộc khác như: Tổ chức Liên Hiệp Quốc ra đời năm 1945 tại San
Francisco, mà hiện nay có 193 nước tham gia, Việt Nam tham gia năm
1977; Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ký năm 1948 tại thủ đô Paris nước
Pháp, xác định các quyền căn bản của con người.
Về phía đạo Công giáo thì
tương quan giữa người và người rất được coi trọng. Quả thực, khi được sinh ra
sống trên đời thì không ai là một ốc đảo, đúng như bài hát “Không Ai Là Một
Hòn Đảo.” của Linh mục Phanxico Đào Trung Hiệu O. P đã mô tả: “Tôi chỉ
thực sự là người, nếu tôi sống với anh em tôi. Đâu phải ai xa lạ, mà là người
đang đứng bên tôi. Thế giới này không ai là một hòn đảo… ». Chúa đã
dạy : « Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em »
(Ga 15, 12). Chúa còn dậy ta phải yêu kẻ thù nữa. Hội Thánh dạy chúng ta cụ
thể: «Thương người có mười bốn mối».
Nhưng, cũng thật đau lòng
khi chiến tranh vẫn còn khắp nơi trên trái đất, cảnh cướp bóc, trộm cướp, xả
súng bừa bãi vẫn ngang nhiên xây ra hàng ngày khắp mọi nơi làm bao người chết
oan và thiệt hại. Và đặc biệt nạn phá thai đang diễn ra tràn lan, lại được luật
pháp làm ngơ như đồng lõa với tôi ác giết người. Mong sao con người thực sự yêu
nhau chân thành!.
Tương quan giữa con người và
muôn loài thụ tạo
Sách Sáng Thế Ký, chương I
câu 26 đã cho chúng ta biết: «Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy
làm ra con người theo hình ảnh chung ta, giống như chúng ta, để con
người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, giã thú, tất cả mặt đất và mọi
giống vật bò dưới đất»
Điểm tích cực
Trái đất ta đang sống đã
được con người kiến tạo ngày một đẹp hơn, không hoang sơ như buổi ban đầu. Các
phương tiên giao thông đa dạng, phong phú tiện ích và mau lẹ gấp bội phần so
với thời đi bộ Tiền sử. Về lương thực, con người đã vận dụng và biến đổi thực
vật và động vật thành hàng ngàn, hàng vạn những món ăn hấp dẫn bổ dưỡng cho
nhân loại. Cùng với ngành y tế tiến bộ vượt bậc… đời sống con người ngày được
kéo dài và bảo đảm hơn thời ăn lông ở lỗ gấp bội phần. Ngoài ra, mỗi nước còn
có các luật, cùng với sự giáo dục riêng để bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.
Đó là những điểm đáng mừng và trân trọng.
Hình ảnh bảo vệ môi trường,
tôi suy nghĩ và nhớ mãi. Vào đầu mùa thu năm 2015, tôi đang đứng trên vỉa hè,
say mê ngắm vẻ đẹp sắc lá đỏ ửng hai bên đường thành phố Boston, Hoa Kỳ, chợt
thấy một bà dẫn con chó từ trong nhà ra đường. Con chó chạy lên thảm cỏ, cong
đuôi, co hai chân sau, và để lại trên thảm cỏ xanh một bãi phân. Người đàn bà
đã mang hai bao tay lấy từ trong túi mang sẵn, rồi hốt bãi phân bỏ vào túi và
cẩn thận cột lại mang theo…
Điểm tiêu cực
Bên các điểm tích cực vừa
nêu trên, con người đang để lại những thảm họa phá hoại môi trường sống trên
hành tinh này rất đáng lo ngại. Từ việc làm ô nhiễm nguồn nước sông ngòi, biển
cả, đến ô nhiễm bầu khí quyển phá vỡ tầng Ozon; từ việc phá rừng bừa bãi,
đến việc săn bắt động vật không theo qui định. Cả cá mẹ lẫn cá con cùng bị thịt
luôn. Mẻ rồng rông con cũng bị bắt làm thức ăn. Đau lòng biết bao!
Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chính mình.
Tương quan giữa con người và
Trời
Mối tương quan giữa con
người và Trời, đã có ngay từ thuở tạo thiên lập địa đến nay ở khắp nơi trên thế
giới. Riêng ở Việt Nam thì việc thờ Trời, cầu xin Trời ban phức có thể nói nó
đã ở trong máu thịt mỗi con người Việt từ ngàn xưa. Đọc cuốn: «Người Việt
với ông Trời» của Mục sư Nguyễn Văn Huệ đã giúp ta rõ hơn về điều này.
Với cuốn sách bỏ túi, vị mục sư đã trích dẫn cả trăm câu ca dao tục ngữ không
những nói đến sự tôn trọng thờ phượng và khấn xin ông Trời của người Việt, mà
còn nói đến sự sắp đặt địa danh nước Việt là do trời: «Nước non là
nước non Trời/ Ai chia được nước ai dời được non». Mục sư trích dẫn tuyên
ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt: «Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt
nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan
thử bại hư» dịch là: «Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành
một phận ở sách Trời/Cóa sao lũ giặc sang xâm phạm/ Bay sẽ tan tành chết sạch
toi».
Đến năm 1533 Đạo Công giáo
được loan truyền đến Việt Nam. Lúc nay mới được nhiều người Việt nhận ra, và
tôn thờ Thiên Chúa. Họ hiểu ra rằng, ông Trời mà tổ tiên ngàn đời của họ vẫn
cầu xin, biết ơn trong cuộc sống, chính là Thiên Chúa hàng hữu đã tạo ra vũ trụ
muôn loại. Họ giữ hai điều cốt lõi của đạo Công giáo là Mến Chúa và Yêu người.
Muốn hiểu biết rộng hơn và sâu hơn về đạo, họ được học giáo lý của Hội Thánh và
được học Thánh Kinh…Chính nhờ chịu học hỏi cùng Loan Báo Tin Mừng, mà họ nhận
được nên Việt Nam ngày nay đã có hơn bảy triệu người tôn thờ Thiên Chúa, một
con số đáng khích lệ.
Phần kết
Năm 2016, Năm Thánh Lòng
Thương Xót và cũng là năm Phúc Âm đời sống xã hội, xin Chúa ban cho chúng con
ơn sáng suốt, biết nhìn lại các mối tương quan một cách sâu sắc, để chúng
con hăng hái, mạnh mẽ, can đảm đem Tin Mường đến những nơi còn hoang vắng Đức Tin,
và nhất là những nơi còn tôn thờ ngẫu tượng, tôn thờ vật chất, hầu nước Chúa
ngày một mở rộng, bằng chính những chứng nhân trong đời sống, như lòng
Chúa hằng mong muốn.,.
Đặng Phúc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét