Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Nét độc đáo trong kiến trúc, phong tục nhà sàn của người Ba Na

Nét độc đáo trong kiến trúc, 
phong tục nhà sàn của người Ba Na
Nhà sàn của tộc người Ba Na Kon Tum được xây dựng cao, thẳng, có sàn cách mặt đất từ 1 đến 2 mét. Sàn nhà được làm bằng tre, nứa, lồ ô, hoặc bằng các tấm ván, thường chọn gỗ dầu vừa thẳng, vừa chắc. Khác hẳn với nhà người Kinh thường kéo dài về phía sau, nhà tộc người Ba Na có hình chữ nhật, dài trung bình khoảng 10 mét. Mỗi căn nhà gồm có 12 cây cột chia mỗi bên 6 cây. Người ta thường chọn cây Cà chích (Kơ chik) làm cột nhà, bởi nó có vị đắng và cứng chắc, ít bị mối ăn. Loại cây cà chích mọc trên đất đồi có sỏi đá là tốt hơn hết. Cột nhà được chôn sâu dưới đất khoảng 1 mét.
Tuy nhiên, ngày nay người ta ít làm kiểu ấy, người ta chỉ việc tán đế rồi dựng cột. Làm theo kiểu này thì dễ hơn bởi cây cột không bị mối gặm và không bị lún vào mùa mưa. Cột nhà được đẽo tròn, gốc có đường kính độ 30cm ngọn khoảng 25cm. Phía trên, cách ngọn cột 20cm đục một lỗ hình vuông để kết nối giữa cột và cây trính thượng. Cách trính thượng khoảng 2 mét là trích hạ. Trính thượng và trính hạ được đẽo thành khối chữ nhật. Hai cây đà được gác lên hai hàng trên đầu cây cột. Ổ chính giữa cây trính thượng có một cây trụ lỏng để chống đỡ cây đò giông. Các cây tròn bằng bắp tay thẳng dài và cứng chắc. Ngày nay người ta xẻ vuông hoặc hình chữ nhật với kích thước 5cm x 5cm hoặc 4cm x 6cm. Cây mè chọn từ cây tre nứa hoặc lồ ô già chẻ ra. 
Một ngôi nhà sàn bao giờ cũng có hai mái chính với mái phụ ở hai đầu gọi là chái. Nhà có 6 gian, nhưng chỉ có một gian đầu cùng hoặc gian cuối có vách ngăn phòng dành cho cha mẹ. Người Bah Nar có tập quán xoay nhà ra hướng nam, trổ hướng cửa chính ở gian giữa mở ra một cái nhà chồ gọi là “hnam pra”.Nhìn từ trên ta tưởng tượng như hình chữ T khổng lồ. Nhà chồ “hnam pra” cũng có hai mái lợp băng tranh hoặc ngói xưa kia gạch ngói còn ít chưa đủ dùng bà con lợp bằng tranh, cách đánh tranh không dễ dàng. Cần phải biết lựa chọn loại tranh tốt. Đó là tranh to, dài và dĩ nhiên phải là tranh già mới bền chắc. Khi cắt tranh, tay phải khéo léo cắt cho bằng và chải sạch các cỏ rác rồi cẩn thận bó thành từng bó nhỏ. Nhiều bó nhỏ lại thành bó to. Đánh tranh thành từng tấm dài khoảng 1met. Dùng hai cây le chẻ đôi kẹp lại và dùng dây lạt nềm buộc chặt rồi lợp lên phẳng phiu, mượt mà. Khi chưa có đinh để đóng người ta dùng dây may hoặc các dây rừng khác buộc vào cây rui mè và các cây khác. Sàn nhà chồ làm bằng gỗ ván to dày. Đó là nơi phụ nữ giã giạo vào mỗi buổi sáng sáng hoặc buổi chiều tối sau khi đi làm về. Nhà chồ cũng là nơi cả gia đình ngồi hóng mát trong những đêm hè nóng nực. Nhà chồ mát mẻ là nhờ không có những vách như nhà chính. Vách nhà chính thường được đan bằng nứa hoặc lồ ô. Sau này học tập người Kinh, có khi vách được trét bằng đất trộn với rơm, thậm chí người ta còn tô cát và quét vôi.
Để bước lên nhà chồ người ta bắc một chiếc cầu thang bằng gỗ cao to từ đất lên. Người khách quen hay lạ từ làng xa đến thăm sẽ dừng chân lại ở chân cầu thang, rồi cất tiếng hỏi chủ nhà:
Nhà có kiêng cữ gì không ạ?
Câu hỏi ấy như một lời chào tế nhị, xin phép chủ nhà. Bởi lẽ tập tục của đồng bào xưa kia rất phức tạp. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày có nhiều việc kiêng cữ lặt vặt mà buộc mọi người phải ý thức tôn trọng. Người chủ nhà có quyền tuyệt đối trong việc từ chối hay chấp nhận tiếp khách. Do vậy người ta phải hết sức dè dặt trong việc tiếp xúc với nhau. Nếu có kiêng cữ thì chủ nhà chỉ có thể tiếp khách ở ngoài sân và có lời xin lỗi khách. Trường hợp không có gì trở ngại thì chủ nhà sẽ niềm nở tiếp đón: “Mời anh (chị) lên nhà chơi”.
Gian nhà chính giữa dành cho tiếp khách. Đối với khách quý, chủ nhà trải chiếu mới, mời khách ngồi và mang một bầu nước đầy, mưòi khách uống. Bên cạnh đó có một bếp lửa để cho khách sưởi ấm khi gặp ngày đông giá lạnh.
Khác với tộc người Xê Đăng, Sơ Đrá hay Ja Rai, Ê đê…cả một dòng họ có ba bốn thế hệ sống chung trong một ngôi nhà sàn dài cả mấy chục mét, người Ba Na khi lập gia đình một thời gian sống bên nhà chồng hay nhà vợ (để trả ơn cha mẹ), cặp vợ chồng trẻ có thể tách ra lập thành hộ riêng, song vẫn trong căn nhà ấy, chỉ khác là đặt thêm một bếp nấu.
Khi có điều kiện với sự hỗ trợ của hai bên cha mẹ, cặp vợ chồng trẻ có thể tự xây cho mình ngôi nhà mới. Việc xây dựng nhà là một việc lớn, cần nhờ đến nhiều công sức của bà con trong làng. Vì thế mà người ta phải chọn thời điểm thuận lợi để làm. Thường thường việc làm nhà vào những ngày việc đồng áng, nương rẫy đã song, đúng vào mùa khô nắng ráo, bà con trong làng có thời gian thảnh thơi. Lúc dựng nhà mới, hay khi dỡ nhà cũ để sửa lại, dưới sự vận động của “Bok Kră pơlơi” (già làng), mọi người chung sức, chung lòng, tương trợ nhau, giúp đỡ nhau hoàn thành ngôi nhà mới đó. Khi xây xong khung nhà, cột rui mè xong…dù chưa kịp lợp mái, dựng vách, thì chủ nhà vẫn tiến hành tổ chức lễ “pơ dâng hnam” tức là lễ dựng nhà. Tuy không phải là ngày lễ lớn song đây thực sự là ngày vui. Chủ nhà thịt một con heo, bà con trong làng mang đến một ghè rượu cần nhỏ để chia vui. những ngày tiếp theo dân làng tiếp tục giúp chủ nhà hoàn tất công việc. Làm nhà song ngày gia chủ dọn về nhà cũng là ngày khánh thành nhà mới, người Ba Na gọi là “et hơtok hnam nao” (uống lên nhà mới). Dịp này chủ nhà thịt một con bò đãi dân làng bữa cơm thân mật. Gia chủ và thân nhân lần lượt được khách mời uốngvà nhận được những lưòi chúc tốt đẹp.
Bắt đầu từ nay cặp vợ chồng chính thức sống cuộc đời tự lập riêng. Bà con dân làng công nhận họ là thành viên của làng, có đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi như bao hộ gia đình khác.
Duy Thanh
Theo http://kontum.gov.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lê Khánh Mai - Người mang nỗi buồn đẹp, buồn và trong suốt như gương

  Lê Khánh Mai - Người mang nỗi buồn đẹp, buồn và trong suốt như gương Lê Khánh Mai hay ám ảnh đến kiếp sau và cõi tâm linh của con người. T...