Người đi tìm trăng giữa ngày
…
* Xin dâng tặng những người mang lý tưởng
vào đời….
nửa khuya, gió về
không gian lặng lẽ
bốn bề yên say
giật mình thấy mộng bay bay
hình như khi ngủ,
quên cài mảnh tâm
để trăng rót xuống ánh vàng
miên man, vóc cánh trăng
vàng vào thơ
lạ lùng thơ lẩn trong mơ
không gian như thở bên dòng
phù du
ta mong vạt mảnh trăng vàng
cho vơi uẩn khúc trăng mang
trong đời
ngày mai, nước có về nguồn
cho thơ tung cánh giữa trời
mênh mông
ánh trăng vùi giấc vô thường
lắng nghe hiện hữu mỉm cười
reo vui…
Cánh cửa sổ cuộc đời đã mở, di dời từng bước chân đi sâu vào cuộc sống. Đêm qua
ngủ, giấc ngủ say như đã lâu rồi quên ngủ thực sự, chập chờn, mênh mang trong
những mộng tưởng điên đảo của cuộc đời, dù biết các pháp vốn tự là phù du. Có
lúc bắt màn đêm thức giấc, có lúc để hơi thở nhảy múa trong dòng sóng vô tận của
nội tâm, nghe lại lòng mình như lắng nghe lại tiếng sóng rì rào của dòng sông Hằng
trong một lần đến đó, thấy xác người sau khi hoả thiêu, trôi bồng bềnh về nơi
hoại diệt, thấy có là không, thấy không là có.
Có phải là mơ chăng hay chỉ
là những hình ảnh liêu trai kỳ bí của tiếng “Om” hừng hực trôi lăn bên bến đời,
lăn trong tâm thức, kéo dài trong hiện tại. Om là mẩu từ của bắt đầu, cũng là
âm thanh của suối nguồn vô tận, của bước nhảy vượt qua vực sâu của đại dương
tâm thức, là tiếng lòng thức tỉnh, để im lặng thiên thu trong từng sát na, vô
niệm. Bỗng chợt thấy rằng hình như trăng đã trở về thì phải, vỡ ra, đem linh hồn
của trăng tràn ngập không gian, rót vào mảnh tâm cô quạnh những dảy sóng vàng
óng ánh.
Ngủ đi em, bỏ mộng vô thường
ai đem hương gió đi về nơi
nao
áo xưa màu sắc tàn phai
trong ta, ngày tháng, vẫn đầy
tử sinh
thiên thu thức giấc niệm
kinh
chân tâm vẫn bước, nguyên
trinh buổi đầu
tóc bay mây khói ngàn sau
phù du cảm niệm, cánh hoa vô
cùng …
Đẹp quá, mộng có bao giờ
không đẹp, như núi đồi vuơn mình trong không gian, mây ngủ trên cao, cánh chim
tung cánh, để rơi lại những tiếng ca lời múa, như rừng cây đem sinh khí vào đời,
như mảnh đất phì nhiêu lời tình tự, vì con người và cho con người. Bước chân của
con người sống nội tâm, nhìn thấy hơi thở, nghe hơi thở vẫn tràn lan, khắp
cùng, vô tận. Nhìn thấy từng sợi tâm lăn tăn, vi vu lời nói câm lặng. Nhìn thấy
đời,, lắng yên, cô đơn trên đỉnh rêu phong, bắt mây ngàn nằm yên trên bầu trời,
trong lòng bàn tay mở rộng, để cấu thành hiện hữu, sinh diệt.
“Sắc có khác gì không, không
có khác gì sắc” như lời Tâm Kinh Bát Nhã vẫn từng thuộc lòng, trong bao nhiêu
năm tháng, nhưng vẫn chưa bao giờ nắm bắt, thể nhập và sống trọn vẹn.
Ta thấy ta từng hạt bụi
Vi vu đời ru mộng mị ngàn
xưa
ở nơi nầy, đêm ngày thức
gói thời gian gửi gió cát
bay xa
một chút mộng mơ dịu nở
khép vai oằn những cánh hạc
trời mây
Quan Âm đó, lời thơ đẹp
Có
phải vì gió, vì mơ, vì cánh cửa sổ vô tình mời gọi, đón trăng. Những thoáng qua
trong cuộc hiện hữu vẫn là câu hỏi triền miên trong góc đời sống. Những lạ
lùng, thơ thẩn, lan man như những cơn gió trôi bồng bềnh trên bầu trời mênh
mang, đưa sinh mạng về đâu? Có phải ta đã bắt chụp, ước muốn cho mây dừng lại,
để chiếm hữu, giành giật với bầu trời. Có phải đó chỉ là những mảng bé nhỏ của
hư không ngủ trong lòng bàn tay, trong ánh mắt trừng trừng nhìn sâu vào số phận
con người, như đôi mắt của Tổ Bodhidharma nhìn sâu vào vùng nguồn căn của nội
tâm, thấy được tất cả bản chất các uẩn, các duyên, các trần để im lặng, lắng
vang rền lời vô ngôn.
Chín năm trôi qua ư, nơi diện
bích, tìm sinh lộ cho con người tìm cầu, bẻ rời huyễn vọng. Khổ đau từ đâu đến,
đi về đâu? Đem tâm ra để an tâm, tìm tâm nơi đâu?
Trên vách đá của tâm hồn, dù
trái tim vẫn đập, dù dòng máu vẫn luân lưu tuôn chảy, từ tim đi ra, trở về, để
nuôi dưỡng cơ thể, nhưng bên cạnh đó, suối nguồn của Chân tánh vẫn rì rào lời
tâm sự, khắc ghi, vô tự..
Ta mở đường xưa tìm về lối
cũ
ánh trăng non ngủ lặng giấc
vô thường
dòng sống vẫn buông lơi tình
vấn đáp
cuộc trăm năm khoác chiếc áo
nhu hoà
trở về đâu, đôi dép quai mòn
hai lối
cửa tử sanh rộn rả một trận
cười …
Đã bao lần với những sóng gió của cuộc đời, mỗi người đều quán chiếu lại mình,
để tìm hướng đi, vì cuộc đời là sự ra đi để trở về với dòng sông tự tình, muôn
lời muốn nói. Trở về với bốn đại, trở về với hơi thở, về với chính mình. Khi
con người ý thức, có nhận thức về lẽ sống, thì bắt đầu đặt ván đề cho chính cuộc
sống. Tuổi trẻ có hướng đi của tuổi trẻ, người trung niên có hướng đi riêng và
người lớn tuổi vẫn hoài mang một hướng đi. Ai là người không có hướng đi, dù là
hướng đi để chỉ là hướng đi, như biểu lộ của cái tâm ngàn lối suy tư, chưa thuần
nhất, nhưng tất cả vẫn tuôn chảy đổ ra biển cả.
một vóc đất, em ơi
hỏi chi thời gian xưa cũ
một cuộc đời, có mặt
hỏi gió bụi về đâu
người đi trên sóng nước
nào chối bỏ trần gian
tâm trùng trùng hoang vắng
sải cánh nụ sen hồng
tay gom trời bé bỏng
Nơi sông Hằng gió cát, dòng sông, tử sinh, vô thường, hoà lẫn, đáp lời nhau
mênh mang là nghiệp lực kêu gào, bao la là nguyện lực ẩn chứa, cũng đã từng có
bước chân của một con người vì tấm lòng với tất cả muôn loài. Hướng đi đó, bước
chân đó, bình an, tự tại, đã tràn lan, tuôn tràn biết bao nhiêu là suối nguồn
ân ích, như cơn mưa đổ xuống, không phân biệt, làm tươi mát tâm, chấm dứt khổ
đau, vuợt thoát qua bể khổ, mà mỗi người cần cầu, tìm đến, học hạnh, áp dụng
vào đời sống để chuyển hoá cho chính mình.
Coi lại tâm mình trước bao biến động, cầm, ngắm, xăm soi, và thầm hỏi..
hỏi tâm mấy thưở về đâu
hỏi ta vào lúc canh thâu, đếm
trời
hỏi đời bao tuổi còn thơ
hỏi lòng có thấy mây trời
bao la
hỏi vào những lúc tịch liêu
hỏi em đỉnh núi, Lăng già
soi tâm ….
Nhớ lúc trước, khi tâm chưa xác định hướng đời, chân bước khờ khạo, vô tư, và
được sự giới thiệu của người Bác, tôi đến ghi danh để học nhạc với Thầy Đổ Lễ,
người nhạc sĩ nổi tiếng với bản nhạc thời thượng “Sang ngang”. Ngày đầu tiên đến
học, lớp mở nơi tầng hai của chung cư … mang theo cây đàn, sách nhạc … cho ra vẻ
sành điệu, thích văn nghệ văn gừng. Vừa bước vào cửa, người Thầy nhìn chăm chú
vào tôi, làm cảm thấy ngại ngùng và được nghe lời nói rằng “Có lẽ anh không có
khiếu học nhạc”. Dạ, sao Thầy nói vậy?. Ông chỉ mỉm cười.
Tôi bị ám ảnh câu nói đó, tức lắm, sùng dễ sợ luôn, nhưng cũng ráng học, dù khi
chơi đàn, tiếng đàn khảy lên, cố gắng lắm, vậy mà cũng làm cho ai nấy đều bịt
hai tai lại, có lẽ vì làm chói tai, nên tôi cũng có nản lòng, nhưng rồi tự an ủi,
vui vui, vì mỗi lần chơi đàn, thì cũng làm cho mọi người chung quanh đuợc dịp
cười.. Đó cũng là điều rất khó làm.
những nốt nhạc đồ rê la mi
sí
ta tìm em từ thuở khóc chào
đời
gương mặt sáng phù sa óng
ánh nuớc
buổi chiều về, nắng rọi mát
bờ môi
như dòng chảy của tâm tình
cuộc sống
tiếng đồ mi vang vọng cả trời
mây
là bước chân đời trên khắp lối
là tâm tư trỉu nặng buổi
hoàng hôn
là lặng ngắm tia nắng vàng rọi
chiếu
là chân đi mang hơi thở thơm
lừng
là những lúc mở tâm tìm lối
cũ
Dù sao, cũng phải tiếp tục học với mơ ước đàn được một bản nhạc cho ra hồn, hoặc
có thể soạn được bài nhạc làm oai, nhưng nhạc lý vẫn không rành, tiếng đàn
buông vẫn chậm chạp bước chân. Thôi thế là hết, mộng văn nghệ tưởng chừng tiêu
tan, chỉ có may mắn là còn biết thưởng thức nhạc. Ai người sáng tác nhạc mà có
người thưởng thức, không phải là hạnh phúc lắm sao?
Bản nhạc mà Ông viết “Sang ngang” để đời, dành cho cuộc tình đổ vỡ, chia lìa,
sướt mướt khóc than, vắt nhiều khăn tay nước mắt. Tôi thì may mắn gặp được đạo
Phật, với lời Kinh nhạc, tôi cũng tập tành sáng tác bản nhạc “Sang ngang” cho
chính đời mình, vào mỗi ngày trong cuộc sống...
Tuổi trẻ cũng đầy vụn dại, bồng
bột, hoang phí đời mình cho những bung xung của cuộc sống và khi gặp bao cảnh
nhiễu nhương, thất vọng, phiền não xẩy đến, làm mang tâm bi lụy, khổ đau. Phải
đối diện để giải quyết, vì tất cả những gì hiện hữu, tác động đến con người,
cũng là những phạm trù của tâm, của nghiệp lực. Tôi đã được hướng dẫn để trở về
nương tựa với chính mình, để sang ngang, tập tành bỏ rơi những vọng niệm, bỏ bớt
tham chấp, bỏ bớt ưu phiền..
"Bậc trí bảo vệ thân,
Bảo vệ luôn lời nói
Bảo vệ cả tâm tư,
Ba nghiệp khéo bảo vệ."
Bảo vệ luôn lời nói
Bảo vệ cả tâm tư,
Ba nghiệp khéo bảo vệ."
Pháp Cú 280
Khi nhìn lại đời mình, với những rong rêu của năm tháng, những vẩn đục của nội
tâm, những mốc meo của dòng tư tưởng, và những lăn tăn của khổ đau.. tự bỗng điều
chỉnh, hoà điệu cùng cuộc sống, nhịp nhàng, thanh thản, qua giọt nước từ bi của
đạo Phật tẩm tưới trong tâm, vào đời, bằng sự tu tập chuyển hoá.
Đạo Phật quả là kỳ lạ, không dạy con người cần cầu những điều không tưởng, siêu
hình, không đề cập đến con đường trở thành tín đồ hay qui phục, lệ thuộc Thần
linh ... nhưng lại, chú trọng đến nhân bản, đặt con người vào địa vị tối thắng,
có quyền quyết định cho chính dòng sinh mệnh của mình, tự chọn lựa khổ đau hay
hạnh phúc, vì không ai có quyền quyết định thế dùm được.
Đó cũng là con đường đầy cam go, khúc khuỷu, nhưng cũng biểu lộ hết nội lực của
chính con người, vì trong mỗi con người đều tiềm ẩn đức Tánh Từ Bi và Trí Tuệ,
đức tánh của vị Phật sẽ thành, cần được khai phá và phát triển.
“Tất cả hành vô thường
tất cả hành khổ đau
tất cả pháp vô ngã
với Tuệ quán thấy vậy
đau khổ được nhàm chán
chứng đạo thánh nhân dạy”
Pháp
Cú 277 đến 279
Khổ đau là một bài học, ngay cả hạnh phúc, thất bại hay thành công, vinh hoặc
nhục ...cũng vẫn là bài học của cuộc đời, để trưởng thành tâm thức....do đem Tuệ
quán thấy rõ là vô thường, vô ngã, để nhận chân đuợc con đường chân thật.
Không phải là chúng ta có những vị Thầy hướng dẫn; đó là những con người xuất
gia, mang lý tưởng giải thoát, hy sinh cuộc đời vì lợi sinh, vì sự an lạc của
con người như: “Người xuất gia khi cất bước đi là muốn vượt lên phương trời
cao rộng, tâm tánh và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối dòng giống Phật
pháp, nhiếp phục ma quân, để đền đáp bốn ân cùng cứu giúp 3 cõi” (Phù xuất gia
giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp
ma quân,dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu ).
Nhưng, chúng ta là con người với đời sống trần tục, còn nhiều đắm nhiễm say mê,
nhiều tham vọng để sống cuộc đời đáng sống, làm lợi cho mình và người. Những
trăn trở, suy tư đó cũng xuất phát từ tâm cần cầu hướng thượng, đem lý tưởng muốn
trở thành hiện thực, vào đời.
Có phải là chúng ta cũng từng mơ ôm cả trời xanh, mộng đẹp, vươn mình lên cao
qua tư tuởng của Thi sĩ Nguyễn Công Trứ:
“Chí làm trai Đông Bắc Nam
Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn
bể..”
Hoặc giả:
“Chí những toan xẻ núi lấp
sông
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy
tỏ..”
Tình
yêu và lý tưởng là những hy sinh, là hướng tới, là cho đi, là những gì đẹp nhất
của cuộc đời con người, dù bất cứ ai, ở nơi đâu, đang hiện hữu trên thế gian nầy.
Chúng ta, dù nam hay nữ, dù tuổi tác ra sao, vì mang thân phận con người, đồng
cảm với niềm đau, nổi khổ, hạnh phúc, phù du và ý thức với trái tim nóng hổi, đầy
tình tự yêu thương, nên tự trong tâm vẫn thường ao ước đem sức lực, trí thức,
tri thức, kiến thức, học vấn, tâm tư hoặc những gì có thể, để đóng góp, chia sẻ
cho con người và tình người. Nhưng, với cung bậc thâm trầm của tâm, của tình
yêu, lý tưởng ...nếu không được trui rèn, sàng lọc qua lăng kính của Từ bi và
Tuệ giác, của Khổ Không Vô thường, Vô Ngã để loại bỏ những chấp trước, những vị
kỷ, ái ngã v.v..., để đưa tất cả tạp niệm còn chen lẩn, tồn đọng, ẩn tàng trong
dòng tâm thức trở về Chân Tánh, thì chúng ta sẽ làm cho tình yêu và lý tưởng đó
trở thành tác hại xấu cho chính mình và người, qua những mộng mị thường tình, ảo
tưởng, vốn là những gì vẫn thường tại trong tâm còn đầy vọng tưởng điên đảo.
Vốn sống, kinh nghiệm, tư lương có được do va chạm, sống thực, trực tâm trong
cuộc đời thực chính là các nội kết, phiền não, bùn nhơ ....có thể làm cho tâm
chúng ta chai sạn, vô tình, hờ hững v.v.. nhưng nếu khi được chuyển hoá, đó
cũng chính là chất xúc tác mầu mỡ, đất phù sa để giúp cho con người Nhân bản xuất
hiện trong ta. Không có phiền não, khổ đau, bất hạnh... thì con đường của hạnh
phúc sẽ không có...
Đạo Phật có đầy đủ những các Pháp, các phương dược cung ứng cho con người để
chuyển hoá, điều trị những tâm bệnh, khổ đau, bất hạnh, các nội kết từng tác hại
tâm, để cho tình yêu và lý tưởng trở thành trong sáng, đẹp vi diệu..Tuy nhiên,
những phương pháp chuyển hoá tâm dù lớn hay nhỏ, vẫn tùy theo căn cơ tương ứng,
thích hợp, và người trì giữ, hành giả cần có thời gian gieo trồng, kiên trì, tu
tập, trưởng nở.
Chúng ta bắt gặp một đạo Phật đi vào đời trước và vì những đau khổ của con người
đang đối diện với biết bao nhiêu biến động xẩy ra, tăng áp áp lực đến thân tâm
của của mọi người, gây khủng hoảng, mất niềm tin vào cuộc sống, đánh mất hướng
đi... để đưa bàn tay độ lượng cứu giúp và đó cũng là tâm nguyện của người con
Phật học hành lành đi vào đời, mong đem chút năng lực, đôi vai, tâm tình ...
chia sẻ cùng mọi người.
Đạo phật của tôi là đạo Phật của cuộc sống, sống thực trong lãng mạn để cho
chính tôi tồn tại trong năm uẩn vốn không, với các pháp vốn duyên sinh hay diệt,
biểu hiện tự tâm...và để giảm thiểu khổ đau.
Con đường đi đó quả thật là cô đơn, đơn trình trên con lộ dẫn đến bờ bên kia.
Chúng ta cũng đã từng lang thang qua bao nhiêu cảnh giới, thay hình đổi dạng, từng
bị bất hạnh, đau khổ, hạnh phúc, vui cười, khóc lóc, bứt tóc bứt tai, than thân
trách phận, cười ra nước mắt, khóc không thành lời ... với những cảm xúc, cảm
thọ, với hành, với thức, và chính chúng ta, vẫn là người cô đơn trên cuộc hành
trình nầy.
Cô đơn là tiến trình tâm linh lớn, nhận thức đúng thân phận con người với dòng
sinh mệnh chính thực, vì đó là con người trưởng thành tâm linh, sống thực.
Có người sợ nói đến cô đơn, nói đến đơn độc, lẽ loi và đi tìm ẩn núp trong những
sự bảo bọc, che chở... với bất cứ hình thức nào, vì cảm thấy được an ổn, được
chia sẻ, ấm áp. Vâng, theo thiển nghĩ của cá nhân và được chỉ dạy, thì tất cả đều
cũng chỉ là “phương tiện thiện xảo” để cho người hành giả có được tư lương, vững
bước chân đi của chính mình. Con đường có thể đồng hành, đi với, song hành...nhưng, mỗi bước chân đi, dẫm đạp trên đại địa của tâm, trên Hữu, vào Không,
vào Ba cửa giải thoát..vẫn là con đường đi cô đơn của mỗi người.
Trong SlideShow” Mẹ, lời nói của trái tim”, cảm nhận được chân đi của mỗi người,
đơn độc, cô đơn...tôi đã viết vài lời tâm sự, sẻ chia..
Nói nói nói
vạn lần Mẹ nói
nghe nghe nghe
ngàn tiếng đã nghe
nhưng Mẹ ơi, lời nói và lắng
nghe
không nói đủ hết nhiệm mầu
thực tại
đường không phẳng, dấu chân
non dẫm bước
áo bạc màu, trải nắng lẫn dầm
mưa
sợi chỉ may lòng nhẫn, lòng
từ
con trải nghiệm trên bước đường
sương gió
có những lúc, bước chân trân
đầu sóng
nước mắt rơi, con gục ngã
bên đời
văng vẳng lại, bản tình ca
lòng Mẹ
bài nhẫn từ, con vừa thuộc Mẹ
ơi..”
Bài học cuộc đời không phải chỉ bởi được nghe, được nói, được bảo bọc, che chở,
gần gũi, thân cận ... nhưng còn bẳng sự trải nghiệm cô đơn của mỗi người, bằng
nổ lực, tinh tấn, chuyển hoá do Tuệ giác trưởng nở, soi sáng.
Không ai phủ nhận các ích lợi
của sự thân cận, hay những lời dạy trí tuệ, thân thương của Thầy. Không ai nói
là không cần Tăng thân, bạn đồng hành, môi trường tu tập v.v...nhưng, điều đó vẫn
chưa phải là điều kiện đầy đủ, nếu thiếu sự tinh tấn, nổ lực tu tập, hành trì,
miên mật của chính mỗi người, vì tâm người nào bị vẩn động, đóng kín, thì chính
người đó phải mở, thay đổi nhiệt độ, đưa các phiền não, vọng niệm vào biển cả đại
dương, vào Vô dư Niết bàn. Vì mỗi người đều có vị Phật riêng của mình do nghiệp
lực, uế trược, não phiền khác nhau của mỗi người và vị Thầy vẫn luôn muốn buông
tay để cho người đệ tử tự bước chân đi với bước chân an lạc, thanh tịnh của
chính mình.
Trong Kinh Hải Đảo Tự Thân
(kinh 639 Tạp A Hàm) là một trong những kinh rất quan trọng được Đức Phật dặn
dò khoảng một tháng trước khi Ngài nhập Niết bàn và Ngài đã ân cần dạy rằng:
“Này quí vị! Chính tôi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đi, vì vậy quí vị phải thực
tập làm hải đảo nương tựa cho chính quí vị, hãy biết nương tựa nơi chính mình
mà đừng nương tựa vào một kẻ nào khác, phải thực tập nương tựa vào hải đảo
chánh pháp mà đừng nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một ai khác”.
Thưa bạn! Nơi ở của gia đình
tôi vào bảy năm về trước ở miền Bắc Lousiana đã thay đổi nhiều. Về đây, chạy xe
trên những con đường quen cũ, thấy những nhà hàng, nhà banks, nhà ở... đóng cửa
rất nhiều. Con đường hoang vắng, buồn hiu, hiễn lộ trên gương mặt mọi người thiếu
niềm vui, lạc lõng, lo lắng trước tương lai bất định trước mắt do nền kinh tế
trì trệ, công ăn việc làm bị mất và bao nhiêu là gánh nặng khác tinh thần, vật
chất dồn dập đến.
Trời nắng gay gắt, khí hậu
thay đổi, làm đẫm ướt mồ hôi. Nhìn trước kiếng xe, ánh nắng chiếu rọi, những tia
nắng nhảy múa, vui đùa cùng điệu nhạc thiên nhiên, cười mỉm..
Bầu trời vẫn trong xanh, vài
đám mây mỏng vẫn buông mình theo gió và cuộc đời vẫn tuần tự trôi qua, đêm
ngày, sáng tối. Người lữ hành trong cuộc đời, trên bước đường đi, giữa sa mạc
nóng bỏng, thổi lửa, đem biết bao nhiêu phiền não, âu sầu đến cho từng người.
Trên thân phận con người, may mắn cho chúng ta bắt gặp được đạo Phật, tìm được
những phương thuốc đáp ứng cho nhu cầu tâm linh trước những xáo trộn, khuấy động
tâm tư của mỗi người.
Chúng ta cô đơn trên bước đường
đi, để trở về nơi chốn cũ, có hương thơm ngạt ngào, êm dịu của lòng từ, lòng
bi, tuệ giác và bát ngát tấm lòng thương yêu của đức Phật để đem áp dụng vào đời,
chuyển tâm, làm giảm thiểu khổ và đem lại hạnh phúc nhở nhoi nào đó, cho mình
và người. Tình yêu và lý tưởng phải chăng đã được chấp cánh, nhân lên và đồng
hành, chia sẻ... sau những nổ lực, tinh chuyên, thanh tịnh tâm, để là dòng nước
thanh luơng tươi mát, tưới tẩm tâm hồn khô cạn, bất hạnh.
Trong cơn nắng nóng, giữa
ngày sáng... ánh trăng vẫn còn đó mà, rõ ràng, vẫn chiếu soi đường đi, vẫn hiện
diện trong trong từng thờ thịt, trong tâm của mỗi người, nếu chúng ta biết quay
về với Tánh Giác của mình.
Tôi chợt nhớ lời nói của Tổng
Thống Abraham Lincoln: “Và cuối cùng, không phải đếm kể bao nhiêu năm ta
sống. Chính là ta đã sống như thế nào và ra sao trong những năm tháng đó"
(And in the end, it's not the years in your life that count. It's the
life in your years).
Và cuối cùng, thì tôi cũng
đã trang trải được tấm lòng của con người cô đơn- người con của của đức Phật,
đem tình yêu và lý tưởng mong làm gì đó cho chính mình và người. Xin được đem tấm
lòng, suy tư, tình yêu và lý tưởng nầy với lòng chân thành, mộc mạc, bình dị …
kính dâng tặng và chia sẻ đến tất cả mọi người, dù bạn có đồng ý hay không,
cũng mong rằng ánh trăng của mỗi người vẫn hằng chiếu sáng rực rỡ trong tâm dù
có trải qua những sóng gió của cuộc đời, và phải chăng đó là niềm An vui và Hạnh
phúc mà mọi người, ai nấy đều mong đạt được trong kiếp nhân sinh.
Liên Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét