Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Nhận định về thơ Ngô Nguyên Nghiễm

Nhận định về thơ Ngô Nguyên Nghiễm 
Ngô Nguyên Nghiễm sinh ngày rằm tháng sáu Giáp Thân, dưới chân rặng Thất Sơn bờ phù sa sông Cửu Long.
Thơ gần với đạo, nhưng không phải là đạo - Đạo lẫn thơ. Không phải đó là thơ - Thơ xem ra vô cùng nhưng rồi cũng như hạt bụi, bông hoa ở bên ta - Ngô Nguyên Nghiễm đã sống và chiêm nghiệm với thơ cả một đời người - Muốn hiểu về anh, hơn gì hết là mời bạn đọc qua Thơ Kinh Tư của anh - Có lẽ, nhà thơ ấy hơn ai hết ở thời đại này, đã sống chân thật với lương tri của một nhà văn hóa Đông Phương. Những vần thơ duỗi dài như làn gió thiên thu thổi qua những mùa đời giữa cõi trần gian vắng lặng của kiếp người - những vần thơ kiệt tác:
Ngày tháng lang thang tìm bản mệnh
Dưới vầng nhật nguyệt lặng bay quanh
Quả là rất nhiều như những thung lũng, những núi đồi thiên vạn cổ nối nhau thành những hiện tượng thơ vô cùng vô tận. Trong khi đó thì thế giới tinh thần càng ngày càng ngột ngạt, mâu thuẩn xung đột vì tư tưởng Tâm Vật, vì quốc gia chủng tộc, vì tôn giáo, và vì bạo lực toàn cầu của các thế lực của kinh tế chính trị, con người cá nhân bị bóp nghẹt, bị lùa vào cuộc chiến của các chủ trương đường lối.
Thơ không còn nữa? Câu hỏi từng đặt ra giữa bao người - loại thơ tinh khiết của chân tình người, tự nhiên của đạo? Ta thấy Ngô Nguyên Nghiễm suốt đời với thơ, với đạo làm người, đạo làm thơ.
Và anh xuất hiện như một loại hoa qùy mọc trên đỉnh Thất Sơn hùng vĩ, âm thầm hứng lấy những giọt sương của Đông phong, của nhật nguyệt. Đọc thơ anh người ta còn như nhớ, như gợi lên đây những lời sấm ký của đức Phật Thầy Tây An, nghe vẳng và trông thấy luồng linh khí của vùng đất địa linh thiêng huyền nhiệm. Cao sâu kỳ bí và trầm tư về cuộc trường sinh tiến hóa của nhân loại như một thiền sư đời Trần, một đạo gia thời chiến quốc còn lạc loài đâu đây giữa thế giới nhân loại... Nầy!
Nếu cả một đời làm thơ của ai đó, mà ta chỉ đọc có một hai bài, một vài thi phẩm mà lên giọng giảng đạo thơ, bình phẩm thơ... ắt là không phải và ắt là không làm đúng với thiên chức một người nhận thức về thơ, huống chỉ nhận thức thiên lệch chỉ có một chiều, rồi gán ghép hay đặt cho nhà thơ một cái tội gì đấy, thì thật là lếu láo vô cùng.
Thơ họ Ngô bao hàm tư tưởng mà cũng là tư chất và nguồn cảm hứng vô tận với hồn thi -nhiên vạn đại nó bao hàm mùi đạo lý Đông Phương, giữa giòng định mệnh con người với tạo vật và nhất là giữa nhà thơ và vũ trụ thơ quanh mình. Mọi chiều kích tâm hồn phóng hoạt ra vô vàn hiện tượng muôn màu sắc về thơ, như một nhà tư tưởng thâm sâu mà ta khó lòng dò hết được. Chỉ qua một tập Chớp bể mưa nguồn thôi, đã gặp không biết bao nhiêu giòng thơ tuyệt đẹp như:
'Có mẹ già đầu bạc như bông'
'Gánh đời dâu biển'
'Vài cơn mộng trở mình'
'Ngậm chút tinh anh'
Thơ anh là một cuộc hội thoại lớn giữa hồ bãi biển dâu của đời người những trầm lặng giữa bến bờ lịch sử. Trên đỉnh Thiền Môn Trúc Lâm Yên Tử, hay trong tư duy hữu thể thời gian mà tại thế chúng ta đã hoá giải được gì giữa những hội thoại, và giữa những mâu thuẩn của tư tưởng ngày nay.
Ngô Nguyên Nghiễm đúng là một đạo gia thi sĩ, một nguồn sống tinh thần với vĩnh cửu, ý thơ như ngọc sáng soi rọi qua màn hư vô huyền hoặc và rất đậm đặt giá buốt tê dại giữa đời.
Anh còn quá nhiều thơ để cho bạn, cho đời đi vào khu vườn kỳ bí. Và, bây giờ xin mời các bạn đồng hành hãy bước vào với cái thế giới huyền nhiệm ấy của những thi phẩm như Hiến dâng cát bụi, Tổ Am, Người hành giả và khúc trường ca sinh tử, hay thi tập Thiên thu ca để nhìn thấy qua mơ hồ hình ảnh họ Ngô của Việt Nam có cái gì đó không khác với  quan điểm thi ca R. Tagore của An Độ là bao nhiêu.
Giá trị tinh thần của Ngô Nguyên Nghiễm đặt nền tảng siêu hình học hiện đại, cũng là nền tảng hóa giải mọi mâu thuẫn trên đời, để cho thơ bình yên chảy xuôi trọn một giòng của nó, qua bờ bến vạn đại. Chẳng khác nào đạo của Khổng Phu Tử tuôn chảy theo giòng sông từ ngọn nguồn ra đến bể Đông vậy.
Và hiện nay ta cũng nhận ra rằng, họ Ngô và rất nhiều bằng hữu đương thời như Nguyễn Tôn Nhan, Triệu Từ Truyền, Nguyễn Lương Vị, Trần Hữu Dũng, Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Bạch Dương, Lưu Nhữ Thụy.... Cả nhà thư họa Trụ Vũ, cả một chàng rất trẻ là Bùi Chí Vinh cũng đã hòa nhập vào dòng thơ lớn mà tuôn trào, mà tạo những lớp lang mới của lịch sử Thơ Việt hiện đại. Nói như một số người nhận định về các trường phái thi ca hiện đại, thì ít nhiều gì đó họ Ngô là người đẩy mạnh hồn thiêng, để tiếng thơ luôn luôn có phong thái của một thi nhân của thời đại, mà Hồ Hữu Tường gọi là Thời Tân Xuân Thu, thơ tràn ngập hương vị và phong độ của một đạo gia khi thì xuất thế, lại cũng có lúc hoà nhập vào thời đại mà ca hát thiên thu đầy âm vọng của huyền nhiệm thể - những vần thơ lung linh đầy mộng ảo:
Nhởn nhơ con bướm muôn năm trước
Còn sống theo ta thật lạ lùng
Những giấc mơ, những hoài niệm, những viễn tượng chen lộn mông lung như cõi mơ hồ hư thực của Trang Chu muôn thuở trước.
Có những vần thơ nhắc gợi cho ta nhớ đến những loại Thi Sơn, kiễu Mê Hồn Ca của Đinh Hùng ngày nọ:
Ta vỗ cánh trôi về ngôi mộ cổ
Luồng khí thiêng ma quái vụt xông lên
Nhưng hầu như nguồn thi hứng nọ, cứ phưởng phất đưa ta vào những vần thơ của các giáo phái từ Phật Thầy Tây An với Sấm giảng đến các Thánh Thất Cao Đài mà chiều chiều ai có từng sống ở 'phố khuya Nam Việt bên bờ Cửu Long (Bùi Giáng) đều có thể nghe thấy và sống lại với nó trong những giờ huyền nhiệm nhất.
Điều kỳ diệu kết tinh lại trong thơ Ngô Nguyên Nghiễm là sự thừa truyền đạo lý và triết học Đông Phương từ Lý Dịch đến Nam Hoa Kinh, đến Hoa Nghiêm, hay Bát Nhã Ba La Mật hình như đang chan hòa trong tinh thần của nhà thơ miền Nam ở vùng Thất Sơn cựu địa ấy.
Và, anh mở ra mười phương trời đất, bát ngát chân tình với thiên nhiên vạn đại, hát lên điệu hòa ca với tạo vật bằng những bài thơ hết dạ tin yêu, hết dạ chân tình.
Lịch sử vẫn lên xuống và dồn bước chân người lữ hành đi về một nẽo, nhưng tâm tình dâng hiến cho thơ của anh thì thiên vạn cổ vẫn còn đó - nó như một tổ ấm trong cõi hồng trần cho những tâm hồn khao khát linh thiêng, huyền nhiệm là điều cần phải có trong linh hồn, mà con người hiện đại hầu như đã cạn kệt tâm linh vì bao trào lưu triết lý duy lý duy vật bạo hành.
Vâng! Thế giới này có tan tành ra cát bụi thì ít ra một lần ta cũng được vào trong ngọn nguồn mát mẻ và phong vị của thơ.
Nhưng dù sao thì cũng còn đó những âm vang và những cảm thông trong cõi sa mạc trần gian này. Thơ không lòn cuối bất cứ một ai. Có lần Bùi Giáng bảo những bài thơ hay những nhà thơ đẹp như loài chim Phượng hoàng trắng kỳ bí chỉ đậu ở mút mù trên đỉnh Thiên Sơn - hay ta có thể nói là đỉnh Thất Sơn Việt Nam này. Loài chim quí đó hiếm có và trăm năm mới đẻ ra trứng một lần, và chỉ duy nhất một lần ấp nở ra một con, gần như dần dần bị mai một, bị diệt vong. Loài chim qúy ấy ngày nay chợt cất tiếng kêu trên ngọn núi thiêng, để đáp lại cho sự mỏi mòn của quê hương chờ đợi - cũng như lời thơ hoằng viễn của họ Ngô vừa xuất hiện hôm nay vậy - có người đem tâm tình viết lịch sử, có người mang cả tinh thần sáng tạo lại buổi bình minh của uyên-nguyên tư tưởng, họ Ngô cũng là một nông dân gieo mạ vàng một lần trên bờ bến Cửu Long, để cho mọi người vui vẻ trước ngày mùa gặt hái bội thu để nuôi sống lại cái vốn tinh thần của dân tộc Việt của văn minh và thi ca Việt hôm nay và mai hậu.
Nói đến đây ta bỗng nhiên chợt giật mình? Thế giới nhân loại không sống như đời sống tâm linh của ta. Ta bị tha hóa chăng? Hay là ta lạc hậu giữa nhưng tiến hóa của xã hội, của sinh học, địa cầu vật lý, quang lượng tử và các cuộc cách mạng công nghệ, trong hệ mặt trời... Vâng, cái thời có chủ nghĩa duy vật, duy lý ra đời. Cái thời chán bỏ tất cả tâm lý và vật chất, chỉ có trực giác và tiềm thức là đúng chân lý, rồi trở về với siêu hình Đông Phương lại chạy theo sự phát triển vũ khí vũ trụ, sinh con trong ống nghiệm, vi mạch điện tử, cuộc nổi loạn của tôn giáo thánh chiến, và cuộc trừng phạt của số đông cùng khổ chống lại bất công xã hội... Từ nguyên tử hiện đại đến hư vô, từ Albert Einstein đến Martin Heidegger, Nieztsche, Saint Exupéri, Camus... Sartre, Trần Đức Thảo và Bùi Giáng và Andre Maurois, Auguste Courte - tình trạng siêu hình (các giả thiết) đều bị vượt... Khoa học duy lý, cả đến Thiền Tông đều thất bại trước thế giới ngày nay....
Liệu thơ với những tinh thần phản phục siêu hình đó có tồn tại nổi chăng?
Tuy nhiên, chúng ta cũng không th ất vọng quá trước sự đổ vỡ trong ý thức xã hội loài người, và run sợ trước sự thành công choáng ngộp.... Và hết sức duy lý làm tan nát tinh thần nhân bản cao đẹp, khi nào đó con cừu Doly, hay con khỉ, con chồn, cọp beo, và cả loài khủng long được nhân bản, thì con người với ý thức kinh nghiệm, kiểm nghiệm, tiết chế và đồng hoá, nhân loại hóa vạn vật để vạn vật tuân theo tâm trí con người mà phụng sự cho nhân loại bớt lầm than và bớt lỡ lầm gây ra mọi thảm họa! Nói như thế để thấy rằng tiếng thơ ấy vẫn là tiếng nói nhân bản nhân h ậu để vươn đến siêu việt... Và như thế tâm tình nhân loại mới thoát được bao nhiêu trào lưu tư tưởng ức chế mọi mặt - tinh thần đến vật chất, cảm thụ đến tiềm thức hoàn toàn trong một kỷ nguyên ghê gớm nhất cho sự duy lý chưa từng thấy ở những thời đại trước kia! Tất nhiên là trước đệ nhị chiến tranh, và chiến tranh giải phóng, cả chiến tranh chống độc tài, quân phiệt và tôn giáo trên thế giới. Thi sĩ dường như vẫn tự do tồn tại trên thế giới này. Trong đó có nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm.
TRẦN TUẤN KIỆT
Nguồn Trích Tác Giả Tác Phẩm 
Người Đồng Hành Quanh Tôi tập I
Theo http://phamtuongba.blogtiengviet.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ở bên ngoài tổ quốc Lấy clinker từ một cảng nhỏ gần Osaka Nhật Bản, sau hải trình 10 ngày, tàu chúng tôi đến Kota Kinabalu Malaysia tr...