Trần Kiêu Bạt, dù người là ai xin hãy đến
Dòng sông Hậu chảy vắt
ngang một ngôi nhà cổ, mái lợp âm dương đầy nét cổ kính của miền đồng bằng sông
nước Nam bộ. Nhiều lần trong đời, tôi có dịp lưu trú và hòa mình trên nếp sống
nơi này, như bao nhiêu sự thân quen kỳ cựu từ tiền kiếp vọng về. Cái đến thật
nhẹ nhàng nhưng mang tất cả tâm hồn, chan hòa trong tình nghĩa của gia
đình, cái ở lai hòa mình trong những thân thuộc máu thịt mà ngỡ rằng tổ ấm là
đây, và khi ra đi những lời nhắn nhủ chân thật, và tình thương làm nhung nhớ lạ
lùng, nhiều khi làm chùn chân bước. Nhà Trần Kiêu Bạt có một sinh khí hiền nhân
kỳ lạ vương vải đầy ắp tình người, mà kẻ đến như con cháu ở xa về, người đi
lòng lại u hoài một nẻo nhớ nhung. Tất cả, gia đình nhân hậu từ song thân
đến đàn em tài hoa lịch lãm, chan hòa đầy phương cách sống của những tâm hồn
tri kỷ Đông phương. Quả thật, hơn 40 năm nay, ngôi nhà cổ đầy ắp hồn người, quy
tụ gần như đầy đủ những nhân tài văn nghệ khắp mọi miền lãng du dừng gót lữ
hành, để gởi lại trong lòng một chút thân thương và nỗi nhớ. Cuối năm 1966, tôi
chủ trương tờ nguyệt san Trình Diện Tuổi Đất, số đầu mượn danh nghĩa của trường
trung học đệ nhị cấp Thủ Khoa Nghĩa, mang tờ báo còn thơm mùi giấy bay nhảy như
con thoi về các tỉnh miền Tây, để giới thiệu với các trường học tại Long Xuyên,
Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh…Tháp tùng có Lưu Nhữ Thụy, Thùy Linh
Thụy Vũ, Phước đen, Nguyễn Văn Be… tận tâm xuôi ngược, chỉ mong một điều lấy được
thành quả cho sự đam mê thêm một ý nghĩa hữu lý trong việc bay nhảy với văn
chương. Điểm dừng đầu tiên ở Cần Thơ, là trường Nông Lâm Súc, dưới những tàng
cây rậm mát sân trường, giờ ra chơi dày đặc sinh viên líu tíu trong những ngày
cận Tết. Cạnh tờ Trình Diện Tuổi Đất, còn có một tờ báo học sinh tỉnh khác tình
cờ có mặt trong buổi chào mời. Lưu Nhữ Thụy vội chỉ tôi một sinh viên đang đứng
dưới tàng cây sum suê bóng mát, đọc tờ báo bạn trong cái say xưa đầy nhiệt tâm,
mà chắc chỉ có kẻ thích thú văn chương mới có hùng tâm như vậy. Thụy hỏi tôi có
biết ai không, đó là nhà thơ Trần Biên Thùy, bạn em dân quê mình.
Đang lạc lõng được nắm níu cơ may, tôi và Lưu Nhữ Thụy đến bắt chuyện. Trần Biên Thùy vui mừng, kéo một anh chàng nhà thơ đến giới thiệu. Từ đó, sự quen biết với Lâm Hảo Dũng và Trần Biên Thùy và kéo dài tận tụy đến ngày nay. Sau buổi tan trường, Trần Biên Thùy và Lâm Hảo Dũng dẫn anh em về nơi cư trú, trên đường liên tỉnh, một căn nhà cổ ẩm thấp ven đường, mà ngõ tới đầy bùn lấy nước đọng, ngập kín lối đi. Trời thì chiều, khoảng năm đó sự lưu hành xe cộ khá khó khăn, nên tôi và anh em đành ở lại Cần Thơ và đề nghị Trần Biên Thùy quy tụ vài bằng hữu để ấm cúng trong tiệc trà tương ngộ. Việc phải đến là vậy, chuyện hữu duyên trong thời khắc cần nhau, thật là điều vạn hạnh. Gặp bạn chân tình, hồn hậu là một ước muốn không phải bao giờ cũng có được, dù dàn trải sắp xếp cũng chỉ làm nhọc công đợi chờ. Bỗng nhiên, trên quãng đường lầy lội băng qua nhà trọ, hai vị khách bậm trợn rổn rảng nói cười lê dép bước quanh co né tránh vũng bùn dày đặc, bước vào sân thềm. Thì ra, Trần Kiêu Bạt kéo Ưu Thức (Vũ Phan Trần, Đặng Thư Cưu) tình cờ ghé tạt thăm Lâm Hảo Dũng và anh em. Ngày quen biết đó cách đây cũng hơn 40 năm ròng rã xuyên thoi thăm viếng lẫn nhau. Những lần về Cần Thơ, thì trăm lần như một, Trần Kiêu Bạt đưa tôi về tư gia, như một gia đình ấm cúng đầy rẫy chân tình và đạo lý. Hoặc hướng dẫn tôi đến gia đình Cậu Năm, thù tạc trên một khoảng sân vườn rộng tênh đầy rẫy tiếng chim hót hoang sơ. Nơi đây, người em cô cậu của Trần Kiêu Bạt là Nguyễn Hoàng Tiến và các em, cũng giữ trọn vẹn một sự thân tình và hồn hậu cho lòng người êm ấm những giây phút xa nhà. Cậu Năm Trần Kiêu Bạt là một nhà giáo lão thành, đã bước vào bục giảng từ thuở trai trẻ, đến nay hơn 50 năm nghiên bút tận tâm với nhân sinh, hằng lưu giữ khí tiết và đạo nghĩa. Hai nơi cư địa của gia đình Trần Kiêu Bạt đều thật tâm xem tôi như một đứa con nhỏ vừa trở lại mái ấm. Năm 1966, thật ra tôi cũng đã xuất bản hai thi tập: một tập thơ riêng, và một tập in chung với Lưu Nhữ Thụy, sáng tác thì được giới thiệu nhiều trên báo chí Sài Gòn và tỉnh lẻ, nên biết tên tuổi nhau là một sự dễ dàng, và càng lúc càng sâu đậm hơn trong tình văn nghệ.
Đang lạc lõng được nắm níu cơ may, tôi và Lưu Nhữ Thụy đến bắt chuyện. Trần Biên Thùy vui mừng, kéo một anh chàng nhà thơ đến giới thiệu. Từ đó, sự quen biết với Lâm Hảo Dũng và Trần Biên Thùy và kéo dài tận tụy đến ngày nay. Sau buổi tan trường, Trần Biên Thùy và Lâm Hảo Dũng dẫn anh em về nơi cư trú, trên đường liên tỉnh, một căn nhà cổ ẩm thấp ven đường, mà ngõ tới đầy bùn lấy nước đọng, ngập kín lối đi. Trời thì chiều, khoảng năm đó sự lưu hành xe cộ khá khó khăn, nên tôi và anh em đành ở lại Cần Thơ và đề nghị Trần Biên Thùy quy tụ vài bằng hữu để ấm cúng trong tiệc trà tương ngộ. Việc phải đến là vậy, chuyện hữu duyên trong thời khắc cần nhau, thật là điều vạn hạnh. Gặp bạn chân tình, hồn hậu là một ước muốn không phải bao giờ cũng có được, dù dàn trải sắp xếp cũng chỉ làm nhọc công đợi chờ. Bỗng nhiên, trên quãng đường lầy lội băng qua nhà trọ, hai vị khách bậm trợn rổn rảng nói cười lê dép bước quanh co né tránh vũng bùn dày đặc, bước vào sân thềm. Thì ra, Trần Kiêu Bạt kéo Ưu Thức (Vũ Phan Trần, Đặng Thư Cưu) tình cờ ghé tạt thăm Lâm Hảo Dũng và anh em. Ngày quen biết đó cách đây cũng hơn 40 năm ròng rã xuyên thoi thăm viếng lẫn nhau. Những lần về Cần Thơ, thì trăm lần như một, Trần Kiêu Bạt đưa tôi về tư gia, như một gia đình ấm cúng đầy rẫy chân tình và đạo lý. Hoặc hướng dẫn tôi đến gia đình Cậu Năm, thù tạc trên một khoảng sân vườn rộng tênh đầy rẫy tiếng chim hót hoang sơ. Nơi đây, người em cô cậu của Trần Kiêu Bạt là Nguyễn Hoàng Tiến và các em, cũng giữ trọn vẹn một sự thân tình và hồn hậu cho lòng người êm ấm những giây phút xa nhà. Cậu Năm Trần Kiêu Bạt là một nhà giáo lão thành, đã bước vào bục giảng từ thuở trai trẻ, đến nay hơn 50 năm nghiên bút tận tâm với nhân sinh, hằng lưu giữ khí tiết và đạo nghĩa. Hai nơi cư địa của gia đình Trần Kiêu Bạt đều thật tâm xem tôi như một đứa con nhỏ vừa trở lại mái ấm. Năm 1966, thật ra tôi cũng đã xuất bản hai thi tập: một tập thơ riêng, và một tập in chung với Lưu Nhữ Thụy, sáng tác thì được giới thiệu nhiều trên báo chí Sài Gòn và tỉnh lẻ, nên biết tên tuổi nhau là một sự dễ dàng, và càng lúc càng sâu đậm hơn trong tình văn nghệ.
Trần Kiêu Bạt có cá tính bộc trực, nhưng giao tiếp
thì anh có một giọng nói thật êm đềm kỳ lạ, ấm cúng rõ ràng từng câu chữ.
Nhiều lúc, ngồi nghe Trần Kiêu Bạt hát vài bản tình ca, hay ngâm một bài thơ
thích thú, giọng ca, giọng ngâm Trần Kiêu Bạt có phần chuyên nghiệp, hào sảng
và tuyệt cùng. Bào huynh thì như vậy, các em Trần Kiêu Bạt cũng có một giọng
ngâm hay biểu diễn một ca khúc đều thật ấn tượng như một ca sĩ tài danh. Trời
phú sự đặc biệt cho tất cả anh em Trần Kiêu Bạt như một ân sủng tuyệt diệu. Thường
xuyên gặp gỡ, và cuộc sống như anh em ruột thịt nhưng chưa bao giờ tôi nghe Trần
Kiêu Bạt ngâm thơ mình. Chính vậy, nhiều lúc tôi hối thúc Trần Kiêu Bạt in tác
phẩm, nhất là khi tạp chí Khai Phá chuyển hướng sang xuất bản, từ năm 1972 - 1975, không biết bao nhiêu lần tôi lên kế hoạch để Trần Kiêu Bạt góp mặt đứa
con tinh thần càng sớm càng hay. Sự e ngại của anh chắc không phải vì tài chánh
hay sợ làm bận tâm bạn bè, nhưng chắc có lẽ đó là một bản tính cố hữu, chỉ muốn
nhốt gió lại trong lòng, cho sự buốt lạnh của tình yêu, hay chút thoáng dịu ngọt
hạnh phúc của cuộc đời, mà anh cẩn thận và khiêm tốn cứ đánh giá mình một cách
khắc khe. Vì vậy, đến khi Trần Kiêu Bạt đồng ý để in thi tập Dù Người Là Ai Xin
Hãy Đến (1975) thì cuộc đổi mới đất nước lại là cái nghiệp khiến thi tập Trần
Kiêu Bạt phải lần nữa trở về bóng tối, như anh nghĩ đời tôi đó mãi là chiều
đông xám / hẳn xót xa buồn héo đến trăm chiều.
Cung cách bất cần đời, nhiều khi khiến Trần Kiêu Bạt
âm thầm chịu đựng không than vãn. Kết quả nào đơm nở được trên tay, cũng bay
theo tính lãng du của cuồng sĩ, không làm cho anh nuôi dưỡng được chút thừa trừ
của hạnh phúc, hầu lập dựng trong hồn một chút sương muối cho mơ màng một nẻo
phiêu linh. Nhiều lúc, Trần Kiêu Bạt sống thật như một bàn cờ đầy vẻ logic suy
đoán, nhưng thực chất bên trong sự ẩn dật của trăn trở quanh tâm thức, tạo dựng
cho Trần Kiêu Bạt một sự ngược chiều, không thăng hoa được hạnh phúc hay khổ
đau. Thơ Trần Kiêu Bạt là một dòng thơ tình, đầy ắp hình ảnh và con chữ nhảy
múa quanh khung cảnh biến đổi chập chờn, có lúc âm vận trúc trắc ở những
vần thơ tự do, đủ làm ta hiểu sự xáo trộn đầy trong mật độ tình cảm, cố
nén khỏa lấp vì làm vẻ tỉnh tuồng với cuộc đời. Thật ra, nước mắt chảy thấm ướt
cả một vùng trời cô tịch, đẩy đưa bao nhiêu bi thảm chìm ngấm trong từng kẻ hở
của thơ Trần Kiêu Bạt, nhất là những bài thơ vần, giúp Trần Kiêu Bạt bày tỏ thấm
đậm đau khổ hơn. Xin hãy đến nhìn qua đời rất tội/ một bóng một hình đèn
sớm đèn khuya.
Năm 1989, lúc anh em nhiều nơi được dịp thời cơ mở,
xuất bản nhiều tác phẩm mới. Tôi cũng được Rừng và Nguyễn Phan Thịnh giới thiệu
nhà xuất bản Trẻ ra mắt thi tập Tổ Ấm. Lúc đó, nhiều bạn bè góp ý in chung
một tuyển tập kỷ niệm cho bao nhiêu ngày tháng bước qua. Tôi làm tuyển tập
thơ Lãng Mạn Đời Trăng, có nhiều bằng hữu nổi tiếng bật dậy chung vai, tôi
nhắn Trần Kiêu Bạt và được anh đồng ý với câu: Ông Nghiễm, tôi phân vân rất
nhiều, cuối cùng mới quyết định viết cho ông đây…Thôi thì gởi mấy bài viết về
tình yêu vậy (Thư ngày 08/04/1989). Như vậy là mừng rồi, tôi chỉ ngại Trần
Kiêu Bạt trở chứng không góp mặt cùng bằng hữu trong thi tuyển này. Trước 1975
cũng vậy, chính vì sự lưỡng lự (cá tính vậy mà) đã làm tập thơ Dù Người Là
Ai Xin Hãy Đến phải bán giấy vụn, sau khi in được mấy mươi trang. Thời
gian đi qua, không thể chụp bắt lại được, chỉ ngại việc làm còn tích lũy đến một
không gian trơ, làm mất đi thời gian tính, phải xóa đi tâm huyết thì thật đau
lòng. Có lẽ tuyển tập Lãng Mạn Đời Trăng là sự hiện diện đầu tiên và
cuối cùng của Trần Kiêu Bạt khi anh còn sống.
Bề ngoài Trần Kiêu Bạt thật thanh lịch, vui tính
nhưng kỳ thực bao nhiêu chất chứa trong lòng đã dày vò cả một đời làm
thơ. Thơ Trần Kiêu Bạt là thơ tình, vì anh có chan chứa bao nhiêu tình cảm
trong đời sống, đều dồn nén hết trong tâm can. Sự thố lộ tình yêu, chỉ ở đêm
tàn gối lụn, mà một cuồng sĩ phong lưu kiêu bạt như anh vẫn chất chứa riêng tư
và cho cái riêng tư không bày tỏ với chung quanh, với đời vẫn vô tình. Có
những lúc không còn muốn nói / sau một lần vui/ cửa đã khép/ hương đã tàn/
và hồn đầy bóng tối.
Trần Kiêu Bạt đến với thơ, không rải hoa cho thơ
bùng sáng với thế nhân, mà người khác thường đem thơ rao bán và cung thỉnh cho
danh tiếng nhà thơ. Nhưng Trần Kiêu Bạt ngậm thơ như ngậm hồn mình, sự nén chặt
trong cõi riêng tư đã làm nghẽn đường khiến sự giao tiếp và người đọc không có
dịp thấm nhập vào cái đau của Trần Kiêu Bạt. Anh xây một bức tường kiên cố,
nhốt thơ và nhốt cả lòng mình, cô lập cả một thế giới sinh động chung quanh, chỉ
có một thế giới cô đơn riêng mình. Tôi nhớ đầu thiên niên kỷ mới năm 2000, nhà
thơ Hà Thúc Sinh có mail than với tôi về cách sống khép chặt cho thơ và phiêu hốt
trong ý nghĩ của Trần Kiêu Bạt, vì Hà Thúc Sinh cũng là bạn tâm giao của Trần
Kiêu Bạt, giống như những bằng hữu tâm giao khác Đoàn Kế Tường, Trầm Mặc Nghệ
Thế (Lý Thừa Nghiệp). Nhưng tôi hiểu sự dấu kỹ cái ngậm đắng nuốt cay của Trần
Kiêu Bạt trong tình yêu, cũng là một cách bày tỏ của một hạng người đặc biệt,
không bao giờ phô bày nỗi khổ đau của mình để nhận sự khích lệ cảm thông của dư
luận tha nhân. Trần Kiêu Bạt là thế, lạ trong đời và lạ trong ý thức. Chính vậy,
là một sự hy sinh đạt ngộ, khiến anh có vài điểm linh thiêng mà tôi kể ra đây
như một sự chiêm nghiệm.
Bản tính tôi không bao giờ dỗ giấc giữa ban trưa,
nhiều lúc mệt mỏi vì công việc bề bộn cũng chỉ nghiêng đầu lặng lẽ 5 - 10 phút
tĩnh tâm. Trưa 22/06 âm lịch 2005, thấp thoáng một cơn mơ dài, tôi đi vội ra
sau nhà, nhìn vào chiếc giường nhỏ, mùng đen giăng mắc buông thõng, và Trần
Kiêu Bạt nằm ngủ say mê. Tôi bước vội ra cửa chính trước nhà, Trần Kiêu Bạt bước
vào, tôi hỏi: Mới về hả Nhứt? Anh gật đầu và hỏi lại Trần Kiêu
Bạt nằm đâu? Tôi vội chỉ ra sau nhà và nói Trần Kiêu Bạt nằm phía sau
nhà kìa. Tôi giật mình tỉnh giấc, đồng hồ vừa chỉ đúng 12 giờ trưa. Ái ngại
chuyện mộng mị lạ lùng, tôi trầm ngâm suy nghĩ và đành lấy can đảm gọi ngay về
Cần Thơ, khoảng 3 giờ chiều ngày ấy, Nga (em thứ 5 của Trần Kiêu Bạt) khóc lớn
trong điện thoại, và dặn tôi Má đang bịnh tim nặng, anh Nghiễm có gì chỉ gọi
và nói với em thôi. Rùng mình như qua cơn đồng thiếp, tôi hiểu Trần
Kiêu Bạt đang về đong đầy cuộc sống vừa qua, để yên lòng bước về nẻo mới. Sau
đó, Nhì (em kế Trần Kiêu Bạt) lên Sài Gòn thăm tôi, cũng cho biết, ngoài tôi,
Trần Kiêu Bạt cũng có cơn mơ với một người bạn gái vào giờ tử sinh định mệnh
như thế.
Dù người là ai xin hãy đến, khẩn thiết của một tấm
lòng đầy ắp yêu thương và mộng ước, một sự vĩnh cửu ở tình yêu và ở cuộc đời
này, đã khơi bùng tro tàn bếp lạnh bấy lâu, còn ấm áp trong tâm thức
một chút dư âm của cơn gió thu lãng bạt, làm rơi đầy những cánh phong du bay
lãng đãng trước sân ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương…
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Tháng 8/2010
Nguồn Trích từ Người đồng hành
quanh tôi của Ngô Nguyên
Nghiễm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét