Có mấy kiểu làm vợ? Và thế nào là một người vợ lý tưởng? Nghe xong
câu hỏi trên, hẳn có người nghĩ rằng gã chỉ là một kẻ ấm ớ hội tề. Đã là vợ thì
là vợ chứ còn là cái chi chi nữa, đơn giản chỉ có vậy. Thế nhưng, xin quí vị
chớ nổi nóng, bởi vì chuyện đời đâu có êm ru bà rù như vậy. Ngay đến chữ “tu”
kia mà cũng còn có dăm bảy đường, như các cụ ta ngày xưa đã xác quyết: Thứ nhất
thì tu tại gia. Thứ hai tu chợ. Thứ ba mới tới tu… nhà dòng. Làm vợ cũng vậy,
có cả một lô kiểu làm vợ khác nhau. Con tắc kè đổi màu như thế nào thì khuôn
mặt các bà vợ cũng thiên biến vạn hóa, đến quỉ thần cũng không lường nổi. Chả
thế mà có kẻ đã “miêu tả”:
Vợ là tình cảm sâu xa,
Vợ là gió mát, vợ là bão dông.
Vợ như một đóa hoa hồng,
Vợ là sư tử Hà Đông kinh người.
Vợ là êm ái tuyệt vời,
Vợ là bão táp rụng rời chân tay…
Trước khi trình bày những kiểu… làm vợ, gã xin thành thật khai báo
rằng: gã có mượn tạm cái sườn bài viết của Vương Huyền Cơ trên báo Phụ nữ Chủ
nhật, số 3 năm 2002. Tuy nhiên, gã xin bổ túc thêm một vài kiểu nữa cho được
đầy đủ hơn, đồng thời như một người đầu bếp, gã cũng xin bỏ vào đó chút hành
tiêu tương tỏi để được đậm đà ý vị hơn.
Kiểu thứ nhất: Vợ là như một người mẹ.
Cố nhạc sĩ Y Vân đã để lại cho đời một bài hát bất hủ và tuyệt vời,
đó là bản “Lòng mẹ” với những lời ca mang nặng ý thơ: Lòng mẹ bao la như biển
Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào… Đối với
những người vợ kiểu này, thì lòng mẹ còn bao la hơn biển Thái Bình cả ngàn vạn
lần, bởi vì họ không chỉ lấy tình mẹ mà cư xử đối với con, nhưng còn lấy cả
tình mẹ mà cư xử đối với chồng mình nữa. Vì thế, dưới mắt họ, ông chồng chẳng
khác gì một đứa con cần được cưng chiều mà thôi. Chỉ tiêu được đề ra cho những
người vợ kiểu này là: Nuôi chồng khỏe, dạy chồng ngoan. Họ chăm sóc ông chồng
như chăm sóc con mọn. Họ là người quyết định cho ông chồng ăn gì, dù món ấy ông
chồng đã ngấy tới cần cổ. Họ là người quyết định cho ông chồng phải mặc gì, dù
bộ quần áo đó ông chồng chả thích tí nào. Họ là người quyết định cho ông chồng
phải ngủ vào giờ nào và phải thức vào giờ nào, dù ông chồng có việc phải thức
thêm một tí, hay muốn nằm ngủ nướng thêm một tẹo. Thiếu điều họ đánh thức ông
chồng như gọi đò sông cái: Anh! Dậy, đi đái, lấy nước, đánh răng, súc miệng, ăn
sáng.
Làm chồng của những người vợ kiểu này thật là sướng rên, chẳng phải
động não hay động tay chân vào bất cứ công việc nào. Ngoại trừ những giờ đi làm
là được thoát khỏi sự chăm sóc chiều chuộng, còn thì a lê hấp cứ việc về nhà vợ
nuôi. Người vợ sẽ lo cho ông chồng từ A đến Z và trang bị cho ông chồng tới tận
răng. Tuy nhiên, phàm cái gì thái quá cũng bất cập. Nhiều khi ông chồng lại cảm
thấy ngượng nghịu và bực bội với những chăm sóc chiều chuộng ấy, bởi vì mình
chỉ là như một con ngỗng được vỗ cho mập và hơn thế nữa trong thẳm sâu cõi
lòng, bất kỳ ông chồng nào, không nhiều thì ít cũng có cái bản lĩnh đàn ông và
muốn hét to lên cho bàn dân thiên hạ nhận ra rằng ta là đờn ông đây. Và rồi
cuối cùng, ông chồng ấy sẽ đi tìm một đối tượng nào đó để xả xú bắp,
tỏ lộ cái bản lãnh đàn ông của mình.
Kiểu thứ hai: Vợ là như một đứa con.
Kiểu thứ hai hoàn toàn trái ngược với kiểu thứ nhất. Có vợ kiểu này
chẳng khác gì có một đứa con bé bỏng hoàn toàn lệ thuộc vào mình. Từ việc to
cho chí việc nhỏ, người chồng phải quyết định hết ráo, bởi vì cô nàng sẽ chẳng
biết làm gì cả nếu không có sự bảo ban hướng dẫn của người chồng. Suốt ngày từ
sáng đến tối, cô nàng sẽ không ngừng mở miệng như một đứa con nít với điệp khúc
muôn thuở: Anh ơi, cái này làm thế nào? Anh hỡi, cái kia ra sao hử? Anh à, làm
vậy có được hông? Mọi việc từ đầu tới chân, nếu không có ý kiến ý cò của người
chồng là chẳng xong. Và nếu có lỡ mồm nói nặng với cô nàng một tiếng, thì lập
tức cô nàng sẽ khóc, như chưa bao giờ được khóc. Và những trận khóc dầm dề ấy
đôi lúc biến thành lũ lụt, cuốn phăng lập trường sáng suốt của ông chồng.
Làm chồng những người vợ kiểu này, tuy bản lĩnh đờn ông được liên
tục phát triển, lúc đầu cảm thấy thỏa mãn sung sướng vì mình là nhân vật số
một, nhưng về lâu về dài lại cảm thấy vô cùng mệt mỏi để rồi cuối cùng sẽ đi
tìm những sự vuốt ve chiều chuộng khác, như một sự bù lỗ.
Kiểu thứ ba: Vợ là như bà chủ
Trong chế độ mẫu hệ, người đờn bà làm chủ gia đình và nắm quyền
sinh sát trên chồng con. Chỉ có một cái khoái duy nhất trong chế độ mẫu hệ là
chị con gái sẽ đi cưới anh con giai làm chồng, chứ không phải anh con giai đi
cưới chị con gái làm vợ như ngày hôm nay. Phải, nếu như ngày hôm nay, chế độ
mẫu hệ mà tái xuất giang hồ, hẳn thế giới này sẽ bị đảo lộn tùng phèo, như bài
thơ “Thí dụ như” của một tác giả nào đó mà gã đã quên béng mất tên rồi.
– Bây giờ thí dụ như là:
Chồng thì làm bếp vợ ra quán hè,
Vợ nhậu đến bữa quên về,
Chồng sang hàng xóm, ngồi lê cả ngày.
Vợ đi bia bọt gác tay,
Tạm gác lại chuyện thế giới này bị đảo lộn tùng phèo khi những “thí
dụ như là” xảy ra, để được trở về với kiểu vợ làm bà chủ. Dòng máu “mẫu hệ” lưu
thông ào ào trong huyết quản, nên họ bèn vùng lên, không những đòi quyền… sướng
và bình đẳng với giới mày râu, mà còn giành lấy mọi quyền hành, quyết định tất
tật mọi chuyện to nhỏ trong gia đình. Và một khi quyền hành rơi vào tay người vợ,
thì tình hình sẽ trở nên não nề, bởi vì từ cái ghế bà chủ, người vợ không ngần
ngại nhảy phóc lên ngôi bà chằng. Bởi vì chữ chằng chẳng gần với chữ chủ lắm
sao? Từ cổ chí kim, những khuôn mặt bà chằng thì quả là ê hề và đầy rẫy. Bên
đông thì đó là khuôn mặt bà vợ Trần Quí Thường, vốn được mang biệt danh “sư tử
Hà Đông”. Còn bên tây thì đó là khuôn mặt bà vợ Socrate.
Kiểu thứ bốn: Vợ như một đầy tớ.
Kiểu thứ bốn hoàn toàn trái ngược với kiểu thứ ba. Người vợ kiểu
này bị coi như là một đầy tớ, một con ở trong nhà. Sở dĩ như vậy vì ông chồng
còn mang nặng đầu óc phong kiến “xuất giá tòng phu”, người con gái một khi đã
lấy chồng thì phải phục tùng chồng, để rồi “phu xướng phụ tùy” chồng chỉ việc
phán, còn vợ phải cúi đầu vâng nghe đến tối tăm cả mặt mũi. Hay độc tài quân
phiệt “chồng chúa vợ tôi”, chồng là chủ còn vợ chỉ là tôi đòi.
Để kết luận cho kiểu thứ ba và thứ tư này, gã xin mượn lời suy diễn
của thánh Tôma, đấng tiến sĩ Hội Thánh, như sau: Thiên Chúa không lấy
xương đầu của ông Adong mà dựng nên bà Evà, vì e rằng bà sẽ thừa thắng xông lên
mà coi mình là bậc đờn chị để rồi cai trị ông và gây nên những hậu quả tai hại
sau này. Thiên Chúa cũng không lấy xương gót chân của ông Adong mà dựng nên bà
Evà, vì e rằng ông sẽ xem thường và đày đọa bà, coi bà chỉ là một thứ tôi đòi.
Trái lại, Thiên Chúa đã lấy chiếc xương sườn của ông Adong mà dựng nên bà Evà.
Hẳn mọi người đều biết: Xương sườn là một thứ xương ở giữa thân thể con người
và nằm sát trái tim, nên bà cần phải được bình đẳng với ông và cần phải được
ông yêu thương chăm sóc.
Kiểu thứ năm: Vợ như một người quản lý.
Có người đã sánh ví vợ như là một ngân hàng sống. Khi ta lấy vợ, có
nghĩa là ta mở một trương mục ở ngân hàng để ký thác toàn bộ cuộc đời cũng như
tiền bạc của ta vào đó và cảm thấy nhờ vậy mà cuộc đời được an toàn và tiền bạc
được sinh lời, dù rằng lãi suất rất thấp. Thế nhưng cũng có kẻ cảm thấy rằng
mình bị… mất cắp. Mất cắp cuộc đời cũng như mất cắp tiền bạc. Thực vậy, suốt
bao năm tháng học tập đèn sách, đổ mồ hôi sôi con mắt, mới khều được
cái mảnh bằng bác sĩ, kỹ sư hay ngoi lên làm ông chánh, ông trùm còn cô nàng ấy
hả, chỉ cần ừ một phát để làm vợ người ta và nghiễm nhiên được cả và thiên hạ
gọi là bà bác sĩ, bà kỹ sư hay bà chánh, bà trùm. Còn chuyện tiền bạc. Trước
kia làm đồng nào mình xào đồng ấy, còn bây giờ, làm được bao nhiêu đem về nộp
bấy nhiêu. Chẳng được thiếu một đồng một cắc. Không nộp hết là không xong.
Nhưng phiền một nỗi đó là nộp vào thì dễ mà rút ra thì khó. Thành ra đôi lúc
phải nói quanh nói co, nói gian nói dối để có tí tiền còm cà phê cà pháo hay
chi dùng chuyện nọ chuyện kia.
Tuy nhiên, gã muốn sánh ví vợ với một người quản lý hơi
tham lam, coi ông chồng như một công cụ kiếm tiền và cô nàng sẽ bòn rút cho đến
hơi thở và đồng xu cuối cùng. Khi ông chồng đem tiền về thì cô nàng vui như
tết. Khi ông chồng bị thất nghiệp hay không kiếm ra tiền nữa thì chỉ có cách
biến đi chỗ khác chơi, chứ ở nhà thì cũng phát điên lên mất vì những lời chì
chiết và bóng gió. Khi ông chồng ngửa tay xin mấy đồng tiền lẻ, thì hãy đợi đấy
nghe cô nàng ca vọng cổ sáu câu có mùi cái đã.
Kiểu thứ sáu: Vợ như người tình.
Những bà vợ kiểu này thường hay dẩu mỏ chê bai ông chồng của mình
là kẻ “chỉ biết có nồi cơm chứ chẳng hề biết còn có cả hoa hồng trong cuộc
sống”. Hay trách móc ông chồng của mình “khô như ngói, chẳng hề biết lãng mạn,
để hâm nóng tình yêu”. Và thế là dù đám cưới đã xong xuôi và mọi việc đều đã
trở về với nhịp điệu bình thường của nó, ông chồng vẫn cứ phải tiếp tục đóng
vài trò người tình, tức là phải săn đón cô nàng, căng óc ra mà đoán xem cô nàng
đang muốn gì để mà chiều chuộng. Ngày sinh nhật, ngày cưới nhau, ngày tình yêu,
ngày phụ nữ, ngày tết, ngày lễ… tất tần tật đều phải lên lịch để mua hoa, mua
quà kèm theo những lời lẽ lâm ly bi đát nhất không kém gì tuồng cải lương. Nếu
trót dại mà lỡ quên thì chắc chắn chiến tranh lạnh sẽ xảy ra, mặt mũi cô nàng
sẽ ủ dột như bánh bao chiều: Anh không còn thương em nữa… dồi. Hay là lại anh
có người ta. Còn cô nàng thì chăm sóc đến nhan sắc của mình hơn là chăm sóc
việc nhà bởi vì cô nàng đang đóng vai người tình kia mà.
Kiểu thứ bảy: Vợ là như người… vợ.
Có một truyền thuyết cho rằng: Người đàn bà không phải được tạo nên
từ chiếc xương sườn của người đàn ông, mà được làm ra bằng một loại hợp chất.
Đúng vậy, thuở ban đầu, người đàn ông sống trơ trụi một mình. Vừa đơn độc lại
vừa buồn phiền. Thượng đế nhìn thấy bèn lấy làm tội nghiệp, nên dủ lòng thương,
bèn lấy một chút dịu dàng của hoa lan, một chút xinh đẹp của bông hồng và
một chút tinh khiết của cánh huệ. Tất cả được trộn lẫn với nhau. Nhưng chưa đủ.
Ngài còn hòa vào hợp chất ấy một chút tinh ranh của con khỉ già, một chút độc
ác của con rắn hổ mang và một chút hung dữ của con sư tử. Tất cả được nhào nặn
và quyện lẫn vào nhau mà tạo nên người đàn bà. Thượng đế bèn trao cái khối hợp
chất kỳ diệu và quái quỉ ấy cho người đàn ông. Và từ đó người đàn ông không còn
cô đơn trơ trụi nữa. Thế nhưng, vào một buổi sáng u ám, người đàn ông bỗng cảm
thấy không còn chịu đựng nổi sự tinh ranh, độc ác và hung dữ của cái hợp chất
quái quỉ ấy, nên đã mang trả người đàn bà lại cho Thượng đế. Song cuộc ly hôn
đầu tiên này diễn ra chưa đầy một tuần trăng, thì người đàn ông bỗng cảm thấy
nhớ day nhớ dứt cái vẻ dịu dàng, xinh đẹp và tinh kết của cái hợp chất kỳ diệu
ấy, bèn chạy đến xin Thượng đế trả lại người đàn bà cho mình. Từ đó họ sống hòa
thuận, đầm ấm và hạnh phúc với nhau. Dầu vậy, người đàn ông vẫn không ngừng kêu
cầu: Xin cho nàng mãi mãi dịu dàng như hoa lan, xinh đẹp như bông
hồng và tinh khiết như cánh huệ.
Từ truyền thuyết trên, chúng ta thấy người vợ lý tưởng chính là
người vợ kiểu thứ bảy. Cô nàng đích thị phải là người vợ “một chăm phần chăm”,
người vợ chính hiệu con nai vàng. Muốn được như thế, cô nàng phải là tổng hợp
của sáu kiểu trên với một thành phần vừa đủ cho mỗi kiểu. Cô nàng phải biết lúc
nào nên chăm sóc và hỏi ý kiến ông chồng, lúc nào nên nũng nịu và vòi vĩnh, còn
lúc nào phải nghiêm khắc và cứng rắn. Cô nàng cũng phải biết lúc nào
phải thu gom tiền bạc và lúc nào phải ban phát. Có đầu vào thì cũng phải có đầu
ra. Vừa có tình lại vừa có lý. Vừa cương lại vừa nhau.
Nhưng trên cõi đời này, hỏi có mấy anh đờn ông tìm được một chị vợ
như vậy? Và một người vợ lý tưởng kiểu thứ bảy liệu có thực sự tồn tại trên mặt
đất này không?.
Chuyện phiếm của Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét