Cuộc sống của họ gắn với suối đèo,
nương rẫy, tâm hồn họ thuộc về làng bản, cộng đồng... Bởi, họ đang lưu giữ và
trao truyền những giá trị bản sắc văn hóa qua những giai điệu âm nhạc truyền thống,
để “tiếng lòng” của dân tộc mình mãi vang ngân. Chúng tôi gọi họ là những nghệ
sỹ của bản làng.
KỂ CHUYỆN BẰNG ĐIỆU KHÈN MÔNG
Gặp Vừ Lầu Phổng (SN 1968), ai cũng nhận thấy
người đàn ông dân tộc Mông ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) này tính
tình rất vui vẻ, dễ hòa đồng. Và nếu gặp lúc anh mang theo chiếc khèn, thế nào
cũng được thưởng thức những giai điệu vui tươi. Từ lâu, Phổng đã nổi tiếng bởi
tài thổi và múa khèn Mông. Chiếc khèn gắn bó với anh từ thuở bước chân theo mẹ
lên rẫy trỉa ngô, theo bố vào núi săn thú và như anh nói thì “sẽ gắn bó đến lúc
nào cái miệng không đủ hơi để thổi nữa”.
Anh Vừ Lầu Phổng với vũ điệu khèn Mông.
|
Vừ Lầu Phổng kể rằng, mình biết thổi và múa
khèn từ lúc chưa đầy 10 tuổi. Phổng học thổi khèn từ ông nội. Ông nội của Phổng
trước đây là người thổi khèn hay, múa khèn đẹp nhất vùng. Ông nội mất, bố Phổng
lại tiếp tục dạy Phổng múa và thổi khèn. Lúc vừa lớn lên, mỗi khi thấy hoa đào
sau vườn hé nụ, khi sương lạnh bắt đầu tan, Phổng cùng đám bạn gần nhà mang
khèn đi khắp các bản làng tham dự hội Xuân. Tiếng khèn của Vừ Lầu Phổng hòa
cùng mây ngàn, gió núi và được nhiều cô gái để ý. Phổng chia sẻ: “Nhờ thổi khèn
hay, múa khèn đẹp nên mình lấy được vợ đẹp, nhà vợ ở tận Nậm Cắn. Lấy vợ rồi,
mình quanh năm bận rộn với nương rẫy nhưng không thể bỏ được cái khèn. Mỗi khi
Xuân về, Tết đến hoặc có hội vui, khi đã chếnh choáng hơi men, mình lại nhớ và
tìm đến cái khèn”...
Theo Vừ Lầu Phổng, các động tác uyển chuyển
trong vũ điệu khèn Mông thể hiện quá trình đấu tranh sinh tồn của một dân tộc
cư trú trên đỉnh núi cao, nơi quanh năm mây vờn và gió lạnh; là động tác diễn tả
quá trình gieo hạt, trỉa bắp, đánh đuổi thú rừng. Cùng với đó, vũ điệu khèn
Mông còn thể hiện một cách tinh tế quá trình phát sinh tình yêu và hôn nhân của
những chàng trai, cô gái trên những đỉnh núi mây mù... Nói cách khác, đằng sau
mỗi vũ điệu khèn Mông là một câu chuyện về đời sống mưu sinh và thế giới tâm hồn
của cộng đồng.
Tại các kỳ hội diễn, giao lưu văn nghệ, khán
giả thường được thưởng thức tiết mục múa khèn của Vừ Lầu Phổng, để rồi ai cũng
tấm tắc ngợi khen. Bởi vũ điệu này không dễ thực hiện một cách thuần thục, đòi
hỏi phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa đôi tay, đôi chân, miệng, hơi và có
khi là toàn bộ cơ thể. Đôi tay giữ cho khèn đúng tư thế, đôi chân phải vận động
nhịp nhàng, uyển chuyển. Rồi đến động tác vừa thổi khèn, vừa nhào lộn giữa nền
đất, tiếng khèn vẫn phải đảm bảo ngân lên đúng giai điệu, tiết tấu. Vì thế, bên
cạnh sự thuần thục, khéo léo cần phải có một sức khỏe dẻo dai, và trên hết là
lòng kiên nhẫn, đam mê luyện tập.
Điều quan trọng hơn nữa là Phổng đã kịp truyền
niềm đam mê cho cậu con trai 7 tuổi là Vừ Bá Tám. Ở tuổi ấy, Tám đã thổi và múa
khèn một cách điêu luyện khiến người bố luôn lấy làm tự hào.
Mùa Xuân này, gia đình Vừ Lầu Phổng đón nhận
thêm tin vui, anh vừa được đề nghị Hội đồng cấp Bộ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân
Ưu tú. Niềm vui này không chỉ riêng của anh và gia đình, mà còn của đồng bào
Mông đang cư trú trên dải đất miền Tây Nghệ An.
HẬU DUỆ CỦA NGHỆ NHÂN BẢN CHẮN
Từ khi lão nghệ nhân dân gian Vi Đình Công
qua đời (đầu năm 2012), nhiều người lo lắng, tiếng khèn bè ở bản Chắn, xã Thạch
Giám (Tương Dương) sẽ dứt vì không có người đam mê chế tác những chiếc khèn “chở
đầy âm thanh”, vang ngân “tiếng lòng” của đồng bào Thái. Nhưng thật may, trước
lúc về với Mường Trời, ông đã kịp truyền dạy cách thổi khèn cho mấy người con
trai, đặc biệt là trao truyền cách chế tác nhạc cụ cho người con trai đầu Vi
Thanh Hải.
Anh Vi Thanh Hải và những
chiếc khèn bè do
mình chế tác.
|
Trong ngôi nhà sàn ấm cúng nằm giữa bản Chắn,
anh Vi Thanh Hải kể rất nhiều về người bố của mình. Rằng, khi bệnh tình ngày một
nặng, nghệ nhân Vi Đình Công gọi các con đến cạnh dặn dò: “Bằng mọi cách, các
con phải giữ cho được tiếng khèn!”. Trước đó, dù đã được truyền dạy cách sử dụng
và chế tác khèn bè, nhưng anh nghĩ bố còn sống lâu nên chưa cần chuyên tâm, cứ
để thời gian lo việc khác. Thế nên khi người bố kính yêu ra đi mãi mãi, đã để lại
trong anh một khoảng trống. Thương nhớ bố, anh quyết tâm ghi nhớ và thực hiện
những điều bố đau đáu dặn dò. Một ngày, anh lấy chiếc khèn của bố ra thổi, tiếng
khèn như lời thì thầm từ cõi xa vọng về, thôi thúc và động viên. Từ đó, người
dân bản Chắn lại được nghe âm thanh và giai điệu khèn bè vang vọng...
Khi tiếng khèn đã nhuyễn, Vi Thanh Hải lần giở
cuốn sổ tay ghi chép năm xưa và bắt đầu công việc chế tác khèn. Lúc đầu rất
khó, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, vì âm thanh phát ra không được như ý. Anh
hình dung đến dáng vẻ tỉ mẩn và cặm cụi năm xưa của bố nên quyết tâm phải kiên
trì. Bố anh từng dặn: “Làm khèn, phải chọn thời điểm trong lòng tĩnh lặng,
không có sự phân tâm, xao động thì âm mới chuẩn”. Vậy là hằng đêm, khoảng 2-3
giờ sáng, Vi Thanh Hải lại thức dậy say sưa với nứa rừng và lam đồng.
Theo anh Hải, nguyên liệu chế tác khèn bè là
14 dóng nứa loại nhỏ kích thước dài, ngắn khác nhau, ghép thành 7 đôi nằm song
song để tạo thành một khối liên kết bằng một chiếc bầu bằng gỗ. Trên các dóng nứa
được tạo các lỗ thoát hơi và gắn các lam đồng. Khèn bè là loại nhạc cụ khá đa
năng, khi cất lên những giai điệu thiết tha, sâu lắng như tiếng suối hiền hòa;
có khi lại là dòng âm thanh rộn ràng, náo nức giục giã như vào hội; có khi rạo
rực, thổn thức như trái tim những chàng trai, cô gái lần đầu hò hẹn... Thế nên,
đòi hỏi người chế tác và sử dụng khèn bè phải thật sự khéo léo, tinh tế và giàu
cảm xúc, nói cách khác là phải có một tâm hồn nghệ sỹ.
Bây giờ, Vi Thanh Hải đã chế tác thành công
thứ nhạc cụ đặc trưng ấy của dân tộc mình. Thời gian rảnh, anh ghi chép quy trình
chế tác thành giáo án và mở lớp truyền dạy. Hiện tại, anh đã mở được 3 lớp truyền
dạy cách chế tác khèn bè cho thanh niên trong vùng. Anh cho chúng tôi xem tập
giáo án hướng dẫn chế tác và sử dụng khèn bè, rất chi tiết từ cách chuẩn bị các
loại dụng cụ, cách lựa chọn vật liệu, cách phơi ống nứa và giữ màu, cách uốn thẳng
và thông ống, cách làm lưỡi khèn, lắp ráp và chỉnh âm... Trong đó, công đoạn
làm lưỡi khèn (lam đồng) giữ vai trò rất quan trọng, gần như quyết định việc chỉnh
âm cũng như âm sắc của khèn. Biết tiếng anh, người Thái ở khắp bản làng Tương
Dương và các huyện bạn (Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu) tìm đến đặt khèn
để lưu giữ “tiếng lòng” của cộng đồng dân tộc.
TIẾNG PÍ TƠM Ở NA BÈ
Ngôi nhà của ông Moong Văn Dũng (SN 1956), bản
Na Bè (xã Xá Lượng- Tương Dương) nằm đầu nguồn con khe Ang hiền hòa, quanh năm
rì rào tuôn chảy. Người đàn ông gần 60 tuổi này nổi tiếng cả bản cũng như cộng
đồng người Khơ mú ở Tương Dương về năng khiếu chế tác và sử dụng các loại nhạc
cụ truyền thống của dân tộc mình. Cuộc đời ông trải qua không ít những thăng trầm,
nhưng chưa bao giờ ông rời bỏ cây khèn, cây pí.
Ông Moong Văn Dũng thổi pí tơm.
|
Moong Văn Dũng sinh ra và lớn lên ở bản Cha
Ca, xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) - một vùng quê núi đèo heo hút, cuộc sống dẫu nhiều vất
vả mà ai cũng lạc quan, tiếng nhạc và làn điệu tơm thường ngân vang khắp bản
làng, theo ngọn gió đến những cánh rừng và con suối. Từ khi còn rất nhỏ, cậu bé
Dũng đã học cách sử dụng pí tơm, tót tông, khèn bè, đao đao, khèn lá, khèn môi.
Vào ngày Tết, ngày hội, mừng nhà mới hay mừng cơm mới, tiếng cồng chiêng, tiếng
khèn pí ngân vang khắp cả không gian bản làng. Vào cuộc vui, đàn ông pí tơm,
tót tông hay gõ đao đao; phụ nữ đánh cồng chiêng hoặc cất lên làn điệu tơm nghe
rộn ràng, tha thiết. Trong bản có cuộc vui, Moong Văn Dũng cùng em trai là
Moong Văn Quang đều tìm đến để lân la học cách đệm pí, hát tơm. Nhờ thế, hai
anh em sớm biết chỉnh âm, đưa nhịp của từng loại nhạc cụ.
Đã mấy chục năm trôi qua, ông Dũng vẫn nhớ
như in kỷ niệm năm xưa, ông cùng người em trai thi thổi pí tơm. Theo quy ước,
khi hông xôi được bắc lên bếp, hai anh em bắt đầu thổi. Đến lúc mùi xôi tỏa ra
thơm nức, xôi được rải ra và quạt nguội, đưa vào ép thì cuộc thi sẽ kết thúc. Lần
ấy, Moong Văn Dũng thổi được đến lúc đưa hông xôi ra khỏi bếp, còn người em
trai đến lúc xôi được đưa vào ép vẫn còn đủ sức để thổi. Về sau, cuộc đời hai
người đi theo hai ngã rẽ khác nhau.
Người em trai theo đuổi học hành, trở về làm
cán bộ Huyện ủy và bây giờ là cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Kỳ
Sơn. Còn Moong Văn Dũng vẫn gắn bó với núi rừng, nương rẫy, gắn bó với con đường
mòn và bản làng thân thương. Các loại khèn, pí vẫn theo bước chân Moong Văn
Dũng lúc xuống suối đánh cá hay mang gùi lên rẫy. Những đêm trăng thanh gió
mát, bà con khắp bản lại được nghe những giai điệu rộn ràng, tha thiết từ mái
nhà sàn phía cuối bản, nơi có một “nghệ sỹ” đang gửi những cung bậc cảm xúc của
mình qua tiếng pí. Trong các đám cưới và các ngày lễ, con gái Cha Ca và các bản
khác thường vây quanh Moong Văn Dũng mong được chàng trai này đệm pí hát tơm.
Ai cũng cố gắng tơm thật hay để không bị chê, để xứng đáng với tài của người
đang đệm pí.
Cơ duyên cuộc đời đưa Moong Văn Dũng men theo
dòng khe Ang vào cư trú ở Na Bè. Ngôi nhà của ông nay còn rất đỗi đơn sơ, nhưng
quanh vách gắn đầy các loại sáo, pí. Mỗi khi rảnh rỗi hay muốn gửi gắm những
rung cảm tâm hồn, người đàn ông Khơ mú ấy lại cầm pí ra ngồi trước mái hiên và
thả những âm thanh du dương, trầm bổng hòa cùng tiếng gió ngàn, tiếng suối chảy
thành bản hòa tấu đầy quyến rũ và say mê. Người Khơ mú ở Na Bè thường lắng nghe
tiếng pí tơm ấy như để tìm đến với điệu hồn của chính mình...
CÔNG KIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét