Người ta thường ví cuộc
đời mỗi người như một dòng sông. Thăng trầm trôi qua biết bao bờ bến thân
quen và xa lạ, để khám phá cuộc sống và neo giữ trong lòng những ký ức thăm
thẳm về dòng chảy của riêng mình. Dòng sông không chỉ giản đơn là hình ảnh
mặt nước phẳng lặng, những buổi trưa hè thuở bé tung tăng tắm mát… mà còn
là những ký ức thẳm sâu, với bao dấu ấn về những thăng trầm lịch sử, tạo
nên những vỉa trầm tích, theo thời gian đi qua đời sông, đời người. Tôi đã
đi dọc dòng sông nhiều lần, ngủ qua đêm nhiều lần bên dòng Thu Bồn, cảm nhận
sự mênh mang vô cùng của đất trời, lắng nghe những trầm tư sông nước...
Những ai đã sinh ra, lớn
lên ở miền Trung nói chung và trên miền đất Quảng Nam dọc theo dòng Thu Bồn
nói riêng, đều có nhiều ký ức về dòng sông huyền thoại này. Nhà tôi bên
dòng Thu Bồn, sông bao bọc quanh làng và đã ôm ấp tôi cả một thời thơ ấu đến
tuổi trưởng thành. Khi phải xa sông để tìm cuộc sống mới, dòng sông vẫn êm ả
chảy trong tôi.
Theo dòng chảy từ biển,
thuyền chở cá tôm lên nguồn. Từ nguồn, chở sản vật núi rừng xuống biển.“Mít
non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Tấp nập lui tới chợ Hội An buôn bán, mang
đến sự giàu có và thịnh vượng, rồi theo dòng sông lan tỏa khắp nơi. “Hội An
bán gấm, bán điều/ Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành”. Những đêm trăng
sáng, dòng sông lấp lánh ánh vàng, soi bóng lũy tre thả mình nghiêng ngã ở
đôi bờ. Các ghe lưới bén thả lưới trên sông. Người đánh cá gõ vào mạn thuyền,
dùng dầm đập trên mặt nước cho cá tuôn vào lưới. Lũy tre không ngủ, bồi hồi
vặn mình, tiếng kĩu kịt, tạo nên khúc nhạc tình quê với âm điệu dặt dìu. Xa
xa, những chùm sáng nho nhỏ phát ra từ các chòi rớ, ghe đánh cá, ghe soi
đêm…như hoa đăng bềnh bồng trôi, tạo nên quang cảnh mờ ảo. Đâu đó, tiếng nhịp
chèo khua đều vọng theo câu hò xứ Quảng, mang lời tự sự đầy tâm trạng của
người con gái quê hương: “À ơ…chiều chiều gánh nước tưới dưa/ Dưa đà có
trái chị chưa có chồng…” .
2.
Tuổi thơ tôi. Hạnh phúc
và chông chênh cùng dòng sông. Thu Bồn vẫn thấp thoáng, khi nhìn qua bờ tre
trước nhà ông bà nội bên này sông và bên kia là nhà ông bà ngoại. Cuộc tình
đầy duyên nợ, ba má tôi, được dòng sông như dải lụa đào kết nối tơ duyên.
Tôi sinh ra ở bờ Nam và lớn lên ở bờ Bắc. Từ khi nằm trong bụng má đến khi
trưởng thành, tôi đã cùng má ngược xuôi trên dòng sông kiếm sống. Má ru
tôi, giọng à ơi ru con thuở bé đến điệu hò khoan, bài chòi, dân ca xứ Quảng…
theo nhịp chèo trên sông nước đưa tôi vào đời. Khi màn đêm bao phủ, má cùng
ba tôi đi soi đêm trên các triền sông, quanh làng Cẩm Nam, qua Cẩm Kim, xuống
Cẩm Thanh, Bàn Thạch... Những kỷ niệm ngọt ngào còn lưu đọng, trở thành chất
liệu cuộc đời trong tôi!
Hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng
nhất, tôi cảm nhận được là lúc Hội An lên đèn. Phố cổ lúc ẩn lúc hiện lung
linh như xứ sở thần tiên trên mặt sông. Tôi đã uống nước sông, vẫy vùng tắm
trong lòng nước mát trong veo và cả lúc nước đỏ ngầu phù sa… Và, lớn lên nhờ
những sản vật của dòng nước lợ: hến, cá, tôm…Sông như người mẹ hiền, hiến
dâng phù sa nuôi dưỡng bao làng mạc, cánh đồng, cho trái ngon quả ngọt và
những mùa vàng bội thu. Dòng sông len lỏi vào từng thớ thịt, từng giọt máu
để nuôi tôi khôn lớn. Sau này bước chân tôi đã đi “cùng trời cuối biển”,
nơi nào tôi cũng ngắm xem những dòng sông chảy qua xứ sở tôi đến. Nhưng
không gian tuổi thơ tôi bên dòng nước ấy, vẫn được giữ gìn trang trọng như
một cõi riêng trong lòng. Cái diệu vợi không gian, cái vô tình thời gian
trên dòng Thu Bồn, mãi là những cám dỗ đầy mê hoặc và cảm xúc dạt dào trong
tôi! Không gian ấy trải dài hai bên dòng sông, ghi đậm những tên làng: Thạch
Bích, Dùi, Chiêng, Tí, Sé, Phú Gia, Trung Phước, Đại Bường… gắn với những đặc
sản như quế, tiêu, dầu rái, cải, bắp và cây trái…
Từ hạ lưu lên đầu nguồn,
dừng bước, “Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!”.
Từ đầu nguồn xa xôi nước đổ về Hòn Kẽm. Hai bên đá dựng đứng, nước quần tụ
giống một cái hồ phẳng lặng, mênh mang, bãi cát trải dài tự nhiên và nên
thơ. Thỉnh thoảng những đụn cát nổi lên trên nền cát trắng phau, tạo nên những
đường cong cách điệu hoàn hảo hình chữ C, chữ S…uốn lượn, hòa quyện, đuổi bắt
nhau. Nhìn từ xa, gợi khoe vẻ đẹp phồn thực những cô thôn nữ hong mình trên
cát trong ánh nắng dịu ngọt thu vàng. Bỗng dưng tôi muốn làm một Chữ Đồng Tử,
ở lại trên bãi, trên sông, trốn đi cái thế sự ồn ào, thưởng thức cái tươi
mát trong lành, cái tinh túy đất trời.
Xuôi về hạ nguồn đến
vùng Gò Nổi, có phải vì dâu xanh, lúa tốt mà vùng đất đã sản sinh ra các
danh nhân lừng lẫy: Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài,
Phan Khôi… Và, nổi tiếng với các hàng dệt vải, tơ lụa, với những ruộng dâu
xanh ngắt ngút ngàn, những cô gái Bảo An làm nghề tằm tang xinh đẹp. Đến
làng Phú Chiêm, Thanh Chiêm trù phú những cánh đồng lúa chín óng ả vàng…
3.
Trong dân gian vẫn còn
lưu truyền câu chuyện nàng thôn nữ Chiêm Sơn. Khi còn trẻ, chúa thượng Nguyễn
Phước Lan sống với cha là Thụy Quận Công, trấn thủ Quảng Nam, tại dinh trấn
Thanh Chiêm. Vào một đêm trăng, công tử Nguyễn Phước Lan cùng cha thả thuyền
rong chơi trên dòng Thu Bồn. Giữa thanh vắng, bỗng từ trong nương dâu có tiếng
hát véo von vọng lại. Thuyền rồng vội ghé đậu ở ghềnh Điện Châu. Trong bãi
dâu xanh nhuộm ánh trăng vàng, vang câu hát: “Thiếp nghe chúa ngự thuyền rồng/
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa...”. Nguyễn Phước Lan - sau này là
chúa Thượng, trong lòng dậy lên niềm thi cảm, bàng hoàng trước sắc đẹp cô
thôn nữ họ Đoàn, người làng Chiêm Sơn, huyện Diên Phước, thuộc phủ Điện
Bàn. Chúa cho rước về cung. Cô hái dâu bên dòng Thu Bồn, trở thành Hiếu
Chiêu Hoàng hậu, mẹ của Thái Tôn Nguyễn Phước Tần tức chúa Hiền. Ở làng
Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, về phía Tây gò Cốc Hùng, còn lăng
Vĩnh Diên, thờ bà Hiếu Chiêu hoàng hậu.
Từ đại ngàn Trường Sơn,
trước khi đổ về biển lớn, Thu Bồn không chỉ bồi đắp cho mảnh đất xứ Quảng
chất đất phù sa màu mỡ mà còn góp phần tạo dựng nên nhiều dấu ấn văn hóa rực
rỡ. Khởi nguyên từ những dòng suối nhỏ chảy qua các cánh rừng nức mùi hương
quế, có loài sâm quý Ngọc Linh trên đỉnh núi Ngọc Linh, cao hơn 2.500m nằm
giữa đại ngàn Trường Sơn, thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Sông chảy
qua các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, mang tên sông Tranh. Khi đến huyện Quế
Sơn và Duy Xuyên, hợp lưu với Vu Gia, sông trở thành Thu Bồn huyền thoại.
Dòng sông in bóng hai di sản thế giới: Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Dằng
dặc theo năm tháng, chứa nhiều truyền thuyết thiêng liêng, thần bí và huyền
thoại, dựng nên phong cách rất đặc trưng của làng quê Việt, vốn đã thiêng
liêng, thần bí lại còn hư ảo, huyền thoại. Như Bà Thu Bồn còn gọi là bà Bô
Bô - vị nữ tướng của nhà Lê bị giặc truy đuổi đến làng Thu Bồn thì ngã ngựa,
do tóc bà bị quấn vào chân ngựa nên bị giặc bắt và giết. Bà đã được các vua
triều Nguyễn sắc phong Bô Bô phu nhân Thượng đẳng thần. Ngày nay, theo khảo
sát thực địa nơi miếu bà Thu Bồn, người ta cho rằng trong quá trình tiếp biến
văn hóa, vị thần Chăm Pô Nagar, đã được Việt hóa thành thần Việt và lấy tên
dòng sông lớn nhất Quảng Nam - Đà Nẵng là Thu Bồn đặt tên cho Bà. Những
truyền thuyết về bà Mẹ xứ sở mang nhiều sắc màu thần thoại, lịch sử… nhưng
luôn là biểu tượng của cái đẹp, đạo đức, tình yêu, ý chí vươn lên để chiến
thắng thiên tai, địch họa, đói nghèo và ý muốn hòa hợp cùng khát vọng thái
bình của các dân tộc Việt - Chăm.
Lễ hội Bà Thu Bồn là một
lễ hội lớn của cư dân ven sông tỉnh Quảng Nam. Ngày nay, nhờ điều kiện giao
thông dễ dàng, ngành du lịch phát triển, điều kiện quảng bá lễ hội thuận lợi,
người đi trẩy hội ngày càng đông. Không chỉ người trong nước mà còn cả du
khách nước ngoài. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 12 - 2 âm lịch. Người
dân đến viếng, tỏ lòng thành kính, biết ơn vị nữ thần đã che chở cho dân
làng sống trên bờ và trên sông nước, dân buôn bán ngược xuôi, từ đầu nguồn
đến cuối sông bình an, vô sự. Màu sắc tín ngưỡng dân gian bao đời, thể hiện
tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, C'tu, Kinh sống trên dải đất miền Trung.
Trong các cuộc kháng chiến
chống ngoại xâm, sông Thu Bồn là một ranh giới. Hữu ngạn là vùng tự do, tả
ngạn là vùng tạm chiếm. Biết bao cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra hai bên
bờ và ngay cả trên dòng sông. Kể sao cho hết những người lính từ hai phía,
dân quân, du kích, người dân vô tội… đã vĩnh viễn nằm lại trên những mảnh đất
gắn bó với dòng sông. Máu và thân xác của họ đã hòa với nước, trở thành những
tên bến, tên bãi, tên cồn… bất tử với thời gian. Để Thu Bồn mãi mãi tươi đẹp,
như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng kiên
cường và miên trường, có huyền sử và lịch sử tinh hoa.
Những tên bãi, tên làng
mỗi lần nghe nhắc đến, cả một khung trời kỷ niệm ùa về trong tôi, với những
phận đời, phận người đã mưu sinh mải miết theo dòng, vẫn lặng thầm với những
chuyến đò ngang mà đi dọc đời người…Dòng sông là một hấp lực vừa mãnh liệt
vừa thơ mộng vô cùng. Mênh mang, bàng bạc trong các sáng tác văn học, hội họa,
nhiếp ảnh, ca nhạc... Con sông quê hương mềm như dải lụa nổi tiếng quê nhà.
Từ bao đời nay đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật không bao giờ cạn.
Nhà thơ Thu Bồn, thảng thốt: Dòng sông rộng quá nên lai láng/ nhịp cầu thường
tiễn ta đi xa/ hỡi con ngựa chiến tuôn về biển/ bất kham dừng lại hóa phù
sa. Và một Bùi Giáng rất tài tình, nhắc đến tên dòng sông quê hương khi ông
đã sống ở xa: Thu nay nằm nhớ Thu Bồn/ Con sông xứ Quảng linh hồn quê
hương/ Quê hương xứ Quảng dịu dàng/ Có cô thôn nữ có nàng tiên nga/ Có khe
có suối ngọc ngà/ Có mưa móc gội màu hoa trên ngàn/ Sông dài biển rộng
thênh thang/ Tình yêu chất vấn dã man còn nhiều.
4.
Tuy nhiên, chẳng phải
lúc nào dòng sông Thu Bồn cũng hiền hòa, bềnh bồng và nhu thuận. Trong bài
hát: The River of No Return, có câu: “sometimes it's peaceful, and
sometimes wild and free”- tạm dịch: “đôi khi dòng sông hiền hòa, đôi khi
man dại và bất kham”. Theo Phật học thì tư duy, ý thức của con người tựa
như một dòng sông ý niệm tuôn chảy không ngừng. Trong một sátna (1), tâm ý
trải qua 960 lần chuyển niệm. Trong thời gian một ngày đêm, trải qua 13 ức
triệu niệm. Dưới dòng sông tuôn trào này, nơi sâu thẳm vô hình, đâu đó là Tạng
thức - nơi tàng trữ mọi mầm mống vũ trụ. Náo động là hiện tượng bên ngoài;
trong sáng, thông suốt, tĩnh lặng, hài hòa là cái vĩnh hằng ở bên trong
dòng sông, lòng người.
Vận vào dòng sông nầy,
đã có bao trận lũ lụt do dòng sông giận dữ dâng lên, cuốn trôi nhiều làng mạc
ven bờ từ thượng nguồn đến hạ lưu.
Như trận lụt năm Giáp
Thìn 1964.
Hôm ấy nước lên rất
nhanh, đầu hôm nước mới vào nhà, đến nửa đêm nước đã lên đến mặt bàn. Sáng
ra, nhìn ngoài trời, ban ngày mà như chập choạng tối, mưa gió bời bời, nước
từ thượng nguồn ào ạt đổ về, cuồn cuộn chảy. Nghe như tiếng gầm thét của một
loài thú dữ. Ngoài sông, nhìn thấy những mái nhà, những bò, trâu, heo và cả
người ngồi trên nóc nhà… trôi lềnh bềnh theo dòng nước chảy xiết. Trong
nhà, lúc đầu ba tôi lấy bàn kê giường lên, và theo cột nhà, nước cứ leo dần…
Nước leo lên mặt bàn, tiếp tục dời lên kèo nhà, nước lên ngập cửa ra vào. Cả
nhà bị nước nhốt lại. Cuối cùng, đành phải dỡ khu đĩ (2) chui ra ngoài. May
mắn. Ở quê mỗi nhà đều sắm sẵn một chiếc ghe làm phương tiện sinh sống trên
sông hay chuyên chở, di chuyển khi mùa lũ đến. Ba tôi chở các con đến
nhà thờ Tộc Huỳnh bên trong làng để trú ngụ. Lúc bấy giờ, má tôi đang sinh
đứa em thứ năm tại một bệnh xá làng. Bệnh xá còn xập xệ lắm, cột bằng gỗ
sơn, chỉ nhỏ bằng cổ chân người lớn, phên tre, mái lá dừa nước. Mưa lớn, chỗ
nào cũng ướt. Gió, phía nào cũng táp vào da thịt…
Trận lũ năm Thìn ấy, vẫn
còn hằn sâu trong ký ức của lớp người sinh ra trong thế kỷ hai mươi, từ thập
niên sáu mươi trở về trước. Miền Trung có trận lụt lớn nào, người ta lấy trận
lụt năm Thìn ấy ra làm “chuẩn”. Năm ấy tôi còn bé, nhưng những gì xảy ra vẫn
còn in đậm trong ký ức. Cả làng chẳng có một ngôi nhà lầu nào để bơi đến
trú tạm mỗi khi trời lụt bão lớn. Ông nội tôi chỉ còn một cách duy nhất, lấy
đũa bếp ra khấn vái để chống nhà khỏi sụp hay khỏi bị nước nhấn chìm - một
cách “làm phép” đầy màu sắc tâm linh của những người nông dân nghèo. Chống
bão lụt bằng đũa bếp mưa gió vẫn không ngưng, còn nước cứ dâng thì chỉ còn
biết kêu trời, khấn phật!
Sau khi ổn định chỗ ở
cho bọn tôi, ba đưa ghe đi đón má. Khi đến gần bệnh xá, nước chảy mạnh quá,
nước xé làm đôi làng tôi bằng một dòng chảy kinh khủng. Đứng bên này dòng
nước, nhìn qua bên kia là trạm xá, nơi má tôi đang ngóng trông từng giây…
Nhiều chiếc thuyền cố vượt qua đều lật úp, trôi theo dòng nước đỏ lòm. Ba
tôi đành gạt nước mắt quay về. Ba nghĩ trong bụng điều dữ mà không dám nói
ra. Khi nước vừa rút xuống. Nóng cả ruột gan, ba tôi tiếp tục đưa ghe băng
qua dòng chảy, đến trạm xá đón má tôi. Đến nơi. Trời ơi, bệnh xá đã bị cuốn
trôi mất rồi! Bơi một vòng quanh trạm tìm xem, có còn dấu vết gì trên các
cây dương liễu còn sót lại. Chỉ thấy rác nguồn và rau muống biển bị trôi quấn
quanh thân cây. Dùng dầm gỡ, chỉ thấy lũ rắn núp bên trong túa ra! Lại thêm
một lần tuyệt vọng…
Ở bên kia dòng lũ, từ
trong bệnh xá, những bà mẹ sinh con, bà đỡ, người giúp việc, toàn là đàn bà
đang lóng ngóng khi nước vào nhà, nước bò dần lên chân giường. Hầu hết họ
được các thân nhân ở gần đó đến đưa về nhà. Chỉ còn lại má tôi và một người
đàn bà khác, cả hai đang ôm con vào lòng sưởi ấm. Nước lại tiếp tục lớn,
hai bà mẹ chỉ còn biết cầu nguyện… Như một phép lành. Ông Lắm xuất hiện! Chồng
người đàn bà ở cùng với má tôi, đưa ghe đến chở cả hai người về nhà ở xóm
dưới. Khi chiếc ghe vừa ra khỏi trạm xá, những cây cột còn lại bị xói gốc,
trạm xá đổ nhào, cuốn theo dòng nước. Má và em tôi thoát qua cơn hiểm
nghèo. Cái tên “ông Lắm” đã trở thành dấu ấn đẹp đẽ khó quên - một ân nhân
cứu mạng. Cái tên gợi lên một con người, gắn với những tình cảm trân trọng
và mến yêu của gia đình tôi.
Cả nhà đoàn tụ sau cơn
lũ, liền đối mặt với nạn thiếu ăn. Một gia đình sáu miệng ăn, sau cơn lũ lớn
kéo dài nhiều ngày, chẳng còn gì ăn được. May thay, những đoàn cứu trợ, các
tổ chức từ thiện trong và ngoài nước tìm đến. Họ mang theo thực phẩm, thuốc
men, quần áo… Được các tình nguyện viên đưa đến những điểm cấp phát, dùng
trống chầu dóng lên, dân làng biết chạy đến nhận. Sự vô thường của đời người
và thiên nhiên đã thử thách tính người, tình người vượt lên! Trong hoàn cảnh
này là cơ hội để tình yêu thương đồng loại, lòng nhân đạo được biểu hiện.
Còn dòng sông là chứng nhân, khắc họa không gian, thời gian.
Ba tôi sau lũ lại tiếp tục
lên đường làm thuê kiếm sống. Má tôi còn ở cữ. Tôi theo chân một chị cùng
xóm, hơn tôi vài ba tuổi, chạy hết điểm nầy đến chỗ kia để nhận đồ cứu trợ.
Vì nhà có nhiều miệng ăn, nhận một chỗ không đủ! Lúc này, tôi thấm thía câu
nói “miếng khi đói bằng gói khi no”. Dù chỉ được dăm ngày nửa tháng thôi, rồi
đồ cứu trợ cũng hết, phải nghĩ ngay đến tăng gia sản xuất tìm cái ăn lâu
dài.
Ngày đó, phương tiện dự
báo thời tiết chỉ là: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa
thì râm”. Người già ở vùng lũ, truyền lại cho con cháu, nhìn cách làm tổ của
con ong vò vẽ, đoán biết năm nào bão to hay nhỏ. Nếu ong làm tổ trên cao
thì không có bão lớn. Ngược lại, ong vò vẽ cứ chui trong đụn mối xây tổ, thế
nào cũng có bão to. Nhìn đám cá cấn, cá rô nhỏ như hột bí nhiều vô kể, đớp
mồi như sao, gọi là “cá đớp sao”, chắc chắn năm đó sẽ có lụt to.
Nghĩ đến chuyện này, tôi
chợt da diết nhớ những câu thơ của Tường Linh, khắc họa những trận lụt tại
Quảng Nam: “Nhà tôi ở bên sông trống gió/ Mái lá đơn sơ, cột gỗ gầy/ Mùa bấc
bếp chiều không lửa đỏ/ Trưa nồm trở mạnh vách lung lay/ Năm năm, mỗi độ
đông vừa chớm/ Xóm dưới làng trên ngại lụt nhiều/ Dòng nước Thu Bồn
thành nỗi sợ/ Khi rừng xa vọng thác vang reo…”; hay đầy tâm trạng khi xa xứ:
“Nhà tôi ở đó mong manh lắm/ Tay mẹ làm sao chống gió cuồng?/ Con ở phương
Nam chiều vẫn ấm/ Mà lòng như có nước sông tuôn...”; và bi kịch của trận lụt
năm Thìn: “Em hãy ghi: Ngày mùng 6 tháng 10/ Năm âm lịch Giáp Thìn, em
nhé!/ Ngày giỗ quê hương, dù bao thế hệ/ Thảm nạn này biết thuở nào quên/
Xót thương về, em hãy đốt hương lên…”.
5.
Miền Trung nói chung và
riêng vùng đất Quảng Nam luôn đối diện với những cơn bão, trận lụt hằng năm
như một phần trong đời sống. Môi trường thiên nhiên, đi đôi với sự bảo tồn
đời sống. Nên cần có những giải pháp phòng hộ. Điều đáng tiếc, vẫn biết những
hiểm nguy xảy ra hằng năm do thiên tai. Song vẫn còn những cái chết của con
người, những thiệt hại lớn lao của nhân loại, do tác động từ việc tàn phá,
lạm dụng thiên nhiên. Đã có bao dòng sông khát nước, bao dòng sông chết để
lại một “Lời Nguyền”. Thu Bồn cũng sẽ không nằm ngoài số phận đó, nếu con
người cứ dửng dưng, chỉ biết cái lợi trước mắt.
Hêraclít nhà triết học
Hy Lạp cổ đại nổi tiếng với học thuyết "dòng chảy", một nguyên lý
xuất phát từ quan niệm về vũ trụ, xuyên suốt toàn bộ hệ thống triết học đã
có một câu nói nổi tiếng: "Không ai có thể tắm hai lần trên cùng
một dòng sông”. Khi nhìn dòng Thu Bồn, ta tưởng chừng nó đã xưa cũ, nhưng
thực ra, nó luôn thay đổi từng giây, từng phút. Dòng sông tưởng đứng yên,
nhưng thật ra di chuyển và đổi mới không ngừng. Dòng sông đón nhận, tích chứa
và lan tỏa không ngơi! Phải chăng, chính vì vậy, nơi đây là quê hương đã sản
sinh những nhà cách mạng đất Quảng?
Mỗi lần gặp một khúc
quanh, khúc khuỷu ngặt nghèo trong cuộc đời, tôi tự nhủ, đời người cũng như
đời sông, không có nỗi đau nào đơn giản chỉ là nỗi đau. Có khi niềm đau
chính là động lực, giúp ta vượt lên số phận, để không bị mắc cạn. Dẫu có mắc
cạn như con thuyền trên bãi, cũng tìm cách đẩy thuyền xuống nước để đi. Cuối
cùng, nếu không đẩy được nữa, cũng phải chờ đợi thủy triều lên. Để mà hy vọng,
để mà khao khát…
Tôi vẫn đang ngụp lặn trong
dòng sông tuổi thơ. Mẹ Thu Bồn ơi! Tiếng Mẹ lúc thì thầm, lúc vang vọng từ
đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, từ làng quê đến đô thị, từ khởi nguyên đến
cuối dòng hòa vào biển lớn, tạo nên dòng sữa mát lành cho sự sống Quảng
Nam! Cuộc đời đang tiếp diễn với niềm mong ước: Tình yêu, sự bình yên và
phong phú của dòng đời. Sông vẫn chảy trong tôi!
(1) Satna (Sát na) là
thuật ngữ nhà Phật hay sử dụng, chỉ đơn vị ngắn nhất của thời gian; hay nói
cách khác, sát na chỉ thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi.
(2) Khu đĩ: Dùng để chỉ
hai đầu hồi hình tam giác của những căn nhà bốn mái.
Huỳnh Viết Tư
Theo http://vannghedanang.org.vn/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét