Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Suy nghĩ về nghệ thuật của nhà thơ Huy Cận

Suy nghĩ về nghệ thuật của nhà thơ Huy Cận
Có cảm giác như Huy Cận ít viết những suy nghĩ về nghệ thuật thơ so với Xuân Diệu hay Chế Lan Viên. Nhưng bù lại, Huy Cận bao giờ cũng rất sinh động và cô đọng. Với những mẩu ngắn chỉ đôi ba trăm từ trở lại, tác giả Lửa thiêng gợi lên rất nhiều điều. Và có khi là những bài thơ văn xuôi với một bút pháp trữ tình chỉ riêng có của Huy Cận, bao giờ cũng đầy ắp lòng yêu sự sống. Một hồn thơ gắn với mặt đất nhưng luôn vươn vào vũ trụ, đến những ngôi sao xa xăm nhất...                                                             
RUNG ĐỘNG THƠ
Rung động làm ra thơ, làm ra nghệ thuật, cũng cùng một loại với rung động của tình yêu. Bắt đầu yêu là một nỗi niềm xao động; bắt đầu của một tứ thơ cũng là một nỗi niềm, mà tôi muốn gọi là nỗi - niềm - tinh - vân. Bắt đầu chưa có câu, chưa có lời, thậm chí chưa có tứ cụ thể. Câu sẽ đến sau, lời sẽ đến sau. Nhưng trước hết là một nỗi niềm ùn ùn giữa ngực, rạo rực tâm hồn. Bắt đầu là tinh vân; tinh vân đọng lại mới hình thành mặt trời, mặt trăng và các hành tinh... Từng câu, từng lời cũng như những hành tinh, mặt trời, mặt trăng đọng lại từ tinh vân nguyên thuỷ.
Thưởng thức thơ là phải biết sống lại quá trình ấy, quá trình từ nỗi - niềm - tinh - vân đọng lại dần thành từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ. Biết sống lại quá trình tác tạo ra một bài thơ là "hiểu", là xúc động thơ từ bên trong một cách biện chứng. Cho nên người thưởng thức thơ ít nhiều cũng có hồn thơ là như vậy.
Nói nỗi - niềm - tinh - vân, có phải là huyền bí hoá rung cảm thơ, của người làm nghệ thuật không? Thực ra không có gì là huyền bí vì nỗi - niềm - tinh - vân ấy cũng là do một quá trình tích luỹ lâu dài của người làm thơ, của người làm nghệ thuật mà có được: tích luỹ vốn sống và cuộc sống, tích luỹ hình tượng nó là tín hiệu sống, giữa vạn vật và cuộc đời với tâm hồn thi sĩ và nghệ sĩ. Tích luỹ càng giàu, càng nặng thì nỗi - niềm - tinh - vân càng phong phú, càng thiên biến vạn hoá, và xúc động thơ, xúc động nghệ thuật càng muôn vẻ muôn màu, bồi hồi sự sống. Hiểu được như vậy sẽ giúp ta giảng dạy văn học đi vào bề sâu của tâm hồn và bề sâu của tác phẩm.
HAI CỰC CỦA THƠ
Con người sống trong vũ trụ và sống trong xã hội. Sống với vũ trụ và sống với xã hội. Một thành viên của vũ trụ và một thành viên của loài người. Mỗi con người trong bản thân mình sống cả quy luật của vũ trụ và quy luật của loài người. Hai cực của cuộc sống, hai cực của tư tưởng; hai cực của nghệ thuật, của thơ.
Sáng được quy luật của xã hội giúp ta sáng thêm quy luật của vũ trụ: điều này dần dà ta hiểu sâu thêm.
Nhưng đừng quên điều bổ sung quan trọng này: sáng được quy luật vũ trụ cũng giúp ta sáng rõ thêm quy luật của loài người. Duy vật lịch sử làm sao mà không liên quan đến duy vật biện chứng được?
Cảm quan về vũ trụ và cảm quan về xã hội là hai cánh của thơ, không thể bay bằng một cánh.
Sống đúng trong xã hội, ta không còn cảm thấy cô đơn trong vũ trụ bao la. Khi thực hiện được cái tập thể loài người trong ta, thì ta có chỗ đứng của ta trong bầu trời, không còn choáng ngợp, không còn run chân. Nhưng vẫn còn (và nên còn) cái cảm giác lồng lộng cái vô cùng của không gian và thời gian, lồng lộng cái vô cùng của sự sống ở chật cả không gian và thời gian.
Cảm quan về vũ trụ và cảm quan về sự sống và cuộc sống nhuyễn quyện vào làm một. Thơ là cái này, là cái nọ, nhưng chắc chắn thơ cũng là ánh chớp, là sự sáng bừng cửa cảm quan toàn diện ấy.
Gió đưa hoa cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.
Nhớ lại tuổi nhỏ ở quê nhà, những buổi chiều sơn cước, nhớ vườn cải với những con ong làm cho hoa bay trong trời xanh.
Cảm giác vũ trụ rưng rưng nơi những cánh hoa vàng lấm tấm quyện với cảm thụ cay đắng về cuộc đời... "Rau răm ở lại chịu đời đắng cay".
TIẾNG GÀ GÁY SÁNG
Tiếng gà gáy sáng, nghe nghìn vạn lần vẫn không thấy chán, vẫn dào lòng tin. Tiếng gà gáy gợi cảm về cuộc đời, rất cuộc đời mà cũng rất vũ trụ. Tiếng gà gáy: âm thanh của một sự yên tâm lớn. Tiếng gà gáy không dài hơn, không vút cao. Nhưng tiếng chắc và tròn, vòm tròn của tiếng gáy phải chăng gợi lên vòm tròn của vũ trụ? Tiếng gà gáy giữa phố cũng bình tĩnh, tuần tự, độ lượng như tiếng gà giữa đồng quê bên ruộng lúa, bờ tre. Giác quan ánh sáng của gà ở đâu cũng cùng một độ nhạy cảm. Tiếng gà giữa phố thoát lên từ những góc tường chật hẹp, từ những xó bếp ngổn ngang càng quý biết bao! Tôi nghe tiếng gà mà thức dậy thoải mái, dễ chịu hơn là tiếng chuông đồng hồ báo thức. Cho cơ thể sống theo nhịp sống thiên nhiên được chừng nào hay chừng nấy. Gà gáy sáng, và cả gà gáy chiều theo biểu đồ lên xuống của mặt trời, của ánh sáng, của độ nắng. trong muôn loài chim chỉ có gà làm được đồng hồ vũ trụ, chính xác, vững bền ở mọi kinh tuyến và mọi vĩ tuyến, ngày nắng cũng như ngày mưa. thơ ơi, hãy cố lấy giác quan ánh sáng của gà để gáy sáng, kịp báo cho đời những buổi bình minh.
KHÍ HẬU TÂM HỒN
Ở giữa đám đông tạo cho mình một sự yên lặng cần thiết. Ở giữa quần chúng tạo cho mình một sự thư thái tâm hồn. Ở giữa tập thể loài người tạo cho mình một sự lắng đọng, tinh trong của bản lĩnh. Giữa đời hoạt động cùng với mọi người tham gia cải tạo xã hội và xây dựng xã hội tạo cho mình một sự lắng trầm, kết tủa. Cái yên lặng, thư thái, lắng đọng giữa đám đông, giữa quần chúng, giữa tập thể là vô cùng quý giá, và giúp thai nghén những giá trị mới, những chất lượng mới về tư tưởng, về nghệ thuật, về con người. Đám đông quần chúng, tập thể lúc bấy giờ bao bọc lấy ta, ôm ấp ta như một tổ ấm, như một cái kén, như nắng ấm và hơi ấm của đất cần cho sự nảy nở của hạt mầm. Hạt cần sự yên lặng của đất sâu, nhưng rất cần hơi nắng ấm của bầu trời ấp ủ.
Tôi không thể tưởng tượng một người nghệ sĩ, một nhà tư tưởng sống trong một sự yên lặng xa số đông, xa quần chúng, xa tập thể xã hội mà lại có thể sáng tạo được một cái gì ra hồn, đáng gọi là nghệ thuật và tư tưởng. Sự yên lặng ấy - nếu có - lạnh lùng quá, lạnh quá không đủ tác động vào quá trình ủ trứng của nghệ thuật và tư tưởng được. Nhưng mặt khác tôi cũng muốn nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo cho mình cái yên lặng, thư thái, lắng đọng giữa cái ồn ào và bận rộn của cuộc sống và của cuộc đời hoạt động hàng ngày. Nếu không có được cái lắng đọng, tinh trong ấy thì làm sao thai nghén được những chất sống mới, những xúc động mới? Nghe như mâu thuẫn, nhưng sự thực lại như vậy. Đây là "sự yên lặng sản sinh ra những hoà âm mới".
Trong đời tôi, tôi thích sống ở giữa phố đông, dù có rộn rịp cũng được. Cho tôi được gặp nhiều người hàng ngày, cho tôi được nhận ánh sáng từ những mặt người phản chiếu lại; cho tôi được nghe tiếng người qua lại, trò chuyện, tâm tình "cãi cọ cũng được", cho tôi được nghe tiếng xe cộ nói lên nhịp sống của cuộc đời. Nhưng giữa cái ồn ào, tấp nập ấy, tôi biết dành cho tôi một bầu trời yên lặng, cái yên lặng giữa hơi thở ấm áp của loài người. Khí hậu tâm hồn của tôi là như vậy. Thêm một ít cây, hoa lá ở xung quanh. Hồn thơ tôi làm tổ trong cảnh người và cảnh trời đầm ấm.
HAI SÁNG TẠO LỚN CỦA CON NGƯỜI
Chúng ta biết: Lao động sáng tạo ra con người. Nhưng cũng phải nói thêm: Giữa muôn loài chỉ có con người đã sáng tạo ra lao động, chỉ có con người đã sáng tạo ra công cụ lao động, làm cho hai tay được chắp dài thêm mãi để nhào nặn thiên nhiên, chắp dài thêm mãi cho đến ngày nay với tới trăng, sao. Sáng tạo ra lao động, rồi lao động sáng tạo ra con người, hai chiều sáng tạo ấy thúc đẩy nhau tiến lên mãi mãi. Quá trình lao động gắn liền với quá trình hình thành và phát triển tư tưởng. Điều này chúng ta cũng đã biết. Nhưng có một điều nữa, ít được nhấn mạnh, ít ai nói đến mà vô cùng ý nghĩa, vô cùng quan trọng ấy là: Con người đã sáng tạo ra tình cảm, đã sáng tạo ra mối quan hệ tình cảm giữa người với người. Tình cảm, phần nào là do bản năng bật ra, phần nào là do quan hệ trong lao động mà hình thành, điều đó chúng ta cần tìm hiểu và phân tích thêm. Nhưng dù có từ bản năng mà nảy sinh thì tình cảm con người cũng vượt xa bản năng nghìn dặm; dù từ quan hệ trong lao động mà hình thành thì tình cảm cũng đã nhuyễn thành máu thịt thành một thứ bản năng rồi. Tóm lại: Tình cảm là một sáng tạo lớn của loài người, sau sự sáng tạo ra lao động.
Với lao động, từ chỗ là một bộ phận của thiên nhiên, con người đã cải tạo được thiên nhiên, làm chủ được thiên nhiên. Với lao động và tình cảm con người từ chỗ là một sinh nhật giữa các sinh vật khác đã sáng tạo ra một điều mới lạ trong vũ trụ, đó là tập thể loài người. Đó là một sự sáng tạo vĩ đại, một bước nhảy vọt trên con đường phát triển của con người, trên con đường phát triển của sự sống. Lao động và tình cảm: hai sáng tạo lớn của con người, và giúp con người sáng tạo mãi mãi. Hiểu kỹ điều này cũng là hiểu đến nơi gốc của nghệ thuật.
NGUYỄN DU VÀ ĐỖ PHỦ
Chưa ai nhắc đến tính bà con, thân thuộc giữa thơ Nguyễn Du và thơ Đỗ Phủ. Nguyễn Du như mọi nhà thơ xưa của ta chịu sâu sắc ảnh hưởng của thơ Đường (Trung Quốc), điều ấy không có gì đáng nói lại. Nhưng điều đặc biệt là thơ Nguyễn Du gần thơ Đỗ Phủ. Điều ấy thấy được trong thơ Truyện Kiều, trong Văn chiêu hồn, và trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Tấm lòng ưu ái đối với con người, sự lo lắng cho thân phận của con người cùng một âm hưởng xót xa trong tâm hồn của hai nhà thi hào. Nỗi cơ cực cụ thể của những con người cụ thể, đói rách, tủi nhục, cay đắng, dưới chế độ phong kiến hà khắc tất cả những quằn quại, da diết ấy đều được nói đến một cách phẫn nộ hoặc chua chát trong thơ Đỗ Phủ và thơ Nguyễn Du. Gọi đó là thơ hiện thực chăng? Cũng được, nếu ta định nghĩa hiện thực là phản ánh thực tại của cuộc sống xã hội có một thời nhất định. Gọi đó là thơ nhân ái, xét về nội dung, có lẽ thích hợp hơn. Gọi gì thì gọi, điều quan trọng là trong thơ Nguyễn Du ta nghe mạch đập của cuộc đời, ta thấy được thân phận của con người giữa ba đào của thời đại.
Nguyễn Du, nhà thơ tài hoa, hào hoa phong nhã, lại đi gần những cay đắng của cuộc đời, gần gũi với những thân phận thấp hèn trong xã hội, và cũng sẵn lòng để cảm thông với những kiếp lỡ làng. Nếu thử so sánh thơ Nguyễn Du và thơ Đỗ Phủ với thơ Lý Bạch thì ta thấy nổi bật tấm lòng ưu ái xót xa của Đỗ Phủ và của Nguyễn Du. Lý Bạch tài hoa, Nguyễn Du cũng tài hoa. Nhưng tấm lòng đau đời của Nguyễn Du và của Đỗ Phủ rõ ràng và nặng đòn cân hơn trong tác phẩm.
NGHỆ THUẬT VÀ NHỮNG MÂU THUẪN CỦA CON NGƯỜI
Con người sống với những mâu thuẫn lớn và quá trình sống là quá trình tìm cách giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội, những mâu thuẫn xã hội. Các mâu thuẫn xã hội được giải quyết bằng đấu tranh giai cấp, điều này chúng ta đã biết rất rõ và chúng ta đã hành động theo chân lý ấy. Nhưng bên cnạh những mâu thuẫn xã hội còn có những loại mâu thuẫn khác. Ví dụ: Mỗi con người chỉ sống nhất thời, nhưng lại thèm muốn vĩnh viễn; mỗi con người là hữu hạn nhưng lại muốn sống cái vô cùng. Thèm muốn cái vĩnh viễn, cái vô cùng cũng là một nhu cầu thật sự thôi thúc nội tại của con người và cũng là một trong những động lực giúp con người vươn lên không ngừng, ngày càng người hơn.
Nhưng những mâu thuẫn phức tạp ấy làm sao mà giải quyết được? Nhất thời làm sao mà vĩnh viễn được? Ở đây ta phải tìm cái biện chứng của sự sống, của sự sống loài người. Mỗic á nhân tất nhiên là nhất thời, nhưng cả giống loài là vĩnh cửu; và mỗi cá nhân cũng giúp vào cái vĩnh cửu ấy bằng hành động sinh lý nối dòng, nối dõi, và mỗi cá nhân - nhất thời đấy - nhận thức được cái vĩnh cửu trong chừng mực mà tự bản thân mình hoà nhập được sâu sắc vào trong giống loài, gia nhập được vào xu thế phát triển của giống loài. Còn hữu hạn làm sao mà sống vô cùng được? Nếu mỗi con người chỉ tự đóng khung vào sự sống của mình, tự cắt xén không liên quan gì với đồng loại thì hữu hạn là đương nhiên. Nhưng mỗi con người lại có sức đồng cảm vô hạn với đồng loại. Sức đồng cảm đó là gì nếu không phải là một bản năng của con người trả mỗi cá nhân về tập thể, đem mỗi cá nhân trở về tập thể của loài người. Mà cái tập thể này là một thực tại, là một yêu cầu của sự sống. Mỗi cá nhân bằng sức đồng cảm của mình, trở về với tập thể, với cội nguồn, và sống cái vô cùng, vô hạn của tập thể loài người. Sức đồng cảm lớn lao đó có một tiếng nói của nó, có một công cụ riêng của nó là nghệ thuật. Loài người lúc bắt đầu sống, bắt đầu tổ chức cuộc sống xã hội là đồng thời bắt đầu làm nghệ thuật, sáng tạo ra nghệ thuật; làm ra nghệ thuật để bảo đảm mối quan hệ cá nhân với tập thể để con người không bị ngột trong cái vỏ cá nhân, để con người thở khí ô xy của cuộc sống loài người.
Sức đồng cảm ấy, rung động nghệ thuật ấy là một chứng cớ rằng sự sống của con người không dừng lại ở cá nhân, mà có cái gì cao hơn phải vươn tới, cao hơn và đầy đủ hơn, không bị cắt xén. Cái hữu hạn của cá nhân trở về cái vô hạn của tập thể; vai trò của nghệ thuật cao quý biết bao!
THƠ CA DI DƯỠNG TINH THẦN
Các cụ ta ngày xưa thường nói "thơ ca di dưỡng tinh thần". Đúng lắm! Di dưỡng, nuôi tâm thần người ta, không chỉ là đem lại cho ta những nhận thức đúng về con người, về xã hội, về thế thái nhân tình, về thiên nhiên tạo vật; và cũng không chỉ giúp ta những ý đúng, những ý nghĩ độ lượng về cuộc sống, về con người; và cũng không chỉ gợi cho ta cái đẹp, cho ta thưởng thức cái đẹp. Tất cả những điều đó đều là hiệu quả của thơ ca. Nhưng bao trùm các điều đó, hay đúng hơn là mạch ngầm trong các điều đó là một trạng thái tâm hồn, hơn thế nữa; một trạng thái tâm thần và cơ thể cởi mở, thư thái mà sôi mổi, hào hứng mà lắng trong, một trạng thái toàn diện trong đó ý và tình đều như đang sinh ra, đang nhú lên, tình đang đọng thành ý, ý còn mang tất cả cái rung động của tình, một trạng thái tinh khôi, sáng tạo. Tâm thần được nuôi nhiều bằng những trạng thái ấy. Đúng là một chất di dưỡng cho tâm hồn. Có cái gì giống như là trái đang chín cây, chứ không phải chín rú. Trạng thái đang chín đó đã truyền từ tâm hồn người làm thơ, qua cơ thể bài thơ, câu thơ. Bởi vì một bài thơ hay là một cơ thể sống, trong đó ý và tình, cảm giác và cảm tưởng, chữ và nhịp, hình tượng và nhạc điệu, tất cả đều tồn tại trong một thể thống nhất, gây thành một xúc động thống nhất, toàn diện. Tóm lại là một hiện tượng của sự sống, không phải là một sơ đồ. Hiện tượng ấy là một hiện tượng cởi mở, đón chờ, đang chín, thuận cho mọi sự thai nghén, tụ thành.
Cho nên có những điều kỳ lạ, tưởng như mâu thuẫn, lúc nhà thơ đang làm thơ và lúc độc giả đang đọc thơ, đang hưởng thơ. Ví dụ: làm hoặc đọc một bài thơ về đau khổ, về nỗi dằn vặt của tâm hồn, hay nung cháy tâm can. Theo lý luận thông thường thì lúc đó nhà thơ hay người đọc thơ phải ở trong trạng thái đau khổ, dằn vặt. Nhưng không! Nhà thơ làm thơ về đau khổ trong một trạng thái tâm hồn hào hứng, trong một trạng thái trái đang chín cây. Người đọc thơ được dinh dưỡng tinh thần với trạng thái ấy, mặc dù người làm thơ có thể mang nỗi đau khổ trong đáy tâm hồn mình.
H.C
Nguồn: Tạp chí Thơ - HNV
 Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Người Quảng Ngãi ở Sài Gòn  Người Quảng Ngãi ở Sài Gòn, kể biết bao giờ cho hết. Từ Quảng Ngãi, TS Nguyễn Đăng Vũ, nhà thơ – nhà phê bìn...