Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Hàn Mặc Tử - Một định nghĩa bằng máu về thơ

Hàn Mặc Tử - Một định nghĩa bằng máu về thơ 
Sau biết bao chìm nổi thăng trầm suốt một trăm năm qua, di sản Hàn Mặc Tử ngày càng chứng tỏ một sức sống không thể vùi dập, một giá trị không thể quên lãng.
Chúng ta đã có thừa căn cứ để khẳng định Hàn Mặc Tử là một thiên tài thi ca. Nhìn cuộc đời và thi nghiệp của thiên tài này từ cái nhìn hôm nay, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quí giá đối với việc sáng tạo.
1. Thơ là sự lên tiếng của thân phận
Hàn Mặc Tử là một cái định nghĩa sống về thơ, một cái định nghĩa muôn đời về thơ. Cho đến hôm nay, do ở ta hầu như mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến thể thao, văn hóa, nghệ thuật đều thiếu tính chuyên nghiệp trầm trọng, nên khi nói về tình trạng của nền thơ nói chung hay về mỗi người làm thơ, ta vẫn đang nói tới chuyện nghiệp dư và chuyên nghiệp. Việc phân định ấy là cần thiết và có ý nghĩa, để nâng cao chất lượng của sáng tác thơ. Nhưng cứ còn luẩn quẩn với chuyên nghiệp hay nghiệp dư, là vẫn chưa thoát khỏi một ý thức thấp. Bởi, dầu sao, nó vẫn thuộc cái ý thức xem thơ như một thứ nghề. Nghĩ tới Hàn Mặc Tử, ta không khỏi thấy ngượng ngùng. Thơ, trước hết, không phải là chuyện chế câu tạo chữ. Trái lại thơ vốn là việc chưng cất sự sống người, chưng cất phần người trong mỗi con người ra mà luyện nên câu chữ. Với Hàn Mặc Tử, thơ không phải là nghề, thơ là nghiệp. Theo cả hai nghĩa: là nghiệp dĩ mà cũng là nghiệp chướng. Chia thi sĩ ra làm hai loại là người làm thơ và người bị thơ làm, tựa như kẻ bị ám, bị hành, Chế Lan Viên xếp Hàn Mặc Tử vào hạng thi sĩ bị thơ làm. Hơn cả chuyện nghề hay nghiệp, làm thơ hay thơ làm, là chuyện thân phận thơ. Với Hàn Mặc Tử, thơ là sự lên tiếng của thân phận. Thân phận nhà thơ là nguyên liệu của thơ, là trữ kim của thơ. Nhìn sâu vào số phận thơ này, còn có thể nói rằng, với Hàn Mặc Tử, thơ là mệnh. Thực vậy, thơ là bản mệnh, là sứ mệnh và cũng là mệnh giá của Hàn Mặc Tử. Ông cho rằng thượng đế tạo ra trong chúng sinh một loài riêng có thiên mệnh đặc biệt đó là loài thi sĩ. Và để có thơ, thượng đế bắt loài thi sĩ phải mua bằng giá máu [1] của chính nó. Không chỉ đến khi lâm trọng bệnh, Hàn mới xem thơ vừa là thiên ân lại cũng là thiên ách như thế. Mà ngay khi còn là một thần đồng thuộc phạm trù thơ cổ điển, Hàn Mặc Tử đã đặt toàn bộ nghĩa lí đời mình vào thơ, đã muốn trút hồn mình, rưới máu mình vào thơ. Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút / Mỗi lời thơ đều dính não cân ta. Càng về sau, ông càng ý thức thơ thuộc về tinh huyết. Thơ là tinh hoa của sự sống người, thơ cũng là sự cứu chuộc của phận người. Hiếm có thi sĩ nào xem thơ cao trọng như máu và linh thiêng như máu thế này: 
“Thơ trong trắng như một khối băng tâm  
Luôn luôn reo trong hồn trong mạch máu”, 
Ta khạc ra đây từng búng huyết”. 
“Ta khạc ra đây từng búng thơ”. 
Máu là sự sống người cũng là sự sống thơ. Trong thời trận mạc, máu đã chảy cho thơ và chảy trong thơ quá nhiều. Điều đó cũng dễ hiểu. Nhưng, đâu chỉ thời chiến mới cần đổi thơ bằng giá máu. Mà thời bình cũng vậy thôi. Người thơ cũng phải dám đánh đổi bằng thân phận mình thì mới mong có thơ đích thực, thơ hay được. Hàn là vậy. Tôi cho rằng, Hàn Mặc Tử là một câu định nghĩa bằng máu về thơ. 
“Máu đã khô rồi thơ cũng khô  
Hồn ta chết yểu tự bao giờ  
Từ nay trong gió trong mây gió  
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ”. 
“Ôi ta mửa ra từng búng huyết… 
Máu tim ta tuôn ra làm biển cả 
Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi”… 
“Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết  
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh”… 
Một ý thức thơ như thế khiến cho những tranh biện về chuyên nghiệp hay nghiệp dư thành câu chuyện thỏn mỏn, đáng thương. Và một định nghĩa thơ bằng chính thân phận mình như thế chỉ có thể có ở một thiên tài.
2. Sống đến gần đứt cả sự sống
Nói đến Hàn Mặc Tử là nói đến “thi sĩ điên”. Cho đến tận hôm nay vẫn còn không ít người chưa thật rạch ròi về điên trong sáng tạo của Hàn Mặc Tử. Trong quan niệm của trường thơ Loạn, điên không có nghĩa là một trạng thái bệnh lí, mà là một trạng thái sáng tạo. Ấy là khi hưng phấn sáng tạo ở vào cực điểm. Hàn Mặc Tử gọi đó là sự xối trộn giữa chiêm bao và sự thực, trạng thái chập chờn bất định giữa ý thức, tiềm thức và vô thức. Cái trạng thái mà bất cứ người sáng tạo thứ thiệt nào cũng mong có, thèm có. Đây là lúc các hình sắc của tinh thần sinh nở ở mức phun trào. Mallarme gọi là thăng hoa. Hoàng Ngọc Hiến thì gọi là siêu thức. Trong trạng thái ấy, người làm thơ sáng tạo như lên đồng, nhập đồng, trút ra mọi bí mật của tâm linh: “Ấy là dấu hiệu mùa thơ đã chín. Gặt hái cho mau, kẻo ngọn thơ càng cao, người thơ càng điên dại”, “Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa là tôi mất trí tôi phát điên”. 
“Tôi điên tôi nói như người dại 
Van lạy không gian xóa những ngày”. 
Khi ấy, Hàn sống với từng cơn thơ, khạc ra từng búng thơ. Người ta đến với trạng thái hưng phấn sáng tạo cực điểm bằng nhiều cách. Đôi khi dùng cả những cách nhân tạo, như bằng rượu, bằng nàng tiên nâu. Còn Hàn Mặc Tử đến với trạng thái siêu thức siêu thăng ấy bằng cách thức giời đày. Tức là bằng đau thương: “Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi”. Ta hay nói đến nỗi “đau đớn lòng” như là ngọn nguồn cao cả của sáng tạo nghệ thuật. Nhưng, nỗi đau vốn có hai dạng: Đau tự thân và đau nhập vai. Ở Hàn Mặc Tử là nỗi đau tự thân. Hàn không đau bởi ai, không đau giùm ai. Nhưng phận người có thể soi thấy mình trong nỗi đau của Hàn. Và, đau vốn có hai cấp : đau đớn thể xác và đau khổ tinh thần. Đương nhiên, ở Hàn, nỗi đau tinh thần mới là nguồn cơn. Nỗi đau của người mang trong mình một tình yêu quá mãnh liệt, nhưng lại vô vọng và tuyệt vọng. Thiết tha sống nhưng luôn phải đối mặt với việc chia lìa sự sống, nên tuyệt vọng là trạng thái thường trực trong tinh thần Hàn. Không ai yêu sống bằng một người sắp phải chia lìa cõi sống, sắp bị tước đoạt sự sống. Do đó, bản chất của đau thương ở Hàn Mặc Tử là một sự tuyệt vọng. 
“Sao thơ anh toàn nhuốm màu tuyệt vọng  
Khóc không thôi nức nở cả ban đêm”, 
“Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng  
Đây giờ hấp hối sắp chia phôi”. 
Song, tuyệt vọng có thể chấm dứt hi vọng, nhưng không chấm dứt tình yêu. Càng tuyệt vọng lại càng mãnh liệt, càng mãnh liệt lại càng tuyệt vọng. Và Hàn đã viện cả đau đớn của thân xác làm ngôn ngữ để cất lên đau khổ của tinh thần. Đau thương trong thơ Hàn Mặc Tử, vì thế, là đau khổ tinh thần cùng đau đớn thân xác chuyển hóa lẫn nhau. 
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi 
Bao giờ tôi hết được yêu vì  
Bao giờ mặt nhật tan thành máu 
Và khối lòng tôi cứng tợ si 
Tôi đang còn đây hay ở đâu 
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu 
Sao bông phượng nở trong màu huyết 
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu”. 
Ông gọi trạng thái sống đó của mình là “sống đến gần đứt cả sự sống”. Nó là một bất hạnh đối với thân phận người, nhưng oái oăm thay, lại là một may mắn đối với thân phận thơ. Bởi thơ vọt trào từng cơn và từng búng từ hồn Hàn Mặc Tử khởi từ trạng thái như thế. Hàn không làm thơ mà sống thơ. Sống như Hàn là một trải nghiệm bất đắc dĩ, trải nghiệm đày đọa để có một thứ thơ của máu. Vì thế, mỗi lời thơ Hàn như một lời tuyệt mệnh, lời nguyện cuối về sự sống của mình và sự sống trên đời. Hàn đã chết cho và chết trong mỗi câu thơ đó. Vâng, không thể sống số phận của Hàn. Nhưng, trước Hàn, chúng ta không khỏi thấy cái sống của mình sao mà hời hợt. Vậy mà chúng ta đòi có thơ hay.
3. Đào sâu vào bản thể
Mỗi thời đại thơ ca được nhận diện trước hết bằng ý thức trữ tình của nó. Nếu thời Trung đại là ý thức trữ tình của cái tôi siêu cá nhân, thì thời Thơ mới là cái tôi cá nhân. Đây là những tri thức không còn mới. Tuy nhiên, nhìn kĩ về diễn trình Thơ mới, có thể thấy trên hành trình đi vào ý thức cá nhân, dòng thơ này có hai chặng khá rõ rệt: chặng đầu nghiêng về cái tôi cá thể và chặng sau chớm đi vào cái tôi bản thể. Đây là hai tầm mức của ý thức cá nhân. Cái tôi cá thể thường đi tìm mình trong thế giới. Còn cái tôi bản thể thì đi tìm thế giới trong mình. Cái tôi cá thể nghiêng về đời sống cảm xúc, thường sống với mối băn khoăn hướng ngoại. Nó luôn soi vào cộng đồng để nhận diện mình, định giá mình. Nó vui buồn hay hờn dỗi, nó tự ti hay tự cao… nhất nhất đều tương thuộc bầy đàn. Nhập đàn thì yên tâm, còn lìa đàn thì mặc cảm. Mà lạc đàn, lạc điệu, lạc loài là mặc cảm phổ biến nhất. Còn cái tôi bản thể hướng nội nhiều hơn. Nó soi vào gương để nhận ra mặt mình, để truy tìm bản sắc của mình, khám phá những bình diện sâu khuất trong mình. Cái nó bận tâm là mình mang những giá trị nào, bất kể giá trị ấy có hợp đàn, hợp thời hay không. Sự hiện diện hay không của những giá trị ấy mới quyết định đến những xung động tinh thần của nó. Cô đơn là trạng thái thường hằng của ý thức cá nhân. Nếu cái tôi cá thể là kẻ bị cô đơn, thì cái tôi bản thể  là kẻ tự cô đơn. Trong Thơ mới, mạnh về cái tôi cá thể, phải kể Xuân Diệu (Ta là một là riêng là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta, Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối…), Huy Cận (Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà, Nghe đi rời rạc trong hồn/ Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi), Nguyễn Bính (Thân em chẳng khác con chim non/ Bơ vơ trong xứ người xa lạ, Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn…), Vũ Hoàng Chương (Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỉ, Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh), còn Chế Lan Viên và nhất là Hàn Mặc Tử lại mạnh về cái tôi bản thể. Người ta thấy trong cái tôi Hàn những tiếng nói ráo riết truy tìm bản ngã, bản sắc mình, những tra vấn khôn nguôi về cái sắc sắc không không của chân giá, mệnh giá cá nhân: 
Ta là ta hay không phải là ta?
Hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ… 
Tôi đang còn đây hay ở đâu?... 
Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng biết  
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm  
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực …
Người ta cũng thấy những đau thương cùng cực đã giáng xuống nó nỗi cô đơn quá tải, đồng thời phá vỡ cái tôi nguyên phiến/đơn ngã thành cái tôi phân li bất định/đa ngã:  
Hồn là ai? 
Là ai! tôi không hay  
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay 
Hồn mệt lả còn tôi thì chết giấc… 
Ôi ngông cuồng! ôi rồ dại, rồ dại  
Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta … 
Đào sâu vào nỗi cô đơn bản thể là khát khao mà cũng là lưu đày của Hàn Mặc Tử khi mang thân phận thơ quá ư bất hạnh này. Nhưng, nghiệt thay, đó lại là phần trọng yếu làm nên cái mệnh giá của thơ Hàn.
Tiếc rằng, cuộc truy tìm bản thể của Thơ mới chưa được bao lăm đã phải dừng, bởi sự can thiệp của lịch sử. Sau năm 45, thơ Việt chính thống có một ngả rẽ khác. Tuy nhiên, cuộc truy tìm bản thể của Thơ mới cũng khó có thể đi thật xa. Bởi, về phương thức, cái tôi Thơ mới căn bản là cái tôi cảm xúc với ngôn ngữ tình cảm. Để có thể đi sâu vào những miền khuất lấp của bản thể cá nhân, thơ không thể thiếu một điều kiện: Sự xuất hiện cái tôi tư duy với ngôn ngữ triết luận. Trong dòng ngầm, điều kiện này đã đến sớm và thơ dòng ấy đã thầm đi theo lối của mình sớm hơn. Còn ở thơ dòng chính, đến cuối giai đoạn chống Mỹ, và nhất là sang thời đổi mới, cuộc truy tìm bản thể lại mới được tiếp nối. Và nó đem đến một tinh thần khác hẳn nhờ được tiếp lửa bởi một cái tôi tư duy riết róng với một ngôn ngữ triết luận sắc sói. Truy tìm sâu mãi vào những miền khuất trong cõi tinh thần với trạng thái nhòe mờ của vô thức, trạng thái bấn loạn của tâm linh, trạng thái thăng hoa của bản năng, trạng thái xung động của cái phi lí, siêu lí thuộc bản thể người… có thể nói đó là phần trội của thơ hôm nay, và nó là sự tiếp tục khai mở vào những miền Thơ mới chưa kịp và chưa thể làm.
4. Tôn giáo và thi ca
Một quãng thời gian dài, tôn giáo thưa thớt và gián đoạn trong thơ Việt. Từ sau 1975, tinh thần tôn giáo lại tái xuất với những màu sắc mới. Nay nhìn lại hiện tượng Hàn Mặc Tử, ta sẽ có thêm nhận thức về tôn giáo trong thơ.
Tôn giáo trong thơ Hàn là điều không còn phải bàn cãi. Nhưng nhận diện về nó thì thật phân hóa. Đến nay vẫn có rất nhiều người bám vào lai lịch một con chiên của Hàn và lớp nội dung bề nổi mà mặc nhiên coi thơ ông chỉ thuần túy thuộc về đức tin Thiên chúa giáo, chỉ như tiếng vọng của thánh tự. Sự đinh ninh như thế e rằng không chỉ làm nghèo, mà còn làm sai biệt Hàn. Bởi sự thực không đơn giản thế. Dù yếu tố Ki tô giáo đậm đặc hơn cả, nhưng nó không phải là duy nhất, càng không phải độc tôn. Yếu tố Phật giáo và cả Đạo giáo nữa trong thơ Hàn cũng đâu có ít. Rồi người ta đã quy tôn giáo đó thuộc về các phạm trù khác nhau: Đề tài, cảm hứng, tư duy… Sự thực có phải vậy không? Trước hết, phải khẳng định điều này: nếu Hàn Mặc Tử không xuất thân là con chiên Thiên chúa giáo, thì thơ Hàn vẫn cứ đi đến tôn giáo. Quan niệm của Hàn đã tỏ rõ như thế. Ông phát biểu nhiều lần, vì thế ta cũng dễ bị nhiễu, nếu không nắm được những quan niệm cốt lõi. Trong lời tựa cho tập Tinh huyết của Bích Khê, sau khi xem xét và thấy các bước thơ của chàng thi sĩ vốn không phải là tín đồ của tôn giáo nào, mà lại cứ men dần đến chốn huyền diệu, Hàn Mặc Tử đã viết: “cho nên thơ chàng sắp bay sang thế giới huyền bí để đi đến chỗ tuyệt đích là: Tôn giáo”. Ngay đó, chính ông đã chú rằng “xin hiểu chữ ấy (Tôn giáo – CVS) với tất cả tinh thần của nó” [2]. Có thể rút ra hai điều. Một, với Hàn Mặc Tử, tôn giáo là cái chặng, cái đích cao siêu mà đã là một thi sĩ chân chính trên bước đường tìm tòi nghệ thuật của mình thì tất phải chạm tới, bước tới, vì nó là chốn tuyệt đích của thơ. Và hai, cũng là điều quan trọng hơn, Hàn có quan điểm mở về tôn giáo. Tôn giáo Hàn nói tới là một hình thái tinh thần nói chung, chứ không phải tôn giáo là một thiết chế cụ thể hạn hẹp nào. Nó không phải tôn giáo của tín đồ mà là tôn giáo của nghệ sĩ. Nó thể hiện niềm khát khao tìm kiếm những giá trị tuyệt đối và huyền nhiệm của thi sĩ. Nó là chốn tột cùng của cuộc kiếm tìm một cõi hằng sống hằng thơ mà những tâm hồn lãng mạn như Hàn không ngừng mơ tới. Do vậy, về thực chất, tôn giáo của thi sĩ này là niềm khắc khoải về một cõi thuần linh, một cõi giới được dựng bằng thơ và chỉ đến được bằng thơ: 
Thơ tôi bay suốt một đời khôn thấu  
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu  
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang. 
Nói: giả dụ có không mang lai lịch một con chiên, thì Hàn vẫn sẽ dấn thân vào tôn giáo, là theo nghĩa đó.
Cần khẳng định tiếp: Hàn không phải một giáo sĩ dùng thơ tuyên truyền thuyết giảng cho tôn giáo mình. Hàn là một thi sĩ. Tôn giáo ở một thi sĩ thường không hiện diện lộ thiên sơ giản kiểu như việc theo đuổi một vệt đề tài, vay mượn một số chất liệu, lựa chọn một mẫu hình tư duy, hay chỉ đơn thuần là nói lên một đức tin như ai đó đã nhọc lòng luận chứng. Ở một thi sĩ, ý thức tôn giáo bao giờ cũng phải hóa thân vào ý thức nghệ thuật. Tôn giáo và nghệ thuật phải đồng tâm, đồng huyết và đồng thể với nhau trong mỗi hành vi và sản phẩm sáng tạo. Và đó là một cơ chế tương sinh với những chuyển hóa tinh vi, chứ không phải là những dạng kết hợp giản đơn. Nếu ý thức nghệ thuật đặc trưng bằng niềm say mê cái đẹp, thì ý thức tôn giáo đặc trưng bằng niềm ngưỡng vọng cái thiêng. Khi cái đẹp được linh thiêng hóa, kì bí hóa và được gán cho những quyền năng huyền nhiệm, thì cái đẹp trở thành cái thiêng. Vì thế, ngay cả khi Hàn không trực tiếp viết về đề tài tôn giáo, không viết bằng cảm hứng tôn giáo, không viết bởi kiểu tư duy đa thần, nhất thần hay phiếm thần, thì thơ Hàn vẫn thấm phong vị tôn giáo. Ví như, bài thơ văn xuôi vẫn được xem là kiệt tác Chơi giữa mùa trăng, Hàn viết về chị Lễ, chị gái của mình chứ đâu phải về một nhân vật tôn giáo nào. Nhưng cảm quan thơ của Hàn vẫn thấm đẫm chất tôn giáo, khi thi sĩ cảm nhận vẻ đẹp trần thế của chị trong vẻ thánh thiêng: “Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu…Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là bức tinh truyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng quì lạy mong ơn bào chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹp đẽ đến thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi”. Người chị hiện ra với vẻ đẹp được linh thiêng hóa. Cái đẹp và cái thiêng đồng thể với nhau. Say mê và ngưỡng vọng hòa huyết trong nhau. Tín tâm và tín niệm đã tan thấm rất sâu vào cảm quan thi ca của thi sĩ. Và đó là cơ chế của cảm quan tôn giáo ở hồn thơ Tử. Các ngôn liệu, thi liệu nhập từ Thiên chúa giáo: Chúa trời, Thượng đế, A ve Maria, đấng trinh tuyền thánh vẹn… Phật giáo: 
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò 
Thơm như tình ái của ni cô … 
Đạo giáo: Quần tiên hội, Như song lộc triều nguyên ơn phước cả… đều được viện đến chỉ như những chất liệu, vật liệu nhằm giúp chàng thi sĩ này thiêng hóa cái đẹp. Bởi thế, nhiều yếu tố tôn giáo khác nhau đã chung sống trong cùng một tiếng thơ Hàn. Có thể nói, linh thiêng và kì bí hóa cái đẹp, đó mới là tinh thần tôn giáo căn cốt của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Nó nắm vai trò chi phối đối với những biểu hiện tôn giáo khác thuộc thi hứng, thi đề, thi tứ, thi liệu… trong thơ Hàn. Và nó là một chỉ dấu để ta nhận diện tôn giáo trong thơ của chàng thi sĩ quá ư phức tạp này.
Tuy nhiên, không thể không thấy một thực tế: Cảm quan tôn giáo của Hàn Mặc Tử càng về sau càng gắn liền với nhu cầu giải thoát cho thân phận của chính mình bằng đức tin gửi vào một quyền năng huyền nhiệm cụ thể là Thiên chúa. Đặc biệt, khi kề cận cái chết, Hàn đã tìm tới mẫu hình giải thoát được nạp vào tâm linh từ thơ bé là thiên ân và thiên đường của Thiên chúa giáo. Ta hiểu vì sao khi ấy đức tin Ki tô giáo lại nổi lên da diết khắc khoải đến thế trong tinh thần của Hàn, đặc biệt là ở Xuân Như Ý, Thượng Thanh khí và bài thơ tuyệt mệnh Linh hồn thanh khiết(La pureté de l’ âme). Trong những tiếng thơ ấy, tôn giáo của một thi sĩ đã ém mình trong tôn giáo của một con chiên.
Tóm lại, hành trình tôn giáo của Hàn là khá phức tạp : từ tôn giáo hẹp của một người theo đạo Thiên chúa đến với một ý thức tôn giáo phổ quát, cố gắng tích hợp chất liệu của nhiều tôn giáo khác nhau nhằm biểu hiện cái ý niệm về tôn giáo phổ quát đó, cuối đường lại chỉ một niềm mong ơn cứu rỗi của riêng đức Ki tô. Tức là, từ tôn giáo của một tín đồ đến với tôn giáo của một thi sĩ, cuối cùng lại sống với tôn giáo của một con chiên. Song, để khép lại, cũng cần rành mạch điều này: ý niệm tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử nghiêng về nỗi khắc khoải giải thoát cho sinh mệnh cá thể hơn là niềm trăn trở về phục sinh cho tương lai của toàn thể. Đây cũng là điểm khác biệt giữa ý niệm tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử và thơ hôm nay.
5. Cách tân từ điệu sống                                         
Nhìn vào hành trình sáng tạo của Hàn Mặc Tử từ Lệ Thanh thi tập đến Gái quê, Đau Thương, Xuân Như ý, Thượng Thanh khí, Cẩm châu duyên (chưa kể hai kịch thơ Duyên kì ngộ, Quần tiên hội)… có thể thấy, đó là quá trình liên tục cách tân của một tiềm lực sáng tạo dồi dào sung mãn. Trên những bước lớn, Hàn Mặc Tử đã đi từ cổ điển đến lãng mạn, từ lãng mạn qua tượng trưng, rồi cập một chân vào bến bờ của siêu thực. Nhưng điều đáng nói đầu tiên trong hành trình thơ Hàn, không phải là sự cập nhật các “mốt” thơ, hay ý thức sành điệu về thời thượng của thơ. Nếu Hàn đi theo hướng ấy, chắc Hàn cũng sẽ chỉ có những tiếng thơ na ná những người quá vồ vập các mốt mới của thơ, các công nghệ mới của thơ mà ta đang thấy không ít hiện nay. Điều đáng nói là, Hàn Mặc Tử luôn sáng tạo trong tâm thế cao: Vừa tiếp nhận vừa đối thoại với những bậc thầy sáng giá của thơ ca Pháp, nhất là Baudelaire. Chịu ảnh hưởng nhà thơ lớn này, nhưng Hàn không mê muội một chiều, mà đã tranh luận với không ít luận điểm của tác giả Hoa ác (Les Fleurs du Mal) [3]. Vì thế, Hàn mới là chính mình. Tiếp biến không phải là nô lệ, dù là nô lệ những khuôn vàng thước ngọc. Cố gắng đứng trên những tìm tòi đỉnh nhất đương thời để vận hành sự sáng tạo của mình, Hàn Mặc Tử đã ném tất cả những kiến văn có được vào những nghiệm sinh xương máu của mình để nó được luyện trong cái sống mãnh liệt của một hồn thơ sôi trào, cuối cùng Hàn đã có những cách tân chân chính.  
Bởi cách tân thơ không phải chuyện xúng xính những bộ thời trang tân thời hay sắm sanh bộ đồ nghề tân kì. Trái lại, cái mới của thơ phải bắt đầu từ điệu hồn mới. Điệu hồn mới bắt đầu từ điệu sống mới. Điệu sống mới bắt đầu từ những trải nghiệm về giá trị sống mới, giá trị người mới. Mỗi nghệ sĩ chân chính xuất hiện bao giờ cũng là sự lên tiếng của một giá trị sống mới, mang cái thông điệp về một tầm mới của con người. Nếu thiếu điều này, thì mọi cái mới về hình thức chỉ còn trơ ra như những bộ đồ thời trang tân thời hay bộ đồ nghề tân kì không có sức sống và rồi sớm muộn cũng tan tiêu. Cái mới của Hàn Mặc Tử, trước hết là một điệu sống mới. Điệu sống của người phát hiện ra giá trị sống từ chính thân phận bất hạnh của mình. Cái giá trị của ngày hằng sống. Với người khác, sống để mà tận hưởng tối đa cuộc đời này là hạnh phúc. Với Hàn, chỉ cần được sống thôi, cũng đã hạnh phúc rồi. Trải nghiệm bất hạnh của kẻ bị tước đoạt mất cơ hội sống khiến Hàn thấm thía hơn ai hết cái hạnh phúc được sống giữa cõi này. Và Hàn đã giành giật sự sống với hư vô đến từng giờ, từng khắc. Sống như một dây đàn sắp sửa đứt phăng. Sống như một hồn đơn mong manh, một sinh linh thường xuyên quá tải. Người ta nói có hai tình huống cô đơn vào bậc nhất của phận người là : tự mình sáng tạo và tự mình đối mặt với cái chết. Hàn phải chịu cả hai. Nên đó là nỗi cô đơn nhân đôi. Cô đơn chập một. Người ta là mình trong cô đơn. Người ta sáng tạo trong cô đơn. Trong trạng thái sáng tạo ấy, ý tưởng cách tân đã nhập mình vào một ý thức mãnh liệt hơn : cần trút trọn vào ngôn ngữ những áp lực cùng cực của nội tâm. Và đó là quy trình của cách tân chân chính.
Hàn đã trút mình vào sáng tạo lớn nhất của đời mình là thơ Điên. Không thể định danh thơ Điên theo lối dựa vào các khuynh hướng thơ nhập nội từ phương Tây (Lãng mạn, Tượng trưng, Siêu thực…) để phân xuất xem nó thuộc về dạng nào và để qui kết Hàn là học trò của đại sư nào. Thơ Điên Hàn Mặc Tử là một sự tích hợp của toàn bộ văn hóa thơ của Hàn cùng sự sống thơ và khát vọng thơ riêng của Hàn. Nó là đứa con độc đáo của cuộc hôn phối giữa cái ngoại nhập và cái nội sinh ở Hàn Mặc Tử. Có thể nói hình thái thơ Điên (Chủ yếu trong tập Đau thương) là cách tân thơ đáng kể nhất, là đóng góp nghệ thuật quan trọng nhất của Hàn Mặc Tử. Mà đặc trưng của hình thái thơ này có thể thấy trên năm bình diện hợp thành một thể dạng trọn vẹn: 
1) Cội nguồn cảm xúc của thơ Điên là đau thương (thực chất là một niềm yêu tuyệt vọng); 
2) Chủ thể thơ Điên là cái tôi li hợp bất định (về hình thức, nó là cái tôi nguyên phiến tan thành muôn mảnh, cái tôi đơn ngã vỡ ra thành cái tôi đa ngã); 
3) Kênh hình ảnh đặc thù của thơ Điên là hình ảnh kì dị, kinh dị; 
4) Mạch liên kết trong thơ Điên là dòng tâm tư bất định (với những chập chờn giữa vô thức, tiềm thức và ý thức); 
5) Lớp ngôn ngữ đặc thù của thơ Điên là lớp từ cực tả (có xu hướng biểu tả ở mức cực độ). 
Đến nay, đọc bất cứ tiếng thơ nào trong đó ta vẫn thấy gai người: 
“Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa  
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô 
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy  
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra”. 
“Hồn là ai? là ai? Tôi không biết 
Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi  
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười 
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng 
Tôi chết giả và no nên vô hạn 
Cười như điên sặc sụa cả mùi trăng 
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng 
Hồn đã cắn, đã cào, nhai ngấu nghiến”…
Hàn Mặc Tử được sinh ra cho thơ. Sinh thời, Hàn đã sống bằng thơ. Bây giờ và mai sau Hàn vẫn sống bằng thơ. Bởi vì Hàn đã chết cho mỗi lời thơ. Đó là bài học về thơ đắt giá và sáng giá nhất của muôn đời. 
[1] Các quan niệm và thơ của Hàn Mặc Tử được trích ở đây đều rút trong tập Thơ Hàn Mặc Tử - Do Sở Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, Quy Nhơn, 1988 và Chơi giữa mùa trăng - Do An Tiêm xuất bản, Sài Gòn, 1969.
[2] Hàn Mặc Tử - Bích Khê thi sĩ thần linh, lời tựa Tinh huyết, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1995. Tr.23
[3] Ví như trong tiểu luận “Quan niệm thơ” gửi Trọng Miên, Hàn đã bày tỏ những ý kiến phản biện Baudelaire xung quanh quan điểm về tình cảm/nhiệt tình (enthousiasme) và dục tình/cảm hứng (passion) đối với thơ, cũng như về vấn đề thơ có dung hòa được với tôn giáo, luân lí và khoa học hay không.
 Nhân 100 năm sinh Hàn Mặc Tử
Chu Văn Sơn
Theo http://vanvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cho một quê nhà Sài Gòn covid 2021

Cho một quê nhà Sài Gòn covid 2021 Quê gốc tôi Biên Hòa. Khi chưa là cư dân Sài Gòn hai mươi năm như bây giờ, người Biên Hòa hỏi tôi: “Chừ...