Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Ca khúc “Chiều tím” Thơ Đinh Hùng - Nhạc Đan Thọ

Ca khúc “Chiều tím” Thơ Đinh Hùng - Nhạc Đan Thọ
Thi sĩ Đinh Hùng (1920-1967) là một nhà thơ tình nổi tiếng thời tiền chiến. Ngoài việc ký tên thật Đinh Hùng, ông còn dùng bút hiệu Thần Đăng khi làm thơ châm biếm và Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết.
Ông sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), là con út của cụ Hàn Phụng. Thuở nhỏ ông theo học bậc tiểu học tại trường Sinh Từ, rồi bậc trung học tại trường Bưởi (Hà Nội).
Sau khi đậu “cao đẳng tiểu học” hạng bình thứ và được học bổng theo ban chuyên khoa để thi tú tài bản xứ thì “thần Ái tình đã hiện đến cùng một lúc với sự thành công đầy hứa hẹn trên” (theo lời kể của ông Vũ Hoàng Chương), khiến ông bỏ ngang đi viết văn, làm thơ.
Thi sĩ Đinh Hùng
Năm 1943, ông theo sống với chị là bà Thục Oanh. Cũng năm này, ông cho xuất bản tập văn xuôi “Đám Ma Tôi” và đăng thơ trên Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan, Giai Phẩm Đời Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn… Nhưng ông thật sự bắt đầu nổi tiếng với bài thơ “Kỳ Nữ” mà Thế Lữ chọn in trong truyện “Trại Bồ Tùng Linh”.
Năm 1944, ông Vũ Hoàng Chương cưới bà Thục Oanh rồi về Nam Định, thi sĩ Đinh Hùng ở lại Hà Nội và cho ra đời giai phẩm “Dạ Đài”, với sự cộng tác của một số bạn như Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch,…Cũng trong năm này, Đinh Hùng tản cư theo báo Cứu Quốc. Sau đó, ông về Thái Bình dạy học cùng người vợ mới cưới, Nguyễn Thị Thanh. Khi ấy, ông Vũ Hoàng Chương và vợ cũng đang tản cư về ở nơi đó.
Năm 1949, ông cùng vợ con trở lại Hà Nội. Tại đây ông cho ấn hành giai phẩm “Kinh Đô Văn Nghệ” (1952) và tập thơ “Mê Hồn Ca” (1954).
Tháng 8 năm 1954, ông cùng vợ con vào Sài Gòn, lập ra tờ nhật báo “Tự Do”, có sự cộng tác của Tam Lang, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong,…
Năm 1955, nhật báo trên đình bản, ông cộng tác với Đài Phát Thanh Sài Gòn, giữ mục Tao Đàn, chuyên về thơ ca, cho đến hết đời.
Trong những năm tháng ở Sài Gòn, Đinh Hùng viết tiểu thuyết dã sử “Cô Gái Gò Ôn Khâu”, “Người Đao Phủ Thành Đại La” và làm thơ trào phúng trên báo Tự Do, báo Ngôn Luận.
Năm 1961, ông cho in tập “Đường Vào Tình Sử” – tác phẩm này được trao giải thưởng Văn Chương Thi Ca năm 1962.
Năm 1962, ông cho ra tuần báo Tao Đàn Thi Nhân, nhưng mới phát hành được 2 số thì ông mất lúc 5 giờ sáng ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn, vì bệnh ung thư gan.
Sau khi ông mất, nhà xuất bản Giao Điểm cho phát hành tác phẩm “Ngày Đó Có Em” vào ngày 16 tháng 10 năm 1967.
Ngoài những tác phẩm vừa kể trên, Đinh Hùng còn có 8 tác phẩm chưa xuất bản: “Tiếng Ca Bộ Lạc” (thơ), “Tiếng Ca Đầu Súng” (hồi ký), “Dạ Lan Hương” (văn xuôi), “Sử Giả” (tùy bút), “Vần Điệu Giao Tình” (cảo luận) và 3 kịch thơ: “Lạc Lối Trần Gian”, “Phan Thanh Giản”, “Cánh Tay Hào Kiệt”.
Nhạc sĩ Đan Thọ tên thật Đan Đình Thọ, sinh năm 1924 tại Nam Định. Ông theo học chữ và học nhạc tại trường Saint Thomas D’Aquin. Đến năm 1942, ông bắt đầu theo học về hòa âm và sáng tác với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự. Ông từng là Trưởng Ban Nhạc Nhẹ – Đài Phát Thanh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa – từ năm 1956 đến năm 1965.
Nhạc sĩ Đan Thọ sáng tác rất ít, nhưng những sáng tác của ông luôn được giới âm nhạc đánh giá rất cao. Những nhạc phẩm của ông luôn tạo ra những nét quyến rũ bằng âm thanh và giai điệu.
Năm 1956, nhạc sĩ Đan Thọ nổi tiếng khi ông phổ nhạc bài thơ “Chiều Tím” của thi sĩ Đinh Hùng. Thi khúc này đã được rất nhiều ca sĩ thuộc nhiều thế hệ trình bày và cũng là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông xưa nay.
Với âm điệu du dương và tình tứ, “Chiều Tím” đã làm say mê bất cứ ai có dịp thưởng thức. Đây cũng là một trong những tác phẩm đặc sắc của kho tàng Tân Nhạc Việt Nam”. (Theo Baron Trịnh)
Thi khúc “Chiều Tím” (Thi sĩ Đinh Hùng và Nhạc sĩ Đan Thọ)
Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian
Mây bay quan san, có hay?
Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài
Màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi
Lúc chia tay còn nhớ chăng?
Ai nhớ … mắt xanh năm nào
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu
Kề hai mái đầu nhìn mây tím … nhớ nhau …
Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao …
Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vỹ cầm
Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi …
Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tìm trong tiếng đàn … mùi hương chưa phai
Ý giao hòa người nhớ chăng?
Mây gió … bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng
Và em với chàng kề vai áo … vấn vương
Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào ? Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi …
Dưới đây mình có các bài:
ĐINH HÙNG – “Qua xứ ma sầu… gửi người dưới mộ”
Đan Thọ (1924): Chiều Tím
Ban Nhạc Shotguns, kỳ 18: Nhạc Sĩ Đan Thọ – “Xa quê hương… đã bao lần”
Cùng với 4 clips tổng hợp thi khúc “Chiều Tím” do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn,
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
ĐINH HÙNG – “Qua xứ ma sầu… gửi người dưới mộ”
Lê Ngọc Trác
“Trời cuối thu rồi – Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu
Em mộng về đâu?
Em mất về đâu?
Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu
Đấy màu hương khói là màu mắt xưa
Em đã về chưa?
Em sắp về chưa?
Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ
Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn
Em hãy cười lên vang cõi âm
Khi trăng thu lạnh bước đi thầm
Những hồn phiêu bạt bao năm trước
Nay đã vào chung một chỗ nằm
Cười lên em!
Khóc lên em!
Đâu trăng tình sử
Nép áo trần duyên?
Gót sen tố nữ
Xôn xao đêm huyền
Ta đi, lạc xứ thần tiên
Hồn trùng dương hiện bóng thuyền U Minh
Ta gởi bài thơ anh linh
Hỏi người trong mộ có rùng mình?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình?
Hỡi hồn tuyết trinh!
Hỡi người tuyết trinh!
Mê em, ta thoát thân hình
Nhập hồn cây cỏ, đa tình mỗi đêm
Em có vui thêm?
Em có buồn thêm?
Ngồi bên cửa mộ
Kể cho ta biết nỗi niềm
Thần chết cười trong bộ ngực điên
Ta nghe em thở tiếng ưu phiền
Nỗi lòng xưa dậy tan thanh vắng
Hơi đất mê người – Trăng hiện lên.”

(Gửi người dưới mộ – Mê hồn ca – Đinh Hùng)
Bài thơ trên của Đinh Hùng chứa đầy u sầu, thương nhớ, đưa chúng ta vào một thế giới liêu trai ma quái, nhưng thấm đẫm tình yêu. Yêu thương nhau sâu đậm, khi phải chia xa vì cái chết ai cũng thốt lên tiếng nấc đau thương tận đáy lòng. Cuộc đời Đinh Hùng đã bị chứng kiến và ám ảnh bởi cái chết. Cái chết của những người thân trong gia đình, cái chết của người yêu. Nỗi đau sâu đậm chất ngất trời mây đã được Đinh Hùng thể hiện trong thơ. Đọc xong bài thơ “Gửi người dưới mộ” của Đinh Hùng, chúng ta đều cảm thấy rờn rợn trong hồn.
Đinh Hùng sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Phương Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Ông là bạn thân của nhà văn Thạch Lam. Và nhà thơ Vũ Hoàng Chương là anh rể của ông. Từ tuổi đôi mươi Đinh Hùng đã bắt đầu sáng tác thơ, văn và có thơ được đăng trên Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan, giai phẩm Đời Nay của Tực Lực Văn Đoàn. Trong sáng tác, Đinh Hùng còn ký các bút danh Hoài Điệp Thứ Lang, Thần Đăng. Năm 1943, Đinh Hùng xuất bản tập văn xuôi “Đám ma tôi” . Ông được nhà thơ Thế Lữ khuyến khích, bắt đầu nổi tiếng trên thi đàn với bài thơ “Kỳ nữ”.
Năm 1944, Đinh Hùng cùng với các nhà thơ: Trần Dần, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu chủ trương thực hiện giai phẩm Dạ Đài. Những người thực hiện và phát hành giai phẩm Dạ Đài với “bản tuyên ngôn tượng trưng”. Đây là một tuyên ngôn nghệ thuật được người đương thời chú ý. Đinh Hùng, Trần Dần, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu… tự nhận mình là thi sĩ tượng trưng và tuyên bố: “Chúng tôi sẽ nối lại nghiệp dĩ của Baudelaire, tâm sự của Nguyễn Du – sự nổi loạn và ra đi của Rimbaud – nỗi cô đơn của những nhà thơ lãng mạn. Chúng tôi sẽ vén cao bức màn nhân ảnh, viết lên quỹ đạo của trăng sao – đường về trên cõi chết… Thi sĩ tượng trưng chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là thế giới âu sầu đây nữa. Bằng hình tượng, chúng tôi sẽ kể lại những câu chuyện xa xưa người ta kể cho chúng tôi nghe dưới ngọn đèn. Chúng tôi sẽ tìm hiểu linh hồn của những ca dao, tục ngữ. Chúng tôi sẽ tượng trưng hóa cái sức rung động của trẻ em trước chuyện cổ tích hoang đường và sức rung động của gã nông phu trước những bản đồng dao thuần phác…”
Với ý thưởng của tuyên ngôn ấy, năm 1954, Đinh Hùng cho ra đời tập thơ “Mê hồn ca” .
“Mê hồn ca” xuất hiện trên thi đàn giữa thời loạn ly, đất nước chia đôi nên việc phát hành có phần hạn chế. Tuy vậy, ai đã đọc “Mê hồn ca” cũng đều bị cuốn hút, ám ảnh bởi hình ảnh ma mỵ liêu trai, ám ảnh bởi sự sống đầy mộng mị của trần gian và chốn âm cảnh. Và, cảm phục trí tưởng tượng bay bổng đầy sáng tạo của Đình Hùng:
“Lòng đã khác ta trở về đô thị
Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa
Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối
Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối
Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng
Rồi ta đi khí núi bốc trên lưng
Mắt hung ác và hình dung cổ quái
Trông thấy ta cả cõi đời kinh hãi
Dòng sông con nép cạnh núi biên thùy
Đường châu thành quằn quại dưới chân đi
Xao động hết loài cỏ hoa đồng nội
Người và vật nhìn ta không dám nói
Chân lảng xa, từng cặp mắt e dè
Ta ngẩn ngơ nhìn theo bóng ngựa xe
Nhìn theo mãi đến khi đời lánh cả
Và ta thấy hiện nguyên hình sơn dã…”

(Trích Bài ca man rợ – Đinh Hùng)
Năm 1954, Đinh Hùng vào sống ở Sài Gòn. 1955, ông công tác và là cột trụ của mục Tao Đàn của đài phát thanh Sài Gòn. Năm 1961, Đinh Hùng xuất bản tập thơ “Đường vào tình sử”. Thì, đến năm 1962, với “Đường vào tình sử” Đinh Hùng đoạt giải thưởng thi ca miền Nam. Thế Phong, nhà thơ, nhà văn, nhà biên luận đã nhận định: “Đinh Hùng làm vinh dự cho giải, giải thơ không tạo vinh dự cho Đinh Hùng”.
“Đường vào tình sử” đánh dấu một hướng mới trong sáng tác thơ ca của Đinh Hùng. “Mê hồn ca” là câu chuyện thơ đầy mộng mỵ, ma quái, bí hiểm như truyện Bồ Tùng Linh, còn “Đường vào tình sử” đời hơn, thực hơn – là những bài thơ tình đẹp, đưa chúng ta vào một thế giới tình yêu đầy hương sắc. Đinh Hùng đã viết những câu thơ đẹp rung động con tim của bao người:
“Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng
Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này?
Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ
Nửa như hoài vọng, nửa như say
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ
Hương ngàn gió núi, động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo
Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi
Em muốn đôi ta mộng chốn nào?
Ước nguyền đã có gác trăng sao
Chuyên tâm tình dưới hoa thiên lý
Còn lối bâng khuâng: Ngõ trúc đào
Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ
Nắng trong hoa, với gió bên hồ
Đành rằng em đấy, khi tình tự
Ta sẽ đi về những cánh xưa
Rồi buồn ưu sầu, em với tôi
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời
Vai kề một mái thơ phong nguyệt
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười.”

(Tự tình dưới hoa – Đinh Hùng)
Bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc mang tên “Mộng dưới hoa” làm đắm say bao người yêu thơ, yêu nhạc.
Đinh Hùng đã từ giã cõi đời vào ngày 24/8/1967 tại Sài Gòn vì bệnh ung thư.
Cùng với thơ, Đinh Hùng còn viết tiểu thuyết dã sử. Tác phẩm đã xuất bản: Cô gái gò Ôn Khâu, Người đao phủ thành Đại La. Trước khi qua đời, Đinh Hùng đã hoàn thành nhiều tác phẩm nhưng chưa kịp xuất bản, gồm có: Tiếng ca bộ lạc (Thơ), Tiếng ca đầu súng (Ký), Dạ lan hương (Văn xuôi), Sứ giả (Tùy bút),Vần điệu giao tình (Cảo luận). Về kịch thơ có: Cánh tay hào kiệt, Phan Thanh Giản, Lạc lối trần gian.
Đinh Hùng là một con người tài hoa trong cuộc sống và văn chương. Rất tiếc tuổi thọ của ông thật ngắn ngủi. Nhưng, tác phẩm thơ của ông sẽ sống mãi với thời gian.
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
– Chiêu niệm bốn nhà văn Sài Gòn (Thế Phong – 1999)
– Đường vào tình sử thơ Đinh Hùng (NXB Văn học – 1995)
– Thơ mới 1932 – 1945 (NXB Hội Nhà văn – 2004)
Lê Ngọc Trác
Đan Thọ (1924): Chiều Tím
Trường Kỳ
Chắc chắn nhạc sĩ Đan Thọ đã lặng người đi khi nhìn thấy cây đàn vĩ cầm thân yêu được vớt lên từ căn nhà gồm 3 phòng ngủ ngập nước của ông tại New Orleans do trận bão Katrina gây nên khi vợ chồng ông được người trưởng nam là Đan Thành chở về nơi hai ông bà cư ngụ khi từ nam California về đây vào năm 1997.
Hình ảnh của một ngày trong tháng 9 năm 2005 đó thật khó phai mờ trong ký ức già nua của người nhạc sĩ đã có một quá trình họat động âm nhạc từ trên 60 năm nay. Cây kèn tenor sax hiệu Selmer mạ vàng của ông đã không được tìm thấy, nên ông đành phải ngậm ngùi bỏ lại nơi xứ sở của nhạc Jazz, là thể lọai nhạc mà ông và vài ba người bạn cùng thời đã được coi như những người tiên phong trình diễn tại vũ trường Đại Nam của Sài Gòn vào đầu thập niên 60.
Khi quay trở lại Houston là nơi hai vợ chồng ông cư ngụ hiện nay, sau khi căn nhà ở New Orleans bị tàn phá bởi trận bão Katrina, nhạc sĩ Đan Thọ đã nhờ cậy nhiều chuyên viên sửa đàn phục hồi cho ông cây vĩ cầm từng gắn bó với cả cuộc đời âm nhạc của mình.
Nhưng chuyên viên tài giỏi nhất cũng chỉ sửa sang được lại bề ngoài cây đàn từng sống với ông những giây phút thăng trầm trong thế giới âm nhạc. Trong khi đó âm thanh của nó chẳng còn được réo rắt như xưa, cũng như tiếng nói của chủ nhân nó bây giờ cũng đã giảm đi nhiều năng lực khi tuổi đời đã tới con số 84.
Cây vĩ cầm quí giá của một đời nghệ sĩ đó giờ đây đang được trưng bầy ở một nơi trang trọng nhất trong cái apartment xinh xắn và gọn gàng có 2 phòng ngủ của cặp vợ chồng già, quấn quít bên nhau từ 63 năm nay. Mỗi lần nhìn cây vĩ cầm quen thuộc, Đan Thọ cảm thấy như cả một dĩ vãng ngày nào hiện về rõ mồn một với ông…
THỜI NIÊN THIẾU
Nhạc sĩ Đan Thọ tên thật là Đan Đình Thọ, sinh năm 1924 tại Nam Định, là nơi ông mới trở về thăm mồ mả tổ tiên và họ hàng ngoài Bắc, vào tháng 4 năm 2008. Đây là lần thứ hai ông trở về quê hương sau lần đầu tiên vào năm 2006 để thăm gia đình và người em ruột của ông là nhạc sĩ Đan Phú, năm nay cũng đã ngoài 80, từng có thời kỳ cùng với ông cộng tác với phòng trà Bồng Lai ở Sài Gòn trong thập niên 60.
Cũng tại nơi ông sinh trưởng, trong những năm từ 1936 đến 1942, Đan Thọ theo học chữ và học nhạc tại trường Saint Thomas D’Aquin do các sư huynh thành lập, trong số có sư huynh Maurice là người hướng dẫn ông về vĩ cầm. Ngoài ra, ông còn biết xử dụng nhiều nhạc khí khác như Hạ uy cầm và Tây ban cầm.
ĐẾN VỚI ÂM NHẠC
Qua năm 1942, ông bắt đầu theo học về hòa âm và sáng tác với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự cho đến năm 1945, là năm ông bắt đầu đàn violin cho phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng, cũng ở Nam Định. Và cùng năm đó ông lập gia đình với một thiếu nữ Hà Nội mới 16 tuổi, là người vợ đoan trang và đảm đang của ông cho tới bây giờ, qua sự giới thiệu của chính người em họ của bà mà ông quen biết trước.
Thoạt tiên, gia đình bên vợ không bằng lòng vì “sợ ông ấy đánh đàn rồi ông ấy hư, quen nhiều gái“, như chính lời bà Đan Thọ kể. Nhưng sau trên 63 năm chung sống, tư cách và cuộc sống mực thước của ông đã phá vỡ được tất cả những e ngại ban đầu đối với một người nghệ sĩ, suốt đời tận tụy với âm nhạc nhưng luôn luôn giữ được vai trò người chồng và người cha gương mẫu trong gia đình…
Khi đưa ra nhận xét về người bố của mình, trưởng nam nhạc sĩ Đan Thọ là Đan Thành –một kiến trúc sư, hiện cư ngụ ở Tampa, Florida– cho biết, như mọi người cha Việt Nam thuộc thế hệ ông, nhạc sĩ Đan Thọ luôn giữ một khỏang cách rõ ràng giữa cha và con. Vì theo nền hóa và phong tục Việt Nam thời đó vẫn còn khắc nghiệt và nghiêm minh. Nên việc trò chuyện thân mật giữa cha và con là điều hãy còn hiếm hoi.
Mặc dù là một nghệ sĩ, nhưng nhạc sĩ Đan Thọ không khuyến khích các con của ông, gồm 1 trai và 3 gái, theo con đường âm nhạc. Tất cả đều được ông dạy dỗ rất nghiêm khắc. Và ông đã từng dùng đến roi vọt đối với trưởng nam của mình, mặc dù anh đã học ở bậc trung học.
Đối với những người trong giới, Đan Thọ còn được coi là một người nghệ sĩ mẫu mực mặc dù từng lăn lộn hàng chục năm trong một môi trường có nhiều quyến rũ, nhất là đối với những người có nhiều tình cảm như ông.
Năm 1954, Đan Thọ gia nhập ban quân nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Khắc Cung, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hiền, vv… cho đến khi chia đôi Nam-Bắc vào năm 1954.
Trong thời gian phục vụ trong nhành quân nhạc, ông đã được quân nhạc trưởng Schmetzler hướng dẫn về kèn. Sau đó ông cùng ban quân nhạc di cư vào Nha Trang trong cùng năm 1954. Đến khi vào Sài Gòn năm 1956, Đan Thọ lại tiếp tục theo học kèn với nhạc sĩ Phi Luật Tân Mano Umali.
Với hai nhạc khí sở trường là violin và kèn tenor sax, nhạc sĩ Đan Thọ từ khi vào Sài Gòn đã liên tục cộng tác với nhiều chương trình nhạc trên Đài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Đội, trên đài Truyền Hình VN và tại các vũ trường cùng phòng trà ở Sài Gòn.
Ông cũng đã từng là trưởng Ban Nhạc Nhẹ Đài Phát Thanh Quân Đội trong một khoảng thời gian dài từ năm 56 đến năm 65, gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Xuân Tiên, Xuân Lôi, Văn Ba, Nguyễn Ích và Canh Thân.
Ban nhạc của ông có thêm một đặc điểm là được một nhạc sĩ người Philippines tên Alano Badin soạn hòa âm cho những nhạc phẩm Việt Nam thu thanh, nhờ đó đã mang lại cho người nghe những âm thanh mới lạ. Một tuần có khoảng 5 bài được soạn hòa âm như vậy và Đan Thọ đã thu thanh cũng như lưu trữ tất cả bài vở để làm tài liệu và còn giữ được cho đến nay như một kỷ niệm quí.
Cũng với những nhạc phẩm đó, ông và ban nhạc đã từng mang đi biểu diễn ở Bangkok vào năm 56 và Manila năm 61, gặt hái được nhiều thành công đáng kể.
NHỮNG SÁNG TÁC
Về mặt sáng tác, Đan Thọ không có một gia tài đồ sộ, mà ông chỉ cho ra đời vọn vẹn không quá 10 nhạc phẩm. Ông chủ trương không chú trọng nhiều đến số lượng mà đặt trọng tâm vào chất lượng của từng sáng tác của mình.
Tuy nhiên giá trị của những nhạc phẩm đó đã là những đóng góp giá trị vào thế đứng vững vàng của ông trong số những nghệ sĩ có công với âm nhạc Một điểm đặc biệt cần ghi nhận quá nửa sáng tác của mình, Đan Thọ đã phổ nhạc từ thơ và mang đến cho những thi phẩm đó những nét quyến rũ bằng âm thanh và giai điệu.
Nguồn cảm hứng đến với Đan Thọ kể từ khi ông rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở miền Bắc để di cư vào Nha Trang với ban quân nhạc. Nỗi nhớ nhà và một tình quê hương canh cánh bên lòng khi phải rời bỏ quê cha đất tổ đã khiến ông dâng lên một cảm xúc dạt dào để cùng với người bạn cùng phục vụ trong ban quân nhạc là Nhật Bằng viết thành hai nhạc phẩm đầu tiên là “Bóng Quê Xưa” và “Vọng Cố Đô” tại Nha Trang. Vẫn còn mang nặng tình quê hương, một thời gian ngắn sau, Đan Thọ lại cho ra đời nhạc phẩm “Tình Quê Hương”, phổ từ một bài thơ của Phan Lạc Tiếp.
CHIỀU TÍM
Một thời gian ngắn sau khi vào đến Sài Gòn năm 1956, Đan Thọ đã trở thành nổi tiếng ngay sau khi ông phổ nhạc thành ca khúc một thi phẩm của Đinh Hùng mang tựa đề “Chiều Tím”. Nhạc phẩm này cho đến nay đã được rất nhiều ca sĩ thuộc nhiều thế hệ ở hải ngọai cũng như trong nước trình bầy. Và đó cũng là nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi Đan Thọ với âm điệu du dương và tình tứ đã làm say mê bất cứ ai có dịp thưởng thức.
“Chiều Tím” cũng còn có thể được coi là một trong những nhạc phẩm đặc sắc của nền tân nhạc Việt Nam. Trước khi xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75, Đan Thọ chỉ còn viết thêm 2 nhạc phẩm nữa ở trong nước là “Mimosa Thôi Nở”, phổ thơ Nhất Tuấn và Xa Quê Hương, sọan chung với Xuân Tiên.
HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN
Trong lãnh vực vũ trường, Đan Thọ là một trong những nhạc sĩ kỳ cựu nhất. Trước ngày đất nước chia đôi, ông đã từng với nhạc sĩ Nguyễn Túc trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội. Vừa vào đến Sài Gòn, ông đã được mời cộng tác ngay với vũ trường “Grand Monde” tức “Đại Thế Giới”. Năm 57 ông qua vũ trường Đại Nam cộng tác với ban nhạc gồm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng.
Đến năm 62, vì lệnh cấm khiêu vũ nên ban nhạc này đổi qua trình diễn nhạc Jazz với một thành phần gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện và Huỳnh Anh. Đối với khán giả Việt Nam thời đó, trình diễn nhạc Jazz là một điều mới mẻ. Do đó ban nhạc của vũ trường Đại Nam đã lôi cuốn được rất nhiều người đến thưởng thức.
Một thời gian sau ông về vũ trường “Croix Du Sud” , sau đó đổi tên là “Tự Do”. Tại đây ông cộng tác với các nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc cùng với Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Nguyễn Văn Thanh, Văn Ba, vv… Sau đó ông được giải ngũ vào năm 1969 để sang cộng tác với vũ trường Mỹ Phụng cho đến năm 72 và sau đó là phòng trà Bồng Lai.
Tại miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 75, trong rất nhiều năm, bóng dáng Đan Thọ với cây vĩ cầm hoặc với cây kèn saxo đã là một hình ảnh quen thuộc với những người lui tới các phòng trà và vũ trường về đêm.
Sinh hoạt hàng ngày trong thời gian cộng tác với đài quân đội của Đan Thọ song song với việc chơi nhạc tại các dancing đã chiếm gần như hết cả thời gian dành cho gia đình. Từ 8 giờ sáng cho đến trước 12 giờ trưa ông ở đài Quân Đội, sau đó chạy sang đài Sài Gòn thu thanh trực tiếp với nhiều ban nhạc, mỗi ban nửa tiếng.
Sau đó về nhà ăn cơm, rồi lại trở về đài quân đội cho đến 5 giờ 30, rồi lại chạy sang đài Sài Gòn chơi cho những ban Vũ Huyến, Mạnh Phát, Võ Đức Tuyết, Võ Đức Thu. Sau đó trở về nhà ăn cơm vào khoảng 7, 8 giờ, nghỉ ngơi đến 9 giờ tối ông lại bắt đầu đi làm tại dancing Đại Nam cho đến 2 giờ sáng.
Qua đến những năm cuối thập niên 60, Đan Thọ trở thành một thành viên nồng cốt của ban nhạc The Shotguns do nhạc sĩ Ngọc Chánh thành lập để trình diễn tại vũ trường cũng như thu băng cho trung tâm thực hiện băng nhạc của nhạc sĩ này. Sau này tại hải ngọai, Đan Thọ chỉ viết một ca khúc độc nhất mang tựa đề “Dương Cầm”, dựa trên ý thơ của người con rể là Mùi Quý Bồng. Cảm hứng đã đến với ông khi nhìn cô cháu ngoại lướt những ngón tay nhỏ nhắn trên phím dương cầm.
Sau năm 75, Đan Thọ cộng tác vơi ban nhạc của Đoàn Kịch Nói Kim Cương gồm trên 10 nhạc sĩ. Trong đó, ngoài ông, còn có những nhạc sĩ Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên, Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Phạm Văn Phúc, Đài Trang, Đặng Văn Hiền, vv… Ông từng cùng với Đoàn Kịch Nói Kim Cương ra Hà Nội trình diễn vào năm 1980 trong vòng một tháng với nhiều thành công tốt đẹp.
Trong thời gian còn ở lại Việt Nam, ông đã cùng với ban nhạc này đi diễn ở nhiều nơi như Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, vv… Cho đến năm 80 ông quyết định xin nghỉ. Có thể nói đúng hơn là nhạc sĩ Đan Thọ đã không còn tìm thấy được nguồn vui trong nghệ thuật sau khi ông ngưng cộng tác với đoàn Kim Cương vào năm 1980, để sau đó ông dành cả thì giờ của mình cho gia đình cùng với thú nuôi chim yến của ông và đã từng đoạt giải thưởng.
Tuy không còn đi lưu diễn nhưng Đan Thọ chưa có thể xa rời sân khấu. Mặc dù sống dưới những sự đổi thay của xã hội, nhưng thời gian này đối với ông có những kỷ niệm khó quên. Cùng với nhạc sĩ Cao Phi Long và một số nhạc sĩ khác như Trí, Hòa, vv…, ông được mời cộng tác với vũ trường Maxim’s ở trên lầu.
Tại địa điểm này Đan Thọ và các nhạc sĩ trong ban đã khiến khán giả thích thú với nghệ thuật trình bầy loại nhạc Zigane, trong số có rất nhiều khán giả người ngoại quốc thuộc các nước xã hội chủ nghĩa. Đêm cuối cùng trước khi ngưng cộng tác với Maxim’s để ngày hôm sau rời khỏi Việt Nam, phái đoàn Hungary thường đến nghe ban nhạc của ông biểu diễn đã mang hoa lên tặng ông và hôm sau còn đến tận nhà ông tặng thêm, vì ban nhạc thường đàn bài “Danse Hongroise No 5” của Brahms rất được người Hungary ưa thích.
CUỘC SỐNG NƠI HẢI NGOẠI
Sau khi rời Việt Nam qua đến Bangkok vào cuối tháng 2 năm 85, Đan Thọ cũng nhờ chơi nhạc mới được sang New Orleans, tiểu bang Louisiana vào khoảng đầu tháng 3 cùng năm.
Louisiana là nơi vợ chồng người con gái ông cư ngụ từ lâu trong khi đáng lẽ gia đình ông phải đi Washington D.C. do một người em của vợ ông bảo lãnh. Đan Thọ lấy lý do sợ cái lạnh của vùng đông bắc Hoa Kỳ nên đã xin với phái đoàn phụ trách sắp xếp chuyến bay để qua sống tại New Orleans trước khi dời qua California một thời gian ngắn sau, trước khi quay trở lại sống ở New Orleans vào năm 1997.
Với hai nhạc phẩm “Red Eyes Are Smiling” và “Lòng Mẹ”, tiếng đàn vĩ cầm của Đan Thọ đã khiến cho những nhân viên Mỹ cũng như Việt của phái đoàn này cảm động để sau đó chiều theo lời đề nghị của ông.
Những năm tháng ở Orange County, nhạc sĩ Đan Thọ với số tuổi lúc đó đã ngoài 60, nhưng vẫn cùng với vợ xông xáo đi làm. Trước đó, ông từng hy vọng sau khi ra đến hải ngoại sẽ tìm lại được hứng thú với những bạn bè cùng thời. Nhưng với cuộc sống chạy theo kim đồng hồ ở một xã hội máy móc và do sự đòi hỏi của cuộc sống, cả hai ông bà cũng đã phải trải qua một giai đoạn vất vả với những công việc mưu sinh.
Ông làm việc trong công ty General Ribbon chuyên hãng sản xuất “ruy-băng” cho máy điện toán. Vợ ông, sau khi thất bại trong việc khai thác một tiệm ăn, cũng đã vào làm cùng hãng với ông một thời gian trước khi cả hai ngưng nghỉ sau khi đã tỏ ra là những nhân viên siêng năng và cần mẫn. Riêng ông, cuối tuần vẫn chơi nhạc tại vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Đến năm 95, Đan Thọ chính thức tuyên bố giải nghệ trong một đêm văn nghệ, tổ chức vào tối 30 tháng 6 tại vũ trường Ritz để đánh dấu quá trình hoạt động âm nhạc của ông. Vì theo Đan Thọ, sự cống hiến cho âm nhạc của ông đã quá đủ. Hơn nữa tuổi tác và sức khỏe của ông không còn cho phép ông đi theo con đường nghệ thuật.
Nhớ lại khoảng thời gian dài hoạt động không ngưng nghỉ của người chồng nghệ sĩ, bà Đan Thọ cũng đã phải khâm phục sức làm việc của ông. Điều đó cũng đã chứng tỏ được sự thông cảm lớn lao của bà khi Đan Thọ dấn thân vào con đường phục vụ âm nhạc.
Đáng ghi nhận hơn cả là thời gian ông còn ở Sài Gòn: “Chưa bao giờ ông ấy có mặt ở nhà trước 2 giờ sáng… Từ sáng cho đến 2 giờ đêm, ông ấy ở đâu chứ không ở nhà”. Với một vẻ âu yếm, bà nói thêm “Ông ấy muốn làm gì ông ấy cứ việc làm, nhưng mà 2 giờ tôi cứ ngồi đợi cửa. Không bao giờ tôi đi ngủ trước, mấy chục năm như vậy. Thành ra ông ấy đâu có dám đi đâu vì biết tôi ngồi đợi cửa mà!”, như lời kể của bà Đan Thọ.
Một điều không ai ngờ là trong suốt quá trình hoạt động của Đan Thọ, hầu như chưa hề ai thấy mặt vợ ông tại vũ trường cũng như tại các đài phát thanh ông cộng tác. Hai vợ chồng nhạc sĩ Đan Thọ hiện đang hưởng những chuỗi ngày nhàn hạ, nương tựa nhau trong lúc xế chiều tại Houston với sự thường xuyên liên lạc hay gặp gỡ con cháu từ Tampa đến Houston.
Khá nhiều bạn bè nghệ sĩ cùng thời với ông đã nhắm mắt xuôi tay. Riêng Đan Thọ còn đây trong những buổi chiều tím của cuộc đời. Chắc hẳn người nhạc sĩ lão thành đang mỉm cười mãn nguyện với những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, trong vai trò một nhạc sĩ sáng tác và nhất là một nhạc sĩ trình diễn bên cạnh cây vĩ cầm, giờ đây đã im tiếng. Còn chăng chỉ còn là vang vọng dư âm của những ngày xưa cũ…
Trường Kỳ
Đan Thọ và Doãn Quốc Sỹ ở Houston, 2006.
Ban Nhạc Shotguns, kỳ 18: Nhạc Sĩ Đan Thọ – “Xa quê hương… đã bao lần”
Quỳnh Giao
Trong trận bão Katrina vừa rồi, một người tại New Orleans đã mất hết. Nhưng lại chỉ tiếc cây đàn vĩ cầm và cái kèn saxophone.
Nói rằng ông tiếc vì là kỷ vật nửa thế kỷ của một nhạc sĩ thì ta có thể thông cảm. Nhưng nếu biết người ấy là Ðan Thọ thì mọi người đều xót xa. Quỳnh Giao xin viết về ông, như một lời thăm hỏi gửi từ rất xa, và nhắc đến ông như một người đã xa quê hương quá nhiều lần.
Năm ngoái, khi chuẩn bị đĩa nhạc đánh dấu 30 năm xa quê hương, Quỳnh Giao đã trước tiên chọn “Xa Quê Hương” của Ðan Thọ. Ðây không chỉ vì tựa đề của ca khúc mà vì Ðan Thọ là một nhạc sĩ tiêu biểu cho dòng nhạc hoài hương của tân nhạc.
Ðan Thọ có mặt trong số nhạc sĩ di cư từ miền Bắc vào Nam, như Thẩm Oánh, Phạm Duy, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Phạm Ðình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Hiền hay Nhật Bằng, Tuấn Khanh. Lúc ấy, bài “Tình Quê Hương” do ông phổ nhạc từ thơ Phan Lạc Tuyên đã làm mọi người rơi lệ. Thời ấy, những ca khúc của ông viết cùng Nhật Bằng, như “Bóng Quê Xưa” hay “Vọng Cố Ðô” càng làm nghẹn ngào nỗi nhớ quê.
Khi các nghệ sĩ di cư từ miền Bắc đã vui sống tại miền Nam tự do và viết về tình yêu hay chiến tranh, thì Ðan Thọ và Nguyễn Hiền vẫn có một chỗ đứng riêng trong loại tình ca êm đềm về quê hương đã khuất bên kia vĩ tuyến. Bài “Xa Quê Hương” được Ðan Thọ viết cùng Xuân Tiên trong thời kỳ này.
Ông gắn bó với quê hương đến cùng, mãi tới 1985 mới đành gạt lệ ra đi, khi đã trên lục tuần.
Cùng với Hoàng Trọng, Ðan Thọ xuất thân từ đất Nam Ðịnh vốn có nhiều tài năng về nghệ thuật và cùng chung một khuynh hướng lãng mạn. Ông tên thật là Ðan Ðình Thọ, sinh năm 1924, học chữ và học nhạc từ trường đạo Saint Thomas d’Aquin tại Nam Ðịnh rồi học đàn, hòa âm và sáng tác trước khi trở thành tay vĩ cầm trẻ trong phòng trà Thiên Thai của Hoàng Trọng tại Nam Ðịnh. Năm 1948, ông gia nhập ban Quân Nhạc Ðệ Tam Quân Khu Hà Nội, cùng với các tên tuổi khác như Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nguyễn Cầu, Nhật Bằng, Nguyễn Khắc Cung. Trong thời gian này, ông học saxophone với quân nhạc trưởng Schmetzler, từ đó sở trường về cả violin lẫn saxophone tenor. Ðến năm 1954 ông theo ban quân nhạc di cư vào Nha Trang, rồi đặt chân vào Sài Gòn năm 1956. Tại đây, ông chơi nhạc trong đài phát thanh, truyền hình, phòng trà và còn là trưởng ban nhạc nhẹ của đài Quân Ðội. Những năm về sau, ông là một thành viên cột trụ của ban nhạc Shotguns của Ngọc Chánh.
Ngoài việc trình diễn, Ðan Thọ sáng tác nhiều trong thời gian ấy và được bạn bè quý mến vì cả tài năng lẫn tính tình hiền hòa, vui vẻ. Giới yêu nhạc thì nhớ Ðan Thọ với những bản tình ca nhẹ nhàng, những ca khúc nhớ về đất Bắc. Nhạc của ông tha thiết, lời của ông trong sáng và các ca khúc của ông đều toát lên vẻ đôn hậu của con người. Ông có nhân cách đáng kính của người nghệ sĩ không bị lụy vì âm thanh, ánh sáng hay bóng đèn mờ, dù là người kể truyện rất tếu.
Ở ngoài đời, Quỳnh Giao nhớ nhất sự hòa nhã và chu đáo của ông.
Sau 10 năm khốn khổ tại quê nhà, Ðan Thọ sống đời lưu vong tại Mỹ và đời sống ấy cũng đã là một truyện đẹp. Ông sống trong khu phố sau lưng tiệm phở Nguyễn Huệ tại quận Cam mà hàng ngày bình thản lái xe lên tận Van Nuys làm công nhân cho hãng General Ribbon. Cuối tuần, ông mới sống với nghệ thuật: thổi kèn hay kéo đàn trong dàn nhạc ở vũ trường Ritz, của người bạn năm xưa là Ngọc Chánh. Ông sống từ tốn, ngăn nắp và dồn mọi tình thương cho gia đình. Thú vui của ông là nuôi chim yến.
Ông lặng lẽ sống như vậy cả chục năm, đến Tháng Bảy năm 1994 thì mời bạn bè tại California đến dự một buổi hòa nhạc tại Ritz. Ðấy là buổi ông chia tay sân khấu và đậy đàn vào hộp, cây đàn ôm từ Hà Nội vào Nam và qua Mỹ. Từ đấy, ông bà chuẩn bị về Louisiana sống cùng con cái. Quận Cam vắng mất một người đáng kính và đáng quý.
Khi nghe tin New Orleans bị bão lụt, bạn bè đã gọi nhau hỏi thăm tin tức của ông và mọi người đều mừng là Ðan Thọ đã kịp di tản qua Texas, vài ngày sau qua tạm trú ở Florida.
Những ai thường lượn qua vũ trường đều không thể quên được nhịp boston dìu dặt trên cung bậc quý phái của “Chiều Tím“. Ca khúc ấy thực ra còn tiêu biểu cho một hình ảnh đẹp hơn đèn màu nơi vũ trường. Ðan Thọ viết nhạc và sau đấy Ðinh Hùng mới đặt lời, nội trong một buổi chiều. Nhà thơ của chúng ta yêu nhạc và yêu bạn nên để lại lời từ đẹp như lời thơ.
Ngày nay, lời cuối của bài ca mới là một câu hỏi buồn, vọng lên từ giông bão: “Ðàn ơi nhắn giùm người đi phương nao, nếp chinh bào biếc ánh sao“.
Có hỏi cây đàn, nay đã bị vùi dập tan tác tại New Orleans, nó biết trả lời sao?.
Quỳnh Giao
Chiều Tím – Ca sĩ Tuấn Ngọc, Khánh Hà
Chiều Tím – Ca sĩ Minh Thu
Chiều Tím – Ca sĩ Ý Lan
Chiều Tím – Ca sĩ Ngọc Lan
Túy Phượng
Theo https://dotchuoinon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đấu tranh và bảo vệ “Chủ quyền” trên không gian gian mạng Nghị quyết số 29 – NQ/TW về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng xác...