Huế có quá nhiều di tích, quá nhiều thắng cảnh để ta đến thăm và thưởng
ngoạn. Có nhiều cách để đi những nơi này, nhưng cách mà tôi thường hay đi nhất
là thuê một chiếc xe máy ở khách sạn, rồi cứ thế tự đi, mua một tấm bản đồ hoặc
đơn giản là hỏi đường là ở đâu cũng có thể đến được.
Trong phạm vi bài viết này
tôi không có ý định viết về tất cả những thắng cảnh của Huế mà chỉ nói về một số
những nơi tiêu biểu mà tôi thích nhất.
Khác với Đà Lạt, ở Đà Lạt
tôi hiếm khi ghé thăm những điểm du lịch, ở Huế có những điểm du lịch, di tích
mà tôi rất thích và gần như lần nào đến Huế tôi cũng ghé qua những nơi này.
Nơi đầu tiên chắc chắn là Đại
Nội, nhưng trước khi nói về Đại Nội, có một điểm nhỏ tôi muốn nói qua trước vì
thấy nhiều người thường hay lầm và đôi khi dùng lẫn với nhau, đó là về vấn đề
tên gọi Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.
Kinh Thành Huế là toàn bộ
khu vực được bao bọc bởi vòng thành đầu tiên, chính là cái vòng tường có cột cờ
thật lớn (gọi là Kỳ Đài) . Ngày xưa cả kinh thành chỉ có bấy nhiêu (không rộng
bao la bát ngát kiểu Sài Gòn hay Hà Nội bây giờ). Kế đến là Hoàng Thành (còn gọi
là Đại Nội) nơi tập họp nhiều cung điện của triều đình nhất, đây cũng nơi mọi
người thường lẫn lộn nhất là vòng thành trong cùng, thật ra bên trong Đại Nội
còn có một vòng thành nữa, đó là Tử Cấm Thành và đó mới là vòng thành sau cùng.
Kinh Thành là nơi ta có thể đi xe máy lòng vòng, ăn uống linh tinh… Còn với
Hoàng Thành thì ta phải gửi xe rồi đi qua Ngọ Môn, sau khi qua Ngọ Môn là ta đã
vào Hoàng Thành. Tiếp tục đi qua Điện Thái Hòa (nơi có ngai vàng của vua), phía
sau Điện Thái Hòa ta sẽ thấy một vòng thành nữa, đó mới chính là Tử Cấm Thành,
muốn vô Tử Cấm Thành thì phải qua Đại Cung Môn (chính là cái cổng mà khi vừa
qua chúng ta sẽ thấy những vạc đồng).
Sỡ dĩ tôi nói kỹ về khúc này
vì tôi đã từng nghe một bạn hướng dẫn viên (không biết có phải hướng dẫn viên
chuyên nghiệp không - hy vọng là không) kể cho mấy người khách rằng ngay khi
vào Ngọ Môn là ta bước vào Tử Cấm Thành, điều này là sai vì vào Ngọ Môn chỉ mới
vào Hoàng Thành thôi. Hy vọng sẽ ít trường hợp truyền tải thông tin sai như vậy
nữa, đặc biệt như trường hợp trên, truyền đạt cho những người nước ngoài.
Điện Thái Hòa trong mưa
Đại Nội là nơi tập trung nhiều
cung điện nhất. Giới thiệu về nơi đây thì có lẽ cũng khá thừa nên tôi chỉ chia
sẻ cách mà tôi cho là hiệu quả nhất khi đi thăm Đại Nội. Một lần nữa, trước khi
đi hãy tìm hiểu thông tin về Huế càng nhiều càng tốt, thông tin về những nơi mà
mình sẽ đi. Sau khi nắm được sơ bộ từng cung điện có chức năng ra sao, có những
sự kiện lịch sử gì thì ta cần có một cái nhìn tổng quát. Sau khi vào Ngọ Môn, vô
Điện Thái Hòa, đằng sau Điện Thái Hòa là một mô hình toàn bộ các công trình của
Đại Nội, nhìn mô hình này ta sẽ đễ định hướng được cấu trúc của toàn Đại Nội và
sẽ dễ đi hơn.
Đi Đại Nội theo tôi ít nhất
là phải mất nửa ngày, đó là đi khá nhanh và lướt, còn đi kỹ thì mất cả ngày.
Trong Đại Nội rất mát và thú vui của tôi là vô Đại Nội đọc sách lịch sử, không
cần phải mang theo sách, trong các cung điện của Đại Nội thường có một góc bán
các sách về Huế và nhà Nguyễn, họ bán đúng giá bìa nên không phải lo. Mua một
lô sách rồi thì cứ thế mà đi tham quan, mệt thì dừng lại đọc sách và sau đó đi
tiếp, chuyến tham quan nhờ đó sẽ thi vị hơn nhiều dù cho là đi một mình.
Tự sướng một tấm “thô thiển”
Sau Đại Nội thì đến các lăng
tẩm, lăng thì cái nào tôi cũng thích vì cái nào cũng có lịch sử riêng của nó,
tuy nhiên nếu phải chọn ra 3 lăng mà tôi thích nhất thì sẽ là:
Lăng tẩm ở Huế (trong hình
là Lăng Minh Mạng)
Lăng đầu tiên là Lăng
Minh Mạng - đây là lăng mà tôi cho là đẹp nhất trong tất cả các lăng hiện
nay, vua Minh Mạng cũng là một trong những vua tôi rất thích. Dưới triều đại vua
Minh Mạng, nước Việt Nam phát triển rất rực rỡ và tôi cho rằng ông là một trong
những vua giỏi nhất của Nhà Nguyễn sau vua Gia Long (chỉ là quan điểm cá nhân).
Nếu như Vua Gia Long có công xây dựng nên nền móng của vương triều thì chính
vua Minh Mạng là người từ những nền móng đó phát triển nước Việt lên thành một
trong những cường quốc trong khu vực khi đó.
Lăng thứ 2 mà tôi thích là Lăng
Tự Đức, mặc cho nhiều ý kiến khen chê vua Tự Đức (dưới triều vua Tự Đức, thực
dân Pháp bắt đầu tấn công và đô hộ nước ta – lịch sử vẫn thường quy trách nhiệm
việc này là do vua Tự Đức bất tài). Dẫu vậy tôi vẫn cho vua Tự Đức là một trong
những vua tốt. Ông nổi tiếng là người chăm chỉ các công việc điều hành đất nước,
ông thiết triều từ rất sớm và sau khi bãi triều ông lại tiếp tục nghiên cứu và
phê chuẩn các bản tấu, có những bản lời phê của ông cặn kẽ, chi tiết còn dài
hơn cả các bản tấu. Ông cũng là người rất có hiếu với mẹ (là bà Hoàng Thái Hậu
Từ Dũ). Có rất nhiều giai thoại về việc hiếu nghĩa của vua Tự Đức mà nếu kể hết
ra đây chắc có lẽ bài này sẽ dài lê thê, một dịp khác viết riêng về vua Tự
Đức tôi sẽ viết những chuyện này.
Vua Tự Đức thích thơ văn nên
lăng của ông cũng rất hữu tình, bước vào lăng, bên phải có một hồ nước rất thơ
mộng gọi là hồ Lưu Khiêm với nhà thủy tạ bên trên (gọi là Lưu Khiêm Tạ). Tôi đã
từng ngồi ở đây hàng giờ liền trong một cơn mưa buổi chiều (vì có đi tiếp cũng
không được - đang mưa mà), ngồi đó tưởng tượng ngày xưa vua Tự Đức
cũng ngồi như thế, ông chọn nơi này thật quá thi vị và lãng mạn, nhưng mà cũng
buồn quá. Có lẽ nơi đây cũng là nơi vua đã ngồi trầm tư suy nghĩ về trách nhiệm
chưa tròn của mình với non sông. Tôi nhớ hoài câu nói của ông trong một cuốn
sách: “Tội của trẫm với non sông hãy để cho lịch sử phê phán”.
Cá nhân tôi không thích cách
quy tất cả trách nhiệm cho vua Tự Đức, nước Việt Nam ta lúc đó chỉ theo một
hình mẫu duy nhất là Trung Quốc, khi giáp mặt một kẻ thù vượt trội về kỹ thuật
và vũ khí đến từ phương Tây như Pháp, việc bị hụt hẫng là điều không tránh khỏi
và cũng nên lưu ý rằng không phải Pháp chiếm được nước ta trong ngày một ngày
hai, mà từ ngày nổ tiếng súng đầu tiên ở Đà Nẵng cho đến khi vua Tự Đức đặt bút
ký nhượng ba tỉnh Nam Kỳ cho Pháp cũng ròng rã gần 4 năm. Cá nhân tôi thích vua
Tự Đức, nhưng vì khuôn khổ bài này đang nói về Huế nên không lạm bàn nhiều về vấn
đề này.
Lăng thứ 3 là một lăng ít
người lui tới, vì nó quá xa, đường đi lại khó. Đó là Lăng Gia Long, vị vua
tôi thích nhất của vương triều Nguyễn. Muốn đến được lăng Gia Long thì có 2
cách, một là thuê thuyền đi, hai là thuê xe máy tự đi như cách của tôi. Cách đi bằng
xe máy thú vị hơn nhiều nhưng cũng gian nan hơn, đặc biệt là mùa mưa như tôi đã
đi. Từ lăng Khải Định (tui không thích lăng này), đi thẳng đến hết đường gặp bờ
sông thì rẽ tay trái, cứ thế đi cặp bờ sông, đi mãi đi mãi, để ý bên phải ta sẽ
gặp một bến đò, từ đây đón đò (thường thì phải đứng chờ cũng khá lâu vì đò ít
người đi), qua đò tiếp tục rẽ phải đi men theo bờ sông, con đường lúc này chỉ
là những con đường làng, rất nhỏ nhưng cũng rất đẹp, cứ đi mãi ta sẽ đến một
ngã rẽ bên tay phải (tốt nhất là nên hỏi đường vì rất dễ đi lố). Từ đây đi thẳng
vào ta sẽ đến quần thể lăng Gia Long. Ở đây gần như chưa có ai khai thác du lịch,
vì vậy cũng rất ít du khách nên mọi khung cảnh còn y nguyên, tiếc rằng từ “y
nguyên” ở đây không phải là y nguyên như xưa, mà là y nguyên đổ nát không có ai
quản lý. Nếu hôm nào xui thì cũng chẳng có ai mở cửa để bạn vào xem lăng mộ vua
Gia Long (vì cửa khóa, mà người mở cửa thì chẳng thấy đâu), tôi phải đến đây lần
thứ 2 mới vô được. Dẫu sao đây cũng là một nơi rất đáng để đến, vua Gia Long đã
chọn vị trí này rất kỹ, có đầy đủ tiền án (là dãy núi phía trước mặt), hậu chẫm,
thế đất rồng chầu hổ phục và trên cả là phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây rất
đẹp. Hãy đến thăm lăng Gia Long và trước khi đi nhớ tìm hiểu thật nhiều thông
tin về vị vua này
Mới viết có 3 lăng thôi mà
bài đã dài lê thê rồi, ở Huế còn rất rất nhiều di tích khác nữa mà có lẽ tôi
nên để tự mọi người tìm hiểu.
Đường làng ở Huế
Ngoài những di tích, còn có
một thu vui khám phá ở Huế mà tôi cũng rất thích, đó là chạy xe đi lang thang
khắp dọc những con đường ở Huế. Những con đường ngoại ô ở Huế theo tôi là cực đẹp,
vô cùng thanh bình và nhẹ nhàng, cứ đổ đầy bình xăng rồi cứ thế lang thang khắp
nơi, đó cũng là một cái thú rất hay.
Cũng thật thiếu sót nếu nhắc
đến Huế mà không nhắc đến một chút ẩm thực.
Ở Huế rất nhiều món ăn ngon,
nhớ hôm đầu tiên đến Huế, cũng do may mắn, lần đó khách sạn Hương Giang tổ chức
ngày hội ẩm thực, đầu bếp phục vụ những món ăn đậm chất Huế, tôi còn nhớ hôm đó
dù đã ăn rất nhiều món rồi tôi vẫn cố ăn thêm nữa vì quá ngon, đến mức khi ăn
xong tôi chỉ “nằm thở” theo đúng nghĩa đen.
Nhưng ăn trong khách sạn
sang trọng không phải là cách để thưởng thức các món ăn ở Huế, mà cái thú chính
là đến những quán bình dân. Món đầu tiên trong thực đơn của tôi khi đến Huế bây
giờ là Cơm Hếnm món ăn mà phải ăn đến lần thứ 2, thứ 3 mới cảm nhận được cái độc
đáo của nó. Ăn cơm Hến thì nên đến quán Bến Đập, ta đi dọc theo đường Lê Lợi về
phía Thôn Vĩ Dạ, đi một lúc qua một con đập thì rẽ tay phải ngay, rồi đi mãi đi
mãi đến khi sắp chui qua một con đường thì quán này nằm bên phải, quán này ngon
nhất.
Và còn nhiều nữa những món
như bánh canh cá lóc, bún bò, bún nem bên làng Kim Long… Ngoài ra còn có chè, ở
Huế có rất nhiều loại chè, thiên đường cho kẻ hảo ngọt như tui, chè đậu đen, đậu
xanh, đậu trắng… đủ cả. Đặc biệt có một loại chè “quái dị” mà tôi không ăn được
nhưng thấy rất nhiều người thích, đó là chè Lọc Quay (bên ngoài là bột lọc bọc
lấy bên trong là cục… thịt quay), nói chung nếu chưa thử thì mọi
người nên thử cho biết, tui thì tui không ăn được món này. Quán chè nổi tiếng
nhất ở Huế là quán chè Hẻm nằm trên đường Hùng Vương.
Một đặc điểm nữa là các món
ăn ở Huế thường rất ít, bởi vậy một bữa tối của tui khi ở Huế thường là: ăn một tô cơm Hến ở Bếp Đập, quay trở ra ăn một tô bánh canh cá lóc ở cồn Hến, rồi chạy
sang Kim Long ăn một lô bún nem nướng và kết thúc bằng vài ly chè ở Chè Hẻm (tui
nhớ khi tui nhắn tin danh sách những gì tui vừa ăn về cho ông bạn, ổng trả lời
lại đơn giản có mấy chữ: ăn gì như heo)
Còn nhiều vấn đề nói về ẩm
thực ở Huế nữa mà vì bài dài quá rồi, ngắt ra làm 2 rồi mà vẫn còn dài nên một
dịp khác tôi sẽ viết nhiều hơn về ấm thực.
Huế là một tài sản quý giá của
nước Việt, của mỗi người dân Việt, nhưng tiếc là cách khai thác du lịch hiện
nay ở Huế vẫn còn nhiều điều chưa tốt. Cách quản lý và trùng tu những di tích hời
hợt, nhìn cách người ta dùng xi măng đắp vào những vách tường gạch, rồi dùng
sơn đỏ quét lên các cây cột sơn son… thấy xót xa, rồi cảnh xích lô chèo kéo
khách, đôi khi đi theo khách hàng đoạn dài, cách kinh doanh gian dối của một số
người, tôi biết rằng chi là số ít nhưng sẽ để lại ấn tượng xấu trong lòng du
khách. Đây cũng là điều làm cho những người yêu Huế thấy buồn. Mong rằng sắp tới
người ta sẽ có cách nào đó để quản lý hiệu quả hơn.
Tôi đã đến Huế nhiều và sẽ
còn đến Huế nhiều nữa, cứ mỗi khi về Huế tôi lại thấy mình như lùi về một nơi
nào đó của mấy chục thậm chí mấy trăm năm trước. Yên bình và trầm lắng, Huế gắn
liền với nhiều kỷ niệm của tôi, đơn giản đến Huế chỉ để ngồi trên hiên chùa
Thiên Mụ mà ngắm dòng sông Hương yên bình, mờ mịt trong mưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét