Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Những mối tình dang dở qua ca dao

Những mối tình dang dở qua ca dao
Ca dao là khúc ca của người bình dân. Từ ngàn xưa, người bình dân đã phải chịu nhiều nỗi khổ về vật chất cũng như tinh thần, tình cảm. Cuộc sống tâm tình của họ được phổ vào ca dao - dân ca. Chiếm một phần khá lớn là ca dao về tình yêu nam nữ. Những cung bậc tình cảm: đau thương, hờn giận, oán trách… thể hiện rất đậm nét trong bộ phận ca dao này, đặc biệt là các câu, các bài nói về những mối tình dang dở của trai tài, gái sắc do lễ giáo phong kiến khe khắt gây nên.
Trong xã hội phong kiến, tình yêu nam nữ gặp nhiều trắc trở. Trai gái không thể quyết định được tình yêu và số phận của mình. Thông thường, việc quan trọng này được cha mẹ quyết định thay cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, con gái phải tuyệt đối phục tùng để giữ tròn chữ hiếu. Khi người con trai ngỏ ý, người con gái phần vì rụt rè, e thẹn, phần vì tôn ti trật tự… nên chỉ dám trả lời:
Bông ngâu rụng xuống hoa ngâu 
Em còn phụ mẫu, dám đâu tự mình.
Bông ngâu rụng xuống hoa ngâu là tất yếu, là không thể thay đổi được nếp cũ. Người con gái dám đâu tự mình bởi em còn phụ mẫu cũng là quan niệm không dễ gì xoá được. Lối ẩn dụ khiến câu ca dao như một câu trả lời e ấp; nhưng cũng chính nó, diễn tả một tâm trạng xót xa, bất lực trước lễ giáo phong kiến. Họ không thể và không dám bước qua ngưỡng cửa của qui định đã thành công cùng bao thế hệ. Thành thử, câu ca dao, đúng ra là một lời than. Than có thân mà chẳng quyết định được phận. Trớ trêu thay!
Ngay cả khi, trai gái yêu nhau thắm thiết, họ cũng không thể lấy được nhạu:
Hai ta làm bạn thong dong 
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng 
Vì chưng bác mẹ nói ngang 
Cho nên đũa ngọc, mâm vàng xa nhau.
Bác mẹ ở đây là cha mẹ. Người con trai hay người con gái gọi cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ tương lai của mình là bác mẹ. Lối xưng hô vừa gần, vừa xa, nghiêng về phía rất muốn quan hệ gần hơn, thân thiết hơn mà không dám. Chưa được phép gọi cha mẹ khi chưa có quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau… Những tưởng sự việc suôn sẻ như đũa ngọc tất phải sánh với mâm vàng. Ấy vậy mà chỉ cần một lời nói ngang của bác mẹ, đôi lứa phải xa nhau. Lời nói ngang quả là một quyền lực ghê gớm!
Ngược lại, dù trai gái không yêu nhau, nhưng cha mẹ hai bên đồng ý, họ vẫn phải lấy nhau. Cô gái nọ đã đau khổ, đắng cay kể về mối trái cựa đáng thương của mình:
Mẹ em tham thúng xôi đền 
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em chắp tay em lạy mẹ rằng đừng 
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào 
Bây giờ chồng thấp vợ cao 
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.
Biết làm sao bây giờ? Thôi thì đành chấp nhận khổ một đời! Chấp nhận phận gái như thế hoa nhài cắm bãi cứt trâu!. Như vậy, làm sao không xót xa? Xót xa tiếc một đời người!
Những cung bậc tình cảm: đau thương, hờn giận, oán trách… thể hiện rất đậm nét trong ca dao 
Trước những mối tình dở dang, ngang trái, ca dao, diễn tả một sự chống đối. Sự chống đối ấy có khi là tiếng kêu than, có khi là sự phản kháng quyết liệt; biểu hiện dễ thấy nhất là thái độ nhớ thương, chung thuỷ với người tình cũ chí ít cũng là thuỷ chung trong tâm tưởng! Với người yêu cũ thì thề:
Chửng nào đá nát vàng phai 
Biển Hồ lấp cạn mới sai lời nguyền.
Và với kẻ sắp lấy mình theo cách ép duyên thì:
Bao giờ rau diếp làm đình 
Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta 
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa 
Sáo đẻ dưới nước thỉ ta lấy mình.
Từ lấy trong câu ca dao trên có lẽ được hiểu theo nghĩa là sự chinh phục được, sự chiếm được tình cảm trọn vẹn của nhau. Cho nên, người con gái có thể bị lấy làm vợ trong thân xác, trên thực tế. Song tâm hồn họ, trái tim họ, người chổng bất đắc dĩ khó thể lấy được.
Dở dang tình ái dẫn đến đau khổ. Có thể tìm được rất nhiều câu ca dao nói về điều này nhau:
Tai nghe thấy mẹ gả bán em đi 
Ràng dao cắt ruột, anh đi cho rồi!
Duyên sao cắc cớ, hỡi duyên 
Cầm gương gương tối, cầm vàng vàng phai!
Hay:  
Cách nhau một bức rào thưa 
Tay chùi nước mắt, tay đưa miếng trầu…
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà 
Lòng ta thương bạn, nước mắt và trộn cơm… 
Cùng một giọng điệu vô vọng đến não lòng. Não lòng mà vẫn phải chấp nhận tình cảnh:
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ 
Chim vào lồng biết thuở nào ra…
Chúng ta có thể nói thêm nhiều khía cạnh về mối tình dang dở qua ca dao. Thiết nghĩ ca dao là một kho tàng vô cùng vô tận, nên đòi hỏi một sự trình bày đầy đủ, toàn diện là điều quá khó khăn. Với những tư liệu trên, ta có thể cung câp một phần nào các khía cạnh của vấn đề. Ca dao nói tới tình yêu nam nữ, bên cạnh việc thể hiện những mối tình thơ mộng, mộc mạc của người bình dân, có nhiều bài thể hiện những mối tình dang dở.
Dĩ nhiên có rất nhiều nguyên nhân.
Trong xã hội phong kiến, người lao động phải chịu nhiều đau khổ. Cuộc sống vật chất đau khổ, thiếu thốn do thiên tai, do bị bóc lột, do dốt nát… Cuộc sống tình cảm đau khổ, chủ yếu do lễ giáo phong kiến gắt gao toả chiết.
Từ những quan niệm nhất nam viết hữu thật nữ viết vô (có một người con trai đã là có, có một người con gái vẫn là không), cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nam nữ thụ thụ bất thân, trung, hiếu, tiết, nghĩa, tam tòng, tứ đức… nguừi phụ nữ bị khinh rẻ, quyền con người bị tước bỏ. Đây là những nguyên nhân căn bản nhất tạo nên những mối tình ngang trái trong xã hội xưa. Hiện tượng xã hội này vọng vào ca dao, tạo nên những bài ca dao than thân, trong đó có tiếng than thở thổn thức từ những con tim không được thoả mãn tình yêu. 
Muốn cho trong thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận, oán sầu (ý Nguyễn Trãi) khi chế độ phong kiến đã cáo chung, Đảng ta chủ trương: độc lập gắn liền với hạnh phúc của nhân dân (Hồ Chí Minh). Vân đề giải phóng con người, giải phóng phụ nữ, bãi bỏ chế độ đa thê trong hôn nhân, tôn trọng tình yêu tự do… đã được giải quết. Tình yêu nước, yêu chế độ, tình cảm gia đình, tình yêu dôi lứa hài hoà, hoà quyện vào nhau, tạo nên những tình cảm lành mạnh, trong sáng. Có nhà thơ đã nói hộ lòng một cô gái đang yêu, đang ước mong:
Làm sao được tan ra 
Thành trăm con sóng nhỏ 
Giữa biển lớn tình yêu 
Để ngàn năm còn vỗ.
(Sóng - Xuân Quỳnh)
Em ước mong, khi lớn lên, bước vào biển đời, em cũng có những tình cảm trong sáng như vậy. Hạnh phúc sống trong một đất nước độc lập tự do, hạnh phúc khiến em càng quặn lòng thương cho số phận bất hạnh của cha ông trong quá khứ. Em càng hiểu sâu hơn giá máu xương của các thế hệ cha anh đã đổ ra để giành lấy tự do cho chúng em, tự do được tạo nên bằng máu và hoa. 
Thu Huyền
Theo http://taplamvan.edu.vn/

1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...