Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Những loài hoa trong truyện Kiều

Những loài hoa trong truyện Kiều 
Tả cảnh để tỏ tình là một thủ pháp thi ca. Trong thơ của người xưa, những cảnh đó là núi, sông, mây, gió … 

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông” (Hồ Chí Minh)
Vì để tỏ tình nên cũng trời mây non nước đó, đẹp hay xấu, vui hay buồn, hy vọng hay thất vọng cũng được các thi nhân miêu tả phù hợp với tâm trạng khi đó của mình hoặc của nhân vật của mình: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Phong cảnh, hoa lá được sử dụng đặc biệt nhiều trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Nếu chỉ là từ Hoa nói chung thì trong truyện Kiều nhiều lắm, hơn 130 lần Nguyễn Du dùng tới. Không một truyện thơ Nôm nào của Việt Nam (Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa,…) có được tần suất xuất hiện của hoa trong thơ nhiều như vậy. Còn tên của các loài hoa cụ thể thì Truyện Kiều của Nguyễn Du đã có tới 15 loài hoa được nhắc đến: Đào (21 lần), Mai (12 lần), Sen (13 lần), Lan (5 lần), hoa Lau (2 lần), Hồng (6 lần), Lê (5 lần), Cúc (4 lần), Hải đường (2 lần), Trà mi (2 lần), Phù dung, Lựu, Mẫu đơn, Liễu, Huệ.
“Truyện Kiều” Nguyễn Du
Trong truyện Kiều có những câu thơ tả cảnh thiên nhiên tuyệt diệu tới mức trở thành kinh điển, với các loài hoa đẹp đặc trưng cho mỗi mùa. Mùa xuân, mùa sinh sôi, nảy nở của muôn loài, mùa của lễ hội và tình yêu, Nguyễn Du như một khách du xuân với tâm hồn thư thái, đã ngợi ca bức tranh thủy mặc được bàn tay Hóa công tô sắc màu tươi sáng trong hội Đạp thanh:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành Lê trắng điểm một vài bông hoa
(41-42)
Và đâylà cảnh mùa hè đã về, vào ban đêm trăng thanh, thấp thoáng những bông Lựu đỏ màu lửa ấm áp:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa Lựu lập lòe đơm bông
(1307-1308)
Hoa đồng nghĩa với vẻ đẹp. Tên các loài hoa thường được dùng để đặt cho con gái. Sắc đẹp của hoa thường được dùng để ví với người đẹp. Vẻ thanh tao và sắc đẹp của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân cũng được ví với hoa Lan (Xuân) và hoa Cúc (Thu):
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân Lan, thu Cúc mặn mà cả hai
(161-162)
Không chỉ tả cảnh, tả người, Nguyễn Du còn dùng hoa để tả tâm trạng con người. Đây là Thúy Kiều sau khi mơ thấy trò chuyện cùng Đạm Tiên mà thảng thốt cho phận mình mai sau:
Cớ sao trằn trọc canh khuya,
Màu hoa Lê hãy dầm dề giọt mưa?
(225-226)
Khi yêu, tuổi trẻ (mà kể luôn cả tuổi già nữa) luôn mơ mộng, luôn hy vọng, luôn khắc khoải đợi chờ khoảnh khắc “được lời như cởi tấm lòng” để ngay lập tức Kim và Kiều trao kỷ vật ước hẹn:
Sẵn tay bả quạt hoa Quì,
Với cành thoa ấy tức thì đổi trao
(357-358)
Khi  “xem trong âu yếm có chiều lả lơi” của Kim thì mặc dù “tình trong như đã” nhưng lễ giáo vẫn giúp Kiều tỉnh táo, khéo léo chối từ mà vẫn nói được tấm chân tình của mình:
Vẻ chi một đóa yêu Đào,
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh
(503-504)
Khi yêu thì đợi chờ như làm thời gian thêm dài hơn, như trôi qua chậm hơn nhưng dẫu ngày có dài thì vẫn không thể dài bằng nỗi sầu khi Kiều nhớ Thúc sinh được:
Sen tàn Cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
(1795 -1796)
Hoa là biểu trưng cho cái đẹp. Dùng các loài hoa để nói về tình cảm yêu đời, yêu người, để nói về tâm trạng vui vẻ cũng đã là khó nhưng vẫn chưa là gì so với khi dùng hoa để  nói về tâm trạng sầu đau của con người. Ví như khi phải bán mình chuộc cha thì tâm trạng, sắc diện tiều tụy của Kiều càng thêm xót xa lòng người:
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như Cúc, điệu gầy như Mai.
(637-638)
Hay như tâm trạng đau khổ của Kiều khi bị Hồ Tôn Hiến ép bán cho thổ quan:
Nàng càng ủ liễu phai Đào,
Trăm phần nào có phần nào phần tươi?
(2603-2604)
Hoặc khi Kiều đã phải mang phận kỹ nữ “bên ngoài cười nụ bên trong khóc thầm” cũng được Nguyễn Du dùng hoa để nói về tâm trạng tiếc thương danh tiết của người con gái:
Tiếc thay một đóa Trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về
(845-846)
Rồi sau bao thăng trầm tủi nhục, đến ngày Kim Kiều tái hợp, gia đình đoàn viên thì hoa như thắm hơn, nụ như non hơn để cùng vui với tâm trạng mọi người:
Những từ Sen ngó Đào tơ,
Mười lăm năm mới bây giờ là đây
(3137-3138)
Trong 74 lần sử dụng các loài hoa với tên gọi cụ thể để tả cảnh, tả tình thì Nguyễn Du có tới 21 lần nói đến hoa Đào. Tiên Điền, Nghi Xuân không phải là đất của hoa Đào. Phải chăng, cảnh và hoa của Thăng Long, của đất Kinh Bắc đã thấm sâu vào tâm hồn thơ của Nguyễn Du đến mức dù không trực tiếp viết về Kinh Bắc mà người ta vẫn thấy đất và con người Kinh Bắc qua hoa Đào. Vẫn là hoa Đào, vẫn là hoa Mai… mà Nguyễn Du đã nói được cảnh, được tình thật sâu xa, thật đằm nghĩa mà mỗi khi đọc truyện Kiều người ta lại thấy sâu hơn sự tinh diệu của tiếng Việt qua thiên tài Nguyễn Du.
Lê Nguyên Hợp 
Nguồn petronews
Theo http://chieulang.com.vn/

1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...