Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Nước vối quê hương

Nước vối quê hương
Ðêm rừng già đi nghe mưa rơi
Một mảnh áo tơi che chẳng kín người
Nước chảy qua môi, hớp từng ngụm nhỏ
Bỗng nhớ mẹ ngồi bên ấm giỏ
Nước vối mặn nồng 
ngọt ngào chuyện cũ
Ôi nhớ sao, 
Mảnh vườn quê hương ta đó
Cây vối già bạc phếch nắng mưa
Mỗi nhánh mốc gầy đều in dấu tuổi thơ
Tháng năm tới cành chỉ còn thấy nụ
Nụ chín vàng mẹ lấy vào dấm ủ
Hạt khô ròn trong nắng nhỏ xôn xao
Rồi những ngày ngâu tràn chum nước gốc cau
Những tháng rét trải rơm làm ổ ngủ
Bắc ấm nước mưa, con ngồi nhóm lửa
Nụ tích mấy mùa mẹ lại sẻ ra pha
Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta
Mà nhấp khỏi cứ ngọt ngào đầu lưỡi
Con ủ tay dưới nắp bông nóng hổi
Nghe rì rầm câu chuyện cũ năm nao
Có gà chín cựa, ngựa chín hồng mao
Trận thuỷ chiến nước dâng cuồn cuộn
Cô gái láng giềng lén sang nghe trộm
Bỗng hỏi dồn:

- Sơn Tinh thắng hay không?
Mẹ ơi,

Quê ta đêm nay có nặng hạt mưa giông
ấm vối đặc chắc vẫn nồng trong giỏ
Tháng năm rồi, vối trong vườn kết nụ
Cô láng giềng còn hái giúp mẹ không?
Chúng con đi giữa rừng đêm mưa xối
Lòng vẫn ngọt ngào vị nước vối quê hương
Súng chắc trong tay, gạo cuốn bên sườn
Theo bước chân nhau gạt cây băng tới
Ðất nước mình còn đạn thù cày xới
Giục giã chúng con nhanh bước trong mưa
Mẹ hãy nói giùm con với cô gái tuổi thơ:
- Ta sẽ thắng hơn Sơn Tinh thuở trước!
Con sẽ về với bao nhiêu hẹn ước
Bên ấm vối nồng kể lại mẹ những chiến công
Thoang thoảng đầu nhà nụ vối đưa hương
Nguyễn Trọng Ðịnh
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Trọng Ðịnh hy sinh năm Mậu Thân, khi mới 26 tuổi, ở mặt trận Quảng Nam, nơi anh có mặt với tư cách là phóng viên Mặt trận của báo Nhân dân. Ðời người và đời văn của anh thật ngắn ngủi, nhưng may mắn anh đã kịp để lại một số tác phẩm, dẫu ít ỏi, nhưng phản ánh đúng con người và tâm hồn anh, mà Nước vối quê hương có lẽ là một trong những bài tiêu biểu.
Tôi có may mắn là bạn học cùng lớp và còn chơi khá thân với Nguyễn Trọng Ðịnh ở Khoa Văn, Ðại học Tổng hợp, khoá 1961- 1964, và tôi biết Nước vối quê hương được Ðịnh viết từ lúc ấy, nghĩa là trước khi anh đi chiến trường khá lâu. Tuy nhiên dạo ấy không khí chiến tranh đã từ miền Nam tràn ra cả nước và đúng là khí thế "toàn quân toàn dân một ý chí" đã bừng lên, mà mô típ chủ đạo của bài thơ này phản ánh rất rõ. Bài thơ mang đậm thần thái của thế hệ trẻ lúc ấy chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu một mất một còn với đế quốc Mỹ. Chỉ là chuẩn bị hoặc cùng lắm là mới bắt đầu vào cuộc, chứ chưa hẳn đã là tâm trạng của những cựu binh dạn dày chinh chiến. Nó vẫn còn nguyên cái vẻ tươi tắn đến thơ ngây với một niềm tin chủ yếu bắt nguồn từ những nhận thức tiếp thu được từ nhà trường và sách vở. Nhận thức ấy có lẽ còn bắt nguồn từ xa hơn nữa, trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên xô (cũ) với câu nói nổi tiếng của Ilya Erenbua vốn đã thành châm ngôn của thế hệ chúng tôi "Tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ tình yêu những vật tầm thường nhất..." Nghĩa là mô típ chung của dòng thơ này chủ yếu là cắt nghĩa lý do và lý giải sức mạnh của cuộc chiến đấu của chúng ta. Sức mạnh đó bắt nguồn từ phía sau người lính, tức toàn bộ những tình yêu thương, gắn bó ruột thịt với con người và mảnh đất quê hương... và mặt trái của nó đương nhiên là lòng căm thù quân giặc. Ðó có lẽ là dòng thơ chủ yếu của thời đầu chống Mỹ. Nó bao gồm hầu hết các bài trong tập Hương cây, bếp lửa (Lưu Quang Vũ, Bằng Việt), Hoa dọc chiến hào (Xuân Quỳnh), các bài Hương thầm, Xóm đê của Phan thị Thanh Nhàn và ở nhiều người viết khác... Ngay cả người viết những dòng này cũng góp vào đó những Bên lở bên bồi, Tiếng mía quê ta, Cao điểm... (trong tập Hương đất, màu cờ)
Nước vối quê hương nằm trong dòng chảy đó. Cho nên về mặt ý tưởng không có gì phải bàn thêm. Nó đúng và cần trong hoàn cảnh ấy. Mà cũng không thể nào khác được. Vấn đề là ở chỗ: cùng xử lý một nội dung ấy, nhưng mỗi người viết phải tìm một cách riêng, một chất liệu và giọng điệu riêng để có quyền tồn tại trong lòng bạn đọc. Với Lưu Quang Vũ thì hậu phương đó là một khu vườn của tình yêu, một mùi hương lá bưởi, lá chanh; với Xuân Quỳnh là một tiếng gà trưa gợi về tuổi thơ và mẹ; với Phan thị Thanh Nhàn là một kỷ niệm khó quên về cái xóm đê lam lũ mà nặng tình nặng nghĩa, hoặc một thoáng khắc da diết không nói nên lời của thuở ban đầu lưu luyến trong Hương thầm... Còn với tác giả Nước vối quê hương thì xem ra là gồm gần như đủ cả những người, những cảnh. Trên cái nền tình cảm chung với quê hương, với mẹ, với cô gái láng giềng, Nguyễn Trọng Ðịnh đã khéo chọn một sợi chỉ đỏ để liên kết tất cả: ấy là cái mùi vị của thứ nước uống dân dã, đặc thù của những làng quê nghèo Việt Nam- nước vối. Những tình cảm, những ân nghĩa sinh ra trong nghèo khổ, cơ cực bao giờ cũng là những tình cảm thấm thía và lâu bền nhất. Chao ôi, là cái thứ nước vôi dễ thường không mất tiền mua, thứ nước uống có đâu như từ thời các Vua Hùng đến lập nghiệp ở xứ ta, bỗng chốc trở nên thương mến lạ thường khi con người đã trót nặng tình quê kiểng:
Cây vối già bạc phếch nắng mưa
Mỗi nhánh mốc gầy đều in dấu tuổi thơ
Uống thì cũng như ăn, người xưa thường dạy: tiếng chào cao hơn mâm cỗ, bữa tiệc không quan trọng bằng cách mời. Nước vối ở đây đâu còn chỉ là thứ nhu yếu phẩm vật chất, mà nó đã là một phần của hồn người. Nó được hái từ thân cây vẫn toả bóng xuống vườn nhà, toả hương vào tuổi thơ. Cái ngon ngọt ở đây chính là ở công sức cặm cụi và tấm lòng nâng niu, trân trọng của người mẹ nghèo:
Nụ chín vàng mẹ lấy vào dấm ủ
Hạt khô ròn trong nắng nhỏ xôn xao

Nắng nhỏ là gì? Sao lại xôn xao? Tôi không thể và cũng không muốn cắt nghĩa thật tận tường. Có những vẻ đẹp tự thân nó đã nói lên tất cả. Người tò mò, hiếu kỳ cũng phải đứng xa ra một chút. Tôi chỉ chợt nhớ đến Nguyễn Duy khi anh viết về cái đêm hành quân lỡ độ đường, được người mẹ đồng chiêm lót ổ rơm cho ngủ:
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác, gầy gò
Cái hương vị nước vối của Nguyễn Trọng Ðịnh và hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy gần nhau biết mấy, mặc dù một bên là từ mẹ đẻ, một bên là của người mẹ lớn nhân dân
Ý THƠ ĐỘC ĐÁO NHẤT VÀ CŨNG LÀ CÁI đinh trong hệ thống hình ảnh của bài thơ nằm ở câu: Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta. Cái lý thú của câu thơ là ở chi tiết thực của quan sát, tưởng đơn giản nhưng không có một độ nhạy cảm tinh tế khó mà nắm bắt được, và lại chính nhờ cái gốc thực đến cụ thể, chi tiết như thế mới neo giữ cho những suy tư, cảm xúc khác có thể bay bổng rộng dài. Bởi đàng sau nó là quê hương, là mẹ, là em, là những kỷ niệm tuổi thơ- mà một trong những kỷ niệm ấy là những câu chuyện mẹ kể bên bập bùng bếp lửa. Dễ dàng thấy là cả câu chuyện kể và hình ảnh cô gái láng giềng đều là phép bày đặt của người viết. Tạo dựng đấy, nhưng vững tay, hợp nơi hợp lúc, nên thuận lẽ, thấu tình và có sức truyền cảm.
Ðương nhiên, sau nhiều năm đọc lại, bên sự phơi phới, tươi tắn của ngày nào, ta cũng thấy dấu vết của những hạn chế mà thời gian để lại trên bài thơ. Vẻ lạc quan có phần dễ dãi, nổi nênh; cách bày biện, dẫn dắt, mở đóng bài thơ thể hiện rõ cách thức lập ý, dùng lời của một thời còn khá đơn giản. Tuy nhiên, nói sau bao giờ cũng dễ. Vào thời ấy, viết được một bài thơ như Nước vối quê hương của Nguyễn Trọng Ðịnh đã là một thành công thực sự.
Anh Ngọc
Theo http://vuhuu.edu.vn/



1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...