Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Yến Lan, bến sông và phố huyện

Yến Lan, bến sông và phố huyện
Bến My Lăng của Yến Lan là cái bến sông huyền ảo vang bóng trên thi đàn, gắn liền với tên tuổi nhà thơ mỗi khi người ta nhắc đến. Ðã hơn một lần Yến Lan giải thích rằng nó bắt nguồn từ một bến đò thật, bến Trường Thi, cách thị trấn Bình Ðịnh nơi ông ở khoảng mấy dặm đường. Mỗi lần qua bến sông này, nhìn doi cát cong cong tựa bờ mi thiếu nữ, lòng khách văn chương không thể không thao thiết cùng những dòng thơ xa xăm:
"Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đấy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu..."
Ðó là một bến sông đẹp, đẹp đến não lòng, nơi xưa kia người cha của Yến Lan đã lần theo tiếng hát để đến với mẹ ông, một thôn nữ quay xa, dệt lụa, thường gửi hồn bằng những khúc dân ca say đắm. Mối tơ duyên đẫm đầy thi vị ấy đã sản sinh ra một người con, thi sĩ ngay thuở mới vừa lọt lòng:
"Quê ngoại bên kia bãi cát vàng
Mẹ tôi về lỡ chuyến đò ngang
Cơn đau trở dạ không giừơng chiếu
Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng..."

Năm Yến Lan lên sáu, mẹ ông ốm nặng, nằm liệt giừơng. Gần 3 năm Yến Lan được cha sai hàng ngày đưa cơm cho mẹ và thỉnh thoảng xế chiều lại thêm bình tích bánh canh. Cha Yến Lan làm nghề đậu hoa trên vải. Một hôm, cha ông nhận được một mẫu hàng từ Thượng Hải, hoa văn rất phức tạp. Hai ngày liền, cha ông không đậu được hoa. Mẹ ông từ buồng bệnh bước ra cửa hỏi và dùng tay ra hiệu cho chồng cách đậu hoa. Quả nhiên cha ông hoàn tất được mẫu hàng. Như mọi hôm, Yến Lan đưa cơm vào cho mẹ. Nhưng hôm đó, mẹ ông không còn ăn được nữa. Máu bà ra từ mũi, miệng. Ðến cuối chiều thì bà đã lạnh cứng chân, tay.
Ðêm đó, Yến Lan đi cùng người láng giềng đưa tin về quê ngoại. Ðến đoạn đường qua Gò Tập là nơi người ta đồn đại rất nhiều về chuyện ma đưa võng . Yến Lan quýnh chân. Người láng giềng cất tiếng gọi đò. Ông cậu của Yến Lan nằm ngủ trong thuyền giật mình chống đò hớt hải sang.
ấn tượng về tiếng gọi đò não ruột trong đêm trăng sương lạnh lẽo ấy ám ảnh Yến Lan đến suốt đời.
Những năm vào tuổi bát tuần, ông vẫn còn thường nhắc đến chuyện này với đôi mắt rấn lệ.
Ông thú nhận rằng ngày xưa bài thơ Bến My Lăng của ông ra đời trong lúc xuất thần của ấn tượng tiếng gọi đò thuở bé.
Mẹ Yến Lan mất ít lâu, cha ông lấy vợ kế.
Yến Lan phải chịu đựng cảnh mẹ ghẻ con chồng. Ông chia bùi sẻ ngọt với cây thị chùa Ông, nơi ông trải qua tuổi thơ cay đắng. Cây thị ngót trăm tuổi như người bạn lớn vỗ về, chở che và lòng ông ràn rụa thương cảm:
"Ðêm mưa tí tách nhà tranh giột
Thị nới mình che nửa mái ngoài
Sáng dậy nghe chim run tiếng hót
Mới hay cây lạnh suốt đêm dài..."
Và cậu bé Yến Lan rách rưới thiếu thốn, nhờ cây thị mỗi mùa trái, hái bán dành dụm tiền may áo:
"Trái ra chợ bán lành thân áo
ƠN THỊ THAY PHẦN MẸ DƯỠNG NUÔI..."

Thị trấn Binh Ðịnh có thành cổ rêu phong, có vó ngựa rời rạc, có tiếng trống thu không, có những trái thị vàng đầy ân tình như thế là nơi Yến Lan tạo dựng nghiệp thơ.
"Ðây là chốn nương mây và cậy nguyệt
Ðàng chờ xe sông nước ước mong thuyền
Tịch dương liễu không biết mình đương biếc
Tương tư trời tương tư nhạc triền miên"
Yến Lan đã mô tả về một Bình Ðịnh 1935 như thế. Một Bình Ðịnh có người con trai đơn lẻ:
"Áo chàng xanh lam lũ
Trời ơi trời đừng mưa"
Trước cuộc tình rụt rè không giám nói. Một Bình Ðịnh với không khí trầm buồn nhưng đầy quyến luyến, trăn đi trở lại trong thơ Yến Lan ngày ông tập kết, sống trên miền Bắc:
"Thương tuổi nhỏ ta nghèo
Thầy giáo già nghiêm khắc
Ðời phố huyện đìu hiu
Trăng tình lên ngơ ngác
Những vần thơ ban đầu
Từ bóng cô hàng xén
Ðến tiếng vọng còi tàu
Không một lời hứa hẹn"

Bến sông cũ phố huyện xưa mở rộng vòng tay đón người thi sĩ sau cuộc chiến tranh trở về. Cuộc sống đã đổi khác nhưng khung trời kỷ niệm còn đó, những mùa bông gòn bay, những cánh chim mòng két thiên đi, chuyến xe ngựa mỗi hoàng hôn và sớm mai leng keng tiếng nhạc. Giống như nhà Quách Tấn bên chợ Ðầm Nha Trang, nhà Yến Lan kề ngay chợ Bình Ðịnh, hai ông đều thường nhắc câu "Thị náo cư di tịnh" của bậc tiền bối Ðào Tấn như một phương pháp sống. Bởi vậy dù khi ốm đau thiếu thốn hay giữa huyên náo của quang cảnh ông vẫn tìm được chất thơ của đời:
"Nhà không vườn không gác không sân
Tôi nợ đời rau trái tôi ăn
Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát
Nợ em cài bên cửa một vầng trăng"
Trên mảnh đất này, vầng trăng của Yến Lan, cái "vầng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Ðịnh" như Hoài Thanh đã nhận xét trong Thi nhân Việt Nam, lại khi hao khuyết, khi viêm mãn theo từng cung bậc của hoài niệm và dự tưởng. Trong những vần thơ của ông, bóng trăng vừa lay động vừa an tĩnh trong từng hơi thở. Và bản thân nó toát lên linh hồn của con người, con người đa đảm và dầu dãi trong khung cảnh vừa thanh thoát vừa trần thế. Những tâm tình thật sâu thật nặng của trọn một khiếp người mặn nhạt chua cay ngọt bùi từng nếm trải, Yến Lan gọi là Chút lòng để lại:
... Ði còn ngoảnh mặt ngùi trông
Cái qua đã khuất biệt dòng thời gian
Lòng thôi tròn khuyết theo trăng
Tình còn cắn Bến My Lăng gọi đò
Trăm năm làm mộc hẹn hò.
Nguyễn Thanh Mừng 
Nguồn Tạp chí Hạnh phúc gia đình
 Theo http://vuhuu.edu.vn/

1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...