là một đường không bến bờ
Những con đường trăng tròn là những con đường
trăng khuyết. Vẫn là những con đường cũ em đi qua và tôi đi qua. Thế rồi, có
lúc tôi đi qua những con đường mù mịt không trăng. Những tro tàn quá khứ bỗng dậy
lên một cơn lốc cuốn tôi về với những con đường ma quái ảo ảo chập chờn.
Cái chập chờn của một thân thể phiền não
không biết mai này mốt nọ ra sao, cứ thắc thỏm muốn gửi gắm vào cuộc đời một
linh hồn phiêu lạc. Tôi phiêu lạc bao nhiêu năm rồi trên một dòng đời không bờ
bến. Có khi tưởng bờ là bến. Có khi tưởng bến là bờ. Cái tạm và cái thường hằng
lắm khi là một. Thế mà cứ lại là khác nhau. Cái bờ mỏng manh khoảnh khắc ra đi.
Cái bến nhiều khi bền bền ở lại. Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định
mệnh bờ thường trói buộc thân phận bến.
Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại.
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ nhưng sẽ đậu
lại ở một bên kia.
Mùa xuân là bờ hay là bến? Than ôi, mùa xuân
chỉ là bờ. Ai ai trong đời này cũng có lần ghé qua cái bến tạm mùa xuân. Cái bờ
bến mùa xuân nhập nhằng những dặm trường lận đận. Thoắt nhiên bến xuân chỉ còn
lại là bờ. Cái bến đi qua, rồi cái bờ ở lại. Cái bến hiu hắt của một thuở tưởng
rằng thời hoàng kim bến sẽ mãi mãi không bao giờ là bờ. Thế rồi tuổi đời người
người - đến đến - đi đi cứ mộng vớ, hoang tưởng hão huyền một thứ bờ bờ - bến bến,
không biết nơi nao để neo lại một thân thể phiêu bồng.
Có thể bến cho em và bờ cho tôi. Tôi cứ mãi
đi và em ở lại. Cái thân phận thuyền quyên ấy đừng làm đau xót đời. Cuối cùng,
trong cõi mông lùng mờ mờ ảo ảo, em vẫn chính là cái bến hư ảo một cách vẹn
toàn mà tôi có lúc mỏi mệt sẽ tìm về nương tựa.
“Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở
than”...
Cái bờ ru lời hiu quạnh lau lách. Cái bến ru
chập chờn một đốm lửa chiều . . .
Trong một giấc ngủ bồng bềnh không giờ giấc của
mùa xuân, tôi thảng thốt thấy bờ bến bỗng rã tan thành những cánh bèo mông lung
vô định. Em không bến và tôi không bờ. Em trôi đi và tôi cũng trôi đi. Em và
tôi cùng là bến. Em và tôi cùng là bờ. Chúng ta tan biến vào nhau thành một khối
bến - bờ không còn chia lìa nữa. Trong em không còn trí nhớ về bến. Trong tôi
cũng mất hết những ký ức về bờ.
Bến ở đâu? Và bờ ở đâu?
Bài Hát Đầu Tiên - Bài Hát Cuối Cùng
Ngạn ngữ Pháp có nói rằng cái
gì bắt đầu tốt thì sẽ kết thúc tốt. Tôi không hiểu trong những địa hạt như kinh
tế, xã hội, khoa học như thế nào nhưng trên lĩnh vực văn nghệ đôi khi hoặc nhiều
khi nó không hoàn toàn như thế. . . Có không ít những trường hợp người
nghệ sĩ đã khởi đầu rất hay và kết thúc rất tệ.
Tôi bước chân vào đất đai của
nghệ thuật tương đối sớm. Từ tuổi mười ba mười bốn tuổi đã làm những lưỡi sóng
liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những
lượng máu bất bình thường.
Sau một vài biến cố lớn của gia
đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng.
Và từ đó tôi rơi vào một cơn mộng
mị triền miên.
Có một câu hỏi, với tôi, đã trở
thành nỗi ám ảnh: Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?
Câu hỏi buộc tôi phải trở về những
năm tháng xa xôi.
Nhưng khi về đến nơi ấy, trong
thời điểm ấy, thì vô tình tôi lạc mình về một quá khứ khác xa xăm hơn nữa. Và rồi
tự hỏi: Cái đầu tiên ở nơi nào mà có và điều gì đã sinh thành ra cái đầu tiên
kia?
Bài hát Ướt mi được
Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959, Thanh Thúy hát quanh những
phòng trà và nổi tiếng. Thời ấy hình như Nguyễn ánh 9 đã có lúc đệm đàn piano
cho Thanh Thúy hát. Thanh Thúy trở thành giọng hát liêu trai. Anh Nguyễn Văn
Trung, giáo sư triết thời ấy ở Văn khoa cũng đã từng có bài viết về một tiếng
hát liêu trai Thanh Thúy.
Thế thì, cố nhớ lại và tôi đã
nhớ một lần nào đó, trong phòng trà, năm 1958, tôi thấy Thanh Thúy hát Giọt
mưa thu và khóc. Bà mẹ Thanh Thúy dạo ấy lao phổi hằng đêm nằm hát Giọt
mưa thu chờ Thúy về. Nhưng những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên
tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào
còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ...
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào
đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của
cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những
giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.
Rất nhiều bài hát đã được viết
trước bài Ướt mi nhưng riêng bài Ướt mi thì tồn tại như một
số phận của nó và của tôi. Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng
Nhật đã thu bài hát này. Riêng tôi không thích lắm.
Dù sao thì trong những năm 1959
- 1960 trong thành phố này nhiều người đã thích và hát.
Người ta có nhiều lý do để
thích một bài hát đầu tiên của một tác giả để rồi không quên thắc mắc: Thế thì
bài hát cuối cùng của anh là gì? Sẽ như thế nào? v.v...
Sự kết thúc của mọi câu chuyện
đời đều không giống nhau. Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô
chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn.
Trên đường băng chạy có cái
đích để mình đến. Trong nghệ thuật thì khác. Cái cuối cùng cũng có thể là cái
vô hạn và biết đâu, nó đã từng có trước thời hạn mà mình không ngờ.
Sự bất tử không có trước có sau
mà thường nó nằm ở điểm mà mọi cơ duyên cùng hội tụ.
Tôi không hề có ý định viết bài
hát cuối cùng bởi vì tôi nghĩ rằng thời điểm cuối cùng là điều mà mình không thể
nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do nào đó tôi buộc mình phải lên đường để viết
những ý nghĩ cuối cùng của mình trong một ca khúc thì tôi tin rằng vào lúc đó
tôi sẽ cố gắng cởi trói mình thoát khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần
phải nói thêm một điều gì nữa.
Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ
mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi
thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như
một lời thách thức kiêu hãnh nữa.
Bài hát đầu tiên và bài hát cuối
cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với
nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu có người nhặt được. Kẻ nhặt được không
chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy đó làm điều.
Hơn ba mươi năm trước có một
bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc gì hạnh
phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng?
Vết Thương Tỉnh Thức
Những ngày tháng này tình bạn và tình yêu mang đến một mềm
vui sống lạ kỳ. "Hãy yêu như đang sống và hãy sống như đang yêu. Yêu để sự
sống tồn tại và sống cho tình yêu có mặt".
Có những cánh cửa mở vào hư vô và cũng có những cánh cửa mở
ra những cảnh đời nhộn nhịp. Ta không khước từ hư vô và cũng không xa lìa cảnh
nhộn nhịp của đời. Ta đã may mắn đi qua những tuyến đường đưa đến hạnh ngộ. Hạnh
ngộ trong tình bạn. Hạnh ngộ trong tình yêu.
Nếu đã có một ngày sinh nhật dĩ nhiên sẽ có rất nhiều ngày
sinh nhật nữa. Mà hình như trong cảnh ngộ cuộc đời riêng - chung của chúng ta
ngày nào mà không là ngày sinh nhật, bởi vì cái màu sắc của lễ lạc đã tự bao giờ
khoác lên trên mỗi ngày chúng ta đang sống.
Xin cảm ơn cuộc đời và cảm ơn tất cả mỗi chúng ta đang có mặt
mỗi ngày bên nhau. Ly rượu nồng nàn của đời biết bao giờ uống hết được.
Tình yêu thường mang đến khổ đau nhưng đồng thời tình yêu
cũng mang đến hạnh phúc. Có một lá cờ bay trên hạnh phúc và có một đoá hoa quỳnh
héo úa ngủ trong khổ đau. Cố gắng tránh đừng than thở. Thử thở dài một mình và
quên lãng. Ta không thể níu kéo một cái gì đã mất. Tình yêu khi muốn ra đi thì
không có một tiếng kèn nào đủ mầu nhiệm để lôi về lại được. Tình yêu là tình
yêu. Trong nó đã sẵn có mầm mống và sự hủy diệt.
Tình yêu tự đến và tự đi, không cần ai dìu dắt. Nó hoàn
toàn tự do. Muốn giam cầm nó thì nó sẽ bay đi. Muốn thả nó bay đi có khi nó ở lại.
Vì có tình yêu nên có lễ hội. Người ta bắt đầu bằng những
cuộc viếng thăm, lui tới, áo mũ xênh xang, bánh trái, lồng đèn, heo ngỗng. .
. Những cuộc rước dâu pháo nổ đì đùng, trống kèn inh ỏi. Lễ hội mở ra trên
đường, trong làng, trong xóm: Lễ hội mở ra cả trong lòng người.
Thường vào mùa Thu là mùa lễ hội kéo dài suốt cả một đời
người. Có những lễ hội có một đời sống đôi khi quá ngắn ngủi.
Đến một lứa tuổi nào đó, chia vui và chia buồn đều có một nỗi
mệt nhọc như nhau.
Có những người yêu đã ra đi bỗng một ngày nào đó trở lại.
Vì sao? Không vì sao cả. Vì một chọn lựa tưởng rằng đã đúng cuối cùng sai. Và
trở lại với một người mình đã phụ bạc để muốn hàn gắn lại một vết thương. Một vết
thương nhiều khi đã lành lặn lâu rồi bất chợt vỡ òa như một sự tỉnh thức. Tỉnh
thức trên vết thương. Trên một nỗi đau tưởng rằng đã thuộc về quá khứ. Nhưng
không. Không có gì thuộc về quá khứ cả. Thời gian trôi đi và vết thương vẫn còn
đó.
Nó nằm chờ được thức dậy một lúc nào đó để sống lại như
chính bản thân nó là một vết thương.
Nhưng vết thương khi đã được đánh thức thì nó không còn là
vết thương cũ vì giờ đây nó là một vết thương tỉnh thức. Một vết thương tỉnh thức
là một vết thương biết rõ nó là một vết thương. Nó thức dậy và nó nhận ra rằng
nó đã được khai sinh trên tâm hồn một con người và đã có một thời gian dài làm
đau đớn con người đó. Vết thương tỉnh thức là một con mắt sáng ngời. Nó nhìn
ngược về quá khứ và ngó thẳng tương lai. Nó mách bảo cho chủ nhân của nó là
không có một vết thương nào vô tư mà được sinh thành cả. Nó là một nỗi đớn đau
như khi trời đất trở dạ làm thành một cơn giông bão.
May thay trong cuộc đời này vừa có tình yêu vừa có tình bạn.
Tình bạn thường có một khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn
cũng có nhưng không nhiều.
Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng
làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn
tái tạo được nữa.
Cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế
nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không. Phải đi đến tận
cùng hai cõi sống chết để làm tan biến tất cả những giấc mộng đời không thực.
Nhật Ký Huế
Đã lâu lắm tôi không ra khỏi
nhà để thực hiện những chuyến đi xa. Thế rồi nó trở thành một thói quen. Một
thói quen không hiểu là tốt hay xấu. Nhưng dù sao đó cũng là thói quen của một
người không có sức khỏe tốt hoặc đã đạt đến một thứ tuổi lười. Đã từng có những
cuộc mời mọc trong vài năm nay để ra nước ngoài nhưng tôi đều từ chối. Và khi
kiếm được một cớ nào đó để từ chối mà không phụ lòng người mời, tôi bỗng thấy
lòng thảnh thơi, nhẹ nhõm.
Tháng 4 năm nay ở Huế có tổ chức
Festival 2000. Tôi không được mời, nhưng điều đó không có gì quan trọng. Bởi vì
rất nhiều người khác cần được mời hơn tôi cũng không được mời. Đã hiểu lý do
làm sao mà có một sự thiếu sót như thế thì cần phải viện đến những cơ sự rất phức
tạp, thậm chí lạ lùng khó hiểu. Thành phố Huế là thành phố của những đứa con
thân yêu của Huế, chứ không phải chỉ để dành riêng cho một số người. Càng không
phải chỉ để dành cho một thế lực nào đó. Quê hương là quê hương chung chứ không
phải quê hương của riêng ai. Vì thế cho nên muốn làm đẹp cho quê hương cũng phải
được chia đều.
Thế mà cuối cùng tôi cũng đến
Huế trong những ngày nằm giữa bề dài của cuộc Festival. Tôi đã sẵn sàng tham dự
một vài buổi trình diễn không lấy gì làm hứng thú. Những bữa ăn không mùi vị,
thậm chí là nhạt nhẽo. Nhưng tôi không mất nụ cười và sự vui tươi hồn nhiên, vì
tôi là thằng con của Huế. Tôi an ủi đám bạn bè cùng đi là hãy vui đi, vì đây là
xứ sở của tôi.
Khi bạn có một xứ sở để trở về
hoặc là để thỉnh thoảng trở về, thì bạn có hạnh phúc nhiều lắm. Ở đó bạn có một
dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh
nay đã lốm đốm bạc đầu. Bạn sẽ gặp một cô gái Huế bất chợt trên đường và hỏi rằng:
Huế bây giờ có gì lạ không em? thì lập tức, hoặc tình cờ cô gái ấy sẽ đọc lại
hai câu thơ của Bùi Giáng:
Dạ thưa phố Huế bây giờ
Ngự Bình vẫn đứng bên bờ sông
Hương
Huế trăm năm trước và trăm năm
sau không có gì thay đổi. Nó hình như muốn giữ trọn một lời thề sắt son, không
bao giờ thay lòng đổi dạ. Đó là nét đáng yêu của một thành phố, nhất là một
thành phố rất cổ kính. Tuy nhiên thời đại này người ta không cho phép một thành
phố với những con người cứ mải mê ngủ hoài trên những vàng son của quá khứ hoặc
ôm mãi những giấc mộng huyễn hoặc trên những tàng kính các.
Huế lần này đã kéo tôi ra khỏi
cái góc nhà nhỏ hẹp của tôi. Nếu không có Huế trong dịp Festival này, chưa chắc
tôi đã rời được nơi ẩn trú của mình. Tuy vậy, xét cho cùng, không phải vì
Festival lôi cuốn sự tò mò của tôi, mà chỉ đơn giản chính là Huế. Tôi về chính
Huế chứ không phải vì Festival Huế 2000. Nếu nói một cách chính danh, thì đây
không phải là một Festival trong đúng nghĩa của nó. Tổ chức luộm thuộm, không
có một không khí hội hè đúng như yêu cầu, và thực sự nhìn chung, người dân của
Huế không tích cực lắm trong việc chia sẻ một niềm vui chung.
Dù sao tôi cũng cảm ơn một cái
cớ nhỏ để tôi đi giang hồ vặt trong vài ngày ở Đà Nẵng, Hội An và Huế. Ngày
xưa, thời còn trẻ lắm, những chuyến đi chơi nhỏ mọn này không thể nào đủ để làm
nguội bớt máu giang hồ trong tôi. Bây giờ thì những chuyến đi ngắn cùng đông đảo
bạn bè cũng tạm an ủi cho những giấc mộng phiêu lưu không còn thực hiện được nữa .
Huế là người yêu của tôi, là giấc
mộng của tôi. Nhưng bây giờ tôi còn Sài Gòn và Hà Nội. Tôi thấy đâu cũng là quê
nhà. Ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu. Và vì vậy, đôi lúc tôi không còn
cảm thấy mình thuộc về một xứ sở nào nữa. Nhưng ngẫm cho cùng, thì Huế vẫn là
quê nhà của tôi, và ngày nào Huế chưa phụ bạc tôi, thì tôi vẫn là đứa con không
bị từ chối của Huế.
Phác Thảo Chân Dung Tôi
Mỗi Sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều những
sợi tóc bạc...
Thuở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết
solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và
sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng
guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ
mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi
thúc bên trong... Đó là những năm 1956 - 1957, thời của những giấc mộng ngổn
ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như
trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi
lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ ...
Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài
Gòn này phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn
quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu
ngốc “xướng ca vô loài”. Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này
qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ
rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.
Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một
quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải
luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết
và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về
phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi
nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn
của cuộc sống.
Nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì
phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng.
Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối
thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh
sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.
Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu
xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người
và cuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng
hát mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc
đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.
Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn
của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã
tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền
muộn.
Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã
sinh thành...
Nhật Ký Tuổi 30
Đây là một đoạn nhật ký Trịnh Công Sơn viết năm 1969, khi vừa tròn 30 tuổi,
lúc anh đã có nhiều sáng tác được công chúng biết đến và yêu mến...
Vào đầu mùa xuân này tôi ba mươi tuổi chẵn. Câu nói đã xưa lặp lại mãi âm
thầm trong trí tôi: "Tam thập nhi lập," Riêng tôi, chưa lập được gì cả.
Tôi đang ở trong một thành phố có những vết tích cổ xưa của đền đài thành
quách. Bây giờ những thứ đó cũng không nói lên được điều gì. Thỉnh thoảng nhìn
lại cũng có gợn lên trong lòng một chút buồn bâng quơ vậy thôi. Người ta chỉ
còn chú ý đến những đổ nát quanh thành phố và ngay trên những đền đài đó. Có lần
tôi cùng vài người bạn đưa một cô bạn từ xa đến, đi thăm những đền đài này, cô
bạn thắc mắc hỏi sao người ta chưa lo sửa sang lại những nơi này. Người bạn tôi
cười bảo: lo gì, cứ làm một cuộc cách mạng, lo cho mọi việc khác xong thì một
trăm cái đền đài này xây cũng nổi. Đó là câu chuyện nhỏ của năm vừa qua, vào
khoảng đầu mùa hạ. Bây giờ là mùa xuân của một năm mới. Mùa xuân mà tôi vừa đến
tuổi ba mươi.
Tôi đã dự định sẽ tổ chức sinh nhật của mình thật lớn để mừng tuổi khởi đầu
cho sự trưởng thành thật sự. Tôi có nói điều đó với mấy đứa em, cả với mẹ tôi nữa.
Những đứa em gái có vẻ mừng, nhắc nhở luôn và chờ đợi. Chúng nó hỏi tôi tổ chức
như thế nào, dọn ăn ra sao và mời những ai đến. Tôi cũng vẽ ra một không khí thật
rực rỡ và bảo thôi chờ đến đó hẵng hay.
Ngày sinh nhật cuối cùng đã đến cùng với mùa xuân. Hàng cây trước nhà đã
thay lá xanh nõn. Và tôi, cũng như những đứa em đã quên hẳn ngày sinh nhật vẽ
ra từ năm ngoái. Hai ngày sau ngày sinh nhật, tôi nhận được một điện tín. Đó là
điện tín của một người con gái dễ thương nhưng không yêu gửi về một lời chúc mừng
sinh nhật.
Tôi đã bỏ một buổi chiều để nghĩ về ngày sinh của mình cách đây ba mươi
năm. Làm sao còn nhớ được cái ngày khởi đầu cho một đời người xa heo hút như thế.
Tôi thử kiểm điểm lại xem mình đã làm được gì. Tôi nhớ năm mười lăm tuổi có lần
tôi đã mơ ước được đến tuổi hai mươi để làm người lớn, để được hút thuốc, được
tự do đi chơi nơi này nơi nọ, được làm tất cả những gì mà với tuổi 15 tôi chưa
có quyền làm.
Như thế mà đã 15 năm nữa. Tuổi mơ ước làm người lớn cũng đã đi qua. Đi qua
với một số kỷ niệm buồn vui có khi không còn nhớ rõ.
Thời gian mơ ước được làm người lớn cũng là thời gian của mối tình đầu
tiên. Cũng là thời gian đã được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng.
Cuộc tình duyên này không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và
nhan sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc
nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi là một thất vọng
lớn không lường được. Sau đó là những mối tình khác nhưng tôi vẫn khó xóa được
mặc cảm (tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi) đối với thành phố này.
Bây giờ tôi đã 30 tuổi.
Ba mươi cây nến không cây nào được đốt lên. Buổi chiều trong căn phòng chỉ
còn lại mình tôi, những đứa em gái đã đi học. Một thằng em trai làm ăn ở xa. Một
dứa khác đang hành quân trên đỉnh một ngọn núi cao mà có lần nó bảo là sương mù
quanh năm lạnh lắm. Mẹ tôi thì sang phố từ sau bữa cơm trưa.
Tôi nhớ đến tên những thằng bạn thân, bây giờ mỗi đứa đang ăn, ngủ, nhậu
hay hiểm nguy trên những địa thế khác nhau của mặt đất này. Ví dụ lúc này có thằng
Tường° ở đây thì nó sẽ uống thật cạn một ly rượu và mang cái ly ra dòng sông
bên cạnh nhà để vứt xuống. Không hiểu nó đã vứt được bao nhiêu cái ly xuống biển,
xuống sông, xuống đèo cho những sinh nhật bạn bè. Đó cũng là một thói quen làm
người khác dễ nhớ đến. Tất cả đều đã phiêu bạt. Như tôi cũng đã phiêu bạt.
Những lần quay về lại với căn nhà này tới luôn luôn mang cảm giác sự trở về
của một đứa con đi hoang. Thời gian trở về bao giờ cũng là thời gian để nằm nghỉ
và dưỡng sức. Như một con bệnh mệt mỏi, rã rời...
Tuổi trẻ chủ nhật, số 13/2001
Cuộc Sống Không Thể Thiếu Tình Yêu
Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả.
Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng
con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người
quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng
mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu. Tôi không thể nói về
một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo
kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó
thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố.
Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp
của tình yêu.
Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng
dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại.
Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và
đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là
tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì
làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể.
Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không
biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên
thuyên. Đời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt.
Người thật thế nào cũng được đền bù.
Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm
đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người
đã nói như vậy.
Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao
chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống
không thể thiếu tình yêu”.
Viết Và Thở
Có một thời tôi cần viết nhạc như cần thở vậy. Thời trẻ
trung, vọng động, thở nhiều, viết khỏe. Càng lớn công việc hô hấp càng đề huề,
bớt căng thăng, nhịp viết lách có bề lả lơi lai rai hơn.
Có một bầu không khí dành cho sự hít thở. Vì hô hấp quá cần
cho sự sống nên không mấy ai chịu lười thở. Người ở đồng bằng thở theo kiểu
sông rạch trôi đi miên man lở bồi phù sa, nước phèn, mặn, ngọt. Người thung
lũng thở kiểu ẩm đục sương giăng. Người ở trên non thở hồn nhiên lãng đãng.
Văn Tự
Trên mặt đất này, từ rừng núi, những làng quê đến các đô thị,
ở đâu cũng có các con đường để đi. Con đường có thể rất thô sơ, có lúc rất ngoạn
mục để từ đó con người đi tìm những con người hay tìm đến những chốn những nơi
cần cho những công việc riêng tư.
Có những con đường rừng núi do bàn chân người đi mãi thành
một lối mòn. Có những con đường do sự sắp xếp của đầu óc theo một mô hình để
con người thong dong đi đứng do bàn tay con người làm nên. Dù bằng cách nào thì
những con đường ấy vẫn có bổn phận giúp cho con người tìm đến một nơi nào đó mà
mình thích. Có những ngã ba, ngã tư, ngã năm, sáu, bảy và vào thời đại này những
con đường lại chồng chéo lên nhau từ những tầng rất cao đến những tầng thấp
sâu.
Những con đường ấy làm nên một thứ văn tự hay nói nôm na
hơn là một thứ chữ viết báo hiệu sự có mặt của đời sống con người.
Con vật cũng có lối đi riêng. Mỗi loài chim đều có một thứ
văn tự viết bằng đường bay của chúng trên bầu trời. Văn tự của con kiến được
con người đặt tên là "file indienne". Và còn biết bao nhiêu loài vật
khác, cả đến những loài côn trùng vô danh cũng đều có một loại văn tự riêng biệt
mà chỉ có chúng mới tự nhận ra. Đó là một kiểu văn tự viết bằng sự sống riêng
biệt của muôn loài.
Bèo dạt hoa trôi có một kiểu văn tự trên nước.
"Ecriture sur l'eau". Trên những sông ngòi quê ta có đời sống của lục
bình, của bèo làm những cuộc phiêu du không ngừng nghỉ.
Chúng như một bộ lạc du mục cứ mãi ra đi và đã vẽ lên một
thứ văn tự trên dòng nước. Có người ngồi bên dòng sông ngắm nhìn đám lục bình
trôi đi và phút chốc bỗng ngậm ngùi về một thứ văn tự hồn nhiên đã tan biến vào
hư không.
Đó là cuốn bạch thư hùng vĩ mà muôn loài đã để lại cho bầu
trời, mặt đất và sông nước.
Những văn tự hư ảo phiêu bồng đó dù không được lưu trữ
nhưng trong trí nhớ của những người thích suy tưởng về cuộc sống chung, nghĩ lại
đôi lúc cũng bồi hồi.
Thế giới Âm Nhạc - Tháng 3/1997
Sự Vật Con Người
1- Những ngày đầu năm mới tịch dương, sải chân tà tà về những
ngày cuối lịch âm cũ, bầu trời thành phố sớm chiều có một màu sắc khí hậu êm ả
dịu dàng.
Trời đất như thế, thường khiến ta tìm một nơi yên tĩnh ngồi
uống rượu, uống trà với bạn.
Buổi chiều chúng tôi thường đến một quán quen vào giờ chưa
có khách. Nói với nhau dăm ba câu chuyện về đời, về người, về nghệ thuật. Tiếng
nói chỉ đủ rơi quanh chỗ chúng tôi ngồi. Quán vẫn cho chúng tôi nghe một thứ âm
nhạc đã chọn kỹ, âm lượng mơ hồ như một thứ tiếng nói khác của thiên nhiên.
Anh bạn họa sĩ của tôi nói: Đôi khi âm nhạc cũng đuổi người
ta đi. Ý muốn nhắc nhở thứ âm nhạc ồn ào không thuận lợi mấy cho một khung cảnh
màu sắc sỗ sàng.
2- Quán có những hàng ghế, bàn mây sơn trắng. Sỏi trắng và
bãi cỏ xanh.
Đèn bật lên, quán bỗng chuyển sang một đời sống khác. Người
bạn tôi nói: Hình như loại cây nào không có hoa thì cũng không có trái. Cây tre
chỉ có lá mà thôi. Tôi nghĩ thầm: mụt măng cũng có thể xem như một loại trái
hài nhi của tre vậy. Tiếc rằng những thứ trái hài nhi ấy chưa kịp manh nha
thành thân, thành lá lại thường oan mệnh trước cuộc hóa thân.
Những âm thanh rời lẻ có khi hóa thân thành những dòng nhạc
đẹp, nhưng lắm khi cũng yểu mệnh vô thường.
3- Những quán hàng cũng có một kiếp sống vô thường.
Nơi đây ngày xưa có quán. Hôm nay có thể không còn. Bóng
dáng của quán ấy ở lại trong trí nhớ của con người. Con người mất đi, trí nhớ về
quán ấy cũng mất đi. Sự vắng bóng đó có khi vô nghĩa, trong cái bề bộn của cuộc
sống, nhưng ngẫu nhiên, ai biết được bỗng rơi tõm vào đời riêng của một người.
Câu chuyện về một cái quán khả ái nào đó tình cờ được nhắc nhở. Và phút chốc
cái quán cũng bàn ghế, cảnh trí, người ngợm của cái ngày nào xa xôi ấy bỗng thức
dậy trong trí nhớ một người xa lạ. Cái quán kia phục sinh trong một đời sống
khác.
Cũng như thế, có những câu hát một thời đã sống, đã lãng
quên và sống lại.
4- Một tác phẩm không bị lãng quên thường được mở rộng đường
để đi đến chốn không bờ bến của những giá trị dường như huyễn hoặc.
Con người bị lãng quên là kẻ đã tự đánh mất mình để rồi xóa
nốt mình trong trí nhớ của kẻ khác.
Cũng như thế, có những dòng nhạc của một đời người đã đứng
ngoài và cao hơn số phận của người đó.
Tôi đã đi qua những bề thế ấy, viết và thở. Có khi viết thở
kiểu hào hoa phong nhã công tử Bạc Liêu. Có khi hồn xiêu phách lạc viết thở
theo phong thái ngỡ ngàng rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Lại có lúc thơ thới
hồn nhiên viết thở tựa hồ như những bước chân hân hoan của "Hoàng tử
bé" rong chơi qua mọi vùng sinh thái tinh cầu.
Thời đại chúng ta đang sống, con người xô đẩy nhau la ó về
chuyện cần làm sạch sẽ môi sinh. Càng văn minh càng ô nhiễm khó thở. Không khí
vốn là một món ăn thiên nhiên tạo hoá đã dành sẵn cho lá phổi. Bỗng một hôm,
hai bữa, ba bốn ngày nọ tiếp nối đổ xô về hàng loạt những thứ bụi bặm kệch cỡm
múa may rối rắm trên trời dưới đất, trên nguồn dưới lũng, không dung tha, không
khoan nhượng. Thứ bụi rác độc hại đã xé toang buồng phổi sự sống của chúng ta.
Mọi thứ sinh linh khác cũng khó bề tồn tại.
Không khí vốn vô tư. Ai muốn thở cũng được.
Tôi vốn viết nhạc cũng như thở vậy.
Có điều khi thở tôi chọn cái không khí trong lành để cho lá
phổi không than phiền và cái sự hô hấp cũng bớt đi phần gian nan.
Một bài hát cũng vậy. Hát để thăng hoa đồng thời cũng để an
ủi. Sản phẩm văn nghệ chỉ đẹp khi có khả năng xoá đi những nỗi giận hờn. Nó có
bao giờ, muốn đèo bòng một thứ khác để tự hủy diệt nó đâu.
“Phải Biết Sống Hết Mình Trong Mỗi Sát Na Của Hiện Tại"
° Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính
là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật. Thuở
bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào
mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ
êm đềm giữa nhũng câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những
cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt
được, còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy.
° Không hiểu sao những năm gần đây, tôi thường nghĩ về Phật
giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát na,
một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của thực
tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng nằm ngồi. Không làm công việc này mà
nghĩ đến công việc khác. Với tôi, đó cũng là thiền, là một cách sống đích thực.
Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống như thế hàng ngày.
Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo. Tôi muốn
đó là một thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người
thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi
chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành
một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống
khác đi.
° Với tôi, Phật giáo là một triết học làm cho ta yêu đời
hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.
° ...Tôi không quan niệm tìm đến với Phật mà là trở về với
Phật tính trong cõi riêng mình. Đó là quê hương, là chiếc
ngai Phật. Tôi ngồi, Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập Phật. Như một
cơn lũ dũng mãnh đầy phù sa, mang theo trong nó những gì có thể nuôi dưỡng được
cho một cõi "Ngộ" ra đời. "Thấy" và biết" và từ đó làm
nảy sinh một nụ cười tủm tỉm, một thoáng cười hàm tiếu mà La Joconde của
Léonard de Vinci mới có thể trong muôn một so sánh được.
° Cuối năm 1995, tôi có viết được một bài hát mà tôi rất
thích và bạn bè ai cũng thích. Đó là bài "Sóng về đâu”. Bài này lấy cảm hứng
từ câu kệ: "Gate Gate. Paragaté. Parasamgaté. Bodhi svaha".
° Tôi đang đi tìm một cách biểu hiện mới. Muốn vậy, khi
sáng tác, tôi phải lãng quên hiện hữu này để đi vào một thực tại, một thực tại
phiêu bồng, ở đó không có những xung đột trần tục của chữ nghĩa và những lý luận
ngõ cụt không đâu.
Tôi đang tập hành Thiền về sự lãng quên. Lãng quên những gì
không cần thiết cho đời và cho chính bản thân mình.
Huyên Náo Và Tĩnh Lặng
Trong những ngày nằm bệnh không có gì thích thú bằng sự
tĩnh lặng. Không một ai quấy rầy đến sự nghỉ ngơi. Không có gì làm xao động cái
không gian đã được đóng kín lại cho một cõi riêng tư.
Nằm yên và nghe mình thở. Nằm yên và theo dõi những suy tưởng
của mình trước cuộc đời. Nằm và cảm nhận cùng một lúc sự gần gũi và cả sự xa vắng
đối với tất cả những gì đang cùng tồn tại hay đang vây quanh đời sống của ta.
Đau ốm chỉ là sự tạm dừng chân trong cuộc hành trình về
phía trước.
Vắng bạn đương nhiên là buồn. Nhưng bạn nào và sự có mặt của
bạn như thế nào đó mới thật là một niềm vui. Có những sự có mặt của bạn bè
tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc nên sự có mặt đó thường có khả năng
mang đến cho ta một sự thoải mái thảnh thơi tựa hồ như niềm hoan lạc. Đó là những
trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải cố gắng lấp đầy khoảng trống
bằng những câu chuyện gắng gượng, nhạt nhẽo.
Nếu trong âm nhạc không có những dấu lặng, dấu nghĩ, thì đó
là một tai họa. Đám đông và sự ồn ào không phải luôn luôn là đại diện của sự sống.
Ta cần sự nghỉ ngơi và tĩnh lặng không phải chỉ trong lúc nằm bệnh mà ngay cả
trong lúc đang sinh hoạt bình thường. Tiếng động ầm ĩ cũng giống như sự phát
ngôn huyên thuyên không có cơ may chấm dứt trong những cuộc họp mặt hoặc trong
những buổi trà dư tửu hậu. Đó chỉ là sự phá sản của những não trạng không bình
thường. Nó làm mệt mọi người và cả cuộc sống.
Có sự ồn ào của chợ và sự huyên náo của nghị trường. Nhưng
giữa sự ồn ào của chợ và sự huyên náo dị thường của những cái loa vô tội vạ
phát thanh về bất cứ vấn đề gì bất chấp người nghe muốn hay không thì tôi chọn
sự ồn ào của chợ. Bởi vì đằng sau sự ồn ào còn có thực phẩm trần gian. Nó hứa hẹn
những bữa ăn ngon trong không khí một gia đình sum họp.
Đi qua cuộc sống hàng ngày tôi biết có rất nhiều người
không biết hoặc không hề quan tâm đến sự tĩnh lặng. Họ thích nói và hình như cần
phải nói với bất cứ giá nào. Họ nói về bất cứ vấn đề gì miễn là có một kẻ thứ
hai để chịu đựng những điều họ muốn nói. Họ nói và cười sảng khoái cho riêng họ
bất chấp kẻ khác có đồng tình hay không.
Huyên náo và tĩnh lặng là hai trạng thái tinh thần khác
nhau. Người ta có thể phát bệnh vì tiếng la hét quá độ chứ không bao giờ mệt mỏi
vì sự yên tĩnh.
Tạp chí Sóng Nhạc
Tình Yêu Và Tiếng Hát
Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân
hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là
trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc.
Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có cơ duyên ra đời.
Có người đi đến với cuộc đời và ngẫm nghĩ. Nếu đời sống vắng
bóng âm nhạc và tiếng hát thì ta sẽ như thế nào đây? Ở đâu có con người, ở đó
có tiếng hát. Trên mặt đất trần gian này tiếng hát nhắc nhở ta một điều giản dị:
Tôi hát là tôi hiện hữu. Tôi tồn tại cũng có nghĩa là tôi sẽ mất đi. Tôi mất
đi, nhưng tiếng hát còn ở lại. Ở lại như một chứng tích vừa buồn bã vừa huy
hoàng của một cõi đời.
Tiếng hát thường làm nhớ nhung con người. Nhớ một con người
là nhớ cả một trần gian. Cái thân thể mỹ miều của trần gian này nọ đã từng vạch
ra những lối đi mờ ảo, hoang đường, trong bể dâu của cuộc sống. Thân thể ấy bỗng
tự thân đã biến thành thánh địa cho cuộc chiêm ngưỡng tình yêu. Âm nhạc và tiếng
hát ra đời để ca tụng một gót chân, một bàn tay, những môi, mắt, má, và đôi khi
một mái tóc trầm hương và sau đó là nụ cười, nước mắt của một đời người.
Tiếng hát là con đẻ của thân xác. Từ thân xác bay lên những
giai điệu và lời ca. Ca hát là để nhớ nhau và đôi lúc, để an ủi mình. An ủi một
cái gì còn ở lại và than thở một điều gì đã ra đi.
Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát,
câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại
với đời mãi mãi. Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt
cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình.
Tin Vào Niềm Tuyệt Vọng
Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời
không thể nào bày tỏ. Có khi bày tỏ được thì cũng chỉ là những tiếng nói dở
dang. Có người giấu bặt. Tôi chưa hề quên cái hiệu lệnh muôn đời: "Cái
ta đáng ghét”. Tuy nhiên trong cuộc sống thường nhật nơi đây, ngoài những
ngày hét la to đầy nộ khí, vẫn có những giây phút lui về muốn thở than. Phải
chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người.
Mỗi đời sống ẩn giấu một định mệnh. Có những định mệnh đời
đời là cây kiếm sắc. Một đôi lần trong giấc mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó.
Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn
lau.
Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng. Nhưng tôi tự nguyện
làm tên tuyệt vọng. Bởi nhiều khi sớm mai tôi thức dậy không thấy được hoa quả
khai sinh trong trái tim người.
Tôi lại biết thêm rằng, dù là người chiến thắng hay chiến bại,
suốt cuộc đời cũng không thể vui chơi. Hạnh phúc đã ngủ yên trong những ngăn
kéo của quên lãng.
Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc.
Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt
thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy
tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã ngủ yên. Và tôi đau đớn nhận ra rằng,
có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh.
Mỗi ngày sống tới, mỗi ngày tôi thấy đời sống nhỏ nhắn
thêm. Đời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ. Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt
mỗi lúc một gần gũi, thắm thiết hơn nên tôi càng thấy yêu mến cuộc đời. Như đứa
con ngoan không tuyệt tình nổi với rẫy sắn nương khoai, nơi có bà mẹ suốt đời mắt
không sáng nổi một ngày trẩy hội.
Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha
thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ
là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao
dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một
bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống
cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra
khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường.
Tôi đang bắt đầu những ngày học tập mới. Tôi là đứa bé. Tôi
là người bạn. Đôi khi tôi là người tình. Chúng tôi cùng học vẽ lại chân dung của
nhân loại. Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy tinh khôi chúng tôi
không bao giờ còn thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc
nghiệt. Chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực.
Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận.
Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để
biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người
cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm.
Chúng ta đã đấu tranh. Đang đấu tranh. Và có thể còn đấu
tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người chứ không
phải để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi người từ khước tước hiệu
đó.
Chúng ta đã đấu tranh như một người trẻ tuổi và đã sống mệt
mỏi như một kẻ già nua. Tôi đang muốn quên đi những trang triết lý, những luận
điệu phỉnh phờ. Ở đó có hai con đường. Một con đường dẫn ta về ca tụng sự vinh
quang của đời sống. Con đường còn lại dẫn về sự băng hoại.
Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới.
Đóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô
lệ, vong thân...
Những đấng tối cao, có lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý.
Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng.
Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn
không thể khác.
Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của
tên tuyệt vọng.
Bản Tình Ca ở Lại Với Ai?
Buổi sáng ở hội âm nhạc. Tôi đến hội như mọi ngày, ngồi ở
toà soạn báo Sóng Nhạc, người bạn tôi nói: Trưa nay anh về nhà đi.
Tôi hỏi: vì sao ông nói vậy. Có hôm nào mà tôi không về đâu. Có khi về sớm có
khi trễ. Trễ vì những ly bia chưa cạn. Nhưng bao giờ cũng có về. Vả lại, có ai
mà cứ đi mãi không về đâu. Có đi tất phải có về. Chắc chắn rồi sẽ có một lần về
vĩnh viễn để mãi mãi không bao giờ còn ra đi nữa. Sống gửi thác về mà.
Vui thay, một tác phẩm nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, khi
đã thực sự có mặt ở đời và đời nhận, là ra đi mãi mãi.
Có một người đàn bà, qua nhiều lá thư, có nhã ý tặng tôi
trái tim. Hãy cứ cho đi và đừng đòi hỏi gì cả. Tôi đã nghĩ như thế.
Một tác phẩm âm nhạc đã dâng tặng đời cũng không đòi hỏi phải
trả lại một điều gì cả.
Có những bản tình ca một thời tôi đã viết cho một người.
Người ấy sẽ đi hết đời mình và biến mất. Tôi cũng sẽ biến mất.
Bản tình ca kia ở lại với ai?
Nhiều lá thư gửi về toà soạn báo Sóng Nhạc nói rằng:
Chúng tôi không quan niệm nổi rằng đời sống mà có thể thiếu âm nhạc.
Âm nhạc cũng vậy, âm nhạc không thể tồn tại nếu vắng bóng
con người.
Có một lá thư thiếu nữ trẻ trung viết cho tôi: Mỗi ngày nếu
chịu khó nhìn lại phía sau trên đường đi đến hội âm nhạc tôi sẽ thấy một chiếc
xe PC khác chạy theo. Thiếu nữ chỉ tiếc rằng cuộc vui đùa trẻ trung ấy không kéo
dài được lâu nữa vì đã lớn rồi và phải lo toan nhiều chuyện khác?
Một bản tình ca nhiều khi đi theo suốt đường đời một con
người cho đến tàn cơn mộng mị. Tiếc lắm thay!
Có một bạn đọc Sóng Nhạc hỏi tôi: Lòng tốt có làm
thay đổi cuộc đời được không? Tôi nghĩ là có.
Âm nhạc cũng vậy. Nghe một bản nhạc hay, những lời ca đẹp,
có thể tâm hồn con người sẽ thánh thiện hơn. Âm nhạc thánh thiện sẽ không bao
giờ khơi dậy lòng độc ác.
Có những trái tim chỉ biết nuôi dưỡng lòng thù hận của quỷ
dữ. Những trái tim gây hấn chỉ muốn bày ra những bữa tiệc đời bằng gai và đá nhọn.
Những bữa ăn như thế đã làm khô héo dần thực phẩm trần gian.
May thay một bản tình ca chỉ có khả năng mang đến một nỗi
thương nhớ khôn nguôi đối với Đời, Người.
Để Bắt Đầu Một Hồi ức
Viết hồi ký về đời mình là quyền của mỗi người. Ai cũng muốn
ghi lại những kỷ niệm buồn, vui trong đời. Tuy nhiên vẫn có những hồi ký tự thuật
và những tường trình về đời mình có tính cách thiếu khiêm tốn và thậm chí đôi
khi không gần với sự thật lắm. Điều đó dễ dẫn ta đi vào một thứ trận đồ bát
quái tâm linh. Không có thật. Tôi rất ngại nói về mình mặc dù đã có nhiều cơ sở
xuất bản trong và ngoài nước đề nghị viết về một quá trình khá dài trong cuộc đời
làm nghệ thuật của tôi. Cái Tôi đáng ghét (Le moi est haisable) nhưng cái Tôi
cũng có lúc đáng yêu vì cái Tôi đó biết mình và cuộc đời là một. Tôi yêu cuộc đời
và cuộc đời cũng đã yêu tôi. Đó là niềm an ủi lớn trong cuộc sống này. Vì thế
trong lòng tôi không có giây phút nào nuôi lòng oán hận đối với cuộc đời. Dù có
đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn
quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận
hờn, trách móc mà làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xóa hết những vết bầm trong tâm hồn
chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời
sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn.
Ai cũng biết cuộc đời là quý vì vậy ai cũng muốn ôm lấy một
cuộc đời. Như đôi tình nhân. Nhưng mà nợ trần không dễ, không dài. Rồi sẽ có
phút chia lìa. Phút ấy không biết còn ai nhớ ai nữa không trên mặt đất trần
gian này.
Tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống. Một
phần cũng do một khúc quanh co nào đó của số phận. Thời trẻ tôi học võ và chơi
những môn điền kinh. Sau một cơn bệnh nặng kéo dài hơn hai năm do tập Judo với
người em trai và bỗng nhiên muốn bày tỏ một điều gì đó với cuộc đời. Tôi vốn
thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một
thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời
ru con của mẹ. Triết học Việt Nam có đó nhưng không được hệ thống hóa vì nó
bàng bạc trong đời sống dân gian.
Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca
khúc nổi tiếng nhưng đời đã tặng cho tôi món quà ấy thì tôi không thể không nhận.
Và khi đã nhận rồi thì mình phải có trách nhiệm đối với mọi người. Vì thế tôi
đã cố gắng làm thế nào để có thể trong những bài hát của mình chuyên chở được một
thông điệp của lòng nhân ái đến với mọi người.
Vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc.
Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc. Do đó khi tôi viết lên một bài hát ca tụng
tình yêu, hạnh phúc hoặc than thở về một nỗi tuyệt vọng nào đó thì hình như tôi
không mắc phải một lỗi lầm nào cả.
Thế giới âm nhạc - Tháng 1/1997
Kiếp Sau Tôi Vẫn Là Người Nghệ Sĩ . . . (Trả lời
phỏng vấn)
“Về Huế thảng ba. Trời đẹp. Ở Morin, nơi này xưa Charlie đã
từng ở. Thấy vui vì Huế như được phục sinh... sẽ nhận của Hải 1000 viên
táplô dự định xây nhà mới ở Huế".
Đó là những dòng chữ cuối cùng anh Sơn viết vào cuốn sổ tay
của tôi vào ngày 27/3/1998 trong lần cuối cùng anh trở lại Huế. Giờ đây,
Charlie Chaplin đã đi xa 22 năm và anh Sơn cũng vừa bước qua bóng mình và giờ
này có lẽ anh đang miên viễn hoà âm nơi nào đó trong xanh như dòng Hương trôi về
biển lớn vi vô, như anh từng ước ao rong chơi! Bất giác nhớ lại một vài lời với
nhiều dự cảm và ước mơ của anh sơn về cái sống và cái chết trong cuộc phỏng vấn
lịch sử- lịch sử bởi theo anh Sơn đây là lần phỏng vấn dài nhất trong đời mà
anh đã dành và tôi đã có cách nay vừa tròn 3 năm về trước. Dưới đây chỉ là
trích đoạn của cuộc phỏng vấn đó.
VCH: Ca khúc nào của anh đã có những điểm nhìn mới mẻ
về thân phận con người, tình yêu cuộc sống, cái chết và sự giải thoát nếu nhìn
từ phương diện triết học?
TCS: Một cõi đi về! Đây là một bài hát rất lạ, thực
sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát này bản thân tôi cũng thấy khó
giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích rõ ràng thì thật khó. Nhưng
khi tôi gặp không ít người dù họ ít học, họ lại thích, hỏi họ có hiểu không thì
họ trả lời không hiểu nhưng họ lại cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong
nên khi nghe, khi hát lên thì có một điều gì đó chạm đến trái tim của mình. Tôi
nghĩ trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường
ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa
gì thêm.
VCH: Mở ra một con đường ngắn nhất từ trái tim mình đến
trái tim người, nơi đâu là cõi đi cõi về khởi sự cho đoạn đường ngắn nhất ấy?
TCS: Một cõi đi về là ý đồ chính của bài hát, ai
cũng có một cõi đi về. Từ hư vô người ta đến với cuộc sống và từ cuộc đời rong
chơi một thời gian người ta lại trở về với hư vô. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có
cảm nhận rất lạ là sau khi nghe bài hát này anh không cảm thấy sợ chết nữa. Còn
nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì bỗng dưng hát Một cõi đi về khi cùng tôi
đi trong nghĩa trang Ngự Bình viếng mộ ba tôi. Tôi cho điều ấy là đúng vì ai
cũng có cõi đi cõi về giống nhau cả nên việc đến và đi tới cuộc đời rồi trở lại
hư vô nó không còn hăm doạ con người, không xa lạ với mọi người.
VCH: Cuộc đời là một kiếp rong chơi như “hạt
bụi nào hoá kiếp thân tôi" giữa "ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân
thì”. Mai sau anh mất rồi, liệu anh còn đủ sức rong chơi bên kia thế giới nữa
không?
TCS: Ai cũng mơ ước có điều đó, tôi tin như vậy nếu mình biết
được có một sự tiếp nối trong cuộc rong chơi đó. Có một sự tiếp nối ở một cõi,
một thế giới khác thì chắc là vui! Và tôi nghĩ thật sự có một cõi nào đó khác với
cõi đời này thì tất cả mọi người đều hy vọng được rong chơi mãi mãi.
VCH: Âm nhạc của anh, nếu tách từng trường đoạn thì rất
giản dị giống với những khúc dân ca nhưng nếu xâu chuỗi lại thì nó đang âm hưởng
của những bản Thiền ca. Để có không khí Thiền ca đó phải chăng là do Huế và
Khánh Ly làm nên?
TCS. Có thể là đúng ở chỗ địa lý theo tôi rất quan trọng.
Tâm hồn của mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biệt nào đó nuôi dưỡng, nó phả
vào tâm hồn một điều rất lạ và độc đáo. Ấy nên có những giọng nói khác nhau ở mỗi
vùng, thực sự trong âm nhạc và nghệ thuật cũng vậy. Có nhiều người than phiền
và trách tôi là tại sao tôi ở Huế mà không viết gì về Huế cả. Tôi nói tất cả những
bài hát của tôi đều viết về Huế. Thường như bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội, mình
không phải là người Hà Nội nên phải dùng từ "Hà Nội" để người ta biết
mình viết về vùng đất đó như những người không phải là đứa con của Huế thì hay
dùng từ "Huế" rất nhiều trong ca khúc của họ. Tôi không nói "Huế"
nhưng tất cả các bài hát của mình đều là “Huế"cả. Ví như ở Huế có "đường
Âm hồn” mà từ trên thế giới này không nơi nào có được chứ đừng nói ở Việt Nam
và mình đã viết (Sơn dừng lại, vừa giải thích vừa hát bằng giọng hát của người
bị ốm ): "đêm nghe gió than hoài, đêm nghe đất trở mình vì mưa". Mưa
Huế dễ sợ lắm, mưa có thể xáo trộn mọi trật tự đời thường. “đêm nghe gió thở
dài, đêm nghe tiếng khóc của bào thai". Chỉ có đường âm hồn mới có những
hồn thai với những ngọn đèn leo lét trong am miếu như "nghe trong tiếng thở
dài, nghe lăng miếu trùng vây, nghe xa cách cuộc đời, nghe lăng miếu cạnh
đây". Chỉ có Huế mới có lăng miếu, chỉ có Huế mới có tiếng thở dài rất
buông trùm xa xôi. Tất cả những điều đó đều là Huế vậy cần gì phải nhắc đến từ
“Huế” nữa! Thậm chí Một cõi đi về cũng là Huế chứ không thể ở chỗ
khác mà viết được.
Còn ca sỹ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng
cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó
Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài
hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sỹ nào ngoài
Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của
Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của
tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung
viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của
tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly.
VCH: Tôi nghĩ, nghệ sỹ bao giờ cũng có một nỗi ám ảnh
nào đó rất sâu sắc trong cuộc đời, nó xem như bệ phóng của sự sáng tạo...?
TCS: Nỗi ám ảnh lởn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho
đến sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh là cái chết. Sự sống và sự chết trở thành một
vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ suy cho cùng từ đâu mà ra
cái suy nghĩ đó là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó
mà mình từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy như tình
yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống sợ ngày nào sẽ mất đi. Sự mất mát và cái
chết là nỗi ám ảnh lớn nhất đời tôi.
VCH: Anh Sơn, xem ra Huế là nơi gần gũi với cái chết
nhưng anh lại trở về Huế và ước mong được nằm thanh thản với Huế. Có lẽ Huế vừa
là nơi gần gũi cái chết và cũng là nơi gần gũi với sự giải thoát?
TCS: Đúng rồi! Chỗ nào sinh ra cái chết thì nó cũng sinh ra
cái sống. Mình nghĩ đây là thời kỳ phục sinh, Huế được “sống lại", sống bền
bỉ thì tốt biết bao nhiêu? Bởi vì một thành phố “sống lại" tất cả những
gì, ai ở trong thành phố đó hoặc những ngành nghề nghệ thuật có cơ hội sống lại.
VCH: Anh cảm nhận cái chết ra sao sau lần bị bạo bệnh
này?
TCS: Nói về cái chết thì cũng hơi lạ. Mình vừa thoát khỏi
nó. Hôn mê suốt một ngày, thở bằng oxy nhưng đến lúc tỉnh dậy mọi người bảo ghi
chép lại cảm tưởng nhưng thật sự trước và tới lúc hôn mê, mình nhìn thấy bạn
bè, mình nói rất nhiều về những chuyện cũ cho đến lúc quên hết. Khi bình phục
người ta rất hân hoan còn mình thấy đó là một giấc ngủ an nhiên. Có thể sự thản
nhiên này làm mọi người thất vọng. Mình không thấy xa lạ sau khi từ cõi chết trở
về. Không hiểu đây là trường hợp cá biệt hay không. Đối với mình, biên giới giữa
cái chết và cái sống hình như chỉ là một sợi tóc mong manh. Cái chết và cái sống
chắc gần gũi lắm, giống như trong lúc sống mà ngủ quên một tý là trở thành cái
chết đến khi thức dậy lại trở thành cái sống. Nó là hai mặt của đời sống, mình
có thể chết lúc nào cũng được. Cái quan trọng nhất là không thấy buồn trong lúc
sống nên khi từ cõi chết trở về mình thấy yêu đời sống hơn trước, dè dặt trong
cách đối xử nên tốt với cuộc sống này hơn để khi chết được yên tâm, không thắc
mắc gì cả. Một cái chết như vậy cũng giống như cái sống. Nó không khác gì hơn?
VCH: Nghĩa là giữa chết và sống có một sự tiếp nối?
TCS: Chắc là có một sự tiếp nối bằng cách này hay cách nọ.
Hoặc là nó miên viễn trôi đi biền biệt giống như sông nước. Cái sống và cái chết
hoà lẫn vào nhau và trở thành một thực tại khác. Sống chết đến mức độ nào đó trở
thành một thực tại nằm ngoài sự kiểm soát của ý muốn con người.
VCH: Anh có bao giờ hình dung ra thân xác và tâm hồn
mình lúc ở bờ bên kia?
TCS: Chưa. Tại do lười biếng mà ra. Mình không bao giờ chuẩn
bị trước cho mình cái gì cả cho những ngày sắp tới như thể khi về Huế là cứ bỏ
đồ đạc vào là đi thôi.
VCH: Anh Sơn tại sao chúng ta cứ say sưa về
cái chết thế nhỉ?
TCS: Quan tâm đến cái chết là vì một trong những lý do là đời
sống quá nhiều bất trắc hoặc rơi vào những cạm bẩy của sự thất vọng nên người
ta nghĩ đến cái chết nhiều. Nhưng cuối cùng, nghĩ đến cái chết nhiều là vì quá
yêu cuộc sống. Mình không có quyền cho phép ai chết cả. Mình chỉ yêu nghệ thuật,
cái gì thuộc phạm trù cái đẹp cái thiện thì tồn tại. Nhưng đó là cái riêng của
mình chứ xã hội thì có cái xấu cái tốt, cái thiện cái ác, ai gieo gì gặt nấy.
Mình không bao giờ lầm lỡ khi quyết định số phận mình. Ngay cả giải quyết số phận
một ngọn cỏ cũng phải suy nghĩ, ngắt đi một bông hoa bên vệ đường cũng phải suy
tư huống chi số phận con người quá lớn và chúng ta không có quyền quyết định số
phận con người.
VCH: Nhưng cũng có người tự quyết định cái chết cho
mình khi họ thấy chết là một sự thanh thản trong nhịp hò đưa linh
thoát ra ngoài cõi ác thiện!
TCS: Chết là một sự trở về thì quá tốt trong lễ đón đầy hoa
đầy quả. Khi đứa con hoang đi lạc trở về, làng xóm người ta cũng vui mừng. Có lẽ
cũng có cha mẹ, làng mạc ở quê hương xa xưa đón chào. Như trong Quê nhà và
lưu đày của A.Camus, sống là một sự lưu đày và chết là trở về. Với mình thì có
một quê nhà khác. Những lúc mình buồn không hiểu vì sao mình buồn, có lẽ là nhớ
quê nhà và quê nhà gần gũi nhất của mình là bào thai mẹ. Nằm trong bào thai đến
hơn 9 tháng mới ra đời thì đôi lúc buồn nhớ là nhớ đến chỗ nằm trong bào thai đấy!
VCH: Thế nhưng A. Calmus lại có ý tưởng lạ lùng rằng ý
nghĩ đầu tiên khi người ta sinh ra là tự tử!
TCS: Đó là thời kỳ của những xung đột lớn nhất trong đời sống
hàng ngày. Người ta nói về phản kháng, tự tử. Phản kháng trở thành một model,
ai mà không phản kháng thì không phải con người của thế kỷ 20! Có một thứ ngôn
ngữ biện bạch cho quan niệm sống của mấy ông triết gia hiện sinh như A.Camus,
J.P Sartre.
VCH: Trước ma lực ám ảnh của cái chết, anh có trở
thành một người phản kháng theo điệu chơi của A. Camus trong đời sống
hiện đại?
TCS: Có lẽ trong sâu xa của tâm hồn thì có một sự phản
kháng triền miên, phản kháng theo kiểu âm thầm chứ không phải phản kháng theo
kiểu nổi loạn đập phá. Bởi vì không thể đập phá được vì rằng đập phá thì tất cả
những gì mình sợ mất mát sẽ chóng mất mát hơn. Có thể ở đây có một sự phản
kháng tiềm tàng trong suy nghĩ.
VCH: Nghe nhạc anh, nhiều lúc thấy đó là một dòng hiện
sinh âm ỉ, nồng nàn. . .
TCS: Hiện sinh chân chính đâu phải xấu. Mình cho rằng bậc
thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật. Tại vì Phật dạy ta phải thức tỉnh
trong từng sát na của cuộc sống. Như khi anh và Hải uống ly bia này thì chúng
ta hãy tận hưởng một cách trọn vẹn sự sung sướng của ly bia. Hoặc giả khi mình
đói, mình ăn cơm mình phải tập trung vào chén cơm và miệng mới ngon. Thực tình,
khi con người mà thức tỉnh trong từng sát na một thì chủ nghĩa hiện sinh không
là gì cả. Người này sống bình tĩnh trong trong từng sát na chứ không phải sống
theo đời thường theo kiểu hiện sinh sống vội sống vàng.
VCH: Có ngày nào từ một cõi đi về , anh được
phục sinh lúc ấy anh mơ ước anh là Sơn hay anh là ai, là ai. . .
TCS: Định mệnh cho phép mình được làm một người liên hệ mật
thiết với nghệ thuật. Nếu có kiếp sau kiếp nào đi nữa thì mình cũng là người
nghệ sỹ. Nghệ sỹ sống khoẻ, thoải mái trong cuộc đời này. Muốn yêu cỏ thì yêu cỏ,
muốn yêu hoa thì yêu hoa. Tự do tự tại là con người của mình!
Văn Cấm Hải thực hiện
Tôi đã tận hưởng
những tình cảm nhân loại
những tình cảm nhân loại
(Trả Lời Phỏng Vấn)
°Gần đây, anh có giới thiệu với bạn đọc cô Michiko, người
con gái Nhật Bản học đại học khoa tiếng Việt tại Paris đang soạn một luận án về
nhạc Trịnh Công Sơn. Anh có thể cho biết kỹ hơn về người bạn trẻ đã nặng lòng với
ngôn ngữ Việt Nam ấy?
Michiko là một người bạn gái có lối sống hay hay. Trước giải
phóng tôi có quen một cô gái Nhật khác. Cô ấy là một thi sĩ tên là Mitsuko. Chỉ
quen nhau qua thư từ và cô ấy yêu nhạc tôi. Sau giải phóng tôi cũng còn nhận được
thư cho đến năm 1976. Cô gái viết trong một lá thư: Bây giờ là mùa đông ở Tokyo
nhưng anh đừng ngại vì những bài hát của anh đã được em sưởi ấm trong đôi cánh
tay, không ngại tuyết trắng làm giá băng đâu.
Michiko nói tiếng Việt được. Điều ấy cũng đủ làm chúng ta
thích thú. Lại hát được tiếng Việt và đã hát hai lần tại Câu lạc bộ Bến Nghé do
nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phụ trách. Michiko thích thành phố chúng ta hơn Paris.
Điều đó cũng làm chúng ta suy nghĩ.
Mỗi sáng chủ nhật lúc 9 giờ (3 giờ sáng tại Paris) tôi đều
có điện thoại của Michiko gọi từ Paris về. Hỏi thăm sự ăn uống, ngủ hàng ngày
và nói chuyện về những bài hát chuẩn bị cho luận án ra trường.
Michiko tự đệm đàn và hát trên piano hoặc guitare. Nhưng
môn sở trường của Michiko là chơi volley-ball. Vô địch và huấn luyện cho sinh
viên Việt Nam ở các trường đại học tại Paris. Đó là chuyện chơi. Việc làm chính
của Michiko là thông dịch. Michiko biết và nói được 6 thứ tiếng. Dĩ nhiên tiếng
Nhật là giỏi nhất, sau đó là tiếng Ý, Pháp và Việt. Nói thêm tiếng Anh và bút
đàm bằng tiếng Trung Quốc.
Michiko viết thư cho tôi bằng tiếng Việt, chỉ có những đoạn
diễn đạt hơi khó, cần rõ ràng mới viết bằng tiếng Pháp. Qua điện thoại cũng vậy,
chúng tôi nói chuyện với nhau vừa tiếng Việt vừa tiếng Pháp. Nói chung Michiko
là một người con gái đáng yêu và điều đáng yêu nhất là xem Việt Nam như quê
hương của mình vậy.
°Kể từ cuộc triển lãm chung với các họa sĩ Đinh Cường, Tôn
Thất Văn vào đầu năm nay, bạn đọc ít được nghe bản nhạc mới nào của anh, trong
khi đó anh vẽ tranh rất nhiều và sắp triển lãm nữa. Vậy có phải anh dành hết
thì giờ cho vẽ mà không viết nhạc, hay vì không viết được mà quay qua vẽ?
- Tôi có những ham muốn và những thích thú bất chợt. Khi
thích vẽ thì vẽ, viết nhạc thì viết và có những lúc chỉ muốn viết văn hoặc làm
thơ. Viết văn và làm thơ đối với tôi như thở vậy. Dễ dàng và cũng nhẹ nhàng như
khói bốc lên. Vẽ và viết ca khúc thì khác. Viết ca khúc có lúc chỉ vài giờ là
xong, có khi cả tuần, cả tháng. Vẽ đối với tôi là một niềm say mê đặc biệt. Vấn
đề là phải tạo được một không khí cho riêng mình. Đã đụng màu vào toile là
không dứt ra được, mầu này kêu gọi màu khác. Nét vẽ này đòi hỏi một nét tiếp
theo như Hamarque có viết câu: Le vin appellelevin.
Thế là mất ngủ. Tôi đã vẽ từ rất lâu. Và cái niềm say mê vẽ
thì nó cuốn hút mình như một con nước xoáy. Không thể ngừng, không thể dứt ra
được. Đến 5 giờ sáng vẫn mở mắt nhìn vào toile để xem còn thêm bớt gì nữa
không. Bố cục trong tranh cũng như bố cục trong âm nhạc vậy - nó chặt chẽ nhưng
cũng có những khoảng tưởng như vụng về. Cái vụng về ấy là cố ý như cái răng khểnh
hoặc nốt ruồi trên khuôn mặt đẹp.
Tôi và các bạn họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em,
Tôn Thất Văn đang chuẩn bị một phòng tranh về chân dung. Riêng tôi đã có khoảng
16 bức cỡ tương đối lớn.
Có những chuyện đời nói bằng thơ văn, có lúc lại phải diễn
đạt bằng ca khúc và cũng có lúc phải vẽ mới nói hết những điều mình mang đến
cho anh em quanh cuộc sống của mình.
Bài hát năm nay của tôi chỉ cần nghe Lặng lẽ nơi này và Tình
khúc Ơ bai là đủ. Viết nhiều, vẽ nhiều đâu có phải là lý do tồn tại của một
tác phẩm.
°Sống ở đời lúc nào cũng cần có một tấm lòng, bài viết của
Khánh Ly trong Tuần tin Thanh niên và được báo Tiền phong in
lại vào số Tết 1989, đã gây ngạc nhiên và xúc động nhiều đối với bạn đọc. Riêng
anh, đối tượng mà Khánh Ly nhắc đến trong bài viết, anh nghĩ như thế nào khi đọc
bài đó?
- Trước tiên đó là một bài viết hay. Những câu nói âu yếm
trong bài là dành cho một người khác đã chết rồi. Tôi và Khánh Ly chỉ là hai
người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn. Những gì tôi đã làm được cho
Khánh Ly thì cũng là phù phiếm thôi. Có thể trong lòng Khánh Ly ngày trước có
nhiều điều chưa nói được. Không nói được thì đành thôi vậy. Đời sống không đơn
giản. Nếu cần một phút nói rất thật thì tôi nói rằng: Khánh Ly và tôi là hai
người bạn lãng đãng trong cuộc đời mà rất thương yêu nhau.
Tôi có những người em gái cũng vậy. Yêu thương tôi hơn
yêu chồng. Bởi lẽ tôi đã cố gắng mang đến trong cuộc sống ngắn ngủi của mình một
tình cảm chân thật và nhân hậu. Mỗi người có đời sống riêng. Khánh Ly cũng vậy.
Nhưng nhớ thương nhau vì sự đùm bọc lẫn nhau nâng nhau lên với một tình cảm
phúc hậu, mà không mưu toan, thì hiếm. Chúng tôi đã có một thời chia xẻ cho
nhau từng miếng ăn thức uống. Từ đó nảy sinh một thứ tình yêu không giống những
tình yêu khác. Chúng tôi như hai đứa bạn trai. Nếu có điều gì chưa nói hết thì
điều đó thuộc đời riêng của Khánh Ly. Có ai đủ can đảm phủ nhận một thời hạnh
phúc mà trong đó Khánh Ly và tôi đã tận hưởng từ những tình cảm nhân loại nhất
của mọi người.
Lữ Quỳnh thực hiện (Cửa sổ Văn hóa - Tháng
5/1989)
Tôi Luôn Sống Với Hiện Tại
(Trả lời phỏng vấn)
°Xin mượn một cách người ta ví von
rất hay về Tagore, ông là một "Người tình của cuộc đời”, “người lính canh
của cuộc sống”. Vâng, có thể nói anh là "Người lính canh của tình yêu "
“Người tình của người tình"...không?
- (Cười) Nếu cần phải có một
tên gọi cho vui, thì tôi nghĩ rằng mình có lẽ là "Người tình của cuộc
sống"...
° Cuộc sống của anh thế
nào, anh nghĩ nhiều về quá khứ hay hướng về hiện tại, tương lai?
Tôi luôn sống với hiện tại. Cái
giờ phút mình đang sống đây tôi thấy mới thật là quan trọng.
° Sự nổi tiếng, anh có phải
đôi khi trốn chạy nó không ?
Có nổi tiếng là một sự trả giá
mệt mỏi, buồn phiền. Được có những phút riêng tư, tĩnh lặng là hạnh phúc. Tuy
nhiên, cũng không nên để mình rơi vào không gian vắng vẻ quá.
° Có lẽ. Tôi thấy rằng anh
ngồi một mình nhưng tiếng chuông điện thoại luôn luôn reo. Một ai đó đã nói rằng,
trong một lúc say sưa nào đó, anh chứ không phải ai khác, mới là người hát nhạc
Trịnh Công Sơn hay nhất...
Điều đó thì tôi nghĩ rằng,
trong mọi lúc tôi luôn luôn là người hát hay nhạc của tôi. Vấn đề đơn giản là
tôi hiểu nội dung bài hát mà mình đã sáng tác.
°Điều gì quan trọng trong cảm hứng
và sáng tạo của anh, nuôi dưỡng một tâm hồn âm nhạc anh suốt đời? Tình yêu, những
người phụ nữ hay là sự hấp dẫn của câu chữ ngôn từ?
Câu hỏi này khá thú vị. Tôi đã
nhiều năm suy nghĩ về chuyện này. Cuối cùng tôi đã tin rằng có một cái gì đó
không xa xôi cũng không gần gũi, cái đó chính là định mệnh, cũng như định mệnh
vẫn thường chi phối cả một đời người. Cũng như tôi đã sống và luôn nghĩ về cuộc
đời, về con người.
° Bây giờ sáng tác thì anh
sẽ sáng tác như thế nào?
- Tôi nghĩ về một lối sáng tác
mới, phù hợp với đời và với tôi. Đó có thể là những bài hát thật ngắn, ngắn như
một bài thơ 4 câu, ngắn như ngôn từ đang ngắn đi trong cuộc sống hiện tại. Ý tưởng
súc tích hơn, hoặc có thể vẫn như cũ, nhưng con đường đi đến nó sẽ gọn ghẽ
hơn...Mà nói chung, sáng tác là sáng tác, tôi thấy "không thế nào cả !
"
° Vâng, xin cảm ơn anh
Âm Nhạc Mùa Xuân Tình Yêu
(Trả lời phỏng vấn)
° Trong các nhạc sĩ nổi
danh, thưa anh Trịnh Công Sơn, anh là thi sĩ của âm nhạc hay âm nhạc của thi
ca? Vì sao anh viết được lời ca và ngay cả một thi sĩ tài danh nhất cũng phải nể
phục? Có phải anh là người đầu tiên ở Việt Nam đã xoá nhoà ranh giới thi ca và âm
nhạc?
- Có lẽ đã lâu lắm rồi tôi hoàn
toàn quên lãng cái biên giới giữa các bộ môn nghệ thuật và văn học. Tôi đã làm
tất cả những điều ấy với một sự đãng trí rất hồn nhiên. Gần như tôi không còn bận
tâm về những khái niệm, về những phạm trù. Có lúc dường như tôi đã lăn lộn tôi
giữa con người đang làm việc này và con người đang làm việc kia. Có thể nói rõ
hơn là tất cả những gì tôi đã làm bấy lâu nay tưởng như là nhiều công việc khác
nhau nhưng thật ra chỉ là một. Và như vậy cũng có nghĩa là người đời muốn định
nghĩa tôi như thế nào cũng được. Tôi vui lòng và cám ơn tất cả mọi thứ tên gọi.
Cũng có thêm điều này rất cần nói với tất cả bạn bè anh em là tôi không bao giờ
có ý định làm một điều gì khác thường cả. Có lẽ cũng giống như con chim sinh ra
để hót, hoặc như người thợ nề hồ thì xây lên một chốn trú ngụ cho con người
tránh nắng tránh mưa vậy thôi. Tôi nghĩ rằng, nếu không có gì phiền, thì cũng
nên đơn giản hoá vấn đề văn nghệ này cho đời đỡ phức tạp. Mục đích đầu tiên sau
cùng của nghệ thuật và văn học, theo tôi là mang đến cái hay cái đẹp cho đời
người. Tự thân nó không có mầm mống của một mưu toan nào cả. Hãy cho nó thanh
thản tự do và mãi mãi là hiện thân của điều thiện của cái đẹp.
°Anh là một người Huế, vì sao
ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội của anh lại Hà Nội đến thế?
- Hình như định mệnh buộc tôi
chỉ có những mối tình với người Hà Nội. Từ đó tôi thường nghĩ về Hà Nội rất nhiều.
Nếu sau 1975 tôi được phép ra Hà Nội hơn nữa mãi đến năm 1977 mới được đi. Nguồn
cảm hứng của ngày hội ngộ như mơ ước trong bài Tôi sẽ đi thăm bỗng
như bị một nhát dao cắt lìa đi. Tiếc quá. Nhưng rồi 1984 tôi được ở với mùa thu
Hà Nội gần hai tháng. Suốt ngày nằm thơ thẩn ở bãi cỏ bên Hồ Tây. Thế là bài Nhớ
mùa thu Hà Nội ra đời. Ra đời với một số phận không may mắn. Nghĩa là bài
hát được thu xong bị cấm phổ biến cho đến vài năm gần đây mới được trả lại tự
do để cho mọi người nghe. Tuy nhiên bài hát vẫn bị cắt đi cái phần coda mà tôi
thích: Nhớ đến một người để nhớ mọi người. Khi bạn yêu một người nào
đó ở một xứ sở xa lạ thì lập tức nơi chốn đó sẽ trở thành quê hương của bạn
ngay, điều đó đơn giản quá mà một vài người có thẩm quyền cứ muốn hiểu khác đi.
Cũng đáng buồn thật.
°Những người lính rất thích bài Huyền
thoại Mẹ của anh. Xin anh cho biết đôi nét về nguồn cảm xúc và xuất xứ bài
ca này.
Tôi viết bài Huyền thoại Mẹ. Bài
hát viết từ nhiều nguồn cảm hứng. Dạo tôi ra Quảng Bình được nhìn bức ảnh mẹ Suốt
tóc bay ngang trời chống thuyền qua sông giữa bom đạn rồi kết hợp với những thực
tế cùng những câu chuyện nghe được, tôi nghĩ đến mẹ và tôi viết. Mẹ tôi về lòng
dũng cảm và lòng thương con thì là duy nhất trong cuộc đời này.
-Hơn thế những người lính trẻ vẫn
còn độc thân như anh, xin anh cho biết mối quan hệ giữa âm nhạc của anh và tình
yêu, dĩ nhiên là tình yêu đôi lứa ? Anh nghĩ gì về tình
yêu, về sự bất tử và cái chết?
- Nếu vì một lý do nào đó mà
tôi mất hẳn chức năng biết yêu, và mất tình yêu có lẽ bây giờ tôi không trở
thành người viết tình ca. Cái may ở đời là bị phụ tình. Với tôi, trong tình yêu
không có sự bất tử. Người ta chỉ muốn lãng mạn hóa nó đó thôi. Cái thời kỳ ấy,
có nghĩa là thời kỳ hiểu nhầm ấy đã mất tăm mất tích rồi. Tuy vậy trong sự bất
tử có thể có tình yêu. Đây là một sự lãng mạn mới, âm thầm, kín đáo hơn nhưng
mà cũng đáng yêu hơn. Cái chết là một điều đáng gờm nhưng không ai tránh khỏi
được. Để có được một sức mạnh chống lại nó thì hãy yêu và hãy biết yêu như thế
nào đó để cái chết chỉ còn là một tồn tại viển vông, chẳng cần thiết.
° Có phải anh vừa tìm ra giai
điệu mới trong hội họa của mình? Xin anh cho biết mối quan hệ giữa âm nhạc và hội
họa của anh?
- Như tôi đã nói ở trên, tôi
đang ở trong một trạng thái là không biết phân biệt nữa. Tâm hồn tôi đang như
là một ngôi nhà mà hội hoạ, âm nhạc, và thi ca chỉ là thời tiết mùa màng đổi
thay của một sự sống đang trú ngụ ở trong đó.
- Xin anh cho biết dự định sắp
tới của mình?
- Sắp tới tôi phải làm việc nhiều
hơn để lẩn trốn sự ám ảnh về cái chết.
Nói về những bài hát ở Sài Gòn
trước 1975
trước 1975
(Trả lời phỏng vấn)
Năm 1993 đời sống âm nhạc thành
phố Hồ Chí Minh nổi lên hiện tượng karaoke với sự lấn át của các bản nhạc Sài
Gòn cũ, nhiều người yêu nhạc giật mình vì phương tiện văn hóa đại chúng hiện đại
này đã tạo cơ hội ngàn vàng cho loạt nhạc sến tràn ngập không gian. Chẳng lẽ ca
khúc Sài Gòn trước 75 chỉ là như thế? Ba tập tình khúc Trịnh Công Sơn ra đời là
một sự cải chính. Việc ấy gợi ý cho tôi - một người yêu nhạc - tìm đến
anh hỏi chuyện về ca khúc Sài Gòn xưa, cốt để mình và những người giống
như mình không sống ở Sài Gòn thời ấy có một cái nhìn đại khái nhưng chuẩn xác
về một quá khứ dù muốn dù không vẫn hiện diện cách này, cách khác trong đời sống
hôm nay. Sau một cú điện thoại, nhạc sĩ nhận lời ngay, mặc dù anh đang mệt sau
nhiều đêm mất ngủ.
- Nói chuyện cũ dễ mênh
mông. Vậy xin anh nói ngay, anh nhớ đến những tên tuổi nào?
TCS: (nghĩ một phút): đầu
tiên là Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến. Phạm Duy bàng bạc trong tất cả đời
sống âm nhạc, đặc biệt tràn ngập từ 1960 trở đi. Rồi một số nhóm: nhóm Ngô Thụy
Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng (tạm gọi là nhóm trẻ), nhóm Hữu Thành, Văn Phụng
(tiền chiến), nhóm “bolero" (gốc của nhạc được gọi là sến là từ
nhóm này): Hoàng Thi Thơ, Duy Khánh, Y Vân - Y Vũ, và Trần Thiện Thanh, Thanh
Sơn, Trúc Phương. Cũng phải kể Nguyễn Hữu Thiết (bố của ca sĩ Hồng Hạnh), Phạm
Trọng Cầu (anh mang về một số bài từ Paris: “Em ra đi mùa thu..."). Tôi và
một số bạn khác đi vào thanh niên, sinh viên, trí thức là chủ yếu.
- Trong những tên anh vừa
nêu ngoài Phạm Duy và anh ra, tôi và các bạn tôi ở Hà Nội chủ yếu yêu Cung Tiến,
Phạm Đình Chương, cũng có thích Vũ Thành An chút chút...
TCS: Y Vân rất đáng kể với
"Lòng mẹ", Ngô Thụy Miên giới trẻ thuộc nhiều loại nhạc êm êm, và Từ
Công Phụng “Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em". Còn một số nữa, phải ngồi một
lúc, đào óc rồi mới nhớ ra.
- Tôi nghĩ cái gì lưu được
trong ký ức mình là đáng kể. Anh nhận xét thật ngắn gọn về Phạm Duy thế nào?
TCS: Phạm Duy phát triển
dân ca, đưa đến một màu sắc khác, cập nhật hóa, làm nó thoát ra khỏi thân phận
cũ của nó (khác với giọng dân ca hơi thấp, không phát triển như Hoàng Thi
Thơ...).
- Nói cách khác, dân ca ở
Phạm Duy đã được đô thị hóa?
TCS: Hiện đại hóa. Gần gũi
giới trẻ thành phố. Ông còn thêm cả giai điệu và lời cho dân ca. Một con người
rất tài năng, thông minh. Điểm thứ hai: không ai phổ thơ hay bằng Phạm Duy. Thời
kỳ sau, ông phổ thơ rất nhiều. Bài thơ nào qua tay ông là nổi tiếng. Một nhà ảo
thuật về phổ thơ.
Tiếng sáo Thiên Thai, Nắng chia
nửa bãi. . . tuyệt vời. Ngoài Bắc hồi chiến tranh tôi nghe đài Sài Gòn, mê hai
bài lắm. Thế những đạo ca, tâm ca, tục ca đóng góp gì không?
TCS: Chỉ có tính cách
phong trào giai đoạn, vui chơi ngôn ngữ, không bền. Nhưng tục ca ông viết trong
các buổi sinh hoạt của nhóm Du ca với Nguyễn Đức Quang cũng nổi tiếng...
- Cung Tiến tôi thấy đặc biệt.
Chắc chất cổ điển ?
TCS: Cung Tiến có nền tảng
rất vững bán cổ điển, màu sắc Tây Phương.
- Ăn khách nhất, chắc cũng như
giờ, là loại nhạc “sến".
TCS: Thanh niên, sinh viên
thích nghe Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Y Vân - Y Vũ. Đại công
chúng thích cái gì dễ nghe, lời bình dân, nhạc eo éo, tức là nhạc "sến”.
Thời nào cũng vậy. Tất nhiên, “sến" cũng có nhiều bậc. Nhóm
"bolero" còn là bậc trên.
Những loại nhạc như thế có đóng
góp gì không?
TCS: Điều quan trọng là nó
đúng với tâm lý của thời đại nó. Như vậy cũng là đóng góp. Nhiều nhạc sĩ trẻ
hôm nay khi khai thác một số mô típ của loại nhạc êm êm (người ta có thể nói
ngay bài này giống Từ Công Phụng, bài kia giông giống ai đó...)
- Nói về ca từ. Anh thấy ai làm
lời đẹp?
TCS: Phạm Đình Chương, Phạm
Duy, Cung Tiến.
- Tức là lớp trước. Các lớp
sau có vẻ không chăm sóc lắm đến lời?
TCS: Có thể nhưng không tới.
- Vì sao?
TCS: Các lớp sau lời có thể
thơ mộng (poétique) nhưng chỉ nghe đường được, không có chiều sâu, tâm tình
không mở ra chân trời mới. Có lẽ vì hoàn cảnh sống, đời trước sống chậm, sáng
tác theo cảm hứng; đời sau sống vội và phải sáng tác để sống, phải cạnh tranh để
tồn tại, phải luôn có mặt để không bị quên. Ngay Phạm Duy về sau nghĩ không kịp
lời, phải phổ thơ. Chính tôi cũng phải bảo đảm mỗi năm có một tập nhạc và một
băng nhạc, có năm phải hai.
- Nhưng lời của anh đâu có bị tầm
thường, thậm chí nhiều người còn coi anh thành công chủ yếu nhờ lời hay -
như thơ.
TCS: Tôi có cách làm việc;
năm nay tôi đi đây đi đó lấy mưa nắng cho năm sau. Tôi tích lũy gối đầu.
- Từ nãy anh chưa nói
đến dòng ảnh hưởng nhạc Pop Âu Mỹ.
TCS: À, phong trào này có
trung tâm là trường Taberd rồi vườn Tao Đàn. Đỉnh cao là các "đại hội
nhạc trẻ". Rất thành công. Một số nhạc sĩ trẻ như Lê Hữu Hà từ chỗ dịch lời
bài hát nước ngoài rồi làm nhạc pop-rock Việt Nam.
- Có đọng lại được gì không?
TCS: Chủ yếu là bắt chước.
- Hình như người Việt Nam
cho đến hôm nay vẫn không hợp với rock ?
TCS: Môi trường ở đây (điều
kiện kinh tế, điều kiện sống) không đủ chất pop-rock. Vả lại các tóp-hít nước
ngoài có lẽ cũng thỏa mãn người yêu rock rồi.
- Ca khúc Sài Gòn trước 75
thiêú chất hùng tráng mà ca khúc miền Bắc thời kỳ ấy dư thừa?
TCS: Chỉ có loại nhạc nhà
binh do các nhạc sĩ quân đội viết cho quân trường. Nhưng ngoài Bắc lại không có
dòng nhạc đấu tranh: căm hờn, thiết tha, ước mơ, kêu gọi. Đến bây giờ sinh viên
vẫn thích những bài đấu tranh dạo ấy, như bài "Nối vòng tay lớn" vẫn
là bài hát tập thể trong sinh hoạt thanh niên. Bây giờ có tổ chức sáng tác bài
hát tập thể, nhưng viết không được, không có không khí.
- Anh có theo dõi công việc
của các nhạc sĩ cũ sau khi ra nước ngoài?
TCS: Khoảng 10 năm đầu rời
nước họ còn viết được, cảm hứng đau thương của những ngày vượt biển vẫn còn
nóng hổi. Sau đó, yếu dần, hiện nay thì bế tắc.
- Cùng với Phạm Duy, anh
là một hiện tượng đặc biệt khác của âm nhạc Sài Gòn. Anh có một từ vựng và một âm
hưởng rất riêng. Cái đó bắt nguồn từ đâu?
TCS: Nói tóm tắt thì tôi
đi từ những cuộc tình nho nhỏ, đến triết lý về thân phận con người, rồi ám ảnh
chiến tranh. Không gian mở rộng dần, các vấn đề trên đan vào nhau. Sinh viên thấy
đúng là tiếng nói của họ lần đầu tiên có người nói lên. Còn âm hưởng, tôi ảnh
hưởng của thi ca và âm nhạc da đen; blues, gospelsong. Tôi muốn viết nên điệu
buồn da vàng.
Hoàng Hưng thực hiện
Sài Gòn 1/1994
Tạp chí nhạc, số 3,
4, 5/1994
Chữ tài chữ mệnh cũng là bể dâu
(Trả lời phỏng vấn)
Hỏi: Có sự khác nhau nào giữa một Trịnh Công Sơn trước năm
1975 và sau năm 1975 trong sáng tác của nhạc sĩ?
Trịnh Công Sơn: Sự khác nhau là rất lớn, hai mươi năm trôi
qua mà không có gì thay đổi đó mới là điều lạ, và khi ấy tâm hồn người sáng tác
chẳng khác gì mặt nước ao tù.
Hỏi: Quê hương xứ Huế và Đạo Phật có ảnh hưởng thế nào
đối với sáng tác của Nhạc sĩ? Điều gì trong cuộc sống có ảnh hưởng lớn nhất?
Theo Nhạc sĩ để cảm nhận được cái hay cái đẹp của âm nhạc và các sáng tác của
Nhạc sĩ nói riêng, thính giả cần có điều kiện gì ?
TCS: Huế và Đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời
thơ ấu của tôi. Tất cả những gì thuộc về cuộc sống đều có ảnh hưởng trên đời sống
tinh thần và tình cảm của tôi. Để có thể cảm nhận được cái hay cái đẹp trong âm
nhạc và riêng trong những ca khúc của tôi, cần có một linh cảm nhạy bén và vốn
kiến thức nhất định.
Hỏi: Các bài nhạc của Nhạc sĩ càng về sau càng thể hiện
tính triết lý. Phải chăng càng lớn tuổi người ta càng có nhiều nỗi cô đơn trong Một
cõi đi về của mình ?
TCS: Đúng là như vậy.
Hỏi: Người ta thường nói: “Những tác phẩm bất hủ trên mọi
lãnh vực nghệ thuật đều do tài năng cộng với sự đau khổ mà thành ". Vậy
các ca khúc của Nhạc sĩ do những yếu tố nào tạo nên?
TCS: Câu nói trên cũng đúng với những ca khúc của tôi.
Hỏi: Theo Nhạc sĩ, ca sĩ nào thể hiện thành công nhất
tác phẩm của mình? Nhạc sĩ có thể cho một nhận đinh thật công bằng giữa Khánh
Ly và cô Bống trong mối quan hệ với Nhạc sĩ về nghệ thuật không? Trong dịp về
thăm cố hương lần này Khánh Ly có thu giọng ca khúc nào của Nhạc sĩ không? Nhạc
sĩ có ý định cùng Khánh Ly làm một tour biễu diễn xuyên Việt không?
TCS: Cách diễn đạt của Khánh Ly và Hồng Nhung hoàn toàn
khác nhau. Mỗi người đều có thính giả riêng của mình. Tuy nhiên cái giới nghe
và yêu thích Khánh Ly vẫn đông đảo hơn nhiều. Trong nghệ thuật Khánh Ly là một
người làm việc rất nghiêm túc và luôn luôn giữ một mối liên hệ mật thiết với
tác giả để tìm hiểu cặn kẽ những điều tác giả muốn nói trong tác phẩm. Đầu năm
nay Khánh Ly có dự định về nhưng phút cuối, Khánh Ly có điện về cho biết vì những
lý do riêng tư nên chưa về được.
Hỏi: Hình như chương trình "Những dấu chân không năm
tháng" không thành công như mong đợi của Nhạc sĩ? Phải chăng các ca
sĩ đương thời không thể hiện được cái thần của bài hát?
TCS: Có thể là như thế thật.
Hỏi: Nhạc sĩ Văn Cao đã từng viết: Trịnh Công Sơn viết dễ
như lấy chữ trong túi ra”. Nhạc sĩ có thể bật mí với độc giả đôi điều về
cái túi của mình không? Túi có bị vơi đi khi đã quá nhiều chữ được chuyển vào
ca khúc?
TCS: Văn Cao chỉ nhắc lại câu nói này của Nhạc sĩ Nguyễn
Xuân Khoát, người mà tôi rất kính trọng. Tôi có cảm tưởng cái túi này chưa vơi
đi bao nhiêu.
Hỏi: Nguồn lực nào đã giúp Nhạc sĩ chuyển tải tới công
chúng nhiều thế hệ những ca khúc như thách đố với thời gian ? Trong
cuộc sống đời thường nhạc sĩ có được thành công và hạnh phúc như trong sáng tác
không ?
TCS: Công bằng mà nói thì động lực chính là công chúng. Tôi
muốn mang đến cho họ những gì hay nhất lạ nhất. Thành công và hạnh phúc không
phải là cặp bài trùng luôn luôn dành riêng cho một người như một ân sủng bất khả
vãn hồi. Vì vậy thất bại và bất hạnh là điều khó tránh khỏi.
Hỏi: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh
cho đời mỏi mệt”. Nhạc sĩ nói với mình hay nói cho ai? Nhạc sĩ đã đi như vậy
bao giờ chưa? Và đã nếm được vị mệt ấy chưa?
TCS: Cõi đi về ấy dành chung cho tất cả mọi người.
Hỏi: Tại sao ở xứ Huế, mà trong các tác phẩm của mình không
có một bài nào nói lên phong cách hay nét đẹp riêng của Huế?
TCS: Những ca khúc trước năm 75 hầu như đều mang phong vị
Huế, mặc dù không có một chữ Huế nào trong bài.
Hỏi: Từ trước đến nay ai yêu nhạc Trịnh Công Sơn đều hiểu rằng
nhạc sĩ có cái nhìn độc đáo về tình yêu. Vậy Nhạc sĩ nghĩ sao về ý nghĩa của
tình yêu mà Nhạc sĩ hằng sống?
TCS: Trong giờ phút này tôi không nghĩ gì về tình yêu cả.
Và thành thật mà nói, tôi cũng chẳng hiểu tình yêu đã cho tôi một ý nghĩa gì.
Hỏi: Để viết được những ca khúc về tình yêu, thì sự rung động
của trái tim Nhạc sĩ ở mức độ chân thành trước tình yêu hay chỉ là ảo ảnh của
tình yêu. Đã có lần Nhạc sĩ nói: "Khi bạn hát một bản tình ca nghĩa là bạn
đang muốn hát về cuộc tình của bạn". Phải chăng khi một ca khúc mới ra đời
là một mối tình mới của Nhạc sĩ? Nhạc sĩ đã có bao nhiêu mối tình?
TCS: Tất cả đều là ảo ảnh. Thậm chí khi tôi phát biểu một
điều gì đó thì chẳng qua do cũng chỉ là ảo ảnh của những ý tưởng của riêng tôi.
Có khi phải có hàng trăm mối tình thoáng qua, đọng lại, ngắn ngủi dài lâu, mới
viết được dăm bảy ca khúc hay, bởi vì sáng tác không hề làm công việc của cái
máy: cứ bỏ một đồng xu vào thì rơi ra một lon nước.
Hỏi: Trong nhạc tình của Nhạc sĩ, mọi người luôn tìm
thấy mọi tâm trạng, tình cảm của mình về tình yêu. Nhạc sĩ nói hộ cho con người
tất cả, nhưng chính mình Nhạc sĩ đã trải qua tất cả chưa?
TCS: Tôi viết về những gì tôi đã sống và cả dự đoán những
gì có thể xảy ra.
Hỏi: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" đó
có phải là quan niệm sống và sáng tác của Nhạc sĩ không? Theo Nhạc sĩ, quan niệm
đó có còn đúng trong thời buổi có quá nhiều thay đổi như hiện nay ?
TCS: Thời buổi nào cũng cần phải có quan niệm sống như thế.
Con người và động vật chỉ có khác nhau từng ấy thôi.
Hỏi: Nếu có một đóa hồng quý giá, Nhạc sĩ sẽ tặng cho ai? Đức
tính nào của con người khiến Nhạc sĩ cúi đầu kính phục?
TCS: Tôi sẽ tặng mẹ tôi. Rất tiếc mẹ tôi không còn nữa. Đặc
tính của con người khiến tôi cúi đầu kính phục có lẽ là lòng vị tha.
Hỏi: Nhạc sĩ nhớ gì về quá khứ, nghĩ gì về hiện tại và hy vọng
gì ở tương lai? Nhạc sĩ sẽ sống ra sao nếu một ngày nào đó Nhạc sĩ chia tay với
âm nhạc?
TCS: Quá khứ hiện tại tương lai trong tôi chỉ là một. Nếu
có gì khác biệt thì đó là trạng thái tinh thần của từng giai đoạn và sự thay đổi
trong những diễn biến tình cảm. Tôi dự định sẽ chia tay với âm nhạc để viết những
bài tạp bút ngẫu hứng và vẽ.
Hỏi: Sự tài hoa của Nhạc sĩ không chỉ thể hiện trong âm nhạc
mà còn trong thi ca, hội họa, tư tưởng triết học, và ngôn ngữ Pháp. Vậy nếu
chiêm nghiệm lại mình, Nhạc sĩ nghĩ gì về hai câu thơ của Nguyễn Du:”Trăm năm
trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau ".
TCS: Tôi muốn viết sai câu thơ cua Nguyễn Du cho riêng
mình: "Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh cũng là bể
dâu”.
“Chưa Kịp Thực Hiện Một Ước Mơ Nhỏ Đã Thấy Hết Năm Hết
Tháng"
(Trả lời phỏng vấn)
° Anh có thích mọi thế hệ đều gọi anh bằng anh không?
- Dĩ nhiên là thích hơn gọi bằng chú, bác. Vả lại cũng chẳng
phải bà con gì mà lại có chuyện chú, bác ở đây. Gọi anh chứng tỏ mình lịch sự,
dễ thương như một người không có trí nhớ về tuổi tác; ngoài ra, nó còn thu hẹp
lại cái ranh giới đáng ghét của những con người sống cùng trong thời đại.
°Khoan nói tới chuyện âm nhạc, anh Trịnh Công Sơn, trong mắt
nhìn nghệ sĩ của anh, ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết Việt Nam là gì?
- Ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết Việt Nam có lẽ là ở
chỗ mọi điều bình thường nhất trong năm bỗng chốc được xếp đặt lại trong một trật
tự giá trị khác. Đang xuề xòa trở thành nghiêm túc, cái lôi thôi lếch thếch được
giảm thiểu tối đa, cái ăn cái nói cái cười cùng được gọt giũa lại, cái giọt nước
mắt đau cũng được nén gác lại cho năm sau, tất cả và nhiều nhiều, thậm chí có
thằng định làm chuyện ác tạm gói dụng cụ gây tội chờ những ngày Tết qua đã. Ý
nghĩa thiêng liêng nhất của Tết Việt Nam là chẳng có gì thiêng liêng cả. Xưa lỡ
làm bộ thiêng liêng, lâu dần thành cái nếp, cái tập quán, đến nay cũng làm bộ
tiếp nhưng ở giữa các đô thị lớn thì cái nếp ấy cũng đã mờ nhạt lắm rồi.
° Giờ anh còn nhớ cái Tết nào năm anh trẻ hơn 20 tuổi
không? Lúc đó hẳn đang ở Huế ?
- Trẻ hơn 10 tuổi thì còn ăn Tết ở Huế. Trẻ hơn 20 tuổi phần
lớn ăn Tết ở Sài Gòn. Ở Sài Gòn, Tết gia đình người ta thường về quê. Ở trọ,
đêm giao thừa đi lang thang ngoài phố, khuya về ngủ. Chỉ còn nhớ cái dư vang của
những ngày Tết xa xưa ấy nó hoang vu lắm.
° Âm nhạc của anh như một bữa tiệc dọn theo kiểu Huế:
Mời khách ăn nhiều món, mỗi món một ít nhưng món nào cũng rất ngon. Vậy có thể
nói đến những ca khúc của Trịnh Công Sơn như một bữa tiệc kiểu Huế hay không?
- Đây là một câu hỏi hay, đồng thời cũng là cái nhìn của
người đặt câu hỏi. Câu hỏi này nên để những người yêu nhạc của tôi cho ý kiến
là đúng và tốt nhất. Dù sao tôi cũng đã ăn mòn răng trong những bữa tiệc kiểu
Huế. Nay gần như rất hiếm.
° Đã nhiều năm, anh thường “phiêu diêu” với ly rượu.
Chất men quan trọng như thế nào trong cảm hứng sáng tạo của anh? Dạo gần đây
anh đã bỏ rượu, điều này có ảnh hưởng đến công việc của anh không?
- Trước đây rượu là kẻ đồng hành với tôi trong cuộc sống.
Không thể thiếu rượu được. Nó là chất xúc tác tốt để tôi làm việc. Uống để vui
đời, chứ không uống để say. Uống thì ngòi bút trơn tru hơn, cọ vẽ bay bổng hơn
và trí tưởng tượng được dịp trôi nổi về những bờ cõi ngẫu hứng lạ lẫm hơn. Giờ
đây tôi đang tạm thời xa rượu vì sức khỏe, tạm khất lại một thói quen đã cùng
mình như hình với bóng trên những đoạn đường dài của sáng tạo. Tôi hy vọng là mọi
việc cũng sẽ ổn thỏa thôi.
° Người ta cũng có thể nhận xét được rằng hầu hết các
ca khúc của anh đều viết với cung La thứ. Đó có phải là một sự cố ý không? Nếu
đúng như vậy thì cung La thứ đã là bạn tri âm của tâm hồn anh như thế nào?
- Nhận xét này có phần đúng. Có một thời tôi đã cố tình
khai thác hết khả năng của mình trên cung La thứ. Sau đó thấy tạm đủ và nhất là
nhiều khi thấy nhiều người lạm dụng nó như một cung bậc dễ làm mủi lòng, thậm
chí sướt mướt nên tôi chuyển qua nhiều cung khác nhất là những cung trưởng. Cái
buồn trong cung trưởng nó mênh mông và trong sáng hơn.
° Nhiều thế hệ xa cách nhau đều thích nhạc của anh.
Anh giải thích sao về điều đó?
Mỗi thế hệ đều mang đến cho tôi một nguồn cảm hứng. Tôi đã
cố gắng sống hòa hợp và biểu hiện những suy nghĩ của mình bằng mạch nguồn cảm hứng
ấy. Người sáng tác không thể sống tách rời và lạc điệu với thời đại mình đang sống.
Do đó nó không có tuổi tác và mỗi thế hệ đã qua hay sắp đều là những mùa màng cần
thiết trong tâm hồn người sáng tác và cho phép nó chia sẻ được những vui buồn của
từng thế hệ mà nó đi qua.
° Nếu anh ở xa đất nước, anh có nghĩ rằng anh sẽ viết
khác không?
- Không những sẽ viết khác đi mà thậm chí là không thể viết
được nữa. Tiếng Pháp có chữ "culture" vừa có ý nghĩa là văn hóa vừa
có ý nghĩa là trồng trọt. Một nền văn hóa này lại trồng trên một mảnh đất khác
thì e rằng không thể phát triển bình thường được.
° Đến nay có lẽ chưa có ca sĩ nào hát nhạc Trịnh Công
Sơn giàu sức mạnh truyền thông như Khánh Ly. Có phải đó là tình yêu ?
- Không hề có chuyện tình yêu ở đây. Đó là một thứ tình bạn
khá đặc biệt kết tụ lại những đam mê chung về cuộc sống, tính lãng mạn, sự hồn
nhiên. Trong cuộc hạnh ngộ này, người sáng tác và người hát làm thành một thể
thống nhất bất khả phân ly. Từ đó sự hát và ký hiệu trên trang giấy mất đi nhường
chỗ cho một lời tâm sự về đời, về người tưởng như của hai người nhưng thật ra
chỉ là một mà thôi.
° Tết đến, giới trẻ lại mong được lắng nghe một chút
tâm sự như Tết năm nào rất thích thú được chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc đời trong tùy
bút “Giao thừa” của anh.
- Không hiểu sao càng lớn càng thấy cái Tết nhỏ lại. Nó như
là một thủ tục phải làm chứ không phải là nỗi chờ đợi háo hức như nhũng ngày
còn bé. Nó không còn mang ý nghĩa một ngày hội như thời trẻ. Đó là nỗi bất
hạnh của những kẻ đã ăn quá nhiều cái Tết. Cái gì ăn nhiều quá cũng không tốt.
Đồ bổ ăn nhiều cũng sinh bệnh nếu không thì cũng đâm chán. Do đó, càng lớn lên,
càng đi qua nhiều cái Tết càng thấy hờ hững dần với nó. Ở một độ tuổi nào đó,
con người có cảm giác thời gian càng lúc càng qua nhanh, chưa kịp thực hiện một
ước mơ nhỏ đã thấy hết năm hết tháng. Vì vậy khi Tết đến, tự nhiên thấy mình
như một kẻ phạm tội, một kẻ vô tích sự trước cuộc đời. Dù sao thì Tết vẫn là Tết.
Giao thừa thiêng liêng vẫn là giao thừa thiêng liêng. Còn cái chuyện buồn vui
trong mỗi người thì lòng ai tự biết lấy. Tôi vẫn làm cái việc đốt những nén
nhang trong đêm giao thừa, mở cửa bước ra cổng giữa đêm tự đạp đất nhà mình. Nếu
có hứng thú thì cùng người bạn chạy xe quanh những phố phường trong một đêm như
mọi đêm gọi là đêm giao thừa, để nhìn cái rộn rịp cuối cùng của một năm.
Hoàng Dạ Thi thực hiện
Càng sống nhiều, người ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ ai. Chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại gặp nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay, ngày mai. Chết thì chẳng bao giờ có cuộc hẹn hò nào trước. Một buổi sáng cách đây 4 năm, lúc tôi đang ngồi uống rượu với bạn, mẹ tôi bảo: "Má đi chơi một chút nghe”. Thế rồi một giờ sau, tôi được điện thoại báo tin mẹ đã mất tại nhà người bạn.
Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng đã từ biệt chúng tôi như thế. Không kịp nói một lời, không kịp đưa tay vẫy chào bạn bè, vẫy chào cuộc sống. Thế kỷ XXI thế mà cũng khó đến được dù chỉ còn mấy năm.
Càng yêu ta càng thấy: có tình yêu thì khó, mà mất tình thì quá dễ. Hôm qua nói yêu nhau đấy, hôm nay đã mất rồi. Mất sạch như người buôn mất đi vốn liếng. Cứ tự an ủi mình khi nghĩ rằng mình đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và biết đâu cái thời gian mình được yêu thì một người khác cũng đang đau khổ vô cùng. Nghĩ thế thì thấy cuộc đời bỗng nhẹ nhàng hơn và cũng dễ tha thứ cho nhau. Sống mà giữ mãi trong lòng hờn oán thì cũng nặng nề.
Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Phụ đời và phụ người hình như cũng vậy mà thôi. Người ở lại bao giờ cũng nhớ thương một hình bóng mình đã mất. Khó mà quên nhanh, khó mà xoá đi trong lòng một nỗi ngậm ngùi.
Tưởng rằng có thể quên dễ dàng một cuộc tình, nhưng hoá ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xoá cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu cho tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ đủ để làm phẳng lặng bên ngoài mà thôi. Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ trong lòng một nỗi nhớ nhung.
Thể thao ngày nay, 5/4/2001
Chú Lộ*
Một.
Năm 13 tuổi chú Lộ đã có mặt ở dưới hầm rượu của
câu lạc bộ thể thao trong thành phố Huế. Dạo ấy, bọn Tây còn làm chủ nhân công
trong "thành phố thuộc địa" này và dĩ nhiên, chủ tịch của câu lạc bộ
thời bấy giờ cũng phải là một thằng mắt xanh mũi lõ.
Vào đời với cái tuổi 13, chỉ mới biết viết và biết
đọc đôi chút, và đối với bất kỳ ai, là cả một sự phiêu lưu thất thế không lường
được. Chú Lộ ra khỏi nhà và đi thẳng tới sân tennis không do dự, không chọn lựa.
Chú rời khỏi nhà như một con chim lìa tổ quá sớm hoặc như một chiếc lá lìa cành
và phó mặc cho ngọn gió định mệnh thổi đến đâu hay đến đó. Và không cần phải có
thì giờ làm quen hoặc một lời giới thiệu nào, chỉ một tuần sau chú Lộ nghiễm
nhiên trở thành đứa bé lượm banh tình nguyện không công. Tên chú dần dần quen
thuộc ở đầu môi những thằng Tây và những người Việt đánh banh mỗi sáng, trưa,
chiều. Tây thì gọi chú: "Ê, nhỏ Lộ”, người Việt Nam thì gọi ngắn hơn: “Lộ!”
và đưa vợt lên đón trái banh được quăng theo hình cầu vồng từ bàn tay nhỏ và
đen đủi. Mấy ngày đầu, có khi còn trở về nhà nhưng sau đó thì chú cùng một vài
đứa lượm banh khác lân la kiếm cơm ở nhà bếp và ngủ hẳn dưới hầm câu lạc bộ
dùng làm kho cất rượu và chất những đồ phế thải. Ăn thịt và bánh mì thừa của
khách đối với chú bé Lộ cũng là những bữa tiệc thịnh soạn mới mẻ. Trong cái đầu
đơn giản và thiếu học của đứa bé 13 tuổi, thật sự chú cũng không hề có ý niệm
gì về cái thân phận hèn mọn của mình.
Chú Lộ đã sống và lớn lên như thế từ hầm rượu. Nhờ ở
năng khiếu và chút ít thông minh bẩm sinh chú đã nương vào hoàn cảnh thuận tiện
để học hỏi, quan sát và tự biến mình thành một thanh niên thành thạo đủ mọi môn
thể thao mà câu lạc bộ sẵn có. Không bao lâu chú đã trở thành người hướng dẫn
khéo léo và chịu khó cho những người mới tập đánh tennis, mới tập chèo
périssoire(1), chơi bóng bàn, billard, bơi lội và cả môn trượt nước. Từ một đứa
bé lượm banh, cuối buổi nhận được những đồng tiền lẻ từ bàn tay những ông bự, bảy
tám năm sau chú đã ngang nhiên bước vào ô vuông của sân banh để đánh trả lại những
đường banh thật bay bướm hoặc rướn mình lên từ phía góc sân gửi đi những cú
giao banh khá ngoạn mục. Đối với các hội viên của câu lạc bộ, phần đông là những
công chức cấp cao trong tỉnh hoặc các bậc trí thức thượng lưu, chú Lộ là con
người dễ bảo (serviable). Bất cứ họ cần điều gì là chú xoay xở có ngay. Con cái
của tầng lớp thượng lưu này dành cho chú một cảm tình khá đặc biệt bởi chúng
tìm được ở chú tất cả sự nhẫn nại, sự chiều chuộng mà khó một huấn luyện viên
nào có được. Với thời gian, chú cũng bỏm bẻm được dăm tiếng Tây đủ dùng cho
công việc hằng ngày. Dĩ nhiên chú nói tiếng Tây theo kiểu của chú và chú cũng
chẳng quan tâm gì lắm về những cách nói bóng bẩy mà chú thường nghe những ông
Tây lẫn người Việt trao đổi với nhau ở bàn ăn. Vấn đề là chú cần bọn Tây hiểu
được chú muốn nói gì và ngược lại chú cũng hiểu được chúng muốn, cần gì ở chú.
Ban đầu nghe chú nói, bọn Tây, đầm và con cái chúng ôm bụng cười ngất như bị ai
cù vào nách. Chú thản nhiên cười theo và cứ như thế mọi người quen dần đến độ
người ta có cảm tưởng cách nói tiếng Tây của chú cũng là một loại mẫu mực giản
dị trong kiểu ăn nói thường ngày. Tuy thế không phải chú không hãnh diện về cái
vốn tiếng Tây hẩm hiu ấy bởi những lần có người thợ nào nhờ chú hỏi ý kiến của
ông Tây chủ tịch về việc cần quét vôi lại câu lạc bộ hoặc sửa sang cây cảnh
quanh khu vực này thì chú sẵn sàng biểu diễn rất hùng hồn cái mớ chữ nghĩa hỗn
độn mà chú đã nhặt được một cách rất vô tổ chức ấy. Mấy đứa con nít Việt Nam
thì phục chú quá sức rồi.
(1) Thuyền thể thao.
Chú Lộ uống rượu mạnh rất sớm. Không phải kiểu uống
rượu để tiêu sầu hoặc kiểu bằng hữu tâm đắc mà bởi rượu thừa ở những bàn
ăn bao giờ cũng đủ để chú có thể độc ẩm dài dài ở dưới hầm rượu sau bữa cơm. Dưới
hầm có hai cái phòng nhỏ dành cho bếp và người gác cổng. Bây giờ chú đã có đủ
uy tín để giành lấy riêng cho mình một phòng. Hầm quá rộng, mấy người kia có thể
thu xếp ở một góc nào đó cũng được. Trên tường chú treo cái vợt cũ của ông
chánh án mới cho. Mỗi lần ra sân banh, trông chú cũng đủ bộ sậu như mọi người.
Cũng pan- túp trắng, tất dày có ba sọc màu cờ tây ở cổ chân, bộ áo quần trắng
và cả cát-két cũng trắng nữa. Trên sân tennis, cách ăn mặc sạch sẽ giống nhau
như thế, người xem dễ tưởng rằng không còn cái biên giới giai cấp giữa con người
bên này và bên kia lưới mà chỉ có nghệ thuật giao banh thôi. Thật ra, chú Lộ biết
rõ không phải. Những cú banh, chú giao qua bao giờ cũng vừa tầm tay của ông
chánh án, ông thẩm phán, hoặc một ông trưởng ty nào đó. Những cú xi-mách trong
tay chú bao giờ cũng chưa hết đà. Và những cú bỏ nhỏ cũng đừng nghịch quá khiến
các ông lớn phía bên kia phải trật xương hông hoặc bị sai khớp chân thì bỏ mẹ.
Chú hiểu thế nhưng chú cũng thấy mình bị thuyết phục bởi một lẽ đương nhiên nào
đó gần như định mệnh. Sự hiếu thắng của tuổi trẻ trong chú đã bỏ đi chơi từ bao
giờ không ai biết và chú cũng không băn khoăn gì về điều đó cả. Tóm lại, chú
như một kẻ sống an phận từ những ngày máu huyết còn đương độ trong trái tim,
trên cánh tay và cặp giò thanh xuân của chú.
Năm 23 tuổi chú Lộ có người yêu. Trước đó thì chú
cũng cưa kéo, chọc ghẹo mấy cô bán quán trong thành phố nhưng không đi tới đâu.
Lần này thì yêu thật và vốn quá thừa tính nhẫn nại, chú là một người đàn ông lý
tưởng cho cuộc tình. Người yêu chú là một cô gái 18 tuổi, con ông bếp của câu lạc
bộ. Cũng là cây nhà lá vườn cả chứ không đâu xa. Cô ở dưới làng thỉnh thoảng mới
lên thăm cha và mỗi lần lên đều mang theo một ít trái cây ở vườn như mít, thơm,
ổi... Từ khi hai người yêu nhau, cô gái lên đều hơn và trong rổ trái cây của
vườn nhà, bên cạnh phần dành cho cha, cô gái có phần dành cho chú. Trong đầu chú
cũng đang hiện dần hình ảnh một bếp lửa nhỏ cho hai người - chú dự định một,
hai năm gì đó dành dụm được một số tiền nhỏ sẽ đề nghị thẳng với ông bếp về
chuyện cưới hỏi.
Một hôm, chú được chủ tịch câu lạc bộ giao cho nhiệm
vụ đi Sài Gòn mua những dụng cụ thể thao và một số vật dụng thay thế cần thiết.
Chú cảm động đến run cả tay chân. Đây là cái dịp để chú "du lịch" ra
khỏi những bờ rào thật hẹp của thành phố này. Việc đầu tiên là chú báo ngay cho
ông bếp biết tin và nhờ nhắn lại với con gái ông. Ngay buổi chiều hôm đó mọi
người lân cận với chú đều biết tin này. Đi Sài Gòn, dạo ấy, cũng như đi đến một
xứ khác mà chú nghe nói là văn minh và vui sướng như ở thiên đường vậy (mặc dù
thiên đường như thế nào thì không ai biết cả).
Hôm sau chú lên đường và chỉ ba tiếng đồng hồ là
chú đã có mặt ở phi trường Tân Sơn Nhất. Lần đầu tiên ngồi trên máy bay và được
những cô gái đẹp, lịch sự dọn bửa ăn cho mình, chú Lộ gần như rơi trong trạng
thái mơ mơ màng màng không thật. Chú không bao giờ ngờ được loại người như chú
lại có một ngày được ngồi đàng hoàng để những con người sang trọng như thế mang
cơm mang nước đến cho mình. Chú chỉ quen phục vụ người khác hoặc thỉnh thoảng
được phục vụ trong những quán hàng ở Huế thì những người phục vụ ấy cũng giống
như chú mà thôi. Ở đây mấy cô nói tiếng Pháp, tiếng Anh như đầm, mặt mày đẹp đẻ
như mấy tiểu thư con quan, hai bàn tay mang khay thức ăn đến cho chú thì trắng
muốt ngà ngọc làm sao chú không ngạc nhiên được. Và nỗi ngạc nhiên đó kéo dài
suốt khoảng thời gian chú ở lại Sài Gòn.
Theo địa chỉ dặn trước, chú đến một tiệm bán dụng cụ
thể thao ở đường Bonnard. Chú nhìn lên bảng hiệu Sports to tướng. Đọc không được
nhưng số nhà thì đúng. Tiệm có tất cả những gì chú cần và có cả những gì mà chú
chưa hề tưởng tượng đến. Phải mất cả ngày chú mới mua xong những vật dụng kê
khai trong tờ giấy. Những ngày sau thì chú dành tất cả thì giờ để thỏa mãn sự
hiếu kỳ của mình bằng cách dán mũi bên ngoài những tủ kính ở các đường phố lớn.
Cuối cùng chú quyết định là phải mua một món quà cho người yêu của chú trước
khi về. Giữa cái rừng đồ đạc đủ màu sắc đó chú bối rối không hiểu phải chọn cái
gì. Thử nhớ lại xem nào. Đúng rồi chú nhớ người ta thường hay tặng nước hoa cho
người yêu. Thế là khoẻ trí. Thấy cái chai hình thù đẹp đẹp là chú chọn và vài
phút sau trong tay chú đã có một gói quà xinh xắn buộc dây màu quanh lớp giấy
hoa rực rỡ. Gói quà như muốn bay khỏi bàn tay vụng về của chú. Lòng chú nhẹ như
một tờ giấy mỏng. Máy bay lại trả chú về với thành phố cũ. Chú mới từ đầu đến
chân. Bộ áo quần và đôi giày kiểu cách này chú tin là dân chơi trong thành phố
phải quay đầu lại nhìn cả. Lòng chú tự dưng sảng khoái một cách kỳ lạ. Chú nghĩ
thầm: mình cũng có quyền kiêu hãnh về mình lắm chứ! Chú mỉm cười và thuê xe về
thẳng câu lạc bộ.
Mọi người trong câu lạc bộ nghe chú về gần như ùa cả
ra thềm, cả ông sếp Tây của chú nữa. Nó vỗ vai chú và nói bằng tiếng Pháp: “Tốt
lắm! Tốt lắm!". Trong đám nhân công đứng ở thềm chú không thấy ông bếp đâu
cả. Có lẽ ông bận nấu ăn cũng nên. Bắt tay mọi người xong chú đi thẳng vào bếp.
Không thấy cha vợ tương lai của mình đâu cả, chú đi xuống hầm rượu không kịp hỏi
mọi người - ông đang nằm nhắm mắt, trên ghế bố, một tay gác trên trán như ngủ.
Chú lên tiếng và ông mở mắt chào chú, giọng không nồng nhiệt. Chú Lộ cụt hứng
và linh cảm có điều gì không hay đã xảy ra. Đứng sững một lúc, nhìn cặp mắt ông
bếp đã nhắm lại, chú bực bội quay về phòng để cất cái xách tay. Sau lưng chú bỗng
có tiếng nói mệt mỏi: “Con Khế chết rồi". Cái xách trên tay chú Lộ rớt xuống
đất. “Con Khế chết rồi". Người yêu chú chết rồi. Dỡn sao cha nội?
Ngồi ở mép ghế bố, chú Lộ nghe hết câu chuyện ông bếp
kể. Trước mặt chú là những bậc thềm dẫn xuống bãi đậu pénsoire. Qua những cột
bê tông, như những cái rễ thẳng đứng của bao lơn câu lạc bộ cắm sâu dưới nước,
chú nhìn thấy nắng trên mặt sông Hương lao xao theo sóng nhô. Cái lao xao đó
cũng có trong lòng chú nhưng không âm thanh. Cơn rầu rĩ cứ dập dềnh lên xuống,
đập vào cái lớp vỏ nguội lạnh bên trong của suốt thân thể chú. Chú thấy dợn dợn
muốn ói, nhưng không mửa được. Tròng mắt chú ướt đi. Chú nghĩ đến chai nước hoa
mà chú chưa ngửi được mùi thơm của nó trên tóc của Khế. Khế chết tình cờ quá.
Trong một trận lục soát ở làng, commandos° chạm nhau với vài cán bộ hoạt động của
Việt Minh, Khế bị lạc đạn. Ông bếp giấu bặt chuyện này nên mọi người trong câu
lạc bộ không ai biết. Ông sợ Tây nó biết thì ông hết chỗ làm ăn. Chú Lộ đứng dậy
về phòng nằm, miệng lẩm bẩm một câu chửi tục.
° Lính biệt kích Pháp, nổi tiếng hung ác.
Đó là lần đầu tiên trong đời, chú Lộ có ý thức về
chiến tranh. Đêm hôm ấy, trong phòng riêng dưới hầm, chú say khướt với mớ rượu
thừa góp nhặt được bấy lâu từ những cái chai uống dở của các ông lớn trong cái
xã hội thượng lưu thu nhỏ ở phía trên kia, ngay trên đầu chú mà giờ đây chú mới
chua chát thấy rằng nó xa lạ với những người như chú và ông bếp quá.
Hai.
Sau cái chết của Khế, thế giới sống của chú Lộ được
nới rộng ra hơn một chút. Con mắt và lỗ tai chú mở ra xa hơn cái xã hội nhỏ hẹp
thu gọn trong câu lạc bộ thể thao này. Tai chú bắt đầu nghe tiếng bom, đạn vọng
từ xa về. Chú nghe tiếng xe Jeep đi tuần tra ban đêm hoặc giữa khuya, tiếng
quilát kêu lắc cắc trong những cuộc bố ráp. Chú bắt đầu để mắt đến những xác chết
của bọn ác ôn, bọn tề điệp bị thanh toán ở những góc đường vắng, thường xuyên
nhất là ở dốc Nam Giao cách đồn Tây không xa lắm. Trên mỗi xác chết thường có
lá cờ đỏ sao vàng nhỏ bằng bàn tay và một bản cáo trạng tội ác. Chú cũng bắt đầu
lấm lét nhìn về phía nhà lao Thừa Phủ, không xa câu lạc bộ lắm, mà suốt bao
nhiêu năm trời, đối với chú, dường như không hề có mặt. Thỉnh thoảng chú bắt gặp
những nhóm người bị còng tay dẫn đi về phía nhà lao và thật tâm, chú không hiểu
hết ý nghĩa của hình ảnh đó. Có một điều chắc chắn là trong đám người đứng nhìn
đoàn tù lặng lẽ đi qua, chú thường bắt gặp những cái nhìn đầy yêu thương lẫn
kính phục và trong những lời thì thầm của họ chú loáng thoáng nghe thấy hai tiếng:
yêu nước. Những người tù kia cũng trẻ như chú sao họ được đồng bào cảm phục đến
như vậy? Trong đầu óc thô thiển của chú, những chữ Việt Minh, yêu nước là lá cờ
đỏ sao vàng nhỏ bằng bàn tay cứ quay cuồng như một cơn lốc. Chú không tài nào cắt
nghĩa được cho mình và cũng không ai ở câu lạc bộ đó có thể giúp chú tìm ý
nghĩa của nó. Và tự nhiên chú mơ hồ như mình vừa được truyền sang một điều gì gần
như lòng kiêu hãnh.
Từ đó, trong việc phục dịch hằng ngày ở câu lạc bộ,
chú đã bắt đầu có một thái độ bớt quỵ lụy hơn, bớt phục tùng hơn đối với ông
quan tòa, ông thẩm phán, ông trưởng ty và cả những thằng Tây chủ của chú. Trong
đám Tây đến ăn và uống rượu ở câu lạc bộ, có cả thằng sếp phòng nhì Pháp mà chú
nghe nói là dưới bàn tay đẫm máu của nó bao nhiêu con người trai trẻ như chú đã
hi sinh. Chú tự dặn lòng từ nay không bao giờ nhận một đồng xu “buộc boa"
nào từ bàn tay của nó nữa.
Bản chất của chú Lộ là một con người an phận. An phận
từ tơ răng kẽ tóc đến đầu những ngón chân. Ý thức của chú về quê hương dân tộc
bị hạn chế bởi sự ngu dốt và dừng lại ở thái độ thụ động như thế. Và nỗi băn
khoăn chợt nhóm lên trong lòng chú như một ngọn lửa yếu ớt, sau cái chết của Khế,
đã tắt dần cùng với thời gian. Dù sao chú đã tiến lên được một bước ngắn: cái
lưng của thằng nô lệ đã thẳng hơn trước một chút.
Tuổi Trẻ chủ nhật, số 13/2001
°Chú Lộ có lẽ là truyện ngắn duy nhất của Trịnh
Công Sơn nhưng còn dở dang và cũng chưa bao giờ được biết đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét