Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Những con chữ rạo rực Tết

Những con chữ rạo rực Tết
Những năm gần đây, nghệ thuật thư pháp chữ Việt phát triển khá mạnh, tạo được nhiều ấn tượng trong người thưởng ngoạn và đặc biệt giới nghệ sĩ thư pháp Nhật Bản, Trung Hoa đánh giá thư pháp chữ Việt là một bộ môn nghệ thuật độc lập, mang tính sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu lý luận nào cho bộ môn nghệ thuật này, người thưởng ngoạn, trong một chừng mực nào đó vẫn không hiểu được ý nghĩa, ý niệm của người nghệ sĩ đã gửi gắm, kí thác vào tác phẩm. Tết đến, những con chữ lả lướt tựa rồng bay cùng mưa bụi tháng Chạp như một dự cảm bình yên... Cuộc trò chuyện với nhà thư pháp Hồ Công Khanh bên những con chữ như một món quà nhỏ gửi đến độc giả nhân dịp Xuân về!
* Thưa anh có lần anh đã nói khi tánh linh bị mất đi con chữ sẽ là cứu cánh, con chữ cứu rỗi thế giới... Anh có thể biện giải thêm?
Hồ Công Khanh (HCK): Nói đến tánh linh là nói đến vô ngôn, vô ngã hoặc vô tâm e rằng điều đó có thể làm cho cuộc chơi nghệ thuật đi đến chỗ vô luận vô suy và phải trở về với vô niệm. Tánh linh có thể mất đi trong một ý nghĩa nào đó, nhưng thật ra tánh linh sẽ mãi mãi còn mà chỉ bị che lấp mà thôi, vì tánh linh chính là một tiến trình tự tác động từ vô thủy của tự ngã và con chữ là hậu quả của tiến trình đó dùng để biểu đạt hầu hết các khái niệm có thể đạt được trên bình diện ý thức và siêu ý thức. Nhưng một khi con chữ đã trở thành con chữ của nghệ thuật hoặc khi trở thành một ngôn linh thì nó sẽ khoác lên một ý nghĩa mới mà tự thân của con chữ bình thường không thể nào có được.
* Xin anh biện giải thêm?
HCK: Tôi có thể minh họa một cách cụ thể hơn về vấn đề này như sau. Thí dụ như chữ "Nguyện” bình thường có thể diễn đạt một ước mơ nhỏ nhoi nào đó, rồi chữ "Nguyện” trong "Cầu Nguyện” nó lại mang tải một ý nghĩa khác về mặt tâm linh, và chữ "Nguyện” trong câu thơ của Tuệ Sỹ sau đây: "Không áo cưới nhưng âm thầm chinh phụ, Không chờ mong nhưng ước nguyện muôn trùng” thì chữ "Nguyện” này lại diễn đạt một ý nghĩa bao la và siêu thoát. Nhưng đến lúc chữ "Nguyện” được thể hiện qua một nét bút tài hoa, thì con chữ sẽ không còn là con chữ nữa, mà nó có thể trở thành một bức tranh, một chân dung, một hình tượng đa ý nghĩa hơn... Chính những con chữ đó đã đem đến một vẻ đẹp và chính vẻ đẹp đó đã cứu rỗi con người.
* Anh thường dạy rất nhiều môn sinh về nghệ thuật thư pháp? Anh tìm thấy niềm vui gì trong lớp học? Môn sinh trẻ nhất và môn sinh lớn nhất trong lớp học, anh phát hiện điều gì trong lớp học?
HCK: Nói dạy nghệ thuật thư pháp thì cũng hơi quá, mà phải nói là truyền đạt những kỹ thuật về đường nét của con chữ, và từ đó những môn sinh phải tự tìm cho mình một phong cách riêng, một cuộc chơi riêng mới hơn những gì đã cảm thụ được. Buồn vui trong nghệ thuật chắc cũng không có gì trầm trọng, vì đã là chơi thì phải nhẹ nhàng thanh thoát thì cuộc chơi mới lâu dài bền bỉ. Trong ý nghĩa đó thì những môn sinh mới mang tải được những nền tảng để hóa thân. Qua một thời gian dài truyền đạt những kỹ thuật này: "Đường nét và kinh nghiệm về sáng tác” Tôi thấy sáng tạo là một vấn đề mà ít có ai truyền đạt được cho môn sinh của họ. Giữa một sự cách biệt quá lớn trong lớp học của các môn sinh với nhau tôi vẫn phát hiện ra một cái chung chính là sự đam mê nghệ thuật và yêu quí cái đẹp.
* Yếu tính của ngôn ngữ được chuyển hóa như thế nào trong nghệ thuật thư pháp?
HCK: Yếu tính của ngôn ngữ như đã nói ở trên nó hàm chứa mọi khái niệm để diễn tả một vấn đề, nhưng khi chuyển hóa những con chữ này qua nghệ thuật thư pháp thì quả là đa đạng và đa tính cách để truyền đạt tới người thưởng ngoạn cái tinh xảo cái thần hồn của con chữ thì đòi hỏi ở người thể hiện có một sự đồng cảm trước vẻ đẹp không có biên giới vì chính điều đó sẽ làm cho con chữ không có sự chấp trước trong đường nét cũng như nội dung thể hiện.
* Anh tìm thấy điều gì mới sau quá trình lâu dài trăn trở với con chữ, trăn trở với niềm say mê truyền đạt nghệ thuật?
HCK: Bản thân tôi vốn đa cảm nên thường trăn trở nhiều vấn đề chứ không riêng gì nghệ thuật thư pháp. Tuy nhiên, dù muốn hay không tôi vẫn mong nghệ thuật thư pháp chữ Việt được nhiều tầng lớp tìm hiểu để đóng góp và xây dựng cho mỗi ngày mỗi hoàn thiện hơn.
* Hiện nay anh đã có được cao đồ?
HCK: Cao đồ thì không mà phiên bản thì có, âu đó cũng là chuyện thường tình, trò giống thầy nào có xấu hổ gì đâu (cười).
* Anh từng viết nhiều đầu sách về nghệ thuật thư pháp, anh tâm đắc nhất cuốn nào? Và đâu là cuốn sách toát lên yếu tính của ký tự?
HCK: Nói như Freud, nhà phân tâm học hàng đầu của thế giới thì tác phẩm chưa ra đời là tác phẩm đẹp nhất của người sáng tác. Còn đâu là cuốn sách toát lên yếu tính của ký tự, chuyện này khó nói lắm vì ngay cả những quy tắc cũng có những trường hợp ngoại lệ mà.
* Dự dịnh của anh cho nghệ thuật thư pháp? Dự đoán và ý hướng của anh cho thư pháp chữ Việt?
HCK: Tôi đang có nhiều tác phẩm dự định sẽ in trong năm 2012, hy vọng sẽ đem lại thêm nhiều cách nhìn mới cho nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Tôi tin tưởng rằng thư pháp chữ Việt sẽ có một vai trò nhất định trong việc chuyển hóa và bảo tồn những nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Chúc quý vị một năm mới an khang, thịnh vượng, điềm may đến tựa rồng bay phượng múa!
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này, chúc anh sức khoẻ!
PHƯƠNG NGẠN thực hiện
Theo http://vannghedanang.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những trang viết trải nghiệm và lay thức của Trần Đàm Tác phẩm sáng tạo văn học nghệ thuật thứ 26 của nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo, nhà th...