Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Một cõi đi về - Cõi đời theo mây gió

Một cõi đi về - Cõi đời theo mây gió...
(Viết nhân kỷ niệm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi xa…)
Thì ra “chân kinh vô tự” cũng chính là “chân tâm vô niệm”! Kinh không chữ của Phật chỉ có ai thực sự thanh thản, biết buông bỏ mới có thể đọc hiểu được. Và như thế, nhạc Trịnh Công Sơn như dòng nước mát dội trôi cát bụi trần ai còn bám phủ những mảnh hồn người.
“Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn đã ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm nay.
Ám ảnh, vì bài hát này mang đậm chất Thiền, với những chiêm nghiệm của một con người đã thấu mọi nỗi hồng trần. Vì những triết luận về cõi tạm khiến lòng ta vừa u uẩn, vừa giác ngộ ra vẻ đẹp nguyên vẹn của một tâm hồn luôn gắn bó máu thịt với cuộc đời.
“Cõi đi về” - Đó là vòng đời quẩn quanh cứ lặp đi lặp lại:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
Đoạn ca khúc mở đầu phác họa về cuộc đời con người là một vòng luẩn quẩn “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, thế mà bao năm vẫn chưa dừng lại, vẫn “mãi ra đi”. Bởi cuộc đời là những chuyến đi, và con người luôn đam mê khám phá hành trình sự sống. Chợt nhớ câu thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông:
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhựt viễn gia hương vạn lý trình

(Trần Nhân Tông)
Tạm dịch:
Lang thang mãi khách phong trần
Ngày xa vạn dặm muôn phần cố hương 
(Thùy Anh dịch)
Có điểm tương đồng giữa bước chân lang thang của người nhà Phật và bước chân loanh quanh của người đời: cùng vô định giữa cõi vô thủy vô chung này! Vòng sinh tử luân hồi khiến con người cứ trôi mãi giữa cõi đi về mà chưa tìm được chốn dừng chân, dẫu nhật nguyệt trên đầu soi rọi nhưng đâu phải ai cũng nhận thức được mình. Những sắc màu tâm trạng tương phản cùng hiện diện: Màu trầm “mỏi mệt” của con đường xa ngái và màu sáng rực của đôi vầng nhật nguyệt trên vai, để từ đó, nhạc Trịnh gợi những suy niệm về thân phận con người, cho người hát, người nghe tự thấm thía về chính đường đời của mình.
“Đôi vầng nhật nguyệt” và “một cõi đi về” ấy đã từng xuất hiện trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn với nhiều tên gọi: “nguồn cội” (Biết đâu nguồn cội), “chân như” (Giọt lệ thiên thu), “địa đàng” (Dấu chân địa đàng)… Đó đều là những hình ảnh ẩn dụ về cuộc đời và ý thức tự nhìn thấu suốt đời mình. Trịnh Công Sơn từng nói : "Có kẻ đứng trước bao la mà không thấy được bao la. Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều”. Ta chợt hiểu vì sao Trịnh Công Sơn hay viết về nhật nguyệt và cõi hư vô! Vì như chính ông đã nói: “vào hư vô của chính mình, vào hư vô của sự vật”, “trong hư không đó mình sẽ tìm thấy được mình và sự vật ở vẻ vẹn nguyên”. Thì ra “chân kinh vô tự” cũng chính là “chân tâm vô niệm”! Kinh không chữ của Phật chỉ có ai thực sự thanh thản, biết buông bỏ mới có thể đọc hiểu được. Và như thế, nhạc Trịnh Công Sơn như dòng nước mát dội trôi cát bụi trần ai còn bám phủ những mảnh hồn người.
Để rồi sau đó, người ta có thể lắng nghe được hồn cây cỏ:
Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa
Sự xuất hiện của hình ảnh “cây” và “cỏ lạ” không phải vô tình, cũng không phải chỉ là những hình ảnh của thiên nhiên sự sống đơn thuần. “Lời cây” là lời của sự sinh sôi, vươn lên sâu rễ bền gốc với đời. Còn “lời cỏ lạ”, phải chăng là lời của những thân phận bé nhỏ mong manh? Khi người ta đã hiểu quy luật “sinh ký tử quy”, thì “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, cây lớn hay cỏ lạ cũng là thực thể đang sống giữa đời, lắng nghe hồn cây cỏ là lắng nghe sự sống trong “một chiều ngồi say”, thấy mọi thứ nhẹ tênh! Và vòng thời gian vẫn quay, xuân tàn, hạ hết, thu về, đến khúc cuối chặng đường, ta nghe “Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”, bình thản chờ cỗ xe thổ mộ đưa ta về nơi cát bụi.
Nhạc Trịnh gói trọn cả cuộc đời trong những thanh âm dìu dặt, sâu thẳm, vút cao. Mây nắng trên đầu, sông dài biển rộng dưới chân, để ta thấy chiều kích con người giữa vũ trụ bao la không hề bé nhỏ. Vì con người ấy thấu suốt cõi ta bà, con người ấy hiểu rằng, hình hài có tan vào hư vô nhưng linh hồn là vĩnh viễn, bởi đôi cánh tâm linh đã giúp người bay lên khỏi vòng tục lụy trần gian.
Đoạn 2 của “Một cõi đi về”, vòng quay cuộc đời lại tiếp tục với thiên nhiên vô tận:
Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt mỏi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người.
“Đôi chân ta đi, sông còn ở lại” – Sự đối lập Đi và Ở, Động và Tĩnh giữa con người hành động và dòng sông tâm tưởng một lần nữa phác họa ra “một cõi đi về” hư thực, còn riêng trái tim một đời chỉ biết yêu thương là hiển hiện thật cụ thể: “Con tim yêu thương vô tình chợt mỏi - Lại thấy trong ta hiện bóng con người”. Hóa ra, cây cỏ, núi đồi, sông biển… cũng đều là hình bóng con người đấy thôi! Dù ở thể này hay thể khác, thì con người vẫn luôn là “niềm đau chôn giấu” trong trái tim đa cảm nặng tình với cõi nhân sinh.
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
Nhật nguyệt, cây cỏ, mây, nắng, và mưa! Thiên nhiên trong nhạc Trịnh lần lượt xuất hiện, tỏa sáng, lịm tắt, rồi có lúc lại bừng lên, có lúc vội vã, ào ạt, có lúc lặng chìm, miên man. Như lúc này đây, mưa rơi một phương trời mà khiến lòng hoài nhớ về miền xa mưa đổ: “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa”. Bởi những cơn mưa ấy là sự nhắc nhớ kỷ niệm không thể phai nhòa. Mưa ngoài trời và mưa trong hồn “mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ”, thấm thía đến từng thớ thịt, làn da một cái lạnh khôn cùng, vì “trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ”, cố hương lại xa vời vợi, cõi đi về này thật quá mênh mông!
Càng mênh mông, càng đau đáu suốt cuộc hành trình:
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Cái “loanh quanh mỏi mệt” ở đoạn đầu đã tái hiện ở đây trong con đường “chạy vòng quanh một vòng tiều tụy”. Bi kịch của thân phận con người chính là cái vòng luẩn quẩn của danh lợi phù hoa. Nó khiến người ta mỏi mệt, tiều tụy, sống mòn! Muốn thoát khỏi nó, cần đôi vầng nhật nguyệt rạng soi từ trên đầu, chứ không chỉ “trên hai vai ta”, có vậy mới Minh được! (Trong chữ Hán, ghép chữ Nhật và Nguyệt, thành chữ Minh). Nếu Vô Minh thì đường vòng chỉ dẫn tới khổ đau phiền não mà thôi! Vì thế mà có “bờ cỏ non”, “bờ mộng mị ngày qua” – hình ảnh gợi liên tưởng đến bờ mê bến giác. Trịnh Công Sơn từng viết: "Bờ bến của một cuộc tình cũng không phải hẹp đâu. Có biết bao nhiêu kẻ đã bị dìm chết giữa giòng để mãi mãi không đến được bờ bên kia. Kẻ đã đến được bờ bên kia rồi, khi quay nhìn lại sẽ thấy rất rõ, sẽ nhận thức được mọi thất vọng, khổ đau đã qua đều là giả tạo, phù phiếm. Và bỗng nhiên một nụ cười thanh thản bỗng nở ra. Một khi đã qua được bờ bên kia rồi tất cả sẽ thấy lòng mình tràn ngập một nỗi hân hoan lạ thường và từ đó cái nguồn cội của khổ đau không còn lừa gạt ta được nữa..."
Không còn phiền não, cũng sẽ lắng nghe được lời của hoàng hôn, cũng giống như ở trên, con người thức tỉnh nghe được lời cây cỏ.
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe.
Tà dương, mộ địa – không gian thiếu sinh khí, trầm lặng, hoang vu bao phủ. Có nắng đấy, nhưng đó là nắng tà dương – nắng chiều sắp tắt. Có đất đấy, nhưng đó là nơi lạnh lẽo của những âm hồn. Lời mặt trời cuối ngày là lời người đã khuất, lời sông bể là lời mạch nguồn tuôn chảy. Một vòng đời đã hiện hữu ở đây: mặt trời mọc, rồi lặn. Người sinh ra rồi về với đất. Nước nguồn chảy ra sông, rồi sông cất tiếng nói về nguồn. Kết thúc là nấm mồ ngủ yên trong bóng chiều hoang lạnh. Lần thứ hai, cái chết đươc nhắc đến trong bài. Ám ảnh như được báo trước. Như là một lời hẹn của người với đất, linh thiêng…
Chữ “đi” và “về” cứ trở đi trở lại trong toàn bài tạo thành một vòng tròn khép kín, dù không gian rất rộng, có cả sông biển mênh mông thì cũng vẫn không ngoài vòng tròn ấy.
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.
Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì
“Ta về lại nhớ ta đi” – Đó là sự ngập ngừng lưu luyến của người muốn đi mà lòng không nỡ. Mâu thuẫn tâm lý này rất chân thực, nó phản ánh cái tình thiết tha khắc khoải của con người khi nghĩ về cuộc sống. Nhưng càng khắc khoải, day dứt với đời, càng nhận ra cuộc đời này thật vô cùng khắc nghiệt! “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng - Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì”. Loài người (mà Trịnh Công Sơn dùng từ “nhân gian”để gọi) rất thiếu tình thương và sự bao dung: “chưa từng độ lượng”, và cõi người lồng lộng “ngọn gió hoang vu” tái tê giá buốt. Đến tận cuối đời mới nhận ra sự thật ác nghiệt này!
Nhưng dù vậy, chưa bao giờ vòng tay con người đa cảm ấy buông lơi cuộc đời này, ông vẫn yêu, vẫn say, vẫn “ôm đời ngủ muộn”, và vẫn “tiếc xuân thì”. Trái tim ấy sao mà dâu bể, sao mà nặng trĩu cả tình yêu vô lượng và nỗi cô đơn tận cùng!
Và vì thế, “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn vẫn ám ảnh mãi không thôi!
Và cũng vì thế, tôi luôn cảm thấy Trịnh Công Sơn chưa bao giờ rời cõi tạm này. Nhạc của ông, tấm lòng của ông, vẫn đang theo gió, cuốn đi, cuốn đi…
MỘT CÕI ĐI VỀ
Trịnh Công Sơn
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa
Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt mỏi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người.
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe.
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.
(Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì).

Một cõi đi về - Lệ Quyên ca tại Warszawa - YouTube

25/3/2016
Thùy Anh 
Theo http://chieulang.com.vn/


1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...