Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Chiều chiều - Một bài thơ hay trước 1945 của Chế Lan Viên

Chiều chiều - Một bài thơ hay 
trước 1945 của Chế Lan Viên
Trong tuyển tập thơ "Bài thơ Thôn Vỹ - Thơ viết về Huế trước 1945" do Tạp chí sông Hương xuất bản năm 1987, bài thơ "Chiều Chiều" của Chế Lan Viên có thể xem là một đặc trưng tiêu biểu của dòng văn học lãng mạn trước 1945, là một biểu hiện của nhân sinh quan trữ tình, có tính hiện thực. Quả đúng như lời bày tỏ của Chế Lan Viên trong bài tựa của chính tuyển tập:
Tôi như con sông Hương
Chảy lòng mình thương nhớ
Ðánh đắm cả thuyền mình
Trong cuộc đời tại chỗ....
Vẫn chỉ là "Trong cuộc đời tại chỗ". Và, sông Thương hay sông Hương cũng vậy (cách nói của Chế Lan Viên) thì "Chiều Chiều" của ông cũng đã, đang và sẽ như trăm sông đều đổ  về biển cả... chảy lòng mình thương nhớ!
Bài thơ "Chiều Chiều" đã gợi lên cho người đọc nỗi u hoài sẵn có, dấu ấn thời gian và cả thực tại "Tôi như... " nữa. Khởi đi như một ám ảnh mơ hồ, qua 6 câu thơ mở đầu, người đọc đã có thể cảm nhận được một số hình ảnh trực cảm vừa mênh mông, vừa thân thiết của một tâm trạng:
Trăng tắt lâu rồi
Mà sao cánh gió
Cành cao chưa rồi?
- Mà sao thương nhớ
Vẫn còn trong tôi
Xa nhau lâu rồi.

Lâu rồi- mà sao: một nỗi niềm "đã tắt" nhưng lại "chưa rời" và "vẫn còn"?. Tự hỏi và cũng tự giải bày, ngôn ngữ độc thoại nội tâm và những hình ảnh "sống" trong "Chiều Chiều"được vẽ phác một cách chân tình giàu khả năng cảm thụ đã lôi cuốn, dẫn dắt người đọc đến với một nhận thức về tiếng màu khá kỳ lạ: màu đã "tắt" ư?. Không, mà là tiếng nói:
Chiều xưa đã tắt
Chiều nay chuông chùa
Vẫn còn tiễn đưa
- Chiều nay tôi nhắc
Một lời chiều xưa
Tự chiều xưa tắt...
Bài thơ như một bức tranh với những gam màu nhạt nhoà, khi ẩn hồn, khi hiện tình, khi vang vọng, khi sâu lắng... đã tạo ấn tượng rõ nét đối với người đọc. Khó ai khác ngoài Chế Lan Viên trong thơ lại cấu tứ thành công bằng những liên tưởng đối lập và bất ngờ như thế. Chiều xưa rồi chiều nay. Chiều nay rồi lại chiều xưa. Một sự đối lập, bất ngờ không những chỉ là sự chỉ dẫn của sáng tạo mà còn hấp dẫn bởi tính chất "gây mê"
Dường như thơ của Chế Lan Viên vẫn luôn "gây mê" người đọc như thế thì phải?. Bởi đâu phải "Chiều xưa đã tắt" mà chính "Một lời chiều xưa... Tự chiều xưa tắt". Thơ như một lời tâm tình dịu dàng, thanh thản nhưng cũng rất... đa năng. Và "Chiều Chiều" đã không dừng lại với "người trong cuộc":
Chừ trải phương nao
Những chiều năm ngoái
Những chiều chưa tới
Bây giờ đợi đâu?
- Hồn tôi lạc lối
 TRONG CHIỀU NÀO?

Lời thơ hay chính tâm hồn người nghệ sĩ cũng vậy, cứ bỗng giật mình, cứ bỗng như thì thầm. Chiều... những chiều... nơi đều đều lặng lẽ một nỗi buồn không nguôi. Chiều ... ở trong chiều nào... rải dài nỗi bâng khuâng xao xuyến như dấu ấn của một thời lãng mạn.
Hình như ở đây có cái gì đó rất gần với "Những giọt lệ" của Hàn Mặc Tử thì phải:
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
Và cũng rất... mênh mông như Bích Khê trong "Tỳ Bà":
Ô hay! buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông
Thế nhưng suy cho cùng, dẫu là lãng mạn, thơ Chế Lan Viên vẫn mang sắc thái độc đáo của thơ ca trước 1945. "Chiều Chiều" của ông không những hay mà lại "chín", không những "trong trẻo hay không câu thơ ở bên ngoài nhưng trong trẻo hay không còn do lòng ta nữa"- như cách nói của chính Chế Lan Viên- mà hơn thế nữa còn làm xúc động người đọc:
Gần như một chiều
Xa nhau trọn kiếp
Mà lòng còn yêu
Và còn gì nữa? Biết đâu cứ vẫn còn:
Mà còn ngỡ hẹn
Gặp nhau một chiều
- Trăm chiều lạnh lẽo
Nghìn chiều quạnh hiu...
Có thể một chiều rồi ra sẽ ra đi. Thế nhưng trăm chiều, nghìn chiều vẫn là một thực tại của cuộc đời. Bởi đã không là Chiều, mà lại là "Chiều Chiều". Bởi đã không là ngày tháng mà là Tình Yêu. Sau "Ðiêu tàn" (1937), trước 1945 "Chiều Chiều" của Chế Lan Viên vẫn luôn tồn tại giữa cuộc đời và giữa chúng ta như là một bài thơ không thể nào quên bên cạnh những bài thơ nổi tiếng khác đương thời.
Và Chế Lan Viên mãi mãi là nhà thơ lớn, nhà văn hoá của dân tộc vậy.
Trần Viết Tuấn 
Nguồn báo Thừa Thiên Huế 
Theo http://vuhuu.edu.vn/


1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...