Có những khúc xuân ca, khi
hát lên, chúng ta lại nôn nao nhớ về kỷ niệm của ngày Tết xưa cũ. Âm nhạc cũng
giống như người tình, thường đem lại sự hân hoan, khắc khoải và những hoài niệm
khôn nguôi... Hơn 60 năm trôi qua, mỗi độ xuân về, bất cứ ai là người Việt Nam
đều không thể nào quên được giai điệu thắm tươi, rạo rực và thiết tha của La Hối
trong ca khúc "Xuân và Tuổi trẻ”.
La Hối tên thật là La Doãn
Chánh sinh năm 1920 tại Hội An (Quảng Nam) trong một gia đình gốc Quảng Đông (Trung
Quốc). Họ La là một đại gia Hoa kiều, đa số lập nghiệp trên đường Rue des
Cantonnais (Phố Quảng Đông), sau này đổi tên thành đường Nguyễn Thái Học - Hội
An. Phố Nguyễn Thái Học ngày ấy có nhiều nhà buôn nổi tiếng như: La Thiên Thái,
La Thiên Ba, La Thiên Hòa, La Ngọc Anh,... Trong dòng họ nổi tiếng này có gia
đình La Hoài lập nghiệp và sinh sống ở đường Gia Hội, thành phố Huế.
Từ bé, La Hối là một cậu học
sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn và xuất sắc ở tất cả các môn học. Đặc biệt, ông có
năng khiếu về bộ môn âm nhạc và bắt đầu sáng tác những giai điệu vui tươi, sôi
nổi khi mới 14 tuổi. Hai năm sau đó, La Hối rời Hội An vào Sài Gòn (1936-1938)
học tiếp văn hóa Trung Hoa ở bậc Cao Trung đồng thời trau dồi thêm âm nhạc cổ
điển Tây phương. Ông sử dụng thành thạo guitare, accordéon và piano.
Năm 1939, La Hối quay về Hội
An, thành lập Hội yêu Nhạc (Société Philharmonique) do ông làm Hội trưởng. Một
số nhạc sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như Dương Minh Ninh (tác giả ca khúc Gấm
vàng), Lê Trọng Nguyễn (tác giả Nắng chiều), Lan Đài (tác giả Chiều
tưởng nhớ)... đã từng được ông hướng dẫn trong lĩnh vực hòa âm và sáng tác.
Lúc bấy giờ, Nhật Bản với chủ
trương Đại Đông Á đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm Trung Hoa, Triều
Tiên, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Phong trào kháng Nhật nổi lên mạnh
mẽ trên cả ba miền đất nước Việt Nam. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi thanh
niên, La Hối là lãnh đạo nòng cốt của tổ chức chống phát xít Hội An và các vùng
lân cận. Ông là người đứng đầu một nhóm Hoa kiều kháng Nhật tại Việt Nam. Đây
là một tổ chức chống phát xít ở hải ngoại, hoạt động tại Hội An và khắp Việt
Nam. Nhiệm vụ nhóm của La Hối là theo dõi tình hình chính trị, quân sự và văn
hóa Nhật tại địa phương và Việt Nam. Các đồng chí của ông kẽ biểu ngữ, in và
phân phát truyền đơn chống Nhật, phá hoại các nơi Nhật đồn trú, phá kho lương
thực, đầu độc các con ngựa chiến mà các sĩ quan Nhật Bản cưỡi để thị oai...
Theo nhiều người trong gia
đình họ La, trong giai đoạn dạy học, La Hối đã yêu một cô gái dạy dương cầm.
Tình yêu nảy nở đã thúc đẩy ông sáng tác một số tình khúc riêng tặng người yêu.
Và chỉ có người bạn gái nầy mới lưu giữ đầy đủ nhạc phẩm do La Hối sáng tác.
Gia đình họ La chỉ biết và giữ một vài ca khúc của La Hối, trong số này có nhạc
phẩm với đầu đề bằng Pháp ngữ Le Printemps et la Jeunesse. Được La Hối viết vào
năm 1944. Sau này, một người bạn thân Hoa kiều là thi sĩ Diệp Truyền Hoa đặt lời
ca bằng Hoa ngữ với tên gọi mới "Thanh Niên Dữ Xuân Thiên”, ngoài bản
nhạc này La Hối còn một ca khúc khác là "Xuân sắc quê hương”. La Hối
sáng tác rất nhiều nhưng chỉ để lại khoảng 20 tác phẩm. Một số lớn đã bị Hiến
binh Nhật tịch thu, một số khác do người tình của ông cất giữ nhưng sau này bị
thất lạc. Những tác phẩm của ông đều xoay quanh đề tài tuổi trẻ và học đường, "Xuân
và Tuổi trẻ” được viết vào lúc ông bị Nhật theo dõi. Trong hoàn cảnh sinh
tử khốc liệt của cuộc chiến nhưng giai điệu trẻ trung của ca khúc này đã đem lại
niềm phấn khởi tin yêu cho mọi người vào một ngày mai tươi sáng.
Chiến tranh loạn lạc, cô gái
dạy dương cầm mất liên lạc, gia đình họ La không còn cơ hội để ghi chép lại các
sáng tác âm nhạc của La Hối. Những tuyệt bản sau này bị thất lạc vĩnh viễn sau
khi La Hối mất sớm, ngoài 25 tuổi. Theo một vài người Hoa tiết lộ, nhạc sĩ La Hối
đã dùng mấy notes nhạc trong phần dạo khúc mở đầu (introduction) của nhạc phẩm "Thanh
Niên Dữ Xuân Thiên”: "là là là là, là là là rê, là là là mí, là là là phá,
là là là sól, là là là lá, sól mi đô là, sól mi rề” làm một mật hiệu liên lạc tổ
chức. Chính vì thế, hiến binh Nhật đã phát hiện và theo dõi toàn bộ những hoạt
động của phong trào chống Nhật tại Hội An.
Cuối tháng 3/1945, La Hối và
9 đồng chí bị Nhật bắt. Sau nhiều ngày bị giam cầm và tra tấn dã man, họ đã bị
kết án tử hình và vùi lấp chung một huyệt tại chân núi Phước Tường, phía Tây
Nam Thành phố Đà Nẵng. Danh sách 10 người bị phát xít Nhật xử chém sáng ngày
1/4/1945 bao gồm: La Doãn Chánh (La Hối), Lâm Kiến Trung, Thái Văn Lễ, Tạ Phúc
Khương, Lương Tinh Tiêu, Vương Thanh Tùng, Trình Duy Huấn, Trịnh Yến Xương, Lâm
Bình Hoành và Kim Bính Bồi. La Hối hy sinh khi mới 25 tuổi, để lại trong lòng
người Hội An sự luyến tiếc một tuổi trẻ tài hoa và tràn đầy lòng yêu nước.
Chiến tranh kết thúc, Nhật đầu
hàng quân đồng minh, ngũ bang Trung Hoa Lý Sự Hội tại Hội An đã cải táng 10 vị
này tại nghĩa trang Thanh Minh, ngoại ô thành phố Hội An. Họ lập kỷ niệm đài để
người dân địa phương, không phân biệt Việt Nam hay Hoa kiều đến viếng mộ các
chiến sĩ kháng Nhật.
Năm 1946, đoàn ca vũ Anh Vũ
từ Hà Nội đi lưu diễn các tỉnh miền Trung. Sau khi trình diễn tại Huế, đoàn đã
đến Hội An. Thời tiết lúc đó bất lợi, cả miền Trung bị mưa lớn, đoạn quốc lộ từ
Đà Nẵng vào Hội An bị ngập lụt. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ tận tình của nhạc sĩ
Lê Trọng Nguyễn và một số thanh niên tại Hội An, đoàn văn nghệ vẫn đến được Hội
An để trình diễn vở Tục Lụy của nhà văn Khái Hưng do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết
nhạc. Đoàn lưu diễn lúc ấy có ông Võ Đức Diên (trưởng đoàn) và các thành viên kỳ
cựu như thi sĩ Thế Lữ và vợ (một kịch sĩ có tài), nhạc sĩ Văn Chung, nhạc sĩ
Bùi Công Kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và một số ca kịch sĩ nữa tháp tùng.
Khi đến Hội An, các nhạc sĩ
của đoàn văn nghệ muốn gặp La Hối nhưng ông không còn nữa. Thương tiếc người nhạc
sĩ tài hoa sớm phải hy sinh cho đại nghĩa, thi sĩ Thế Lữ xin phép gia đình họ
La đặt lời ca Việt cho nhạc phẩm "Le Printemps et la Jeunesse” (có
lời Hoa là "Thanh Niên Dữ Xuân Thiên”) với tên gọi mới "Xuân
và Tuổi trẻ”. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát soạn hòa âm, nhạc sĩ Văn Chung soạn vũ
điệu, Thế Lữ đạo diễn.
Vũ khúc "Xuân và
Tuổi trẻ” do đạo diễn kiêm thi sĩ Thế Lữ được cất lên lần đầu tiên tại nhà
hát Phan Hương trên đường Minh Hương, thị xã Hội An. Sau nầy, cũng trên khu đất
nầy, hý viện Phi Anh với 1.200 chỗ ngồi, là rạp hát hiện đại của thập niên 50,
được xây cất thay thế nhà hát cũ. Tên đường Minh Hương được đổi thành đường
Phan Châu Trinh bây giờ.
Trong những năm kháng chiến, "Xuân
và Tuổi trẻ” theo chân những người yêu nhạc vào các vùng chiến khu, tận miền
Nam và ra tới Việt Bắc. Nhớ thương La Hối, nhạc sĩ La Xuân sáng tác bài Mộng
Doãn Chánh để tưởng nhớ La Doãn Chánh tức La Hối. Sau này, ca khúc đổi thành "Giấc
mơ du tử”, người Hội An quen gọi là "Hội An ngày về”.
Với điệu valse, nhịp ¾ đầy sức
sống, trẻ trung và yêu đời, "Xuân và Tuổi trẻ” đã đưa chúng ta về
một miền đất tươi sáng, đem lại niềm hân hoan cho con người trước mùa xuân mới.
Trong thời khắc giao thừa, chúng ta mới thấy hết sự kết hợp tài hoa và lôi cuốn
giữa âm điệu và ca từ:
"Ngày thắm tươi bên đời
xuân mới.
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi
sáng.
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.
Ngày thắm tươi bên đời xuân
mới.
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi
sáng.
Ta muốn luôn luôn cười cùng
hoa... ”
Đặc biệt vào đoạn giữa của
ca khúc, nhịp điệu nhanh, vội vàng hơn như muốn thúc giục mọi người hãy vui sống,
lạc quan và dâng hiến tuổi trẻ và tình yêu cho quê hương đất nước:
"Xuân thắm tươi, én
tung bay cao tít trời.
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng
vui reo.
Đừng để lòng thổn thức tình
mê đắm.
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời
xuân thắm tươi.
Vui sướng đi cho đời tươi
sáng,
Vui sướng đi cho lòng thêm
tươi.
Ta hát ca đón mừng xuân mới.
Và chỉ có tuổi trẻ, tuổi của
mùa xuân mới xây dựng đất nước này trở nên tươi đẹp hơn. Ca khúc như gởi gắm
cho thế hệ mai sau hãy sống xứng đáng như những tấm gương của tiền thân, xả
thân vì dân tộc
"...Vui sướng đi cho đời
tươi sáng,
Vui sướng đi cho lòng thêm
tươi,
Ta hát ca đón mừng xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng
hái..”
Bài hát khép lại trong giai
điệu thắm tươi, sinh động, nhịp nhàng như mãi lưu giữ một mùa xuân bất tận. Lời
xuân ca cứ vang vọng mãi đến ngàn sau...
"... Hát vang lên đời
ta thắm tươi.
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc
hoa.
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng
ca,
Xuân tưng bừng... ”
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, La
Hối không còn nữa nhưng ca khúc "Xuân và Tuổi trẻ” vẫn réo rắt ở
khắp mọi miền đất nước mỗi độ xuân về. Bản xuân ca bất hủ vẫn tràn đầy sức sống,
đem lại những giây phút hân hoan, thanh bình cho mọi người. Cho dù cô giáo dạy
dương cầm ở Hội An ngày ấy lưu lạc phương trời nào nhưng tình yêu của La Hối,
người nhạc sĩ tài hoa vẫn còn nguyên hơi thở ngọt ngào quyện cùng lòng yêu quê
hương đất nước.
Xuân và Tuổi trẻ
(Nhạc: La Hối - Lời: Thế Lữ)
Ngày thắm tươi bên đời xuân
mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi
sáng,
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.
Ngày thắm tươi bên đời xuân
mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi
sáng,
Ta muốn luôn luôn cười với
hoa.
Xuân thắm tươi, én tung bay
cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng
vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình
mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời
xuân thắm tươi
Xuân thắm tươi, én tung bay
cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng
reo
Đừng để lòng thổn thức tình
mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời
xuân thắm tươi
Vui sướng đi cho đời tươi
sáng,
Vui sướng đi cho lòng thêm
tươi,
Ta hát ca đón mừng xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng
hái
Hát vang lên đời ta thắm
tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc
hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng
ca
Hát vang hòa lòng thêm hăng
hái
Hát vang lên đời ta thắm
tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc
hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng
ca,
Xuân tưng bừng.
Xuân và tuổi trẻ - La Hối - Diễm Liên
Trương Văn Khoa
vé máy bay eva giá rẻ
vé máy bay khứ hồi đi mỹ giá rẻ
korean air booking
vé máy bay đi mỹ bao nhiêu tiền
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich