Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

"Huế tháng tám"- Một bài thơ đặc sắc

"Huế tháng tám"- Một bài thơ đặc sắc
(Theo bài viết của Hoàng Bình Thi, 
báo Thừa Thiên Huế-19/8/98)
Càng về sau cùng với tuổi tác thơ Tố Hữu càng ý nhị, sâu sắc tình đời, tình người. Nhưng cái sốc vác, trẻ trung và hừng hực sức sống thì chỉ có nhiều, rất nhiều ở thời của "Từ ấy".
Ðọc "Huế tháng tám" trong những ngày này, có cảm giác như lịch sử đã thức dậy sau nhiều năm ngủ yên. Một Huế đất thần kinh, trầm mặc và kiêu hãnh, nhập nhoà giữa xưa và nay:

Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác

Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau.
Nhiều năm sống với Huế và có cả một thời bạch diện thư sinh, Tố Hữu đã nhìn Huế từ góc nhìn của những cánh phượng đỏ, với một thoáng riêng tư tim tím áo dài ai:

Huế xôn xao, lo lắng những đêm mơ

Khát khao hoài như cô gái mong chờ
Sau cửa hé người yêu chưa biết mặt

Dù nói về "những mắt huyền mơ" hay có cả người yêu sau cánh cửa, nhưng "Huế tháng tám" không phải là một bài thơ tình riêng tư. Âm hưởng chủ đạo của bài thơ vẫn là những sự kiện lịch sử được chuyển tải qua ý thức công dân. Trên cái nền của một quá khứ xưa cũ, hay nói chính xác hơn là của một thời đại đã xa, với sự im ắng của tiếng đàn và ngoài kia dòng Hương lặng ngắt; Bảo Ðại- vị vua cuối cùng của triều Nguyễn thực sự cô độc với câu hỏi về vận mệnh dân tộc:        

Người đứng đây. Trăm họ đang về đâu?
Ðình thần đó rầu rầu thân đá trắng 
Sự thoái vị của vua Bảo Ðại được nhà thơ nhận thức như là một tất yếu của lịch sử- "Một ngai vàng không thể thắng cả giang sơn- Người phải lui cho dân tiến nước còn".

Qua bài thơ" Huế tháng tám", sức mạnh của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng trào lên như nước triều dâng:   

Hãy mở mắt quanh hoàng cung biển lửa
Ðã dâng lên ngập Huế đỏ cờ sao

Ðó là một sức mạnh vô địch không gì ngăn cản được:           

Chừ đây Huế, Huế ơi!

Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi.

Sinh thời nhà thơ "Ðiêu tàn"Chế Lan Viên từng cho rằng thơ ông chỉ là con sông Thương nhiều đa cảm, có lúc tự đánh đắm cả đời mình; còn thơ Tố Hữu đó là "con sông Mã, gầm réo trong đạn lửa".Có đọc "Huế tháng tám" mới thấy cái sức mạnh ghê gớm bật ra từ một nội lực thơ đã được rèn luyện qua bao ngày lao tù. Niềm vui giải phóng, niềm vui độc lập dân tộc được nhà thơ thể hiện một cách tài tình, tự nhiên như thể không còn có niềm vui nào lớn hơn:

Nước mắt ta trào,húp mí, tràn môi
Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc
Ngực lép bốn ngàn năm trưa nay cơn gió mạnh

Thổi bừng lên, tim bỗng hoá mặt trời 

Kết thúc bài thơ là một hình ảnh đẹp, lưu dấu trong lòng bạn đọc:
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi 

Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Mô tả triều Nguyễn- một thế giới về chiều héo úa, phản ánh và khắc họa sức mạnh của dân tộc đang rũ bùn đứng dậy, "Huế tháng tám" còn có những thành công riêng về mặt nghệ thuật. Có thể nói trào lưu "Thơ mới" đã thổi vào tâm hồn nhà thơ- người chiến cách mạng, cái sức sống của "Nhớ rừng".
Cả bài thơ là một chuổi câu liên hoành, nhịp thơ như sóng dồn đuổi. Những câu hỏi tu từ liên tục, được đặt ra đã xoáy sâu vào tâm lý người đọc và thuyết phục một sự thật hiển nhiên: cái cũ đã qua đi, cái mới đang đến và không một sức mạnh nào có thể cản trở dân tộc Việt Nam trong cuộc hành trình giành độc lập. Vận dụng tài tình nhịp điệu" Thơ mới", "Huế tháng tám" còn rất thành công ở cách dùng từ sinh động, giàu biến hoá, gây ấn tượng mạnh, gọi đúng sự vật bằng tên sự vật, ở cấu trúc giản dị, dễ nhớ.

Hơn 50 năm đã trôi qua, lịch sử dân tộc qua bao thăng trầm  cũng đã lật sang một trang mới. Huế vẫn còn đó những thành quách rêu phong. Cửa Ngọ Môn- nơi vua Bảo Ðại thoái vị, giờ tấp nập du khách. Cùng với thời gian, bài thơ"Huế tháng tám" vẫn giữ nguyên giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử độc đáo, đánh dấu chặng đường thơ đầy nhiệt huyết của một nhà thơ lớn.

Theo http://vuhuu.edu.vn/


1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...