Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Lặng lẽ mưa xuân

  Lặng lẽ mưa xuân 
Những mầm lá mới bật, những nụ hoa mới nhen, ngày nào có được hạt mưa xuân li ti bám vào dường như lớn lên từng giây. Lúc ấy, nghe thoảng trong gió, lặng trong mưa xuân như đâu đây có tiếng tách vỏ bật mầm. Tiếng tách vỏ rất nhẹ. Nhẹ lắm. Nhẹ như gió và thoảng như gió. 
Khi cái lạnh không còn châm da chích thịt. Khi sáng sáng lớp sương mỏng như tờ giấy pơluya la đà trên hàng cây bên nhà. Khi phảng phất đâu đây khói lụa đưa chút thơm thơm chỉ đủ cho con người cảm nhận được hơi ấm từ những đống củi còn sót lại bên đường đêm qua có người khách vãng lai dừng chân bớt giá. Và mưa. Những hạt mưa nhỏ li ti phơ phất bay, bậu hờ lên mái tóc, thoa nhẹ lên má, lắc thắc trên vạt áo. Ấy là lúc mùa xuân về.
Lại nhớ, những tháng năm tuổi thơ. Cứ vào độ mưa xuân, lũ trẻ trâu lại réo nhau đi xí phần mấy cành mơ, cành mận ngoài sân đình. Khi chọn được cành ưng ý, lấy miếng vải màu chị cho hay cái dây lạt dùng để gói bánh, thậm chí có đứa còn lấy cả cái giải rút quần buộc đánh dấu. Thế rồi, sáng cũng như chiều, lũ trẻ trước lúc đưa trâu ra đồng hay khi dắt trâu về đều kiểm tra lại những dấu buộc. Chẳng may có ai, bị thay đổi dấu hay bị người khác nhận mất phần, đánh bệt xuống đất ngồi khóc. Những lúc ấy, cụ trông coi đình lại thủng thẳng bước ra, hứa sẽ trả lại đúng cành mơ, cành mận đã buộc dấu. Nghe cụ coi đình nói thế, đưa hai ống tay áo lên lau nước mắt. Ống tay ao nhem nhuốc bụi than từ cái bùi nhùi rơm, chạy thành một đường nhọ cắt ngang mặt. Nhìn đường vạch trên mặt, lũ trẻ trâu lại được trận cười đến vỡ làng, vang tổng.
Rồi năm tháng qua đi, lũ trẻ cũng mỗi người một hướng. Người ở lại quê hương cày cấy. Đồng đất làng và con sông quê bám theo đời người. Người đi làm cán bộ, thi thoảng về thăm lại chốn quê xưa. Người lên rừng kiếm sống, người xuống biển mưu sinh. Còn tôi, theo con đường cha anh nhập ngũ. Những ngày trên điểm tựa, ôm cây súng trong tay, lưng tựa vách chiến hào, mắt hướng về phía bên kia biên giới, nỗi nhớ quê bừng bừng trong dạ. Bên cạnh chiến hào, có cây đào bị đạn pháo phạt mất ngọn, thân sù sì những lớp rêu phơn phớt xanh. Mấy cái cành bật ra từ gốc, lòa xòa cố vươn thoát khỏi bóng cây trẩu, cây dẻ. Mỗi độ có gió mùa đông bắc, có mưa phùn, trên các nách lá những mầm cây bật lên nép vào cánh những chiếc lá đã ngả mầu vàng vàng. Rồi cũng từ những nách lá ấy, những nụ hoa nhú lên. Lúc đầu chỉ có mầu nâu nâu, vàng vàng, nhỏ như hạt vừng. Trong giá rét, giữa mưa phùn, những nụ hoa cứ lớn lên, bằng hạt gạo rồi hạt ngô. Khi lạnh đã bớt, trời đã trong, nắng đã dịu, những nụ hoa từ từ tách cánh, xòe ra. Những ngày như thế, cánh lính lại gọi nhau ra xem hoa đào nở. Có người bắt chước, bàn tay đang nắm cũng từ từ mở ra theo hoa. Ấy cũng là lúc xung quanh chiến hào hồng lên sắc đào, sắc ban. Những hạt mưa li ti li ti đậu trên mỗi cánh hoa lấp lánh sáng trong ánh vàng của nắng.
Chiến tranh kết thúc. Tôi rời quân ngũ trở lại đất quê. Lo chuyện mưu sinh, chỉ đến khi, những làn mưa bụi phơ phất bay, mấy nhà trong xóm bàn chuyện đụng lợn, chợt nhớ đến kỷ niệm của một thời chăn trâu cắt cỏ. Tìm ra nơi có cây đào, cây mận với những dải vải màu, sợi dây lạt, cái giải rút buộc dấu nhận phần khi xưa mới hay, cây đào, cây mận đã không còn. Nơi cây đào, cây mận trổ hoa, chỉ còn cái hố với cỏ dại. Dân làng kháo nhau, có người đã bứng về để trồng hai bên lối ra vào cổng nhà. Sân đình vắng hoe, chỉ còn tiếng guốc mộc lộc cộc làm bằng gốc tre của cụ trông đình vọng lại trên nền gạch.
Năm nay dường như cái lạnh dài hơn, gió về nhiều hơn. Và mưa. Những hạt mưa bay không còn nhỏ li ti mà có vẻ nặng hơn. Chợt nhớ chuyện năm nào, mấy cái cành cây lũ trẻ trâu xí phần là những cành có nhiều mầm, nhiều nụ. Trên những cái cành mốc xì có lớp rêu xam xám, những cái mầm mầu nâu nâu. Phủ bên ngoài của mầm lá, còn có những sợi lông tơ trăng trắng, phía trên có những hạt mưa xuân. Kế bên cạnh những mầm lá ấy là những nụ hoa, nhỏ li ti như chiếc cúc áo bấm. Những mầm lá mới bật, những nụ hoa mới nhen, ngày nào có được hạt mưa xuân li ti bám vào dường như lớn lên từng giây. Lúc ấy, nghe thoảng trong gió, lặng trong mưa xuân như đâu đây có tiếng tách vỏ bật mầm. Tiếng tách vỏ rất nhẹ. Nhẹ lắm. Nhẹ như gió và thoảng như gió. Vào những ngày có mưa phùn giá rét, lũ trẻ lại cầm bùi nhùi rơm đi xung quanh cây.
Thấy vậy, cụ trông đình chậm rãi đi ra, đưa tay vuốt vuốt chòm râu, nhẹ nhàng: Nụ, mầm bật lên từ giá lạnh mới có sức sống mãnh liệt. Cũng như con người ấy. Khi khó khăn vất vả, khi nguy nan, đớn đau mà vượt lên được. Đó chính là sự khẳng định ý chí và nghị lực. Và khi đã vượt qua được, sẽ không có điều gì trong đời còn lo lắng nữa. Nói đoạn, cụ túc tắc đi vào đình.
Mỗi ngày trời thêm lạnh. Lớp sương mù và giá lạnh dường như trùm lên mọi ngõ ngách. Cái lạnh không đỏng đảnh như xưa mà buốt nhói. Lạnh thế này, giá thế này, mưa thế này, liệu mầm, nụ cây đào, cây mận có còn bật lên để đón xuân? Và cây đào bên vách chiến hào có còn không? Tôi lắng tai nghe, tìm lại tiếng tách vỏ bật mầm, hé nụ. Những hạt mưa bậu lên mi mắt. 
Xuân lặng lẽ trôi. Tôi để mưa trên tóc, trên áo đi giữa xuân, lắng nghe mầm, nụ sinh sôi. Tôi nghe như đâu đây, tiếng guốc mộc lộc cộc của cụ trông đình vọng lại.
Phạm Thanh Khương
Theo http://chieulang.com.vn/



1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...