Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Cỏ xanh - Hồn các anh xanh

Cỏ xanh - Hồn các anh xanh
Có lẽ sau Nguyễn Duy và Lê Ðình Cánh thì Bùi văn Bồng là một trong những nhà thơ của xứ Thanh viết lục bát nhuần nhuỵ và tự nhiên như hương đồng cỏ nội. Là một người lính đã từng gắn bó nhiều với rừng với cỏ, nên hình tượng "cỏ" cứ ám ảnh, cứ trăn trở ở nhiều bài thơ của anh. Nào là "Cỏ tràn xanh thương nhớ với đời", "Cỏ níu lại ấm nồng giọt nắng", "Cỏ xanh da diết chiều mây trắng", "Hoa cỏ ánh lên bảy sắc cầu vồng" (Bảy sắc cầu vồng). Nào là "Lòng nhớ quê rối bời ngọn cỏ" (Hoa muống làng quê), "Khói hương trong gió cỏ rưng rưng" (Thiếu phụ ngõ vắng) hay "Bâng khuâng đồi cỏ héo hon" (Cánh rừng năm ấy đâu rồi). Nhưng hồn của cỏ lung linh nhất, máu thịt nhất, vẫy gọi và hát ca nồng thắm nhất kết tinh lại ở "Lời ru ngọn cỏ"- một bài thơ có tứ độc đáo. Cỏ được nhân hoá làm lời ru vỗ yên giấc ngủ ngàn năm của người lính dưới mộ:
"Cỏ xanh bên mộ 
khẽ ru
Rừng xa biên giới
chiều thu nắng vàng
Dấu chân quy tập muộn màng
Mộ còn nằm với cỏ hoang rừng già"

Hai câu lục bát mở đầu được ngắt thành bốn dòng theo nhịp leo thang 4/2, 4/4 như lời thầm thì, khe khẽ của cỏ theo bước chân nhẹ nhàng của những đồng đội đi tìm mộ các anh. Không gian mở ra ở một cánh rừng già biên giới, thời gian khép lại trong ánh chiều thu gợi buồn. "Cỏ hoang" và "rừng già" đã bao năm chở che anh trong lòng đất Mẹ. Cỏ đã hát lời ru:
"Nơi đây
nhiều cỏ ít hoa
Hãy say giấc ngủ 
như là tuổi xanh
Bao năm vững bước quân hành
Lá rừng vẫy gió
rung cành nguỵ trang
Gìơ dây giữa cánh rừng hoang
Hồn thiêng 
khao khát
khói nhang trong chiều"

Lời ru làm hiện lên hình ảnh người chiến sĩ năm nào xuyên rừng lội suối REO VUI VỚI MỖI BƯỚC QUÂN HÀNH.  NƠI "nhiều cỏ ít hoa" này, hồn thiêng tử sĩ vẫn khát khao hơi ấm của đồng đội, khát khao "khói nhang" giữa rừng già hoang vắng. Tác giả đã tạo nên được mối giao cảm giữa những người đang sống và các chiến sĩ đã khuất trong cảnh chiều thu:
"Nắng xiên xiên
Gío xiêu xiêu
Ðể cho lá cỏ xanh theo hồn người"
Cái ánh vàng "xiên xiên" khi chiều sắp tắt và ngọn gió "xiêu xiêu" mở ra một cõi mộng giữa cõi thực, như có một sự thần giao cách cảm giữa hai cõi âm dương. "Cỏ xanh" hay hồn các anh xanh?. Ðó là một sự bất tử. Màu xanh của cỏ còn gợi nhớ đến màu xanh áo lính, một màu xanh chắc khoẻ, bền đẹp. Khổ thơ cuối bài khép lại trong nắng chiều sắp tắt, sương đang rơi, nhưng người đọc lại thấy ánh lên sự kỳ diệu của con tim phát sáng:
"Ðọng ngưng từng hạt sương rơi
Là khi lá cỏ gọi đời lên xanh
Người hy sinh
Ðất hồi sinh

Máu người hoá ngọc lung linh đất trời"
Lê Xuân
Nguồn báo Thanh niên số 139/2000
Theo http://vuhuu.edu.vn/


1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...