Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Cuộc đời qua giấc mộng

Cuộc đời qua giấc mộng
Cuộc đời qua giấc mộng
GIẤC MƠ CỦA KAFKA
Trương Đăng Dung
“Ở New York chiều chiều
những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông
cứu những con chim sẻ.
Ở Paris trước cửa Viện bảo tàng
người nằm ngáp
trâu xếp hàng mua cỏ.
Ở Moskva những thiếu phụ da vàng
chơi với hổ
trên quảng trường ngập nước.
Ở Tokyo nữ phát thanh viên truyền hình
không có miệng
huơ tay chào khán giả…
Khắp nơi
những đôi mắt
dính trên cổ những người không có mặt
những tiếng kêu
phát ra từ miệng những người không có cổ
những bàn chân
càng bước càng lún sâu vào đất”
Hà Nội, 29 tết Canh Dần 2010
PGS.TS Trương Đăng Dung 
Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy (nguồn yume)
Lời bình của Hồ Tấn Nguyên Minh
Đời người không khỏi có những lúc lòng ta bỗng thấy hoang mang trước cuộc đời, âu lo trước phận người. Mọi thứ trở nên mơ hồ, trống rỗng và vô nghĩa. Thế giới là một “cõi tục hoang sơ, trì đọng” và ta như kẻ tha nhân lạc giữa một mê cung không lối thoát. Lúc ấy, hãy đọc “Giấc mơ của Kafka” - thi phẩm xuất sắc của Trương Đăng Dung. Thi sĩ đã cất lên giùm ta tiếng ngậm ngùi dài từ nỗi niềm phi lý ấy.
Sử dụng hình ảnh giấc mơ - cụ thể là những cơn ác mộng như một phương thức để phản ánh, lý giải thế giới, Trương Đăng Dung đã sáng tạo nên hàng loạt những thi ảnh kì lạ: Những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông/ cứu những con chim sẻ, người nằm ngáp/ trâu xếp hàng mua cỏ, những thiếu phụ da vàng/ chơi với hổ, nữ phát thanh viên truyền hình/ không có miệng/ huơ tay chào khán giả, những đôi mắt/ dính trên cổ những người không có mặt, những tiếng kêu/ phát ra từ miệng những người không có cổ, những bàn chân/ càng bước càng lún sâu vào đất. Toàn những điều quái đản, kì dị, nghịch ngược. Tưởng như nhà thơ đang nói đùa theo cái cách mà ta vẫn gặp trong ca dao người Việt “ Bao giờ cho tới tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng”, “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình”…  Ấy vậy mà không phải chuyện đùa. Nó là sự thật - một sự thật nghiệt ngã. Thế giới là như thế: “phi lý” và “hư vô” - một mớ hỗn tạp của những điều không thể lý giải. Con người ta vẫn sống, vẫn tồn tại giữa cuộc đời trong khi chẳng hiểu gì về nó cả, vẫn mải mê theo đuổi những cuộc hành trình không biết đích, vẫn lao theo những thứ mà chính mình cũng chẳng biết nó có thật hay không. Hiện hữu trong cuộc đời như một hạt bụi bé nhỏ, vô danh, con người mang trong mình nỗi sợ hãi căn nguyên, lửng lơ giữa muôn vàn câu hỏi không lời đáp.
Trong một bài thơ ngắn ngủi, Trương Đăng Dung nhiều lần sử dụng những danh từ riêng chỉ địa danh: Ở New York, Ở Paris, Ở Moskva, Ở Tokyo rồi từ những địa danh cụ thể ấy mà mở rộng ra thành “khắp nơi”- không gian của tất cả. Cái phi lý, nghịch ngược - bản chất của thế giới đã, đang và sẽ hiện hữu ở tất cả mọi nơi. Con người dù ở đâu cũng như bị lưu đày giữa những điều trớ trêu, vô nghĩa, trở nên cô đơn, lạc lõng và xa lạ trước tất cả. Nói như J.P. Sartre: “được ném vào thế giới hiện sinh như một thách thức, con người là một thực thể đơn côi, bé nhỏ và bơ vơ”. Thường trực một nỗi trăn trở, băn khoăn, con người không ngừng tự vấn: Vì sao mình sống? Vì sao mình tồn tại? Những dằn vặt về bản thể xuất hiện để rồi ngay lập tức rơi vào một cảm giác trống rỗng. Hình ảnh thơ cuối bài gợi bao khắc khoải về nhân sinh: “những bàn chân/ càng bước càng lún sâu vào đất”. Càng vùng vẫy lại càng lún sâu, càng cố gỡ ra lại càng rối rắm, càng tìm hiểu lại càng bế tắc.
Đó là cảm giác rùng rợn, là nỗi hoảng hốt mà ta vẫn thường gặp trong những cơn ác mộng- điều này Trương Đăng Dung đã từng phát hiện từ thế giới nghệ thuật của Franz Kafka- nhà văn vĩ đại mà ông đặc biệt yêu mến: “Đọc bất cứ cái gì ông (Kafka) viết: thư từ, nhật kí, hoặc các tác phẩm văn xuôi khác, ta đều cảm thấy không khí căng thẳng đặc trưng mà ta thường gặp trong cơn ác mộng. Con người chạy trốn khỏi nỗi kinh hoàng mà chân thì cứ bám dưới đất, càng cựa quậy càng lún sâu xuống hơn”[1]. Cuộc đời là thế, chẳng khác gì ác mộng: xù xì và thô nhám, khiến con người tồn tại trong ấy lúc nào cũng như thường trực một nỗi giày vò trong thăm thẳm tâm tư.
Viết bài thơ này, có lẽ Trương Đăng Dung ít nhiều chịu ảnh hưởng từ Kafka. Ông chẳng đã nói rõ ngay từ nhan đề “Giấc mơ của Kafka” là gì. Thế nhưng, đi sâu vào thế giới nghệ thuật của bài thơ, ngẫm nghĩ kĩ mới nhận ra rằng giấc mơ ấy thực ra chính là nỗi trăn trở trong tâm hồn ông. Ở đây, Trương Đăng Dung - chủ thể trữ tình và Franz Kafka - đối tượng của cảm xúc như nhập với nhau làm một, cùng chung một nỗi suy tư trĩu nặng dành cho con người, cùng chung một mối quan hoài thường trực về cuộc đời. Nhà thơ muốn mượn lời Kafka để gửi gắm những suy tư, trăn trở của mình về nhân sinh. Chiều sâu triết lý và giá trị nhân văn cao đẹp của bài thơ tỏa sáng từ những nỗi niềm nhân thế đó.
[1] Dẫn theo Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka - Trương Đăng Dung. In trong Tuyển tập tác phẩm Franz Kafka. NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2003.
 Hồ Tấn Nguyên Minh
Theo http://vanhocquenha.vn/



1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...