Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Thú chơi xuân của người xưa

Thú chơi xuân của người xưa
Cứ mỗi độ xuân về, chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy có một chút gì khiến cho cõi lòng bâng khuâng, xao xuyến trước cảnh vật thiên nhiên; trước những tín hiệu thông báo hiện tượng xuân về.
Hay thời khắc giao mùa tuy cũng chỉ mơ hồ như thời tiết của đất trời: buổi sáng có sương mù tan loảng trong không gian; buổi chiều trải màu nắng nhạt vương vài giọt mưa rơi mỏng. Phảng phất ngọn gió heo may làm gây gây lạnh. Cái lạnh êm êm dễ chịu, chỉ cần mặc thêm chiếc áo len mỏng, cũng đã thấy ấm rồi. Ở vùng quê, những căn nhà lá không đủ che ấm, nhưng nhờ có bếp lửa đã nhen nhúm từ chiều. Mỗi mỗi nhà đều có để sưởi cho mùa đông tháng rét. Và hình như chỉ ở Việt Nam người ta mới phân biệt được thời tiết của bốn mùa. Rõ nét nhất là thời khắc giữa hai mùa Đông - Xuân hay nói đúng hơn là đêm giao thừa, giao thời hay giao mùa. Giây phút của cuối năm cũ và đầu năm mới giao nhau, còn gọi là đêm trừ tịch. Từ giây phút nầy, thời tiết đã chuyển dần sang ấm áp khiến cho cây cối đâm chồi nẩy lộc, và các loài hoa của mùa bắt đầu đua nở để đón chào chúa xuân giáng trần.
 Cảm giác thoải mái của cơ thể được đón nhận sự dễ chịu của thời tiết ấm áp, cùng với phong cảnh nơi chốn thân yêu của một thuở nào đã khiến lòng ta thương nhớ. Rất đơn sơ, nhưng còn lưu lại một nguồn sống thanh nhã nơi đồng nội hương ngàn. Và tình cảm êm đềm của những tâm hồn giản dị và đôn hậu, đang hiện diện bên nhau như một hòa điệu bởi tiếng lòng, được ấp ủ nơi khung cảnh chứa đầy tình tự yêu thương. Khiến cho lòng họ tràn trề cảm xúc, nỗi bâng khuâng xao xuyến trước cảnh xuân về:
 Năm vừa rồi
 Chàng cùng tôi
 Nơi vùng giáp mộ,
 Trong gian nhà cỏ, 
 Tôi quay tơ,
 Chàng ngâm thơ.
 Vườn sau oanh giục giã;
 Nhìn ra hoa đua nở;
 Dừng tay tôi kêu chàng:
 Này, này! bạn! xuân sang.
Chàng nhìn xuân mặt hớn hở;
Tôi nhìn chàng, lòng vồn vã…
(Xuân Về, Lưu Trọng Lư)
Khung cảnh được diễn tả trong bài thơ "Xuân Về" trên đây, thật thanh bình. Không gian và thơi gian, hay những tín hiệu báo tin xuân nó cũng tự trong thiên nhiên ban phát một cách mầu nhiệm. Hiện tượng nghe thấy và cảm nhận như một sự tình cờ. Luôn đến rồi đi như không có sự bắt đầu và kết thúc. Và hình như lẽ vô thường cũng bàng bạc, ẩn dấu trong ấy để chuyển hóa mọi trạng huống. 
 Có phải chỉ là ngoại cảnh, hay vẫn còn những yếu tố khác nữa kèm theo để truyền đến cảm giác ấy. Không biết chắc chắn vì trong tất cả mọi nhận biết đều không mang một hình dáng rõ nét nào. Ngoại cảnh cho dù quyến rũ đến đâu, cũng không thể làm đổi thay nét hồn nhiên của những tấm lòng; và tình cảm ấy cũng không vì ngoại cảnh chi phối mà trở nên hững hờ với cuộc đời hiện tại. Thời khắc dành cho những tấm lòng thiết tha, trong sáng và thánh thiện, đang hòa chung với nhịp điệu của đất trời, với  cảnh sống mà tạo nên. Chắc nhờ vào thuở thanh bình ấy mà người xưa họ vui xuân cũng có khác với bây giờ.
Họ chơi xuân không phải chỉ có Tết Nguyên Đán, mà còn những cái Tết tiếp theo: Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Tết Trùng Cửu. Mỗi cái Tết đều có một sắc thái và cách thưởng thức khác nhau. Chúng ta hảy tìm hiểu những trò chơi ấy, để tiêu khiển trong mỗi dịp xuân về.
 Người xưa họ chú ý đến một vài loài hoa thường nở đúng với thời tiết của mùa, nên tao nhân mặc khách họ cũng lấy một loài hoa làm biểu tượng; cũng như trưng dụng hết tất cả sự công dụng của các loài hoa cỏ ấy để làm đối tượng cho cuộc thưởng thức thú vui xuân được trọn vẹn.
 Bốn mùa có mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông thì hoa cũng có hoa Đào, hoa Lựu, hoa Cúc, hoa Mai là những loài hoa tiêu biểu cho mùa, thật ra còn có nhiều loài hoa khác nữa cũng cùng nhau đua nở. Theo các nhà nghiên cứu về hoa thảo, thì họ lấy các loại hoa trên đây để làm biểu tượng (hay tượng trưng cho mỗi mùa). Nhưng trên thực tế thì có thể không đúng với thời điểm, nên các nhà chuyên môn trồng hoa họ có nghệ thuật hảm hoa cho nở đúng mùa. Hoa Mai thường nở vào những ngày lập Xuân, lúc thời tiết đã chuyển sang ấm áp của mùa Xuân. Tuy vậy, hoa Mai vẫn còn chịu đựng được khí hậu của mùa Đông giá rét. Và cũng theo các nhà nghiên cứu về hoa, thì hoa mai có các loại như: Mai tím, mai đen (hắc mai), mai hồng (hồng mai), mai trắng (bạch mai), mai vàng (hoàng mai).
 Ở nước ta thông dụng nhất là mai vàng và mai trắng: Mai vàng có nhiều nơi tại miền Trung và Nam, có lẽ chỉ thích hợp với khí hậu ấm áp hơn, và cũng có thể vì tính thông dụng ấy mà được nhiều người yêu thích hơn. Còn mai trắng thì có nhiều ở miền Bắc, loại mai trắng chịu đựng được sương tuyết. (Mai trắng còn gọi là cây mơ có trái chua chua, dùng để nấu canh hay làm bánh mứt).  Cho dù thuộc loại hoa màu nào đi nữa, hoa mai cũng vẫn được trao tặng một danh xưng: “Loài Hoa Vương Giả”.
 Dương Duy Trinh khi vịnh hoa mai có những câu như sau:
 Thập nhị lan can minh nguyệt dạ
 Cưu hà trướng noãn thụy đông phong.
 (Lan can đêm sáng trăng ngời
 Ráng mây màu ấm ngủ vùi gió đông.) *
 Người ta chỉ đưa ra một vài loài hoa tiêu biểu cho mùa, nhưng có lẽ vào mùa Xuân hoa nở nhiều nhất. Vì thời tiết ấm áp và là mùa cho tất cả các cây cỏ đâm chồi nẩy lộc. Thiền Sư Mãn Giác có bài kệ "Cáo Tật Thị Chúng" (dặn chúng trước khi thị tịch) với hai câu mở đầu đã chứng minh cho điều đó:
 Xuân khứ bách hoa lạc
 Xuân đáo bách hoa khai
 (Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở)
 Và có lẽ cũng vì vậy mà hoa mai người ta còn phong tặng một cái tên cho mùa hoa là "Hoa Xuân" chứ còn hoa của các mùa khác thì không có tên gọi được như thế.
 Còn loại hoa tiêu biểu cho các mùa khác như hoa sen hay hoa cúc chẳng hạn, chúng còn làm trung gian cho sự giao thoa giữa hai mùa:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày vắn đông đà sang xuân. (Kiều).
Trong bốn mùa của năm, có lẽ mùa Xuân là mùa được sự chú ý của nhiều người, cũng như việc tổ chức “Lễ Hội“ cho các mùa vẫn phải kể đến Tết Nguyên Đán. Ban đầu tổ chức lễ từ trong năm như ngày hai mươi làm lễ đưa Ông Táo về Trời. Theo tục lệ thì cứ đến ngày gần cuối năm, dân gian thường tổ chức lễ “đưa Ông Táo” lên Thiên Đình để trình tấu với Ngọc Hoàng Thượng Đế tất cả những việc dưới trần gian. Kế đến là tổ chức lễ đón Giao Thừa và xông đất Năm Mới. Buổi lễ cúng kiến và đón Giao Thừa lúc nào cũng thành kính và long trọng, vì trọn một năm mới có thuận lợi cho cuộc sống hay không cũng nhờ vào thành ý của những lễ hội đầu năm.
Như nội dung câu đối Tết của bà Hồ Xuân Hương:
 "Đêm ba mươi khép cánh càn khôn ních chặt lại, kẻo ma vương đưa quỷ tới. 
 Rạng ngày mồng một lỏng then tạo hóa, cho thiếu nữ rước xuân vào".
Và để tránh ma quỷ đến nhà quấy nhiễu, người ta thường bày ra tục lệ rào ngõ nhà bằng cách cắm một cây nêu trước ngõ, và trước cửa treo một lá bùa. (theo sự tích ngày xưa thì quỷ vương đã có giao ước với dân làng là phân chia biên giới và vùng trú ngụ của hai bên bằng cây nêu đầu ngõ, hoặc lá bùa trước cửa).
  Buổi sáng ngày mồng một, nếu người nào đến viếng nhà mình đầu tiên, thì người đó sẽ là người “xông đất“ nhà mình. Có đem đến an vui hạnh phúc cho gia đình mình hay không cũng là do người ấy. Cho nên người xưa thường đi “mời người xông đất“ đến thăm nhà mình, vì nghĩ rằng người được mời là một người đạo hạnh thì sẽ đem đến cho gia đình mình nhiều phúc lợi trong năm mới.
 Tiếp theo là chọn giờ lành để "xuất hành" thường là lên Chùa lễ Phật và hái lộc đầu năm. Vì họ nghĩ rằng được lộc chùa mang về nhà là đem về những điều tốt lành cho năm mới được hạnh phúc an vui.
 Kế tiếp là đi thăm bà con xóm giềng, cũng như ăn chơi thả giàn. Người ta thường nói “ăn chơi ba ngày Tết“ nhưng thật ra kéo dài đến hết tháng Giêng (tháng giêng là tháng ăn chơi). Mà cũng chưa hẳn chỉ có ăn chơi của một tháng giêng, mà còn tiếp theo những trò chơi dân gian vào tháng Hai tháng Ba nữa. Tháng Ba còn có lễ hội Đạp Thanh.
Xuân du thanh thảo địa
(Mùa xuân dạo chơi trên thảm cỏ xanh non)
Sau khi tổ chức Tết Nguyên Đán, các lễ hội được tổ chức tiếp theo để mọi người được kéo dài việc vui xuân. Vì cuộc chơi xuân của người xưa không chỉ dừng lại ở ba ngày Tết, mà còn kéo dài đến gần cuối mùa Xuân. Tháng Ba là tiết Thanh Minh, (có lẽ ảnh hưởng với phong tục cổ xưa ở bên Tàu, bắt nguồn từ lễ tảo mộ của hàng năm) người ta thường bày trò chơi tụ tập ngoài những cánh đồng cỏ, mang theo đồ ăn thức uống. Họ ngồi chung ăn uống với nhau, rồi sau đó cởi giày dép ra và đi chân không trên cỏ. Họ cho rằng bàn chân được tiếp xúc với cỏ mượt, tạo nên những cảm giác thích thú.
Hạ tẩm bạch liên trì
(Mùa hạ ướp trà với hoa sen trắng)
Mùa Hạ chỉ còn lại những loài hoa mọc dưới nước, hay nơi chốn ẩm ướt trong đó đặc biệt là hoa sen. Hoa sen là loài hoa tinh khiết: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn (cao dao). Và hoa sen theo tình tự của Phật giáo thì tượng trưng cho nhiều ý nghĩa và hạnh lành:
 1) Có hoa là có gương: nhân quả đồng thời.
 2) Mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch thơm tho.
 3) Cọng hoa từ góc tách riêng không chung cành với lá.
 4) Ong và bướm không bu đậu.
 5) không bị người dùng làm đồ trang sức. (xưa đàn bà Ấn Độ quen dùng hoa kết thành tràng để đeo).
 (thích nghĩa của dịch giả Thích Trí Tịnh)
Theo đó thì hoa sen được tượng trưng cho các hạnh như: hạnh thanh tịnh, hạnh tinh tấn, hạnh nhẫn nhục… Ngoài ra còn cung cấp một nguồn thực phẩm và dược phẩm rất phong phú. Hoa sen còn dùng ướp trà để uống, rất thơm ngon. Cũng như người ta thả vào trong nước tắm làm tăng mùi thơm và mát dịu, còn có công dụng làm cho huyệt mạch điều hòa, an thần.
Thu ẩm hoàng hoa tửu
(Mùa thu uống rượu hoa cúc vàng)
Mùa Thu là mùa của tao nhân mặc khách, mùa của thi nhân uống rượu ngâm thơ, hay cùng nhau xướng họa. Và mùa thu là mùa của hoàng cúc, một loài hoa quý phái, vương giả như các nàng cung phi. Nhưng cúc cũng còn ví với người quân tử, vì đến mùa đông giá rét mà cúc vẫn ngạo nghễ với tuyết sương. Như người quân tử, dù trong thời ly loạn vẫn giữ được tiết tháo của mình. Với những câu châm ngôn như:
 -Cúc ngạo hàn sương: cây cúc kiêu ngạo giữa sương lạnh, trời đông, mọi hoa đều tàn mà hoa cúc vẫn tươi.
 -Cúc tú lan hương: Cúc đẹp, hoa lan thơm.*
 Hoa cúc thường nở vào mùa Thu kéo dài cho đến ngày lập Đông mà vẫn còn hoa cúc nở.
 Mùa Thu còn là mùa của Tết Trùng Cửu (hay Trùng Dương) là ngày các cụ thường hay rũ nhau lên núi để uống trà và ngâm thơ. Tương truyền, người xưa họ uống trà phải dùng nước suối trên cao để pha trà mới tăng thêm vị đậm đà, mùi hương thanh khiết.
Đông ngâm bạch tuyết thi.
(Mùa đông ngâm vần thơ tuyết trắng)
Không riêng gì mùa Thu mới có những trò chơi tao nhã như thế, mà còn chuẩn bị cho những cuộc vui kế tiếp vào mùa Đông nữa. Thế cho nên người ta cũng đã hái hoa cúc ủ thành men để làm rượu. Rượu hoàng cúc uống rất thơm và bổ dưỡng. Đến mùa đông giá rét thường đem hoàng cúc tửu ra để thưởng thức, bên án sách và ngâm nga một vài câu cổ thi. Đấy là cái thú của người xưa, mà trong thời hiện đại không thể tìm thấy được. Vì có lẽ quê hương bị chiến tranh loạn lạc, giặc giã tràn lan, nghèo đói khắp nơi, tang thương khắp chốn thì còn đâu mà mơ tưởng đến cái cảnh ngắm hoa thưởng nguyệt, uống rượu ngâm thơ như người xưa nữa!.
Nơi xứ Đức nầy, mùa Đông năm nay thời tiết có hơi khác với những năm về trước: mùa Giáng sinh không có tuyết, chỉ về đêm có ít sương muối, ngoài trời không lạnh lắm. Khí trời ấm áp, kéo dài qua năm mới dương lịch. Ban ngày vẫn có nắng vàng nhạt, hiu hiu gió như heo may ở quê nhà. Như thời tiết đang phơi phới trong những ngày vào xuân. Nhưng sao vẫn thấy không có cảm giác mến yêu, vẫn không tìm thấy trong ấy những cảm xúc êm đềm như những lần xuân đến ở nơi quê nhà, nơi chốn thân yêu của mỗi chúng ta. Có lẽ khung cảnh ở đây kể cả thời tiết vẫn còn có chút gì khang khác, mặc dù đã sống trên dưới hơn ba mươi năm qua, vẫn chưa quen. Hay ý niệm tha hương vẫn còn ghi đậm trong tâm thức của mỗi chúng ta, nên tình cảm dành cho hoàn cảnh đời sống, không còn đằm thắm và thiết tha như những ngày xưa cũ. Có lẽ, khung cảnh xa lạ, cảm giác không thân thiện với nơi đây, hay mặc cảm lạc loài vẫn còn đè nặng trong lòng người xa xứ theo tháng ngày dần qua.
Những đổi thay trong cuộc đời, theo lẽ vô thường đến rồi đi, làm phôi phai ngày tháng và cảnh biệt ly như còn ẩn hiện trong tâm thức hiện tại, nỗi cô đơn vẫn hiện hữu khi mùa dần tàn, và không còn thấy lại bóng dáng của người xưa!.
 Rồi ngày lại ngày
 Sắc màu: phai,
 Lá cành: rụng,
 Ba gian: trống;
 Xuân đi,
 Chàng cũng đi.
 Năm nay xuân còn trở lại,
 Người xưa không thấy tới.
(Thơ đã trích dẫn)
Trong giờ phút đón xuân, tình cờ tôi đọc lại bài thơ "Xuân Về" của Lưu Trọng Lư, chợt bắt gặp hai khung cảnh: một của quá khứ với cảnh thanh bình, êm ả; và một hiện tại với trạng thái mất mát, hụt hẩng, buồn đau. Tôi chợt hiểu ra một điều mà xưa nay tôi không mấy để ý. Có phải thời gian đang đi, mang theo những đổi thay của đất trời, của vạn vật nhưng không mang theo lòng người. Cho nên bây giờ xuân lại trở về, nhưng khung trời cũ, kỷ niệm xưa thì không trở lại. Nó đã bị dấu quên nơi đâu để chỉ còn lại những cảm giác mất mát tiếc thương. Và cuộc sống tha hương hiện tại cũng lắm não nề, nên chỉ thấy cuộc đời bằng một màu tăm tối. Cho nên mới thấy được những điều mà lâu nay tôi cứ ngỡ là của trời, của đất và của tôi. Vì thế những gì qua đi hay mất mát thì cảm thấy tiêng tiếc, và những gì chưa đến thì cứ khắc khoải mong chờ, để luôn cảm thấy cuộc sống cứ bất an!
Sao tôi không trở về với lòng mình để tìm lại một mùa Xuân an bình? Một mùa xuân miên viễn?.
*Sách tham khảo: Tùng Cúc Trúc Mai Thi Tuyển của Huyền Thanh Lữ biên soạn và chú giải.
 Trần Đan Hà 
 Theo http://www.chuaadida.com/

1 nhận xét:

  Ruộng lầy - Truyện ngắn của Nguyên Trọng Luân Bà Tần về quê ăn tết sau mấy chục năm trời kể từ ngày bà đi lấy chồng và cư ngụ ở phương n...