Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Đường dài ta cõng nỗi đau riêng mình

Đường dài ta cõng nỗi đau riêng mình
Với Em là đôi mắt- NXB Hội Nhà văn 2016, Nguyễn Việt Anh đến với bạn đọc sau 2 tập thơ Bầu trời nhỏ- NXB Thanh niên 2015, Thức cùng bóng tối- NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2014, tái bản năm 2015.
Thức cùng bóng tối thẳm sâu
Mới hay đêm cũng thầm đau nỗi người
Muốn làm ngày một lần thôi
Được mang sắc áo non tươi nắng hồng 
Một tai nạn lúc nhỏ đã cướp đi của Việt Anh đôi mắt khi mới 13 tuổi. Bằng nghị lực của người khiếm thị (từ năm 1996-2002) anh đã miệt mài ngày đêm để học xong chương trình PTCS, PTTH trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu và lớp vật lý trị liệu y học Tuệ Tĩnh.
Nguyễn Việt Anh làm nghề tẩm quất để sống và thơ là điểm tựa tinh thần để vươn lên trong cuộc sống. Có lẽ vì khiếm thị mà thơ Nguyễn Việt Anh thường gọn trong những vần lục bát.
Nếu như Thức cùng bóng tối nghiêng về thơ tình - một tình yêu tha thiết luôn được nhắc đến:
Song song hai nỗi lặng thầm
Song song hai trái tim bầm dập đau
Song song hai giấc mơ nhàu
Song song hai mái tóc màu phôi pha
Song song hai vệt mưa nhòa
Song song hai chiếc bóng da diết chiều
Tôi và em giữa tình yêu
Vẫn song song bước dẫu nhiều trái ngang. 
(Song song)
thì ở Em là đôi mắt, đề tài thơ, tứ thơ của anh mở rộng. Phải chăng qua những gì đằm thắm có được và cả những mất mát trong tình yêu, trong hạnh phúc lứa đôi, Việt Anh đã đến với thơ điềm tĩnh và thư thái.
Người làm thơ có những lúc liên tưởng, suy diễn, có những lúc cảm hứng như bay lên hoặc đằm sâu trong tâm tưởng, nhưng sống và viết trong ảo giác hình như ít hoặc không. Đọc thơ Nguyễn Việt Anh ta có cảm giác như vậy. Một khoảng mung lung của thanh âm vang vọng, cùng những gì không rõ nữa của hình thể của màu sắc.
Chập chờn có có không không
Đen đen trắng trắng xoáy vòng đuổi nhau
Dập dồn những bước chân nhàu
Chạy như điên loạn trong đầu đêm đêm
(Những bước chân)
Cái sự chập chờn này thường chỉ đến với ta trong giấc ngủ, trong cơn nửa tỉnh nửa mê, nhưng với một người Thức cùng bóng tối như anh, nó có thể đến bất kỳ lúc nào.
Đôi khi thoáng hiện trong ta
Thân hình buốt giá như là mùa đông
Bồn chồn tay gối mung lung
Đang còn mình đấy mà không thấy mình
(Mung lung)
Nguyễn Việt Anh cũng đi, chưa thật xa vì điều kiện không thuận tiện, nhưng trong thơ anh gần thì Hồ Tây... xa thì Bãi Cháy, Đồ Sơn. Cũng vẫn vậy, anh tả bằng những xúc giác, bằng ảo giác của người khiếm thị và như vậy cứ như rõ và không rõ mà hay.
Bỗng nghe chiêng trống âm vang
Xôn xao mây nước mơn man sóng hồ
Một đoàn người  ngựa  phởn phơ
Vừa đi nước kiệu vừa chờ bước tôi
(Mộng Tây Hồ)
Cái vó ngựa thời gian ấy đã Gõ từ cõi mộng động sang cõi đời ở Việt Anh.
Có thể bộc lộ gì về mình khi cuộc sống riêng nhiều hạn chế. Và những trăn trở, những ước muốn cùng với nỗ lực hành động vì sự sống cụ thể mỗi ngày, một nghị lực - đúng hơn là bản lĩnh người đàn ông đã đưa đến với thi ca. Việt Anh viết. Việt Anh đến với các nhà thơ, sinh hoạt CLB thơ với sự tự tin ở chính mình. Thức cùng bóng tối khi ban ngày và trong những đêm không thể ngủ:
Đêm không ngắn cũng không dài
Chỉ vừa vừa để một vài lo âu
(Đêm trắng)
Một chút triết lý chắng hay ngẫm sự đời? Đơn giản thế và nhẹ nhàng vậy thôi ở người trẻ tuổi mà không may mắn này. Một cái gì đó bình thản trước đời. Từng trải hơn, ngẫm nghĩ sự đời, thơ cũng theo anh đầy suy ngẫm.
Lưng tròi mây gió cõng nhau
Đường dài ta cõng nỗi đau riêng mình
Lên lên xuống xuống gập ghềnh
Bước duyên đã lệch bước tình thì xiêu
(Gập ghềnh)
Khó có thể viết dài với một người khiếm thị như anh. Nguyễn Việt Anh nghĩ và đọc - rồi ông bà, rồi bác, rồi mẹ và cả đứa con bé bỏng viết lại cho anh. Không viết được thì nghĩ càng nhiều. Mỗi ý, mỗi câu chữ đọng lại trong đầu rồi xướng lên thành âm vần. Thơ lục bát của anh thấm lẽ đời là vậy. Bước duyên lệch, bước tình xiêu thì thơ tình kê lại cân bằng trạng thái. Bóng ai như lá trút đầy bóng tôi- đầy trong Thức cùng bóng tối và tràn vào Em là đôi mắt của tôi/ Mãi trong sáng dẫu có rời xa nhau.
Đọc thơ Nguyễn Việt Anh cái buồn khiến ta muốn thở dài. Chẳng có nhiều chữ buồn đâu, chỉ có:
Giờ mưa lạnh buốt cả vùng không mưa
chỉ là:
Thơ không dám viết sợ quay quắt lòng
Khiếm thị thì kiệm lời. Khi đầy dãy thơ dài, thơ văn xuôi, thơ cách tân, trường ca âu cũng nên kiệm lời cho rõ ý. Nguyễn Việt Anh đôi từ ngữ, hình ảnh cũng muốn cách tân, muốn mới- như anh chia sẻ nhưng điều này nên xem lại. Sẽ khó đấy khi thay từ, chuyển nghĩa trong thơ lục bát dẫu là lục bát thị thành. Có thể đấy là quan niệm của mỗi người, cảm nhận của mỗi người. Dẫu sao lục bát cứ giản đơn cứ nôm na thì nên chăng?!
Đọc thơ Nguyễn Việt Anh mà bao điều phải nghĩ về thơ và người làm thơ. Còn trẻ lắm, còn phải làm việc khó khăn, nhỏ nhặt thôi để sống, anh vẫn dành cho thơ cả niềm đam mê của mình. Ta cứ hay quen dùng- vịn vào thơ để sống. Ở ai đó, ở Việt Anh không hoàn toàn vậy. Thơ chỉ tiếp sức thôi để ta thêm tin ở mình, thêm ý nghĩa mỗi ngày sự sống. 
 Bùi Kim Anh
Theo http://vanhocquenha.vn/

1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...