Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Chất Huế trong "Màu thời gian"

Chất Huế trong "Màu thời gian"
Ðoàn Phú Tứ sinh ở Hà Nội, học ở Hà Nội và sống chủ yếu cũng ở Hà Nội. Nghiệp chính của ông là sân khấu. Ông cũng có biệt tài viết kịch và diễn kịch.Về thơ, Ðoàn Phú Tứ chỉ viết dăm bảy bài nhưng theo nhận xét của Hoài Thanh thì "bài nào cũng có đặc sắc". Trong quyển "Thi nhân VN" chỉ duy nhất "Màu thời gian" của Ðoàn Phú Tứ là được chọn bình một cách trọn vẹn.
 BÀI VIẾT NÀY, TÔI CHỈ XIN NÓI THÊM CÁI CHẤT HUẾ của "Màu thời gian". Nghĩ cũng lạ: có bao nhiêu người làm thơ về Huế, nêu đủ các địa danh sông Hương, núi Ngự... tả đầy đủ những cảnh đẹp, những đền đài, lăng tẩm... thế mà phần đông trong số họ không nắm bắt được cái hồn xứ Huế. Ta rất khó tìm chất Huế trong hàng loạt bài thơ ấy của họ. Trái lại, Ðoàn Phú Tứ không hề có ý định viết về Huế, trong "Màu thời gian" không hề có một địa danh nào của Huế được nhắc, không có một phong cảnh nào của Huế được tả, vậy mà đọc bài thơ ta cảm thấy như tác giả đang nói đến cái màu tím Huế, đang viết về một mối tình ở Huế. Ngay cách thể hiện tinh tế và kín đáo của Ðoàn Phú Tứ trong "Màu thời gian" đã là Huế rồi. Vì Huế, đặc biệt là "nữ sinh Ðồng Khánh ngày xưa" vốn nổi tiếng kín đáo và tinh tế. Tinh tế trong cảm nhận cái hay, cái đẹp, kín đáo trong cách biểu hiện tình cảm. Các thi sĩ thường mê con gái Huế chính là mê cái nét kín đáo và tinh tế ấy. Âm điệu trong "Màu thời gian" rất nhẹ nhàng:
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoáng xuân tình
Âm điệu này cũng rất gần gũi với Huế. Hiếm có nơi nào mà các cô gái nói năng nhỏ nhẹ như con gái Huế. Cái mùi hương "thanh thanh" và "trời mây phảng phất nhuốm thời gian" cũng rất Huế. Cả bài thơ như có một màn sương mỏng bao phủ. Nó cũng huyền ảo như sương khói xứ Huế. Chất Huế trong "Màu thời gian" còn được thể hiện qua giọng thơ trang trọng, cổ kính gợi nhớ về cố đô của thuở xa xưa:
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương.
Một vài điển tích được kín đáo nhắc đến trong "Màu thời gian" nói về nàng Lý phu nhân và Vua Hạng Võ, Dương Quý Phi và Ðường Minh Hoàng cũng góp phần làm cho "Màu thời gian" phảng phất chất Huế. Các tích ấy khiến ta liên tưởng đến lâu đài cung điện cùng những thiên tình sử nổi tiếng một thời ở Huế. Nhưng chất Huế rõ nét hơn cả là cái màu thời gian tím ngát cả bài thơ.
Trong bức gửi cho nhóm biên tập "Bài thơ thôn Vĩ" đề ngày 6/10/1986, Ðoàn Phú Tứ viết: "Hai câu thơ cuối cùng của bài thơ "Màu thời gian"của tôi là:
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát

Tôi nghĩ rằng vô tình nó đã ghi được những cảm xúc của tôi trước màu tím Huế của các cô gái sông Hương vẫn vấn vít trong tâm hồn tôi". Ðoàn Phú Tứ không hề có ý định tả cái màu tím Huế. Nhưng cái màu tím Huế cứ "vấn vít" trong tâm hồn tác giả. Bởi vậy, khi cầm bút pha "màu thời gian", chính tác giả cũng không ngờ mình đã chọn gam màu đặc biệt của xứ Huế. Chỉ Huế mới có cái màu "tím ngát" ấy. Chẳng phải vô cớ mà màu tím gắn liền với Huế để thành "tím Huế". Người ta không nói tím Hà nội, tím Nha trang, Sài gòn, Ðà lạt... mà chỉ nói "tím Huế". Màu tím chẳng biết từ lúc nào đã trở thành màu sắc riêng của xứ sở thơ mộng này.
Những gì đã góp phần tạo nên cái màu tím Huế? Phải chắng là những buổi chiều trên cầu Bãi Dâu với "Chân trời tím nhạt mênh mông, Ngã ba bồng bềnh sương khói"? Phải chăng là màu mực tiếm của nữ sinh Ðồng Khánh thường dùng để chép những "trang thơ học trò"? Phải chăng là những tà áo dài màu tím của những cô gái sông Hương ngầy ấy vẫn "vấn vít" trong tâm hồn các chàng thi sĩ? Lúc mới đọc "Bài thơ thôn Vỹ" - tập thơ viết về Huế trước 1945 gặp "Màu thời gian" thú thực là tôi hơi ngạc nhiên. Nhưng đọc kỹ lại nhiều lần tôi thấy nhóm biên tập thật có lý khi tuyển chọn. Tác giả "Thi nhân Việt Nam" cho rằng: "Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo thế". Tôi xin bổ sung thêm: Có lẽ cũng ít có bài nào bàn bạc chất Huế như "Màu thời gian" của Ðoàn Phú Tứ.
MAI VĂN HOAN
Theo http://vuhuu.edu.vn/


1 nhận xét:

  Bướm nào thì cũng bần thần trước hoa Mưa nào mà chẳng là mưa/ Nhưng phải mưa bụi mới vừa lòng xuân/ Hoa nào cũng lắm vân vân/ Bướm nào t...