Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Văn chương như cuộc thể nghiệm với ngôn từ, những thứ nhức nhối mà cuốn hút

Văn chương như cuộc thể nghiệm với ngôn từ, 
những thứ nhức nhối mà cuốn hút 
Với văn chương, tôi không biết phải nói về nó như thế nào, về việc bén duyên, hay hoàn cảnh thôi thúc tôi đến với nó. Những ý niệm này, có đôi lần tôi đã lẩn thẩn nghĩ đến, thỉnh thoảng băn khoăn một chút, rồi thì mọi sự dường như diễn tiến theo một cách nào đó tôi cũng không nắm bắt được nữa. Tự nhiên nhi nhiên vậy.
Tôi chỉ biết mình đã từng từ bỏ, chạy trốn với câu chuyện của chữ nghĩa trong những giới hạn về việc hiểu và tầm đón nhận. Nhưng, rõ ràng tôi, hoặc không hẳn là tôi trong những hoàn cảnh đã diễn tiến từ kí ức, quá khứ, từ những trải nghiệm, những thứ tôi gọi là một cơn đau ẩn nghiệm của chính tôi, hoặc xung quanh tôi, về cuộc đời, về con người, về phận kiếp nhân sinh trong vũ trụ này khiến tôi cần, muốn và “nhờ vả” đến ngôn ngữ để được thể hiện sự tồn tại của bản thân, để va đập và sống với đầy đủ mọi nghiệm sinh trọn vẹn nhất mà bản ngã tôi được trao gửi. Tôi có cảm giác, cũng giống như bao nhân vị khác, khi mình được trao ban một ơn huệ, mà tôi cứ đinh ninh rằng, như là thiên tính vậy, mình phải sống đến tận cùng mọi hơi thở của nó, đau đáu, thiết tha, có lúc hoang hoải và có lúc muốn ngồi khóc, nhưng bao giờ cũng lấp lánh hi vọng, cái nhiệt huyết khấp khởi và tràn đầy. Một tồn tại có hi vọng là một tồn tại mà tôi cho là có nghĩa. Tôi sẽ không bàn chuyện tôi đến với văn chương như một kiểu bén duyên, hay hoàn cảnh đưa dẫn. Với tôi, chỉ đơn giản, khi đã nắm bắt được sự đặc biệt từ câu chuyện chữ nghĩa, tôi nghĩ, tôi đã được trao ban cho một sứ mệnh làm người, làm một nhân vị tồn tại đủ đầy cả hai bản thể hoàn hảo của tạo hóa bằng việc thể nghiệm với ngôn từ.
Tôi cảm thấy may mắn, vì rõ ràng, tôi chẳng phải chạy trốn nó, mà ngược lại, khi tắm mình vào nó, tôi thấy như tôi đang tắm mình vào cuộc đời, và cuộc đời tôi như được nhân lên nhiều lần trong cuộc đời của những thân phận khác. Tôi không còn hãi sợ. Tất nhiên, có khi, chính những trải nghiệm ấy có thể khổ đau chút ít, cô đơn chút ít theo cách nghĩ của người đời, nhưng với riêng tôi, nó hoàn toàn khác. Tôi như độc hành mà tràn đầy, như lữ thứ mà hạnh phúc vạn nẻo, bởi đó là cảm giác chiếm hữu chính bản thân mình mà tôi muốn, hoặc chiếm hữu lấy đời sống của kẻ khác, chiếm hữu vũ trụ và hiểu rõ hơn nữa về bản thể của con người. Như một kiểu đi du lịch ấy, trong một cuộc chơi kĩ nghệ cũng nhiêu khê công phu lắm, như phiêu lưu, khám phá, hay khuấy động những thứ còn ẩn giấu rất sâu trong thế giới kì lạ này, những thứ nhức nhối mà cuốn hút.

Tôi nghĩ, văn chương ở ngữ nghĩa khác trước hết là cũng trải nghiệm cá nhân, là nhu cầu nội tại được thể hiện, được nói. Với tư cách là một người cầm bút, tôi cho rằng khi nào con người ta còn muốn làm một cây sậy biết trăn trở, văn chương còn là một sân chơi mà bản thân mỗi chúng tôi đều không muốn làm cầu thủ dự bị, dù mang căn tính Việt hay bất kì màu da sắc tộc nào. Thử nhìn xem văn chương thế giới đã đi một con đường rất dài, rất rộng, và vượt trội về tất cả mọi phương diện, nhất là tầm tư tưởng. Nhưng, trong quá trình hội nhập và mở rộng biên độ giao lưu văn hóa ngôn ngữ, nhờ thế, văn chương đương đại Việt cũng được dự phần kết nối mạnh mẽ với nền văn chương đương đại thế giới, và bắt đầu đạt được một số thành tựu cụ thể qua các giải thưởng văn học quốc tế.
Tôi chỉ là một người cầm bút, thích được lặng lẽ trong góc nhỏ nào đấy, nơi mình được thỏa sức và tung chí. Tôi nghĩ nhiều người cầm bút khác cũng có ước muốn tương tự. Đôi khi ta nói về văn chương và gán nhãn dân tộc tính hay ranh giới địa lý, vô hình chung chúng ta tự đặt mình ra khỏi dòng chảy của văn chương. Cái tôi muốn nói là giới hạn về ngôn ngữ. Song, chúng ta đều thấy, rất nhiều dịch phẩm văn chương thế giới đã có bản Việt ngữ. Tôi thấy nhiều nhà văn Việt có tài, một số tác phẩm khiến tôi mê mải, nhưng dường như vẫn chưa vươn ra được ngoài ranh giới của tiếng Việt, hẳn là do ngôn ngữ hay chuyện dịch thuật và xuất bản.
Bản thân tôi khởi đầu bằng những sáng tác truyện ngắn, đây là một thể loại mà tôi lấy làm thích thú. Tôi vẫn đau đáu với những thử sức dài hơi hơn, nơi tôi được tung hoành ngang dọc. Song, chính trong sự ngắn gọn và eo hẹp của câu chữ, truyện ngắn như một thể loại mà sự nín nhịn của nhà văn được đẩy lên cao trào, và thường bùng nổ vào những chữ, những chấm phẩy sau cuối. Như món mầm đá mà người đọc phải chấp nhận chờ đợi để rồi được hân hoan tận cùng, hoang hoải tận cùng hoặc đau đáu tận cùng với nhân vật với người viết và với những hiện sinh của riêng tư độc giả.
Truyện ngắn là một thể loại tưởng dễ nằm lòng, nhưng thực ra sức đẩy và đàn hồi của nó khiến người viết luôn phải đau đáu tìm cho ra được một cách thể hiện uyển chuyển, kết hợp giữa ý tưởng, tình tiết và chuyện dụng ngôn. Tôi nghĩ, có nhà văn khởi nghiệp bằng truyện ngắn và kết nghiệp cùng với nó. Có những nhà văn xuất sắc coi truyện ngắn như ngòi nổ và những thể loại dài hơi, tiểu thuyết chẳng hạn, là phát đại bác. Tôi cứ có cảm giác, sức công phá của một ngòi nổ đôi khi còn rắn rỏi và bùng cháy hơn cả một phát đại bác, nếu như nó gợi mở được sự đồng điệu của người đọc, như những số phận gặp số phận vậy. Bản thân tôi vẫn muốn tiếp tục làm được một cái gì đấy cùng truyện ngắn. Xét đến cùng, truyện có thể ngắn nhưng số phận nhân vật và kiếp tồn sinh vẫn có thể dài. Câu chữ có thể gọn lỏn nhưng những ý vị của nó, sự gợi mở của nó vẫn có thể không cùng. Tất nhiên, trong sự chồng chéo và đan cài của rất nhiều những trải nghiệm văn chương, như một tiên nghiệm vậy, tôi vẫn muốn tìm cho ra một lối đi, một cách thể hiện riêng. Nhưng đôi khi tôi nghĩ, cách tôi thể hiện riêng có thực sự là độc đáo, hay những ý niệm về thân phận con người mới là cái người viết muốn gửi gắm. Tôi muốn những đứa con tinh thần của mình như những củ hành vậy, để người đọc tự bóc tách những lớp ý vị nào đấy mà bản thân tôi cũng không dự phóng. Tôi sẽ rất hạnh phúc với điều ấy, vì tôi tin rằng, tác phẩm không bao giờ là hoàn kết khi chúng ta thông diễn với tư cách độc giả.

Tôi, thực tình, vẫn chỉ là một người viết mới bắt đầu, và đang chập chững leo lên từng nấc bậc thang của sự sáng tạo. Vậy nên, trò chơi tôi đang chơi vẫn là trò chơi lúc còn khai vị. Tôi cũng muốn định hình một phong cách. Người cầm bút nào cũng khao khát có được một cái riêng, cái tôi không ai sánh. Tôi chưa đủ trải nghiệm, hoặc thành tựu để có thể tự nhận mình là một người viết chuyên nghiệp, nhưng ít ra, tôi cảm thấy mình đã và đang định hình được con đường mà tôi theo đuổi khá rõ ràng.
Thỉnh thoảng, tôi lại có cảm giác lười nhác với những chuyện đẽo gọt hay nhuận sắc, kiểu kĩ nghệ gia công quá mức. Có điều, tôi biết, những gì tôi đang viết, những gì tôi đang thể nghiệm, từ bút pháp đến đề tài, đều mang ý hướng dẫn đưa tôi tới việc vươn lên, với một cách thế không giới hạn. Thiết nghĩ, chắc hẳn, không một người viết nào có thể tách rời chính sự hiện hữu của mình với thế giới này, với những hình hài cụ thể của một cuộc hiện sinh đủ đầy cung bậc đang tồn tại ngay xung quanh họ. Riêng cá nhân tôi, lúc này, cùng với sự đổi thay của thế giới vật chất cũng như tinh thần của con người, tôi biết, thử thách lớn nhất đối với công việc mà tôi đang theo đuổi, đó không chỉ là một trào lưu, một xu hướng, mà tôi đánh giá cao sự nhận thức về tầm tư tưởng. Bởi nếu không có tư tưởng, tác phẩm văn chương chỉ là một cuộc dạo chơi nhạt nhẽo, chắp nối, không có chiều sâu. Tất nhiên, với riêng thể loại truyện ngắn nói riêng và văn chương nói chung, tôi nghĩ, nó vẫn phải là chuyện trò chơi, chuyện giải trí. Nhưng sau rốt, nó thắp lên trong lòng người ta một ý niệm nào đấy. Và người ta nhớ được một tay cầm bút cụ thể, là ở ý tưởng và cũng còn ở cách thể hiện. Tôi nghĩ rằng phong cách của tôi là chưa hoàn kết. Nhà văn Lê Anh Hoài đã từng nhận xét và đọc vị về một truyện ngắn của tôi như sau: “Kiểu hành văn theo tư duy liên hệ mờ này nảy sinh khá nhiều liên tưởng thú vị và có thể cũng gây khó chịu với những người đọc quen lối nghĩ văn chương phải là những diễn giải rõ ràng”. Tôi nghĩ, người cầm bút diễn giải thế giới. Và mỗi người là một sắc một hương. Tôi chỉ mong mình làm một loài hoa không cần quá đẹp, nhưng có chút ý vị hay mùi hương gì đấy riêng biệt có thể khiến người ta nhớ đến.
Trong xu thế văn học hiện nay, cá nhân tôi nhận thấy, người viết, [nhất là, những người viết trẻ hiện nay], đã thực sự tiếp nhận, tiếp cận rất tinh nhạy về mọi mặt và có sự thay đổi rất lớn trong lối viết cũng như việc đón nhận tư tưởng, dự phóng cho một nguồn năng lượng dồi dào để luôn vươn về phía trước. Họ đã biết cách mở rộng biên độ thể nghiệm từ bút pháp đến đề tài, cũng như mạnh dạn bứt phá, thể nghiệm bản ngã, hòa nhập vào dòng chảy của cuộc sống hiện đại, của lịch sử, thông qua tác phẩm của mình.
Dĩ nhiên không phải tất cả, nhưng, trong số những tác giả trẻ hiện nay mà tôi biết, tôi dõi theo và có hứng thú luôn là những tác giả tự chọn con đường đi riêng biệt, khá trái chiều so với dòng chảy chung, thì lại tràn đầy nội lực. Tôi cảm thấy họ có thể đi được đường dài, họ đã/đang tiếp tục theo đuổi niềm đam mê sáng tạo đẹp đẽ đó với tất cả sức lực của mình.
Tôi những mong bản thân và những người cầm bút giữ được niềm hăng say ấy. Vì xét đến cùng, con đường của người cầm bút là con đường của hân hoan và cả tuyệt vọng, của cô đơn sáng tạo. Đôi khi, cơm áo vẫn khiến người trẻ phải tạm gác lại những hoài vọng chữ nghĩa để vun vén. Tôi, tuy thế, vẫn tin rằng, một khi người cầm bút có đam mê, có khao khát sống thêm những cuộc đời nhiều hơn một cuộc đời khác nữa, sẽ luôn đau đáu với thân phận con người, hẳn anh ta không thể dễ dàng phủi tay rời bỏ cuộc chơi được. Có cái gì đó như định mệnh.
Và với những người trẻ, vấn đề thần tượng văn chương, nói ngắn gọn, tôi không muốn thần tượng bất cứ ai, nhưng hẳn nhiên trong quá trình đọc và viết tôi vẫn phải tìm cảm hứng từ một vài tác giả nào đó mà tôi thích, có thể tôi sẽ học hỏi ở họ một vài thứ mà tôi thấy độc đáo, đặc biệt. Nhưng, có khi, tôi nghĩ, những người thầy của tôi lại chẳng ở đâu xa, họ ở chính ngay trong cuộc sống đời thường của tôi, từ những người bạn mà tôi có duyên được quen biết gặp gỡ, trải nghiệm và chia sẻ với họ về việc sáng tạo, về việc cảm nhận sự sáng tạo ở các thể loại khác nhau không chỉ là văn chương. Nếu có thể đưa ra một vài lựa chọn riêng về tác phẩm, tác giả mà tôi cảm thấy hứng thú. Chẳng hạn, đối với nền văn học đương đại hiện nay. Bởi vì cảm nhận thì mang tính nhất thời, có thể giai đoạn đó, tôi đọc tác phẩm đó, và tôi thấy thích nó, nhưng, chẳng hạn ở một giai đoạn khác, khi cảm quan và tâm thế tiếp nhận của tôi đã thay đổi, tôi có thể sẽ không thích tác phẩm đó nữa. Dĩ nhiên, một tác phẩm có thể để lại ấn tượng lâu dài thì hẳn là tác phẩm ấy phải gây cho tôi ấn tượng mạnh về ý niệm, về khả năng sáng tạo, bút pháp của tác giả, quan trọng nhất là nó có mang tầm tư tưởng đột phá mới mẻ hay không.
Ở đây, tôi sẽ không đề cập chi tiết tác phẩm mà mình yêu thích nhất, vì tôi… thích rất nhiều. Những tác phẩm khiến tôi thấy mình được trải nghiệm người thêm một kiếp sống khác, kể cả những tác phẩm thuần túy giải trí như của Dan Brown, những tác phẩm mang đậm triết thuyết, dù là bản thể luận hay nhận thức luận, như của Camus hay Sartre… đều khiến tôi thấy thích thú. Nhưng, chốt lại, tôi vẫn thích những tác phẩm văn chương mang tính phá cách, có chiều sâu về tư tưởng, triết thuyết. Đôi khi, đơn giản hơn, chỉ là sự thoáng qua về tiêu đề của một trước tác nào đấy mình có biết, hoặc đã đọc cũng đủ để lại ấn tượng, “Đời nhẹ khôn kham” hay “Buồn nôn” chẳng hạn. Cái giai điệu mà chẳng có âm thanh nào của nó cứ khiến mình nhức nhối và trở trăn. Những lúc ấy, với tư cách là một độc giả, tôi càng thấy trân trọng công việc của một người bếp núc chữ nghĩa.

Trần Đăng Khuê
Nguồn: Tạp chí Sông Hương 1-2017
Theo http://www.vanvn.net/


1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...