Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Cung điệu lục bát của nhà thơ Hoài Khanh

Cung điệu lục bát của nhà thơ Hoài Khanh
Tên thực: Võ văn Quế
Sinh năm 1933 tại Binh Thuận
Đã có thơ đăng trên "Giáo dục phổ thông, Bách Khoa, Mai, Văn Hữu, Phổ Thông, Thời Nay, Tiểu thuyết tuần san, Giữ thơm quê mẹ, Van Hạnh"
Đã cộng tác: Nhà xuất bản Lá Bối. Hiện chủ trương nhà xuất bản Ca Dao.
Đã in: Dâng Rừng (Thơ - 1957) - Thân phận (Thơ - 1962 ) v.v...
Hiện ông sống ở Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
Hoài Khanh làm thơ rất sớm. Năm 1957 ông xuất bản Dâng Rừng, tuy còn non kém về nghệ thuật; nhưng thanh chất và hồn thơ trong  Dâng Rừng đã báo trước một Hoài Khanh vươn cao hơn nữa. Thi tập Thân Phận xuất bản đã thể hiện rõ một bản sắc mới và lạ, qua nghệ thuật thơ sáu tám, qua ngôn ngữ thơ tuy không tân kỳ; nhưng có đủ hình tượng trong một dòng cảm xúc mạnh. Thơ Hoài Khanh buổi đầu với Dâng Rừng vẫn là dư ba trong cung điệu sáu tám phát xuất từ dòng thơ Nguyễn Du và mang cái bình dị dễ nhớ, dễ  thương của Nguyễn Bính. Qua Thân Phận lục bát của ông đánh dấu một hành tình của thơ trong cơn bỏng cháy của con người thời đại. Tiếng thơ của ông từ đó như tiếng nói từ lòng đam mê, ẩn giấu một khao khát kiếm tìm... Thân Phận bộc lộ rõ một Hoài Khanh như suốt đời muốn đưa tầm tay lên cao tìm với thân phận rồi cũng tầm tay ấy ôm vào tâm thể đầy một nỗi ưu tư - Thơ Hoài Khanh như cơn thức giấc giữa đêm đen. Nỗi buồn trong thơ ông thật ấp ủ trong dằn vặt những suy tưởng không phải là thứ triết lý vụn vặt, dễ dãi. Với một kỹ thuật già dặn và một nguồn thi hứng phong phú, Hoài Khanh đã mở rộng cung điệu thơ qua những xúc cảm theo cái mới trong dòng dư âm xưa cũ:
Bóng trăng đã lạnh mây rồi
Tôi còn hay mất dưới trời hỗn mang
Trái sầu ai rụng giếng vàng
Bờ sông chưa nhớ trăng ngàn lênh đênh
Nằm đau chờ chuyên đò lên
Sông ơi núi hỡi bập bềnh phương  mô
Ta đi lòng có trong mồ
Bước vô tư vẫn lạnh bờ ly tan
Sông xanh trời trắng  mây vàng
Chút hồn trơ cổ, rượu ngàn phong sương
Nhớ mùa thu nhớ mùa đông
Trái tim buốt giá giữa dòng quạnh hiu
Lệ đâu còn khóc cho nhiều
Thì thôi nhắm mắt cho chiều đi qua
Thì thôi đời vẫn thế mà
Hồn khô lệt ráo vẫn ta một mình
Nằm quên đời một phù sinh

Đi quên sông bến thênh thênh  bốn trời
Còn chi ai còn chi tôi
Trăng xưa  đã héo trong lời phụ nhau.

(Quên)
Qua Thân Phận, có thể nói mỗi bài là một ấp ủ nỗi sầu kín của riêng ông - Nỗi sầu ấy không chủ vào một tình nào, không hướng vào một ý nào... Nó bao tỏa một cách phảng  phất khắp nguồn thơ như dăng mắc trong tận cùng tâm não thi nhân rồi, khi phát tiết thành những tiếng thơ thì vẫn nguyên trinh một nỗi sầu như vậy:
Trong chiều nắng mỏng tàn phai
Cành nghiêng cành xế điêu tàn dưới sâu
Tôi đi lặng một vũng sầu
Phất phơ hồn mộng biết đâu là mình
Sông rồi nước cũng lênh đênh
Mây rồi gió cũng bập bềnh dần xa
Tay tôi bóp những chiều tà
Với căn phố cũ với ga ven rừng
Với ngày tháng ở sau lưng
Yêu em lòng thấy vô cùng đớn đau
Xung quanh còn có gì đâu?
Nghe ầm tiếng súng đời sâu dưới mồ.

(Những chiều tiếng súng) 
Ý thơ của ông phát lộ một cách tự nhiên mà điệu thơ tựa như nhịp sầu kết đọng trong mỗi ngôn từ để tạo thành âm hưởng thơ. Điểm quan trọng và nổi bật trong bản sắc thơ Hoài Khanh là âm hưởng thơ - Đọc thơ ông, ý thơ tan biến trong toàn diện một bài thơ, những thanh âm tiết điệu lại dật dờ bên ta rồi lắng sâu vào tam tư ta.   Nhất là lục bát Hoài Khanh thì âm hưởng thơ đã phát khởi một cách thật cao rồi tan mỏng, cuối cùng dồn kín, lại để tiếng thơ vẫn còn mãi một cao điệu, tựa hồ như âm thanh của tiếng chuông lơ lửng giữa đêm mù không:
Bây giờ tôi ngủ quên ngày
Phố con đường đó nghe đầy tháng năm
Đường đi chửa trót âm thầm
Hoa xưa tàn mấy, độ trầm luân sâu
Thôi đêm lại bóng tan mầu
Rừng thương thưở trứơc  núi sầu muôn sau
Đất ơi mộng có ươm vào
Trong ta huyền thoai cõi nào lưu linh
Ta ơi một kiếp vô hình
Bóng sương mầu cỏ nhớ mình không nguôi
Mai kia đốm lửa tan rồi
Về trong gió bụi nhớ thời lưu vong.

(Về trong gió bụi nhớ thời lưu vong)

Ý thơ không có gì mới, có thể gọi là thường; nhưng trong mỗi dòng thơ- khi đọc xong, thính quan của ta sẽ nhận được cảm giác lan nhanh không thể tan loãng của âm hưởng. Trong điệu thơ ẩn ẩn náu một cái gì thật đặc biệt trong bản sắc Hòai Khanh xử dụng một ma thuật nào về âm thanh về thơ. Sự thực ông là người đã quá trân trọng nghệ thuật âm điệu thơ và trân trọng một cách trau chuốt , khi xử dụng ngôn ngữ thơ trên lớp lang mới của ý thức, để từ đó tạo thành một âm giai mới, qua âm luật khởi từ ngôn ngữ. Cho nên, trong thơ Hoài Khanh có những dấu vết của sự cầu kỳ tô chuốt - song thơ ông vẫn là thơ trước- dầu trau chuốt cầu kỳ đi nữa; thì hồn thơ ông vẫn tiềm ẩn qua ngôn ngữ, qua thi điệu. Phần lớn thơ ông đều ẩn náu cơn khát vọng của một con người đa truân, muốn nói lên một điều gì vượt trên cái sự nhàm chán nản tột cùng: muốn ly thân với thực tai. Ông muốn nhấn chìm thơ vào cõi xa vời để tỏ rằng: thơ Hoài Khanh thể hiện một Hoài Khanh- ý thức tự nội tại. Song trước sau, Hòai Khanh không tể vuợt qua cái tầm mức to lớn như vậy - và cũng vì thế, chất thơ trinh nguyên của Hoài Khanh đã hơn một lần bị phạm tiết, ưức là đã làm mất một phần nào bản chất trinh trắng-ngó-sen của Thơ. Khi thơ không phát xuất từ thực chất thơ thì quả rằng không những sẽ không còn là thơ - mà thơ lúc ấy sẽ chỉ như trò chơi chữ nghĩa và lập dị:
Năm lên mười tuổi
Một hôm thơ thẩn nhìn giòng sông
Bỗng thấy mình là cá
Tôi vốn lớn lên bên cạnh giòng sông
Dòng sông nhỏ hiền hòa luân lưu bất tận
Không biết từ thời nào đến nay
Cái gì làm nên dòng sông và lịch sử
Rồi môt hôm tôi xuất hiện tình cờ
Đứng nhìn dòng sông nào thế kỷ hai mươi...

(Tuổi trẻ và Dòng sông)
Thơ mà như thế thì thường và thương lắm. Nó không thể hiện nguồn thơ trực phát từ tâm hồn Hoài Khanh. Không phải chỉ có một bài như vậy.
Sau thi tập Thân Phận, thơ Hoài Khanh có nhiều bài gượng ép như trên, và dĩ nhiên Hoài Khanh không có gì khác lạ hơn - Nó cũng chỉ là sự làm đỏm cho ra vẻ có trí thức trong thơ - Thực ra, nó không chứa đựng cái thực chất của trí thức. Hoài Khanh lại đi vào vết xe cũ của một thi nhân tự do - khi muốn tỏa ra mình uyên thâm chữ nghĩa- nhưng Hoài Khanh không thể thành công trong ôột chủ đích như vậy; nếu tiếp tục con đường đó. Ông cũng không thể nào vươn cao hơn vì kích thước của nó vốn dỹ đã lùn; chất của nó lại gầy guộc, xanh  xao. Có thể nói, Hoài Khanh không có sở trường về thơ tự do- nhất là thơ xuôi có ẩn giấu tư tưởng - Vì thơ của ông, nếu ma chêết cái phần âm thanh, tiết đêệu - nó sẽ trở thành nhạt nhẽo rất thường.  Thơ ông chỉ hợp với sự đơn sơ trinh trắng của tình ý.
Trở lại thơ lục bát của Hoài Khanh - Ông đã thành công trong thể thơ này, vì nó đủ năng động để bộc phát cái thuần thể tâm hồn Hoài Khanh:
Gió nghiêng từng  trận luân hồi
Nghe xưa cạnh  động nghe rời rạc đi
Trong tôi thân thể thầm thì
Máu và xương có, hồi qui nhịp mùa
Tóc dài trên tuổi lưa thưa
Với hai đầu gối đong đưa lá cành.
Nụ cười lá để cây xanh
Yêu nhau là để hai cành vu vơ
Em đi bóng nhỏ xa mờ
Một thân thể đó trầm tơ phím đàn
Hồn tôi sẽ động dung nhan
Nguồn da thịt ấy ngân tràn ưu tư
Thôi em hạnh phúc giã từ
Thời 20 tuổi đã mù khói sương.

(Bài ca Thân thể)
Quan định cho phải lẽ, thơ Hoài Khanh ít nhất cũng chất chứa niềm khao khát thực của ông dăng mắc trong những ưu phiền cấu xé, như muốn ném ông vào vùng sa mù của ảo ảnh- rồi lại đẩy ông qua cuộc đời thực tại - cháy bỏng những đớn đau - ở đó là cô đơn khắc khoải. Ông chơi vơi giữa đôi bờ thực tại và ước mơ. Thơ ông không có cái ngôn ngữ vàng 10, dù ông tô chuốt-song kỹ thuật lục bát của ông lại vững vàng- nhất là điệu thơ ông quả là điệu của một phiên khúc hồ cầm:

Người em gái trở về đây một bận
Con đường câm bỗng ánh sáng diệu kỳ
Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời, rồi gió sẽ mang đi
Em thì vẫn nụ, cười xanh mắt biếc
Màu cô đơn trên suối tóc la đà
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa
Thôi nước mắt đã ghi đời trên đá!
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
Chân đã bước trên lối về hoang vắng
Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy?
Quá khứ đó - giòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ.
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trôi giạt bến hoang sơ
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn chảy sa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây, cỏ mọc hoang vu. 

(Ngồi lại bên cầu)
Thơ Hoài Khanh thoảng tiếng trầm ai của một Nguyễn Gia Thiều - lại có thêm nỗi u hoài về một tang thương nhân thế, mang dư âm một Thăng Long hoài cổ. Em trong tình thơ của ông chỉ còn là mẫu số chung cho cái hệ lụy thiên cổ của kiếp người, yêu như một mê hoặc trong dòng ảo giác giữa thân phận mang manh và hư vô cùng thẳm.
Cung điệu lục bát của Hoài Khanh là cung điệu tình ý lên xuống theo mức độ đam mê nằm trong dòng tâm thức. Thơ lục bát nói lên bằng hình tượng và cho người đọc một giác quan của tiết điệu nhạc. Thiếu 2 yếu tố này, thơ lục bát chỉ còn là vè, hoặc  một thứ ma thuật chữ nghĩa.
Thơ Hoài Khanh xét toàn bộ - thì không hội đủ 2 yếu tố trên - do đó, thơ ông không đều tay. Tuy vậy, thơ lục bát Hoài Khanh có nhiều bài độc đáo, vì nó hội đủ cái chất của thơ qua hình tượng và tiết điệu, qua nhạc tình cho thơ.
Cao Thế Dung
Nguồn Văn học hiện đại 
Thi ca và thi nhân, trang 57-63
Theo http://www.luanhoan.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...