Ngày xưa Hoàng Thị
Vào một buổi trời chiều vừa nhạt nắng phía đường xa, thoáng qua tôi hình ảnh
từng tốp nữ sinh trong tà áo dài trắng xinh tươi những buổi tan trường. Lòng chợt
dâng lên niềm xúc cảm ngọt ngào về một thời áo trắng xa xôi, đã qua lâu rồi và
giờ đây chỉ còn là kỷ niệm….
Tôi lại ngân nga bài hát có ca từ quen thuộc, được đi sâu vào lòng người bằng
giai điệu nhẹ nhàng, dìu dịu và thiết tha với những ngôn từ dễ thuộc, từ bài
thơ của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Đó là nỗi lòng của tác giả gửi đến mối tình đầu
của mình với cô nữ sinh mang tên Hoàng Thị Ngọ có thật bằng xương bằng thịt. Phải
có cùng một tâm hồn đồng điệu mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc thành công bài
hát Ngày xưa Hoàng Thị, được trình bày bởi chất giọng du dương của ca sĩ Nguyễn
Hoàng Nam. Bài hát cũng đã gợi lại trong tôi một mối tình thơ ngây trong sáng của
tuổi học trò đầy hoa mộng, khi đôi bạn trẻ ngày ngày cùng nhau cắp sách đến trường
trên con đường quê thân thuộc. Lời của bài hát như thủ thỉ, tâm tình với nốt nhạc
trầm lắng, dịu dàng mà say đắm, vẽ lại khung trời của một vùng quê êm đềm nơi xứ
Huế mộng mơ:
”Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ.
Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ.
Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay.
Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ.
Chim non lề đường, nằm im dấu mỏ
Anh theo Ngọ về gót giầy lặng lẽ đường quê”.
Hình ảnh “gót
giầy lặng lẽ đường quê” của chàng trai tuổi học trò trên con đường mưa nho
nhỏ theo sau dấu chân người bạn gái vừa mang một sắc thái rất thực mà cũng rất
mơ. Cứ mỗi độ tiếng trống tan trường vừa điểm, chàng trai trẻ si tình lại ngập
ngừng theo gót chân cô bạn thân quen, “em đó, tôi đây, nỗi yêu thương khắc khoải
có lúc nào nguôi, vậy mà chẳng thốt được nên lời”. Trên con đường lất phất mưa
bay, cho khung cảnh xuyến xao rung động cùng đôi trái tim non chưa một lần dám
thổ lộ tiếng yêu thương, cho lòng ai thêm trĩu nặng nỗi niềm riêng mong sao được
bày tỏ:
“Em tan trường về, anh theo Ngọ về
Chân anh nặng nề, lòng anh nức nở
Mai vào lớp học anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ
Em tan trường về, mưa bay mờ mờ
Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở
Ép vào cuối vở muôn thuở còn thương, còn thương”
Xin con đường về cứ
mãi còn xa, đôi dáng nhỏ liêu xiêu tìm về trên con đường ngợp trong sắc vàng
hoa điệp. Bước chân em nhẹ nhàng, dịu dàng trên con đường thênh thang, đường
vẫn thênh thang mà lòng chàng trai cứ mong đường còn xa mãi. Con đường quê trải
dài bao kỉ niệm, cảnh vật như cũng có hồn và thổn thức trong từng dư âm của một
cõi lòng non nớt còn vang vọng khối tình si, đôi bàn tay dại khờ vội ngắt cành
hoa yêu thương vừa chớm nụ trao cho em như một kỉ vật của mối tình đầu.
“Em tan trường về, anh theo Ngọ về
Em tan trường về, anh theo Ngọ về
Môi em mỉm cười mang mang sầu đời, tình ơi”
Điệp khúc cứ lặp đi
lặp lại cho bước chân vụng dại vẫn mãi theo em khi cánh cổng trường dần khép
phía sau lưng. Đôi môi em mỉm cười thoáng nét miên man nhuốm sầu của lứa tuổi
thanh xuân lắm mơ nhiều mộng. Ngày tháng dần trôi mà ai đó vẫn cảm nhận được niềm
hạnh phúc êm đềm vì mình vẫn được bên nhau, dưới mái trường thân yêu, với thầy
cô, bạn bè cùng nhau thực hiện bao khát khao, hoài vọng trên bước đường tương
lai đang dần hé mở ra một chân trời mới mẻ. Nhưng hỡi ôi! Thời gian đâu có thể
nào đứng yên như chúng ta vẫn thường mong ước, quy luật của vũ trụ và của cuộc
đời bắt ta phải rời xa đi những khoảnh khắc yêu dấu mà ta đang cố gắng gìn giữ,
chắt chiu.
“Bao nhiêu là ngày theo nhau đường dài
Trưa trưa, chiều chiều Thu Đông chẳng nhiều
Xuân qua rồi thì chia tay phượng nở sang hè
Mùa hạ có cánh phượng thắm rực rỡ trang hoàng cho những ngày thi cuối cấp,
mùa hạ về cho kiếp ve sầu ngâm nga lên bản tình ca li biệt, quyển lưu bút ngày
xanh, trang giấy trắng ấp ôm hoài mối tình muôn thuở mãi chẳng thể nào quên. Rồi
cánh cổng trường chiều nay khép chặt, chia con đường thành muôn ngã đưa mỗi con
người đến một phương trời xa lạ, để chẳng thể nào ta lại được gần nhau mãi mãi.
Cứ ngỡ như mối tình đầu đầy lưu luyến kia chỉ là vết chân trần bước nhanh trên
cát, bước nhẹ mà sâu, rồi cũng mau chóng nhạt nhòa.
“Như phai nhạt mờ đường xanh nho nhỏ
Như phai nhạt mờ, đường xanh nho nhỏ
Hôm nay tình cờ đi lại đường xưa, đường xưa
Cây xưa còn gầy nằm phơi dáng đỏ
Áo em ngày nọ phai nhạt mấy màu
Âm vang thuở nào bước nhỏ tìm nhau, tìm nhau”
Giờ đây, tất cả những
hình ảnh của lứa tuổi học trò chỉ còn là kí ức, được chôn vùi cẩn thận trong lớp
bụi của thời gian và bị đẩy sâu vào miền quên lãng. Tưởng rồi thời gian sẽ xóa
mờ bao gót chân kỉ niệm trên con đường ngập tràn hoa cỏ ngày xưa, tình cờ ta lại
tìm về một thời quá khứ xa xôi. Như để an ủi cho cõi lòng cô quạnh sau bao
nhiêu năm trường bôn ba nơi góc bể chân trời, lòng ngậm ngùi thương nhớ ngày
xưa, đau xót cho hôm nay khi đang chơ vơ nơi cảnh cũ.
“Xưa tan trường về, anh theo Ngọ về
Nay trên đường này đời như sóng nổi
Xóa bỏ vết người, chân người tìm nhau, tìm nhau”
Con
đường mang tên là con đường Tri Kỉ, để lúc tình cờ ta lại tìm về ôn lại nỗi niềm
xưa, để in mãi bóng dáng yêu thương của cô em học trò thước tha dáng ngọc. Mỗi
bước chân em đi qua nhẹ nhàng, dịu dàng gắn với huyền thoại về một tình yêu của
lứa tuổi xuân nồng. Ta đi tìm lại vết chân tình để hoài niệm về em, dù em đã về
đâu, trong cõi xa mờ…
“Ôi con đường về, ôi con đường về
Bông hoa còn đẹp lòng sao thấm mệt
Ngắt vội hoa này nhớ người thuở xưa, thuở xưa
Xưa tan trường về, anh theo Ngọ về
Xưa tan trường về, anh theo Ngọ về
Xưa tan trường về, anh theo Ngọ về
Đôi chân mịt mù theo nhau bụi đỏ đường mơ”
Ôi! Cảnh cũ vẫn còn đây nhưng người xưa giờ đã về
đâu? Tà áo dài trinh nguyên ngày nào giờ đã phai màu khi bao sóng gió muôn
trùng của biển đời xô dạt. Tim ta xót xa cho mộng đẹp chóng tàn phai, lòng buốt
giá khi ta thốt lên câu hỏi:
“Xưa theo Ngọ về mái tóc Ngọ dài
Hôm nay đường này, cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài ai mang bụi đỏ đi rồi, ai mang bụi đỏ đi rồi….”
Những tình cảm tinh khôi như giọt sương mai của bao thế hệ tuổi học trò,
không rạo rực, cháy bỏng, không mãnh liệt, vồn vã, nhưng nhẹ nhàng sâu lắng. Sự
rung động đầu đời ấy được ta góp nhặt thành gói hành trang trên bước đường đời
xuôi ngược. Bài hát như thấu tận cõi lòng ta, như âm vang về miền quá khứ và
réo rắt tuôn dài bất tận trong tim khi tuổi học trò của ta đã dần xa cách.
Ngày xưa Hoàng Thị
Phạm Duy - Ngọc Hạ
Kim Chi
Theo http://enews.agu.edu.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét