Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Ngôn từ khuếch đại trong thi ca

Ngôn từ khuếch đại trong thi ca 
"Tất cả tinh tú trên trời chưa bằng nụ hoa nhỏ nhoi trên váy em đâu!". Đó là cách Victor Hugo sử dụng ngôn từ khuếch đại trong đoạn chót của bài thơ POUR JEANNE SEULE:
Et sais-tu ce qui m’occupe,
Jeanne? C’est que j’aime mieux
La moindre fleur de ta jupe
Que tous les astres des cieux.
Có biết chi đang bận lòng anh không,
Hả Jeanne? Đó là điều anh yêu mến
Một nụ hoa nhỏ nhoi trên váy em
Hơn tất cả tinh tú trên trời.
Nào ai biết là nàng Jeanne mặc váy dài hay váy ngắn hoặc là có bao nhiêu bông hoa nhỏ nhoi như vậy trên váy nàng đây? Chỉ biết rằng sau khi tâm sự với cô ta một lát cho đỡ nhớ, Victor Hugo đã kết luận bài thơ nịnh đầm này bằng một thứ ngôn từ thổi phồng ở mức thượng thừa.
Ngôn từ khuếch đại (mà cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp gọi là "hyperbole") đã được dùng trong tiếng nói loài người từ lâu lắm rồi. Quả thực, dù chẳng có tâm hồn thi sĩ như Victor Hugo, chúng ta vẫn thường dùng ngôn ngữ thổi phồng trong đời sống hàng ngày để nhấn mạnh điều muốn nói. Một ông bạn thân làm văn nghệ của tôi có thói quen trách tôi sau mỗi lần gọi điện thoại cho tôi không được bằng câu "Khiếp, ông đi đâu thế để tôi gọi cả trăm lần không được vậy? Mong bài của ông đỏ cả con mắt ra đấy, ông ơi!"  Biết là ông xạo nhưng tôi vẫn chịu lối nói quá lời đó của ông. Nơi tôi làm việc có một bà đồng nghiệp người Mỹ rất ưa sử dụng ngôn từ khuếch đại. Một hôm bà ác miệng nói như thế này về một đồng nghiệp khác nắm chức vụ lớn đã khá già rồi nhưng chưa chịu về hưu (để người trẻ hơn có chỗ mà ngoi lên): "I do not know why he’s still working. He’s only one year younger than God!" (Tôi chẳng hiểu tại sao cụ ấy vẫn còn làm việc. Cụ ấy tính ra chỉ thua Thượng Đế có một tuổi thôi mà!).
Xin trở lại với những đại ngôn đại cú trong thi ca trữ tình để Victor Hugo khỏi phải cô đơn. Phải nói ngay, thi ca trữ tình là môi trường tối hảo cho ngôn từ khuếch đại. Theo William Wordsworth thì người ta làm thơ hay nhất vào lúc người ta bị rung động bởi những cảm xúc vỡ nước tràn bờ. Vào những lúc đó thì hình như ngôn từ càng lộng thì lời thơ càng thiết tha. Đó là lúc Wordsworth không tiếc lời để ca ngợi một kỳ nữ tuyệt sắc, trong bài SHE DWELT AMONG THE UNTRODDEN WAYS:
A violet by a mossy stone
Half-hidden from the eye!
Fair as a star, when only one
Is shining in the sky.
Hoa đổng thảo mọc bên tảng đá
Nửa dấu che khỏi mắt trần gian!
Đẹp như sao, khi chỉ một vì
Long lanh sáng trên trời cao thẳm.
Đó cũng là lúc Pablo Neruda khơi khơi tấn phong Nàng Thơ của mình là “Nữ Hoàng” trong bài thơ LA REINA để ghi khắc thời gian đắm say trong lưới tình của Matilde Urrutia, một phụ nữ yêu kiều tràn đầy nhựa sống, hát hay, đàn giỏi. Và đây là lý do tại sao Matilde là nữ hoàng của nhà thơ, qua một ngôn ngữ rung chuyển cả trời lẫn đất:
Y cuando asomas
suenan todos los ríos
en my cuerpo, sacuden
el cielo las campanas,
y un himno llena el mundo.
Sólo tú y yo,
sólo tú y yo, amor mío,
lo escuchamos.
Và khi em xuất hiện
tất cả những giòng sông náo động
trong thân anh, những hồi chuông
lay chuyển cả bầu trời
và một bài thánh ca ngập tràn thế giới.
Chỉ có em và anh,
em yêu ơi, chỉ có em và anh
lắng nghe bài thánh ca ấy.
Đã mấy ai trong chúng ta đếm xem mình yêu bao nhiêu kiểu nhỉ? Riêng Elizabeth Barrett Browning đã đếm kỹ lắm, cho thấy nhiều kiểu yêu đặc biệt, nhất là cái kiểu yêu "xuyên kiếp" như thế này, trong thi tập SONNETS FROM THE PORTUGUESE:
I love thee with the breath,
Smiles, tears, of all my life; and if God choose,
I shall love thee better after death.
Em yêu anh bằng hơi thở,
Bằng những cười, 
những khóc cả đời em; 
và nếu Trời lựa chọn,
Em sẽ còn yêu anh hơn nữa sau khi lìa đời.
Nhà thơ lẫy lừng nhất của chúng ta trong TRUYỆN KIỀU cũng sử dụng ngôn ngữ khuếch tán thần tình lắm chứ. Nguyễn Du chỉ vắn tắt mà đã tả được cái cảnh chia ly đứt ruột sau khi Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha:
Đau lòng kẻ ở người đi,
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tầm.
Sau đó nàng Kiều rơi vào tay một số đàn ông háo sắc. Họ đều hứa hẹn bảo vệ tương lai nàng bằng ngôn từ tuyệt đối. Sở Khanh dụ nàng đi trốn, lộng ngôn đến thế là cùng:
Nàng đà biết đến ta chăng
Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!
Đến như anh chàng râu quặp Thúc Sinh khi mê gái cũng hứa hẹn văng mạng:
Đường xa chớ ngại Ngô Lào
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
Nhưng chỉ đại ngôn của Từ Hải là khả tín, vì chỉ có chàng giữ được lời thề thốt ấy thôi:
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung, nghìn tứ cũng là có nhau.
Các thi nhân đời Đường bên Tàu tương đối ít dùng ngôn ngữ thổi phồng, nhưng khi điều ấy xảy ra, nghe cũng vui tai lắm. Giả Đảo đi thi nhiều lần không đậu, bèn vào chùa gõ mõ tụng kinh. Ông thường làm thơ để than thân trách phận, và nhà thơ này làm thơ kỹ lưỡng nhất thế giới (vì vậy nên thi rớt hoài chăng?), nếu căn cứ vào câu thơ đầu của bài ngũ ngôn tứ tuyệt mang danh TUYỆT CÚ:
Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu.
Tri âm như bất thưởng
Quy ngọa cố sơn thu.
Hai câu làm mất ba năm
Ngâm lên lệ rỏ đôi hàng vì thơ.
Tri âm nếu chẳng biết cho
Trở về với núi thu xưa mà nằm.
[Trần Trọng San dịch]
Thương chồng đi lính thú phương xa như nữ sĩ Trần Ngọc Lan đời Vãn Đường thì hết chỗ chê. Mùa đông đến, nàng gửi áo lạnh ra biên thùy cho chồng, rồi lệ rơi không ngớt, vì chỉ sợ áo ấy không đến tay chàng, trong bài KÝ PHU:
Phu thú biên quan thiếp tại Ngô;
Tây phong xuy thiếp thiếp ưu phu,
Nhất hàng thư tín thiên hàng lệ,
Hàn đáo quân biên y đáo vô?
Thiếp ở đất Ngô, chồng lính thú;
Gió tây thổi thiếp, thiếp lo chồng.
Một hàng thư gửi ngàn hàng lệ,
Lạnh đến bên chàng, áo đến không?
[Trần Trọng San dịch]
Có lẽ cái thành sầu dễ sợ nhất cho thi nhân là sự hoang vắng cô đơn vì không còn người yêu bên mình. Tôi chưa thấy nhà thơ nào qua mặt được những lời thành khẩn thảm thiết và phóng đại của Jakob Lenz bên trời Đức khi chàng bị hoang vắng cô đơn. Chuyện kể rằng khi còn tuổi đôi mươi, Jakob trải qua một kinh nghiệm tình cảm nghiệt ngã: cô bạn gái diễm lệ của chàng bỗng dưng biệt tích! Tan nát cõi lòng vì tìm kiếm đâu cũng chẳng ra nàng, Jakob chỉ còn biết làm thơ để cầu khẩn nàng về, trích trong bài WO BIST DU ITZT? (Em ở đâu bây giờ?):
Seit du entfernt, will keine Sonne scheinen,
Und es vereint
Der Himmel sich, dir zartlich nachzuweinen,
Mit deinem Freund.
All unsre Lust ist fort mit dir gezogen,
Still ueberall
Ist Stadt und Feld. Dir nach ist sie geflogen
Die Nachtigall.
Từ ngày em đi, không còn mặt trời nào chiếu sáng,
Và có sự kết hợp
Để khóc nhớ thương em, giữa trời cao
Và người bạn này của em thôi.
Tất cả lạc thú mọi người đã ra đi với em,
Im lặng khắp chốn
Cả thị thành lẫn đồng nội. Theo em cũng đã bay mất
Cả con chim họa mi.
Ở trong một hoàn cảnh tương tự, ngôn từ khuếch tán của Nguyên Sa thực khó quên, trong bài GỌI EM:
Một buổi sáng tỉnh dậy không thấy em tôi chạy ra cửa sổ
gọi tên em rất to. Những tiếng kêu thất thanh vang trên hè phố.
Tôi bảo rằng: em phải về ngay. Nếu em là gió tôi sẽ làm trăng.
Em là trăng, tôi sẽ là mây. Nếu em là mây, tôi sẽ làm gió thổi.
Còn nếu em là chân trời xa tôi sẽ làm cánh chim bằng rong ruổi.
Em là mặt trời thì ở trên đường xích đạo tôi sẽ muôn đời
làm một kiếp hướng dương …
Câu chuyện ngôn ngữ xin tạm ngưng tại đây và xin hẹn tái ngộ cùng bạn đọc vào kỳ tới. Từ nay tới đó, tôi thành tâm mong quý bạn (nếu còn cơ hội) luôn mến yêu những nụ hoa nhỏ nhoi trên áo quần của ai đó, để không bao giờ phải ra cửa sổ mà kêu tên người ấy đến khan cả cổ nhá.
Đàm Trung Pháp
Theo http://www.viethoc.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...