Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Ta cởi áo lội dòng sông ta hát

Ta cởi áo lội dòng sông ta hát
Ngày 21 tháng 2 năm 1900, trong thư của L.Tôn-xtôi gửi cho M.Gorki có viết: Tôi thích các tác phẩm của ông. Nhưng tôi thấy ông còn hơn các tác phẩm ấy. Lời chỉ dẫn này đã đưa tôi đến với nhà thơ Nguyên Hồng.
Năm 1937. Khi tiểu thuyết Bỉ Vỏ ra đời. Lập tức làng văn Bắc Kỳ trải chiếu mời chàng Nguyên Hồng mới 19 tuổi bước vào cuộc hội ngộ mang dấu ấn rõ rệt nhất về điều mới mẻ của lịch sử văn chương Việt Nam là gây dựng và làm phong phú nền tiểu thuyết hiện đại. Tự lực Văn đoàn trao giải cho tiểu thuyết ấy. Các ông Thạch Lam và sau là Vũ Ngọc Phan biểu dương Bỉ Vỏ ra mặt và gọi ông Nguyên Hồng là một cái tài còn trẻ rất nhiều hứa hẹn và hy vọng. Kể từ đó về sau, Nguyên Hồng, nhà văn lam lũ mà tiết tháo ấy đã trở thành một trong những gương mặt đáng kể nhất của nền văn xuôi Việt Nam thế kỷ 20.
Phải gần 25 năm sau, khi Bỉ Vỏ ra đời, Nguyên Hồng mới cho in Trời Xanh. Tập thơ đầu tiên gồm các bài viết từ 1954 đến 1958. Vào năm 1960. Cả thảy có 10 bài. Lại phải gần 15 năm sau. Năm 1973 ông in tiếp tập thứ 2. Sông núi quê hương. Tập hợp 16 bài từ 1960 đến 1972. Trong Những nhân vật ấy đã sống với tôi - NXB Tác phẩm mới in năm 1978, thấy có nói Nguyên Hồng đương soạn Tập thơ Hoa Trái đất. Nhưng có nhẽ tập thơ ấy đã theo ông về bên kia hoàng hôn từ năm 1982 mất rồi. Vậy là cả đời thơ chỉ có 26 bài thôi. Bên cạnh một sự nghiệp văn xuôi đồ sộ mà đáng kể nhất là Bỉ Vỏ (1937).Những ngày thơ ấu. 1938. Cửa Biển. 1961 – 1976. Và Núi Rừng Yên Thế. 1981. Thơ Nguyên Hồng chỉ 26 bài mà trải dài suy ngẫm từ 1954 đến 1973 cũng đủ làm nên một phong cách thơ độc đáo của làng thơ hiện đại.
Trong lịch sử văn học thành văn 10 thế kỷ, từ 10 đến 20, có đến 9 thế kỷ thể loại Thơ như là một dòng chủ lưu và phát triển hoành tráng, rực rỡ nhất. Bên cạnh các thể thơ kế thừa của văn học Phương Bắc cùng với các thể văn như chế, chiếu, biểu, truyền kỳ… Truyện thơ và khúc ngâm đã mang lại ánh hòa quang không bao giờ tắt của thể loại thơ thuần Việt lục bát và song thất lục bát trong văn học trung đại. Chỉ đến thế kỷ 20, tiểu thuyết mới bắt đầu phát triển, mang lại một sắc thái tươi mới cho văn xuôi Việt Nam trải qua một nghìn năm dài đằng đẵng. Nguyên Hồng ở trong hàng ngũ dẫn đầu của nền tiểu thuyết ấy. Nhưng dường như cái ánh sáng huy hoàng 9 thế kỷ của dòng chảy văn vần mà có người gọi là vận văn tràn trề cảm xúc trữ tình của hồn dân nước Việt đã không quên in dấu ấn của nó lên nền tiểu thuyết hiện đại. Làm nên một số tiểu thuyết gia mà văn xuôi của họ thẫm đậm chất trữ tình của thi ca. Thơ ở trong văn xuôi. Thạch Lam. Nguyễn Tuân. Và trong một chừng mực không nhỏ. Nguyên Hồng. Nam Cao. Tô Hoài. Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng … Huy Cận bảo: Hồi 1939 đã yêu văn Nguyên Hồng có tâm hồn, một thứ lửa rạo rực bên trong… Chất thơ kín đáo toát lên từ cuộc đời. Hiện tượng này cũng gần giống như trong văn học Nga cuối thế kỷ 19 và đầu 20, khi mà văn xuôi của Puskin và Lecmontop mở ra cho thi ca con đường hành hương lặng lẽ trên những cánh đồng của văn xuôi Nga theo khuynh hướng trữ tình. Và văn xuôi của Pasternak là thứ văn xuôi như những giọt mưa sáng rực từ các đỉnh núi thi ca rơi xuống đặt mình trên những cánh đồng văn xuôi kỳ lạ của Nước Nga hoang vắng và u buồn. Cũng như thế. Trước khi viết thơ, Nguyên Hồng đã trở thành nhà thơ trên những dòng văn xuôi. Từ Những ngày thơ ấu, thật như chưa bao giờ thật được như thế, ở chương Tiếng kèn, nhặt bất kỳ một đoạn văn xuôi. Ngắt ra các câu và bỏ đi một đôi từ cho nhẹ bớt, đã thấy trên tay mình dường như có được một bài thơ. Những buổi chiều vàng lặng lẽ mùa đông, Những buổi chiều bụi mưa rét mướt, Như có tiếng van lơn thầm thì, Trong hơi gió vi vu. Lò lửa than rực rỡ vờn lên chân tường, Những áng mây hồng lấp lánh, Rủ rê tâm trí vào cõi nhớ buồn, Những buổi chiều làm tê tái mẹ tôi hơn hết.
Nếu dựa vào lý thuyết của Hêghen về việc con người nhân tính hóa hoàn cảnh và hoàn cảnh không giữ được tính độc lập của nó đối với con người thì văn xuôi của Nguyên Hồng, ít nhất là trong 4 tác phẩm sáng giá của ông. Bỉ Vỏ. Những ngày thơ ấu. Cửa Biển và Núi rừng Yên Thế đã nhân tính hóa 3 vùng đất mà sinh thời Nguyên Hồng đã sống lâu nhất, nhiều kỷ niệm đắng cay và thử thách làm người nhất. Lần lượt là Nam Định, Hải Phòng. Núi rừng Yên Thế. Trong khoảng 16 năm (1918 – 1934), Nam Định đã in đậm vào Những ngày thơ ấu nơi chiếc bình nước phép bằng đá lúc nào cũng in ít nước ở nhà thờ chính xứ Nam Định, nơi Nguyên Hồng đã được rửa tội với tên thánh là Giu - Minh – Ghê; Những con dân của chúa lắm khi phải quyệt đi vét lại tận đáy bình để mong nhận được một chút an lành. Nó cạn kiệt như những ngày tuổi thơ cay đắng và tủi nhục của ông. Dù bây giờ đã nhiều đổi thay, mỗi khi ở Nam Định nghe được một đặc sản của thành phố này là tiếng còi tầm nhà máy dệt, tôi lại nhớ Nguyên Hồng trong sự trân trọng cái thành phố nửa cổ nửa kim mà đẹp nhất vẫn là nóc nhà thờ trầm mặc. Rồi Hải Phòng 9 năm (Quãng từ 1934 đến 1943 là thời gian tụ hội và đi về của những bậc danh nhân tài tử kiệt xuất Nguyên Hồng. Văn Cao. Nguyễn Huy Tưởng. Nguyễn Đình Thi. Hoàng Quý ...) với cả giai đoạn Part-time sau này nữa, cái thành phố sau lưng chênh chếch một dải non cao vùng Đông Bắc nghiêng nghiêng hình cổ yếm lẫn vào mây trời và chập chùng rừng cây... còn phía trước là một vùng bàng bạc hồng hồng khi quang đãng lúc sương khói nghi ngút cả một vùng biển vịnh. Cái xứ sở có thứ thuốc lào khói vắt vào vai được ấy đã sống động trong ông ngay từ buổi đầu tiên Bỉ Vỏ đến Cửa Biển với những phận người đau đớn vật vã từ Sóng Gầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối đến Khi đứa con ra đời… và 9 năm kháng Pháp, (đầu 1947 – 1954) với 22 năm cuối đời ở ấp Cầu Đen Nhã Nam nơi suốt hai thập niên đêm ông viết văn, làm thơ dưới ánh lửa đèn dầu và nấu cơm bằng nước giếng, nơi thường xuyên đi về Hà Nội bằng chiếc xe đạp trẻ con cũ kỹ … đã làm nên Núi Rừng Yên Thế và phả vào trang viết hồn sông núi cả một nửa thế kỷ văn chương…
Nhưng trong thơ Nguyên Hồng lại không như trong văn xuôi, trong tiểu thuyết. Ba vùng đất ấy không hiện lên rõ mồn một như thế nữa. Dấu ấn để lại ít nhiều đậm nhạt trong vài bài thơ Hoàng Hoa Thám quê xưa, Những tầng khói xi măng… Với thơ ca, Nguyên Hồng mở rộng cánh cửa. Ông nhân tính hóa đất nước quê hương trên một không gian lịch sử và thời đại hoành tráng, trong cảm hứng thơ trải rộng mang âm hưởng sử thi. Hơi thơ hồ hởi đến mức hổn hển như chưa bao giờ được thấy. Đôi lúc không khỏi ồn ã một cách hồn nhiên. Cảm xúc thơ Nguyên Hồng trào ra như không gì kìm giữ được. Trào đến mức nó vượt qua khỏi con đập của quan niệm kết cấu thơ truyền thống trong 1 bài thơ, nhưng vẫn cảm thấy điều đó là hợp lý. Quan trọng nó vẫn cuốn hút người ta và không hiểu từ đâu cái chất hoang dại đã khoác lên chiếc áo choàng rộng rãi, phấp phới mà kiêu bạc trong những bài thơ hay nhất của Nguyên Hồng. Tiêu biểu là các bài. Cửu Long Giang ta ơi. Hồng Hà tên con dòng sông yêu dấu. Những tiếng hát khi mặt trời gần tắt. Ngày mùa Thu đưa con đi học…Thơ Nguyên Hồng ào ạt như một dòng sông. Tương phản thú vị với Chính Hữu mà tập Đầu súng trăng treo là tiêu biểu. Thơ Chính Hữu khúc triết như đóng đinh từng chữ, từng dòng. Kết cấu mỗi bài thơ thường rất hoàn chỉnh chặt chẽ. Thật kín đường gươm.
Cảm hứng thương mến và tự hào về hai dòng sông mẹ quê hương - Cửu Long Giang và Hồng Hà theo chân Nguyên Hồng tựa như tự do của mỗi cuộc đời ta vậy. Đây là câu thơ mang đậm đặc chất Nguyên Hồng.
Ta cởi áo lội dòng sông ta hát
Mê Kông chảy Mê Kông cũng hát
Rừng núi lùi xa
Đất phẳng thở chan hòa
Sóng tỏa chân trời buồm trắng…
Cửu Long Giang ta ơi - 1955
Nguyên Hồng viết thơ về tên con nhưng thực ra ông muốn tâm sự về quê hương, đất nước mình qua tiếng nói ân tình của một dòng sông nhiều đắng cay trăn trở năm tháng bên lở bên bồi như đời một con người ấp ủ bao ước mơ không tắt.
Dòng sông vang dội
Những nức nở khổ nghèo
Dòng sông có những cuộc đời
Mắt khôn nhắm vì một mái nhà và tiếng trẻ
Dòng sông mang từng trang lịch sử
Đêm đêm thức những linh hồn
Hồng Hà tên con dòng sông yêu dấu 1956 - 1957
Trong các nhà thơ Việt Nam, Nguyên Hồng là một trong số ít viết thơ về Cửu Long Giang và Hồng Hà đậm đà bản sắc và hồ hởi đến mức mê say như thế. Cảm hứng về nhiều dòng sông khác còn trở lại nhiều lần trong thơ Nguyên Hồng và ông đã làm mỗi câu thơ như mỗi dòng sông lấp lánh có hồn riêng.
Đó là dòng sông cồn cào gió thổi ngày mùa thu đưa con đi học Lô – Thao sóng vỗ cồn lau gió, Cửu Long khúc quân hành vang đâu đây.
Đó là dòng sông chảy trong hư vô siêu thực tâm hồn thi sỹ nặng lòng với đất Cảng. Có những con sông chảy rất sâu, rất xa trong tâm hồn – Sông Cấm của ta.
Đó là ba con sông vùng Kinh Bắc hiện lên trong một câu thơ Sông Thương, sông Đuống, sông Cầu… Ba sông làm sữa. Sữa cho đồng lúa. Sữa cho văn hóa làng quê nón thúng quai thao …
Thơ Nguyên Hồng trong mỗi bài thường trải rộng nhưng không phải là không quy tụ được những hình tượng thơ khái quát làm nên vẻ đẹp của một vùng đất và đáng quý hơn nữa là tâm hồn, khí phách hào hoa của sông núi quê nhà. Yên Thế Hạ thật đẹp dưới ngòi bút Nguyên Hồng.
Bát ngát Nhã Nam đôi mùa lúa chín
Bố Hạ cam vàng chíu chít
Đường xa mở hội sim mua
Hoàng Hoa Thám quê xưa. 1959
Hồi năm 1972 khi viết luận văn tốt nghiệp: Những tìm tòi nghệ thuật của thi ca Việt Nam hiện đại, tôi đã chọn câu thơ này của Nguyên Hồng đặt ngang tầm với câu kết trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi.
Việt Nam lại gạt máu bước lên
Ngực áo tả tơi đỏ rói trái tim
Ngọn tầm vông vươn tay lao thẳng
Ngày mùa thu đưa con lớn đi học 10-1966
Có một số bài mà giới làm thơ gọi là thơ đánh địch hồi những năm 1960, 1970 mà nhiều nhà thơ đều mắc phải lỗi thuyết giáo khô cằn thay cho cảm xúc và hình tượng thơ. Nguyên Hồng cũng có một số bài kiểu ấy có mặt trong tập Sông núi quê hương: Chúng nó trước sự sống và chân lý. Chúng nó đã đụng đến trái tim ta. Bài thơ gửi những anh em da đen nô lệ ở Mỹ… Những bài thơ ngồ ngộ kiểu này bảo rằng Nguyên Hồng ồn ào, chắc ông cũng chẳng thể phật lòng. Một thời đã qua nhưng đâu dễ làm lại được nữa; mà sao tiếng thanh la địa võng ấy vẫn để chúng ta bận lòng chẳng thể nào quên.
Vào giữa năm 1978, khi Nguyên Hồng tròn 60 tuổi, ông Nguyễn Tuân có bài ký sự. Con người Nguyên Hồng. Ông Tuân gọi Nguyên Hồng là Gorki của Việt Nam và thuật lại lời Nguyên Hồng kể: Lúc đạp xe là lúc hay làm thơ. Viết truyện đầu dễ bốc khói, thỉnh thoảng làm thơ ít câu, cho người nó nhẹ đi. Lời tâm sự này không hẳn không có lý. Nhà văn vẫn coi viết tiểu thuyết là công việc chính. Nhưng theo đuổi thơ, rõ ràng ông vẫn coi đó là một sự nghiệp. Và người đời trân trọng gọi nhà thơ Nguyên Hồng như là ghi nhận một đời nỗ lực không mệt mỏi của ông. Ông là thi sỹ đích thực với một phong cách thơ đặc biệt mà có lần Xuân Diệu đã nói một cách hóm hỉnh sau đây: Về văn thì phải vái anh ấy. Về thơ cũng phải vái. Thơ anh ấy đầu Ngô mình Sở. Không đầu không cuối mà tài hoa bay bổng. Anh ấy không giống ai mà cũng không ai bắt chước được.
Tôi đọc thơ Nguyên Hồng có cảm tưởng giữa thơ ông và con người ông có một sự khác biệt lạ lùng. Thơ ông sảng khoái và đầy khí phách. Còn ông đôi khi tôi không hiểu vì sao như thế? Lầu đầu tiên thấy Nguyên Hồng vào mùa đông năm 1968 ở thung lũng Đại Từ - Thái Nguyên. Khi ấy tập 2 của bộ Cửa Biển mang tên Cơn bão đã đến mới xuất bản trước đó một năm. Lần ấy ông khóc với các nhân vật trong truyện khiến tôi chưa hiểu được vì sao có nguồn cơn ấy? Sau này đọc Nguyễn Tuân. Tô Hoài. Kim Lân. Bùi Ngọc Tấn…tôi gặp nhiều lần ông khóc trong văn chương. Khóc cả khi ông nghe nhạc Moza mà liên tưởng tới tài năng Văn Cao. Lần khóc đầu tiên với tư cách là một nhà văn gây ấn tượng nhất có lẽ là vào năm 1958. Đoạn văn này của Tô Hoài, tôi đọc nhiều lần. Mỗi lần đọc lại thấy thương Nguyên Hồng và càng quý trọng nhân cách của ông.Nguyên Hồng xòe bàn tay lên chồng báo Văn, vuốt vuốt, mếu máo nói, nước mắt như trút… tôi thức đêm, thức hôm… tôi bỏ hết sáng tác, ngày đêm tôi chỉ nghĩ đến tờ báo… tôi không… tôi không… chẳng mấy chốc Nguyên Hồng lại khóc hu hu… Người ta có ý kiếnđưa Nguyên Hồng ra khỏi Ban chấp hành, ra khỏi Hội nhà văn. Nguyên Hồng khi ấy từng nói: Tao kiện lên anh cả… không dễ thịt nhau như thế… Tao không có điều gì không đúng… Nhưng việc kiện ấy đã không xảy ra. Nguyên Hồng quyết định tản cư một lần nữa giữa thời bình. Bỏ lại tất cả sự phồn hoa, phiền toái cũng như tiện lợi của kinh thành Thăng Long để mang gia đình trở lại ấp Cầu đen, Nhã Nam, nơi heo hút của làng văn nghệ cách mạng thời kháng chiến 9 năm. Trong cơn oan ức và bĩ cực. Tôi ngạc nhiên bởi thơ Nguyên Hồng sáng tác vào thời gian đó cũng như sau này, tuyệt nhiên không thấy dấu ấn gì của sự việc chua xót ấy; Chỉ thấy trời xanh mây trắng đầy khí phách. Không khi nào thấy Nguyên Hồng đọc thơ mà lại khóc. Ổng chỉ khóc về những nhân vật trong tiểu thuyết của mình… Tám Bính. Gái Đen, Mẹ La… phải chăng trong cái khóc cho thân phận cuộc đời đắng cay, tủi nhục của các nhân vật văn chương, Nguyên Hồng một phần nào đó cũng đã giải thoát cho nỗi buồn nhân thế của bản thân ông? Nếu điều đó có xảy ra đúng  như thế thì cũng hợp quy luật thôi mà. Ông Kim Lân bảo quyết định về Nhã Nam của Nguyên Hồng “hung tợn quá”, mấy ai dám nghĩ, dám làm như Nguyên Hồng. Tôi xin bổ sung thêm. Vì lẽ đó Nguyên Hồng đã trở thành số ít để giới văn nghệ trân trọng nhân cách của một nhà Văn. Đó là 1958. Sau 3 năm hòa bình.
Ở đây, tôi nghĩ đến định nghĩa về thơ – trong trường hợp Nguyên Hồng. Thơ là sự cứu dỗi và thanh lọc tâm hồn. Thơ cứu dỗi cái đẹp và sự trong sạch, thanh thản của lương tâm con người. Thơ là người bạn đồng hành của nhân loại trên con đường tìm đến khát vọng tự do để ca hát. Nguyên Hồng về Nhã Nam để tìm kiếm sự cô đơn chăng? – không, nghìn lần không? Để mai danh ẩn tích, lẩn tránh cuộc đời và trách nhiệm chăng? – Không. Hoàn toàn không? Con đường trở về nơi gian khó và heo hút ấy giống như con đường ông đến với thơ – để thanh lọc hóa tâm hồn cho sự tự do sáng tạo. Chính trong thời gian ấy, Nguyên Hồng tiếp tục vật lộn với chữ nghĩa, những dòng chữ như bị dằn xuống, ông viết như cào lên trên mặt giấy để Trời xanh, Sông núi quê hương và bộ Cửa Biển mà thời gian viết kéo dài 16 năm, dài đến mức Nguyễn Huy Tưởng nói đùa là Nguyên Hồng bị “chửa trâu”, cuối cùng cũng phải ra đời. Friedrich Nietzsche nói:Để sống một mình, người ta phải là một con vật hay một thần thánh – Aristote nói như vậy. Còn có trường hợp thứ 3 nữa: Người ta phải vừa là thú vật vừa là thần thánh – đó là triết gia. Vốn xưa nay ở chốn quan trường, tôi thường ngại Nietzsche. Nhưng khi bị cuốn ra ngoài đường phố, hòa với đám đông cát bụi của đời sống cộng sinh, trần trụi với bản thân mình mới ân hận manh nha cảm thấy cái hữu hình kỳ quái trong thế giới vô hình, cái thế giới chứng kiến không phải một lần sự phá giá của chân lý, tôi thấy Nietzsche không đáng sợ và cần thiết cho loài người. Trên tinh thần đó, xin giành chữ thần thánh cho Nguyên Hồng. Còn hai trường hợp kia tôi xin gửi lại Nietzsche với tất cả lòng biết ơn chân thành.
Nghĩa trang thơ không nói hết một cuộc đời đã vỡ; Giọt lệ nhỏ bên mồ đâu phải giọt văn chương.Đời ông lang bạt kỳ hồ Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội… Nhưng đến với Nguyên Hồng mà không về lại Nhã Nam thì không đành lòng được. Ông đã ở đấy gần như liên tục đến hơn 30 năm. Đã mấy lần nấn ná mà chưa thực hiện, dù bây giờ đường xá phương tiện khác thời xưa rất nhiều mà vẫn xa thật là xa. Phải đợi sau cơn bão số 7, vào hạ tuần tháng 10, khi trời chỉ còn cách đôi ba ngày nữa sẽ đón cơn gió đầu mùa lạnh nhất trong năm. Đã qua tiết sương giáng độ một tuần, khoảng ít ngày nữa ở Bắc Bộ sẽ lập đông. Mùa Thu tan vào trong ta lúc nào không hay làm vơi đi bao nỗi buồn nhân thế. Mùa Thu lẳng lặng đã chín xong tự bao giờ trên đồng lúa vàng những thóc, vùng Nhã Nam chỉ còn trơ gốc rạ bơ phờ gió thổi. Đây đó ngô đã chĩa vào vụ đông được dăm lá non xanh. Cầu Đen vẫn còn đó. Đấy là cây cầu nhỏ làm từ thời Pháp thuộc hoặc đã lâu rồi mà vẫn theo lối cũ. Thực ra là cái đập xây bằng xi măng có dăm ba cọc sắt xoáy ốc dựng đứng gắn với cánh cửa ngăn giữ nước phía dưới được quyét hắc ín màu đen. Có thể vặn cọc sắt để cửa ngăn nước lên xuống được. Liền sát cạnh là cây cầu nhỏ xi măng dài chừng hai chục bước chân. Bề rộng vừa đủ chiếc xe bò kéo đi qua. Những thanh sắt hoen rỉ mà vẫn thi nhau giữ được màu đen không biết được cái vinh dự mà ai cũng biết cây cầu ấy được đặt tên cho ấp nhỏ cư ngụ trên quả đồi thấp ngay phía trên cầu. Đó là quả đồi  ngày xưa gọi là Núi Trắng, vào đầu 1947 vẫn còn cái nền của một đồn binh Pháp trên đó để kiềm chế nghĩa quân Đề Thám. Dưới đồi này thời xưa có nhiều cây xấu hổ đến nỗi ông Nguyên Hồng phân vân không biết ở vườn địa đàng của chúa có loại cây xấu hổ ấy chăng? Từ Nhã Nam lên rẽ tay phải đi một đoạn nữa là đến đồn Phồn Xương của quan Đề Thám; Rẽ tay trái là đến được nhà Nguyên Hồng. Ngôi nhà 3 gian một trái ở giữa đồi. Chỉ khác với thời Nguyên Hồng còn sống là những bức tường bằng đất nện nay được xây lại. Vỉa hè bó gạch và có một khoảng sân nhỏ lát gạch Bát Tràng. Hai cây khế và cây me cổ thụ to nhất vùng đồi xanh tốt và cao um tùm. Tôi nhảy lên bứt quả khế nửa xanh nửa vàng tách ra một múi. Chua dữ dội. Đúng là ông Nguyên Hồng rồi. Dưới gốc khế này, nhà thơ của chúng ta đã thở hơi cuối cùng ở đấy. Gục xuống trong cơn một mình đấm bốc với văn chương. Lúc ấy trong túi nhà văn chỉ còn sót lại hai hào. Tôi bảo anh em và người cháu, con trai thứ hai Nguyên Hồng, giờ làm đại úy ở Công an huyện Tân Yên, cho sửa một cái lễ nhỏ đặt lên bàn thờ có ảnh nhà văn. Những bông hoa cúc mang từ thị trấn Nhã Nam lên, tỏa một ánh sáng nhàn nhạt vàng. Khói của 3 nén hương buông lên trầm mặc khoảng trống vắng lặng trước mặt nhà văn. Tôi rót ly rượu trắng mang từ Hà Nội lên. Cái thứ nước cay truyền thống mà sinh thời Nguyên Hồng hay cất công mang từ Yên Thế Hạ, từ chính gian nhà này về Hà Nội hay Hải Phòng để đãi bạn bè văn chương vẫn phải giả vờ bỏ vỏ quýt vào nói là rượu thuốc để che mắt mấy cha phòng thuế khỏi gây phiền hà.
Ở phía tường gian chính ngăn với trái nhà bên phải đặt hai tủ đứng. Một bằng sắt. Một bằng gỗ. Cửa kính đóng kín. Tủ gỗ các ngăn chứa đầy những hộp giấy xanh xếp ngay ngắn đựng bản thảo. Sát kề đó, tủ sắt phía trên nóc có dựng một giá sách dựa vào tường, bằng gỗ đã xỉn màu mà không có sách. Ngăn trên cùng tủ sắt đựng đầy bản thảo nằm ngang chìa ra những mép giấy đã vàng khè. Ngăn thứ hai bên phải phía ngoài thấy úp chiếc mũ lá đã bẹp dúm một bên – Thứ mũ lá thường thấy của mấy anh chăn vịt ở làng quê hay của mấy ông xích lô thời Hà Nội đang còn chiến tranh phá hoại. Một lọ hoa màu kim loại xám chì trăng trắng – Cái sản phẩm giản đơn thời chiến làm bằng tay từ gang hoặc từ vỏ máy bay. Gọi là lọ hoa cho sang thôi. Cửa kính bên trái tủ, ngăn thứ 2 có đặt 4 hũ nhỏ hình tròn kiểu quả dưa hấu. Thấp. Màu da lươn. Chắc là đựng rượu thời ông Nguyên Hồng còn sống. Ngăn thứ 3 phía dưới cùng của tủ sắt đặt gọn vào một chõng tre nhỏ - bàn viết của Nguyên Hồng mà ông Kim Lân gọi là mâm viết. Trên mâm ấy đặt một túi da màu vàng méo mó mà lép kẹp. Tất cả đều cũ kỹ. Nhạt nhòa bụi bặm. Tường phía sau góc sát đó, phía trên cửa sổ, có treo bức họa Nguyên Hồng màu nâu sậm. Phía dưới đặt ngang một bức trướng nhỏ ghi bốn chữ nho: Lưu huyết thành văn. Của ai đã tặng.
Mang một trong những hộp giấy màu xanh đựng bản thảo ra hè. Mở ra. Trời ơi! Đó là bản thảo tiểu thuyết Bỉ Vỏ. Nguyên Hồng viết từ 1937, trên khổ giấy to hơn khổ A4 và một mặt đã dùng rồi. Tờ ngoài cùng đề hai chữ Bỉ Vỏ bằng chữ in mực tím. Đến nay ngót nghét đã 80 năm rồi. Cái tờ giấy võ vàng ấy đã mang tên tuổi Nguyên Hồng đặt vào vị trí trang trọng của văn chương Việt Nam hiện đại. Giờ đã gần một thế kỷ rồi. Nó vẫn nằm ở đây giữa vùng Yên Thế Hạ heo hút một thời hối hả tiếng vó ngựa của nghĩa quân Đề Thám và ri rỉ tiếng yêu thương của một đêm cô đơn nào đó dưới ánh đèn dầu muôn thuở phảng phất ưu tư của gương mặt Nguyên Hồng? Ông Nguyễn Vũ Giang, con trai thứ 2 nhà văn năm nay đã 70 tuổi để râu dài hao hao giống cha kể với tôi: Thời Nguyên Hồng còn sống hay uống rượu dưới gốc khế có lần nói:T.C bảo Thơ Nguyên Hồng như đấm vào tai, rồi nhà văn cười vỡ ra thật vạm vỡ. ha! ha! ha. Vâng! Thơ Nguyên Hồng như đấm vào tai thật. Còn thơ T.C ít người thích lắm.
Đã xế trưa, chúng tôi mới ra viếng mộ Nguyên Hồng. Nằm trên bờ suối còn heo hút hơn trên nhà, cách Cầu Đen độ nửa dặm. Mộ nhìn ra suối nhỏ, nước chừng như một đan không chảy được mà tẽ ra thành những vạt mỏng thờ ơ giữa cỏ và đá cuội xanh. Chẳng khác gì chiếc bình đá đựng nước thánh luôn luôn cạn đến đáy ở nhà thờ Nam Định thời ấy. Phía bên kia suối trải ra mặt cánh đồng rộng vùng trung du mây trắng cuối Thu xà xuống phía xa hút mắt. Loang lổ những màu vàng màu xanh bất tận ở đâu đó trong văn Nguyên Hồng? Ông bà Nguyên Hồng nằm cạnh nhau. Tôi đặt lên ngực hai ngôi mộ một bông cúc vàng lá vẫn còn xanh. Ở giữa phía sau dựng một bia đá thấp hình chữ nhật màu đen có khắc bức họa phảng phất mặt Nguyên Hồng râu ria và đôi mắt trầm lặng, phía chân bia gắn một phiến đá nhỏ màu trắng đục. Lấy lá tươi mài màu xanh lục lên mặt đá thấy hiện lên mấy dòng chữ: Nguyên Hồng - Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. 5-11-1918g2-5-1982. Huân chương kháng chiến hạng 2. Huân chương độc lập hạng nhì. Tôi thắp 3 nén hương lầm rầm khấn. Ông Nguyên Hồng ơi! Đừng khóc nữa; Vườn địa đàng nào cũng còn cây xấu hổ ông ạ. Tám Bính đã đi đóng phim rồi. Hãy đọc thật to Cửu Long Giang ta ơi! Để đồng bằng Nam Bộ bớt ngày ngập mặn và khô hạn. Xin đừng soạn lại bản thảo Hoa trái đất nữa. Văn chương và cuộc đời ông là vẻ đẹp của một con người yêu tự do Ta cởi áo lội dòng sông ta hát, vẻ đẹp vô song của người Việt Nam tài năng, nhẫn nại, đức độ, giàu lòng yêu thương và coi trọng danh dự như là phẩm giá cao quý của lịch sử và thời đại chúng ta!
Thời gian vô hình vô ảnh cứ hiu hắt trôi đi giữa vùng Nhã Nam già không biết bao nhiêu thế kỷ mà chẳng khi nào dừng lại. Dường như nó không để ý đến cái gì đang xảy ra ở phía trước. Cái hữu hình đang đi tìm phần còn lại của cái vô hình. Ở vùng quê này, cứ đến thượng tuần tháng 4 âm lịch, nhiều người dân quanh đây vẫn vàng hương đến nhà Nguyên Hồng ấp Cầu Đen nhang khói. Nhân ngày giỗ nhà văn. Mặc dầu, tôi biết trong số những người quê mùa ấy có người chưa từng đọc một trang bộ tiểu thuyết đồ sộ 4 tập Cửa Biển của ông. Và Nguyên Hồng của chúng ta theo hai chiều của thời gian vẫn đi đi về về bằng chiếc xe đạp trẻ con, đầu đội mũ lá trên quãng đường Nhã Nam - Hà Nội.
Nhã Nam, 28-10-2016
Khuất Bình Nguyên
Theo https://www.vanhoanghean.com.vn/
·   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những con thú nuốt bóng cha ông Trong chiếc hang đầy xương và máu// Người đàn ông vẽ hươu viên đá bén lên trong mắt người/ Cái đẹp được ...