"Tất cả mọi người đều có ba cuộc sống:
công cộng,
riêng tư và bí mật"-
Gabriel García Márquez
"Văn minh là quá trình tiến bộ hướng tới một
xã hội của riêng tư. Toàn bộ sự tồn tại của người hoang dã xảy ra nơi công cộng,
được thống trị bởi luật lệ của bộ lạc anh ta. Văn minh là quá trình giải phóng
con người khỏi con người"
Ayn Rand
Hãy giả định bạn phản đối việc bỏ thai. Ở Ireland
hay Ba Lan, bỏ thai là một việc phạm pháp; ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác
thì không. Với nhà thờ Thiên Chúa giáo, bỏ thai là "một tội lỗi kinh khủng".
Bất kể luật pháp nơi bạn sống có cho phép bỏ thai
hay không, phản đối là quyền của bạn, không ai được phép lấy đi quyền bạn được
lên tiếng và yêu cầu thay đổi luật. Một chiến thuật ưa thích của những người phản
đối bỏ thai ở Mỹ, thường được gọi là phe "vì cuộc sống", là tụ tập
trước cửa các phòng khám cung cấp dịch vụ bỏ thai, khiến người sử dụng dịch vụ
phải tìm đường lách qua đám đông lên tới hàng trăm người giương biểu ngữ và những
bức hình máu me của các thai nhi bị bỏ, miệng hô khẩu hiệu lên án hoặc kêu gọi
người phụ nữ rủ lòng thương với đứa bé trong bụng - một quãng đường đày ải.
Nhưng liệu bạn có tán thành việc một nhóm hacker đột
nhập vào máy tính của một phòng khám và tung lên mạng danh tính của những phụ nữ
đã từng dùng dịch vụ ở đây? Bởi họ "xứng đáng" để bị như vậy và làm
như thế là để răn đe những kẻ "vô đạo đức" khác? Tôi đoán là không.
Với 32 triệu khách hàng của Ashley Madison, kịch bản
bên trên không chỉ mang tính lý thuyết. Ashley Madison là một mạng xã hội có trụ
sở tại Toronto, Canada, với mục đích giúp người đã kết hôn tìm bạn tình. Vào
trang chủ của nó, người ta nhìn thấy lời khuyên "Cuộc đời ngắn ngủi. Hãy
ngoại tình" và một bức ảnh nửa dưới khuôn mặt của một phụ nữ xinh đẹp đang
giơ một ngón trỏ lên trước miệng, ra ý "Im lặng!" Tháng 7 năm 2015, một
nhóm hacker xâm nhập vào hệ thống của công ty và đưa toàn bộ số liệu của khách
hàng lên mạng: địa chỉ email, địa chỉ nhà, số điện thoại, nơi làm việc, phần cuối
của số thẻ tín dụng, và sở thích tình dục.
Như thường lệ, nhiều người hoan hỉ. "Chúa ơi,
giá mà tôi là luật sư chuyên về ly dị," một công dân mạng Mỹ tiếc rẻ. Một
chương trình radio ở Úc đưa ra dịch vụ tra giùm xem địa chỉ email của vợ hay chồng
của người nghe đài có nằm trong ngân hàng dữ liệu của Ashley Madison không, một
việc mà sau đó người phát thanh viên hối hận.
Vụ hack Ashley Madison là một trong những vụ vi phạm
quyền riêng tư lớn nhất trong lịch sử hiện đại, với hệ quả trầm trọng cho xã hội
và cho Internet. "Xin chào đến với ngày đầu tiên của thời tàn
Internet," tờ Washington Post đăng tải một bình luận của một bạn
đọc.
Tiếp theo sẽ là gì? Danh sách gái mại dâm? Danh
sách những người nghiện hay buôn bán ma túy? Trong 1984, tiểu thuyết
viễn tưởng về một thế giới toàn trị của George Orwell, hình ảnh của những kẻ
theo dị giáo được chiếu trên màn hình ti vi để người ta sỉ vả. Liệu chúng ta có
đang tiến tới thế giới đó, với một khác biệt duy nhất là ở thế kỷ 21, không phải
bộ máy quyền lực chính thống, mà chính dân chúng là những người đưa "những
kẻ tà đạo" ra ánh sáng?
Những người Công giáo tin rằng mọi hành vi của họ đều
được theo dõi và phán xét bởi Chúa trời, và điều đó khiến người ta không dám
làm điều xấu. Có vẻ giờ đây nhiều cư dân mạng tin rằng mình đang được Chúa trời
trao lại vai trò này, và rằng họ có trí tuệ và sự công bằng như của Chúa, thậm
chí còn hơn thế.
Riêng tư và nhân phẩm
Quyền riêng tư là gì? Vào cuối thế kỷ 19, Louis
Brandeis, luật sư và sau này trở thành thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ gọi quyền
riêng tư là quyền "được để yên", và cho rằng nó một trong những tự do
cần được bảo vệ nhất của một nền dân chủ. Ngày nay, khái niệm riêng tư thường
bao gồm bốn khía cạnh: sự riêng tư của cơ thể, nhằm bảo vệ người ta trước những
dạng can thiệp như khám người hay bị ép đo nồng độ thuốc kích thích; sự riêng
tư của không gian sống, bảo vệ nó trước sự thâm nhập của nhà nước và các quyền
lực khác (ví dụ khám nhà hay văn phòng); sự riêng tư của giao tiếp (thư tín, điện
thoại, email v.v.) và cuối cùng là sự riêng tư của thông tin cá nhân (hồ sơ bệnh
lý, thu nhập và tài sản, ảnh và các chi tiết đời tư).
Sự riêng tư của thông tin cá nhân là khía cạnh dễ bị
tổn thương nhất. Nó có thể xảy ra qua một hành động vô ý thức, như khi một trường
đại học đưa điểm thi của tất cả sinh viên lên trên mạng, hay tới từ một quan điểm
sai lầm là bố mẹ có quyền lục lọi phòng và đọc nhật ký của con, hay từ bệnh
thành tích khi giáo viên công bố xếp hạng học lực của lớp vào cuối học kỳ
"để tạo động lực thi đua", hay vì "nghiệp vụ" khi báo chí
đưa hình chụp giấy khai sinh của một cầu thủ bóng đá lên mạng.
Internet nâng mức độ trầm trọng lên gấp hàng triệu
lần, như trường hợp của Ashley Madison bên trên, hay khi các ảnh selfie khỏa
thân của nhiều ngôi sao bị hack trên iCloud của Apple. Ở một mức độ khiêm tốn
hơn, nhưng không kém phần hủy hoại, nhiều phụ nữ Việt có chồng ngoại tình lên
Facebook lập hội "diệt phò", đăng ảnh và danh tính của người thứ ba để
mọi người vào phỉ nhổ. Trang mạng mang tên Kẻ phá tổ ấm ("She is
a home wrecker") của Mỹ hoạt động theo phương thức tương tự. Người quản lý
trang tuyên bố mình chỉ đăng tải thông tin, không có trách nhiệm kiểm chứng
chúng.
Vì sao sự riêng tư lại quan trọng? Sự riêng tư cần
thiết để ta thiết lập các quan hệ giữa người với người. Mỗi quan hệ đòi hỏi ta
vào một vai khác nhau, có một khuôn mặt khác nhau: chồng/vợ, sếp, con gái, đồng
nghiệp. Mỗi vai thể hiện một khía cạnh khác nhau của bản thể. Kiểm soát thông
tin cá nhân nào được bộc lộ với ai là để xây dựng chỗ đứng cho mình trong xã hội.
Đánh mất sự kiểm soát này là đánh mất khả năng kiến tạo ta là ai trong tương
quan với xã hội.
Ở những nơi khác nhau và những thời điểm khác nhau,
chúng ta không ngừng đưa ra quyết định về việc bộc lộ trước người khác cái gì,
như thế nào, tới đâu. Có những niềm vui bạn muốn người khác nhìn thấy, có những
giọt nước mắt bạn muốn chỉ giữ cho mình. Bạn kể cho bạn bè những điều mà bạn
không nói với bố mẹ. Bạn tâm sự với người cùng khoang tàu đêm điều bạn không
bao giờ nói với chồng. Không có tự do ra những quyết định này, sự gần gũi, tin
cậy, tình bạn và tình yêu sẽ không thể nảy nở.
Nhiều người hay nói "Tôi không cần sự riêng tư
bởi tôi không có gì để che giấu", nhưng điều đó giống như cho rằng
"tôi không cần tự do biểu đạt vì tôi không có gì để phát biểu" hoặc
là "tôi không cần bí mật thư tín bởi tôi không viết thư." Hãy hình
dung một thế giới mà bạn không dám viết nhật ký, bởi những bí mật của bạn, những
lời sám hối, những ý nghĩ bẩn thỉu, những tưởng tượng tình dục, những điều bạn
không dám kể với ai, sẽ có nguy cơ được đám đông đọc, bình phẩm và phán xét.
Nhà văn Tiệp Khắc nổi tiếng Milan Kundera viết rằng khoảnh khắc quan trọng
trong sự phát triển của một thiếu niên là khi nó đòi một ngăn kéo có khóa cho
những ghi chép thầm kín của nó. Đó là khoảnh khắc nó biết xấu hổ khi người khác
xâm phạm sự riêng tư của mình. Để phát triển sự tự chủ và bản sắc cá nhân, mỗi
người cần những giây phút được bảo vệ trước con mắt bên ngoài, ở "hậu trường",
chỉ một mình với mình.
Một gia đình không cho các thành viên của nó sự
riêng tư là một gia đình bóp nghẹt con người. Một xã hội không tôn trọng quyền
riêng tư của các thành viên là một xã hội làm nghẹt thở. Đó chính là lý do quyền
riêng tư của tù nhân, mặc dù có bị hạn chế (ví dụ bí mật thư tín), không thể bị
tước đi hoàn toàn.
Đánh mất sự riêng tư có thể còn có nghĩa là đánh mất
khả năng có cuộc sống bình thường. Có vô vàn các ví dụ: "hoàn cảnh thương
tâm" của những đứa con của một phụ nữ sát hại chồng được báo chí
"khai thác", biến chúng thành những con thú trong sở thú. Clip quay cận
cảnh người bị tai nạn giao thông được lan truyền trên mạng, khiến gia đình nạn
nhân không bao giờ ngừng đau xót.
Ngày nay, đặc biệt những người của công chúng là những
cá nhân có nguy cơ không bao giờ được lui về sau sân khấu, không bao giờ được
yên. Chỉ trong vòng 24 tiếng sau khi hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đăng quang vào tháng 8
năm 2016, người ta đã lục ảnh cũ ra để cáo buộc cô "sửa răng" và đào
lên một trạng thái trên Facebook của cô cách đây 4 năm, khi cô mới 16 tuổi, để
đánh giá tư cách đạo đức. Nhà nghiên cứu Edward Blousten viết: "Khi một
người bị bắt phải sống mỗi giây phút của cuộc đời giữa những người khác, khi mỗi
nhu cầu, ý nghĩ, khao khát, ham muốn hay thỏa mãn của anh ta đều bị công chúng
soi mói, anh ta sẽ đánh mất tính cá nhân của mình." Nói khác đi, khi đám
đông xoi xét từng dáng ngủ trên máy bay, từng động thái like trên Facebook của
một cá nhân, người ta đang cướp đi bản thể con người đó, và biến họ thành một
con rối của mình, một dạng đồ vật.
Cũng vì lý do đó mà sự riêng tư gắn liền với nhân
phẩm. Khi riêng tư bị tấn công thì nhân phẩm bị tổn thương và nhân tính bị đe dọa.
Khi người ta lục lọi trong quá khứ của một hoa hậu như chốn không người, họ
không đếm xỉa tới cảm xúc và suy nghĩ của cô, và không coi cô như là một con
người nữa. Cái đem lại cảm giác làm người là quyền được tự kiến tạo số phận của
mình. Khi người ta quay lén một ai đó, họ đã lấy đi chủ thể của người đó, tước
đi khỏi người đó tự do được quyết định và lựa chọn ai được chứng kiến hành vi
nào của mình. Người bị đánh mất sự riêng tư là người bị trói chân trói tay rồi
lột trần trước ánh mắt của người khác. Anh ta đánh mất sự tự trị, bị làm nhục,
trong lúc người xâm lấn đời tư tuyên bố với thế giới: "Nhìn đây, anh ta là
của tôi, chiến lợi phẩm của tôi, con mồi của tôi".
Sự sống còn của cá nhân
Đầu mùa hè năm 2016, một ai đó giả danh tôi tạo ra
một trang trên Facebook.Trên đó, chủ nhân của trang đăng những bức ảnh của tôi
và đặt vào miệng tôi những phát ngôn như "Chỉ có những kẻ thiếu thông minh
mới không hiểu lời tôi nói". Khi tôi phát hiện ra trang này, nó đã thu hút
được sự giận dữ và nhiều lời bình luận độc địa của những cư dân mạng tin rằng
những câu nói kia thật sự là của tôi. Tôi loay hoay cả buổi tối tìm hiểu xem
mình có thể làm gì trong trường hợp này, và phát hiện ra rằng hiện tượng ăn cắp
danh tính rất phổ biến trên mạng xã hội. Những cố gắng thông báo lên Facebook của
tôi tỏ ra vô vọng. Như tòa lâu đài của Kafka, Facebook hiện ra lừng lững nhưng
không thể tiếp cận được. Tôi nhận được từ họ những lời khuyên đông lạnh gửi tự
động: "Bạn không nên trả thù" (nhưng trả thù ai, kể cả khi tôi muốn?)
và "Hãy tìm tới một người bạn có thể thông cảm với hoàn cảnh của bạn"
và "Nếu cảm thấy nguy hiểm, hãy liên hệ với chính quyền địa phương, và nhớ
chụp màn hình làm bằng chứng".
Ngày hôm sau, trên trang đó lại xuất hiện một bức ảnh
khác của tôi, đang diễn thuyết, đi kèm dòng chú thích: "Ai đó có thể trách
tôi nhưng tôi nói đúng".
Tôi còn nhớ cảm giác bất lực tuyệt đối lúc đó. Đó
là cảm giác mình đánh mất sự kiểm soát con người, giọng nói, bản thể của mình.
Mình trở thành một con rối, bị điều khiển bởi một cá nhân nằm trong bóng tối,
trước một đám đông không hay biết gì về điều đó.
Nhà văn Tiệp Khắc nổi tiếng Milan Kundera kể lại
câu chuyện về Jan Prochazka, một người đóng vai trò quan trọng trong Mùa xuân
Praha năm 1968. Sau khi cuộc nổi dậy bị quân đội Liên xô đàn áp, ông bị theo
dõi lén chặt chẽ. Prochazka hay uống rượu và tán chuyện với giáo sư Vaclav
Cerny, một người bất đồng chính kiến khác. Hai người chắc là biết mình bị nghe
trộm nhưng mặc kệ. Nhưng một ngày, an ninh quyết định phát trên radio những cuộc
nói chuyện mà họ thu âm lén được, nhằm bôi nhọ Prochazka. Nhiều năm sau, Milan
Kundera viết lại:
"Và ngạc nhiên chưa, chút nữa họ thành công;
ngay lập tức Prochazka bị mất uy tín, vì khi riêng tư, con
người ta nói đủ các thứ chuyện, bôi xấu bạn bè, dùng ngôn ngữ thôthiển, cư xử
ngớ ngẩn, kể các chuyện tục tĩu, lặp đi lặp lại, pha trò bằng những chuyện kinh khủng, nói ra những ý tưởng dịdạng mà anh ta không đời nào thú nhận
nơi công cộng, vân vân. Tất nhiên, chúng ta đều cư xử như Prochazka, lúc riêng
tư chúng ta dèm pha bạn bè và dùng ngôn từ thô tục, việc chúng ta cư xử lúc
riêng tư khác lúc ở nơi công cộng là trải nghiệm thực nhất với mỗi người, là nền
tảng căn bản của cuộc sống của mỗi cá nhân; lạ lùng thay, thực tế này vẫn nằm
trong vô thức, không được thừa nhận (…) và hiếm khi được hiểu như giá trị mà
người ta cần phải bảo vệ hơn tất cả các giá trị khác. Chỉ có dần dần người ta mới
hiểu ra (vì khi đó sự phẫn nộ của họ còn lớn hơn nhiều) rằng điều bê bối không
phải là những phát ngôn bạo miệng của Prochazkas mà là việc cuộc đời của ông ta
bị hãm hiếp; họ nhận ra (như qua một cú điện giật) rằng riêng tư và công cộng
là hai thế giới khác nhau về bản chất và sự tôntrọng sự khác biệt đó là điều kiện
căn bản, không thể thiếu được, để một con người đượctự do, rằng cái rèm ngăn
cách hai thế giới này không thể bị giật xuống, và những kẻ giật rèm là những kẻ
tội phạm."
Năm 1975, khi Milan Kundera rời khỏi Praha, nơi
chính quyền lắp micro nghe lén khắp mọi nơi, và di cư tới Pháp, ông nhìn thấy
trên bìa một tạp chí Pháp bức ảnh ca sĩ Jacques Brel đang che mặt chạy trốn các
ống kính camera trước bệnh viện nơi ông ta chữa chạy ung thư. "Bỗng nhiên
tôi hiểu rằng tôi đang gặp chính con quỷ đã khiến tôi phải chạy khỏi quê hương
mình," Kundera viết lại. "Phát trên radio các cuộc chuyện trò riêng
tư của Prochazkas, và săn ảnh một ca sĩ sắp chết có nguồn gốc từ cùng một thế
giới (…) Khi việc xé toạc đời sống riêng tư của một con người được coi là quy tắc
hay thói quen, chúng ta bước vào kỷ nguyên mà cái giá phải trả cao nhất chính
là sự sống còn hay biến mất của cá nhân."
Vết nhơ online và quyền được Google quên
Ngày nay, bộ mặt vật lý của chúng ta chỉ được biết
tới bởi một nhóm nhỏ: hàng xóm, đồng nghiệp, họ hàng, nhưng bộ mặt trên mạng của
ta, những thông tin về ta,có thể được biết tới bởi hàng triệu người, xuyên biên
giới, những người ta chưa bao giờ gặp. Nếu như ở thời phong kiến, người phạm
chuẩn bị "thích" lên mặt, thì ngày nay, bộ mặt online của họ ra sao
Theo các chuyên gia marketing, khi tìm trên Google,
90% người dùng mạng không nhấn vào trang thứ hai của danh sách kết quả, và chỉ
ít hơn 1% nhấn vào trang thứ ba. Nói cách khác, bộ mặt trên mạng của chúng ta
được định nghĩa bởi trang đầu tiên của Google.
Tôi đánh vào Google chữ "Nhâm Thị Hồng
Phương". Toàn bộ trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm là các bài báo về Hồng
Phương, người ăn cắp kính. Link đầu tiên là Cập nhật: Chân dung của hai
người Việt Nam ăn cắp tại Thụy Sĩ. Dòng thứ hai là Nhâm Thị Hồng Phương:
TRUY NÃ VIỆT GIAN TỘI PHẠM. Dòng thứ ba là hồ sơ công ty của Phương, với đầy đủ
địa chỉ và số điện thoại. Dòng tiếp theo là Buồn vì những cái nhất thế giới
của Việt Nam. Và tiếp tục như vậy tới cuối trang.
Sang trang thứ hai, tới một nửa các kết quả là về vụ
ăn cắp kính ở Thụy Sĩ, trong đó có NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ - VÌ SAO NÊN NỖI và Thời
đại huy hoàng hay thời đại ăn cắp?
Tiếp theo, tôi chỉ đánh ba chữ "ăn cắp
kính" vào Google, không đi kèm với thông tin nào khác. Các kết quả hiện
lên sau nửa giây chờ đợi. Tôi lướt nhanh và cuộn xuống dưới. 95% của cả hai
trang dài dằng dặc đều là các link dẫn tới câu chuyện của Hồng Phương và Tiến
Dũng. Lạc lõng trong đó là câu chuyện ở một thành phố nhỏ của Ấn Độ, ở đó người
ta khởi tố một con khỉ vì tội ăn cắp kính.
Thế còn hai bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý thì
sao? Tôi đánh chữ "bảo mẫu" vào Google. Đây là một chữ trung tính, một
nghề lao động bình thường như bao nghề khác. Người Việt nói gì khi họ nói tới
"bảo mẫu"? Lần này, toàn bộ trang đầu tiên cũng lại là về vụ án liên
quan tới hai bảo mẫu này.
Vậy là đã rõ, cư dân mạng đã "thích" vào
những người như Hồng Phương, Tiến Dũng, Đông Phương và Thiên Lý. Vết
"thích" online còn khắc nghiệt hơn những hình phạt ngoài đời thời trước
cách mạng. (May mắn cho cái Vịnh trong "Khói lam chiều" của Lưu Trọng
Lư, hồi đó, những người ngoài làng không thể đánh tên nó trên mạng để biết được
rằng nó đã từng chửa hoang.) Ngay cả trong Luật Hình sự của Việt Nam, người phạm
tội sẽ được xóa án tích một số năm sau khi thực hiện bản án, và trở thành người
không có tiền án tiền sự
Nhưng Google không bao giờ xóa án tích, và nó cũng
không quên. Với Google, quá khứ không tồn tại. Nếu trí nhớ con người là một cái
hồ lớn, những điều xảy ra trong quá khứ dần dần lắng đọng xuống dưới đáy, thì
Google là một sa mạc bằng phẳng, tất cả đều lộ trên bề mặt. Trên mạng, mọi thứ
đều như mới xảy ra. Trong danh sách kết quả tìm kiếm về ai đó, một tin xảy ra
tháng trước có thể nằm ngay trên tin khác về anh ta đã cách đây 10 năm. Đây là
một tình huống hoàn toàn mới với con người. Một xã hội không quên là một xã hội
vô nhân đạo. Thật trớ trêu, với một người ra tù 15 năm trước, vào thời điểm hiện
nay quá khứ có thể còn đeo bám và khiến anh ta gặp khó khăn trong cuộc sống hơn
là lúc mới ra tù, khi Internet còn chưa phổ biến. Bạn càng sống, quá khứ của bạn
càng hiện hữu với những người xung quanh, bởi càng nhiều người trở thành công
dân mạng. Ngày nay, nhớ lại dễ dàng hơn quên đi rất nhiều.
Trước kia, những cuộc chuyện trò, những cuộc gặp gỡ
của một cá nhân có thể được tổ chức tình báo quốc gia ghi chép tỉ mỉ, nhưng nó
chỉ nằm trong hồ sơ của họ, được tiếp cận bởi một số ít người. Ngày nay, nụ hôn
của em gái bạn với cậu bạn trai có thể nằm trong điện thoại của toàn bộ xã hội,
chỉ vì một ai đó thấy thích đưa cái clip đó lên mạng.
Năm 2010, Mario Costeja González, một luật sư Tây
Ban Nha kiện ra tòa rằng mỗi lần ai đó google tên của anh, họ lại thấy bài báo
về chuyện anh bị thu hồi một bất động sản vì không trả được nợ, mặc dù câu chuyện
này đã xảy ra 12 năm trước. Bốn năm sau, Tòa Công lý của Hội đồng chung châu
Âu, một dạng tòa án tối cao cho cả 28 quốc gia thành viên của EU, phê chuẩn
Google phải hủy bỏ cái link dẫn tới bài báo này, mặc dù nó tiếp tục được tồn tại
trên trang mạng của tờ báo. Thông tin vẫn ở đó, nhưng chỉ có thể được tiếp cận
bởi những người biết đích xác nó nằm ở đâu (qua địa chỉ bài báo). Những người
khác, khi tìm tên Costeja González sẽ không biết tới sự tồn tại của nó. Phán
quyết của tòa có ý nghĩa lịch sử. Những công dân EU có quyền yêu cầu Google hủy
bỏ đường link tới những thông tin "không thích đáng, không liên quan, hoặc
mang tính chất quá đáng trong tương quan với mục đích của nó, khi xem xét quãng
thời gian đã qua.
Trong hai năm rưỡi qua, đã có hơn nửa triệu yêu cầu
Google xóa tin bài. Google chấp thuận cho hơn 43% các trường hợp, và từ chối
trong các trường hợp còn lại. Xóa hay không xóa, không phải lúc nào câu trả lời
cũng đơn giản, nhưng nguyên tắc ra quyết định dựa trên những câu hỏi "Dư
luận có quyền biết về chuyện này không? Với dư luận, thông tin này có quan trọng
không (ví dụ cư gia đồ sộ của một chính trị gia) hay nó chỉ thú vị (phát ngôn của
một hoa hậu khi còn là học trò)?" Liệu công luận có thực sự cần biết tên
và ảnh cận cảnh của một nạn nhân tai nạn giao thông? Mặt mũi những đứa con của
kẻ bị kết tội giết người?
Đây là một số ví dụ của các yêu cầu mà Google nhận
được và xử lý. Từ chối: Một quan chức cấp cao Hungary yêu cầu xóa thông tin
liên quan tới một vi phạm hình sự của ông ta đã xảy ra hàng thập kỷ trước. Từ
chối: Một doanh nhân lớn ở Ba Lan yêu cầu xóa thông tin liên quan tới một vụ kiện
giữa ông ta và một tờ báo. Chấp thuận: một nạn nhân hiếp dâm Đức yêu cầu xóa
bài liên quan tới vụ việc này. Chấp thuận: một người Bỉ yêu cầu xóa tin liên
quan tới một cuộc thi mà người này tham gia khi còn vị thành niên.
EU không phải là những quốc gia duy nhất nhận ra sự
lạnh lùng vô nhân đạo của công nghệ. Cuối năm 2015, một tòa án ở Nhật Bản yêu cầu
Google gỡ tin về một người đàn ông cách đây ba năm bị phạt nửa triệu Yên (khoảng
70 triệu VND) vì những vi phạm liên quan tới sách báo khiêu dâm. Theo người
phát ngôn của tòa, mỗi cá nhân cần có cơ hội để xây dựng lại cuộc đời mà không
phải mang theo mãi mãi gánh nặng của quá khứ lỗi lầm của mình.
Quyền riêng tư, đó không những là quyền "được
để yên", mà còn là quyền được quên. Nó là quyền được phủ tấm màn của sự im
lặng lên trên quá khứ.
Đặng Hoàng Giang
·
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét