Nhà văn Lại Nguyên Ân: Thiên truyện Câu Sương Điếm Cỏ dưới đây của Lưu Trọng
Lư, viết từ trên 70 năm trước, đọc lại vẫn nghe như chuyện mới đây, kể về tình
cảnh những người nghèo, khi mưa lũ chà đi sát lại suốt một dải đất miền Trung.
Nhân giới thiệu truyện này, xin lưu ý rằng trước 1945, Lưu Trọng Lư đã viết ra
in ra trên 30 cuốn truyện, tức là gấp hàng chục lần số lượng trang thơ ông đã
viết. Tôi đoan chắc những tác phẩm ấy không hề non kém, chỉ có điều chúng xuất
hiện ở thời mà bên cạnh Lưu Trọng Lư lại có khá nhiều những tài năng nổi bật
hơn, cỡ như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, v.v… Nhưng điều đáng nói hơn lại
là sự tắc trách của nền nghiên cứu và nền xuất bản của ta. Đối với tên tuổi Lưu
Trọng Lư, mọi quan tâm của chúng ta chỉ dừng lại ở sáng tác thơ, thậm chí chỉ dừng
lại ở một bài Tiếng Thu! Chính sự lười nhác, tắc tránh của các giới nghiên cứu
và xuất bản đã khiến nhiều tác phẩm bị rơi vào quên lãng một cách oan uổng.
Trong di sản văn chương người Việt trước 1945, tôi tin còn có khá nhiều tác phẩm
khá nhưng lại bị quên lãng, như thiên truyện này của Lưu Trọng Lư.
Trời mưa như trút, đã
ba hôm… Nước sông Gianh lên mạnh quá. Những đồng lúa xanh đều khoả ngập và đỏ
ngầu… Một vùng nước mênh mông, chỉ để lòi lúp xúp một đôi chòm nhà, và xa xa một
vài đồi núi trơ trụi… Bên những cây đa vững chãi dưới chân núi, cột chặt năm bảy
chiếc thuyền câu. Trời tối sẩm gần như ban đêm… Giữ những làn mây đục và thấp,
thưa thớt bóng vài con cò trắng bay rời rạc, biết cơn nguy biến sắp đến, lướt
gió tìm chốn chân trời yên tĩnh…
Cả dân làng Phú Mỹ hoảng hốt,
từ hai hôm trước đã bắt đầu chạy lụt. Trâu bò thì họ dẫn lên núi hết, những giường
ghế thì họ buộc chặt vào cột nhà, còn những đồ vặt vãnh, và những súc vật như
heo, gà, họ đều lùa lên sàn nhà hết. Trên mỗi cái sàn nhà, ngày thường chỉ để
chứa những bồ lúa hay là vựa ngô, bây giờ biến thành chốn ẩn núp cả một gia
đình. Người ta giã gạo ở đấy, thổi cơm ở đấy, ngủ ở đấy, và ngồi rỗi nhá ngô
rang, nói chuyện gẫu với nhau để đợi con nước… xuống… nhưng mà con nước vẫn lên,
lên mãi…
Bác hai Thìn, tưởng trời mưa
qua quýt rồi trời tạnh, mình lại ra đồng gặt thuê, kiếm ít tiền mua gạo. Không
ngờ gạo hết đến nơi rồi mà trời vẫn cứ mưa. Hai hôm đầu, bác còn được tí ngô
khoai thay cơm, hôm thứ ba thì chỉ còn được hai lưng bát để dành cho thằng cu Tỵ
và cái Bẹ.
Bác lấy tay vạch tranh ở
chái nhà thành một lỗ to gần bằng cái cửa sổ để… trông nước.
Bác thấy nước đã dâng cao
quá, đã gần lên đến kèo nhà, bác tự nghĩ: Nếu trời cứ mưa như thế này mãi, có lẽ
nội ngày mai thì lên đến sàn nhà…. Bác sầm nét mặt lại, quay nhìn hai đứa bé
đương ấp nhau ngủ trên một cái chõng tre, hai khoé mắt bác như muốn ứa lệ… Bác
nghĩ đến cha của hai đứa bé vừa mất mùa đông năm ngoái. Bác rón rén đi lại gần
cái bàn thờ mà hôm kia, bác đã soạn lên sàn trước hết. Bác rút ra mấy que
hương, châm vào ngọn đèn con rồi chĩnh chện, bác bước ra trước bàn thờ, vái ba
cái, sụp qùy xuống, bác lâm râm khấn khứa. Bác cầu nguyện vong hồn khôn thiêng
của chồng bác phù trợ cho vợ con trong những giờ nguy biến này, và tưởng như
vong hồn kẻ quá vãng cũng có thể cản mưa ngăn gió vậy. Khấn xong, bác cắm mấy
que hương vào lư, rồi ra ngóng nước, lần này bác hơi yên dạ.
Nhưng không, bác không thể
không nghĩ đến bữa cơm chiều của hai đứa bé…
Quả quyết, bác trèo xuống, đẩy
chiếc thuyền nan, định bơi vào nhà ông bá Ngô, vay một ít gạo.
Không hiểu sao, hình như bởi
một lẽ huyền bí xui khiến, bác lại trèo lên, trong những phút dài, bác đứng lặng
nhìn hai đứa trẻ ấp nhau ngủ. Thấy manh chiếu đắp lệch xuống một bên, bác đi lại
kéo lên, và đắp lại cho chúng. Hai giọt lệ vô tình lăn trên gò má bác. Hình như
thần linh đã báo trước cho bác một cuộc vĩnh biệt não nùng sắp đến.
Nhưng bác phải rứt áo ra đi…
Một ngọn gió sóc từ đâu đưa
đến. Những cành cây gẫy lắc rắc. Nước dâng mạnh và cuộn ào ào. Những cột nhà
bác hai Thìn đã bắt đầu lung lay, rồi nhổm dậy, xoay tròn mấy cái, rồi từ từ đi
ra dòng sông, trôi bên những cái chuồng bò chuồng lợn, và những súc vật không
biết từ chốn nào lại.
Hai đứa bé tỉnh dậy, chồng
chềnh trên chiếc chõng tre. Chúng nó ôm chặt lấy nhau, và gọi mạ chúng nó…
Nhưng mà mạ chúng nó còn đâu đấy nữa. Thằng cu Tỵ khóc thảm thiết. Cái Bẹ, tuy
mới 13 tuổi, nó cảm thấy ngay được cái trách nhiệm nặng nề của nó trong cái giờ
nguy biến này… Nó không biết đích là tai biến gì đã xảy đến cho nó, nó chỉ biết
rằng tai biến trầm trọng lắm, nó cần phải điềm tĩnh để đương đầu với sự nguy biến
vì nó là chị…
– Bẹ, mạ đi mô, Bẹ?
– Mạ đi mót củi.
Câu trả lời ấy chỉ là một
câu an ủi em nó, chứ kỳ thực – nó biết, dẫu là nó không biết chắc – cái nhà của
nó đã bồng bềnh trên mặt nước và sắp trôi đến một chốn xa lạ… Và, mẹ nó trong
lúc phấn đấu với tai trời, có lẽ đã bỏ mạng.
Thằng cu Tỵ hơi yên lòng,
nín khóc.
– Trời tối om om rồi, sao mạ
chưa về, Bẹ?
– Mạ sắp về rồi đó… Em nằm
yên, để chị đi lại ngóng xem.
Những tấm ván chồng chềnh
làm cho nó sợ quá, không dám bước. Nó phải bò lết mãi mới đến chỗ chái…
Nó đứng dậy ngẩng trông: Một
cảnh tượng làm cho nó rởn cả tóc gáy. Trong cái lờ mờ giữa dòng nước ngầu đỏ
đương cuộn lăn những cái hình thù lạ lùng, cái thì ghồ ghề như những đầu trâu,
cái thì phập phồng như xác người chết. Xa xa, những ngọn lửa lấp lánh, trên
không và dưới nước, đua nhau chạy thi, như những đàn ma chơi ở chân trời xa mà
nó thường nom thấy trong những ngày mưa lạnh lẽo.
Nó biết chắc rằng cái nhà của
nó đương trôi nhanh theo một nơi vô định, trôi xa quê hương nó. Cả những đồi
núi mà ngày thường nó cắt cỏ bên thằng Dương, con Vịnh, và hát những bài hát
trong trẻo như mùa xuân, xa những đình miếu, những rặng tre xanh tha thướt rọi
bóng trên mặt ao, xa cả một thế giới thân yêu. Đau đớn hơn nữa, xa mẹ nó, không
biết sống hay chết, mà có lẽ chết rồi. Hai dòng nước mắt lặng tuôn trên gò má.
Nhưng nó vẫn cố trấn tĩnh, ngoảnh lại phía em nó nằm.
Thằng cu Tỵ vui vẻ ngồi dậy,
nhá những hạt ngô rang. Bên nó, con Mực điềm tĩnh nhìn nó ăn. Nó ăn hai hột thì
nó vất cho con Mực một hột, và đưa tay xoa đầu con vật. Hai tâm hồn ngây thơ,
trong sạch đã biết đâu rằng cái nguy biến đương bao bọc lấy nó và chốc nữa đây,
chúng nó sẽ chìm nghỉm xuống đáy sâu… Cái cảnh tượng ấy làm cho cái Bẹ nở trên
môi một nụ cười đau đớn. Không sợ ngã, nó chạy ù lại, ôm choàng lấy hai con vật
thân yêu và khóc nức nở.
– Sao mạ chưa về chị Bẹ?
– Không, mạ…
– Nó định không muốn giấu em
nó nữa.
– Mạ làm sao, chị Bẹ?
– Mạ… sắp về, mạ sẽ đưa cơm
và cá về cho em.
– Thế ư? Sướng quá Bẹ hỉ!
– Nhưng bây giờ thì em ngủ
đi đã rồi chốc nữa dậy ăn.
Ngoan ngoãn, thằng cu Tỵ đặt
lưng xuống chõng và nhắm mắt lại. Cái Bẹ, cất giọng hát ru đặng ru em nó ngủ
cho thật muồi. Nó hát đi hát lại mấy câu mà dì Tân nó thường dạy nó:
U ơ… ru cao, hát bạo em
nghe…
Lá bù, lá bí, lá tre, lá vằng…
U ơ…
Ngẩng trông dậy thấy ngọn
đèn liu hiu ở trên bàn thờ, nó thôi hát và lặng nghĩ đến cha nó… Nó tưởng thấy
linh hồn cha nó hiển hiện về. Nó lê lại trước ban thờ đã đỏ vẹo và chắp tay cầu
nguyện.
Con Mực không hiểu gì cũng
theo nó, lại trước ban thờ lẳng lặng nhìn…
***
Sáng tưng bừng. Lão U – người
ta gọi lão thế vì lưng lão hơi gù – đã gánh một gánh do lưới và những con cò giả
bằng gỗ phết vôi trắng đi ra đồng Chú quỷ gần bến sông để đánh bẫy… cò.
Nước xuống đã một hôm rồi,
nước xuống nhanh quá. Lão U tưởng rằng: Cò đã về nhiều. Cứ dọc theo các bờ ruộng,
lão mắc do, và cách một quãng ngăn ngắn lão cắm một con cò giả. Ở xa, người ta
tưởng một đàn cò trắng đỗ, mà chính những con cò thật đang bay ở lưng trời cũng
tưởng như thế rồi chúng cũng bay xuống để họp đàn. Thế là chúng nó sẽ mắc mưu
lão U hết.
Mắc “do” xong đâu đấy rồi
lão đi kiếm một bụi cây kín để ẩn mình và để rình… Nhưng mà lão rình mãi vẫn
không thấy chi hết. Ngồi rục trong cái áo tơi, lão ngáp vặt, lại ngáp vặt…
Cho qua thì giờ, lão lấy cái
điếu cày ra, lão kéo một hơi dài… Rồi lão lại kéo nữa, kéo nữa, cái cử chỉ của
một người tức giận không biết làm thế nào được, trước một sự rủi ro ác hại. Lần
đầu tiên lão U rủa thầm trời ở trong bụng. Bỗng lão chợt thấy dưới nước ruộng,
bóng một con cò. Một con cò có lẽ trong cơn gió bão vừa rồi, không may lìa đàn
sa lạc vào vùng này… Cái này đối với lão U chả có một tí quan hệ, lão chỉ biết
rằng: Lão sắp được một món xào béo…
Một nụ cười đắc ý nở trên cặp
môi lão. Con cò trắng đã là xuống đất, và… sắp đậu, thì một con chó, ở trong
cái lòi bần chạy ra và sủa oăng oẳng. Con cò sợ hãi lại bay lên và biệt tăm ở
chốn xa mù. Lão U uất cả người nhưng không biết làm thế nào được, lão lại lấy
điếu cày ra, kéo một hơi dài, rõ thật dài, và nhắm tịt đôi mắt lại trong một chặp
lâu: lão nhả ra không biết bao nhiêu là khói… Lão đương mơ màng… thì tiếng con
chó lại nổi dậy làm lão giật mình. Lão phát cáu. Lão lấy một viên đá ném vào đầu
nó, nhưng mà không trúng. Lão đuổi. Nó chạy vào lòi bần. Nó vẫn sủa oăng oẳng,
tiếng nghe vừa ghê sợ, vừa thảm đạm.
Lão nhìn về phía ấy: Lão thấy
có cái gì vàng vàng nâu nâu như mái gianh… Lão biết ngay là một cái nhà trong
cơn lụt vừa qua, ở trên nguồn trôi về. Lão chạy tới, bùn lên quá đầu gối.
Cái nhà đã xiêu vẹo và nát
tan. Trên một tấm ván, lão thấy nằm trơ hai đứa trẻ, chúng nó thấy lão thì
giương mắt ra nhìn, môi chúng cử động như nói những gì mà không thành tiếng.
Lão cảm động quá, vội vã ôm choàng lấy nó, và hì hục một lúc lâu giữa đám bùn,
lão mới đưa được hai đứa trẻ lên bờ. Một đứa cõng lên lưng, một đứa lão bồng
trên tay, lão ành ạch chạy một mạch về nhà. Đến ngõ, lão đã cất tiếng nói oang
oác:
– Mụ ơi ! Mụ nhen lửa đốt
lên cho tôi một nồi than.
Không nghe tiếng trả lời,
lão nói tiếp:
– Đốt mau lên cho tôi một nồi
than, mau lên!
Trong khi lão đặt hai đứa trẻ
xuống một cái chõng con, thì nghe một tiếng khàn khàn ở trong buồng nói ra:
– Hôm ni béo bở lắm ông, đơm
được mấy con mà về hối ầm lên rứa?
Mụ lão U không cần đợi lão
trả lời. Mụ chạy xuống nhà bếp, khơi cái đống than tàn.
Mụ cắm đầu thổi, tro bay cả
lên đầu lên mặt. Mụ chổng hông thổi như cái ống bễ, nhưng mà lửa vẫn không lên.
Mụ tức quá, rủa trời rủa đất.
Mụ còn lẩm bẩm:
– Đã biết mà! Lão ấy mỗi khi
được vài con cò béo là lão hối sấp hối ngửa, kỳ cho mau mà nhắm rượu được mới
nghe, chỉ khổ cho mụ này.
Chặp lâu, mụ mới nhen được một
tí lửa. Mụ bê than cháy vào rồi ba chân bốn cẳng, mụ bưng cái lò lên cho lão U.
Mụ đứng ngẩn người ra khi thấy: chẳng cò chẳng vạc chi hết, mà trên chõng, nằm
thõng ra hai đứa trẻ trợn trắng con mắt ra.
Mụ chẳng hiểu ra sao cả, đứng
khoanh tay nhìn. Lão U lấy một đùm giẻ rách, hơ lên lửa, rồi xát vào toàn thân
hai đứa.
Mụ chẳng nói chẳng rằng gì hết.
Mụ thản nhiên đi xuống bếp.
Mụ đương ngồi nhóm củi để thổi
cơm sáng thì xa nghe có tiếng động ở rèm…
Cái rèm nâng lên mới được một
tí, rồi lại hạ xuống đánh sạt… Rồi lại nghe có tiếng lục đục không thôi. Mụ lão
U, vẫn hai tay khoanh ngang chân ngồi lóng nghe.
Bỗng mụ thấy chui vào một
cái đầu… một cái đầu chó. Mụ lấy một thanh củi ném vào phía đó. Con vật chẳng
chịu lui, nó đã chui lọt cả thân mình. Nó chạy xộc đến gần bà lão.
Nó sủa oang oang.
Mụ lấy củi đánh vào đầu chó,
nó vẫn cứ xông vào. Nó cắn lấy áo mụ. Mụ hoảng quá phải chạy lên nhà, và kêu ầm
ĩ lên. Con chó đuổi theo. Nhưng khi con vật đã nhận thấy hai người chủ tý hon của
mình, nó không cắn nữa. Nó ngúc ngắc cái đuôi, và nhảy cà chợn xung quanh cái
chõng. Cái Bẹ đưa tay xoa đầu con vật yêu quý. Cu Tỵ cũng nhìn con vật, hai môi
cử động như muốn điểm một nụ cười. Ông lão U và mụ lão U cùng nhìn nhau ngơ
ngác. Nhất là mụ có lẽ cảm động lắm, vì nãy giờ mụ không để lộ một tí gì khó chịu
đối với con vật đã đuổi mụ.
Hai đứa trẻ lạc vào gia đình
lão U, đã đưa lại một sự rối loạn ở trong đời của hai vợ chồng già nua.
Lão U, bỗng nhiên vớt được
hai đứa trẻ như thế, cho là ý trời hiểu được lòng lão, đưa tới cho lão một cái
an ủi, một cái vui sướng tuy muộn màng, một cái hy vọng trong những ngày tàn của
cuộc đời trong cái cảnh già khô khan, nghèo khó và không con cháu. Ngoài cái
thú bẫy cò và thuốc lào ra, lão không thấy cuộc đời có ý nhị ở chỗ nào nữa, lão
thấy toàn một màu xám xịt nhăn nheo như hai cái má của vợ lão.
Cái Bẹ và cu Tỵ – nhất là cu
Tỵ – đến trong đời lão, mang lại cho lão một cái mùi vị mới, một cái thú trẻ
trung, những giây phút ngây thơ làm cho lão quên được sự tàn phá khốc liệt của
thời gian ở xung quanh lão, và ngay ở thân xác lão. Có khi quên cả việc làm ăn,
từ sáng đến chiều lão quấn quýt với thằng cu Tỵ, lão nô đùa với nó như một đứa
trẻ con.
Bà lão U, trái lại thế, bà
có đủ những cái khó chịu của tuổi già. Cái tâm tính bà cũng như nét mặt bà, có
vẻ gay gắt, ác nghiệt. Thực ra, có khi mụ cũng đứng nhìn thằng Cu Tỵ nô đùa với
lão U, hay là với con Mực, mụ cũng bùi ngùi cảm động, mụ thấy mụ cũng không đến
nỗi sắt đá với trẻ con. Nhưng thường thường mụ phán đoán sự vật bằng một giọng
gắt gao, nghiêm khắc. Mụ nhất định cho rằng: Hai đứa trẻ kia là do qủy sứ đưa lại
để báo hại mụ.
Nhà mụ túng bấn – mà đâu có
túng bấn như lời mụ kêu – không đủ nuôi thêm hai mạng nữa, nhất là khi hai mạng
ấy ngày ngày chỉ nằm ỳ ra đó mà tứa – một tiếng lóng riêng của mụ lão U để chỉ
những kẻ ăn hại.
Mỗi lần có bà Cấn, người
láng giềng của mụ sang chơi, chưa bước qua ngưỡng cửa, mụ đã đưa chuyện hai chị
em cái Bẹ ra nói. Mụ làm như mụ có tiền kho lúa vựa mà cái Bẹ và cu Tỵ đã ăn
xài hết. Luôn luôn, mụ phàn nàn:
– Thiệt là lão nhà tôi rước
tội về nhà! Cứ sắm cái ăn cái mặc cho chúng nó cũng đủ cho cả nhà sa sút.
Chẳng qua, là một dịp để mụ
khoe cái lòng hy sinh của mụ với bà Cấn chứ thực ra, cái Bẹ với cu Tỵ ăn mặc gì
mà đến nỗi làm cho nhà mụ lão U cửa nhà sa sút: Chúng nó ăn thì ăn như mèo, mặc
thì mặc toàn áo vải nhuộm dà.
Đến con chó Mực, thì là một
cái dịp hiếm có để cho mụ gây gổ với ông lão U. Những khi gây sự với chồng, mụ
lên giọng lên lưỡi, hoa tay hoa chân, đọc một tập hồ sơ rõ dài của con Mực.
Theo như lời mụ kể, mà mụ kể luôn, thì người bạn trung thành của cái Bẹ và cu Tỵ,
từ khi về với mụ, đã ăn phá của mụ hết hai nồi cá, năm con cua gạch, và – cái
này mới nặng – nó đã đánh vỡ của mụ hai cái đĩa cổ và ba cái bát ngang, và mỗi
ngày xài của mụ hết một đấu gạo. Mỗi khi mụ kể ra một dây một tràng như vậy thì
lão U đành chịu câm miệng hến, vì những việc đó đều xảy ra trong bếp là địa hạt
của mụ, dẫu lão thấy rằng từ khi về với lão, con Mực đã gầy đi nhiều, và chính
mắt lão, đã hai lần lão thấy con Mực đi rúc xó bụi để kiếm những cái thừa thãi
của giống người.
Miệng lưỡi mụ hàm hồ quá,
cho nên trong những cuộc gây gổ, bao giờ mụ cũng toàn thắng. Dần dần mụ đã nắm
được tay trên chồng.
Một hôm, lấy lẽ rằng nhà mụ
không có việc gì làm, mụ muốn cho cái Bẹ đi qua ở thuê tại nhà ông Hương Cả, một
nhà giàu có trong làng Đặng.
Ngày hôm sau cái Bẹ phải rời
nhà lão U, rời cu Tỵ và con Mực để đi ở mướn, là một ngày đau đớn nhất trong đời
luân lạc của nó! Nhưng biết làm thế nào được?
Số phận muốn thế, mụ lão U
muốn thế. Mụ lão U đã trù tính kỹ càng: Cái Bẹ đi thì nhà mụ bớt đi được một miệng
ăn, và mỗi năm, thêm vào cái số tiền bán cò của chồng, mụ được một món tiền
cũng kha khá… Tiền công của nó, mỗi mùa, những mười hai quan kia mà! Trong một
năm, với số tiền công của cái Bẹ, mụ chả sắm được một cỗ thọ đường cho mụ, và
chồng mụ sao?
***
Cái Bẹ về nhà ông Hương Cả,
được người ta phó cho cái trách nhiệm chăn một con trâu bạch và một con nghé.
Ngày ngày nó dẫn vào khu rừng sim nô đùa với những trẻ chăn trâu khác, mải vui
chúng bạn, quen với người với cảnh, dần dà nó cũng tạm quên được mẹ nó, quên được
cái nỗi buồn tha hương. Mất con Vịnh, thằng Dương thì nó cũng đã có những con Vịnh
thằng Dương khác, mà những rạp tre mới, những cột đình mới đã thay được cho những
rạp tre xưa, những cột đình xưa. Làng Phú Mỹ là nơi quê hương của nó, đã êm thấm
nhẹ nhàng biến hình vào trong cái làng Đặng của ông Hương Cả. Nhẹ nhàng, êm thấm
đến nỗi mỗi khi nó thấy cây bàng ở đầu xóm, nó cũng tưởng như là cây bàng thân
yêu đã từng thấy nó sinh đẻ và trưởng thành, từng nghe nó hát nghêu ngao trong
những buổi chiều xuân, hay là những trưa hè gay gắt, nhìn nó ngồi lắng nghe tiếng
diều sáo ở lưng chừng trời…
Một hôm nó dẫn trâu vào rừng.
Đi khỏi cái miếu ông Cao Biền, nó nghe có tiếng hát nghêu ngao…
Sè sẽ em vô thưa với thầy đẻ
một lời…
Có người viễn khách sang
chơi…
………………………………………………
………………………………………………
Câu hát làm cho nó ngừng hẳn,
chừng như nó đã nghe đâu một lần rồi. Lòng nó bồi hồi. Nó nhìn lại trong tưởng
tượng những làn khói chiều tha thiết uốn mình trên những mái gianh màu thảm đạm;
nó đứng yên lóng nghe những tiếng còi của mục tử, nổi dậy từ một cái quá khứ đã
xa mờ. Nó thấy hiện lên một cái thế giới thân yêu, với những hình ảnh, những tiếng
động quen quen. Nó nhớ đến mẹ nó không biết sống hay chết mà có lẽ chết rồi… Nó
tưởng như mới hôm qua đây, nó còn theo mẹ nó vào rừng mót củi. Nó tưởng như…
Em mua một trăm tờ giấy trắng,
em lựa lấy một tờ…
Anh ơi! Anh gọi hộ Ông Tơ…
Nhưng không biết từ đâu, tiếng
hát vẫn nổi dậy… Nó nhìn quanh nhìn quất không thấy có ai hết.
Bỗng một tiếng cười giòn
giã, làm cho nó luống cuống.
– Bẹ! Bẹ có ăn, tôi vứt cho
ít quả.
Nó ngẩng lên… Thằng Nan
đương ngồi cheo leo trên một cành đa vừa nuốt những trái đa đỏ lòm vừa nói:
– Bẹ! Đa mùa này sai quá, mà
ngọt quá!
– Nan nói cho tôi chảy cả nước
bọt. Vứt cho tôi ít quả đi.
– Vứt tôi sợ nát bẩn… Để tôi
mang xuống cho.
Nó trỏ hai túi áo căng, bảo:
– Tôi định hái đưa vô rừng
cho Bẹ đây.
Rồi nó chạy trên cành đa,
như một con sóc.
– Nan! Sao Nan không xuống đằng
cội?
– Tôi xuống vòi.
Thằng Nan theo một cành yếu
nó bò ra đến tận ngọn. Khi cái ngọn chĩu xuống gần đất độ vài thước, nó mới nhảy
xuống. Cái cành đa lại bật lên. Cái Bẹ chạy tới ôm lấy nó, và nói liến thoắng:
– Chà! Nan xuống vòi làm tôi
sợ quá! Sợ quá!
Thằng Nan móc túi đưa cho Bẹ
một nắm đa, và nói:
– Nhà tôi ai xuống vòi cũng
giỏi. Anh Đạc tài, vòi cao hơn thế nữa, anh tôi cũng xuống như bỡn…
Rồi hai đứa cùng đập trâu vô
rừng… Chúng nó thả trâu ra, lại dưới gốc thông, ngồi nói chuyện.
– Hôm qua Nan cho trâu ăn ở
mô, Nan?
– Trâu tối hôm qua mắc cầy ở
đồng Chú Qủy. À Bẹ! Tôi quên nhắc Bẹ nghe một chuyện thú đáo để…
– Chuyện gì thế Nan ?
– Chuyện mụ lão U. Bẹ biết
con mụ ấy chứ?
– Biết. Mà làm răng?
– Mụ thả trôi một con chó…
– Một con chó mực?
– Chó mực.
– Hú hồn!
– Bẹ để tôi kể hết. Số là
khi tôi dẫn trâu qua ngõ nhà mụ… tôi thấy mụ cũng dẫn một con chó đi theo tôi.
Dẫn đến cây bàng đầu xóm, thì tôi mất hút mụ. Không hiểu chi xui, tôi không đi
đường đình, tôi rẽ qua lối bần… Đến chỗ hói trước cạnh miếu Bà Ngư, tôi gặp lại
mụ. Tôi thấy mụ đương hì hục dưới nước với con chó. Tôi tưởng mụ tắm cho nó.
Nhưng không, con chó nó kêu thảm thiết! Tôi đâm ngờ… Tôi ẩn vào trong một bụi bầu,
rồi đứng rình… Thì ra! Thì ra! Bẹ ơi, mụ đương cột một hòn đá to tướng vào cổ
con chó. Tôi giận quá! Nhưng cũng phải nghiến răng đợi mụ làm gì cho biết. Mụ
ôm cao con chó, rồi mụ vứt xuống cái đìa sâu. Con chó chìm nghỉm hẳn, không kịp
kêu lên một tiếng. Ồ sao Bẹ khóc, Bẹ?
– Con chó ấy là bạn chí thiết
của Bẹ.
– Bạn chí thiết của Bẹ, con
chó của mụ lão U?
– Thế rồi... mụ ngoay ngoảy
đi về. Tôi hối hả chạy tới. Đến gần chỗ mụ trấn nước con chó thì tôi toan trở về,
nghĩ bụng rằng: Con chó của mụ lão U, cũng như mụ, không đáng sống nữa. Rồi
sau, không biết nghĩ sao, tôi lại cứu cho nó. Tôi tháo hòn đá khỏi cổ nó và lôi
nó lên bờ... Chà, con chó của mụ, sao mà giống mụ thế! Nó cũng chỉ một nhúm
xương!
– Trời ôi!
– Không những thế, trên lưng
nó tôi còn thấy lở một miếng to tướng, trông ghê ghê là! Mà lại thối nữa!
– Chết chửa! Không ngờ con mẹ
đó lại độc ác thế!
– Mà chó ấy thì tôi tưởng
còn nuôi làm gì nữa chứ! Lở thịt lở da ra thế, thì mình cũng đến phải thả trôi.
– Nhưng đằng này, người ta
đánh cho lở ra, đặng người ta đi thả trôi mà? Đặng bớt đi một miệng ăn mà! Thế
rồi răng nữa, Nan kể nốt đi!
– Thế rồi... thế rồi, nó sống
lại, nó chạy về nhà!
– Với con chó mà người ta
hành hạ đến thế, chắc đối với thằng cu Tỵ, có lẽ người ta còn...
– Thằng cu Tỵ là ai, Bẹ?
– ... là em...
– Em Bẹ?
– Em Bẹ.
Rồi nó gục đầu khóc như mưa
như gió. Nan cũng ngùi ngùi cảm động, nhưng nó không dám hỏi vì sao Bẹ khóc. Lần
đầu tiên, nó thấy kính và sợ một đứa bé cùng tuổi với nó. Nó đi kiếm lượm những
lá vàng khô, những que rào, rồi nó nhóm lửa lên. Ngọn lửa nổ lắc rắc làm cho
con Bẹ ngẩng đầu dậy. Mắt nó mờ những giọt lệ, khiến nó trông thấy hai ngọn lửa,
hai thằng Nan. Nó tưởng như ở trong một cảnh chiêm bao vậy. Nó nhìn thằng Nan
coi bộ sợ sợ, và hỏi bằng một giọng run run:
– Anh Nan?
– Làm sao Bẹ?
– Anh có thực đấy chứ?
– Bẹ làm răng rứa?
– Anh đốt lửa cho em sưởi đó
à? Anh tốt quá! Em khổ lắm! Em lạnh lắm! Anh nhóm thêm lửa nữa đi!
Rồi như ngủ mới dậy, nó hỏi:
– Bao giờ mụ lão U trả con Mực
và thằng cu Tỵ lại cho Bẹ, Nan hỉ?
Thằng Nan lắc đầu, ngơ ngác
không hiểu gì.
– Anh Nan, anh đốt thêm củi
nữa, tôi kể cái chuyện hai chị em tôi cho anh nghe.
Nó đưa vạt áo lau nước mắt rồi
nó bắt đầu kể.
Thằng Nan ngồi im lặng như một
đứa học trò chăm chỉ nghe thầy giảng một bài học cảm động.
– Anh Nan nà! Cũng độ này
năm ngoái, ở quê em cách đây có lẽ xa lắm, xa lắm, trời mưa như trút… Trời lụt,
nước lên to quá. Chỉ hai hôm…
Bỗng một tiếng gầm dễ sợ ở
trong bụi xa làm cho nó giật mình. Nó ngừng kể, và nhích lại gần thằng Nan, hổn
hển nói nhỏ:
– Con gì thế Nan?
***
Thằng Nan cũng tái cả mặt,
run lẩy bẩy không hiểu là con gì.
Những cành lá cọ vào nhau sột
soạt, và những tiếng gầm càng gần. Bỗng nghe tiếng nhảy cái sạt và tiếng kêu rú
của con nghé.
– Có lẽ ngài đã chộp mất con
nghé của Bẹ rồi!
Nó toan bật khóc. Thằng Nan
bưng mồm nó lại:
– Bẹ yên nào! Để Nan… lạy
xin ngài…
Thằng Nan ngắm ngón tay, suy
nghĩ… Nó nhớ lời dặn của ông nó, mỗi khi đi rừng gặp ngài…
Nó quên cả sợ hãi, kéo con Bẹ
dậy, rồi rúc qua đến bụi bên kia. Con Bẹ không hiểu gì cũng im lặng theo nó.
Khi nó thấy ông hùm dữ tợn ghê gớm vồ lấy con nghé của nó, thì mặt nó tái lại,
và tay chân run lập cập. Nó thấy thằng Nan sụp qùy xuống và quay về phía ông
hùm vái lấy vái để và miệng tha thiết khấn: Cắn cỏ lạy ngài, cắn cỏ lạy ngài.
Trong những phút nguy kịch,
nó không kịp hiểu. Nó cũng khấn vái huyên thuyên. Nó còn chắp vào lời khấn của
thằng Nan một câu buồn cười và ngớ ngẩn. Nó khấn rằng: Cắn cỏ lạy ngài! Ngài
tha cho con nghé của con, kẻo về chủ con đánh mắng con tội nghiệp!
Hai đứa trẻ chỉ nghĩ đến
tính mạng của con nghé mà quên hẳn cái tính mạng của chúng nó, quên cả sợ hãi…
– Cắn cỏ lạy ngài! Cắn cỏ lạy
ngài…
Ông hùm đáp lại lời cầu xin
của chúng nó bằng một tiếng hừ… rồi nhai khau kháu cặp giò trước của con nghé
vô tội. Có lẽ ngài cho là hai cái mồi con ấy không bõ công. Ngài bèn ngoảnh mặt
đi, không quên đem theo con nghé của con Bẹ, con nghé khá to, đủ làm bữa cơm
chiều cho ngài vậy.
Sau khi con mãnh thú đã tếch
xa, thằng Nan vẫn thản nhiên nói với con Bẹ:
– Thôi bây giờ Bẹ kể nốt câu
chuyện nhà của Bẹ đi.
– Nhưng, chết con Bẹ này, về
nói làm sao với ông Bá, có lẽ phen này thì ông ấy xé xác ra.
Không nén được lòng, nó oà
ra khóc…
Không, con Bẹ không bị mắng,
bị rầy, bị xé xác, người ta chỉ lột hết quần áo mà từ trước người ta đã sắm cho
nó, và người ta đuổi nó ra khỏi nhà ngay ngày hôm ấy.
Giá ông hùm biết nông nỗi
cho con bé thế này, ông đã nhả con nghé ra cho nó…
Với một manh áo rách, nó đi
ra khỏi nhà ông Bá. Trời đã tối đen, vài ngôi sao đã bắt đầu thấp thoáng. Nó
nhìn quãng cao rộng mà rùng mình. Nó thấy có hai nơi, nó có thể dấn thân tới được:
cái đình chợ và nhà mụ lão U.
Nó lựa ngay nhà mụ lão U.
Khi nó đến ngõ nhà mụ, thì nó đứng sững không dám tiến mà cũng không dám lui.
Nó vừa thoáng nghe tiếng mụ quát tháo ở trong nhà. Nó thấy mụ lão U hung tợn, độc
ác hơn ông hùm đã vồ mất con nghé của nó. Với ông hùm nó còn dám đến gần, để cắn
cỏ lạy ngài, với mụ lão U, nó không dám lại gần để cắn cỏ lạy mụ.
Nó nhớ đến hình phạt ghê gớm
mà mụ đã tấn cho con Mực, và những hình phạt ấy có lẽ còn đợi nó, khi mụ lão U
biết tin rằng nó đã để mất con nghé ông Bá, và bị thải.
Ông Bá mất một con nghé.
Mụ lão U đau xót hơn, mất 12
quan tiền công của con Bẹ.
Nghĩ tới đó, nó không dám bước
vào đó nữa. Nó đi một vòng quanh nhà lởn vởn như một tên ăn trộm. Bỗng qua dậu
ông bụt, nó nhận thấy thằng Tỵ đương ngồi xo ro ở dưới gốc cam bên một cái xác,
cái xác… chó, Tỵ đương lấy tay xoa một lần cuối cùng, cái đầu con vật, giá con
vật không lở ghẻ, thì Tỵ đã ôm vào và hôn hít nó…
Tỵ nó nhận ngay được tiếng
chị nó, nó ngẩng đầu lên tìm quanh tìm quẩn… nó thấy cái mặt chị ló ở giữa những
lá bụi xanh, nó chạy ù lại và mừng rỡ. Bẹ đưa mắt về phía cái xác con vật hỏi…
Tỵ buồn rầu đáp:
– Con Mực vừa hấp hối…
– Vừa hấp hối…?
– Vừa hấp hối.
Hai đứa trẻ nhìn nhau yên lặng
rưng rưng nước mắt… Tỵ muốn giải cho chị nghe cái nỗi đau khổ của mình khi phải
chứng cái phút cuối cùng của con vật thân yêu, nhưng nó không biết nói thế nào.
– Tỵ có biết tại sao Mực chết?
– Biết…
– Tại sao?
– Tại Mực đã ăn hết của mụ
lão U một chã cá đối mụ vừa nấu để cúng kỵ bọ.
– Không tin.
– Chính thế mà… Mụ đi hái
rau cải ở vườn về, thì thấy Mực đương lục chã cá. Mụ nổi xung quay cán dao rựa,
mụ đánh vào đầu Mực một cái, máu chảy lai láng. Mực lê ra đến đây thì tắt nghỉ.
Chị rúc vào đây mà xem những dòng máu còn trào ở miệng Mực ra.
– Thôi xem mà làm gì nữa…
Chị biết người ta đã định tâm giết nó từ trước mà!
– Chính có như rứa, chị
nờ, cách đây mấy hôm, mụ lão U đã gọi chú Ngáo đến.
– Chú Ngáo là ai em?
– Chị không biết chú
Ngáo buôn thịt chó ấy mà?
– Mụ gọi chú đến để
bán con Mực?
– Bán mà ai mua, mụ
cho không mà chú Ngáo cũng lạy dài. Chú chê rằng: Con Mực gầy mà lại ghẻ lở…
– Thôi em đừng nói nữa,
đặng linh hồn con Mực đi cho yên…
– Đi mô?
– Nó xuống âm phủ để hầu
thầy ta và có lẽ mạ ta nữa…
– Sao lại thế chị?
– Em nói khẽ chứ. Em đừng
hỏi nữa. Đợi chị ở đây để chị đi đằng này một tí nhá!
Con Bẹ, nghĩ đến sự cất táng
cho con Mực. Nó chạy đến nhà thằng Nan, cáo phó cho nó biết cái tin buồn của
mình, và sẽ nhờ nó giúp vào một tay… Người lớn thường hay phân biệt người và vật.
Trẻ con không vì hình thể bề ngoài mà đặt mình ra ở một loài riêng và cũng
không phải vì một cái luân lý nào mà chúng nó gần gũi những con vật… Sự giống
nhau về tinh thần, và sự thân mật hàng ngày đã làm cho chúng thấy ở trong những
con vật, cái cốt cách, dáng điệu, tâm linh con người… Không hề phải lý luận như
người lớn, con Bẹ thấy ngay cái sự cần phải làm cho cái xác con Mực được êm ấm,
và cái linh hồn của con vật được an thoả… Nó liệu làm được chừng nào, nó làm
cho cái đám ma của người bạn chí thân của nó được tươm tất, và có sự thể một
chút.
***
Bấy giờ, trời đã quá canh
hai…
Thằng Nan và con Bẹ về tới
nhà mụ lão U. Chúng nó đã sắp đặt với nhau từ trước rồi, bây giờ chỉ cứ im lặng
mà làm việc… Thằng Tỵ vẫn ngồi ngủ gật bên cái tử thi của con Mực, đến nỗi thằng
Nan và con Bẹ rúc bụi vào mà nó cũng không hay… Hai đứa bắt đầu lấy con dao rựa
xé ở cái giậu bụt của mụ lão U thành một cái lối rộng đủ đám ma tý hon ấy đi
qua lọt… Thằng Nan chặt vào những cành bụt, nghe sạt sạt.
– Suỵt! Anh chặt nhè nhẹ ra
chứ. Chó mụ lão U… nghe nó sủa lên, thì thật là rầy to…
– Bẹ quên phắt rằng, chó mụ
lão U đã chết đờ ra đó rồi à!
Câu nói quá sống sượng của
thằng Nan làm cho con Bẹ hơi phật ý.
Làm xong lối đi, chúng nó bắt
đầu sự khâm liệm cho con Mực… Những chữ đã dùng vào việc người không hợp vào việc
chó nữa, vì khâm liệm đây chỉ có nghĩa là lấy một manh chiếu rách lượm ở xó bụi,
ủ vào cho cái tử thi… Ủ xong, chúng bỏ lên một tấm ván nhỏ, đánh thức thằng Tỵ
dậy, và khiêng ra đồng… Thằng Tỵ không hiểu gì là gì, thấy thằng Nan đưa cho một
cái bó đuốc rơm con con thì cầm lấy, không dám hỏi lại… Nó thấy cái vẻ nghiêm
trọng trên nét mặt chị nó, thì nó thấy rằng nó đương ở cái giờ thiêng liêng… Cầm
bó đuốc tắt, nó cũng tưởng như làm một việc quan trọng và cơ khổ, nó cũng không
dám hỏi và tự hỏi sao cái đuốc lại tắt. Thằng Nan bưng đằng đầu cái tấm ván ở
chỗ khác gọi là cái quan tài, và con Bẹ đằng cuối. Đám ma im lặng đi, không kèn
không trống và, – điều này không thể tha thứ được, – không có những tiếng khóc
van kể lể, vừa buồn cười vừa thê thảm…
Đám ma đi trong bóng tối,
không định đi về hướng nào, còn tuỳ thằng Nan… Nó vui chân đi về chốn nào, thì
con mực sẽ nghìn thu yên giấc ở chốn ấy… Tuy rằng không một tiếng khóc, cái đám
ma ấy có lẽ buồn rầu và thảm đạm hơn hết những đám ma xưa nay.
Đám ma đi đến cây bàng đầu
xóm thì ngừng lại một lát để đốt đuốc lên. Thằng Tỵ – người cầm đuốc – thấy cái
chức vụ của mình bây giờ long trọng thêm một bậc, nó thấy mình oai thêm, và
quên hẳn sự đau xót… Đám ma theo những bờ ruộng bùn lầy mà ra đồng, đến gần một
ngôi mộ to – mà thằng Nan bảo là ngôi mộ tổ nhà nó, – thì dừng lại. Cái quan
tài nhẹ nhàng đặt xuống một mô đất.
Lấy con dao rựa, thằng Nan
đào chính giữa thửa ruộng một cái huyệt nho nhỏ. Con Bẹ thì lấy hai tay hốt đất
lên.
Rồi bây giờ là đến lúc hạ
huyệt, cái lúc mà người ta thấy giữa kẻ khuất người còn, sự chia cắt khốc hại
và thống thiết biết dường nào. Những con trùng vô danh ở trong nội cỏ tiếng kêu
nghe vô cùng ảo não như để phơi giãi hộ cái đau khổ im lặng trong lòng những đứa
trẻ, cái nỗi đau khổ vì thiếu lời, không thể diễn thành những tiếng than vãn kể
lể…
Chúng chưa kịp đặt hòn đất
cuối cùng, thì bỗng từ đâu hiện ra một đoàn đầu trâu mặt ngựa, đứa thì chít
khăn tai chó, đứa thì chít khăn tai mèo, đứa thì thổi tù và, đứa thì cầm dùi ắng,
đứa thì cầm thước ngang, sừng sộ như một đoàn qủy sứ. Chẳng nói chẳng rằng,
chúng bới đất lên… Cả bọn nhìn nhau cười ồ lên, cười như đười ươi nắc nẻ. Rồi cả
bọn lại bước đi, mang theo cả con chó.
Ba đứa trẻ nhìn nhau chưng hửng.
Thằng Nan chỉ đứa bịt khăn tai mèo đương xách con chó và nói:
– Thằng cha ấy có tiếng là hẩu
thịt chó lắm đấy.
Con Bẹ hiểu lời thằng Nan…
Nó buồn não lắm. Nhưng ngày mai, cái bọn tuần đinh kia sẽ nói cười vui vẻ biết
bao, vì đã có cái gì để đánh chén…
***
Trên đường cái quan từ làng
Đặng lên làng… Hạ, hôm ấy người ta gặp hai đứa trẻ: Một cô bé dẫn thằng em nó,
vừa đi vừa chạy như những kẻ gian. Trời chưa sáng hẳn, bóng tối còn tha thướt
sau những lùm cây… Cô chị mang trên vai một cái khăn gói, còn cậu bé thì đi
không. Hai đứa im lặng đi không nói không rằng… Một con chó nằm ở một ngõ nhà
kia, thấy bóng người thoáng qua, sủa lên mấy tiếng; cậu bé chạy kịp chị và nắm
chặt lấy chéo áo chị… Rồi từ đấy, nó không rời chị ra nữa, đi song song khít
bên chị, như một con gà con bên gà mẹ trong lúc có bóng con ác thoáng qua. Con
gà con ấy là thằng cu Tỵ và con gà mẹ ấy chính là cái Bẹ. Hai cái mạng ấy đã bị
mụ lão U hất hủi và vất ra chốn gió sương vô định… Chúng nó chết thì còn thừa
hưởng được những bát cháo lá đa, nhưng chúng nó còn sống, thì chúng nó không được
một tí gì hết… Cái khăn gói của con Bẹ, cái khăn gói đã làm cho mụ lão U ngờ vực,
cái khăn gói ấy giá người ta mở tung ra, thì chỉ thấy vài manh áo rách. Thế
thôi!
Mặt trời đã lên cao vui như
một cái mặt thiếu nữ. Những đồng áng mà hai đứa trẻ đi qua, đã đầy những người
và vật, làm việc ầm ỹ và vui vẻ. Những tiếng tắc”, “rỳ đưa lên làm cho con Bẹ
nó nghĩ vơ vẩn: Nó không biết nó sẽ đi tới phương nào nữa… Bỗng nghe có tiếng
hát:
Hỡi o con gái mười hai,
Đấy đi mô vội, cho đây bận
lòng…
Trước sau cũng một đời chồng,
Nó thẹn cúi mặt, chân bước
nhanh… Nó không hiểu rõ nghĩa câu hát nói gì, nhưng nó cảm thấy một cách mơ hồ
rằng: Trong những lời ấy, có cái gì làm cho nó đỏ bừng hai má…
Rồi nó lại nghĩ vẩn vơ. Nó
nhớ đến thằng Nan, một cách tha thiết lắm. Nó tưởng như thằng Nan đã giữ lấy một
cái gì của nó, một cái gì quý báu nó không thấy trước mắt, nó không sờ được
trong tay, một cái gì sâu xa trong tâm hồn của nó… Cái ấy ta có thể gọi là cái
tấm lòng bè bạn đượm một chút tình ngây ngô… Trên môi nó nở một nụ cười…
– Chị Bẹ! Em đói quá!
Tiếng thằng Tỵ làm cho nó giật
mình tỉnh mộng. Nó nhìn em nó, thương hại:
– Chốc nữa, ta đến…
– Đến mô, chị Bẹ?
– Đến chốn ấy mà em chưa biết
mô!
Bỗng, nó thấy đằng xa, lấp
ló sau một ngôi mộ, một bọn người đương xúm xít ngồi ăn cơm trưa… Nó biết đó là
một bọn thợ gặt. Vui vẻ, nó trỏ cho em nó:
– Ta sẽ đến chốn ấy, và xin
họ cơm ăn…
Rồi hai đứa dắt nhau tới…
Một người cởi trần, to lớn
nhất bọn, xua tay đuổi…
– Đi, đi chỗ khác, đợi người
ta ăn xong, lại đến.
Một người đàn bà ngắt lời hắn:
– Ai lại thế! Xem hai đứa trẻ
này không ra dáng ăn xin. Mặt mũi cũng sạch sẽ đó chớ!
Rồi mụ quay về phía hai chị
em con Bẹ… lấy hai vắt cơm giao cho chúng nó.
– Chúng mày ở mô, tới?
– Bẩm, ở làng Đặng lại…
– Chúng mày đi mô?
– Bẩm, chúng tôi lại xuống
làng Hạ!
Cả bọn nhìn nhau cười rũ rượi.
Hai đứa chưng hửng, ngơ ngác
như những con vịt… Chúng nó có biết đâu rằng: Chúng đã bị lạc đường… Cái làng
xa xa ở trong những lùm tre xanh không phải là làng Hạ.
Người đàn bà hồi nãy ngọt ngào
bảo con Bẹ:
– Mày đi lầm đường rồi! Làng
này chính là làng Kẻ Lái…
Nó sực nhớ đến một câu hát
mà nó thường hát lúc nó còn bằng tuổi thằng cu Tỵ…
Kẻ Lái bán mắm đu đu,
Ma bắt Kẻ Lái, chỏng khu lên
trời!...
… Nó thấy ở trong hai câu
hát, đủ những cái hình ảnh ghê gớm để làm cho nó rởn cả tóc gáy… và nó lại đoán
chừng rằng: Chắc cái làng hung tợn ở trong câu hát mà nó thường hát lúc còn
thơ, có lẽ gần quê hương nó chăng? Nó đánh bạo hỏi:
– Thế bao xa nữa, thì đến
làng Phú Mỹ, các bác?
Cả bọn lại nhìn nhau cười rũ
rượi…
Một người bặm trợn nói:
– Làm gì có cái làng Phú Mỹ
mà hỏi!
Con Bẹ đứng đờ người ra, hơi
thẹn. Nó biết là cái lúc nên đi ngay, dầu là chẳng biết đi mô.
– Cảm ơn các bác đã cho ăn.
Chúng cháu xin đi!
Một người trong bọn lại hỏi.
– Thế cháu đi mô?
Một người khác đáp thay:
– Xuống làng Hạ.
Rồi cả bọn lại nhìn nhau cười
rũ rượi…
Hai đứa trẻ lại theo đường
cái quan mà đi… Làng Hạ hay làng Thượng đối với chúng nó có quan hệ gì… Đi…
theo chúng nó chỉ là trốn mụ lão U… một người đã đày xắt chúng nó và đã giết mất
con Mực của chúng… Qua cái cầu gỗ, đến một quãng hơi văng vắng, chúng nó thấy từ
đâu chạy ra một đoàn bốn đứa chăn trâu…
Một đứa chạy lại nắm lấy tay
con Bẹ, tán:
– O đi mô, cho anh gửi nhắn
một lời…
Một đứa khác, tự tiện giật lấy
cái khăn gói của con Bẹ:
– Để anh mang hộ!
Nó đặt cái khăn gói xuống vệ
đường rồi mở tung ra…
Một đứa khác móc một cái
manh áo vào đầu roi rối giơ cao: Cờ của chú Quắn.
Khi trời đã chấp choảng thì
hai đứa trẻ đến đầu làng. Chỉ một cái miếu hoang, con Bẹ bảo thằng Tỵ:
– Chúng ta hãy vô đây nghỉ
chân đã… mai lại đi.
Thằng Tỵ hỏi lại:
– Vô trong xóm ấy mà ngủ, có
phải tốt hơn không?
– Nhà cửa ấy không phải là của
chị em mình…
Thằng Tỵ nhìn chị buồn rầu,
và có vẻ ngạc nhiên. Một đôi nhà thổi cơm chậm bắt đầu un khói… Làn khói lam
óng ả uốn trên những mái gianh mầu nâu… Cái khối buồn của con Bẹ, chảy thành những
hạt nước mắt lăn trên má.
Một con chó sủa mấy tiếng
ăng ẳng…
Con Bẹ kéo tay em dỗ:
– Thôi chúng ta hẵng vào nghỉ
đây, kẻo chó cắn, tuần đinh ở trong điếm họ chạy ra thì khốn to…
Nó tưởng tượng những bác tuần
đinh của làng Kẻ Lái, thành những bộ mặt hung tợn độc ác như qủy sứ.
Lạnh lùng nó dẫn em nó đi
vào trong cái miếu tối, văng vẳng như còn xa nghe:
Kẻ Lái bán mắm đu đu!
Ma bắt Kẻ Lái chổng khu lên
trời…
… Với bao nhiêu điều ghê ghớm,
rùng rợn…!
Vì hôm vừa qua nó ngủ được
ngon giấc, nên sáng nay con Bẹ dậy sớm và tỉnh táo lắm.
Nó chạy ra cổng miếu đứng
trông. Bây giờ nó mới nhận ra rằng, cách cái miếu không xa có một con sông.
Bỗng nó có một ý nghĩ hay
hay: Bắt những con nhèm.(1) Lại khi nó nghĩ rằng: Những con nhèm ấy bán đi sẽ
nuôi sống được nó và em nó, thì nó vỗ tay, vui sướng tưởng như ý nguyện của
mình đã đạt rồi! Nó trở vào miếu xem thằng Tỵ đã dậy chưa. Nó thấy Tỵ còn ngủ
li bì…
Nó tự nói: Khi Tỵ trở dậy mà
thấy bò trước mắt những con nhèm béo xinh đẹp thì chắc Tỵ sẽ mừng biết mấy. Rồi
Bẹ chạy một mạch ra sông. Nước bấy giờ xuống cạn, để lộ ra một bãi bùn phủ kín
bởi một lớp rêu xanh mà dày…
Nó bèn xắn cao hai chân quần
lên, rồi lội xuống sông. Nó rón rén đi nhẹ quá cho nên không bị lún sâu xuống
bùn. Ngày còn ở nhà, nó đã mấy lần theo mẹ nó ra sông bắt nhèm, cho nên đối với
cái nghề này, nó thạo lắm. Hai chân nó dè dặt đạp lên trên rêu một cách nhẹ
nhàng êm thấm. Khi có một con nhèm ẩn ở dưới rêu, là nó biết ngay. Cẩn thận và
lanh lẹ, nó đưa tay chộp lấy và bắt lên cả với cái ổ rêu…
Chẳng mấy chốc mà nó đã bắt
được gần một chục con nhèm to. Hai lỗ mũi nó trướng ra sung sướng, khi nó tưởng
đến cái mùi rất thơm tho của những con nhèm nướng…
Nó sửa soạn đi về, thì thấy
một đoàn bảy người đàn bà vén que, vén còng, lội xuống sông, tìm những miếng
hàu và cọ vào nhau, kỳ cho miếng hàu vỡ tan, để lộ ra những con hàu.
Nó nhìn những người kia đánh
hàu với đôi mắt ngạc nhiên. Một người trong bọn hỏi nó:
– Mi cầm cái gì trong ổ rêu
thế?
Nó chưa kịp đáp, một người
khác lại bảo:
– Đưa chúng tớ xem nào!
Thấy cái bộ thu thu giấu giấu
của con Bẹ, một người khác lại bảo bằng một cái giọng khinh khỉnh:
Con Bẹ không thèm đáp, ngoay
ngoảy quay lưng đi. Nó chạy ù về miếu...
Nó thấy thằng Tỵ đương đứng
thờ thẫn mặt nhìn về phía đồng ruộng, đưa mắt tìm chị nó trong những lùm rưới
xanh...
Con Bẹ rón rén đi lại sau
lưng để đùa em nó, nó đưa tay vỗ vào vai thằng Tỵ một cái và cười khà khà!
Nhưng vô ý, nó để rơi cả ổ rêu xuống cỏ. Những con nhẻm, nhanh như cắt, bò ra
tung tác. Nó chộp hối chộp hả như người ta chộp ếch. Thằng Tỵ thấy những con
nhèm sướng quá reo ầm lên và giúp chị nó bắt những con vật xinh xinh! Đương reo
cười bỗng nó hét lên một tiếng thất thanh: Thì ra vô ý nó để một cái càng nhẻm
cắn vào ngón tay út nó. Nó giãy mãi, con nhèm mới chịu nhả ra. Thấy ngón tay của
em nó hơi rỉ máu, nó cầm lấy và như những người nhà quê thường làm, đưa ngón
tay lên miệng hút cho hết máu. Nó đành để cho chạy xuống ruộng mất hai con
nhèm. Còn tám con, nó định mang đi bán. Cả hai đứa cùng dẫn nhau vào xóm. Cách
ba bốn cái lều tranh lúp xúp mà chúng nó không vào, thì đến một cái nhà gạch.
Con Bẹ bảo thằng Tỵ:
– Em nên coi chừng đấy! Nhà
này giàu chắc có chó dữ.
Thằng Tỵ chạy kiếm ở bên đường
nhặt một cái cành tre, rồi dõng dạc bảo chị:
– Bây giờ thì chị khỏi phải
lo nữa. Chị để em tiến vào trước. Chó có ra, em cho chúng nó ít phang!
Rồi hai chị em cùng mạnh bạo
bước vào ngõ nhà giàu. Chúng còn lấp ló ở ngoài rặng ông bụt thì một con chó vện
đã hộc hộc chạy ra, xông vào… và nghe có tiếng tiếp theo của một thiếu nữ, có
cái giọng cao nghều nghệu của tiểu thư nhà giàu:
– Đi! Đi! Không có gì mô!
Đi, đi!
Con Bẹ ráng hết gân cổ, đáp
thật to để át những tiếng chó sủa dồn:
– Thưa cô! Chúng tôi không
phải ăn mày!
– Thế chúng bay đến ngõ tao
làm gì?
Thằng Tỵ hất hàm một cái, trả
lời một cách hùng hồn:
– Bán những con nhèm!
Cô thiếu nữ nhìn chòng chọc
lấy thằng bé và chúm chím cười:
– Thế bay mang vào đây cho
cô xem…
Và cô lại suỵt suỵt gọi chó
vào, để yên cho hai đứa trẻ kia lại gần, hai đứa trẻ mà có lẽ cô cho là kỳ dị lắm.
Cô thiếu nữ nhìn vào cái ổ
rêu, thấy ngó ngoáy có mấy con nhèm con, không nhịn được cười:
– Chừng ấy thì ai ăn, ai nhịn?
Nhà tao ăn nhiều, không mua chừng ấy làm gì.
Rồi như sợ tội nghiệp, thiếu
nữ gọi lại:
– Thế chừng ấy thì chúng bay
bán bao nhiêu?
– Tuỳ lượng cô cho bao
nhiêu, chúng con nhờ bấy nhiêu.
– Ba đồng nhá?
Nhưng thực ra, cô rút túi trả
cho chúng nó được một tiền.
Con Bẹ ngả tay, nhận lấy hơi
ngần ngại, là vì với sáu đồng tiền, nó biết làm gì. Nó nghĩ đến bữa cơm trưa sắp
tới, nó lanh lợi nói với thiếu nữ:
– Chúng con không cần tiền.
Hay là cô cho chúng con xin một ít cơm và vài con mắm.
Thiếu nữ nhìn hai trẻ với cặp
mắt ngạc nhiên, nhưng không nói gì thêm nữa. Cô truyền cho người nhà lấy ra hai
bát cơm và giao cho hai chị em con Bẹ.
Không cần lễ phép gì, hai đứa
bé ngồi xuống một góc sân, ngồm ngoàm ăn ngay. Từ hôm qua, chưa kiếm được tí gì
trong dạ, nên hai đứa ăn coi bộ ngon lành lắm. Chúng vừa ăn vừa nói chuyện ầm ỹ.
Có lẽ không bao giờ chúng đã được một bữa cơm vui vẻ như thế. Vì đấy là một bữa
cơm đổi bằng những con nhèm mà chúng đã bắt được một cách nhọc nhằn và vui sướng.
Chiều đến, trong lúc con Bẹ
ra sông bắt nhèm để bán, thằng Tỵ vẩn vơ ở miếu một mình. Nó nhìn mãi mà không
chán cái hình con kỳ lân bằng sành, ở cái bình phong. Con kỳ lân, chỉ là cái tưởng
tượng của người xưa, nhưng đối với những người nhà quê, đã thành một con vật
quen, và đã có hình bóng trong cái cuộc đời hằng ngày của họ.
Con kỳ lân, đối với thằng Tỵ
thì là một cái nguồn mới lạ khôn cùng. Nó càng nhìn mãi, càng thấy con vật thêm
huyền bí… Những cái râu, những cái móng của con kỳ lân đã giúp cho nó lý hội được
cả cái đời hùng tráng, oanh liệt của con vật ở chốn rừng xanh bí mật.
Bỗng nó thấy con vật linh động
lên, với một cái quá khứ hung tàn, với những cuộc đời đổ máu ghê gớm, với những
tiếng gầm thét trong những ngày gió mưa dữ dội. Thằng Tỵ thấy nó vươn hai chân
trước lên, và như sắp lấy sức để nhẩy qua một cái suối… Tỵ cũng lui mấy bước, sợ
hãi.
– À! Cô ấy tử tế quá!
Tỵ quay lại đã thấy Bẹ đến
sau lưng, hai tay bưng hai bát cơm đầy.
– Tỵ à! Cô ấy cho chúng mình
mượn cả bát nữa! Chúng mình ăn mau lên, để chị đi trả bát cho người ta.
– Thế chiều hôm nay chị bắt
được mấy con nhèm để bán cho cô ấy?
– Gần hai trăm con.
– Mai chị cho em đi với!
– Chớ! Chớ! Tỵ đi, nữa vô ý
giẫm phải hàu, thì khốn.
– Hàu là cái gì, Bẹ?
– Là những miếng hến nhọn, ở
dưới sông lẫn trong bùn, giẫm phải cắt đứt chân.
Bỗng Bẹ giật mình nghĩ đến
cái chết thảm hại của cái Mòi ở bên cạnh nhà nó…
Nó còn nhớ như đêm qua, cái
buổi trời đông, mưa phùn gió tạt lạnh, cái Mòi qua rủ mẹ nó ra sông. Nó cũng đi
theo. Bây giờ nó còn thấy rõ trong tưởng tượng cái bóng ba người co ro trong những
cái áo tơi rách nát, và cùng sống trên bãi bùn. Trời mưa, nhèm nó lội xuống nước
cả, cho nên từ tưng hửng sáng đến khi người ta đi cày, mò cũng không được lấy một
con cua nhỏ! Mòi đương hì hục, bỗng kêu lên một tiếng thất thanh và ngã vào mẹ
nó. Một con hàu cắm sâu vào chân. Nó giơ chân lên để mẹ con Bẹ rút giùm cho nó,
máu chảy lai láng xuống bùn. Cái Mòi đau quá, tay vịn vào vai mẹ con Bẹ và đi
khập khiễng về nhà. Rồi từ hôm ấy, đêm khuya, khi nó sắp đi ngủ, nó thường nghe
từ bên nhà láng giềng đưa sang những tiếng rên não nùng. Tiếng rên ấy kéo dài
cho đến khi cái Mòi tắt nghỉ. Miếng hàu cắt nhằm chỗ mạch máu lại gặp trời lạnh
như giá, cái Mòi nghèo không thuốc chữa phải bỏ mạng một cách thảm khốc.
Nghĩ đến cái nghề nguy hiểm
của mình, nghĩ đến những mảnh hàu độc địa, con Bẹ nhìn vào bát cơm mà ngại
ngùng. Nhưng trong chốc lát, rồi nó lại vui tươi ngay. Nó nghĩ đến thằng Tỵ,
nghĩ đến những bữa cơm tuy xoàng xĩnh nhưng đầy thú vị, đầy cảm tình, những bữa
cơm mà kẻ giàu có với tiền bạc nhiều, cũng chưa chắc đã mua chuộc được.
Sợ thằng Tỵ thấy sự im lặng
sôi nổi những ý nghĩa của mình, con Be lại khua đũa vào bát nghe lốc cốc, vừa
và ăn vừa hỏi chuyện em nó một cách vui vẻ…
Con kỳ lân đã đến phá trong
giấc ngủ nó, và cái giấc mộng quá hung tàn ấy đã ấn mạnh vào trong tâm linh nó,
khiến cho sáng nay, khi ngủ dậy, nó xơ xác như một người mất hẳn thần trí.
Đêm hôm qua, nó nằm mơ thấy
một ông cụ già đạo mạo, râu tóc bạc phơ, xiêm áo thùng thình, cưỡi một con kỳ
lân từ chốn ngàn xanh phóng đến. Rồi con kỳ lân chạy thốc đến trước mặt thằng Tỵ
đương vẩn vơ săn những con bươm bướm trên bãi cỏ. Hoảng hốt, thằng Tỵ cắm đầu
chạy, nhưng hai chân nó cuống không bước đi được nữa. Vấp phải một cái rễ cây,
nó ngã xuống cỏ. Nó nhắm tịt đôi mắt lại không dám nhìn con kỳ lân.
Nó để yên cho con kỳ lân ngậm
nó vào miệng và cất mình bay lên trời.
Bay được một đoạn cao, bỗng
nghe tiếng ông cụ già quất roi và thét lên mấy tiếng. Tức thì con kỳ lân há miệng
ra và để nó rơi xuống, nó rơi êm như một sợi lông. Khi nó đụng phải đất, mới
nghe một tiếng oạch. Nó giật mình tỉnh dậy thì thấy mình đương nằm trong một
cái miếu.
Lúc mặt trời đã lên
cao, nó cũng còn chưa hết sợ.
Nó không dám ở nhà một mình
với con kì lân đứng sừng sộ ở cái bình phong.
Nó theo chị nó ra sông để bắt
nhèm. Ra khỏi cổng miếu, đến đường cái quan, bỗng nó nghe có tiếng còi bi bo. Một
cái xe ô-tô hàng ở đằng xa tung bụi vượt tới, như một con vật hung tợn. Con Bẹ
và thằng Tỵ đứng lại khép nép một bên vệ đường.
Chiếc xe đi qua! Bỗng con Bẹ
nó u ơ mấy tiếng, không nghe rõ là cái gì và đưa tay phẩy giữa đám bụi. Con Bẹ
vừa nhận cái đám người chất trong xe như cá hộp, một người, có cái hình ảnh như
người đã sinh ra nó, mà nó tưởng đã chết rồi.
Nó vẫy phẩy và kêu thất
thanh Mạ ơi! Mạ ơi!
Thằng Tỵ không hiểu gì, cũng
vẫy tay, và kêu như chị nó.
Cái xe vô tình vẫn chạy thẳng
tới những chốn núi non xa lạ, đưa những người nghèo khó đến những chốn cao su,
đất đỏ.
Nhưng chúng nó, có thể…
trông nhầm… Có lẽ mẹ chúng nó đã chết rồi! Ta hãy tin là chết, để nối vào đời
nó thêm ít quãng phiêu lưu cay cực.
Nguồn: Lưu Trọng Lư:
Cầu sương điếm cỏ (truyện hai đứa trẻ phiêu lưu) // Hà nội báo, Hà Nội, từ s. 2
(8/ 1/ 1936) đến s. 8 (26/ 2 /1936).
Lưu Trọng Lư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét