Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Nhân cách người Việt từ một cuộc hội thảo văn học nghệ thuật

Nhân cách người Việt từ một cuộc 
hội thảo văn học nghệ thuật 
Té ra, nhân cách có rất nhiều định nghĩa, và, việc đặt ra vấn đề nhân cách người Việt bây giờ vừa là... quá muộn, vừa là vừa đủ.
Ấy là tôi đang nhắc tới cái hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học Nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh tuần trước. Hơn 100 nhà khoa học, các nhà văn, nghệ sĩ trên toàn quốc đã về dự. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và nhiều lãnh đạo các bộ ban ngành có mặt chứng tỏ sự quan tâm không nhỏ tới vấn đề hội thảo đặt ra.
Rõ ràng là nhân cách người Việt hiện nay đang có vấn đề. Theo GSTS Đinh Xuân Dũng thì “nhân cách là sự tổng hòa của các phẩm chất, xã hội, chính trị, đạo đức và văn hóa trong những con người cụ thể, được định hình vững chắc trong con người đó thông qua một quá trình tự nuôi dưỡng, bồi đắp và phát triển, thông qua hoạt động thực tiễn- lao động và đấu tranh... Nhân cách vì thế, là kết quả mang ý nghĩa về chất lượng trong quá trình sống và hoạt động thực tiễn- tinh thần của con người... nhưng hiện nay đang có sự đảo lộn các giá trị trong nhân cách, sự loạn chuẩn trong lựa chọn, sự tha hóa, biến chất, sự gia tăng những thói hư tật xấu, thói vô cảm, sự tham nhũng tràn lan, những tội ác ngày càng ghê tởm, tạo nên bóng đen đe dọa cuộc sống bình an của con người, sự sùng ngoại công khai trắng trợn, thói dối trá từ trên xuống dưới...” (hết trích).
Nhiều ý kiến khá thẳng thắn đánh giá thực trạng xã hội và thực trạng sự dấn thân của Văn học Nghệ thuật trong việc bồi bổ nhân cách con người. Ví dụ có những việc không sai, về lý thì hoàn toàn đúng, nhưng nếu có lòng tự trọng, chính xác hơn là nhân cách không trơ lì, sự xấu hổ còn đất sống, thì người ta sẽ không làm. Chẳng hạn như việc ông Lê Phước Hoài Bảo, con bí thư tỉnh ủy ở Quảng Nam làm giám đốc sở khi mới 30 tuổi. Trên diễn đàn có người phát biểu, việc này về quy định, quy chế các loại là không sai, thậm chí là chúng ta đang khuyến khích phát hiện và đặt các tài năng trẻ vào đúng việc đúng chỗ, sử dụng họ như một cách nâng niu hiền tài, nhưng nếu nhân cách ổn định, lòng tự trọng đủ đầy thì người ta sẽ có cách làm khác để không bị tổn thương danh dự và lòng tin. Cũng như thế có ý kiến tỏ ra lo lắng, rằng nếu cứ dạy văn như hiện nay, cảm xúc, cách tiếp cận tác phẩm chỉ của một người hoặc của một nhóm người, sau đó phổ biến bắt buộc cho đại trà học sinh là biến học sinh thành rô bốt, cũng là một cách làm thui chột cảm xúc tự nhiên, chân thật, và tính cá thể của từng người. Nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh: “Nắm lấy giáo dục, nắm lấy Văn học Nghệ thuật, chúng ta phải đề ra những kế hoạch hành động từng bước cụ thể, chứ cứ nói chung chung, e rằng sẽ rất khó”...
Có 97 tham luận gửi đến hội thảo, không kể những phát biểu tại chỗ. Trong các phát biểu tại chỗ, có 2 ý kiến đáng chú ý. Một là nhà  báo Ngô Ngọc Ngũ Long bảo rằng không hiểu tại sao Nguyễn Ngọc Tư lại cho nhân vật nữ của mình hân hoan khi bị đến 5 thằng lưu manh hiếp dâm đến có bầu. Đây là một cách hiểu thôi, bởi tính nhân văn của cả tác giả và nhân vật hiện lên rất rõ ở chi tiết ấy. Tất nhiên điều ấy cũng thể hiện rằng, với một tác phẩm, không chỉ người đọc bình thường, mà ngay cả các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng hiểu gì thì hiểu, không được “ác” với đồng nghiệp. Tôi cho ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu là ác khi ông cắt câu nói của nhân vật ra khỏi ngữ cảnh và hành vi của nhân vật ra khỏi chuỗi hành động. Ông Lưu lên diễn đàn chứng minh tiểu thuyết “Miền hoang” của nhà văn Sương Nguyệt Minh là một cuốn sách “xấu”, bởi nhân vật bảo rằng sẽ tiếp tục khiêng Lục Thum (ông lớn Cam Pu Chia), và có điều kiện trốn mà không trốn, như thế là phản bội Tổ quốc. Rồi là tục tĩu, dâm loạn. Tiểu thuyết này của nhà văn Sương Nguyệt Minh hiện đang được đánh giá rất cao. Ngay trong hội thảo này, nhà thơ Inrasara lên phát biểu rằng theo ông thì Miền hoang là một cuốn sách hay hiện nay. Có một anh lính Việt Nam bị lạc, bị quân Khơ me đỏ bắt. Và bản thân những tên lính Khơ me ấy cũng bị lạc. Và Miền hoang phát triển trên cái nền ấy để nhân cách từng người thể hiện. Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu đã cố tình cắt xén để kết tội đồng nghiệp trước khá đông người dự, có người chưa đọc, trong đó có một thiếu tướng quân đội, sau đấy vị tướng lên phát biểu nói rằng, ông chưa đọc, nhưng nghe anh Lưu nói thì ông sẽ phải lưu ý. Trong phát biểu của mình, khi nhân vật nói chuyện với nhau, thì ông Lưu lại kết tội là tác giả tuyên ngôn nghệ thuật. Nhân vật là cái thằng lính Pôn Pốt áo đen man rợ, vô học, dốt nát, thô lỗ... nói tục là chuyện đương nhiên. Nhân vật nó nói tục, chửi tục, chứ không phải là... văn tục. Vậy nhưng ông Lưu cho rằng tác giả viết tục. Anh lính Quân tình nguyện có 2 lần trốn. Lần thứ nhất, trốn và rơi vào tình trạng đói khát, kiệt sức có nguy cơ bị chết. Sau thì được cô y tá câm người Khơ Me tìm được... Lần thứ 2 trốn thoát, và trước khi trốn anh lính tên Tùng này còn rút dao găm và bò đến chỗ thằng Lục Thum đâm vào ngực nó rồi mới chạy trốn. Nhưng ông Lưu chỉ nhắc lần trốn thứ nhất để bảo anh lính quân tình nguyện Việt Nam yếu hèn, đầu hàng...  Nguy hiểm nhất là kết tội như thể đưa tác giả lên vành móng ngựa của tòa án chính trị: Kết tội tác giả phủ nhận sự hi sinh của hàng vạn bộ đội Việt Nam, và phủ nhận cuộc chiến tranh ở Campuchia...
Rất nhiều ý kiến đề cập đến tình hình xã hội hiện nay rồi soi chiếu vào văn học nghệ thuật. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho rằng, con người tự do, nhân ái là đích đến của giáo dục nhân cách, bằng Văn học Nghệ thuật. Vượt ra ngoài văn học nghệ thuật, nhiều ý kiến đề cập đến xã hội học. Nhà văn Văn Chinh phát biểu: “Tôi chỉ yêu chứ không làm bóng đá, họ nhà tôi cũng không ai làm nghề trọng tài, nhưng cảm thấy nỗi nhục nhã mang tính quốc thể khi xem trận Hà Nội T&T gặp Bình Dương được bắt bởi trọng tài người Nhật do VFF thuê về nhằm đảm bảo tính công bằng và để chống bán độ. Nhục, và tự nhiên sợ rằng đến một lúc nào đó cảnh sát giao thông hay thẩm phán cũng sẽ được thuê?”.
Giáo sư Phong Lê nói “Nhìn vào những tội ác diễn ra gần đây, bị cáo càng hạ độ tuổi và mức độ tàn bạo càng tăng. Phải chăng cuộc sống văn minh thì con người càng lùi vào dã man... Có nghĩa là, đường ranh giới giữa ác và thiện đã không còn. Có nghĩa là, tội ác sẽ tràn ngập xã hội. Tất nhiên đó chỉ là ảo giác. Bởi con người, ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng cần và có cách để giải quyết các vấn đề đặt ra cho mình...”.
Cũng nhiều ý kiến cho rằng, không nên đặt lên vai văn nghệ nhiều nhiệm vụ quá. Vẫn có những vị đầy danh hiệu lên nói những điều rất cũ, nhiều trích dẫn lý thuyết từ thời “Hiện thực xã hội chủ nghĩa”, nhiều ông Ốp ông Ép được nhắc... Nhiều ý kiến khẳng định, văn học nghệ thuật hiện nay không theo kịp sự phát triển của kinh tế, và đấy là khoảng tối trong việc bồi bổ nhân cách. Nhưng lại cũng có ý kiến đặt ra rằng, hiện người đọc, người xem đang quay lưng với các tác phẩm văn học nghệ thuật. Một mặt là do thời đại khiến người đọc lười hơn, thích kiếm tiền hơn, con người bận bịu hơn, mệt mỏi hơn..., mặt khác do chính các tác phẩm chưa thỏa mãn nhu cầu  của họ, chính xác là chưa làm  cho họ thích thú say mê. Dốc sức làm ra tác phẩm nhưng rồi nó đìu hiu ở đâu đấy, cũng là một thảm họa, cũng là một sự lãng phí ghê gớm. Ở đây cũng có cả vai trò của truyền thông. Như việc xúm vào lăng xê giọng hát Lệ Rơi khiến nó trở thành “thảm họa kép”. Nhiều giá trị bị đảo lộn, bị lệch chuẩn, nhiều thứ rác rưởi lên ngôi, và có những giá trị bị khuất lấp...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài phát biểu vừa đọc vừa nói khá sâu sắc. Và chính những đoạn ông dừng lại nói vo lại rất nhiều hàm lượng thông tin và khiến người nghe thích thú. Ông cho rằng, Văn nghệ sĩ không chỉ là chuyên chở “đạo làm người” trong tác phẩm của mình, mà phải sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức cảm hóa, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp theo quy luật của tình cảm, của cái đẹp; thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng tăng lên của nhân dân. Ông nhắc, lần trước ông cũng có dự một hội thảo thế này, cũng nêu ra nhiều thực trạng, với tư cách thường trực ban bí thư khi ấy, ông đã chỉ đạo làm ngay nhiều việc, nhưng hình như vẫn còn rất nhiều việc chưa được... làm ngay.
Nói gì thì nói, làm gì thì làm, nhưng có hai việc tôi cho là rất chuẩn, một là tác phẩm phải hay. Và hai là, tác phẩm ấy phải có công chúng. Dở mà công chúng nhiều cũng nguy, mà hay nhưng ít công chúng thì cũng tương tự. Trong hội thảo có người nhắc đến những bộ phim tiền tỉ, nhưng làm xong thì... cất kho, vì nó vừa không hay vừa không có công chúng. Cũng có thể tại người sáng tác đã “giao” cho tác phẩm và nhân vật của mình nhiều nhiệm vụ quá...
Văn Công Hùng
Theo http://chieulang.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Hai con mắt Ông Cửu Niệm ốm li bì đã gần hai tháng. Ông ta mắc một bệnh mà các thầy lang đều cho là bệnh mê sảng của những người già...