Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Trong mây đá vẫn nở hoa

Trong mây đá vẫn nở hoa
Như hoa nở trên đá luôn gọi về nhiều cảm xúc, những người đàn bà miền cao cứ để lại nhiều ngẫm nghĩ khôn nguôi. Vì thế, trong nhiều chuyến đi về miền núi đá, cứ đọng hoài trong tâm khảm là những phận đàn bà ở nơi thăm thẳm mù sương.
Niềm nhớ năm xưa nhắc ký ức trở lại với cụ bà, đã từng gặp ở một bản thuần người Tày hẻo lánh nơi đầu nguồn sông Mã. Cụ bà ngồi gập người xuống trên chiếc ghế dài bằng gỗ đặt ngoài hiên nhà. Người bà càng nhỏ xíu hơn trong bộ váy áo Tày màu chàm, như lẫn nhòa với không gian chập choạng tối, thêm tiếng muỗi dĩn vo ve càng gợi thêm cái âm u buồn vắng. Nhà bà thường chỉ dùng đèn dầu, nhưng ngọn đèn chưa được thắp sáng nên ánh hoàng hôn còn sót lại từ đỉnh núi hắt xuống sân là điểm sáng duy nhất trong mắt bà. Tôi không trò chuyện được vì bà không biết tiếng phổ thông. Không có ai để hỏi, vì con cháu của bà đi làm nương vẫn chưa về. Nếu là họa sĩ, tôi chắc sẽ vẽ bức tranh nền là bản Tày vắng vẻ với con chó nằm bên đôi chân trần lấm đất của cụ bà, với nhan đề là “chờ đợi”. Biết là bà đang chờ đợi con cháu trở về. Ngắm cụ bà vẫn thấy một sự vững chãi như đá trên núi. Ngẫm ra ngôi nhà nào cũng cần một trái núi để dựa, và bà già Tày như trái núi trước nhà cho con cháu dựa vào. Như tảng đá kê bậu cửa cho ngôi nhà cao thêm, cho con cháu nhìn được xa hơn. Nghĩ vậy lại thấy cảm giác an yên được trở lại trong lòng, cảm thấy thời gian trôi đi không phải là cái gì đáng sợ hãi nữa. Trong đời người, chúng ta cần biết bao sự an yên trong tâm hồn. Thêm nữa, biết kiên nhẫn đợi chờ là cũng là một kỹ năng cần phải học để có thể đi hết hành trình cuộc đời. Nhìn bà cụ, tôi càng thấm thía cái điều mà sách vở nhà trường không dạy, cuộc đời sẽ chỉ dạy cho ta bao bài học, nếu như nhiệt tâm muốn học, và không có thời gian nào trong đời người là hoài phí.
 Lại nữa, tôi chỉ được nhìn ngắm mà không được nói chuyện cùng, vì hỏi gì cụ bà cũng trả lời bằng sự im lặng. Cụ bà người Mông ở bản Hang Kia trên đỉnh núi mù sương của vùng cao Mai Châu, cứ một mực hướng đôi mắt chăm chú nhìn vào ngọn lửa. Bàn tay thu trên gối, đôi chân có ngón nứt nẻ đút trong đôi dép lê tổ ong, bắp chân to quấn xà cạp mới tinh, là nét đẹp chuẩn mực của người đàn bà Mông. Cụ bà như không cần biết đến đám con cháu đang tấp nập đi đi lại lại trong gian nhà bếp, con dâu lấy thịt, cháu dâu lấy rượu, cháu trai mời khách, thỉnh thoảng họ lại dừng tay để hỏi cụ bà cái gì đó. Nhưng cứ dửng dưng như mặc kệ, dường như những nhộn nhịp trong ngày Tết truyền thống của người Mông không có tác động gì đến bà. Nhìn dáng ngồi lặng thinh nhìn ngọn lửa cháy phừng phừng trong bếp, cảm giác như trí óc cụ bà đang lục tìm những hoài niệm trong quá khứ? Sao mà cảm nhận rõ rệt đến thế về thời gian đang trôi đi khắc khoải trong làn sương mờ mịt của ký ức.
 Trong nhà bếp lớn ám đầy khói và đen kịt những tầng bồ hóng, bộ váy áo Mông màu đỏ cùng màu xanh lam kèm màu tím rực rỡ như cánh bướm mùa xuân mà bà mặc trên người lại càng như nổi bật hơn. Trên giàn bếp treo lúc lỉu những xâu thịt lợn hun khói, mà dưới đó là cái nồi gang lớn sôi sùng sục và đang bốc hơi nghi ngút trên bếp kiềng. Cụ bà người Mông ngồi lặng thinh và nổi bật bên bếp củi ngùn ngụt lửa cháy ấy, càng giống như một bức tranh tĩnh vật. Nhìn cụ bà già nua váy áo Mông sặc sỡ gắn liền vào chiếc ghế mây màu trắng ngà đã ám khói, trên màu nền đen nhóng nhánh của những chùm bồ hóng đung đưa trong gian bếp cũ kỹ như tạo ra một mảng màu riêng bí ẩn như huyền thoại, mà vẫn đầy quyền uy. Nhiều lần trở lại miền núi cao, tôi vẫn thường xuyên gặp những cụ bà ngồi lặng thinh bên bếp lửa cháy rừng rực. Phải chăng văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mông được lưu giữ bền vững đến thế cũng bởi những người đàn bà lặng lẽ ngồi bên bếp lửa. Phải chăng đó là những người đã nuôi giữ phong tục người Mông hàng trăm năm, đó là ngọn lửa không bao giờ được tắt trong bếp.
Tôi tin vào điều ấy khi ngắm cô cháu gái nội của cụ bà người Mông. Cô gái có khuôn mặt giống y hệt bà nội, chỉ khác vẻ xinh tươi tràn trề nụ cười tươi roi rói, và đi lại nhanh thoăn thoắt ẩn hiện hết trong nhà đến ngoài sân, di chuyển sang nhà hàng xóm ở triền đá bên kia nhanh như gió thoảng. Với cô cháu gái nội ấy, tôi cũng chỉ kịp chụp ảnh cùng được đúng một bức hình. Cũng chỉ hỏi được mỗi một câu để biết: Cô gái nhỏ đang học ở trường dân tộc nội trú. Nhưng tôi cứ mong mỏi để tin rằng, cô cháu gái mang bản sao của bà nội sẽ không chỉ mãi gắn đời mình với ngọn lửa trong gian bếp đầy bồ hóng. Cô gái nhỏ sẽ mang sức sống kiên cường và an nhiên, hình như đó là những phẩm chất để khiến người Mông từng vượt qua được các ngọn núi cao chất ngất trong cuộc đời. 
Lại đã từng gặp người đàn bà im lặng như cái bóng ở bản Lác của người Thái Mai Châu. Như có duyên nợ, cứ hễ đến bản là thế nào tôi cũng phải qua ngôi nhà sàn cổ, có chiếc cầu thang mòn vẹt và vách gỗ trắng bợt, bạc phếch bởi nắng mưa. Để ngắm nhìn người đàn bà ngồi dưới gầm nhà sàn đang cặm cụi dệt thổ cẩm bên khung cửi bằng gỗ. Bà chưa bao giờ ngẩng lên, cho dù tôi cố sức gợi chuyện nhưng không khi nào nhận được câu trả lời. Chỉ có một lần, khi người đàn ông đang ngồi gọt cánh nỏ ở hiên nhà nói rằng bà ấy bị câm điếc, thì tôi mới vỡ lẽ và từ ấy không hỏi han gì nữa.
Tôi ngắm nghía tấm thổ cẩm bà Câm đang dệt trên khung cửi. Tôi mân mê những chiếc khăn, tấm váy, tấm chăn bà Câm đã dệt xong đang treo trên sào nứa để bán cho du khách. Những tấm thổ cẩm màu sắc rực rỡ được treo lên sào nứa kề bên gốc cây nhãn cổ thụ, phía trên rủ xuống những chùm phong lan phi điệp và dã hạc đủ sắc màu. Có lần gặp nhóm khách Tây mua thổ cẩm của bà Câm, sau khi xem xét kỹ lưỡng, họ nhìn vào giá tiền dán trên mẫu hàng để đưa tiền. Đủ để nhận ra rằng, bao nhiều lời nói mĩ miều, thánh thót chắc bà đã gửi hết cả vào những tấm thổ cẩm tưng bừng hoa lá như phong lan rủ từng chùm điệu đà đón mùa xuân.
Tôi gặp em như gặp một niềm vui tưng bừng, như ánh nắng mùa xuân xua tan màn sương mù u ám. Em tự hào là cô giáo ở cái bản em đang ở. Em tự tin có niềm vui mỗi ngày là múa hát cùng các em học sinh. Em hãnh diện khoe những tiết mục văn nghệ em và học trò tự dàn dựng, đi dự thi cấp huyện, cấp tỉnh đạt giải nhất. Em là người mẹ hiền thục đảm đang của hai đứa con, gái và trai. Tôi nhìn vào bếp lửa nhà em, thấy bánh dầy Mông trắng muốt xếp chồng lên nhau trong góc bếp chờ khách. Em là người vợ hạnh phúc viên mãn khi chờ chồng là anh bộ đội được về nhà mỗi cuối tuần nếu như không phải trực đơn vị.
Em kể ngoài giờ đến trường, em lên nương trồng ngô trồng lúa. Em chỉ tôi xem mảnh vườn nhỏ trồng cây lanh để em tước sợi dệt vải lanh. Tôi đã nhìn thấy khung cửi bằng gỗ như làm ấm áp cả hiên nhà. Em nói tấm váy lanh màu cam rực rỡ em đang mặc đây là do em tự tay thêu, suốt hàng tháng trời. Em kể để có một tấm vải lanh, phải ngâm và luộc cây đến nhừ, lại còn phải lọc và tước sợi, vì thế đàn bà Mông luôn có cuộn lanh trên tay, làm lụng luôn chân tay không ngơi nghỉ. Người Mông có tục lệ, khi về mường Trời, phải mặc tấm áo mới dệt bằng sợi lanh thì Ma mường Trời mới nhận ra và cho đi qua cửa để gia nhập vào cộng đồng người Mông ở trên Trời.
Tôi hình dung cô giáo bản Mông, như cái tên Giàng A Sao cha mẹ đặt cho em, là ngôi sao kiên nhẫn mỗi ngày mọc bên đầu núi, là sợi lanh mỏng manh như nét thoáng qua của hơi sương núi vừa bay qua. Chỉ mỏng như sợi tơ trời nhưng lại bền dai vô cùng. Trong cộng đồng người Mông, em như sợi lanh biết kết nối những sợi ngang sợi dọc để làm nên tấm áo lanh, giữ cho những nếp văn hóa truyền thống không bị mai một. Em như một cánh cửa của ngôi nhà gỗ người Mông mà tôi đã và đang cố gắng để mở được ra. Em như bờ rào đá, nếu nhìn bề ngoài thì tưởng như tạm bợ nhưng lại vững chắc vô cùng, bởi cuộc sống người Mông luôn lấy đá làm điểm tựa, khép rất kín và như chỉ đủ để mở ra trong lòng đá.
   Mùa xuân lên miền đá, tôi thường mang theo về những dề phong lan. Nghĩ những nhành hoa mảnh mai ngậm bao nhiêu gió sương để nở rực rỡ trên đá, làm cho đá núi cũng phải mềm đi như chân cứng đá mềm. Người ta thường chỉ cảm nhận phong lan mang hương sắc nồng nàn là kết tinh của bao mưa nắng miền đá, mà không hiểu nổi về sức sống mãnh liệt bên trong của hoa. Phải chăng đó mới là điều làm cho những vẻ đẹp sinh ra trên đá luôn là cõi riêng bí ẩn? Tục ngữ người Thái cũng có câu giống người Kinh “người ta là hoa đất”, và những người đàn bà vùng cao thực sự là đóa hoa phong lan nở trong lòng đá núi. Cũng lại giống như phong lan, những phận người đàn bà miền cao luôn níu bước chân người trở lại. Tôi luôn mong hẹn ngày được trở lại với miền đá, để thấu hiểu hơn về sức sống bền bỉ của những nhành hoa lan trên miền núi cao.
 Hang Kia - Mai Châu 18/1/2016
Phan Mai Hương
Theo http://baovannghe.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...