Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Ghi nhận về tập phê bình, khảo cứu văn hóa, văn nghệ Hà Nội

Ghi nhận về tập phê bình, 
khảo cứu văn hóa, văn nghệ Hà Nội 
(Đọc Chảy mãi văn hóa Hà thành 
của Nguyễn Hiếu. (NXB Hà Nội, 2017)
Đó là tập phê bình, khảo cứu đầu tay của nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu, được xuất bản sau hơn 40 năm liên tục, anh chỉ chuyên tâm sáng tác, cho ra đời vài chục tác phẩm văn học với nhiều thể loại khác nhau. Đọc tập sách tập hợp và chọn lọc các bài viết đã đăng tải trên các báo, tạp chí hoặc tham luận tại các hội thảo khoa học chuyên ngành sân khấu, văn học của HNSSKHN, VN, Hội NVHN, VN về nhiều lĩnh vực, đề tài và chủ đề  văn hóa, văn nghệ Việt Nam và  Thủ đô Hà Nội, dưới đây, tôi ghi nhận một vài điểm nổi bật:
1. Ngọn bút phê bình văn hóa, văn nghệ trung thực, dũng cảm, đầy bản lĩnh
Ấy là một trong những phẩm chất hàng đầu, cốt yếu khẳng định giá trị của nhà phê bình, góp phần làm nên căn cốt đaọ đức sự viết của anh ta trước người đọc và người sáng tác. Muốn có được những phẩm chất như thế, về tư tưởng, nhà phê bình phải có lập trường kiên định, vững chắc, phải rất tự tin vào sự đọc, sự đánh giá và thẩm định của mình dựa trên những kiến thức căn bản lý luận đáng tin cậy, sự hiểu biết về tác giả cặn kẽ, toàn diện, đặc biệt là sự đọc tác phẩm một cách kỹ lưỡng, khách quan, không chịu một áp lực lớn nhỏ từ bất cứ phía nào... Lý thuyết thì thế, còn trong thực tiễn phê bình, khảo cứu văn hóa, văn nghệ nước ta, trong nhiều thập kỷ gần đây, thấy những nhà phê bình chân chính vừa có tâm vừa có tầm, vừa tinh tường, sâu sắc chuyên môn, nghiệp vụ... có thể đếm trên đầu ngón tay! Những ngự sử của văn đàn thực sự chân chính hiện nay rất hiếm hoi. Chính Nguyễn Hiếu, đã phải kêu lên trước hiện tượng đáng buồn này, trong một bài báo đăng trên tờ Văn Nghệ đầu những năm 90 thế kỷ trước: Đi tìm nhà phê bình (rất tiếc, bài viết ấy không có mặt trong tập sách này, vì tác giả chưa tìm được bản thảo!) 
Một trong những ưu điểm đáng ghi nhận đầu tiên của cây bút phê bình khảo cứu Nguyễn Hiếu chính là thái độ thẳng thắn, dám nói thẳng, nói hết ý kiến của mình mà không hề né tránh, không ngán hệ lụy, dám phê phán, phân tích cái yếu, chỗ dở, khuyết, nhược điểm của người khác, có khi cũng chính là mặt yếu cố hữu của bản thân anh (tự phê) không kiêng kỵ, sợ bị lộ tẩy, tự dại dột vạch áo cho người xem lưng. Chẳng hạn, hiện tượng văn mình... Hiện tượng nhà văn rất lười đọc của người khác, của đồng nghiệp, chỉ thích đọc tác phẩm của mình và những bài viết về mình! Nguyễn Hiếu nhiều lần tự thú với tôi về căn bệnh nan y  khó chữa này mà chính anh cũng mắc một cách ngượng nghịu mà thích thú?! Không chỉ nêu ra những yếu kém, chưa được của văn hóa, văn nghệ Hà Nội tồn tại trong nhiều năm nay, đồng thời tác giả thường phân tích những nguyên nhân, nguyên cớ xa gần của những khuyết, nhược điểm ấy một cách toàn diện, khá thuyết phục. Thậm chí, anh còn mạnh dạn đưa ra một số giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài, với thái độ xây dựng chân thành, nghiêm túc của một người trong cuộc. Anh đối thoại, tranh biện khá triệt để với những nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp, có học hàm, học vị, với tư thế bình đẳng, tự tin (chẳng hạn với TS. Nguyễn Văn Tùng trong bài Phê bình sự phê bình có tính phê bình (Duy cái nhan đề, theo tôi, hơi bị cầu kỳ, có thể gây sự khó hiểu không đáng có!) hoặc bài Lý luận về tiểu thuyết đi quá chậm so với sáng tác). Là một nhà phê bình tay ngang, Nguyễn Hiếu vẫn rất tự tin, xông xáo vào bàn thảo về không ít những vấn đề lý luận chuyên môn từ chung đến riêng, rộng đến hẹp. Ví dụ: Lý luận về tiểu thuyết..., Thi pháp thơ hiện đại, Tính quân bình của thơ, Văn chương hãy đúng là văn chương..., Thơ và sự lạm phát... Có những vấn đề Nguyễn Hiếu bàn luận khá rốt ráo, quyết liệt như những lời nhắc nhở, kêu gọi đồng nghiệp và bởi chính anh với tư cách là một tác giả chuyên nghiệp đã luôn tự đấu tranh để tự vượt mình, hằng ngày, trong từng trang viết, trong từng tác phẩm, bền bỉ, liên tục gần nửa thế kỷ qua:Đã là nhà văn thì phải viết, Chúng ta là nhà văn, Nạn đạo văn nghệ đang xâm thực... Những bài viết ấy hoàn toàn không phải là những lời kêu gọi suông, dành cho người khác, trừ mình ra, mà ngược lại! Tính thuyết phục của văn phê bình Nguyễn Hiếu, có lẽ trước hết là ở đó.
2. Một cá tính phê bình - khảo cứu mang đậm chất báo chí và cảm hứng chủ quan của nhà nghệ sỹ sáng tác.
Nguyễn Hiếu vốn xuất thân từ công việc làm báo (viết và nói) tại Ban Công nghiệp, Đài tiếng nói Việt Nam, vừa làm báo vừa sáng tác văn xuôi, viết truyện, kịch, viết cả thơ trữ tình (chính trị, thế sự và tâm tư, tùy hứng)... rồi mới thi thoảng viết phê bình, khảo cứu, khi có hứng hoặc khi tâm trí bức xúc về một vấn đề văn nghệ, văn hóa, xã hội nào đó. Bởi vậy, điều dễ hiểu là bút pháp lý luận phê bình của anh vẫn mang dấu ấn sâu nặng nghề nghiệp chính của mình. Đặc điểm chuyên môn nghề nghiệp này vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm trong các bài phê bình, khảo cứu của anh.
Ưu điểm là sự nhanh nhạy, sắc sảo, kịp thời khi phát hiện và nắm bắt, phân giải, tổng hợp và đề xuất cách giải quyết vấn đề; là lối văn nhanh, tốc độ, với không ít dẫn chứng phong phú, có khi bằng những con số, con người và sự việc cụ thể, thật khó phản bác. Bài viết của Nguyễn Hiếu thường mang đậm tính thời sự, trao đổi, thậm chí tranh luận. Ví dụ các bài: Ba khiếm khuyết trong làng văn thời gian qua, Điều lo ngại từ bếp núc sân khấu hiện nay, Thơ và sự lạm phát..., Có chăng một nền sân khấu hài Việt Nam hiện đại?... Bài Để cho văn hóa Hà thành chảy mãi, tuy mang tính chất thay một Lời nói đầu cho cả tập sách, nhưng vẫn như một bài báo dài, một báo cáo tổng kết nghiệm cẩn và hệ thống về văn hóa Hà Nội trong nhiều năm qua.
Mặt khác, là nhà văn chuyên sáng tác, là nghệ sỹ ngôn từ và hình tượng giàu kinh nghiệm nên bút pháp phê bình - khảo cứu của Nguyễn Hiếu chịu ảnh hưởng và mang đậm tính nghệ sỹ, chủ quan, đầy cảm xúc, nhiệt hứng, nhất là khi bàn về những thể loại, thuộc lĩnh vực  sở trường của anh: văn xuôi tự sự, kịch nói,... Khi bàn luận về những loại hình nghệ thuật ấy, anh thường có những tìm tòi, phát hiện, nhận xét, những lời phê bình, bình luận, phân tích sắc sảo, tinh tế, thỏa đáng của một người đã và đang làm được, nói được, người trong nghề và đang làm nghề hiệu quả nói, viết, trao đổi, tranh  biện về nghề, bạn nghề, chuyện nghề... Chẳng hạn các bài về tiểu thuyết, về bếp núc sân khấu...
Tuy nhiên, hạn chế của ngòi bút phê bình - khảo cứu nặng tính báo chí  và nhà văn sáng tác này, theo tôi, là ở chỗ:
Tính lý luận, bài bản, hệ thống chưa ca; lập luận, dẫn chứng để luận chứng cho luận điểm nhiều khi chưa chặt chẽ, kín kẽ, toàn diện. Không ít đoạn viết còn hở sườn, nặng cảm tính, chưa được biện thuyết đầy đủ bằng lý lẽ; không ít ý chưa được phân tích triệt để mà bị bỏ lửng lơ, để ngỏ một cách vô tình... Nói tóm lại là tính logich của từng đoạn, thậm chí  toàn bài chưa chặt, chưa vững chắc. Khảo cứu  của  anh về một vài vấn đề có khi còn nông, chưa toàn diện và đến nơi đến chốn. Lời văn, hình ảnh trong các bài viết phê bình – khảo cứu của Nguyễn Hiếu, dù đã được biên tập khá kỹ, nhưng vẫn còn một số đoạn, câu cấu trúc lỏng lẻo, tùy hứng, xô bồ, luộm thuộm, một số thuật ngữ, hình ảnh sử dụng chưa thật chuẩn xác hoặc nghiêm túc. Giọng điệu hài hước đôi chỗ chưa phù hợp đối với loại hình này. Chẳng hạn: bài viết phê bình thơ Lê Huy Quang mang nhan đề rất to tát, đầy tính lý luận: Thi pháp hiện đại, nhưng thực chất nội dung lại nặng tính cảm nhận chủ quan, và sơ sài. Đọc xong, người ta vẫn không hiểu thi pháp thơ hiện đại nói chung là gì? Thi pháp hiện đại trong tập thơ Phải khác, thì chỗ được và chưa được ở đâu? Là gì? Bài viết mới dừng lại ở một bài điểm sách nghèo nàn và phiến diện.
Tính chất báo chí, trong văn phê bình lý luận của nhà văn quen sáng tác này còn bộc lộ rõ trong phần 2: Chân dung những người quen mà lạ.
Những người trong nghề và ngoài nghề mà tác giả chọn viết chân dung có thể rất nổi tiếng hoặc thành danh ở các mức độ khác nhau; nhưng đều có tâm hồn nghệ sỹ, có tố chất nghệ thuật thiên phú.
Phải ghi nhận ngay những ưu điểm lồ lộ, tạo nên đặc sắc và sự độc đáo của những chân dung này, dưới ngòi bút họa sỹ bằng ngôn từ và tự họa của Nguyễn Hiếu. Nhưng về bản chất, từ góc độ thể loại văn học, đó không phải là những chân dung văn học theo đúng nghĩa khoa học của thuật ngữ này mà là những bài báo ngắn và vừa, những bút ký, hồi ký, tạp văn, tản văn cốt ghi lại một vài ấn tượng, những kỷ niệm chọn lọc, hoặc những phỏng vấn và ghi nhận của người viết với đối tượng, trong những hoàn cảnh, thời điểm khác nhau. Đó là những câu chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa không nhỏ về những ông thầy dạy nghề nổi tiếng mà Nguyễn Hiếu may mắn được làm chú học trò ngây thơ, chăm chỉ và từng đã thâu nhận được không ít bài học vỡ lòng quý giá về nghề và nhân cách người làm nghề viết, từ những bậc đại sư lừng lẫy: (Thế Lữ, Học Phi, Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Xuân Diệu...), những người anh em, người bạn đồng nghiệp thân thiết (Hà Ân, Chu Lai, Văn Sửu, Nguyễn Đình Chính, Giang Phong, Trần Gia Thái,...)
2 bài cuối cùng: Đám văn nhân ở Quỳnh Mai trang và Tôi viết để hôm nay và ngày mai cùng biết thực chất là những hồi ký, chân dung tự họa. Nhà văn tự vẽ chân dung bản thân và những đồng nghiệp, đồng hương (với nghĩa hẹp: cùng ở khu nhà tập thể một thời ấu thơ và bao cấp chưa xa)... trong cảm hứng hồi cố rưng rưng, cảm động.
Nét đặc sắc của những hồi ký - chân dung này là sự đồng cảm, sẻ chia chân thực, tái hiện sộng động  một vài nét tính cách của những đối tượng - bạn văn - đã được khắc họa và làm nổi bật góc cạnh, gây ấn tượng đậm và sâu mặt này, mặt kia, qua những chi tiết hiện thực và chân thực.
Trong số đó, bài viết về người đồng nghiệp đàn anh Chu Lai  và bài về Nguyễn Đình Chính và người cha - nhà văn  đa tài Nguyễn Đình Thi là 2 bài rất dí dỏm, hóm hỉnh, thấm đượm nghĩa tình. Ở đây, Nguyễn Hiếu đã  truyền được cái thần của các nhà văn này, khắc họa những mảnh tâm hồn tính cách, sinh hoạt mà chưa khái quát hay chứng minh, làm rõ qua 1 tác phẩm văn chương cụ thể nào của họ, từ tiểu thuyết đến truyện ngắn hay phim, kịch... Tuy nhiên, vẫn còn một vài bài sơ lược, thoáng qua, như: Văn Sử quê Văn Giang, Người chuyên viết kịch về Bác Hồ, Giám đốc làm thơ...
Nói chung, 14 chân dung người quen mà lạ chưa đủ độ chín, độ sâu, độ nặng, độ bao quát và nhất là nghệ thuật điển hình hóa cao để tạo dựng những bức chân dung nghệ sỹ đủ sức ám ảnh người đọc. Đó chưa phải là những công trình nghiên cứu con người từng nhà văn nghệ sỹ qua sự nghiệp sáng tác văn học, sân khấu, qua cuộc đời của họ một cách bề thế, công phu, sâu sắc. Giá như Nguyễn Hiếu bỏ thêm công sức, thời gian, tâm huyết và nhiệt hứng nhiều hơn nữa cho thể loại văn học thú vị này thì giá trị của phần Chân dung người quen mà lạ, chắc chắn sẽ cao hơn!
Hơn chục năm trước, có nhà phê bình nổi danh là cây búa từng phê bình Nguyễn Hiếu là nhà phê bình văng mạng! Tôi có đủ luận cứ khoa học và thực tiễn để chứng minh, rằng đó là cách đánh giá phiến diện, vội vàng và chủ quan, thậm chí là ác ý đối với bút pháp phê bình văn học của tác giả Con ngố, Người đàn bà quỷ ám hay Linh hồn đông lạnh... Nhưng ở một chừng mực và khía cạnh nào đó, phải chăng chính từ đặc điểm xuất phát và ảnh hưởng của báo chí và lối văn sáng tác của một cá tính nghệ sỹ mạnh như Nguyễn Hiếu đã vừa tạo nên sở trường đồng thời cũng tạo ra sở đoản, làm cơ sở cho lời nhận xét khái quát trên?!
3. Phê bình sân khấu - một trong những điểm mạnh của nhà viết kịch Nguyễn Hiếu.
12/33 bài (8 bài thuộc phần 1: Phê bình và suy nghĩ; 4 bài ở phần 2: Chân dung...) đã không chỉ minh chứng một cách hùng hồn, về mặt số lượng, cho nhận xét khái quát trên của chúng tôi, mà còn chứng tỏ, rằng Nguyễn Hiếu là một trong những nhà biên kịch rất tâm huyết với nghề, một cây bút luôn đau đáu với sự phát triển của nền sân khấu Việt Nam đương đại.
Với tư cách một nhà văn đã từng viết và được dựng, được chuyển thể hàng chục vở kịch nói, truyện phim, chuyển thể chèo... có tiếng vang nhất định. Có kịch bản văn học và vở diễn giành được Huy chương vàng hội diễn sân khấu toàn quốc (Ví dụ: Chu Văn An – người thầy của muôn đời), Hàng rào mồng tơi gãy rập, Linh hồn đông lạnh (Kịch tùy hứng) và gần đây nhất là vở Thúy Kiều, chuyển thể đầu tiên ở nước ta sang thể loại kịch nói hiện đại từ tiểu thuyết thơ bất tử: Truyện Kiều – Nguyễn Du...), Nguyễn Hiếu đã viết các bài báo hoặc đọc tham luận tại các hội thảo sân khấu Việt về những đề tài cấp thiết cũng như cơ bản của sân khấu Việt. Chẳng hạn: Nhân vật trung tâm của sân khấu đương đại. Hoặc có khi là một cái nhìn tổng hợp bao quát: Mấy phác thảo sân khấu 2010. Có khi đề nghị một giải pháp không mới, nhưng cơ bản và hữu hiệu đặng giúp giải thoát vấn nạn thiếu kịch bản hay: Nên đến với văn học, may ra... Nghĩa là các nhà viết kịch nên và cần tìm đến các tác phẩm văn học tương thích. Các nhà văn  cũng nên thử  bút viết kịch bản văn học bằng cách chuyển thể chính tác phẩm của mình như Tô Hoài năm xưa, với Vợ chồng A Phủ; Nguyễn Huy Tưởng với truyện phim Lũy Hoa, như Chu Lai gần đây hoặc như chính Nguyễn Hiếu với Con tàu hoang,Mặt nạ để đời...  Nguyễn Hiếu chạm đến 1 trong những vấn đề học búa: Phê bình kịch bản sân khấu (cũng như điện ảnh)- một khoảng trống quá lớn!; rồi Kịch một đêm hay là sự lạm dụng lịch sử. Anh đã hơn một lần, tại các diễn đàn, hội thảo sân khấu trong những thời điểm khác nhau  đã góp ý kiến bàn bạc, gợi mở về một loại hình kịch độc đáo của sân khấu Việt từ truyền thống đến hiện đại: 
Có chăng một nền sân khấu hài Việt Nam hiện đại? trong thực trạng rất thưa vắng các tác phẩm sân khấu hài dài hơi, chuyên nghiệp. Rồi Nguyễn Hiếu còn xông vào cả bếp núc của sân khấu hiện nay để mà lo ngại và yêu cầu đổi mới, sáng tạo,. Bởi từ đạo diễn đến diễn viên, thậm chí lãnh đạo các nhà hát, hình như chưa thật mạnh dạn đổi mới tư duy theo hướng hiện đại. Họ chỉ quen dựng những vở tròn trĩnh, êm ái cho an toàn, cho nhà hát và cho chính bản thân. Nhiều đạo diễn các đoàn từ TƯ đến địa phương không dám dựng, né tránh hoặc để dành những vở mạnh mẽ bứt phá, đổi mới, nhưng gai góc và nhạy cảm về tư tưởng hoặc nghệ thuật... đến một dịp thích hợp mà chưa biết đến dịp nào!!!
Về phương diện này, chính Nguyễn Hiếu cũng là một trong số ít tác giả kịch bản phải hứng chịu thiệt thòi đáng tiếc, đáng buồn!
Bốn chân dung nghệ sỹ quen mà lạ: nhà biên kịch Giang Phong, nhà viết kịch bản chèo Văn Sử, người đang giữ kỷ lục sân khấu Việt Nam Phạm Văn Quý, Người chuyên viết kịch Bác Hồ Lê Đăng Thành, cùng những đoạn hòi ký sinh động về hai đại sư sân khấu: Thế Lữ, Lộng Chương, tuy mới chỉ là vài nét phác vẽ đơn giản, nhanh gọn, nhưng cũng đã phần nào chỉ ra được phần nào cái tâm, cái tài, đặc biệt là cái thần của từng nghệ sỹ trong đời và trong các tác phẩm, những thành công của họ trong sự nghiệp viết kịch bản văn học. Mỗi người đều ánh lên cái duyên riêng của mình.
Trở lên là những ghi nhận bước đầu của chúng tôi, khi đọc tập sách Chảy mãi văn hóa Hà thành của Nguyễn Hiếu, cả mặt mạnh cũng như chưa mạnh trong bút pháp phê bình, khảo cứu văn học – sân khấu của anh. Hi vọng, trong những năm tới, Nguyễn Hiếu sẽ còn viết tiếp loại hình văn học này, tiếp tục sưu tầm lại những bài phê bình đã viết mà chưa kịp có mặt trong tập đầu tay, để cống hiến bạn đọc những tập phê bình khảo cứu văn hóa, văn học, sân khấu sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn, và dày dặn hơn. Với phong cách ngòi bút Hiếu văn cùng tính cách con người và bản lĩnh văn chương Nguyễn Hiếu, tôi tin rằng đó là niềm tin có cơ sở thực tiễn chắc chắn chứ không phải là kỳ vọng không tưởng, hoặc chỉ là lời động viên, nói cho vui... mà thôi!
Trèm - Thụy Phương, 
đầu thu Đinh Dậu,16/9/2017
ĐƯỜNG VĂN
Theo http://vunhonb.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...