Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

Cảm nhận bài thơ Làng Ơi! của nhà thơ Đồng Thị Chúc

Cảm nhận bài thơ Làng Ơi! 
của nhà thơ Đồng Thị Chúc 
“Quê hương mỗi người chỉ một”! Quê bạn ở đâu? Còn tôi được sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ thuộc vùng trung du Bắc bộ. Làng tôi nằm giáp ranh giữa hai xã của Huyện Tân Yên, Ngôi làng nhỏ ấy chưa đầy 100 tuổi. Vào những năm “Chạy Càn”. Ông bà nội tôi chạy loạn tới vùng đất Ngọc Lý gần làng bây giờ tản cư. Bố tôi là một trong những người đầu tiên khai hoang trồng rừng lập trại,tiền thân của Làng tôi bây giờ. Làng tôi không có Cây đa, Giếng nước, Sân đình như phần đông các ngôi làng cổ trong xã và vùng phụ cận. Chỉ có một cái Sân kho hợp tác và một cái hội trường.
Đôi nét về quê hương của tôi để bạn hiểu hơn tại sao tôi lại xúc động đến thế khi đọc Làng Ơi! tác giả Đồng Thị Chúc.
Làng Ơi!
(Kính tặng Làng Châu - Làng tôi.)
Nửa đời bươn trải nơi nơi
Về tìm lấy chút thảnh thơi với Làng
Run run chân bước khẽ khàng
Con tim đập giữa muôn vàn nhớ mong .
Nơi xa xôi vẫn ngóng trông
Vẫn xin Làng mở rộng lòng đón đưa .
Giờ dừng chân ở ngõ xưa
Lũy tre xanh ngắt như vừa đi đâu .
Vũng sâu trước có Quán Cầu*
Làng thường dâng cháo chia sầu chúng sinh .
Xưa kia Làng dựng mái đình
Giờ sao không thấy hay dinh nơi nào?
Một mình bước thấp bước cao
Rẽ sang lối giữa hướng vào gốc đa
Lẽ nào mình mắt bị hoa
Rõ ràng trước có cây đa chỗ này 
Cạnh đây là chiếc cổng xây
Nhặt viên gạch vỡ lòng day dứt lòng.
Nặng nề quay gót đi vòng
Giếng Thần* xem nước còn trong không nào 
Quanh bờ cỏ dại thấp cao

Soi không thấy bóng lòng sao rối bời…
Rưng rưng tôi gọi giữa Trời
Làng ơi! thuở tuổi chín mười, giờ đâu?! 
(6- 2013 Đồng Thị Chúc- Làng Châu)
* Tên địa danh và tên giếng của Làng Châu.
Tiếng lòng của người phụ nữ tha hương ngân lên bằng những vần thơ Lục Bát, với những ngôn từ bình dị được trau chuốt kỹ lưỡng, theo một nhịp điệu nhẹ nhàng chuyên chở một tình thơ sâu nặng, cũng chính là nỗi niềm của tác giả khi quay trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Làng Châu xã Cao Xá là ngôi làng chị đề tặng bài thơ.
Ngôi làng ấy từ thủa xa xưa cho tới khi chị mới lên chín, lên mười. và có lẽ cũng một thời gian dài sau này nữa, có Cây đa Giếng nước ,Sân đình. Có cánh đồng làng xanh mướt. Có rặng tre bao quanh, có những mái nhà tranh nằm trong cánh cổng tre đơn sơ, xen lẫn dăm ngôi nhà mái ngói cổng xây… Làng Châu trong trí nhớ tôi là một ngôi làng nhỏ nằm cách xa đường liên tỉnh lộ. Từ đường lớn muốn đi vào Làng Châu phải đi trên bờ đê uốn lượn giữa cánh đồng khoảng gần một km, Làng Châu phía trước mặt quay ra cánh đồng, lưng dựa vào một dãy núi, núi Châu ngày trước là một rừng Lim xanh ngắt..Phong cảnh Làng Châu đẹp hơn bất kỳ một bức tranh về làng quê Việt Nam nào mà tôi từng thấy!
Nay đọc xong Làng Ơi! Của chị đặc biệt là hai câu kết
Rưng rưng tôi gọi giữa Trời
Làng ơi! thuở tuổi chín mười , giờ đâu ?!
Thì tôi buột miệng hỏi :Vì đâu? Vì sao? Mà tác giả lại phải “rưng rưng” thốt lên tiếng than gọi trời như vậy? Tựa đề bài thơ là một lời gọi Làng Ơi! Thiết tha tình cảm cơ mà? Tại sao cuối cùng lại là Làng Ơi! Thưở tuổi chín mười, giờ đâu?! Cùng với một dấu chấm than đi kèm một dấu hỏi ở cuối câu,khiến tôi và có lẽ sẽ có rất nhiều bạn đọc phải nao nao khi dừng lại…Mang theo một câu hỏi khác chất chồng lên tâm tư nặng trĩu của tác giả. Thuở chị lên chín lên mười có nghĩa mới cách đây khoảng nửa thế kỷ. Vậy thì với thời gian chưa bằng một đời người, ai đã làm gì ngôi làng nhiều trăm tuổi ấy?.
Với khổ đầu diễn tả tâm trạng của người tha hương trở về chốn cũ chị viết:

Nửa đời bươn trải nơi nơi
Về tìm lấy chút thảnh thơi với Làng
Run run chân bước khẽ khàng
Con tim đập giữa muôn vàn nhớ mong.
Nơi xa xôi vẫn ngóng trông
Vẫn xin Làng mở rộng lòng đón đưa.
Chị có lẽ đã tha hương lâu ngày nên cảm xúc trở về mới “run run chân bước khẽ khàng”. Vì sao vậy? chị tìm về để mong “tìm lấy chút thảnh thơi với Làng” cơ mà? Thật lạ lùng với những cảm xúc của chị. Hơn nửa đời bươn bả kiếm sống “nơi xa xôi” tự tâm vẫn một lòng “ngóng trông”về nơi cố quận. Hẳn nhiên chẳng phải lúc này chị mới thấy “con tim đập giữa muôn vàn nhớ mong”và chị mới ước muốn “xin Làng mở rộng lòng đón đưa”. Mà có lẽ bất cứ khi nào hễ có dịp hoặc giả chỉ cần nghe một câu thơ hay một khúc nhạc về làng quê, là trái tim chị lại đập rộn ràng nhịp đập nhớ thương nơi sinh ra và lớn lên của mình. Hai câu cuối khổ thơ một câu lục ngắt nhịp 3/3, một câu bát ngắt theo nhịp 2/4/2 khiến cho xúc cảm chùng xuống. Bỗng nhiên ta cảm thấy con đường dưới chân chị gập ghềnh khó đi, và nhịp thơ như gẫy khúc vậy? Cảm xúc đan xen những bước chân dè dặt cùng nỗi mỏi mong khao khát “hơn nửa đời người” tha hương của chị đã dắt ta về tới cổng Làng Châu rồi!
Rất mong Làng Châu trong thơ của chị sẽ thanh bình và đẹp như ca từ của ca khúc Làng Tôi:
Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh
…Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau
Đồng quê mơ màng 
(Làng Tôi- Chung Quân)
Hay chí ít cũng như
Làng Tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung 
(làng Tôi - Văn Cao)
Muốn biết Làng Châu của chị đẹp như thế nào thì ta phải theo chị vào Làng thôi!
Giờ dừng chân ở ngõ xưa
Lũy tre xanh ngắt như vừa đi đâu.
Bước vào đầu Làng Châu nơi mà chị “dừng chân ở ngõ xưa” thì biểu tượng của Làng quê Việt Nam, đặc biệt làng quê Bắc Bộ là cây tre đã “vừa đi đâu”mất. Tre thì bao đời nay ở bìa làng, hoặc cạnh đường làng là cùng chứ, Vừa đi đâu là Đi đâu? Chẳng lẽ chị đứng ngay ở ngõ xưa mà Lũy tre xanh ngắt chỉ còn trong tâm tưởng thôi sao?

Nếu như thời chiến thì còn có thể chặt hết vì “tất cả cho tiền tuyến”. Như Nguyễn Bính đã viết:
Khi có giặc những tre làng khắp nước
Đều xả thân làm ngọn mác mũi chông 
(Bài Thơ Quê Hương)
Nhưng hòa bình đã mấy chục năm nay rồi cơ mà. Cây tre không thể tự biến mất, Chỉ có thể do bàn tay con người chặt phá. Mà cũng có thể lắm thời buổi “tấc đất tấc vàng”. Tre lại thường trồng ở “mặt tiền” nơi đất tính bằng chỉ bằng cây vàng cơ đấy. Lấy đâu đất cho tre sinh sôi nảy nở mà tỏa bóng mát che chở đám trẻ con những trưa hè rực nắng? họ chặt họ phá họ đâu cần nghĩ tới nỗi niềm những kẻ xa quê như chị, như tôi và biết bao người nữa. Cây tre là hình ảnh thao thiết gọi họ trở về với cội nguồn, với quê hương, Cây tre luôn là chủ thể của nỗi nhớ cho những người con ra đi từ làng. Gía như chị dùng từ gì đó như chặt trụi, phá hết…. Thay cho cụm từ “vừa đi đâu” thì nó đỡ cám cảnh hơn rất nhiều. Đọc xong câu thơ cứ ngỡ lũy tre xanh như một người bạn chơi chung vừa mới chạy đi trốn, chỉ một lúc thôi… Một lúc nữa thôi, là ta sẽ tìm thấy vậy. Nhưng cũng nhờ đó mà ta thấy lũy tre thân thiết như thế nào với chị.
Sự hụt hẫng gặp phải khi về Làng Châu chưa hết:
Vũng sâu trước có Quán Cầu*
Làng thường dâng cháo chia sầu chúng sinh .
Xưa kia Làng dựng mái đình
Giờ sao không thấy hay dinh nơi nào?
Trời ạ! Làng Ơi! Cây tre biểu tượng sống hiện hữu thì đi đâu không thấy, Nay biểu tượng tâm linh trong lòng người dân quê là Đình Làng thờ Thần hay thờ Thành Hoàng của Làng, cũng “không thấy”. Câu hỏi chị buông lửng :hay dinh nơi nào?” nghe mới chua chát cay đắng làm sao. Nào đâu chỉ Đình làng mà ngay cả nơi “Quán Cầu” ngày trước vẫn dùng để cúng tế chúng sinh, hoặc Việc Làng thì nay là một “vũng sâu”. Trong cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Học giả, sử gia Đào Duy Anh có viết “Đối với dân làng Thần Thành Hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có hệ thống và tổ chức chặt chịa”. Vậy mà với Làng Châu nói riêng và rất nhiều làng quê trên khắp đất nước nói chung đã vô tình để mai một những giá trị văn hóa tâm linh vô giá ấy…
Còn gì phía trong làng nữa đây, mới tới đầu làng mà hụt hẫng chồng thêm hụt hẫng…Dù sao thì vẫn cùng chị ta đi tiếp:
Một mình bước thấp bước cao
Rẽ sang lối giữa hướng vào gốc đa
Lẽ nào mình mắt bị hoa
Rõ ràng trước có cây đa chỗ này
Cạnh đây là chiếc cổng xây
Nhặt viên gạch vỡ lòng day dứt lòng.

Thế là xong! Cây đa, một biểu tượng của làng quê Việt cũng lại biến mất. Chiếc cổng Làng kế bên cũng chỉ còn trong tiềm thức. Nhặt viên gạch vỡ… Chị muốn tìm gì ở nó nữa đây? Viên gạch vỡ hay trái tim chị đang vỡ ra từng mảnh. Bước đi bước thấp bước cao...và có lẽ nó chẳng còn vững vàng bám vào mặt đường nữa. Chị diễn tả bước đi tiếp theo tìm trong ký ức mong còn nơi để bấu víu cái hồn cốt của Làng khi xưa:
Nặng nề quay gót đi vòng
Giếng Thần* xem nước còn trong không nào
Quanh bờ cỏ dại thấp cao
Soi không thấy bóng lòng sao rối bời…
Giếng Làng? Hẳn nhiên bây giờ ít nơi dùng nữa vì không có nước máy, thì có giếng khoan, giếng đào. Giếng làng nơi mà trẻ già trai gái tụ về dưới đêm trăng. Hay những trưa hè lũ trẻ ra tắm…Giếng làng còn là biểu tượng, là hồn cốt của làng nay hoang phế đến không ngờ. Khi bước đi vòng để mong gặp lại Giếng Làng trong veo thuở nào, hẳn chị chưa bao giờ nghĩ giờ đây lại “cỏ dại thấp cao” quanh bờ và màu nước giếng thì…Có lẽ chị không nỡ tả mà chỉ muốn nói chị đã soi mình xuống đó nhưng “không thấy bóng”. Đủ cho bạn đọc biết nó không còn là Giếng nước nữa…
Trở về, từ trong sâu thẳm đáy lòng chị đã mong tìm chút thảnh thơi ở làng. Nhưng tất cả những hồi ức về Làng, gắn bó lúc tuổi thơ tới khi trưởng thành, chị vẫn mang theo suốt những năm xa xứ. Nay đã đổi thay hoặc mất hết tất cả từ trong ra ngoài, từ vô hình đến hiện hữu. Từ mất mát đến hụt hẫng để rồi chị thảng thốt cất lên hai câu thơ kết trong vô vọng
Rưng rưng tôi gọi giữa Trời
Làng ơi! thuở tuổi chín mười, giờ đâu?!
Thưở chị lên chín lên mười hình ảnh Làng Châu hẳn đẹp lắm, dù thời ấy chiến tranh tàn phá..Nhưng vẫn còn đó những lũy tre xanh, cây đa, giếng nước, mái đình.. Biểu tượng và hồn cốt của Làng quê Việt với nền văn minh lúa nước.
Nay thời bình mà Làng Châu của chị tìm đâu ra Mái đình cổ kính, cây đa cổ thụ mấy người ôm không xuể, Giếng Thần trong vắt, Lũy tre xanh ngắt nữa! có chăng còn trong tâm tưởng những người xa xứ. Tất cả đã mai một dần, đổi thay dần bởi cơn lốc đô thị hóa ập đến phá vỡ cảnh quan làng quê Việt Nam. Những nét văn hóa lâu đời của người dân cũng mai một và dần mất hẳn.

Ngay ngôi làng nhỏ của tôi thôi. Cả làng chỉ có một cái sân kho tồn tại từ thời hợp tác xã với một cái hội trường, vậy mà họ cũng xẻ ra từng mảnh để bán đất, từ đó mọc lên những ngôi nhà mái bằng…Khi tôi về đã chết lặng rất lâu ở đó, kỷ niệm tuổi thơ tôi gắn liền với nó vậy mà bây giờ tìm đâu?
Nào chỉ làng quê mới mất đi những giá trị văn hóa bao đời truyền lại. Ngay giữa Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, mà nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã cảm nhận và viết trong tập thơ Sương Hồ Tây Mây Tháp Bút:
Kỷ niệm chờ san ủi
Hương khói ông bà chờ khoan cắt bê tông
Búa tạ nện vào ký ức
Thanh lịch thủa nào vào gầu xúc đổ đi 
(Bùi Xuân Phái- Nguyễn Vũ Tiềm).
Vẫn biết xã hội phát triển kéo theo nhiều hệ lụy cả tốt và xấu, nhưng những giá trị văn hóa lâu đời đang bị mai một, làm sao không khỏi chạnh lòng mà tiếc nuối cho được, khi mà những giá trị ấy gắn liền với hồi ức của mỗi chúng ta. Nếu như đòi hỏi bây giờ phải quần lĩnh, áo the, guốc mộc, mỏ quạ, yếm đào đã đành. Ở đây trong khuôn khổ một bài thơ viết về một ngôi làng cụ thể, tác giả , tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc khác nữa cũng chỉ mong tìm thấy những biểu tượng làng quê một thời và có lẽ là mãi mãi trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam . Cây Đa, Giếng nước,, Mái đình, Lũy tre…Phải chăng đó cũng chính là lý do khiến cho tác giả Đồng Thị Chúc phải “Rưng rưng tôi gọi giữa trời. Làng Ơi!...”
Bài Thơ Làng Ơi! Của tác giả Đồng Thị Chúc với riêng tôi là như vậy! Có thể đó chưa phải là những gì mà tác giả muốn gửi gắm và đó cũng chưa hẳn là góc nhìn với nhiều bạn đọc. Nhưng với sự đồng cảm của mình tôi đã viết bằng tất cả tấm lòng của một người con ra đi từ Làng. Rất mong sự lượng thứ từ tác giả và bạn đọc nếu như có sai sót.
Sài Gòn 2/9/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Theo http://huynhxuanson.blogspot.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...