Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Nguyễn Hiếu - Chàng lực điền trên cánh đồng văn xuôi

Nguyễn Hiếu - Chàng lực điền 
trên cánh đồng văn xuôi 
Cảm nhận tập truyện ngắn thứ 10 
“Những mùa ngâu”, nxb Hà Nội, 2017 
của Nguyễn Hiếu
Văn xuôi của Nguyễn Hiếu ở đây chỉ giới hạn trong 10 tập truyện ngắn và  25 tập tiểu thuyết, chưa tính đến những kịch bản sân khấu, kịch bản phim và truyện viết cho thiếu nhi. Có một vốn sống để viết khỏe, in nhiều như thế, Nguyễn Hiếu cho bạn đọc  hai ấn tượng nổi bật về mình. Thứ nhất, đó là một vốn sống và trải nghiệm vô cùng phong phú, dồi dào. Thứ hai là một sức viết ghê gớm mà bạn viết không ngại phong cho Nguyễn Hiếu danh hiệu “lực sĩ”. Tôi thì muốn gọi tên dân dã, giản dị là “chàng lực điền trên cánh đồng văn xuôi”. Gọi như thế vì thấy rằng  nhà văn này sinh ở làng Chèm, và cái làng ấy đã thành làng Chiện trong văn phẩm của anh. Những nhân vật mà anh thông thuộc, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc là những nhân vật của làng. Lão Cu, cô Liễu, anh Tuệ, anh Dũng, ông Lẫm… trong các tiểu thuyết, truyện ngắn trước đây.  Và gọi như thế, cũng là muốn liên hệ đến gốc gác làng của nhà văn từng bắt cua, mót lúa.
Mười ba truyện ngắn trong tập thứ mười của Nguyễn Hiếu, người đọc vẫn có thể gặp những câu chuyện xoay quanh làng Chiện, với những nhân vật  như lão Phỗng, lão Phềnh (Ghi chép của ông hoạn lợn nổi tiếng làng tôi), Lão Mạc (Mớ đời nhà lão Mạc), Thống Tèo, Vịnh thịt chó, Tư Tít (Rồi có lúc ai đó làm vua), Ly, Lan (Cặp nhân tình đất), chị Lam, anh Lũi Phong Lai (Thủa ấy người ta yêu nhau lắm). Tuy nhiên, tác giả  không chỉ giới hạn trong không gian làng Chiện. Người đọc có thể đến một thành phố cao nguyên (Chỗ nào thành phố cũng có hoa), trở lại bến phà miền Trung thời đánh Mỹ (Đêm cuối cùng bên sông), gặp một vị quan tòa trong tòa án thành phố (Chuyện ông Thẩm phán mặt vuông chữ điền), tiếp xúc với nhóm phụ nữ bán bún chả, thịt chó, phở gà, nem chạo trong cuộc đánh ghen tập thể (Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương), gặp gỡ với nhân vật  trung úy Thịnh trong đội hình sự, một người bắt phạm nhân lại bị tra tay vào còng số tám vì “vô tình đánh chết nghi phạm” (Giống chó xoáy Phú Quốc). Cũng có thể bất chợt xem “tập văn nghệ” của cặp vợ chồng nhà nọ với hai diễn viên khác là cô osin và chú Điền (Đơn côi). Hoặc chứng kiến tình cảnh dở khóc dở cười của nhân vật khi yêu đương, hẹn hò qua mạng (Tình yêu FB facebook). Có nghĩa là nhà văn đã mở rộng đề tài, đề cập đến nhiều không gian, nhiều mẫu người trong thời buổi kinh tế thị trường, lắm nhiễu nhương, nhiều đảo lộn.
Có một điều dễ nhận thấy là  có hai truyện ngắn, Nguyễn Hiếu viết dưới dạng ghi chép của nhân vật. Đó là “Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương” và “Ghi chép của ông hoạn lợn nổi tiếng làng tôi”. Thật ra, đây chỉ là một thủ pháp nghệ thuật mà thôi. Mặc dù trong ghi chép thứ nhất, Nguyễn Hiếu có xen vào lời của tác giả (đầu và cuối truyện), lại thêm cả lời bình của Y Trang nữa cho rằng “ghi chép rất gần với thể loại kí của báo chí vì vậy dễ đọc mà cũng dễ quên”. Tôi cho rằng nhận xét của Y Trang cần bàn lại, và nếu truyện “dễ đọc, dễ quên” thì sao có thể coi là truyện thành công? Nếu không có lời bàn và không có lời tác giả (LTG) thì những ghi chép của cô bán bún chả vẫn cứ là truyện ngắn sinh động như thường. Ngôn ngữ “chợ búa” của cô bún chả nói về  việc thêm gia vị cho đỡ chán “Con dở hơi kia, cứ ngẫm mà suy ra. Trên đời này cái gì để đỡ chán, đỡ lộ cái dở, cái ươn ra đều phải thêm gia vị hết. Mày cứ xem trên tivi đấy. Trước cuộc họp nghiêm trang đến đâu chả có tí hát hò, nhảy nhót. Bún, rồi chả cứ trần cù xì chấm nước mắm thì có ma nó ăn. Phải có dấm ớt, tỏi vào” là thứ ngôn ngữ đặc biệt. Rồi cô quan sát các vị khách nói việc “tranh ghế”  trong cơ quan và âm mưu “hạ bệ” tay có ô dù chúa tham… Nhân vật cô bán bún chả là một nhân vật độc đáo của Nguyễn Hiếu để lại ấn tượng mạnh. Mặc dù vậy, tôi coi thú nhận “Càng đọc, càng thấy cô bún chả viết hay hơn ối nhà văn trong đó có cả tôi” cũng là một cách thức để Nguyễn Hiếu thuyết phục rằng cô bún chả kia có thực trong đời. Còn  truyện “Ghi chép của ông hoạn lợn nổi tiếng làng tôi” thì “ghi chép” có vai trò khiêm tốn hơn. Về dung lượng nó chỉ gần một nửa số trang truyện ngắn. Về nội dung, nó chỉ là một phần trong bốn phần: Đám tang, Cuộc gặp, Ghi chép, Gặp lại Phềnh bàn bạc. Bởi thế mà  nhan đề “ghi chép” và cả nội dung nữa, chỉ là một thủ pháp nghệ thuật để các truyện ngắn của Nguyễn Hiếu không đơn điệu mà thôi. Không phải  điều đó làm cho  truyện ngắn Nguyễn Hiếu gần với thể kí, lại còn là kí báo chí (hàm ý ít tính văn chương).
Một thay đổi khác của Nguyễn Hiếu là nếu trước đây, truyện ngắn của tác giả thường sử dụng yếu tố giả tưởng và trào tiếu như một thủ pháp nghệ thuật căn bản. (Nguyễn Văn Tùng: Truyện ngắn Nguyễn Hiếu - những nét đặc sắc, trong tập Nguyễn Hiếu – Văn, nhà xuất bản Hà Nội) thì ở tập truyện mới này, chỉ có một truyện sử dụng yếu tố giả tưởng là “Cặp nhân tình đất” và một truyện khác  “Vật quý ở quanh ta” viết theo giọng cổ tích. Tác giả đã đi thẳng vào những vấn đề bức xúc của đời sống và việc tha hóa đạo đức với những con người bình thường hoặc kì cục, nhưng là người có thật trong cuộc đời chứ không phải thông qua các nhân vật truyện giả tưởng như Thần báo mộng, Ruồi có thể ăn được, Loài gián, Bóng ảnh của đời, Tùy hứng… Chúng ta sẽ gặp vị thẩm phán trước vụ trọng án mà người bạn thân đã chạy đủ các cửa, đã lo lót công phu. Tưởng là con tì hưu quý giá trị giá hàng tỉ và tình bạn cố tri sẽ làm cho ông thẩm phán làm lệch cán cân công lí.
Nhưng không phải thế. Kết thúc truyện có phần đột ngột nhưng hợp lí. Về kiểu dẫn dắt bạn đọc và kết thúc đột ngột ngoài dự đoán có thể thấy trong truyện “Rồi có lúc ai đó làm vua”. Tư Tít đề xuất chuyện rước vua sống, tài trợ toàn bộ kinh phí cho việc này, nhưng ông ta khôn ngoan viện lí do để không là người đầu tiên làm vua sống. Thống Tèo thầy cúng làm vua đầu tiên mắt mũi lem nhem, bị rơi vương miện làm trò cười cho cả làng. Vua Vịnh thịt chó khá hơn Thống Tèo, nhưng lại bị con bé ô sin bế con ra nhận bố reo to: “ Cu, cu…con thấy không. Bố con làm vua kia kìa. Oai không cu?”. Cứ nghĩ rằng Tư Tít tính toán, rút kinh nghiệm cẩn thận thì cuộc rước vua lần thứ ba sẽ thành công mĩ mãn. Nhưng thật bất ngờ là với tính toán kĩ lưỡng, cẩn thận của kẻ khôn ngoan như Tư Tít, nhưng vẫn không tránh khỏi…trục trặc còn tồi tệ hơn cả hai lần trước…Kiệu vua bị ném chất thải, lính khiêng kiệu vấp ngã, vua lăn xuống đường, khắp nơi bốc lên mùi xú uế…
Hầu hết các nhân vật trong tập truyện ngắn này là những người không có địa vị cao, nhưng đều có một cái gì đó “bất bình thường”. Lão Phỗng hoạn lợn, nhiều con rơi vãi (Ghi chép của ông hoạn lợn nổi tiếng làng tôi) Lão Mạc ganh ghét mọi người thành ra một kẻ độc ác đến con gái cũng không chịu nổi phải gào lên: “Bố là đồ độc ác. Tôi ghét bố. Ghét nhất bố” (Mớ đời nhà lão Mạc). Ông Tư ô tô mỗi lần ghé nhà lại tòi ra một đứa con. Ba Thú lấy em gái vợ ông Tư ô tô thì “con chính thức… sáu đứa, con rơi vãi xấp xấp chừng đó”. Ba Thú “có tiếng là gã đàn ông bất chấp tất cả để trở thành kẻ sát gái có hạng vùng đó” (Chỗ nào thành phố cũng có hoa). Anh chàng Lũi xấu giai, chả biết hát hỏng gì nhưng lại có chân trong đội cải lương, chủ yếu làm chân “vác tre bắc rạp”, may mà được cho đóng vai Phong Lai “không phải hát nửa câu, chỉ hò hét là chính” (Thủa ấy người ta yêu nhau lắm). Cô bán bún chả có máu văn chương thì nói đặc thứ ngôn ngữ chợ búa  chao chát nhưng thực lòng thương bạn, thương chồng (Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương). Cái sự bất bình thường ấy làm cho nhân vật có hồn vía riêng không lẫn vào những người bình thường vô danh vốn quá đông đảo trong đời sống.
Trong các truyện ngắn mới của Nguyễn Hiếu, giọng điệu châm biếm, giễu nhại, phê phán gần như là quán xuyến trong hầu hết các truyện. Nhà văn châm biếm thói háo danh, cố in thành sách những thơ phú của người làng qua đoạn đối thoại giữa Phềnh và nhân vật “tôi”:
- Tức là chú định in tập này cho anh chú chứ gì?
- Hị hị. Ông anh đúng là sáng dạ. Chứ còn gì nữa. Tiền nong không thành vấn đề. Cốt là nó in ra được.
- Nhưng để tôi phải xem nó thế nào đã chứ.
- Hị hị. Ùi. Anh là nhà văn. Có gì anh sửa cho anh em. Nếu thấy còn mỏng thì anh viết thêm vào, rồi đề tên anh em. Tất nhiên em không để anh thiệt đâu.
- Nhưng dứt khoát phải in à?
- Vâng. Cái này em học thằng Tản. Nó bảo người nổi tiếng đến đâu mà không có sách vở để lại thì lâu lâu người ta cũng quên đi, thế cho nên…
(Ghi chép của ông hoạn lợn nổi tiếng làng tôi). Còn đây là lời bàn về nội tình cơ quan của mấy tay công chức ăn bún chả:
“Hạ bệ nó chứ”? Thằng ria rậm “Còn sao nữa? Thằng ấy chúa tham, nó mà lên trưởng phòng thì bao nhiêu dự án nó ăn sạch. Nuốt không hết lại dúi cho con em nó bên tài vụ”. Thằng chân lòng khòng giơ cao cọng tía tô lên như soi rồi thủng thẳng “Tôi sợ nó có ô là ông bí thư”. “Ô cũng chơi, thời dân chủ rồi, cứ móc thật mạnh vụ nó khai khống mấy tờ công lệnh”. “Xin ông, dân chủ con khỉ. Trên đã quyết thì giời thay đổi” (Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương).
Những chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem”, chuyện “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, chuyện chạy án, chuyện hư hỏng chỉ vì muốn làm nghệ thuật, chuyện bày trò rước xách, chuyện lủng củng, cãi cọ nhau chỉ vì tiền được phản ánh với thái độ phê phán mạnh mẽ. Nhưng không chỉ có thế, Nguyễn Hiếu vẫn tìm thấy những con người, việc làm tốt để ca ngợi và khẳng định. Đó là ông thẩm phán, là gia đình nghi phạm Hoàng Vĩnh Danh (Chuyện ông Thẩm phán mặt vuông chữ điền), đó là con bé Mai (Mớ đời nhà lão Mạc), là chị Lam, anh Quân (Thủa ấy người ta yêu nhau lắm), là cô Chả, sau đổi thành Sen (Thành phố chỗ nào cũng có hoa).
Truyện ngắn của Nguyễn Hiếu khá dài, thường ngổn ngang chi tiết, nhiều nhân vật và nhiều tình huống đan cài. Có người vì thế mà nhận xét rằng văn Nguyễn Hiếu xô bồ, ôm đồm, nhiều lời, bê nguyên xi những gì từ cuộc đời vào tác phẩm. Tôi không nghĩ như vậy. Đúng là có một số chỗ rườm rà, hơi hơi “cà kê dê ngỗng”, nhưng cái tạng của Nguyễn Hiếu là thế. Anh muốn đem hết những gì mình chứng kiến (đã nhiều), mình biết nhờ đọc (lại càng nhiều) vào tác phẩm. Như tác giả từng bộc bạch về chí nguyện của mình: “sẽ kể lại  một cách trung thành nhất về xã hội này”. Nguyễn Hiếu không chỉ kể, mà anh còn tả, còn phân tích, còn dựng lại cuộc đời trong tác phẩm. Nhờ có cái duyên ấy, mà những chuyện sở trường liên quan đến làng anh viết sinh động, cuốn hút. Ngay cả những mô tip đã thành nhàm như chuyện chàng lái xe và cô bán hàng bên sông  thời đánh Mĩ trong “Đêm cuối cùng bên sông”, Nguyễn Hiếu vẫn có cách riêng để truyện của mình thuyết phục bạn đọc.
Nói cho công bằng, có lẽ tại viết nhiều, viết khỏe, như là một người đẻ quá nhiều cho nên Nguyễn Hiếu không có thời gian để chăm chút cho những đứa con. Thôi thì những đoạn rườm rà không cắt gọt có làm cho truyện bị tãi, bị lỏng lẻo một chút, cũng chẳng sao. Điều gây ức chế cho người đọc là những lỗi chính tả không đáng có. Rồi thì một số câu văn ra ngoài chuẩn mực văn chương.
Nhân vật thì đầu truyện là “con đĩ Liệu”, cuối truyện là con Liễu (Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương). Đầu truyện có cô Hanh xăm lông mày vợ trung úy Thịnh, đến cuối truyện lại thành ra cô Hải (Giống chó xoáy Phú Quốc). Vợ của lão Mạc vì là “Giống đàn bà không đẻ, không thay máu sẽ teo tóp dần. Cô Đào đỏm đắn, trơn lông đỏ da ngày nào giờ thành bà Mạc thẳng đuỗn như cá rô đực”. Thế nhưng con bé Mai tòi ra từ cô Đào sau nửa năm uống lá lẩu thì sao? (Mớ đời nhà lão Mạc). Rồi chuyện cô Oản hàng xóm của lão Phỗng thọt chân, mà nhanh, nhảy tách đến ngay cạnh Phỗng thì cứ cho là được đi. Nhưng “ngoắt người một cái đã nhảy tách qua hàng rào khúc tần về bên nhà mình” thì họa chăng đó là người vận động viên nhảy cao, quyết không thể là cú nhảy của người đàn bà thọt.
Những vụn vặt như thế ít nhiều ảnh hưởng đến  cảm tình của người đọc. Thiết nghĩ với vốn sống và vốn trải nghiệm ngồn ngộn, phong phú như thế, nếu chăm chút hơn về văn chương, Nguyễn Hiếu sẽ gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa. Nhưng điều này không đơn giản với Nguyễn Hiếu, vì cây bút đa năng này có vẻ như không đủ thời gian.
Hà Nội, tháng 7 năm 2017
Vũ Nho
Theo http://vunhonb.blogspot.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...