Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Trăng trên nóc nhà thờ con Gà

Trăng trên nóc nhà thờ con Gà 
Trong những bức tranh của bạn Đinh Cường vẽ về Đà Lạt, thế nào ở background cũng có hình bóng của nhà thờ con gà. Không chỉ riêng với Cường, hầu hết những người của đường phố sương mù ngày ấy đều có trong trí tưởng hình ảnh ngôi nhà thờ này. Có phải vậy không Tưởng Năng Tiến? Và em nữa, ngày ấy lên Đà Lạt, hẳn em đã đứng ngước nhìn đỉnh nhà thờ, nhìn mây bay mà nghĩ đến tuổi mình. Riêng với tôi, cứ mỗi lúc nóc nhà thờ con gà hiện ra trong trí nhớ đều có bóng một vầng trăng treo lơ lửng trên cao. Có thể, mấy chục năm về trước, tôi đã nhiều lần nhìn thấy như thế nên hình ảnh đã khắc sâu như trên vách đá, không thể nào phai mờ được
Hôm nay xin cho tôi được một lần nữa trở lại với ngôi nhà thờ này với những kỷ niệm của một thời. Nhà thờ con gà ở Đà Lạt. “Không biết ở nơi nào trên thế giới có một ngôi nhà thờ như thế không - tôi viết trong một đoạn tiệp ký. Chân trời tôi giới hạn nên không thấy, nhưng chắc thế nào cũng phải có, xin bạn mách giùm tôi.”
Nguyễn Đạt, hiện ở Sài Gòn, trong một email ngắn có cho biết ở thành phố quê nhà của họa sĩ Corot (Pháp) có một ngôi nhà thờ tương tự, trên đỉnh tháp cao là con gà vươn mình gáy. Tim tôi, cũng như Nguyễn Đạt, Quỳnh Giao, Đinh Cường, Bùi Bích Hà và nhiều bạn nữa của thời thập niên 1960 được xem một phim đen trắng của Pháp cực hay có tựa đề “Les Dimanches de ville d’ Avray” (Chủ Nhật ở Thành Phố Avray). Trong phim, có hình ảnh ngôi nhà thờ con gà với mối tình thơ dại của một phi công thời chiến bị thương và cô gái mồ côi 12 tuổi tên Cybèle bị bố bỏ rơi, đang nương nhờ các soeurs trong chủng viện. Mỗi Chủ Nhật, chàng phi công tự  nhận mình là bố cô bé đến đón cô bé ra và hai người rong chơi với nhau. Thế nhưng chuyện tình trong trắng của họ trở thành một scandal trong thành phố Avray. Một bà soeur nghi ngờ đã đi báo cảnh sát. Một hôm, vào dịp lễ Giáng Sinh, cô bé ngước nhìn nóc nhà thờ, nói với chàng trai là cô thích con gà trên ấy. Chàng cựu phi công bèn trèo lên đỉnh nhà thờ dùng dao gỡ con gà ra rồi leo xuống giữa lúc cảnh sát đến bao vây...
Đinh Cường ghi lại: “Tôi đã tìm đến thành phố Avray nơi đó có nhà thờ con gà cũ kỹ, và Cybèle, cô bé trong phim Chủ Nhật ở Avray ngày nào.”
Đỗ Trung Quân thì viết như sau: “Thế hệ Đinh Cường nhiều người say đắm câu chuyện một cô bé và một người đàn ông buồn phiền, vô danh trong bộ phim đen trắng “Chủ Nhật ở Avray”. Thị trấn màu xám đẹp đến não nùng và khuôn mặt thiên sứ, chiếc váy rách bươm, mái tóc màu hạt dẻ của Cybèle, cô bé mồ côi ở Avray, một tình yêu đẹp đến phát khóc.”
Trở lại với thành phố Đà Lạt. Nhà thờ con gà ở Đà Lạt quả là một biểu tượng của thời tóc còn xanh, còn gắn bó với tình bạn và yêu mê nghệ thuật. Tại thành phố này, năm 1965 Đinh Cường đã mở triển lãm ở trụ sở Alliance Francaise ngay tầng dưới Hotel du Parc. Ở đây, trong nhiều năm liền, Tim tôi làm việc ở Đài phát thanh ngay tầng trên của tòa khách sạn. Những sáng, những chiều đứng ở góc lộ thiên, chỗ cầu thang bên hông bước xuống đường Nhà Chung, Tim đều nhìn thấy đỉnh nhà thờ con gà. Và những đêm từ phố khuya về, ngước nhìn lên chỗ con gà đứng là thấy vầng trăng.
... Trí tưởng chợt trở về với những ngày trước Noel 1965, cùng Cường và Sơn và Tịnh, dường như có cả Bửu Ý nữa. Chúng tôi ngồi uống rượu trong kiosque của Dì Ba ở bờ hồ, chỗ con đường dẫn vào chợ. Những ly rượu óng vàng, với muôn ngàn ảo ảnh của tuổi trẻ. Đôi mắt nâu của Dì Ba rực sáng trong ngọn lửa nến. Hình bóng Dì trong chiếc áo nhung màu tím than, chập chờn như cánh bướm trong giấc mơ. Trong bọn mấy đứa thường đến uống ở kiosque Dì Ba, Cường là người chiêm ngưỡng Dì nhiều nhất. Cường có vẽ Dì trong một portrait thật đẹp, và Dì cho biết đã có tới xem ở phòng triển lãm, một buổi chiều... Chúng tôi uống rượu ở quán Dì Ba đến tận khuya. Trở về phòng chếnh choáng, và Sơn ôm đàn hát, lâu rồi không nhớ bài gì, dường như có vết lăn/ vết lăn trầm/ hằn lên phiến đá nâu...
Các bạn ơi, trăng trên nóc nhà thờ con gà mãi mãi vẫn còn. Cho dù cuộc phiêu du không đường trở lại quê nhà.
Dalatnostalgia - tranh Đinh Cường
Tim Nguyễn 
 Theo http://www.dalatdauyeu.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...