Hãnh diện 100 năm âm nhạc Việt Nam:
Dòng Nhạc Xưa xin bắt đầu giới thiệu loạt bài
viết với nhiều tư liệu quý giá về sự thành và phát triển của nền tân nhạc Việt
Nam của nhà báo – nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha. Trước ông, đã có nhiều nhà nghiên cứu
âm nhạc đề cập đến chủ đề này. Trong cương vị một trang web mang tính tổng hợp
và lưu trữ thông tin, chúng tôi không có điều kiện để kiểm chứng tất cả những
gì các tác giả viết. Tuy nhiên, trong sự hiểu biết có giới hạn, Dòng Nhạc Xưa sẽ
chắt lọc và thẩm định để cố gắng cung cấp cho thế hệ trẻ dữ liệu hữu ích về
dòng nhạc xưa. Một lần nữa, xin mạn phép sử dụng tài liệu và trân trọng những
đóng góp của nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha.
Hãnh diện 100 năm âm nhạc Việt Nam
(Nguồn: bài
viết của tác giả Nguyễn Thụy Kha đăng trên nld.com.vn ngày 2017-08-26)
Nhìn lại 100 năm âm nhạc Việt Nam, Báo Người Lao Động khởi
đăng loạt bài của nhà báo – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha về những nhạc sĩ tiêu biểu
góp phần làm nên sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, trên các số báo ra
ngày thứ bảy hằng tuần.
Bây giờ, khi ở thời điểm qua thế kỷ mới được 17 năm, nhìn lại
100 năm trước, cũng là thời điểm bước qua thế kỷ mới (thế kỷ XX) được 17 năm,
thấy rõ một bước tiến xa của âm nhạc Việt Nam qua 100 năm.
Bảy đường xâm nhập của âm nhạc phương Tây
Ngày đó, vào năm 1917, tình hình âm nhạc của nước nhà ra sao?
Khi ấy, người Pháp vào Việt Nam đã hơn nửa thế kỷ. Sự bành trướng mãnh liệt của
âm nhạc phương Tây đi theo bước chân thực dân vào Việt Nam bằng 7 con đường
khác nhau.
Con đường đầu tiên là xâm nhập dưới hình thức tôn giáo.
Trong các trường học của nhà thờ Thiên Chúa giáo (còn gọi là trường dòng) đều
có ban hát lễ và học trò đều được học nhạc. Bởi thế, nhiều thầy dòng người Việt
Nam đã đặt lời Việt cho các bản thánh ca nước ngoài, sáng tác những bài ca tôn
giáo bằng tiếng Việt như thầy dòng Ta đê Đỗ Văn Liu, linh mục Đoàn. Giáo dân
còn được học kèn để lập nên dàn kèn của giáo xứ.
Album “Dư âm” gồm những bản nhạc
tiêu biểu của tân nhạc
Việt Nam thời kỳ đầu
Con đường thứ hai là thông qua nhạc kèn nhà binh. Năm
1918, dàn kèn hơi Huế được thành lập do ông Bùi Thanh Vân tổ chức gồm 3 bộ (gõ,
đồng, gỗ) dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Pháp Fraineau. Năm 1919, dàn kèn hơi Cung
Đình (thời Khải Định) do ông Trần Văn Liên chỉ đạo. Năm 1924, dàn kèn hơi nhà
binh ở Hà Nội được thành lập do Camille Parmentier chỉ huy, ông Đinh Ngọc Liên
làm trợ lý chỉ huy.
Con đường thứ ba là dạy nhạc tại trường và tại các lớp ở
tư gia. Khi ấy, tại các trường đều có dạy nhạc và những người Pháp mở lớp dạy
nhạc tư gia. Đến năm 1927, ở Hà Nội đã mở trường Pháp Quốc Viễn Đông Âm Nhạc Viện
(Concervatoire Francais d’Extrême Orient) do các ông Poineignor và Bilewsky làm
giám đốc. Năm 1928, ở Sài Gòn thành lập một tổ chức là Ủy ban Nghệ thuật Sài
Gòn (Comité artistique de Sai Gon) do Charles Maritn làm tổng thư ký, chuyên tổ
chức các cuộc biểu diễn âm nhạc cho người Sài Gòn thưởng thức, sau có cả lớp dạy
đàn piano.
Con đường thứ tư là thông qua các buổi hòa nhạc ở các TP
Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng khá phong phú về thể loại. Nhờ thế mà sau khi được
xem những người nước ngoài biểu diễn, những nghệ sĩ Việt Nam cũng nhóm họp nhau
lại để biểu diễn các tác phẩm nước ngoài, để đến một ngày sẽ biểu diễn các tác
phẩm của chính mình.
Con đường thứ năm là thông qua phong trào hướng đạo
sinh. Để sinh hoạt trong hướng đạo sinh, nhiều đội viên đã tham gia học nhạc,
ca hát những ca khúc “điệu Tây, lời ta” để rồi đến một ngày sẽ hát những bài ca
hướng đạo của chính mình.
Con đường thứ sáu là thông qua phim ảnh, đĩa hát, đài
phát thanh. Nhờ phim ảnh, đĩa hát, đài phát thanh, người Việt Nam thời đó đã biết
đến nhiều tác phẩm nước ngoài và các danh ca nước ngoài như Tino Rossi, Luciene
Boyer…
Con đường thứ bảy là thông qua những nhóm hoạt động cách
mạng ở nước ngoài mang những bài ca cách mạng từ nước ngoài trở về. Cuối năm
1924, Nguyễn Ái Quốc đã phỏng dịch lời “Quốc tế ca” ra
tiếng Việt bằng thơ lục bát để dễ truyền bá. Đến năm 1929, Trần Phú dựa vào bài
thơ này làm lại thành ca từ cho sát với giai điệu nhạc để hát lên. Và sau đó là
Lê Hồng Phong cùng Trần Bình Long sửa lại một lần nữa để thành ca từ phổ biến
như ngày nay.
Sức mạnh tự cường của âm nhạc
cổ truyền
cổ truyền
Trong khi âm nhạc phương Tây xâm nhập Việt Nam theo 7 con đường
nói trên thì âm nhạc cổ truyền Việt Nam lại khiến các nhạc sĩ phương Tây bàng
hoàng khi Ban Cổ nhạc Việt Nam đi biểu diễn ở Pháp vào năm 1911. Nhạc sĩ Claude
Debussy khi nghe nhạc tuồng Việt Nam đã từng nhận xét: “Người An Nam giới
thiệu một mầm mống của thứ opera có cấu trúc theo công thức bộ bốn. Chỉ có điều
ở đó nhiều thần thánh hơn, ít trang trí hơn. Một cây kèn (chắc là kèn bóp) nhỏ
bé, cuồng nhiệt dẫn dắt cảm xúc. Một trống to tạo nên nỗi kinh hoàng… và chỉ có
thế thôi. Không cần có nhà hát cầu kỳ, không có dàn nhạc giấu kín. Chỉ có nhu cầu
bản năng nghệ thuật tự sáng tạo để tự thỏa mãn mình… Nó không gào lên những cảm
xúc mà làm cho cảm xúc được che mờ đi. Nó không trưng ra thành giao hưởng nhưng
vẫn là ẩn dụ. Nhưng sự che mờ và ẩn dụ ấy lại nằm trong một hình thức được chọn
lựa cực kỳ cẩn thận và tóm lại, rất rõ ràng…”
Chính trong bối cảnh hai phía của thực trạng đó, âm nhạc Việt
Nam lại nhấn thêm một nét tự cường nữa bằng bản lĩnh từ âm nhạc cổ truyền. Đó
là việc nhạc sĩ Cao Văn Lầu lần đầu sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang”. “Dạ cổ hoài
lang” được Cao Văn Lầu viết trong một tâm trạng đặc biệt, khi ông lấy vợ mà
không sinh con suốt 3 năm ròng. Luật lệ phong kiến đã gây nên bi kịch chia lìa
vợ chồng ông do mẹ yêu cầu. Trong tâm trạng đó, Cao Văn Lầu đã viết “Dạ cổ hoài
lang” để nói lên tình yêu của người vợ khi vợ chồng xa nhau. Sau khi “Dạ cổ
hoài lang” ra đời thì ít lâu sau, vợ chồng ông sinh cậu quý tử đặt tên là Cao
Văn Hùng. Ông Cao Văn Hùng khi đi làm cách mạng thì lấy tên là Cao Kiến Thiết,
từng là đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ. Bản “Dạ cổ hoài lang” là một sáng tác âm
nhạc của Cao Văn Lầu, sau được nhân gian phát triển tiếp các nhịp để trở thành
những bản vọng cổ lưu truyền trong nhân gian và phát triển thành cải lương.
Cuộc hôn phối mang dấu ấn thời đại
Trong thuở ban đầu thai nghén, nếu “Dạ cổ hoài lang” là một
sáng tạo âm nhạc theo hướng bảo tồn âm nhạc cổ truyền thì những bài thánh ca của
thầy dòng Ta đê Đỗ Văn Liu, linh mục Đoàn lại là những sáng tạo âm nhạc tiếp nhận
tinh hoa âm nhạc phương Tây. Khi người Nam Bộ khoét lõm phím guitare và lên lại
dây (chỉ có 5 dây) theo cao độ hò, xừ, xang, cống, líu thì nhiều người Việt Nam
khác lại học chơi thành thạo các bản nhạc nước ngoài bằng guitare Espagnole
(Tây Ban Nha) hay guitare Hawai’enne (Ha Viên hay Hạ Uy Di). Theo hai phía của ứng
xử đó, âm nhạc Việt Nam bắt đầu làm mới mình trên sân khấu cải lương, sân khấu
chèo, sân khấu tuồng, sân khấu bài chòi và cũng bắt đầu dần dà có những bài hát
Việt Nam ký âm theo khuông nhạc và nốt nhạc thất cung của Tây phương bên cạnh
việc hát những bài hát Tây mà lời Việt.
Sau cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh thất bại, nhiều chiến
sĩ cách mạng của Đảng bị bắt vào tù. Những ngày ở trong ngục tù, bằng cách truyền
miệng với các đồng chí xung quanh, nhạc sĩ cách mạng Đinh Nhu đã sáng tác hành
khúc “Cùng nhau đi hùng binh” năm 1930. Nếu thời gian trước là thuở ban đầu
hoài thai thì việc hành khúc “Cùng nhau đi hùng binh” của Đinh Nhu có thể coi
như sự khai sinh của tân nhạc hay không? Cũng đã có rất nhiều bàn luận. Vì hành
khúc chỉ được truyền miệng, sau này mới được nhạc sĩ Đỗ Nhuận ghi lại nên dù có
thể đã khai sinh nhưng tờ khai sinh (bản nhạc) thì lại chưa có. Đến năm 1935,
nhạc sĩ Trần Ngọc Quang đã viết bài hát “Nghề cinema” và ấn hành bản nhạc tại
nhà in Đông Tây 193 Hàng Bông. Song xem vào văn bản đã in, thấy rằng bài hát đã
không được ký âm chuẩn mực, chính xác. Bởi thế, cái mốc quan trọng này cũng chỉ
được dùng để tham khảo. Chỉ đến khi các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân
Khoát, Lê Thương… có những sáng tác của mình, được ký âm chuẩn mực và ấn hành
trên tờ Ngày nay tháng 9-1938, thì lúc đó, tờ khai sinh Tân nhạc Việt Nam mới
chính thức được công nhận.
Suốt 100 năm qua, tân nhạc Việt Nam đã được vun đắp, phát triển
bởi các thế hệ nhạc sĩ của các thời kỳ: Tiền chiến (1938-1945), chống Pháp
(1945-1954), chống Mỹ (1954-1975), hậu chiến (1975-1986), đổi mới (1986 – đến
nay), trong đó có những nhạc sĩ tiêu biểu cho từng thời kỳ, ít nhất cũng đủ 100
người đáng để hãnh diện với 100 năm trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Giao hoan hai chiều
Cuộc giao hoan với âm nhạc phương Tây đã cho Việt Nam đầu thế
kỷ XX có những năm tháng hoài thai, sinh nở và có tờ khai sinh cho một nền âm
nhạc mới mà ta thường gọi là “tân nhạc”, cũng giống như các nhạc sĩ Pháp khi
giao hoan với âm nhạc phương Đông đã sinh ra trường phái âm nhạc ấn tượng và nhóm
“Nước Pháp trẻ”.
Nguyễn Thụy Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét