Chúng ta đọc Truyện Kiều đều biết trong quãng đời 15 năm lưu
lạc, nàng Kiều có 7 lần nhớ cha mẹ và người yêu trong những hoàn cảnh khác
nhau. Bảy lần nhớ đó theo trình tự và được Nguyễn Du diễn tả bằng các số lượng
câu thơ như sau:
1. Trên đường đi Lâm Tri: 8 câu, từ câu 911 đến 918
2. Ở lầu Ngưng Bích: 8 câu, từ câu 1039 đến 1046
3. Ở lầu xanh Tú Bà: 14 câu, từ câu 1253 đến 1266
4. Khi Thúc Sinh khen: 4 câu, từ câu 1317 đến 1320
5. Vắng Thúc Sinh: 8 câu, từ câu 1627 đến 1634
6. Ở nhà Hoạn Thư: 4 câu, từ câu 1785 đến 1788
7. Khi vắng Từ Hải: 14 câu, từ câu 2235 đến 2248
Chúng ta đọc và biết như vậy thôi. Nhưng để tìm hiểu xem Nguyễn
Du đã có những sáng tạo gì trong việc thể hiện tâm trạng và nỗi nhớ của nhân vật
Thúy Kiều, chúng tôi muốn cùng nhau xem lại Kim Vân Kiều (KVK) để đối chiếu và
so sánh.
1. Trước hết là nỗi nhớ trên đường đi Lâm Tri. Đây là đoạn
thuộc hồi thứ 8 của KVK. Nguyên văn, Thanh Tâm Tài Tử chỉ viết:
“Thế rồi trên quãng đường đi, nhìn phong cảnh lạ, động mối
thương tâm, dòng lệ đã khô, hơi thở hầu như cũng kiệt, gượng ngâm lên bài thơ tứ
tuyệt, để ghi lại nỗi oán hờn […]:
Dặm trường quan tái những mênh mông
Mặt sóng chân bèo há nỡ trông
Riêng mối tình si khôn giũ sạch
Bóng tà mây nổi kín non sông.
Viết xong nàng ngâm vịnh hồi lâu, nhân lúc nhìn ra bốn mặt,
phong cảnh tiêu điều, bất giác lệ lại tuôn rơi. Vì quá cảm động nàng lại viết
thêm bài "Ngũ ngôn tuyệt cú” như sau […]:
Ta đi nào đã xa đâu
Trông về gió thảm mà đau đớn lòng
Mừng xuân cái én bay tung
Lên cao quét sạch bụi trong xà nhà
Chim hồng luống những xót xa
Thay phiên trở lại quê nhà bắc phương
Bên hồ tiếng cuốc còn đương
Nắng hè trải hết thu sương đến rồi
Sầu nhân tạm viết thay lời
Đêm xuân dằng dặc canh dài buồn ghê
Lòng kia âu cũng tái tê
Lại đi thêm mấy ngày nữa mới đến địa hạt Lâm Tri. (Phạm
Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 173 -175)*.
Nguyễn Du chỉ lấy ý hai câu ở trong hai bài thơ của nhân vật
để viết về nỗi nhớ của nàng:
Nàng thì cõi khách xa xăm
Bạc phau cầu giá, đen dầm ngàn mây
Vi lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một người
Dặm khuya, ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông
Rừng thu từng biếc chen hồng
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn
Chỉ có một câu thơ trong KVK nói về Kim Trọng. Đó là “Riêng mối
tình si khôn giũ sạch”. Nhưng Nguyễn Du đã nói về nỗi nhớ chàng Kim với cây
lau, hơi may, dặm khuya, vầng trăng. Và tâm trạng thẹn với những lời thề nguyền
cùng với vầng trăng ngày trước. Cụ thể và da diết biết bao!
Còn cả một bài thơ dài của Thúy Kiều về phong cảnh với các loại
chim én, chim hồng, chim cuốc, ý tứ tản mạn, Nguyễn Du chỉ tóm gọn trong hai
câu lục bát:
Rừng thu từng biếc chen hồng
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn
Tấm lòng thần hôn là tấm lòng người con nhớ nhung,
muốn chăm sóc cha mẹ sớm chiều. Gần ba trang văn xuôi và thơ, Nguyễn Du viết lại
thành tám câu lục bát vừa cụ thể, vừa đầy tâm trạng. Thế chẳng phải là sáng tạo
lắm sao!
2. Bây giờ chúng ta sẽ đối sánh nỗi nhớ khi Thúy Kiều ở lầu
Ngưng Bích. Trong KVK, đây cũng thuộc hồi thứ tám. Nguyên văn như sau:
“Nguyên cái lầu này, phía đông nhìn ra biển rộng, phía tây
trông về kinh kì, phía nam có thành Kim Lăng, bắc có dãy núi Kì Sơn. Trước cảnh
cô liêu đó, nàng cảm thấy bâng khuâng nhớ lại cái ngày với chàng Kim thề thốt,
mối tình nồng nhiệt biết bao? Thế mà nay tuyệt vô âm tín, lòng nào mà chẳng tái
tê, bèn đề 10 vận “Bất Giai” để ghi lại nỗi niềm thương nhớ. […]
Bài 1:
Dịch
Một chẳng xong rồi.
Một điều, một chẳng xong rồi,
Lời thề chưa dứt họa thời đến ngay
Nghiến răng giận nỗi tai bay
Bỗng dưng chia rẽ đó đây đôi đường.
Bài 2:
Dịch
Hai chẳng xong rồi.
Hai điều, hai chẳng xong rồi,
Mối tình dài vắn chứa nơi dạ này
Nghiến răng đành chứa dạ này
Mong sao khổ tận đến ngày cam lai.
[…]
(Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 184-189).
Nội dung của mười bài “Bất Giai” chỉ nói về những điều chẳng
xong và sự nghiến răng chịu đựng. Chỉ là thương nhớ Kim Trọng mà không hề
có thương nhớ mẹ cha (Vũ Nho nhấn mạnh). Nguyễn Du đã tước bỏ mười cái “chẳng
xong”, mười lần “nghiến răng” để chỉ còn lại nỗi nhớ.
Nguyễn Du viết thành nỗi nhớ chàng Kim cụ thể, đồng thời lại
thêm vào nỗi nhớ mẹ cha, để cho Kiều trọn vẹn là con người lúc nào cũng nhớ chữ
tình, chữ hiếu. Nỗi nhớ mỗi phía được diễn tả bốn câu ngang nhau:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể chơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
3. Lần ở lầu xanh của Tú Bà. Trong KVK đoạn này thuộc hồi thứ
11, từ trang 228 đến trang 240 của “Truyện Kiều đối chiếu”. Chúng ta sẽ không
tìm thấy một câu văn nào diễn tả nỗi nhớ này. Đây hoàn toàn là một sáng tạo của
Nguyễn Du. Nỗi thương mình của Thúy Kiều cũng là sáng tạo riêng của Nguyễn Du
mà KVK không có. Với tấm lòng yêu thương, quý trọng, nâng niu nhân vật, Nguyễn
Du đã thêm vào nỗi nhớ này. Hoàn toàn hợp lí khi Kiều phải làm công việc tiếp
khách, phải "vui là vui gượng” với đủ hạng người. Việc nhớ lại ngày xưa để
thêm đau đớn, xót xa là điều có thể hiểu được khi trong cảnh “Ngẩn ngơ
trăm mối dùi mài một thân”.
Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà
Dặm nghìn nước thẳm non xa
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này
Sân hòe đôi chút thơ ngây
Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình
Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay
Tình sâu mong trả nghĩa dày
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?
Đáng chú ý là trong lần nhớ này, lần đầu tiên nàng Kiều nhớ
cha mẹ trước, nhớ các em rồi sau mới nhớ đến chàng Kim. Trong khi hai lần trước,
mối tình dang dở đau xót khiến cho nàng nhớ người tình trước khi nhớ cha mẹ. Đấy
chẳng phải là một sự thấu hiểu tâm lí con người một cách tinh tế của Nguyễn Du
hay sao!
4. Kiều nhớ khi được Thúc Sinh khen
Đây là đoạn thuộc hồi thứ thứ 11 của KVK. Khi Thúc Sinh xem
Kiều tắm, làm một bài thơ đưa cho Kiều xem.
"Thúy Kiều coi xong bài thơ của Thúc Sinh, vội vàng thưa
rằng:
Thiếp tôi được chàng quá yêu như thế, cũng muốn họa ngay một
bài, chỉ vì hiện nay tứ thơ còn gửi ở đám mây Hàng, vậy xin chàng cho khất ngày
khác” (Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 235).
Nguyễn Du hầu như nhắc lại những gì mà Kiều nói có tính chất
điển cố. Điển “mây Hàng” để tả lòng nhớ cha mẹ ở nơi quê quán:
Hay hèn lẽ cũng nối điêu
Nỗi quê còn một hai điều ngang ngang
Lòng còn gửi áng mây Hàng
Họa vần, xin hãy chịu chàng hôm nay
Đoạn này Nguyễn Du trung thành với tác giả KVK.
5. Đoạn Kiều nhớ khi vắng Thúc Sinh.
Đoạn này chúng tôi đã khảo sát kĩ trong mục 9. Kiều nhớ
Thúc Sinh. Cần nhắc lại là trong KVK, Kiều chỉ nhớ Thúc Sinh. Trong khi Nguyễn
Du để cho Kiều nhớ cha mẹ, Kim Trọng và dành 2 câu cho nhớ Thúc Sinh. Đó cũng
là cách để Nguyễn Du cho thấy nàng Kiều của nhà thơ luôn xem trọng chữ Hiếu,
chữ Tình, không quên ai cả.
6. Kiều nhớ khi ở nhà Hoạn Thư
Đoạn này trong KVK thuộc hồi thứ 14. Thật ra Kiều đánh đàn
cho Hoạn Thư nghe. Hoạn Thư thương tài không bắt ở chung với bọn tôi đòi nữa.
Thanh Tâm Tài Tử chỉ viết:
“Tiểu thư nghe xong tỏ ý vui mừng, bảo người đã giỏi ngón
đàn, vậy thì từ đây về sau cứ ở bên ta, để lúc thư nhàn giúp thêm cảm hứng, khỏi
phải ở lẫn trong đám tôi đòi như trước.
Nàng ngỏ lời cảm tạ tiểu thư có lòng cất nhắc, từ hôm ấy,
ngày đêm được ở bên cạnh tiểu thư, nhờ có cung đàn khúc hát cũng tạm hả được nỗi
bất bình.
Nửa năm trôi qua, một hôm chợt có tin báo tướng công đã về”
(Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 299).
Như vậy bốn câu nhớ Thúc Sinh và nhớ nhà hoàn toàn do Nguyễn
Du thêm vào. Rất hợp lí vì mối tình với Thúc Sinh cũng là mối tình sâu nặng với
Kiều. Thúc Sinh về thăm nhà thì xảy ra tai họa do bọn Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển gây
ra. Chuyện vừa mới ngày nào nên không thể không nhớ đến chàng. Và Nguyễn Du
cũng không để cho nàng Kiều của mình quên cha mẹ:
Lâm Tri chút nghĩa đèo bòng
Nước non để chữ tương phùng kiếp sau
Bốn phương mây trắng một màu
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.
7. Nỗi nhớ khi vắng Từ Hải
Đoạn này thuộc hồi thứ 18 của KVK. Xem xét nguyên văn KVK,
chúng ta sẽ không thấy một dòng nào nói về nỗi nhớ này. Sau khi Từ Hải dứt áo
ra đi, Thanh Tâm Tài Tử viết:
“Nói về Thúy Kiều thấy Từ Minh Sơn dứt áo ra đi, ba năm đằng
đẵng không tin tức gì. Bỗng một hôm nghe nói quân giặc tràn đến, dân cư chạy trốn
quang lâng, những người quen thuộc cũng khuyên nàng tạm lánh.
Nàng rằng: Tôi với Minh Sơn đã có lời hẹn, dẫu lúc gặp cơn
binh hỏa, chớ nên rời bỏ chỗ này. Vậy ai muốn đi thì cứ việc đi, bằng không thì
cứ ở lại chết cùng nhau…Bọn họ không nghe kéo nhau đi hết.
Rồi sau một lúc bỗng có mấy ngàn binh sĩ và hơn mười vị tướng
quân kéo đến vây kín nhà trọ, đồng thanh hô lớn lên rằng: Vương phu nhân có ở
nhà chăng tá? Chúng tôi vâng lệnh của Từ Minh Sơn thiên tuế, đến để rước chầu
vu quy” (Truyện Kiều đối chiếu, đã dẫn, trang 359).
Nguyễn Du hoàn toàn sáng tạo đoạn nỗi nhớ của Kiều khi Từ Hải
ra đi. Chúng ta đều biết rằng Nguyễn Du rất ưu ái Từ Hải, xây dựng Từ Hải thành
nhân vật “anh hùng ca” (Hoài Thanh). Vì thế mà có đoạn nỗi nhớ này. Dù tình cảm
của Kiều với Từ Hải rất nồng nàn (Nửa năm hương lửa đang nồng), nhưng Nguyễn Du
vẫn để cho nỗi nhớ của Kiều trọn vẹn với người thân, với tất cả những người
tình của nàng. Đấy chính là sự khác biệt giữa nàng Kiều của Nguyễn Du với nàng
Kiều của Thanh Tâm Tài Tử. Đoạn nhớ này là Nguyễn Du dành cho nàng Kiều của
mình:
Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa
Xót thay! Huyên cỗi , xuân già
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi
Chốc đà mười mấy năm trời
Còn ra khi đã da mồi tóc sương
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Duyên em dầu nối chỉ hồng
May ra khi đã tay bồng, tay mang
Tấc lòng cố quốc tha hương
Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
Thật đúng là con người tình nặng, nghĩa dày!
Đối sánh bảy lần nhớ của Thúy Kiều, chúng ta thấy chỉ có một
lần nhớ thứ 4 vắn tắt bốn câu là Nguyễn Du trung thành với nguyên tác. Hai lần
nhớ có thêm sáng tạo của Nguyễn Du. Lần nhớ thứ nhất, nhà thơ đã sáng tạo thêm
dựa vào ý của hai bài thơ. Lần nhớ thứ hai, nhà thơ đã thêm vào nỗi nhớ cha mẹ.
Còn lại 4 lần nhớ khác (lần thứ 3, 5, 6, 7) là hoàn toàn sáng tạo thêm của Nguyễn
Du. Đối chiếu, so sánh như thế để thấy rằng Nguyễn Du dựa vào cốt truyện của
Thanh Tâm Tài Tử trong KVK, nhưng nhà thơ đã sáng tạo lại theo cách riêng của
mình. Chính vì các nỗi nhớ khác biệt như thế, đã góp phần làm cho nhân vật Thúy
Kiều của Nguyễn Du khác với nhân vật Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Tử.
Vũ Nho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét