Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Đọc Phía ngoài kia là rừng của Vũ Quần Phương

Đọc Phía ngoài kia là rừng 
của Vũ Quần Phương
Đến  thời gian tháng Ba năm 2017 này thì Vũ Quần Phương đã in 12 tập thơ và một tuyển tập. Anh cho biết đây chưa phải là tập cuối cùng. Vũ Quần Phương là người viết chuyên nghiệp. Một nét của sự chuyên nghiệp ấy: Các bài thơ được viết, được sửa chữa kĩ lưỡng, công bố dần dần. Mỗi bài đều ghi rõ năm tháng, có khi cả địa điểm thành thơ. Có bài ghi cả lúc khởi thảo cho đến khi sửa lại. Điều đó tiện cho nhà phê  bình, và cũng thuận lợi cho bạn đọc để hiểu vì sao nhà thơ cảm như thế và viết như thế. Trong tập này cũng vậy, có một số bài viết năm 2016, nhưng cũng có bài viết cách nay hơn nửa thế kỉ Lên cao (1964, sửa 2012) có bài viết 1971 tìm lại Nhà ở đường, có bài viết từ năm 1984, sau 30 năm  2014 sửa chữa Hò dô ta nào!
Tôi đã đọc khá kĩ thơ của Vũ Quần Phương và thấy hai điểm nổi bật  trong nội dung của thơ anh. Đó là sự nhạy cảm với thời gian. Và  lòng yêu tha thiết cõi người thẳm sâu.
Cảm thức thời gian
Ngay khi còn trẻ, VQP đã thấy “Sông thời gian nước ngày đêm chảy xiết”, khi càng có tuổi thì thời gian luôn là một vấn đề ám ảnh, một điều để nhà thơ chiêm nghiệm. Thời gian trong bài Điền kinh:
Anh chàng nói xong thì bạc tóc
nhập đoàn người chạy tiếp
các cụ già chạy trước
thanh niên chần chừ chạy sau
Họ đã chạy đến đâu
Đời người chớp mắt.
Thời gian làm nhà thơ trầm tư:
Một thoáng trưa Hội An
Gặp liền 3 thế kỉ
Đi trong phố Hội An
Mỗi người thêm một bóng
Cái bóng của thời gian
Thời gian làm biến đổi bao thứ. Rừng thành phố. Phố chặt cây. Mất bao nhiêu là năm tháng. Cho nên:
Bóng mát bị đốn rồi
hàng thế kỉ hồ đầm bờ lau bãi sậy 
mới thành cây
mới thành tiếng hót
bóng mát rợp vai người
Em bé tuổi nằm nôi thành cụ già bạc tóc
Cây ơi ngã xuống sớm mai này
(Tạ từ cây đường Voi Phục)
Đấy là cái cách nhà thơ tỏ bày ý kiến của mình về một chủ trương thay cây đúng nhưng khi thực hiện, lại biến thành chặt cây sai của thành phố.
Thời gian trong giấc ngủ vẫn không ngừng, nhưng con người cũng không nghỉ ngơi cả trong giấc ngủ, nhất là những người làm công vụ:
Ngủ mà thức nỗi đau
Trừng trừng đôi mắt mở
Ngủ không hề gật đầu
Mồm vẫn ăn, vẫn họp
Vẫn đi lại nói năng
Còn đập bàn, thét lác
Nhà thơ cảm khái  mà thốt lên, có ý châm biếm và giễu cợt:
Một giấc liền không ngáp
cả đời người, qua mau!
(Ngủ)
Không ít lần hình ảnh người thơ với tóc bạc xuất hiện (Tôi là ông vỡ lòng bạc tóc/ Tôi thành ông tóc bạc,…). Và ông già ấy ngậm ngùi với thời gian:
Làng tôi đã thành phường, chung cư, lầu gác
Tôi thành ông tóc bạc
Đi giữa làng
Mưa
nhớ mưa ngâu
(Nhớ mưa ngâu)
Cảm giác Roma, Mặt trời lặn trên Ăng Ko, Bên bờ biển lớn, đều suy ngẫm về thời gian. Thời gian qua rất nhanh. Nhưng con người để giữ được, để tăng thời gian thì không sống vội, sống gấp, mà cần sống chậm. Sống sâu sắc với hiện tại “Thì cứ hôm nay”!
Yêu  cõi người thẳm sâu
Lòng yêu đời, yêu cõi người thể hiện ở niềm vui sống:
Người yên ổn nghe lòng vui muốn hát
(Phía ngoài kia là rừng)
Nhìn sự vật bình thường thấy lung linh:
Phố hai bên cây đứng như đèn
Long lanh mắt lá xôn xao gió
Sân thượng phơi bừng bay áo xiêm
(Ngày nắng lên)
Yêu đời nên mới nghĩ đến ngày giã từ với sự bắt buộc:
Quyến luyến thế nào cũng phải chia tay
Tất cả vẫn đang chờ, nhưng tôi phải ra đi
dẫu chẳng biết nơi nào mình sẽ đến
(Thì cứ hôm nay)
Yêu đời nên lo lắng cho đời, cho nụ cười của con người sao mà ngắn ngủi:
Nụ cười gương mặt đá
Trên bảy trăm năm vẫn tươi
nụ cười trên mặt người
Chưa tươi đã héo.
(Mặt trời lặn trên Ăng kor)
Yêu đời nên lo lắng cho sự bất ổn trên hành tinh này:
Phía ngoài kia rừng nhuộm máu bình minh
Cây u ẩn nhập hồn thiêng ác thú
Hổ kinh hãi chạy trốn người săn hổ
Bạo chúa say trên đầu dân thống khổ
Ruồi đậu đầy mắt trẻ đói châu Phi
Phía ngoài kia làng mạc cũng bơ vơ
Cây chết trắng dưới trời mưa thuốc độc
Người chết đói trên phì nhiêu của đất
Nanh vuốt mài ai giấu dưới nhung êm
(Phía ngoài kia là rừng)
Yêu đời, nên thấy trách nhiệm cần lên tiếng trước tình trạng bất bình thường đáng lo ngại:
Người cày có ruộng
ruộng xa người cày
ruộng thành dự án
dự án treo cành cây
người thành ngọn gió
gió cùng bụi bay
(Bao giờ sung chín)       
Cái xấu, cái ác nhiều trong cuộc sống. Sự chân thành trở nên hiếm hoi. Người ta đeo mặt nạ. Người ta đối xử với nhau, nhìn nhau qua mặt nạ. Một cách ngụy trang để dễ bề làm bậy, làm ẩu, làm ác cho người khác. Người viết băn khoăn và cảnh báo:
Người lớn nhìn nhau không thấy nhau
Chỉ thấy trước mình thằng mặt nạ
tìm mình cũng chẳng thấy mình đâu
(Mặt nạ)
Tôi nói đến hai nội dung chủ yếu bao quát trong tập và trong thơ của Vũ Quần Phương nói chung. Ở đây, nhà thơ còn quan tâm đến  nhiều vấn đề khác. Đến việc “Ngủ”, đến “Con giun con dế”, đễn nỗi “Sợ”, đến chuyện “Xe buýt”, chuyện “Tắc đường” đến chuyện “Cười và thở”, đến  chức năng và nhiệm vụ của nhà thơ “đi với gian lao”:
Nước mắt mẹ rơi không có nhịp
Thơ anh nhiều âm vận ngân nga
Xóm núi hẻo thất thanh trong lũ
Anh bận tìm tên một loài hoa
(Nhà thơ ơi)
Bài “Hò dô ta nào” là một bài viết kĩ. Tôi liên tưởng đến câu thơ của nhà thơ Nga A. Blog - Cuộc đời là một trận đánh không có kết thúc. Quả vậy, đời có niềm vui, có nỗi buồn, có gian nan thử thách, có vất vả gian lao. Sống không phải là để dạo chơi, để hưởng thụ. Sống là để lao động, để tạo dựng niềm vui cho mình và cho mọi người. Sống là phải vượt gian lao:
Chúng tôi nắm những dây tời mới
Kéo qua mỗi ngày thường
Những vất vả nhọc nhằn chưa hết
Bao đỉnh cao mù sương
Trong lòng người
Phải vượt […]
Hò dô ta nào
Tiếng hò trận mạc
Bấy nhiêu năm vẫn cứ hàng ngày
(Hò dô ta nào)        
Đọc Vũ Quần Phương bao giờ cũng có điều để chiêm nghiệm, suy ngẫm, hoặc liên hệ, tranh luận về lẽ đời, về tình người, về nhiều chuyện của đời sống xã hội, thơ ca. Đó là thành công của ngòi bút thơ bền bỉ Vũ Quần Phương mà Chu Văn Sơn cho rằng đã “đạt đạo”!.
Hà Nội, 29/3 - 6/4/2017
 Vũ Nho
Theo http://vunhonb.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...