Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Lá xa cành tình yêu ở lại

Lá xa cành tình yêu ở lại 
Mới đó đã lại tròn một vòng quay quanh mặt trời kể từ ngày "người bộ hành" Huy Du bước vào chuyến phiêu du cùng ngôi sao xanh long lanh cuối trời.
Vẫn căn phòng nhỏ giữa những bức tranh màu sắc hồn nhiên của ông, nơi mới ngày nào tôi còn ngồi nghe ông nồng nhiệt hát những giai điệu vừa hoàn thành chen lẫn chuyện đời đã qua.
Vẫn nhân vật chính là ông trong câu chuyện hôm nay giữa tôi với "một nửa" còn lại của ông - nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung. Những tưởng sắp thấy lấp lánh mái tóc bạch kim, như ông chỉ ra ngoài chốc lát thôi lại về...
Người thân nhớ ông, bạn bè, đồng nghiệp, công chúng nhớ ông. Ở miền cực lạc chẳng hay ông có biết trong cuốn sổ biệt ly mà chẳng bao giờ ông còn đọc được đó, nhà sử học cao niên Vũ Khiêu gửi tặng ông một câu đối đã nói hộ bao người:
... Đã để âm thanh cho vạn thuở
Có nghe thương nhớ tự mươi phương?
Nỗi nhớ từ kí ức dội về, càng thấy trọn vẹn hơn con người có nghĩa có tình nơi ông trong đời thường cũng như trong âm nhạc. Ông là thế qua những đoạn hồi tưởng của các cựu lính Trường Sơn đã một thời sống chết cùng hành khúc Huy Du. Ông là thế nên cũng luôn được đáp lại như thế: có người xa xứ nửa thế kỉ vẫn khắc sâu những bài ca thuở trai trẻ của ông trong nỗi niềm nhớ thương đất nước; có nhà thơ nhận từ ông những đồng chia sẻ nhuận bút ca khúc phổ thơ mà xúc động như đón nhận một niềm tin đời nay vẫn còn những tấm lòng tín nghĩa; có nghệ sĩ từ phương trời xa xôi chỉ tạt về chớp nhoáng cũng vội đến đây tìm ông qua nén hương, vì không nhờ ân nghĩa của ông ngày ấy chưa chắc đã có một danh cầm hiển vinh ngày nay.
Cho đến những tháng năm liên tục vào ra bệnh viện, ông vẫn thầm lặng gửi ân tình vào những bài ca mới: Tiếng chổi trong đêm cho người vô danh làm sạch những con phố, Tà áo trắng trong đêm cho các lương y từ mẫu, Một thuở thiên thai cho quê cha, Tình hoa cho con dâu... Và những dòng nhạc cuối cùng là hai bài hát cho cháu nội viết trên giường bệnh với những ống nhựa truyền dinh dưỡng mà ông vẫn nói vui: "Mọi thứ đều tiếp viện bằng đường thủy".
Nhạc sĩ Huy Du với cháu nội
trong bệnh viện những tháng cuối đời
Một người luôn dạt dào cảm xúc âm nhạc, chẳng khác chiếc lá tươi xanh thuở nào, vậy mà vẫn có lúc lìa cành, cứ như nghịch lý!
Thêm một nghịch lý nhưng không phi lý là khi lá xa cành mà màu xanh còn ở lại. Bao nhiêu sắc xanh đã tỏa mát trong lời ca của Huy Du: xanh thắm, xanh biếc, xanh ngát, xanh tươi, xanh rờn, xanh mới... Nhẩm hát lại những giai điệu rất quen thuộc của ông, chợt nhận ra sắc màu thanh xuân này luôn ngời sáng trong những hành khúc và tình khúc của người lính, của cả một thế hệ "áo xanh": Bế Văn Đàn sống mãi với "đất nước quê anh lá thắm rừng xanh" (thơ: Trinh Đường); Cùng anh tiến quân trên đường dài theo Nguyễn Viết Xuân "qua đất trung du xanh màu lá biếc" (lời: Xuân Sách); Nối lửa lên em ấm tình cô gái nuôi quân trong "bát nước chè xanh nhẹ bước gối dồn" và "núi rừng xanh dồn dập bước quân hành" (Giang Lam); Chưa hết giặc ta chưa về vẫy gọi "tuổi xanh ra đi chí anh hùng ta đánh Mỹ"; Đường chúng ta đi mênh mang "nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó" và "những dòng sông soi bóng dừa xanh"; Trên đỉnh Trường Sơn ta hát âm vang "biển xanh sóng vỗ hiền hòa"; Tình em chan chứa "đời vẫn xanh rời rợi" (thơ: Ngọc Sơn).
Chả cứ đất trời, sông biển, núi đồi, ruộng đồng, cỏ cây đem màu xanh vào ca khúc Huy Du, mà ông còn nhuộm thời gian, tuổi tác, tình yêu thành ngày xanh, tuổi xanh, lòng xanh, đời xanh... Ông luôn xanh cùng Hàng dừa xanh, Lá xanh hoa vàng, Người bộ hành và ngôi sao xanh, Khúc nhạc màu xanh, Hãy giữ lấy màu xanh. Ông tin Anh vẫn thấy màu xanh cho dù đôi mắt đã bị chiến tranh cướp mất ánh sáng: "Anh vẫn thấy cánh đồng xanh bát ngát/ Anh vẫn thấy có những loài sâu bọ/ Đang nhấm dần mầm lá mới xanh tươi". Ông lo sợ nguy cơ mất đi màu sắc diệu kì đó trong tiếng gọi Người ơi: "Ai nỡ tâm hủy diệt sự sống của hành tinh/ Ai phá đi những cánh rừng xanh thắm" (thơ: Hoàng Ước).
Yêu sắc màu của mùa xuân và sức sống, của tuổi trẻ và niềm tin, nhạc sĩ "mê cầm cọ" Huy Du đã tô xanh từ cái hữu hình đến vô hình, từ vật bé xinh như hạt mầm chiếc lá đến bao la cả một hành tinh, từ vật dụng đời thường như ngọn đèn nhỏ đến thực ảo vô thường như ngôi sao mơ...
Cho nên nhạc sĩ của màu xanh đã đi xa mà mãi còn đó tình yêu trong những khúc nhạc màu xanh.
Tình vẫn xanh trong kỷ niệm ông để lại cho những người quen biết ông trong đời và cả bao người chỉ biết ông qua nhạc.
Đời vẫn xanh trong đứa cháu nội đang lớn lên, bé gái chưa kịp thôi nôi ngày ông đi, nay đã biết hát: "Ông ơi! Bà ơi!" rất chuẩn giai điệu của bài ca ông tặng riêng cháu "để sau này cháu nhớ đến ông".
Hồn vẫn xanh trong ca khúc ông lưu lại cho đời, cả những bài đã trở thành bất tử, cùng những bài của những năm cuối đời mà đời sẽ có dịp hát lên.
Nguyễn Thị Minh Châu 
Theo http://vnmusic.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một buổi tối ám ảnh ở Boston

Một buổi tối ám ảnh ở Boston Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài Chơi bóng rổ với Việt cộng. Bài thơ này viết tặng nhà văn Ng...