Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Chuyện về Ngựa và chuyện đời Thúy Kiều

Chuyện về Ngựa và chuyện đời Thúy Kiều
Một.
Năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi thào dân tộc Nguyễn Du (1766-1820), nhà thơ Tố Hữu bằng nghệ thuật tập kiều nhuần nhuyễn và bằng cả cái tâm hướng vọng viết những câu lục bát rung cảm người đọc một thế hệ:
… Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu 
(Kính gửi cụ Nguyễn Du)
Tố Hữu (và nhiều nhà thơ, nhà văn và cả những lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác nữa) đã ghi điểm thành công trong đời cầm bút của mình khi chọn cuộc đời Nguyễn Tố Như và thân phận chìm nổi của Thúy Kiều làm cảm hứng, đề tài sáng tác.
Rộn ràng Xuân mới về. Rắn (Ất Tỵ) đã trườn bò đi nhường chỗ cho Tuấn Mã (Giáp Ngọ) dạo chơi trên nền cỏ xuân xanh tươi, người viết không khỏi lan man ngẫm ngợi về đời và tình của nàng Kiều Sắc đành đòi một, tài đành họa hai gian truân trãi suốt mười lăm năm. Có điều đi qua đời và tình của Kiều từ buổi ngẫu tình sơ ngộ chàng Kim đến cuối chặng đường lưu lạc luôn gắn liền với bóng hình tuấn mã/ bóng câu/ ngựa. Năm người đàn ông qua đời Kiều từ khúc dạo đầu/ đẩy xô bước ngoặt phong trần/ mở sang trang đời hạnh phúc huy hoàng đều dùng ngựa/ bóng ngựa/ liên quan đến ngựa!
Hai.
Mùa xuân vẫn chưa vội qua. Tiết xuân vẫn ngập tràn đất trời và hồn người  trong mùa lễ hội thanh minh bởi Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/ Cỏ non xanh tận chân trời... Thời khắc xuân tràn, tình xuân chớm dậy. Nhạc vàng - nhạc ngựa vọng vào trang hồn trong trẻo của Thúy Kiều:
Dùng dằng nửa ở nửa về
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng…
Cùng nhạc ngựa rung reo, người đàn ông đầu tiên xuất hiện trong đời Kiều: Kim Trọng. Và từ giây phút đó trở thành người tình một đời của nàng. Nên cũng dễ nhận ra bóng ngựa lẫn chàng Kim hiện lên đầy mỹ cảm: Tuyết in sắc, ngựa câu giòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời. Chàng thư sinh ấy đã gây rung động đầu đời nơi tâm hồn nàng:
Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo…
Cùng đi tảo mộ có hai em Vương Quan, Thúy Vân nhưng người còn ghé theo - không thôi hướng nhìn theo chàng Kim chính là Kiều. Hoàng hôn man mác buông. Nỗi buồn cũng man mác bâng quơ. Khúc chiều xuân đâu đó ngân lên như dành riêng cho Kiều. Những bước ngựa thong dong đến. Giờ những bước ngựa lưu tình của chàng dần xa…
Xuân Diệu từng viết: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu... (Vì sao). Xem ra những câu thơ này tưởng như loay hoay, thơ thẩn lý giải ngọn nguồn Tình Yêu của Thi sĩ lại rất hợp với tâm trạng của Kiều lúc này. Rung động tơ mành,  Bên cầu nước chảy trong veo/ Dưới cầu nước chảy bóng chiều thướt tha  nhưng mãnh liệt để Kiều có bước chân dũng cảm thể hiện quyền được yêu Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang về sau.
Thủ phạm chính làm tan vỡ mối tình thắm thiết Kim - Kiều và tạo ra bước ngoặt cuộc đời Kiều là tên quan tham “ba trăm lạng”. Nhưng ấn tượng đọng lâu ở người đọc , bóng dáng ngựa hãi hùng từ  bọn tay chân nhẫn tâm, tàn bạo của hắn khởi đầu cho quãng đời chìm nổi, gian truân của Kiều:
Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi...
Nhưng thực sự thì sau cuộc ngả giá vàng ngoài bốn trăm của Mã Giám Sinh thì bài ca đoạn trường đời Kiều mới thổn thức vang lên gập ghềnh, trắc trở của liên nhịp ngựa bi ai bán mình chuộc cha và em trai:
Đoạn trường thay lúc phân kỳ
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh…
Ở khúc đoạn này có những câu thơ không hề có dấu, bóng ngựa lại đầy ám ảnh:
Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay…
Bởi phương tiện giao thông thời ấy Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền (Chinh phụ ngâm khúc) nên họ Mã cùng gia nhân rước Kiều lên xe (ngựa?) hoa. Xe hoa băng chạy như bay được ngầm hiểu xe tứ mã hoặc ít nhất song mã làm dậy cát bụi mịt mù. Chúng chẳng khác nào bọn cướp vì được món hời. Nhất là họ Mã hời cả việc giả danh mua Kiều về làm thiếp mà Nguyễn Du phải thốt lời thương cảm Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về!
Người đàn ông thứ ba đến với đời Kiều là Sở Khanh. Theo sự xếp đặt của Tú Bà, Sở Khanh hứa hẹn vang trời ra tay tháo củi xổ lồng cho phận hồng nhan bạc mệnh. Rồi chính gã giữa đêm trường tối tăm bỏ mặc Kiều bơ vơ vời theo bóng ngựa Sở mà nghẹn nỗi thương mình. Nàng càng thổn thức gan vàng/ Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!. Gã rạp mình, lén lút  quất ngựa truy phong theo lối rẽ của kẻ khoác lác, trộm tình. Còn Kiều bước vào lối lầu xanh với lời thương thân cùng tận Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Đến Thúc Sinh - người đàn ông thứ tư - lại là bóng ngựa nhân đôi bi kịch. Bóng ngựa chia bào trong cảnh mùa Thu ly biệt điển hình muôn thuở của những đôi tình nhân trần thế.
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san…
Kiều vời vợi ngóng chờ. Vầng trăng cũng sẻ nửa cảm thông…. Nhưng bước ngựa mừng rơn của chàng Thúc không về kịp dù Vó câu chẳng ruổi nước non quê người đoàn tụ với Kiều… Trăng đã hôn mê, biến mất trên lưng ngựa kinh hoàng khi Hoạn Thư cho đám đầu trâu, gấu ngựa ra tay phóng hỏa đốt nhà bắt cóc nàng.
Thuốc mê đâu đã tưới vào
Mơ màng như giấc chiêm bao – biết gì!
Vực ngay lên ngựa tức thì
Phòng đào, viện sách bốn bề lửa dong…
Với Từ Hải, người đàn ông thứ năm có điểm khác - bóng ngựa hai mà một. Khách biên đình, Từ tướng công lộng ngời phong vũ: 
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm, yên ngựa lên đường thẳng dong…
 Chí lớn tung hoành Một tay gây dựng cơ đồ…Khát vọng thành hiện thực, Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà… Từ Hải tự mình cỡi chiến mã oai hùng trận mạc ra ngoài thành thân đón Thúy Kiều:
Kéo cờ lũy, phát súng thành
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài…
Ngựa anh hùng – ngựa chiến thắng của Từ đưa Kiều đến đỉnh huy hoàng đời mình.
Ba.
Đoạn trường tân thanh – Truyện Thúy Kiều, tập đại thành về giá trị nhân văn và nghệ thuật đỉnh cao thể thơ dân tộc - lục bát - của nước nhà mà đại thi hào Nguyễn Du dày công tâm huyết làm nên. Thật khó khăn nếu muốn đếm kể hết các công trình khảo luận, phê bình về Truyện Kiều của các nhà nghiên cứu, các nhà Kiều học. Chỉ xét riêng ở nghệ thuật tả nội tâm nhân vật, tả người, tả cảnh…trong thiên tuyệt tác về đời Kiều nhi đã làm tốn bao óc não, giấy mực của những người cầm bút yêu thích Truyện Kiều:
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Ngọn nước mới sa… Hoa trôi về đâu... Không chỉ dựng cảnh ảo não buồn của một số phận hồng nhan còn là dự báo Kiều sập bẫy Tú Bà – Sở Khanh!
Kiều bốn lần đánh đàn với từng mỗi tâm trạng, cõi lòng khác nhau. Giai điệu réo rắt, ngân nga tuôn chảy chẳng hề trùng lắp. Cảnh ngộ khác tất nhiên tâm tình phải khác. Tài của Nguyễn Tiên Điền mà sâu thẳm là tấm lòng yêu cùng, thương tận số phận người phụ nữ Tài tình chi lắm cho trời đất ghen để tái hiện thế giới tâm trạng chân thực, sống động của Kiều.
Còn ở đây nhân đầu xuân năm con Ngựa có đôi điều tản mạn về hình bóng tuấn mã/ bóng ngựa ngang qua đời Kiều
Kim Trọng, một văn nhân Văn chương nết đất, thông minh tính trời/ Phong tư tài mạo tót vời… Kim và Kiều như một cặp trời sinh. Trong buổi đầu gặp gỡ của đôi tài tử – giai nhân này, chàng tuấn tú thì ngựa cỡi cũng tất là mỹ bạch mã  - Tuyết in sắc ngựa câu giòn..  Chàng bạch mã hoàng tử  với bước ngựa nhàn tản, thong dong  Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng để sơ ngộ với Kiều.
Bọn người không lương thiện, mua bán người, theo lệnh chủ sẵn sàng ra tay tàn độc sạch sành vét, phóng hỏa đốt nhà thiêu xác thì vó, nhịp ngựa chớp nhẹ bay/ ào ạt/ kinh hoàng mù bụi Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi/ Một xe trong cõi hồng trần như bay…/ Vực ngay lên ngựa tức thì..
Ngựa mà  đấng anh hào – Từ Hải cỡi có được tả nét cụ thể nào đâu nhưng trong thi cảnh của những câu Thanh gươm, yên ngựa lên đường thẳng dong… Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài…vẫn toát vẻ phong uy, tráng liệt…(!?)
Quá yêu mến mà tán tụng quá lời chăng? Không hẳn là vậy bởi hình bóng tuấn mã/ bóng ngựa  ngang qua đời và tình của Kiều mỗi lần lướt băng, dong cỡi đều có một nét phác riêng. Mỗi nét phác như là điểm nhấn tươi hồng/ trắc  trở/ bi thương/ hạnh phúc trong cuộc đời chìm nổi Thúy Kiều.
… Xuân Giáp Ngọ về trong âm vang tiếng tiếng ngựa hí lộng trời xuân. Vó ngựa sãi tung sẽ không còn dòng thương cảm Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều (Tố Hữu) của từng ai đây. Bởi Đời, Người và Xuân mới đang rộn niềm đón đợi một bạch mã hoàng tử/ xe đạp ơi tóc dài/ xe xịn tốc độ bay… Tất cả vẫn là khát vọng xuân hồng mãi mãi.
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…
Tuyết in ngựa, sắc câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời…                              
Bài tham khảo: “Ngựa Trong Âm Nhạc Và Văn Thơ” - Nguyễn Hữu Phước.
 Đầu xuân Giáp Ngọ 2014
Nguyễn Nguyên Phượng
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...