Xin đừng nghĩ đó là một tên tuổi lẫy lừng, một “ngọn núi” hay
một nhân vật từng ngồi “ghế” cao trong làng văn nghệ. Ngược lại, ông chỉ là một
người bình thường, hầu như chưa giữ chức vụ gì ngoài danh vị “hội
viên”. Vậy mà một năm nay vắng ông , “sân” văn nghệ Huế hiện ra một khoảng trống
không ai thay thế được.
Không phải bây giờ tôi mới cảm thấy điều này. Mùa hè năm
ngoái, sau khi dự Trại Sáng tác Đà Lạt trở về, từ trên tầng gác trụ sở Hội Văn
nghệ nhìn xuống quãng sân dưới tán cây đào tiên chi chít những chùm quả trắng
bóng, đã mấy lần tôi nhận ra “khoảng trống” ấy, dù bạn bè văn nghệ vẫn vào ra
đông vui - người lắm chức vị cũng như hội viên vừa được kết nạp. Phải, chỉ vì vắng
nhà thơ Hải Bằng! Những tháng ngày trước đó, tuy đã mấy lần phải vào bệnh viện
cấp cứu, thân hình còm nhom chỉ còn da bọc xương, nhưng mỗi sáng, chiếc Chaly vẫn
thường chở ông đến Hội; không còn đủ sức trèo lên gác, từ dưới sân, ông ngước hỏi
cô văn thư: ”Hương! Chú có gì không?” Đã thành lệ, nên nhiều khi chẳng cần đợi
ông gọi, nếu có thư, báo hay giấy mời lĩnh nhuận bút, vừa thoáng thấy chiếc
Chaly ngoài cổng là có người đưa xuống cho ông. Một việc nữa cũng đã thành lệ,
là mỗi lần đến Hội, ông kiếm một chiếc ghế trống ở sân, lặng lẽ ngồi thở lấy sức
một lúc, rồi khẽ rút tờ giấy trong túi ra, đọc bài thơ mới sáng tác cho bạn bè
nghe. Tôi là người không sành thơ mà hầu như mỗi khi có thơ mới là được ông đọc
cho nghe; khen, ông cười vui, có chê câu chữ nào chưa ổn, ông cũng không giận,
chỉ giải bày cách suy nghĩ của mình.
Nói đến sự “trống vắng” khi thiếu Hải Bằng, nhà thơ Ngô Minh
cũng đã viết: “Đã có không ít người hàng ngày khó chịu vì bị ông phê phán, công
kích về một việc gì đó, nhưng vài ba tuần không được gặp ông, không được nghe
ông đọc thơ hay “chửi bới”, ai cũng cảm thấy trống vắng như bị thiếu một thứ gì
đó...”
Tôi là người từng bị ông “công kích”. Lần đó, ông có chùm thơ
tứ tuyệt 3 bài đăng tạp chí “Sông Hương”, thấy khoản nhuận bút chỉ bằng loại
bài thơ dài đăng trong một trang, ông liền nổi nóng cự tôi. Là người ít nhiều
đang có quyền mà bị công kích trực diện, lúc đó tôi giận ông, cho là ông không
biết điều và là người nhỏ nhen nữa ! Nhưng rồi nghĩ lại, thấy ông có lý. Trên
văn đàn, thiếu gì những bài thơ dài vài chục câu người đọc quên ngay khi buông
tờ báo; ngược lại, có những bài tứ tuyệt sống mãi với thời gian. Hơn thế, đáng
phải nể trọng thái độ không chịu cúi đầu trước quyền lực của ông; đã có những
cây bút mỗi khi có bài đăng là một lần hàm ơn tòa soạn và sẵn sàng nịnh bợ tổng
biên tập; cả việc ông đòi hỏi được hưởng quyền lợi xứng đáng và công bằng cũng
là điều đáng trọng. Trong đời sống xã hội, đã có bao nhiêu tệ nạn, hư hỏng chỉ
vì thái độ tự ti, nhẫn nhục của lớp người lao động bình thường, để mặc cho quan
chức lộng hành.
Dù vậy, sự “trống vắng” Hải Bằng để lại chủ yếu vẫn là niềm
say mê sáng tạo không mấy ai sánh được. Cuộc đời gian truân với biết bao thiệt
thòi vẫn không đè bẹp được ông, không làm tàn lụi hồn thơ ông đã nói lên điều
đó. Chỉ một lần nghe ông đọc bài thơ dài “Cồn Cỏ” khi bệnh ung thư vòm họng đã
làm sức ông suy kiệt cũng rõ điều đó. Đêm thơ ấy, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập
Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi cùng không ít bạn bè lắng nghe Hải Bằng đọc
bài thơ “Cồn Cỏ” vừa xúc động, vừa hồi hộp lo lắng. Giọng khản đặc mà vẫn hào sảng,
vòm ngực còm nhom và cổ họng mang thương tích của ông đã dồn tất cả sức lực còn
lại cho những vần thơ; có cảm tưởng như ông sẵn sàng chết vì thơ. “... Người chiến
sĩ nơi đây-Tóc xanh trong khói đạn-Lửa reo trong lời thơ-Đêm sờ lên cằm bạn-Râu
dài căng tiếng ca-Mồ hôi đầy báng súng-Như muối mặn phù sa...”
Quả là ông đã vắt kiệt sức mình mới đọc trọn 113 câu thơ tôn
vinh hòn đảo nhỏ tượng trưng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ít
hôm sau, ông phải vào nằm bệnh viện; nhưng rồi ông lại ra với một cuốn sổ dày
khít những bài thơ mới viết. Có thể nói hầu như ngày nào ông cũng làm thơ và 10
năm cuối đời, năm nào ông cũng có tập thơ mới xuất bản. Không phải bài nào cũng
hay, nhưng ông không dễ dãi; nhìn bản thảo có nhiều từ bị gạch xóa thay thế thì
rõ. Thật không hiểu ông lấy sức đâu mà viết. Tập thơ này chưa in xong, ông đã
“khoe” bìa tập mới. Biết là quỹ thời gian không còn nhiều, ông đã hối hả viết,
cả trong những ngày nằm trên giường bệnh. Lại còn vì cả mấy chục năm, do những
éo le của thời cuộc, viết không dễ mà in cũng khó. Làm bài thơ đầu tiên được
chú ý từ chiến khu Ba Lòng năm 1948, rồi năm 1965 có bài “Cồn Cỏ” được giải thưởng
của Báo “Văn nghệ”, nhưng mãi đến năm 1980, tròn 50 tuổi, ông mới được in chung
trong tập “Hát về ngọn lửa”. Cho đến nay, 12 tập thơ của ông đã được xuất bản,
trong đó, tập “Sóng đôi bờ”(1994) được Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học
nghệ thuật Việt Nam trao tặng thưởng và tập “Thơ tình Hải Bằng” được giải thưởng
Văn học nghệ thuật Cố đô.
Có thể nói “Độc hành”, tập thơ thứ 12, tập thơ cuối đời ông
(Nhà xuất bản Văn học-1998) là bản “tổng kết”, là hồi ký bằng thơ về cả cuộc đời
sóng gió gần 70 năm của ông, bắt đầu từ chú bé Vĩnh Tôn 14 tuổi rời gia đình
hoàng tộc giữa kinh thành Huế theo cách mạng. “Chia tay phố phường đạn réo sau
lưng... Tôi ra đi-Đội lá trên đầu-Lá che chở hành quân gấp rút...” (Đoạn I:
“Chia tay từ ấy” trong “Độc hành”) .
“Độc hành” cũng đã ghi lại những tìm tòi sáng tạo của tác giả
trong thể loại tạo hình bằng rễ cây. “... Tôi nói với bàn tay-Tạo niềm vui cho
rễ-Khi lá không còn xanh-Vẫn giữ ngày tháng trẻ... Mỗi mẫu rễ cây khô-Cho tôi
trăm chồi biếc-Đằng sau mỗi ước mơ-Đường đi không biết mệt...” Đọc
những dòng thơ này, chợt nhớ một chiều bên những hố bom, những trận địa pháo
cao xạ trên đồi Phú Vinh (Quảng Bình) 20 năm trước, tôi gặp Hải Bằng tay ôm mấy
gốc cây khô quăn queo. Cứ nghĩ là anh kiếm củi, nhưng trên gương mặt khắc khổ của
anh, cặp mắt bỗng chớp sáng, miệng thoáng nụ cười: “...Tuyệt! Rồi cậu sẽ biết!...”
Những gốc cây khô ấy đã không bị thiêu cháy mà hóa thành tác phẩm, nhờ ngọn lửa
sáng tạo của Hải Bằng. Ngọn lửa ấy cũng là đôi cánh nâng chú bé liên lạc Vĩnh
Tôn-cây bút Văn Tôn của Trung đoàn 101-người câu cá ở Cảnh Dương-nhân viên phát
hành sách Bình Trị Thiên...vượt lên những gian truân của cuộc đời, tạo dựng nên
thi sĩ Hải Bằng với bút lực và tính cách không ai thay thế được. Phải, ở Hội
văn nghệ cũng như bất cứ cơ quan nào, khuyết ông Chủ tịch này sẽ lập tức bầu ra
ông Chủ tịch khác, thiếu vị “Thường vụ” này đã sẵn có người khác thế chân.
Nhưng Hải Bằng với chức vị duy nhất “hội viên”-nhà thơ, chẳng ai có thể thay thế
được.
Trong Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ NXB Hội
Nhà Văn- 2006.
Huế, Tháng 6/1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét