Đã là nhà văn, ai cũng biết sử dụng thủ pháp “hư cấu” -
cũng có người gọi đó là “bịa như thật”. Riêng nhà văn Phùng
Quán, theo thiển nghĩ của tôi, suốt cả cuộc đời ông, từ tác phẩm đầu tiên
cho đến dòng chữ cuối cùng ông viết trên giường bệnh, đều được xây dựng từ những
nguyên mẫu có thực ngoài đời, đều đầy ắp những sự thật anh hùng, bi tráng và
cả đau đớn của thời đại, của kiếp nhân sinh. Ngay cả trong những tác phẩm nổi
tiếng như “Vượt Côn đảo”, “Tuổi thơ dữ dội”, mặc dù tiểu thuyết là thể loại
văn học cho phép nhà văn thả sức tưởng tượng và hư cấu, Phùng Quán vẫn “tận dụng”
tối đa nhân vật, chi tiết có thật ngoài đời. Ví như vị bác sĩ trong “Tuổi thơ
dữ dội”, ông không ngại lấy họ tên thật là Lê Khắc Thiền, một nhân vật khá nổi
tiếng trong ngành y, sau này từng giữ chức Viện trưởng Quân y 108 và Viện
Đông y. Ba trường ca nổi tiếng một thời của ông (“Năm người anh hùng thành
Xê-pát-tô-pôn”, “Võ Thị Sáu”, “Người anh hùng đánh cầu Phú ỐC”) cũng đều viết
về những người anh hùng được ghi danh trong lịch sử…
Cần phải nhắc lại như thế để thấy cảm hứng sự thật chủ đạo
trong những tác phẩm của Phùng Quán là anh hùng ca, là những bài ca tôn vinh
sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ. Đương nhiên, sự vật nào cũng có hai mặt,
nhưng với nhà văn-chiến sĩ Phùng Quán, bất đắc dĩ lắm, ông mới viết về mặt
trái. Đó là trường hợp ông viết bài thơ “Chống tham ô lãng phí”. Giữa lúc dư
luận cả nước đang sôi sục lên án giặc “nội xâm” tham nhũng, thiết nghĩ cũng
nên nhớ lại “quả bom” chống tham nhũng mà nhà thơ-chiến sĩ tiên phong Phùng
Quán đã cho nổ từ nửa thế kỷ trước. Ông đã kể lại với Lê Gia Ninh - một bạn
văn ở Huế, như sau: Trong một dịp đi thực tế ở Nam Định, “qua những xóm làng
chiến tranh vừa chấm dứt”, ông đã gặp “những bà mẹ già quấn giẻ rách, da đen
như củ cháy giữa rừng/ Kéo dây thép gai tay máu ròng ròng” để “trồng ngô trỉa
lúa” nhưng “nước biển dâng cao ướp muối các cánh đồng” khiến “phân người toàn
vỏ khoai tím đỏ”… Vậy mà có một “lũ người tiêu máu của dân/ Như tiêu giấy bạc
giả… “Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên/ nửa chừng bỏ dở…” Trở về Hà Nội, sau
một đêm lang thang giữa mưa rét, bần thần như người ốm, gặp ai
cũng lặng câm, nhà thơ-chiến sĩ về phòng, mặc lại áo trấn thủ, đặt ống điếu
thuốc lào như khẩu Bazoka hướng nòng về phía trước và viết… viết liên tục, từng
chữ, từng câu trào ra đầu ngọn bút: “Bọn tham ô, lãng phí quan liêu/ Đảng đã
phê bình trên báo/ Còn bao tên chưa ai hay?/ Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp,
béo gầy…/ Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ!/ Khắp đất nước đâu đâu chẳng
có!...Trung ương Đảng ơi!... Đảng phải lập những đội quân trừ diệt/ Có tôi!/
Đi trong hàng ngũ tiên phong.” (Trích từ “Thơ Phùng Quán” - NXB Văn học,
2003)
Thật đáng tiếc là sau khi bài thơ “Lời mẹ dặn” (“Yêu
ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/
Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét
thành yêu… Bút giấy tôi ai cướp giật đi/ Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” -
Trích sách đã dẫn) cũng ra đời trong dịp này, Phùng Quán đã phải trả giá đắt
khi “muốn làm nhà văn chân thật/ Chân thật đến trọn đời” (Trích “Lời mẹ dặn”)
Trước đây vì ngại nói sự thật, báo chí thường viết ông “bị tai nạn nghề nghiệp”,
nhưng mấy năm gần đây thì nhiều người đã nói rõ: Vì bị cho là “dính” vụ “Nhân
văn”, ông đã như bị “án treo” suốt 30 năm ! Và nhờ “Đổi Mới”, ông đã được
minh oan, hầu hết tác phẩm của ông đã được xuất bản, trong đó có tác phẩm được
giải thưởng cao của Hội Nhà văn, được tái bản nhiều lần.
Cảm hứng viết về sự thật, lời thề “Chân thật đến trọn
đời” của ông từ nửa thế kỷ trước, đã được thể hiện đậm nét trong cuốn
sách “Phùng Quán - Ba phút sự thật” (NXb “Văn nghệ” TP. Hồ chí Minh.) Chị
Vũ Bội Trâm (vợ nhà thơ Phùng Quán) với sự giúp đỡ của nhà thơ Ngô Minh, đã tập
hợp 15 bài ký của ông - trong đó có những bài công bố lần đầu, có dòng chữ cuối
cùng ông viết trên giường bệnh (năm 1995)…- làm nên cuốn sách này.
15 bài ký đều viết về những con người có thật, sự việc có thật, với cách nhìn
nhân hậu và trào lộng của một con người đã nếm trải, đã thấu hiểu mọi nỗi của
kiếp nhân sinh khiến những trang văn thấm đẫm nước mắt và nụ cười, làm người
đọc xúc động và day dứt khôn nguôi. Ngay cả khi viết về những năm tháng cơ cực,
oan trái của đời mình (Hồi ký “Một năm lao động ở công trường Cổ Đam”), ông
cũng chỉ kể lại một cách bình thản, không oán giận ai và không quên điểm vài
chi tiết trào lộng; có buồn đau thì cũng là nỗi đau của người trong cuộc, chứ
không phải là kẻ đứng ngoài bêu riếu và xỉa xói. Và ngay cả khi kể lại chuyện
mình phải “nói dối”, ông cũng nhắm mục đích giúp bạn đọc hiểu rõ sự thật về một
nhân vật tài danh từng bị “bỏ quên”.
Đó là việc ông “liều mạng” bịa chuyện nhà văn Đoàn Phú Tứ,
nguyên là đại biểu Quốc hội Khóa 1, ủy thác cho ông lên gặp Chủ tịch Quốc hội
xin tiền mua một cỗ áo quan. Lời uỷ thác là bịa, nhưng ông làm thật và Văn
phòng Quốc Hội đã tìm ra danh sách đại biểu Khoá 1 có tên Đoàn Phú Tứ. Lúc
đó, do đồng chí Lê Quang Đạo đi vắng, không ai “duyệt chi” tiền mua áo quan,
nhưng Văn phòng đã kịp mua vòng hoa đến viếng…Tôi hiểu Phùng Quán viết hồi ức
này không chỉ để tạ tội trước vong linh nhà văn đã khuất và Chủ tịch Lê Quang
Đạo về việc mình buộc lòng phải “bịa” lời uỷ thác của Đoàn Phú Tứ mà còn là dịp
để ông kể lại việc Đoàn Phú Tứ - nhà thơ đầu tiên đứng lên chống lại tệ tham
nhũng: Chính là trong bữa tiệc cưới đầy ắp sơn hào hải vị do đại tá, Cục trưởng
quân nhu Trần Dụ Châu chủ hôn, nhà thơ cự phách của nhóm Xuân Thu nhã tập,
thay vì đọc thơ mừng theo lời mời của chủ hôn, đã lớn tiếng nói : “Bữa
tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của chiến
sĩ!” Lúc đó, nhà thơ dũng cảm của chúng ta “lặng lẽ nhổ vào cốc rượu đỏ
như máu đầy tràn trước mặt” sau khi bị tên vệ sĩ theo lệnh Trần Dụ Châu tát bốp
vào mặt, nhưng ngay đêm đó, ông viết một bức thư dài lên Hồ Chủ tịch. Và Trần
Dụ Châu đã bị tử hình như chúng ta đã biết! …
Sự thật về cuộc đời của một nhân vật như Đoàn Phú Tứ, tác
giả bài thơ “Màu thời gian” nổi tiếng (đến mức các tác giả “Thi nhân Việt
Nam” nhận định: “Không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế.”) người
sáng lập ban kịch “Tinh hoa” năm 1936 quy tụ những tên tuổi như Thế Lữ, Vũ Định
Liên, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát…,
dịch giả của nhiều tác phẩm lớn của thế giới… lại có thời phải ra chợ Hàng Da
nhặt vỏ chuối về giúp con nuôi lợn… là đề tài của một trường thiên tiểu thuyết.
Viết về Đoàn Phú Tứ, cũng như những nhân vật nổi tiếng khác (như Văn Cao, Tố
Hữu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung…) cho đến những đồng đội thời
chống Pháp của ông như nhà thơ Hồ Vi, như các liệt sĩ hy sinh ở Huế ngày đầu
kháng chiến và “Người bạn lính cùng tiểu đội” trùng tên với một nhà văn lớn,
nhưng số phận lại thật oái oăm, ông chỉ chắt lọc những chi tiết đắt giá, những
tiếng nói tri âm với mình, để rồi tác giả cùng nhân vật đúc kết, gửi lại hậu
thế điều tâm huyết nhất - bản chúc thư bằng “xương máu” của cả cuộc
đời mình.
Kết thúc câu chuyện chưa đầy 3 trang sách viết về người sinh viên
anh hùng Cu Ba Ăngtôniô Êchxêvania với kế hoạch đánh chiếm Đài Phát thanh quốc
gia của chế độ độc tài Batitsta để có “Ba phút sự thật” - xé toạc bức màn lừa
mị của bọn độc tài, trước khi bị bắn chết, Phùng Quán viết: “Cả những đề tài
lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180
giây đồng hồ với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những
giây đồng hồ quý báu đó.” Với nhà thơ Tố Hữu mà ông gọi bằng “cậu”, sau
32 cái Tết, Phùng Quán mới thăm lại vì ông phải chờ…đến lúc tác giả của “Từ ấy”,
“Việt Bắc” không còn quyền lực gì trong tay nữa, ông thuật lại phút chia tay
giữa hai người: “… Nhà thơ nói vui với vợ tôi: “Thằng Quán nó dại”. Khi ra đến
gần cổng sắt, nhà thơ dừng lại, nói tiếp, như vẫn không dứt dòng suy nghĩ của
mình: “- mà cậu cũng dại…”…Tôi bật cười to:”Thưa cậu, thì chính cậu đã viết
điều đó thành thơ từ nửa thế kỷ trước: Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần!”…Bài
viết về triết gia Trần Đức Thảo, sau khi nhắc việc cái lọ tro đựng thi hài
ông từ Pháp chuyển về phải “tạm trú” dưới gầm cầu thang nhà tang lễ thành phố
50 ngày đêm - một thời gian kỷ lục - để chờ “cấp trên” xem có đủ “tiêu chuẩn”
an táng ở Mai Dịch không, Phùng Quán đã viết: “Nếu tro trong bình kia biết
nói thì tro sẽ nói: “Người cách mạng không nên đòi hỏi hưởng thụ quá những tiêu
chuẩn mà cách mạng đã quy định… Thói đặc quyền đặc lợi đã làm hư hỏng biết bao
nhiêu người tốt!...” Tuy vậy, “chúc thư” hệ trọng nhất mà tác giả muốn gửi
lại cho hậu thế từ các tên tuổi như Trần Đức Thảo, Văn Cao, Phùng Cung, Đoàn
Phú Tứ… có lẽ là trách nhiệm của xã hội đối với nhân tài của đất nước. Trong
bài “Một thoáng Văn Cao”, sau khi nhắc lại kỷ niệm những ngày gian khổ thời
chống Mỹ, có lần Văn Cao hỏi vay Phùng Quán 5 đồng vì “từ sáng đến giờ chỉ
toàn rượu suông, muốn đi ăn bát cháo”, đã kể lại câu chuyện thời chống
Pháp ở “Trung đoàn 101” danh tiếng, khi Phùng Quán được cử vào đội bảo vệ cho
một nhóm văn nghệ có tên tuổi như Thanh Tịnh, Phạm Duy, Bửu Tiến…từ vùng tự
do Khu Bốn vào chiến trường Bình Trị Thiên, Chính uỷ Trung đoàn Trần Quý Hai
đã chỉ thị: “ Nhân tài là báu vật của Tổ Quốc. Những người lính chúng ta
có nhiệm vụ phải chăm nom, săn sóc, bảo vệ họ như con ngươi của mắt mình”.
“Chúc thư” này, Phùng Quán đã thể hiện trong một bài thơ mừng thọ Văn Cao 60
tuổi: “…Chúng tôi thường mơ/ Một hôm nào đó nhạc sĩ Văn Cao bị bốn bề
vây súng giặc/ Chúng tôi sẽ xông ra lấy ngực che đạn cho anh…”
Trong cuốn sách, hồi ký“Người bạn lính cùng tiểu đội” chiếm
số trang nhiều nhất (trên 50 trang), tuy mang cái tựa khá là “khô khan”,
nhưng theo tôi đây là những trang vào lại hay nhất của đời văn Phùng Quán, đậm
đà chất tiểu thuyết với nhân vật mang khát vọng lớn và nỗi đau của con người
như nhân vật của Dostoievsky. “Nhân vật” của “tiểu thuyết” này trước khi trở
thành cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam, đã xông pha trận mạc ở chiến trường
“Bình Trị Thiên khói lửa” và Trung Lào, từng dành mỗi tháng 5 đồng giúp tác
giả “Vượt Côn Đảo” nuôi con hồi ông đang phải bất đắc dĩ làm người câu cá trộm
ở Hồ Tây, từng “vỡ lòng” cho Phùng Quán về niêm luật thơ Đường và văn hào Nga
Dostoievsky; “nhân vật” ấy từng có những trang viết mà một tài năng như Phùng
Quán, sau khi nghe tác giả đọc xong hai chương tiểu thuyết, đã phải thốt
lên: “Tôi muốn nói một điều gì mà cổ tự nhiên tắc nghẹn. Từ đáy lòng tôi
dâng lên một nỗi buồn kinh khiếp. Đó là nỗi buồn khi đọc một nhà văn đồng thời,
và tự phát hiện mình không bao giờ viết nổi những trang viết như anh ta! Buồn
vì tủi thân, và cả vì…đố kỵ…” “Nhân vật” ấy, sau một “tai nạn” như trời
giáng, sau ngày đất nước thống nhất, được một người học trò cũ rước vào TP. HỒ
Chí Minh; ngày chia tay, bạn hữu đến chật căn phòng bé tẹo, đến mức Phùng
Quán đã viết: “Có nơi nào trên trái đất này/ Mật độ nhà thơ như ở đây?/ Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi/ Hai phải đứng vì không đủ chỗ…/ Có nơi
nào trên trái đất này/ Mật độ yêu thương như ở đây?/ Mỗi tấc đất có một người
quỳ gối/ Dâng trái tim và nước mắt/ cho nỗi đau của cả loài người…” Thật
không may, tháng ba âm lịch năm 1981 (vậy là đã tròn một phần tư thế kỷ đã
qua!) “nhân vật” ấy bị tai nạn giao thông, chắc là lúc đang mê mải một tứ thơ
nào đó, đã đạp thẳng xe vào một chiếc xe tải đang cài số lùi; trước cái chết
cận kề, ông đã nói những lời cũng đặc biệt như cuộc đời ông: “Xin lỗi anh, tại
tôi đãng trí…” Và Phùng Quán đã viết: “Có lẽ đây là lần đầu
tiên trong lịch sử tai nạn giao thông, người bị đụng xe lại đi xin lỗi tài xế!”…
Chỉ riêng câu chuyện về nhân vật tai tiếng mà đã thành như
“vô danh” này đủ làm cho cuốn sách có “sức nặng” rất đáng tìm đọc. Cuốn sách
còn có nhiều ảnh lưu niệm quý và tiểu sử Phùng Quán. Nhìn một chuỗi ảnh chân
dung ông, từ chú bé mang quần trắng áo dài đen đến anh “lính cụ Hồ” 1954 và
nhà thơ trong tấm “áo liệm” do Thu Bồn tặng, trên đó có hàng trăm
chữ ký của bạn bè cũng như danh mục dài dằng dặc những tác phẩm Phùng Quán phải
“mượn tên” thuở còn phải “viết chui” - nhìn những sự thật không cần bình luận
này cũng đủ để ta ngẫm nghĩ đến bao bài học đắt giá ở đời…
Nguyễn Khắc Phê
Nguồn: Báo “Văn nghệ” ngày 22/7/2000
Theo http://www.vanchuongviet.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét